M
ấy ngày sau vụ mất tích hai mươi quan quân một cách bí ẩn trong kế hoạch càn quét vào cơ sở Việt Minh ở cồn Bến Tiêm, giặc Pháp đưa ba ca nô chở hơn một trăm quân ồ ạt kéo vào hai làng ven sông Kiến Giang. Đó là làng Hiển Vinh thuộc địa phận Duy Ninh và làng Quảng xá thuộc Tân Ninh.
Không chỉ có thế, bọn giặc dã man còn bắn ca nông vào các thôn làng lân cận như mưa. Tiếng nổ của đạn ca nông đinh tai nhức óc, làng xóm tiêu điều, khói lửa ngút trời.
Cắc bụp… uỳnh… uỳnh…. oàng… oàng.
Để củng cố các đồn bốt hòng chiếm lại những vùng đất bị Việt Minh làm chủ, Pháp chiếm đóng các làng giữa huyện Quảng Ninh, lập tề ngụy làm chủ tình hình. Chống lại mọi kế sách thâm độc đó, cơ sở của ta ở các làng vận động nhân dân đóng vành đai hàng rào phía ngoài, đào hào giao thông, đào hầm bí mật xuyên thông nhà này sang nhà khác, xóm này sang xóm khác, đắp ụ súng… lập “làng chiến đấu” ngay trong lòng địch. Những cây tre già thân cứng như gỗ lim được chặt xuống, chẻ ra, thứ làm hàng rào quanh làng, thứ vót nhọn cắm tua tủa chĩa ra đường đi lối lại. Đường đi lối lại trong làng chỉ có người làng biết được. Người lạ, kẻ xấu vào làng sẽ bị vướng những thứ vũ khí thô sơ mà hiệu quả đó ngay. Có những lối vào đã được đào hầm chông, cán bộ, bộ đội về hoạt động đều có dân quân du kích dẫn đường đảm bảo an toàn.
Có lần, lính đồn Võ Quán phối hợp với lính đồn Mỹ Trung mở cuộc càn lớn vào làng Châu Lộc. Vừa đến đầu làng, giặc đã nghe tiếng báo động dây chuyền từ nhà này sang nhà khác, xóm này sang xóm khác. Phèng la, tù và, mõ, trống cùng với tiếng gõ mâm đồng, ống tre inh ỏi vang lên báo cho dân làng biết mà chống đối lại. Địch bao vây kín ba phía làng, chỉ trừ phía đồng lúa. Vượt hàng rào bao quanh phía ngoài đã khó, qua được các đường hào ngang dọc bị du kích phục kích đánh trả bất thình lình, địch bị cầm chân không thể vào trong làng được.
Ông Nguyễn Thầm và ông Dương Viết Hiểu nhận lệnh trực tiếp chỉ đạo chống càn cho xã Ninh Châu. Ông Chững, trung đội trưởng du kích bố trí cho các tổ chốt các điểm trọng yếu trong làng. Ông Nguyễn Trung Thầm dẫn một trung đội du kích dùng thuyền nhỏ luồn lách dưới giao thông hào thọc từ mũi lò vôi Hiền Vinh đánh lên làng Hiển Lộc yểm trợ cho mũi ông Chững. Đặc biệt hơn, đơn vị ông Chững ông Thầm còn cài bom, mìn ở các ngã ba ngã tư đường làng nối với Quốc lộ 1A phía Mỹ Gia.
Trong trận càn ấy, địch điều lên cả lính Pháp, lính ngụy. Tên sĩ quan Pháp vừa chỉ tay về phía làng, ra hiệu lệnh tiến quân vào, bọn lính vừa rẽ xuống ngã tư thì ông Thầm cho đồng chí Doanh giật kíp nổ quả bom cài sẵn. Bom nổ vang trời, khói đen bao phủ một vùng, quân địch đang hoang mang tột độ thì bị du kích tung lựu đạn. Trái lựu đạn ông Thầm tung đúng đội hình địch đang co cụm lại sau tiếng nổ rợn người của quả bom làm mấy thằng ngụy ngã vật xuống, kêu rống thảm thiết.
