S
au nhiều công sức và tâm huyết, tập bản thảo Quảng Ninh đất mạ anh hùng của nhà văn Dương Thiên Lý đã hoàn thành. Có thể nói, đây là thành công mới của tác giả trên con đường sáng tác văn chương đầy gian nan và thách thức.
Nhà văn hiện đang sống và làm việc tại Bình Phước. xa quê mấy chục năm, tưởng cuộc đời rồi sẽ yên ả, bình lặng trôi đi như bao cuộc đời khác. Nhưng không. Người con quê Quảng Bình ấy lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết, hừng hực con tim. Những trang sách lần lượt hiện ra. Khi là thời cuộc, nhân tình thế thái. Khi là chính cuộc đời mình với bao nhiêu biến cố phải chịu đựng, dằn vặt, đắng đót... có lúc tưởng chừng không thể vượt qua.
Mới năm kia, tác giả cho ra đời tập Điểu Ong - Huyền thoại một anh hùng, dựng lại sống động cuộc chiến đấu gian khổ mà hào hùng của nhân dân các dân tộc Stieng, Ê đê, Cà Răng... trên mảnh đất Phước Long, Bình Long - Bù đăng, Bù đốp... nơi mình đang sinh sống. Đó là một tấm lòng, một tri ân.
Còn giờ đây, tập Quảng Ninh đất mạ anh hùng lại là một tấm lòng, một tri ân khác nữa. Tác giả giành cho quê mẹ, nơi mình được sinh ra, nuôi dưỡng, khôn lớn và trưởng thành.
Có cảm giác, viết Quảng Ninh đất mạ anh hùng, tác giả như được trở về nhà mình, về với mẹ, với cha, với người thân anh em bè bạn, với làng xóm, với dòng sông, ngọn núi, với cồn cát hoang hoải bốn mùa nắng gió.
Có lẽ sở trường ngòi bút Dương Thiên Lý là viết về những ký ức. Ký ức tuổi thơ, ký ức gia đình, bạn bè, lồng trong khung cảnh thiên nhiên nơi dải đất miền Trung đẹp đẽ mà khắc nghiệt.
Xin dẫn ra đây mấy đoạn dài những tình cảm sâu lắng rất cảm động mà không dễ gì ai cũng viết được:
+ Thử hỏi có cuộc chiến tranh nào dằng dặc gặm nhấm mảnh đất quá chừng bão giông và nhiều tần tảo này. Mảnh đất mỏng manh đầy bóng giặc như cái bánh đa rắc hạt mè đen dễ gãy dễ bẻ, như dáng hình của mạ ngàn năm dướn căng thân mình gầy guộc ra đại dương, bền bỉ chở che cho con cho cháu, cho gia đình được bình an yên ả truyền kiếp như thế này.
Nhưng làm sao mà yên ả được khi hình sông thế núi, con người non nước này cứ như có một sự lựa chọn vô hình vô ảnh nào đó phải luôn luôn đứng ở tuyến đầu chống chọi lại cái ác, cái phi nhân từ bốn phương tràn tới.
+ Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng, mạ tôi không bán, cứ để dành cho cậu chạm ngõ. Hết vụ cau này đến vụ cau khác, hết buồng cau này đến buồng cau khác, những trái cau già rụng xuống gốc đã mọc lên từng đám cau non mà cậu tôi vẫn chưa về.
Nhiều đêm mạ tôi ra đứng dưới gốc cau, chắp tay vái: “Ba hồn bảy vía chú Lĩnh ơi, cậu Doản ơi… các em ở đâu về với chị đi”.
+ Lại nói đến những cái bóng liêu xiêu lúp xúp của đám người khai thác cây rười. Họ đi chân nọ nối chân kia loạng choạng bởi trên vai thì gánh củi rười đè nặng, dưới chân thì cát trắng lún sâu. Ấy vậy mà đám người vẫn lầm lũi bước, họ cứ chồm về phía trước như sắp bổ chúi bổ dụi xuống với cát.
