Lời nói đầu
Trong tín ngưỡng dân gian, có thể nói nhà nhà tin Bồ tát Quán Âm, Ngài đã hóa độ tới từng người, từng gia đình. Mọi người nương tựa và tiếp nhận Ngài như là một chỗ dựa vững chắc. Điều này cho thấy, Bồ tát Quán Thế Âm chắc chắn có phương pháp rất tốt trong việc quản lý chúng sinh, mới có thể thu phục được sự yêu thích cùng sự kính trọng của chúng sinh đối với Ngài. Dưới đây, tác giả xin được ghi chép sơ lược về phương pháp quản lý của Bồ tát Quán Thế Âm để thấy được nét đặc sắc đó.
1. Đại từ đại bi
Như trước đã nói, Bồ tát Quán Thế Âm không những được mọi người, mọi nhà tin tưởng tôn trọng, tiếp nhận mà Ngài còn chỉ dẫn cho chúng ta rằng, sống ở trên đời muốn có được sự tôn trọng của người khác, được người khác giúp đỡ và thuận lợi trong công việc thì chúng ta phải nương vào tấm lòng “đại từ đại bi”1. Bồ tát Quán Thế Âm có “lòng từ bi rộng lớn” đã được đề cập đến trong phẩm Phổ môn, với “đôi mắt từ bi nhìn chúng sinh”. Từ bi không có kẻ thù, từ bi mới có thể được yêu mến. Chúng ta có từ bi với mọi người thì chúng ta mới được mọi người đối xử tốt đẹp. Từ bi chính là phương pháp quản lý tốt nhất.
Chú thích:
1 Tâm từ bi rộng lớn của chư Phật, Bồ tát cứu độ tất cả chúng sinh. Luận Đại trí độ quyển 27 nói: Đại từ là ban vui cho tất cả chúng sinh, đại bi là cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Đại 12, 343 c) nói: Tâm Phật là đại từ bi. Phật đem tâm đại từ bi vô duyên nhiếp thụ tất cả chúng sinh. Luận Đại trí độ (Đại Chính tạng, tập 25, trang 256b), nói: Đại từ của Bồ tát đối với Phật là nhỏ, đối với Nhị thừa là lớn, nên tạm gọi là đại. Đại từ đại bi của Phật mới thực là đại. [Luận Phật địa Q.5].
Ví dụ, công ty A chiêu dụng người của công ty B với lời mời là họ sẵn sàng trả gấp đôi tiền lương. Thế nhưng, các nhân viên của công ty B đã được nhận sự ưu đãi rất tốt thì họ làm sao bị lay chuyển mà qua công ty A được!
Tại sao họ không bị cám dỗ với mức lương cao hấp dẫn trước mắt? Thì ra, người lãnh đạo của công ty B đã được những người nhân viên cấp dưới tin tưởng và khâm phục. Ông không chỉ mỉm cười khuyến khích mọi người mà còn quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cũng như phúc lợi và sự phát triển trong tương lai của họ. Ông đã dùng tấm lòng ấm áp để cải thiện môi trường và chất lượng làm việc của những người nhân viên này.
Vì vậy, Bồ tát Quán Thế Âm chính là dùng tâm “từ bi” của mình để quản lý chúng sinh. Ngài đem sáu giác quan của mình hóa thành lòng từ bi. Ngài không chỉ dùng ánh mắt từ bi nhìn khắp chúng sinh, mà còn dùng những lời nói khéo léo để khuyến khích họ. Ngài dùng tâm từ bi để thương yêu chúng sinh, và thậm chí Ngài còn từ bi lắng nghe mọi tiếng kêu khổ của khắp muôn loài để tìm đến cứu độ.
Có thể nói, sáu giác quan của Bồ tát Quán Thế Âm đều là vì phụng sự và tưới tẩm tình thương cho tất cả chúng sinh. Bồ tát Quán Thế Âm chính là nguồn năng lượng của vũ trụ mà nguồn năng lượng này không phải là do Bồ tát Quán Thế Âm quản lý hay sao?
Đặc biệt, Bồ tát Quán Thế Âm không những chỉ có tâm “từ bi” mà còn có đủ “trí tuệ”. Như trong phẩm Phổ môn có nói, Bồ tát Vô Tận Ý1 với lòng kính trọng đã tháo xâu chuỗi ngọc anh lạc trên cổ của mình, dâng tặng Bồ tát Quán Thế Âm. Bồ tát Vô Tận Ý là tượng trưng cho trí tuệ rộng lớn, cho nên Ngài nghĩ rằng từ bi cũng phải có trí tuệ. Do đó, Ngài mới tặng xâu chuỗi ngọc anh lạc là vật tượng trưng cho việc trao trí tuệ cho từ bi. Tuy nhiên, Bồ tát Quán Thế Âm đã có đủ từ bi cùng trí tuệ nên đã từ chối “không nhận” xâu chuỗi ngọc anh lạc kia.