Thằng tây chỉ huy sau mấy phút bàng hoàng nằm gián xuống đất, lại ngóc đầu dậy, chĩa súng vào chỗ du kích hô lính xông tới. Lựu đạn thật đã hết, mưu trí, du kích ném lựu đạn gỗ. Mấy thằng tây nằm sát đất, không giám ngóc đầu dậy. Tụi chúng nằm như vậy cho đến khi quả lựu đạn gỗ lăn đến sát mũi, thì mới phát hiện ra bị lừa, ngay lúc đó du kích xông tới cướp súng giặc, bắn xối xả vào chúng.
Không vào làng được, bọn địch co cụm lại rồi vừa bắn vừa rút lui về đồn. Đơn vị 362 bộ đội chủ lực phối hợp với du kích phản công, chặn đường rút, không cho giặc về đồn. Khi thấy bọn lính đồn co cụm lại với nhau vừa bắn loạn xạ vừa rút, bộ đội, du kích ném tiếp mấy quả lựu đạn. Bọn giặc tưởng lựu đạn gỗ, cứ đứng trơ ra. Lựu đạn nổ chát chúa, mấy thằng lính đổ vật xuống, máu chảy lênh láng.
Để mặc mấy xác chết nằm đó, tên chỉ huy ra lệnh rút lui.
Nhanh trí, du kích lại tung mấy cục đất sét, tụi lính tưởng lựu đạn lại nằm gián xuống đất, kêu khóc thảm thiết. Thật là cơ hội hiếm có, chỉ một loạt đạn, hàng chục thằng cướp nước, bán nước bị đền mạng.
Quá căm tức vì bị lừa mấy vố đau liền, bọn giặc điên cuồng xả súng bừa bãi vào làng. Đu đủ xanh, đu đủ chín, mít, bòng bưởi rụng lốp bốp. Cành tre, ngọn bàng, tàu lá chuối gãy đổ ngổn ngang… địch cay cú trút căm tức vào súng đạn, vật giết người vô tri vô giác.
Thấy vãi đạn vào làng không có hiệu quả gì, thằng tây chỉ huy khoát tay ra hiệu ngừng bắn, rồi hắn hô lớn bằng tiếng Việt lơ lớ: “đốt! đốt! đốt!”. Hàng mấy chục mồi lửa từ tay bọn mắt xanh mũi lõ, bọn tay sai đắc lực bay vào những mái tranh, ụ rơm, gặp gió rừng rực bốc khói ngút trời. Những căn nhà, mái chuồng heo, chuồng trâu bò lửa bùng lên dữ dội. Cả làng phút chốc ngập chìm trong biển lửa. Tre nứa nổ mắt đôm đốp. Những bẹ chuối, buồng cau, chùm khé sôi lọc bọc. Bọn địch hả hê cười, tiếng cười mới man rợ làm sao.
Từ dưới đường hào giao thông, những đảng viên, dân quân du kích, ngược xuôi cứu chữa gấp những nhà ngập lửa. Nhà cháy đổ sập xuống bịt kín miệng hầm. Người chui ra khỏi hầm cũng bị bỏng lửa. Ở dưới hầm bị ngạt khói. Có gia đình cả năm bà cháu xuống hầm, cả căn nhà lửa cháy đổ sập xuống bịt hết miệng hầm không tài nào ra được… đau thương tang tóc bao trùm làng xóm tiêu điều.
