S
au một tuần lễ chống đối với “Quảng Bình quật khởi”, thực dân Pháp tập trung khủng bố, càn quét phía bắc huyện Quảng Ninh nhằm làm suy yếu mặt trận phía bắc của tỉnh, ngăn chặn sự chi viện cho phía Nam của huyện Quảng Ninh. Từ trong thực tiễn chiến tranh, đảng bộ huyện Quảng Ninh được tôi luyện đúc kết nhiều kinh nghiệm để tạo tiền đề cho đảng bộ tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Và cũng từ việc làm phát động tuần lễ “tích cực cầm cự, chuyển mạnh sang tổng phản công” Quảng Ninh đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ đều khắp đã tích cực phá ngụy trừ gian, phát động rầm rộ phong trào đấu tranh của nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với bộ đội chủ động tiến công tiêu diệt địch. Tích cực bao vây kinh tế địch, tổng bãi thị làm cho địch từ thế chủ động trở thành thế phòng ngự, co cụm ở trong đồn không dám mở những cuộc càn quét lớn nữa. Binh lính hoang mang dao động. Nhận định được âm mưu của địch và tính chất phức tạp quyết liệt của cuộc kháng chiến sắp tới, đảng bộ Quảng Ninh quyết bảo vệ vững chắc vùng mới giải phóng ở đồng bằng như Tân Ninh, an Ninh, Trường Ninh, Vạn Ninh, giữ vững thế trận đang có lợi cho ta. Huyện ủy, Ủy Ban kháng chiến - Hành chính huyện đã thống nhất chủ trương tăng cường việc xây dựng và củng cố các đoàn thể quần chúng, tổ chức huấn luyện các đại đội du kích thường trực của xã và lực lượng dân quân ở các thôn xóm. Tất cả đều nêu cao tấm gương dũng cảm của chị thôn đội phó Nguyễn Thị Vuông, tuổi mới đôi mươi hy sinh một cách rất gan dạ và quyết liệt với kẻ thù. Để kiện toàn các cấp chỉ huy, vận động nhân dân, nhất là các gia đình có người đi lính cho địch kêu gọi chồng con trở về với cách mạng. Vận động quyên góp tiền của, giúp đỡ cán bộ, bộ đội, du kích, xúc tiến hơn nữa kế hoạch “ra làng”, “hạ rầm”, xây dựng hầm hào chiến đấu, đặt các chướng ngại vật, xây dựng tốt các “làng chiến đấu” “khu du kích”, “khu căn cứ” ở đồng bằng. Đặc biệt phong trào dân quân ở huyện Quảng Ninh lúc này lên rất cao, phát triển đều khắp và mạnh mẽ ở các xã cả về tổ chức lẫn số lượng cơ sở.
Quảng Ninh đã trở thành một vùng chiến đấu gồm rất nhiều làng chiến đấu liên hoàn. Dân quân du kích tự tin ở sức mình, chủ động tìm địch mà đánh và đã hăng hái tham gia công tác trừ gian, diệt tề, vạch mặt bọn bán nước, đẩy làn sóng đấu tranh cách mạng ở đồng bằng ngày càng lên cao, ngăn ngừa được bọn Việt gian của kẻ thù. Nhiều nơi đã bố trí đánh địch bằng cách gài bom mìn, địa lôi, ngăn cản các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Có thôn có địch đóng nhưng vẫn bị rào chắn để cô lập đồn giặc với làng mạc bên ngoài.
Tất cả các xã đều tổ chức luyện tập kỹ thuật, chiến thuật và võ thuật cho dân quân, du kích. Phong trào “mùa đông binh sĩ”, tức là nhân dân đi quyên góp áo quần cho cho bộ đội cũng được phát triển và đùm bọc rất chu đáo. Một điểm mạnh nữa là dân quân du kích chủ động đi tìm địch đánh, ép bắt hương lý của các thôn quê phải đưa nộp mộc triện cho Việt Minh. Các làng xã mất liên lạc, không có người làm việc hành chính, phủ huyện có làm đi chăng nữa thì cũng ở tình trạng bị cô lập.
Trong thời gian bảo vệ mùa màng, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tác chiến, phục kích quấy rối, đánh phá giao thông đường bộ, tấn công vị trí đồn phủ, tiêu diệt, tiêu hao được nhiều sinh lực địch. Đồng thời ta đã tích cực chống càn quét để phá âm mưu cướp phá mùa màng của giặc. Các cuộc chống càn bảo vệ mùa của đại đội 362 và du kích Duy Ninh diễn ra quyết liệt vô cùng.