Chú thích:
1 Bồ tát Vô Tận Ý (S. Akṣayamatir bodhisattvaḥ): Dịch nghĩa là Vô Tận Tuệ, Vô Lượng Ý, còn có tên là Vô Tận Kim Cương, hay Định Huệ Kim Cương, là một trong mười sáu vị đại Bồ tát của Hiền Kiếp. Do Bồ tát quán hết thảy nhân duyên quả báo đều vô tận bèn phát tâm cầu chứng công đức vô tận của chư Phật nên được danh xưng này. Phật Quang đại từ điển, mục từ 5133.
Chỉ có trong Phật giáo, giữa sự dâng tặng và thu nhận, không chỉ là vấn đề chúng ta có muốn hay không muốn nhận mà điều này được suy nghĩ khi đứng trên lập trường của đối phương.
Vì vậy, sau đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Bồ tát Quán Thế Âm rằng: “Ngài nên vì mọi người mà hoan hỷ nhận lấy chuỗi ngọc kia để giúp mọi người có cơ hội gieo trồng ruộng phúc”.
Vì vậy, Bồ tát Quán Thế Âm đã nhận lấy chuỗi châu anh lạc và cúng dường lại cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tháp Phật Đa Bảo1 cùng chư Phật ở khắp mười phương. Việc làm này thể hiện Bồ tát luôn vì mọi người mà chia sẻ hết những gì mình có, nó tượng trưng cho tinh thần “lợi hòa đồng quân” trong Phật giáo.
Chú thích:
1 Phật Đa Bảo (S. Prabhūta-ratna): Cũng gọi Bảo Thắng Phật, Đại Bảo Phật, Đa Bảo Như Lai. Theo phẩm Bảo tháp trong kinh Pháp hoa, thì Đức Phật Đa Bảo là người khen ngợi kinh Pháp hoa, là vị Giáo chủ của thế giới Bảo Tịnh phương Đông. (Luận Đại trí độ Q.7; Pháp hoa văn cú Q.8 phần dưới; Pháp hoa nghĩa sớ Q.9; Tuệ Lâm âm nghĩa Q.28).
Bồ tát Quán Thế Âm đã xem mọi người như chính bản thân mình, cùng mọi người đã không còn sự khác biệt nào. Đó chính là phương pháp quản lý của Bồ tát Quán Thế Âm.
Trong xã hội, có một số người vốn là người tốt nhưng lại không biết làm việc tốt, tuy có lòng nhân ái nhưng lại không làm được việc nhân ái, có trí tuệ nhưng lại quá cố chấp với sự công bằng, thật là không hợp tình, hợp lý.
Do đó, muốn quản lý tốt bản thân, gia đình và sự nghiệp của mình thì chúng ta phải có đủ lòng từ bi và trí tuệ như Bồ tát Quán Thế Âm.
Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân của đại từ bi và đại trí tuệ. Trong từ bi có đủ sự sáng suốt của trí tuệ và trong trí tuệ có đủ tấm lòng nhân ái từ bi. Có được như vậy, chúng ta mới có thể quản lý công việc được tốt đẹp.
2. Cứu khổ cứu nạn
Sống trên cõi đời này, đôi khi chúng ta gặp những khó khăn cùng các cảm giác bất lực, lúc đó, chúng ta luôn mong người khác có thể trợ lực giúp đỡ và ngược lại.
Đặc biệt, trong lĩnh vực lãnh đạo, chúng ta muốn quản lý con người thì trước hết chúng ta phải giúp người đó giải quyết được các khó khăn giống như Bồ tát Quán Thế Âm với phương pháp quản lý tốt nhất chính là “cứu khổ cứu nạn”.
Trong phẩm Phổ môn có nói: “Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe được danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm một lòng niệm danh hiệu của Ngài, thì Bồ tát sẽ nhanh chóng xem xét những âm thanh ấy đều cứu họ được giải thoát”1. Đây là những điều được ghi chép thể hiện tấm lòng từ bi Bồ tát hạnh của Ngài như: “cứu thoát ba độc”, “giải trừ bảy nạn”, v.v.