Khi lửa tàn, tiếng súng đã ngớt rồi ngừng hẳn, du kích, bộ đội tập trung làm công tác cứu chữa người bị thương, tổ chức mai táng người chết. Thật đau xót khi chứng kiến những xác người đen xạm, co quắp, biến dạng vì lửa thiêu khói đốt. Đại đội trưởng Nguyễn Trung Thầm họp khẩn với đồng chí Chững bàn kế hoạch kết hợp với du kích địa phương đối phó với tình hình hiện tại. Song song với công tác cứu chữa người bị thương, chôn cất người chết, thanh niên nam nữ tập trung cấy lúa để đảm bảo lương thực lâu dài. Các điểm canh gác ở các chốt duy trì hoạt động. Đặc biệt hơn, du kích vẫn tổ chức đánh địch ở khu vực đồn Mỹ Gia để phân tán lực lượng chúng. Gạo, ngô, khoai còn sót lại sau trận càn và giặc lửa được gom góp giúp nhau qua bữa. Nhìn chung mọi làng quê ở vùng đất Quảng Ninh vẫn kiên cường bám trụ. Trong những lũy tre xanh, trong hàng rào tre cài cắm dày đặc lúa đồng vẫn lên xanh. Mỗi buổi trưa, chiều tối, khói lam vẫn ngoằn ngoèo bay lên trên những mái bếp còn sót lại.
***
Thằng chỉ huy đồn Mỹ Gia tức lắm, cả thằng quan Pháp ở tỉnh lên kiểm tra tình hình cũng hằn học không kém. Không càn quét thì Việt Minh làm tới, mà tổ chức càn quét trận nào là thất bại trận đó.
Không giám đi càn quét nữa thì chúng thực hiện vây ráp phong tỏa tứ bề, khống chế từ xa. Từ đồn Mỹ Gia, địch thường xuyên dùng hỏa lực bắn về hướng làng Châu Lộc. Mà đích ngắm của chúng cũng vô cùng tàn độc, nhắm vào bất cứ vật nào di động trên mặt đất.
Đùng…. uỳnh… thằng đồn trưởng vừa bóp cò bắn vào một vật gì màu nâu vàng chuyển động lấp ló bên lũy tre. “Bò… ò… ò”, con bò cái tơ đứt dây buộc mõm, hý hửng định chạy đi tìm cỏ, không thoát khỏi đường đạn, kêu rống lên, té nghiêng xuống, giãy giãy bốn chân đưa lên đưa xuống vào không trung một hồi rồi nằm yên bất động. Một bà cụ bê rổ đựng ít khoai vừa bới sau vườn đang định đem qua cho mấy đứa cháu, trúng đạn cầm canh, ngã vật xuống trước hiên nhà.
Mỗi chiều tà, địch bắn cầm canh dăm bảy quả ca nông loại nhỏ nghe đùng đoàng nhằm khống chế dân làng. Một quả ca nông hú huýt trong gió giữa vòm trời, vượt qua đọt tre, rớt xuống cạnh bể nước, nổ tung đất đá cả lên. Con gà mái đang ấp, ổ nằm trong tầm nổ, trúng đạn, văng ra từng mảnh xác. Một chị đang nuôi con thơ, ngực căng bầu sữa đang lom khom hái rau sau vườn nghe tiếng nổ, vừa kịp ngồi thụp xuống, mảnh đạn ca nông bay vèo xé toạc cái áo để trật cặp vú tròn căng. Thật hú vía. Các cụ bảo, trẻ con có “mụ đỡ”, trong trường hợp này, “mụ đỡ” đã đỡ cho cháu bé không bị mất đi nguồn sống.
Cứ như đã thành lệ, địch chỉ rót vào làng dăm bảy quả đạn ca nông như để răn đe, nhắc nhở đúng khoảng thời gian chập choạng, vào tầm chúng đoán là cán bộ, Việt Minh, bộ đội, du kích sắp về, người từ hầm bí mật sắp đi hoạt động.
***
Kể từ ngày Chim Yến thắng một mẻ lưới cá to và thằng Ngỗ thoát được tay quan đồn Mỹ Trung, tổ chức biết hai người đã bị lộ. Để Chim Yến và Ngỗ được tiếp tục hoạt động, tổ chức bố trí Ba xuân về đón hai người vào chiến khu vừa học chữ vừa luyện tập quân sự. Ngỗ và Chim Yến tiến bộ rất nhanh.