Ngày 21/3/1953 ta đã phục kích đánh bật một đại đội đi càn, tiêu diệt và làm bị thương 26 tên, bắn cháy 2 xe tải, giải vây cho hơn một trăm đồng bào bị địch bắt.
Ngày 24/3/1953 đại đội 362 lại cơ động về Mỹ Trung đánh tập kích vào sở chỉ huy địch, diệt 5 tên, bắn cháy một xe Zép và thu được 7 súng các loại.
Cuối tháng 3, bộ đội địa phương Quảng ninh với du kích xã Vĩnh Ninh đánh xáp lá cà tiêu diệt tiểu đội đi tuần về cách đồn Quán Hàu 400 mét, diệt và làm bị thương một số tên.
Đơn vị của Ba xuân, Hai Nhị cùng hai chiến sĩ trẻ là Chim Yến và Cao Ngỗ bố trí đội hình dọc theo hai bờ sông. Đoạn sông này gần Quốc lộ 1A nên cách bố trí đôi hình chờ đón đánh tiểu đoàn lính Âu Phi 2/4 RTM và tiểu đoàn ngụy có máy bay yểm trợ mở cuộc càn quét lớn vào vùng Trung Châu. Nắm được âm mưu của địch nên Thường vụ Huyện ủy họp, nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo chống càn do đồng chí Nguyễn Mậu Bảy làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo chống càn đã tổ chức cho nhân dân các thôn Hiển Lộc, Hiển Vinh, Tà Phan đào sẵn các hầm chông quanh làng, củng cố hệ thống hầm hào ngầm, chôn bom, cài mìn chờ giặc. Lực lượng dân quân du kích các thôn làng phối hợp chiến đấu với đơn vị 362. Trận chiến này ta bắn đắm ca nô giặc, chết và bị thương 24 tên.
Thất bại trong cuộc càn vào Duy Ninh, địch tập trung lực lượng tấn công vào Hàm Ninh.
Địch dùng ca nô chở quân rồi đổ bộ vào Hàm Hòa. Do chủ quan xem thường lực lượng dân quân du kích ở đây nên địch đổ bộ vào làng bỏ ca nô không người coi giữ, Chim Yến và Cao Ngỗ xin lệnh chỉ huy rồi đem bom mìn lên ca nô gài sẵn.
Khi địch hùng hổ xông vào làng thì vấp phải hàng rào phòng ngự. Cậy đông quân, địch cố phá hàng rào phòng ngự phía ngoài làng, lực lượng tại chỗ của ta chiến đấu ngoan cường bất kể chênh lệch về quân số. Nổi bật nhất là đơn vị do Ba xuân, Hai Nhị chỉ huy. Để bảo toàn lực lượng, du kích, bộ đội chủ động rút xuống hầm bí mật. Do có chỉ điểm, địch khui được nhiều hầm bí mật của ta. Bọn giặc kêu gọi Việt Minh ra đầu hàng không được, chúng chất rơm rạ, đổ xăng dầu châm lửa đốt. Các chiến sĩ quả cảm đội nắp hầm chui lên đánh giáp lá cà sống chết với lũ giặc độc ác. Một tấm gương dũng cảm hy sinh được nêu gương là liệt sĩ đảm. anh đảm từ dưới hầm lao lên tung lựu đạn tiêu diệt hàng chục tên lính và anh dũng hy sinh ngay trên miệng hầm bí mật.
Trong trận chiến không cân sức này, ta tiêu diệt được hơn một trăm tên địch, trong đó có một tên quan 2 Pháp, làm bị thương 75 tên khác. Riêng ở một trận Hiển Lộc, bộ đội và du kích đã tiêu diệt được 96 tên.
Tuy nhiên do cuộc chiến đấu không cân sức, quân địch áp đảo về quân số, vũ khí, ta cũng có nhiều tổn thất. Gần một trung đội hy sinh và bị thương, du kích và đồng bào bị chết hàng chục người, bị thương 33 người. Đặc biệt 45 người bị địch bắt đi cùng với 1.000 thùng lúa. Hàng trăm mẫu lúa bị giặc càn phá nát, hàng chục trâu bò bị bắn, bị cướp đi.
Hả hê với thắng lợi cướp, giết, bọn địch đem theo lúa cướp được và kéo nhau lên ca nô để rút về đồng Hới.
Ba chiếc ca nô vừa khởi động máy thì bị nổ tung, địch chết la liệt, số sống sót bỏ ca nô chạy thục mạng. Du kích, bộ đội phản công tiêu diệt thêm được nhiều tên giặc và lấy lại được phần nhiều số lúa bị cướp trước đó.