Chú thích:
1 T09, no. 262, trang 56c6 - 8.
Căn cứ theo kinh điển ghi lại, Bồ tát Quán Thế Âm có lòng từ bi rộng lớn nên Ngài đi khắp các cõi nước, cứu độ muôn loài, giải thoát mọi khổ đau, kể cả cứu thoát ba độc và giải trừ bảy nạn cho chúng sinh. Như trong kinh nói:
“Nếu có chúng sinh, lòng nhiều dâm dục, thường cung kính niệm Bồ tát Quán Âm, liền được ly dục. Nếu có chúng sinh, lòng nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Âm Bồ tát, liền lìa lòng giận. Nếu có chúng sinh, còn nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Âm Bồ tát, liền được lìa ngu si”.
Thậm chí là: “Nếu có người niệm Bồ tát Quán Âm, dù vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được. Nếu có người niệm Bồ tát Quán Âm, dù trong nước lớn, liền gặp chỗ cạn. Nếu người có tội, hoặc là không tội, bị trói, xiềng xích, mà niệm tên Bồ tát Quán Âm, thì gông cùm kia, sẽ bị đứt gãy, liền được giải thoát”.
“Ba độc” ở đây được nói đến chính là tham, sân, si bên trong nội tâm của chúng ta. Còn “bảy nạn” là các nạn bên ngoài như: Bị hỏa hoạn, lũ lụt, gió bão, binh đao, nạn quỷ, tù tội và trộm cướp. Thế nhưng, thực tế chính là tâm của chúng ta gây ra những tai họa này. Bảy nạn này ở trong lòng chúng ta là như thế nào? Ví dụ: Cơn giận trong lòng chúng ta giống như nạn hỏa hoạn; sóng ngầm ái dục giống như nạn lũ lụt; lòng kiêu ngạo, hờn ghét giống như nạn binh đao; những tức giận, phiền não, vô minh đen tối giống như nạn gió bão; tất cả sự cám dỗ như tiền tài, nữ sắc, danh vọng, quyền lực, v.v. thì giống như nạn ma quỷ, Dạ xoa, La sát luôn cám dỗ chúng ta đến không ngừng không nghỉ, vô cùng vô tận.
Ngoài ra, nạn bị tù tội tức là chỉ trong lòng chúng ta có nhiều cảm xúc như oán hận, bất bình đẳng, v.v. Những điều này giống như xiềng xích trói buộc thể xác và tinh thần, khiến chúng ta không được tự do. Nạn giặc cướp là chỉ cái tâm của chúng ta có nhiều oán hận như Vương Dương Minh nói:
Bắt giặc cướp trong núi thì dễ
Buông bỏ giặc trong lòng lại khó.
Giặc cướp trong tâm chúng ta có khả năng biến hóa muôn hình muôn dạng, có thể lên trên tận trời và vào trong địa ngục, sẽ không dễ mà diệt được.
Thế nhưng, nếu trong lòng chúng ta có Phật pháp, chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng từ bi bình đẳng của Bồ tát Quán Thế Âm thì những tên giặc cướp đó không những dễ dàng bị bắt mà thậm chí mọi tai họa đều có thể hóa giải. Lấy ví dụ người vướng phải “nạn tù tội” sẽ không được tự do ra ngoài khi thời gian bị giam giữ chưa hết. Nếu lúc này, tù nhân đó ăn năn hối lỗi những việc đã qua, làm tốt những công tác cải tạo trong nhà giam, biểu hiện tốt việc tự nguyện cải tạo, làm nhiều việc tốt cho chính mình và cho trại giam, có được uy tín trong trại giam, được cán bộ quản giáo công nhận, khen ngợi thì tù nhân đó sẽ được giảm nhẹ hình phạt.
Cho nên, với các nghiệp chướng như ba độc và bảy nạn này, chúng ta chỉ cần xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và học theo tấm lòng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Bồ tát.
Đứng trước tượng Bồ tát chắp tay, khi trong lòng chúng ta đã có Bồ tát thì bất kể lúc nào cũng luôn được Ngài thương tưởng, yêu mến. Như vậy, thử hỏi lúc bấy giờ chúng ta có còn ý muốn như đánh đuổi chém giết người khác nữa hay không? Vì vậy, chỉ cần chúng ta tin vào Bồ tát Quán Thế Âm, mọi muộn phiền đều có thể được trút bỏ. Do đó, trong kinh có nói rằng: “Xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm liền có thể được giải thoát”.