***
Ngày 24/7/1947, địch ở hai đồn xuân Dục và Vạn xuân tập trung lực lượng hành quân càn quét chiến khu Rào Trù. Du kích nhận được tin này đã chuẩn bị đón đường phản kích. Nhưng vì có tên Sừng người Hoành Phổ là Việt gian chỉ điểm nên chúng tránh sang đi qua truông Vạn xuân vào sau lưng cánh đồng Rào Trù để đánh úp. Mũi thứ hai từ xuân Dục theo sông Long đại, đường này bị bộ đội chủ lực chặn đánh và gài mìn tại Rào Trù, nhưng địch phát hiện ra, tránh theo đường vòng vào đốt phá kho, bệnh viện huyện từ Trần xá sơ tán lên. Lực lượng địch rất đông, chúng xả súng xối xả vào bệnh viện làm 25 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang điều trị tại đây hy sinh. Trong số những người hy sinh đó, có Y tá trưởng Bùi Bá Lương và Huyện đội trưởng Nguyễn Long Cổn. Trận càn này, ta bị thiệt hại nhiều nhưng địch cũng tổn thất rất lớn. Cụ thể, trên đường rút về đồn, địch bị ta phán đoán và cài bom trước ở Bãi Bưởi. Khi địch tập trung quân xuống thuyền, đồng chí Doanh và đồng chí Kiệt giật kíp nổ bom. Kết quả, một tên quan 3 và 14 tên Pháp chết tại chỗ, 20 tên lính bị thương, khiêng nhau xuống thuyền về đồn xuân Dục.
Cay cú vì nhiều lần đi càn quét đều bị đánh chặn, địch càng tỏ ra hung hãn, giã man tàn độc hơn. Ở Thủ Thừ, Vạn xuân, địch cướp của giết người, đốt nhà, phá nhà thờ ở những nơi giáo dân không theo chúng. Đến đâu cũng bắn giết, hãm hiếp… nhiều nơi như Chợ Gộ, Quảng xá chúng giết rất nhiều người lớn, trẻ em. Độc ác dã man hơn nữa là hành động bắt người già trẻ con xâu dây thép qua bàn tay đem phơi nắng, cắt tai xẻo mũi rồi chôn sống; kê đầu người lên tảng đá dùng búa đập. Có người còn bị chúng tưới xăng dầu châm lửa đốt; treo người lên cao chất củi thiêu sống, cắt cổ cắm đầu lên cọc nhọn đem bêu ở những nơi đông người như chợ, đình làng… Những trò độc ác dã man đó diễn ra hàng ngày. Lợi dụng sương mù, thôn đội phó Nguyễn Thị Vuông cùng Ba xuân, Hai Nhị, Chim Yến và Ngỗ chia nhau đi báo cho toàn thể dân chúng và các đơn vị biết Pháp đưa lực lượng lớn càn vào làng. Để bảo toàn lực lượng, bộ đội và du kích dân quân rút xuống các hầm bí mật. Giặc càn vào làng quá bất ngờ. Vấn đề lớn lúc này là hầm bí mật thiếu, nếu để đơn vị chạy tản ra đồng lúa nhất định sẽ đối mặt với hỏa lực mạnh của giặc bố trí sẵn.
Theo sự phân công của thôn đội phó Nguyễn Thị Vuông, Ba xuân, Hai Nhị, Chim Yến và Ngỗ lần theo mép giao thông hào, lợi dụng sương mù dày đặc rút ra phía bờ sông. Tại đây, Ba xuân, Hai Nhị phát hiện một ca nô sau khi đổ quân lên bờ thì chỉ để lại một tên lính gác. Như một con sóc, Ba xuân nhảy lên bịt miệng thằng lính gác bằng cái khăn ướt, Hai Nhị tiếp ứng bằng cách cởi áo của nó trói chặt vào cái ghế phía lái. Ba xuân nhanh tay gài một quả mìn vào buồng máy ca nô. Động tác này tên lính do bị trói và bịt miệng, mắt nên không biết. (quả mìn này sau đó tiêu diệt gần hết đám lính rút xuống ca nô để về đồn).