Đất Quảng Bình - người Quảng Bình là thế. Đâu còn là tả, là cảnh, là văn chương chữ nghĩa nữa? Mà là lòng, là hồn, là chính máu thịt cuộc sống thiêng liêng đụng chạm đến trái tim người đọc rồi.
Theo lời kể của mạ, những tên người, tên đất dần dần hiện ra qua những tình tiết, những câu chuyện có thật, được sắp xếp theo trình tự thời gian, theo sự phát triển của cuộc kháng chiến.
Đó là ông Ké, ông Thuyên, ông Lao, ông đại... theo Việt Minh bị chúng lùng sục, bắt giết thê thảm.
Là các đồng chí chỉ huy Nguyễn Trung Thầm, Ba xuân... các nữ thanh niên như chị Bích, chị Giới... hay bà Hải, bà Nụ... kiên trung, dũng cảm.
Là các tên làng Quảng xá, Hiển Vinh... cùng các con sông Kiến Giang, con sông Long đại... mà dòng chảy đã chảy trong thơ ca, trong lịch sử và vẫn đang chảy ngoài đời...
Đặc biệt ở đây có hai câu chuyện được giành ưu tiên, đó là câu chuyện về o Tốt và chú bé chim Yến. Nói ưu tiên là bởi nó được giành nhiều chương đã đành. Nhưng hơn cả là những hành động, việc làm thực tế dẫn đến chiến công mà ẩn sâu trong đó là những diễn biến tư tưởng, tính cách, tâm lý nhân vật được tác giả công phu xây dựng khá lớp lang, bài bản. Ví như tình huống oái ăm, trớ trêu giữa một bên là mối tình đầu đời đẹp đẽ với anh Sắc, một bên là quan hệ vợ chồng bất đắc dĩ với thằng đồn phó tên Càn mà o Tốt ở trong tình trạng không thể thanh minh được, một mình mình biết, một mình mình hay (Nguyễn Du), phải tự tìm ra cách giải quyết để mà giải thoát, trở về với đồng đội, với nhân dân, trở về với chính mình và tình yêu của mình.
Nhân vật chim Yến lại có vẻ đẹp của tuổi trẻ tinh khôn tháo vát, quyết liệt khi biết nhanh trí chèo lái chiếc thuyền đang chở đám quan quân ô hợp vào đúng vùng nước xoáy, vừa để đánh đắm bầy lũ kẻ thù, vừa để mình có cơ hội thoát hiểm trong gang tấc.
Hay trường hợp viên quan Pháp, tại buổi tra khảo dân làng, sau một hồi lồng lộn quát tháo và bắn giết, hắn phải chùn tay, đánh rơi khẩu súng chỉ vì một tác động tâm lý tình cảm trực tiếp để rồi sau này giác ngộ, lại mang theo khẩu súng ấy gia nhập hàng ngũ kháng chiến.
Điều ấy là hợp lý, đã từng xảy ra không ít trong thực tế.
Như thế, chỉ cần tác giả am hiểu và tôn trọng là nhân vật chuyện có chiều sâu, phù hợp với cuộc sống đa dạng, phức tạp và nhờ đó, câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Cuối cùng xin nói đến cách dẫn chuyện nhẹ nhàng mà kín đáo. Suốt chiều dài mấy chục năm tập sách, ta thường gặp mạ kể rằng... mạ kể rằng tự nhiên nhỏ nhẹ để dẫn vào một câu chuyện nào đấy. Như thế nó tạo không khí người trong cuộc đang nhớ lại, nhắc lại những việc, những người, những chuyện mình đã chứng kiến, đã trải qua. Mà ngôn ngữ cũng là ngôn ngữ của mạ, những từ địa phương Quảng Bình không thể lẫn lộn nơi nào khác.
Nhờ vậy, tính chân thực lịch sử và sắc thái vùng miền quê hương xứ sở được tăng thêm, đậm thêm và sức thuyết phục, hấp dẫn của tác phẩm theo đó cũng tăng thêm, đậm thêm.