Giải thoát ở đây không chỉ là được giải thoát về thân xác, mà chúng ta còn được giải thoát về mặt tinh thần. Gông cùm, xích sắt đó luôn trói buộc, vây hãm, quấn vào tâm, khiến chúng ta không buông bỏ được lòng tham. Nếu khi chúng ta xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm mà trong lòng đã có sự hiểu biết, đã có học tập và hiểu cách mở rộng tấm lòng từ bi, thương yêu mọi người nhiều hơn bản thân mình như Bồ tát, làm được như vậy, thì chẳng phải mọi gông cùm xiềng xích sẽ dễ dàng được tháo gỡ ra hay sao?
Nói cách khác, việc giải trừ ba độc cũng giống như vậy. Nếu trong lòng chúng ta có Bồ tát Quán Thế Âm, có lòng từ bi - được ví như dòng nước mát trong của Bồ tát, thì mọi ngọn lửa oán hận, bất bình đẳng và ác cảm sẽ tự nhiên được dập tắt.
Ngược lại, nếu không có lòng từ bi thì không thể lấp hết hố sâu tham dục, không thể hóa giải tâm oán thù sân hận dẫn đến làm việc ngu dại và không thể thành công. Chỉ khi nào trong lòng chúng ta có Phật pháp, có được giới, định và tuệ thì mới có thể dập tắt được ba độc tham, sân và si.
Vì vậy, chúng ta hoàn toàn không thể bàn luận các việc tín ngưỡng bằng khoa học, mà là nên thảo luận, nhìn nhận từ góc độ của tâm linh và tinh thần.
Nếu trong lòng chúng ta vẫn còn quá nhiều sự vây hãm như oán hận, ghen ghét, bất mãn, trách móc, v.v. thì ai sẽ tới cứu? Chỉ khi nào trong lòng chúng ta có Bồ tát thì mới có thể hóa giải được ba độc và bảy nạn.
Tóm lại, Bồ tát Quán Thế Âm được mọi người đặt niềm tin rộng khắp, là vì Ngài có thể “cứu khổ cứu nạn” cứu giúp chúng sinh thoát khổ. Chúng ta làm lãnh đạo cũng phải học hạnh của Bồ tát, phải bỏ ra nhiều công sức để giải quyết các khó khăn, “cứu khổ cứu nạn” cho chính mình và mọi người. Chúng ta làm thỏa mãn nguyện vọng của mọi người thì mới có thể được họ ủng hộ. Đó là điều rất quan trọng trong công việc lãnh đạo.
3. Chuyên tâm ghi nhớ
“Quản lý” chính là “lãnh đạo”, có thể lãnh đạo mới có thể quản lý. Điều chú trọng đầu tiên của người lãnh đạo chính là thu phục lòng người. Ngạn ngữ có câu: “Muốn điều binh khiển tướng thì phải nắm bắt được tâm của họ”. Đây cũng giống như phương pháp quản lý tốt nhất của Bồ tát Quán Thế Âm trong phẩm Phổ Môn, đó là “chuyên tâm ghi nhớ”.
“Chuyên tâm ghi nhớ” có nghĩa là nhớ được tên gọi của người kia, có thể gọi được chức danh của người kia và có thể nói ra được người kia có lý lịch và hoàn cảnh xuất thân, trải qua những gì, thì mới có thể thu hút sự ưu ái của mọi người. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta nên học về quản lý đó là “chuyên tâm ghi nhớ”.
Như trong một cuộc gặp mặt, trước tiên chúng ta nhận biết và gọi được tên của người khác, thì chúng ta sẽ có được cảm tình của mọi người và có thể xích lại gần nhau hơn.
Đương nhiên “chuyên tâm ghi nhớ” cũng cần phải có “chân tâm thành tín”. Chính là, chúng ta phải giữ được sự “chân thành” đối với người khác. Nếu chúng ta đối xử chân thành với người khác thì người khác chắc chắn sẽ đối xử tốt lại với chúng ta.
Các công tác quản lý trên thế giới, chủ yếu dựa trên quan điểm “con người”, mà công tác quản lý “lòng người” lại là khó nhất.
Thực ra, nếu người quản lý chân chính có lòng từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm, thì công việc quản lý sẽ được thực hiện rất dễ dàng.
Bởi vì, khi mọi người được đối xử từ bi thì ai ai cũng đều vui lòng tiếp nhận, họ sẽ không tránh né hay phản kháng. Cho nên, điều mà Bồ tát Quán Thế Âm quan tâm hơn cả, không chỉ quản lý con người, mà điều Ngài làm chính là quản lý lòng người như thế nào.