Lúc này trong làng, giặc đã vào đông. Tất cả những doi, ụ đất dân đắp để trâu bò lợn gà tránh lũ đều bị giặc chiếm, đặt súng máy để yểm trợ lính càn. Tình thế khẩn cấp, đồng chí Hiền, đồng chí Mẫn phối hợp với thôn đội phó Vuông thành một tổ chiến đấu. Ba người giữ khoảng cách chừng ba, bốn mét bám nhau chạy. Nắng đã lên cao, sương mù đã tan. Tới cuối xóm, rẽ vào một ngôi nhà nhỏ, chị Vuông bụm tay gọi: “Chị Sóng ơi, cho em gửi hai đồng chí bộ đội”. Không có tiếng trả lời. Đạn súng máy, súng trường chí chát nổ. Cành cây gẫy răng rắc, lá cây bị xé nát bay lả tả. Bất ngờ, một chú bê vàng ở đâu chạy bổ đến sụp chân xuống một cái hố. Cú sụp chân của con bê non làm lộ ra căn hầm bí mật dưới gốc cây cau cạnh bể nước. “Hai đồng chí xuống hầm nhanh. Để con bê tôi xử lý”. Hai đồng chí bộ đội còn đang ngần ngại, thôn đội phó Vuông nghiêm giọng: “Không nhanh thì không kịp nữa đâu. Gấp lắm rồi, nghe lệnh tôi”. Sau khi đẩy hai đồng đội xuống hầm, chị Vuông nhanh nhẹn lôi con bê tội nghiệp lên rồi nhanh tay xóa dấu vết. Sẵn có bó lác phơi một bên, chị Vuông bê đến vứt đè lên miệng hầm. Lúc bị sụp xuống hố, con bê phóng uế bừa bãi xung quanh đó. Chính vì đám phân bê be bét đó mà căn hầm nhà chí Sóng bữa đó không bị lộ. Số là, lúc đám lính chạy đến nhà chị Sóng thì thấy con bê bị mảnh đạn găm vào cổ, chảy máu lênh láng nằm thoi thóp thở bên cạnh mớ cỏ lác bê bết phân khai rình. Đám lính ô hợp chẳng có bụng dạ nào nghĩ đến việc tìm, phát hiện hầm bí mật bí miệc chi cả, chúng chỉ quan tâm đến món bê thui trong khẩu phần bữa trưa, và hò nhau khiêng con bê tội nghiệp đi.
Nói về tình hình thôn đội phó Nguyễn Thị Vuông. Sau khi đưa được hai đồng đội xuống hầm an toàn, chị Vuông vừa ra khỏi con hẻm nhỏ thì bị dính đạn vào chân phải. Phát hiện chị Vuông đã bị thương không thể chạy thoát, bọn địch hè nhau đến bắt sống. Chờ giặc đến thật gần chị Vuông mới nổ súng, mấy tên cướp nước phải đền mạng lập tức. Cậy đông, bọn giặc ập đến, không chút ngần ngại, chị Vuông cho nổ lựu đạn tiêu diệt thêm mấy tên giặc nữa và anh dũng hy sinh.
“… Trong khói đạn mịt mùng
Chị vẫn điềm nhiên không nói
Địch bủa vòng vây
Quả lựu đạn cuối cùng nổ ran bốc khói
Chị ngã gục bên đường làng
Máu ra còn tươi rói
Máu của người nữ du kích
“Sống anh dũng, chết vinh quang!”
Chúng tôi nhìn chị trong trận càn
Xé đau từng khúc ruột!
Căm thù như lửa đốt!
Cháy trong lòng thành sức mạnh quyết tâm
Xông lên chiến đấu đến phút cuối cùng
Địch lên mấy lần đều ngã gục.
Đến ba giờ chiều chúng vội rút cả quan quân
Cả bị thương cả chết 80 thằng
Thế là trận chống càn ta hoàn toàn thắng lợi
Ta bảo vệ được người, của cho nhân dân
Địch bị giáng một đòn thêm quỵ gối.
Sau trận chống càn bộ đội đồng bào gặp nhau
Mừng vui phấn khởi
(Chắc chị cũng hòa chung phấn khởi với nhân dân)…”
(Trích bài thơ của Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đăng trong tập Vành lá ngụy trang của Tỉnh đội Quảng Bình xuất bản tháng 5 năm 1954)