Người viết những lời này tin rằng, bạn đọc sẽ cảm kích bội phần, thêm kính yêu trân trọng bội phần khi biết thêm rằng, người mạ đứng ra dẫn chuyện ở đây chính là bậc sinh thành của tác giả, nhà văn Dương Thiên Lý. Bà hiện vẫn còn sống, nay đã sang tuổi 97 và bà là Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên vùng đất lửa anh hùng./.
Đặng Văn Toàn
Tháng 8/2016
DƯƠNG THIÊN LÝ
với “ Quảng Ninh - Đất Mạ anh hùng”
BÙI THỊ BIÊN LINH
Tôi kết thân với Dương Thiên Lý, “người đàn bà tuyến lửa” vì nhiều lẽ: Chị là một nhà giáo, người đồng nghiệp cùng tôi. Là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước, tác giả của gần hai chục đầu sách, bao gồm Tiểu thuyết, Bút ký và Thơ. Dương Thiên Lý là một trong những cây bút tiêu biểu hàng đầu đóng góp không nhỏ cho phong trào văn học ở một miền đất. Người con gái của Quảng Bình vùng tuyến lửa dữ dội thời chống Mỹ này, suốt những năm chiến tranh luôn ngập tràn khói lửa. Người dân Quảng Bình trong đó có chị đã từ khói lửa vươn lên, mạnh mẽ, kiên trung trong chiến đấu cũng như trong gian khổ để mưu sinh. Có lẽ, mảnh đất gian lao mà anh dũng kia đã góp vào tính cách Dương Thiên Lý một nét riêng, mạnh mẽ, cương trực, giàu ý chí và nghị lực. ai từng gặp và chuyện trò với nhà giáo, nhà văn nữ này, đều cảm nhận một nhiệt huyết như lửa của chị. Rực lửa trong công việc, trong mê dắm thi ca, trong tình yêu và khát khao hạnh phúc của chị.
Đọc “Quảng Ninh, đất Mạ anh hùng” của Dương Thiên Lý, tác phẩm viết về quê hương chôn rau cắt rốn của mình. Nơi cội nguồn, máu thịt, nên Dương Thiên Lý đã viết tiểu thuyết lịch sử - tư liệu này bằng nhiệt huyết, cảm nhận chân thành và ý thức trách nhiệm với tình yêu quê hương của một người hướng về nguồn cội. Phải nói, trên trang viết, một cảm xúc chủ đạo luôn luôn chất chứa, luôn sống động và vẹn nguyên hơi thở đời sống tươi rói của lịch sử những năm tháng, không màu mè, tô vẽ. Hiện thực đời sống trên sự vận động chảy dài của những dòng văn luôn trữ tình, đủ sức làm xốn xang, da diết cảm xúc trong con tim người đọc.
Lần theo dòng chảy, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… tựa vào những sự kiện có thực trên một miền quê, Dương Thiên Lý có những trang viết về quê hương với những dòng văn thật cảm thương, xa xót. “Thử hỏi có cuộc chiến tranh nào dằng dặc gặm nhấm mảnh đất quá chừng bão giông và nhiều tồn tro này. Mảnh đất mỏng manh đầy bóng giặc như cái bánh đa rắc hạt mè đen dễ gãy dễ bẻ, như dáng hình mẹ ngàn năm rướn căng thân mình gầy guộc ra đại dương, bền bỉ che chở cho con, cho cháu cho gia đình được bình an yên ả truyền kiếp như thế này (trang 5) rồi những đoạn thật gợi cảm, thiết tha không kém khi nhà văn tái dựng một không gian trực giác với chiều sâu của tư duy, qua ví von, liên tưởng:
“Thăm thẳm chiều sâu, ngút ngàn chiều dài, chịu đựng bền dai hơn nữa. Lặng lẽ như cỏ cây, như nắng gió như miền rơm rạ, tro trấu vấn vương chung thủy, mùa lại mùa trên những cánh đồng im ắng mênh mông… ( trang 5)