Có thể thấy được trong phẩm Phổ môn, Bồ tát Quán Thế Âm dùng phương pháp “chuyên tâm ghi nhớ” để quản lý “lòng người” ở thế gian. Trong cách quản lý này, Bồ tát Quán Thế Âm đã dạy cho chúng ta phương pháp được “chuyên tâm”, cho dù là chúng ta đang mang loại tâm tư trạng thái gì, hay mang tật xấu nào.
Như vậy “chuyên tâm” là gì? Đó chính là nói “một lòng”, không có hai suy nghĩ, hai lòng, hai tâm nào khác cả. Tâm của Bồ tát Quán Thế Âm chính là tâm của chúng ta, tâm của chúng ta và tâm của Bồ tát Quán Thế Âm là một.
“Một lòng” có thể giúp chúng ta giải thoát khỏi mọi khổ đau, có được trí tuệ chân chính, đó chính là “một lòng từ bi”.
“Một lòng” ở đây thực ra cũng chính là mỗi niệm đều với tâm thanh tịnh.
Khi người khác có hành động chống đối và đối xử xấu ác, thậm chí là bài xích và chèn ép, chúng ta sẽ dùng “tâm thanh tịnh” như nước pháp cam lồ tiếp đãi họ và tùy theo hoàn cảnh mà hóa giải vô minh phiền não của họ. Thực hiện theo lời dạy “lùi một bước trời cao biển rộng”, chúng ta một lòng dùng “tâm thanh tịnh” thì có thể xa lìa ác nghiệp ba độc tham, sân, si.
Ngoài ra, trong việc quản lý “một lòng”, chúng ta cần phải noi gương Bồ tát Quán Thế Âm:
Buông bỏ cái có, sẽ không còn tham
Bận rộn để vui, sẽ không còn khổ
Chăm chỉ làm giàu, sẽ không còn nghèo
Nhẫn nhịn gắng sức, sẽ không còn sợ.
Bồ tát Quán Thế Âm có rất nhiều tên gọi như: Quán Tự Tại, Viên Thông Đại sĩ, Đại Bi Thánh giả, Chính Pháp Minh Như Lai, v.v.
Công dụng của việc xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm mang lại trợ giúp rất lớn cho chúng ta. Giống như, khi chúng ta kết bạn làm ăn, chúng ta có thể nói nhiều những lời khen ngợi với đối tác sẽ giúp ích rất nhiều cho sự thành công, thuận lợi, hanh thông cho chính bản thân mình.
Bởi vì, giữa người với người, chỉ có chân thành khen ngợi, “tâm có nghĩ, thì miệng mới luôn nhắc đến” sẽ giúp hai bên hòa hợp vui vẻ và thông cảm cho nhau.
Vì vậy, sống trên thế gian này, nếu chúng ta học nói những lời yêu thương, độ lượng, chúng ta sẽ có được sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa bạn bè và đồng nghiệp. Đó cũng chính là phương pháp quản lý “chuyên tâm ghi nhớ” của Bồ tát Quán Thế Âm.
4. Chia sẻ an nhiên
“Chia sẻ” trong Phật giáo gồm có ba phần, đó là chia sẻ về mặt vật chất, chia sẻ tri thức cuộc sống, phương pháp tu tập và chia sẻ sự an vui, không còn lo lắng ưu sầu.
Thí vô úy chính là giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi sự kinh hãi sợ sệt để thân tâm được yên ổn. Ví dụ, nếu một người nào đó gặp tai nạn và hoảng loạn thì chúng ta phải có hành động thiết thực hoặc có lời nói chân thành mang lại lợi ích làm giảm bớt sự hoảng sợ cho họ thì đó chính là chia sẻ an nhiên. Như người lính trẻ phục vụ cho đất nước, mang lại sự ổn định cho xã hội, đó cũng là chia sẻ an nhiên.
Trong xã hội, trong các mối quan hệ giữa con người với nhau, điều khiến mọi người nảy sinh nhiều ngăn trở nhất, chính là lo sợ và khủng hoảng. Cho nên, Bồ tát Quán Thế Âm không chỉ “cứu khổ cứu nạn” mà Ngài còn đem đến cho mọi người sự “an nhiên” (không sợ hãi).
Như trong phẩm Phổ môn có nói: “Quán Thế Âm đại Bồ tát có thể khiến cho mọi người được yên ổn trong chỗ hoạn nạn nguy cấp, vì thế chúng sinh ở cõi Ta Bà này đều gọi Ngài là Thí Vô Úy. Do Bồ tát Quán Thế Âm “tầm thanh cứu khổ”, lắng nghe khắp các âm thanh khổ não của chúng sinh mà đến ban vui cứu khổ - cho nên danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm còn được gọi là “Thí Vô Úy giả” (Người ban sự không sợ hãi).
