C
uộc kháng chiến chống Pháp 9 năm chiến đấu anh dũng của quân và dân cả nước đã đi Đến thắng lợi vẻ vang. Tổ quốc đã hòa bình. Ngờ đâu trong khoảnh khắc bóng chớp thời thời gian, đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp, nước Việt Nam ta chẳng khác nào cơn bão giông cuốn người ra trận. anh Cả, anh Hai, chị Tư, anh Ba rồi đến anh Năm, lần lượt theo tiếng gọi non sông lên đường đi bảo vệ quê hương. Còn lại ở nhà với mạ chỉ có mình tôi và ba đứa em gái. Mấy mạ con lăn lê bò toài với nhau tự lo tránh bom, tránh đạn đại bác, rốc két, bom bi… và cấy lúa trồng khoai kiếm ăn để sinh tồn sống chết với mảnh đất đầy gió Lào cát trắng.
Quê tôi nắng gió là những thứ được thiên nhiên ưu đãi, còn bom đạn lại là thứ mà bọn giặc “biệt đãi” nên vùng đất này đã có người nói, nó là “chảo lửa”. Tất cả các anh chị tôi đều xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ. ai đi cũng hẹn ngày về với mạ, với quê hương.
Mạ tôi có cái khánh bạc, quà của bà ngoại cho ngày mạ theo bạn thân ông ngoại ra Quảng Bình đi ở. Bạn thân của ông ngoại cùng chung lý tưởng chống Pháp với ông, nhưng may mắn thoát chết, còn ông ngoại tôi bị Pháp bắt, bắn chết ở ngay cửa Thuận an. Cái ngày mạ tôi phải xa Huế thân yêu để theo cha nuôi ra Quảng Bình ở giữ em, trời mưa rả rích, buồn dai buồn dẳng. Ngày chia xa buồn dai dẳng đó đã ám quẻ vào cuộc đời mạ tôi, bà chịu đắng chịu cay từ đó.
Lại nói chuyện cái khánh bạc, cứ mỗi lần mạ tiễn một đứa con ra trận, bà cẩn trọng cắt một miếng bạc nhỏ, xâu lỗ bắt đeo vào cổ cầu phước. Mạ tin rằng những miếng bạc đeo cổ đó phù hộ độ trì cho con cho cháu “chân cứng đá mềm, thoát mũi tên hòn đạn” của quân thù để tìm về với mạ, với tổ tiên ông bà.
Ngày xưa, khi phải xa người thân như cậu Cả, cậu Út, chú Tư, dì Năm, mạ đều có chúng tôi quẩn quanh bên mình chia sẻ, còn bây giờ, mình mạ gánh hết niềm thương nỗi nhớ.
Chúng tôi đều còn nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, ba tôi thì lầm lì như một cái bóng, ăn ăn làm làm đó nhưng có khi mô ông hỏi mạ lấy một câu. Mạ tôi trơ trọi như cây đa trước bão gió cuộc đời, có lúc bà tưởng như đổ sập, không trụ đứng được nữa vậy.
Rồi, đến một ngày, mạ con tôi như người không biết bơi rơi xuống dòng nước chảy. Đó là khi ba tôi đau nặng. Ngày đêm ông vật vã đau đớn, muỗng cháo vừa nuốt trôi xuống cổ lại nôn thốc nôn tháo. Không biết xoay xở làm sao, mạ tôi ra xã, nói rằng chồng tôi sắp chết, để người ta cho phép gọi điện báo cho các anh chị tôi. Mạ gọi điện báo cho từng đứa con, bức điện nào cũng “khẩn”. Tưởng rằng thế nào cũng có một, hai đứa về, nhưng chẳng một bức điện nào có hồi âm, nói chi người về.
Thế là một mình mạ bế ba tôi đặt lên chiếc xe ba gác mượn của Hợp Tác xã lọc cọc kéo lên bệnh viện tỉnh ở đồng Hới. Hơn ba mươi cây số, mạ lầm lũi đi suốt đêm. Đến nơi, bác sĩ bảo: “Cho ông về, sống được ngày nào thì sống. Thời chiến, bệnh này không thể chữa được”. “Không thể chữa được, cho về nhà sống được ngày nào thì sống…”, lời nói của ông bác sĩ tỉnh cứ vảng vất trong đầu mạ tôi. Ba tôi cố gượng, mấp máy đôi môi khô rát. Mạ tôi phải cúi sát tai vào miệng ba tôi nghe ông nghẹn ngào: “Mạ thằng Hai, cho tui về…”