Người đọc có cảm nhận, ngỡ như cầm nắm được cái mặn mòi của muối trên bãi biển quê hương Quảng Ninh, có cả cái nóng của lửa, cái bâng khuâng của gió biển trên những trang với nghệ thuật mổ tả khá khái quát, điển hình. Dương Thiên Lý đã giành cho sự khai thác và làm sống dậy những nhân vật anh hùng trong tác phẩm đậm chất sử thi. Họ là những con người bằng xương bằng thịt. Họ yêu nước, yêu nhà. Họ “thẳng băng, nhọn hoắt”. Họ “như thép trong chiến đấu, nhưng họ cũng thật bình dị, khát khao tình yêu hạnh phúc. Khao khát Tổ quốc quê hương cùng nhất tề đứng dậy, mau thoát khỏi ách nô lệ của quân cướp nước, của lũ thực dân, sẵn sàng hy sinh, “hóa thân cho dáng hình xứ sở.” “ Làm nên đất nước muôn đời “…. (Thơ: Nguyễn Khoa Điềm)
Tôi thật ấn tượng khi Dương Thiên Lý về những người phụ nữ:
“Mạ tôi ngồi đó, mắt nhìn xa xăm nói rất nhiều với cậu tôi. Mạ biết chỉ có lúc này đây, rồi xa cách, biết có ngày gặp lại. Mạ tôi cười nhòe trong nước mắt, chậm rãi nói với câu “cô Giỏi con ông được ở làng bên, chị ướm hỏi cho em rồi. Nó ngoan lắm. Cậu tính sao?
Cậu Doãn cười “lần sau em về chị cho em buồng cau, cơi trầu chạm ngõ nhé”
Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng mẹ tôi không bán cứ để giành cho cậu… hết vụ cau này, đến vụ cau khác… trái cau già rụng xuống gốc đã mọc lên từng đám cau non mà cậu tôi vẫn chưa về.”
Hình ảnh trong đoạn văn này không mới, nó mang hơi hướng từ những câu truyện, những khắc khoải nhiều người quen nghe. Tuy nhiên, khi đặt vào “nơi đắc địa” trang văn bỗng gợi, bỗng ám ảnh người đọc.
Viết Tiểu thuyết lịch sử, với tác phẩm này, Dương Thiên Lý đã khá công phu, trước thời gian, tâm sức để tìm hiểu, ghi chép, kiểm nghiệm, đối chiếu những tư liệu lịch sử... sự dày công ấy đã đem đến cho người đọc những trang viết khá sống động những hiện thực bộn bề ở một vùng tuyến lửa, của quê hương Quảng Ninh từ thời kì chống Pháp với sự gian khổ, hy sinh mất mát của những gia đình những con người nơi đây. Nhưng, nếu chỉ là những trang thống kê tư liệu Lịch sử khô cứng, những dòng tư liệu sao chép bình thường, chắc chắn sẽ không động, không gây được cảm xúc, hứng thú, lôi cuốn và hấp dẫn người đọc.
Với hai phía: Một bên là hiện thực của cuộc đời, mảnh đất. Với một phía là tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ cầm bút. Tiểu thuyết lịch sử - “Quảng Ninh, đất Mạ anh hùng” của Dương Thiên Lý đã chắp cánh cho sự kiện bay lên. Nó không dừng lại ở một phía giá trị phản ánh. Mà, nhờ cảm xúc của nhà văn, chất trữ tình của nghệ thuật văn chương chuyển tải. Nhờ đặc trưng mang thế mạnh của thể loại văn học… Dương Thiên Lý đã tái hiện lịch sử, đã đẩy tới cái ý nghĩa và giá trị lớn hơn. Đó là sự vang động, sự chảy dài của vệt loang qua tư duy, nhận biết, qua hai chiều “hiện thực” - Và, “sự nghiền ngẫm hiện thực…”
Xin chúc mừng thành công mới của Dương Thiên Lý. Của một người cầm bút trong công cuộc lao động và sáng tạo nghệ thuật.
B.T.B.L