Ý nghĩa của thí vô úy (ban an vui, không sợ hãi) cũng giống như những người có cách thức và năng lực bảo vệ những người yếu đuối nhỏ bé bằng những câu an ủi như: “Đừng sợ, đã có tôi đây”.
Đây là sự bố thí rất quan trọng về tinh thần cho mọi người. Bởi vì trong cuộc sống, mọi người đều đối mặt với một số nỗi sợ hãi như: Sợ bị người hãm hại, sợ bị người bắt nạt, sợ bị người bắt cóc hoặc sợ gặp phải kẻ xấu.
Vì vậy, chúng ta không chỉ tin vào Bồ tát Quán Thế Âm, trì niệm danh hiệu của Bồ tát để bản thân mình được vô úy (không còn sợ hãi). Đồng thời, ta còn phải giống như Bồ tát Quán Thế Âm, đem vô úy thí (đem sự trấn an) cho mọi người không còn lo sợ.
Nói cách khác, Bồ tát Quán Thế Âm có thể bố thí cho chúng sinh sự không sợ hãi, cũng giống như việc chúng ta cần phải đề cao năng lượng của chính mình, làm một người bảo hộ chúng sinh có đầy đủ “tâm từ bi, sức trí tuệ, lực dũng mãnh”.
Chúng ta phải phát nguyện giống như cách “thí vô úy” (chia sẻ an nhiên) của Bồ tát Quán Thế Âm: Làm chiếc ô che chắn cho chúng sinh trước gió mưa; làm ánh sáng cho chúng sinh tiêu trừ sự hoảng sợ trong đêm tối; làm thuyền bè cho chúng sinh thoát khỏi biển khổ mênh mông; làm nhà cho chúng sinh để họ có chỗ che sương nắng, chắn gió.
Nếu chúng ta thực hiện phương pháp “chia sẻ an nhiên” của Bồ tát Quán Thế Âm trong quản lý, với tư cách là một nhà lãnh đạo thì trước khi chúng ta có thể quản lý người khác, chúng ta phải để đối phương tin tưởng, cảm thấy an toàn và không còn sợ hãi.
Nếu chúng ta nói với cấp dưới của mình rằng: “Đừng sợ, mọi việc tôi sẽ chịu trách nhiệm” thì chúng ta nhất định là một nhà lãnh đạo rất thành công.
Do đó, một người biết cách làm việc, biết cách quản lý mọi việc, không nóng nảy, không lớn tiếng chính là người có năng lực thu phục người khác. Và người đó còn có tấm lòng từ bi “chia sẻ an nhiên” không để cho đối phương lo sợ. Có thể làm cho mọi người không cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc thì mới là người thực sự biết đối nhân xử thế và đó cũng là tinh hoa đẳng cấp nhất trong quản lý.
5. Đáp ứng nguyện vọng
Bản tính của con người là thích lợi ích. Vì vậy, để “quản lý” chúng sinh trong thế giới này được tốt, Bồ tát Quán Thế Âm không chỉ có lòng đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, ban an vui, khiến chúng sinh không lo âu sợ hãi, mà đặc biệt Ngài còn có thể đáp ứng nguyện vọng của mọi người.
Như trong phẩm Phổ môn có nói: “Nếu có người nữ, muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Bồ tát Quán Âm liền sinh con trai, phúc đức trí tuệ. Nếu cầu con gái, liền sinh con gái tướng mạo đoan trang, do trước đã trồng rất nhiều phúc đức, ai thấy cũng đều quý mến”. Trong kinh này cũng nói: “Muốn cầu làm thân nam thì được thân nam, muốn cầu làm thân nữ thì được thân nữ”. Ý nghĩa chủ yếu của câu này nói rõ, Bồ tát Quán Thế Âm hy vọng mỗi người đều trở thành người nam minh triết, bởi vì trong xã hội, thông minh trí tuệ là rất quan trọng. Thế nhưng lòng từ bi cũng rất cần thiết, cho nên lòng trắc ẩn và tình yêu thương cũng có thể trở thành mô phạm trên thế gian.
Nói như vậy không có nghĩa là người phụ nữ không có trí tuệ, mà ở đây muốn nhấn mạnh người đàn ông có trí tuệ sáng suốt hơn thì càng phải làm nhiều việc hơn, như để lãnh đạo đất nước, phục vụ nhân dân, hay dùng trí tuệ để phát triển khoa học và tạo lợi ích cho nhân dân.
