Khi công việc thoải mái, cuộc sống sẽ vui vẻ!
Khi công việc là nghĩa vụ, cuộc sống sẽ như tù đày.
The Lower Depths, Maxim Gorky
Bạn muốn đơn giản hóa công việc và cuộc sống của mình? Khối lượng công việc bạn phải đối mặt lớn đến nỗi bạn thường chậm tiến độ? Dường như bạn đang bị công việc kiểm soát?
Nếu vậy, bạn không phải là người duy nhất. Rất nhiều nhà quản lý – đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này – cảm thấy như vậy.
Nhưng có một giải pháp không những cải thiện kết quả của bạn theo cấp số nhân, mà còn giúp bạn đạt được điều đó bằng cách làm việc “ít chăm chỉ” hơn.
Đúng vậy.
Làm sao để trở thành một nhà quản lý hiệu quả hơn? Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn cách làm điều đó. Qua cuốn sách, bạn cũng sẽ học được cách tận hưởng công việc và xây dựng một sự nghiệp hoàn thiện, mà không bị căng thẳng hay phải làm thêm giờ. Cuốn sách còn tiết lộ cho bạn cách để đạt được những mục tiêu cao hơn, mà không phải chối bỏ bản thân, hay nói dối gia đình và bạn bè.
Làm thế nào để thực hiện tất cả những điều này?
Hầu hết các công ty và chắc chắn là gần như tất cả những nhà quản lý đều chú trọng đầu vào hơn là đầu ra. Họ theo dõi các quy trình – 1001 nhiệm vụ mà bạn phải làm hàng tuần. Tuy nhiên, họ nên nhìn vào kết quả – đặc biệt là những gì cho ra kết quả tốt nhất. Nhưng vì cuốn sách này sẽ chỉ ra điều đó nên khi bạn thực sự nghĩ xem việc gì cho ra kết quả tốt, thì câu trả lời sẽ rất đáng ngạc nhiên.
Bạn sẽ sớm khám phá ra rằng, hầu hết những kết quả tốt có được nhờ các hành động và công sức tương đối nhỏ. Nhưng sự đầu tư nhỏ cho ra kết quả lớn thường bị che lấp bởi sự đầu tư lớn cho ra một vài kết quả tốt và rất nhiều kết quả tồi tệ. Các công ty và nhà quản lý thường nhìn vào những con số trung bình, chứ không phải các giá trị cực hạn. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là những điều đó mới thực sự quan trọng.
Chúng tôi biết được điều này vì một nguyên tắc kinh tế mới lạ được đưa ra hàng trăm năm trước bởi nhà kinh tế học người Ý, Vilfredo Pareto1. Từ đó, nguyên tắc này đã được chứng minh bởi vô số những nhà kinh tế học và chiến thuật gia kinh doanh. “Quy tắc Pareto” – mà tôi hay gọi là Nguyên lý 80/20 – là sự quan sát mà nếu bạn chia thế giới thành các nguyên nhân và kết quả, thì một số ít các nguyên nhân (khoảng 20%) gần như luôn dẫn đến hầu hết các kết quả (khoảng 80%). Vì vậy, một số ít người chịu trách nhiệm cho gần như toàn bộ sự phát triển (và cả các thảm họa) của nhân loại. Một vài người đi xe gắn máy gây ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông. Một vài nhà quản lý quyết định sự thành công hay thất bại của công ty. Một vài sản phẩm, một vài khách hàng hay một vài quyết định cũng mang lại phần lớn lợi nhuận cho công ty. Bằng cách tập trung vào một số khách hàng và sản phẩm quan trọng, tức là bán nhiều hơn mặt hàng lợi nhuận cao cho khách hàng tiềm năng, lợi nhuận tăng lên gấp nhiều lần là hoàn toàn có thể.
1 Vilfredo Pareto (1848-1923) là một nhà kinh tế học, xã hội học và triết học người Ý.
Trong cuốn sách này, tôi đề cập đến công việc của những nhà quản lý và số ít việc họ cần làm để đạt được kết quả tối đa. Trước hết, tôi sẽ giới thiệu về Nguyên lý 80/20 và giải thích cách nó hoạt động. Đây là một cuốn sách rất thiết thực, cho bạn biết cách áp dụng Nguyên lý 80/20 vào thực tế theo cách dễ dàng và đơn giản nhất. Nếu bạn dị ứng với số má, bạn có thể bỏ qua Chương hai, phần tập trung giải thích về nguyên lý này (dù vậy, bạn không cần có bất cứ kiến thức nào trước đó, hoặc sự hứng thú đối với kinh tế và số liệu để đọc cuốn sách này). Trái tim của cuốn sách là Phần hai, vì nó cung cấp cho bạn 10 cách để trở thành một nhà quản lý hiệu quả. Hãy an tâm rằng cả 10 kỹ thuật đó đều dựa trên một nguyên tắc kinh tế đã được chứng minh, kể cả khi chúng hoạt động theo một cách kỳ lạ và phản trực quan.