Thế nhưng, ở một phương diện khác, lòng nhân ái từ bi của người phụ nữ lại vượt trội hơn phái mạnh. Cho nên trong quản lý, đôi khi chúng ta cần phải sử dụng trí tuệ và cũng cần phải sử dụng lòng từ bi bác ái.
Với một số người không nghe lý luận, khi đó chúng ta nên cho họ một ít tiền cùng đồ vật, cho họ nhân duyên tốt đẹp thiện lành, thì người đó sẽ có thể chấp nhận chúng ta, đây cũng là sự thuận tiện trong việc quản lý.
Một người lãnh đạo ngoài việc có lòng từ bi và trí tuệ thì còn phải có nhiều nhân duyên phúc đức. Để “Phúc nhiều như biển lớn” là ý nói việc gieo duyên lành với nhiều người, cho nên Bồ tát Quán Thế Âm quản lý chúng sinh bằng bốn nhiếp pháp: Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp1.
Chú thích:
1 Bốn nhiếp pháp (S. catvāri saṃgraha-vastūni; cattni saṃgaha-vatthūni): 1. Bố thí: đối với người ham tài thì bố thí tài, thích giáo pháp thì bố thí giáo pháp. 2. Ái ngữ nhiếp: dùng ngôn ngữ ôn hòa từ ái khiến người sinh tâm hoan hỷ. 3. Lợi hành nhiếp: dùng hành vi lợi người để cảm hóa người. 4. Đồng sự nhiếp: tự hạ địa vị mình bằng đối tượng để thuận tiện hóa độ.
Đồng sự nhiếp là gì? Đó là cộng sự với tất cả chúng sinh, để làm lợi ích cho họ. Ví dụ như, mọi người trong cùng một đơn vị, tuy chức vụ có cao thấp khác nhau nhưng nhân phẩm đều bình đẳng, không có khoảng cách.
Giữa con người với nhau, “tôn trọng” xuất phát từ suy nghĩ của người khác. Có thể trở thành “người quản lý” là do những gì người khác làm cho chúng ta, chứ không phải những gì mà một cá nhân có thể làm được. Vì vậy, để lãnh đạo một tập thể, chúng ta phải có quan điểm bình đẳng, mới được mọi người ủng hộ.
Ngoài ra, nếu một đoàn thể muốn chung sống hòa thuận, thì phải thay đổi việc chỉ trích bằng những lời khen ngợi, thay thế tiêu cực bằng những tích cực.
Trong mọi việc, chúng ta cần phải nghĩ về điều tốt, đem tâm bình đẳng, tâm thư thái hòa nhã, vui vẻ dịu dàng giúp đỡ người khác. Đây là phương pháp quản lý của “Bồ tát Quán Âm viên dung vô ngại” mà các nhà lãnh đạo nên học hỏi.
6. Tùy duyên hóa độ
Bồ tát vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sinh lặng
Bồ đề hiện bóng hình.
Bồ tát Quán Thế Âm như một vầng trăng sáng chiếu khắp muôn nơi, “thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt” (Ngàn sông ngàn nước, ngàn trăng hiện), chỉ cần chúng ta có tấm lòng thanh tịnh, thành tâm khẩn cầu, thì Bồ tát Quán Thế Âm sẽ có thể tùy duyên ứng hiện, cứu độ cho chúng ta.
Như trong phẩm Phổ môn đã nói: “Bồ tát Quán Thế Âm nên dùng thân gì để được độ thoát chúng sinh thì liền hiện thân đó mà nói pháp”. Cho nên Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện hóa thân thành 32 hình tướng như: Thân Phật, thân Thanh văn, thân vua Phạm Thiên, thân Đế Thích, thân Tiểu vương, thân Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà la môn cho đến Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và đến thân Phụ nữ, Đồng nam, Đồng nữ thậm chí là thân Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhân, Phi nhân, v.v.
Vì muốn cứu độ chúng sinh, Bồ tát Quán Thế Âm tùy theo ngôn ngữ, thói quen, cũng như nhu cầu của chúng sinh mà ứng hiện ra 32 hóa thân và 19 phương pháp thuyết pháp là điều rất tuyệt diệu trong quản lý.
Ý ở đây muốn nói, cho dù chúng ta có quản lý người nào thì chúng ta cũng không thể cứng nhắc vào một quy tắc cố định, không chỉ là trên mặt hình thức hay cách thức mà cần phải hướng tới các đối tượng đó. Chúng ta phải tìm hiểu về thân phận, giới tính, độ tuổi, trình độ và thậm chí là sở thích, tính cách khác nhau của họ, rồi tùy theo trình độ của mỗi người mà giáo hóa. Làm được như vậy thì mới hợp tình hợp lý, mọi người mới tiếp nhận chúng ta.
Cũng giống như mọi người thường hỏi tôi, Phật Quang Sơn dùng phương pháp gì để quản lý? Thực ra, chính là tôi học tập từ Bồ tát Quán Thế Âm, tức là quán sát cơ duyên chúng sinh, sau đó tùy theo hoàn cảnh mà nói pháp cho họ nghe. Ví dụ như, có quân nhân đến thăm, tôi sẽ nói về quân luật cho người đó nghe. Nếu tiếp chuyện với doanh nhân, tôi sẽ nói về luật quản trị kinh doanh. Hoặc khi tôi tiếp xúc với thanh thiếu niên nam nữ, tôi sẽ nói về các vấn đề giáo dục cho họ nghe.
Quan niệm của tôi, giống như Bồ tát Quán Thế Âm chính là “nên dùng thân gì để độ thoát chúng sinh thì liền hiện thân đó mà nói pháp”. Ví dụ như: Để có nhân duyên hóa độ cho tầng lớp trí thức, tôi sẽ xây dựng trường đại học. Để có nhân duyên hóa độ cho hội Phật tử ở chùa Phật Quang, tôi sẽ thiết lập nên Hội Phật Quang. Để có nhân duyên hóa độ các thầy cô xuất gia tu học, thì tôi sẽ xây dựng am, cốc, tự viện để họ có nơi tu học. Để có nhân duyên hóa độ học viên thích học Phật, tôi sẽ thiết lập nên Phật học viện. Để có nhân duyên hóa độ thanh thiếu niên, tôi sẽ thiết lập nên Đoàn thanh niên. Để có nhân duyên hóa độ cho học sinh, sinh viên, tôi sẽ thành lập nên Hội học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, để hoằng dương Phật giáo trong xã hội, tôi thường bay tới châu Âu, châu Mỹ, sau đó lại tới châu Úc. Vì để thu hút các bậc nhân sĩ ở nước ngoài, tôi đã đến các nước Kitô giáo, hoặc lại đến đất nước Hồi giáo, để thuyết giảng hoằng dương Phật pháp cho nhiều Hoa kiều sinh sống ở đây, nên tôi thành lập đạo tràng, chùa viện, trường học, v.v. tạo cơ hội cho mọi người về tu học. Có thể nói, tôi vẫn luôn cố gắng học tập về các phương diện tùy cơ ứng hóa của Bồ tát Quán Thế Âm.
Trên thực tế, cũng không phải chỉ có một mình tôi, mà mỗi người chúng ta thực sự có thể học theo hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta đều có thể hóa thân ra hàng chục tỷ thân phận khác nhau.
Chỉ cần, trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta đều có thể làm tốt vai trò trách nhiệm của mình đối với gia đình, công ty, xã hội và rộng ra cho đến toàn thể đất nước. Như vậy, mọi người chúng ta đều đã là tùy duyên ứng hóa như Bồ tát Quán Thế Âm rồi!
Kết luận
Điều quan trọng nhất trong “quản lý” là cần quản lý tốt bản thân trước rồi mọi việc sẽ tự nhiên tiến triển dần dần. Đặc biệt, trong bất kỳ ngành quản lý nào, vấn đề trước tiên và quan trọng nhất chính là hai chữ “trách nhiệm”.
Dù ở tại nơi làm việc, hay ở trong gia đình và rộng ra cho tới toàn thể đất nước, tất cả những người lãnh đạo, hay thậm chí là mỗi một thành viên trong đoàn thể lãnh đạo, đều phải có tinh thần trách nhiệm.
Nếu người lãnh đạo chưa có được tinh thần trách nhiệm như Bồ tát Quán Thế Âm thì họ có thể thoải mái tự tại để trở thành Phật, vì họ đâu có phải bận tâm khi nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh mà tới cứu độ?
Vì vậy, mỗi người chúng ta khi đến thế gian này đều phải sống cho xứng đáng với bản thân và ý nghĩa của cuộc đời này, tức là phải biết gánh vác “trách nhiệm”.
Nói cách khác, chúng ta tin vào Bồ tát Quán Thế Âm và học cách quản lý của Bồ tát Quán Thế Âm, đó chính là mục tiêu cuối cùng của “niệm Quán Âm, thờ Quán Âm, không bằng chính mình làm Quán Âm”. Nếu chúng ta làm được như vậy mới có thể trở thành một chuyên gia quản lý thông minh và tài giỏi giống như Bồ tát Quán Thế Âm.