Một nửa cuộc đấu tranh để giúp bạn trở thành nhà quản lý hiệu quả hơn, phụ thuộc vào việc bạn hiểu được thế giới hỗn loạn mà chúng ta sống – nơi hầu hết các cố gắng chỉ phí thời gian, nhưng một vài sáng tạo được lựa chọn tốt sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn và người khác. Khi đọc qua cuốn sách, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều đáng kinh ngạc làm thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống và công việc. Ví dụ:
• Những nhà quản lý cần một đòn bẩy nếu họ muốn biến nỗ lực nhỏ thành kết quả lớn. Chúng ta sẽ xem xét bảy nguồn của đòn bẩy, một số khá rõ ràng, còn một số thì không, nhưng tất cả đều được sử dụng ít hơn mức cần thiết.
• Những nhà quản lý thành công nhất không chỉ giúp cho bản thân mình. Họ còn giúp mọi người kết nối với nhau – đặc biệt là những người không biết về nhau vì họ ở trong những thế giới khác nhau.
• Những nhà quản lý được tôn trọng (và yêu quý) thường dành một ít thời gian mỗi tuần để động viên, hỗ trợ và hướng dẫn nhân viên của họ. Bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng kết quả về mặt hiệu suất và tinh thần cả đội sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều so với nỗ lực cần bỏ ra.
• Những nhà quản lý hiệu quả cũng giải phóng nhân viên của mình, cho họ tự do làm công việc mà họ giỏi nhất. Nhưng cần chú ý rằng đây không phải là một lựa chọn mềm mỏng. Nó đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối và sự rộng mở từ cả hai phía, cũng như việc đạt được các tiêu chuẩn cao.
• Những nhà quản lý không nhất thiết phải thiếu thời gian – trong một thế giới bận rộn đến từng giây, họ vẫn có thể giàu có về mặt thời gian.
• Sự nghiệp thành công có thể được cô đọng lại thành một vài quyết định không thường xuyên nhưng thiết yếu.
• Sự tiến bộ vượt bậc tới từ việc kết hợp sự lười nhác được nuôi trồng với những suy nghĩ thông minh và tham vọng tột độ.
Trong số 10 cách để trở thành nhà quản lý tài giỏi, có một số cách rất dễ thực hiện. Một số khác đòi hỏi công sức, nhưng về mặt sẵn sàng thay đổi bản thân, chứ không phải kiểu nỗ lực như người ta vẫn hiểu là làm việc quần quật và tiến về phía trước một cách mù quáng. Tất cả 10 cách cho ra kết quả lâu dài, không chỉ về mặt tài chính, mà còn mang lại cảm giác hài lòng với bản thân vì bạn đang khiến cho cuộc sống của người khác trở nên tốt hơn.
Điều này nghe có vẻ tốt quá mức nhỉ. Vậy có điều gì cần phải lưu ý không?
Thật ra là có ba điều bạn cần lưu ý.
Để phương pháp này có hiệu quả với bản thân, đầu tiên bạn phải sẵn sàng loại bỏ các suy nghĩ và thói quen làm việc cũ. Bạn cần từ bỏ việc chạy theo số đông và bắt đầu tự mình nghiền ngẫm mọi thứ. Sẽ hơi khó một chút, nhưng rồi bạn sẽ quen thôi.
Thứ hai, bạn phải chọn đúng công việc, đúng công ty và đúng sếp. Nói chung, bạn sẽ có được quyết định tạo nên điều khác biệt, trong một công ty khuyến khích tự do và sáng tạo, thay vì chèn ép nó. Thật không may, hầu hết các công việc và công ty không khớp với tố chất này. Nhưng vẫn có một số công ty phù hợp và cũng khá dễ tìm. Những công ty này thường cực kỳ thành công và phát triển, trong khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh đều giậm chân tại chỗ hoặc đi xuống. Nhân viên làm cho những công ty như thế đều rất vui vẻ.
Thứ ba, bạn phải muốn thay đổi bản thân. Ý tôi là bạn phải thật sự muốn làm, bằng cả trái tim và tâm hồn. Không quan trọng bạn muốn làm gì, miễn là bạn phải nghiêm túc với việc đó.
Nếu ba điều này không làm bạn phật ý, hãy đọc tiếp. Như Karl Marx, một trong những triết gia tài ba nhất thế kỷ XIX đã nói trong một bối cảnh khác, thì bạn chẳng có gì để mất ngoài những xiềng xích bạn đang mang.
Và bạn có thể chiến thắng cả thế giới!