N
gỗ đón củ khoai nướng từ tay cậu xuân, phủi phủi, quệt quệt vào vạt áo rồi đưa lên miệng cạp một cách ngon lành. Cậu xuân và Chim Yến đưa mắt nhìn nhau, cười. Chẹp chẹp miệng, ra vẻ còn muốn ăn nữa, khi thấy Chim Yến tháo miệng túi vải để lộ mấy quả lựu đạn ra, Ngỗ thở dài đánh sượt làm cậu xuân và Chim Yến cười rũ rượi. Ngỗ bặm môi, liếc xéo Chim Yến, vẻ không vui làm cậu xuân phải dàn hòa: “Thôi đi hai ông tướng, đang kỳ giáp hạt, nhà nào cũng đói, kiếm được củ khoai ăn lót dạ là khá lắm rồi đó. Kháng chiến thành công, tha hồ cho các cậu cơm no rượu say nhá…”. Ngỗ bắt tay Chim Yến làm hòa, bất chợt hạ giọng: “Làng ta đối với bọn giặc Pháp ở các đồn như cái gai cắm vào da thịt chúng. Đau đấy, nhìn thấy đấy nhưng khó mà khều lể ra được. Chúng cậy đông, có thể chia ra từng tốp, sục sạo vào làng lúc nào cũng được. Nhưng chúng không tài nào chặn được đường dây cán bộ đi về, và lâu nay chúng cũng không bắt được, phá được một cơ sở nào của chúng ta. Tuy vậy, để chúng sục sạo như thế cũng không được. Ngỗ muốn xin ý kiến lãnh đạo cho làm thịt bọn đó một mẻ”. “Phải đấy cậu xuân ạ, các cậu cứ cho phép cháu và Ngỗ phục kích làm thịt chúng đi.” Cậu xuân nghiêm giọng:
- Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo đường dây liên lạc và thu thập tin tức. Gây dựng cơ sở vững mạnh đợi thời cơ chung các cháu biết không. Còn tiêu diệt lẻ tẻ như vậy không phải là tốt đâu, vả lại, nếu chúng bị phục kích, sẽ lồng lộn càn quét làng xóm. Quan quân đồn này cũng chẳng vừa đâu. Thế nhé, các cháu đừng nôn nóng….”.
***
- Chở chúng tao tới cồn Bến Tiêm.
Đám đông dân làng đứng nhìn nhau. Hình như trong mắt ai cũng ngầm thông báo có chết cũng không chịu tiếp tay cho bọn chúng, vì ai cũng hiểu chúng nó muốn gì. Và ai cũng biết cồn Bến Tiêm là căn cứ của Việt Minh.
Chim Yến và Ngỗ cũng bị lùa ra ở đó. Ban đầu Yến và Ngỗ rất hoang mang lo ngại, bởi hôm nay giặc đột nhập vào làng một cách lạ lùng, bất ngờ. Hệ thống báo động không kịp thông báo cho các đầu mối đường dây cách mạng, du kích, bộ đội ta. Thật quá nguy hiểm. Cậu Hai, cậu Ba xuân cùng một số cán bộ ở chiến khu cứ quá chiều là về làng, nếu không được tin sẽ rơi vào tay chúng.
Mải nghĩ không có cách nào để báo động thì một người đàn ông đứng tuổi ôm bụng đòi đi ngoài. Tên chỉ huy giơ súng ngăn lại: “Không ai được ra khỏi nơi này khi chưa có người chịu chèo thuyền đưa chúng tao ra cồn Bến Tiêm”.
Vừa lo cho hai cậu của mình, vừa căm tức bọn giặc. Từ sâu xa trong lòng Chim Yến mối thù thằng tây cướp nước, bắn giết đồng bào gây đau thương chết chóc chỉ mong có dịp trả mối hận này. Thằng tây! Nó đây rồi, nó đang đứng trước mặt Chim Yến. Nó tàn bạo vô cùng. Tất cả đều do thằng tây mắt xanh mũi lõ này. Nó đang ở trước mặt Chim Yến, nỗi căm thù trong lòng sôi lên. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, Chim Yến điềm tĩnh nói với thằng thông ngôn:
- Tôi đồng ý chở các ông đi ra cồn Bến Tiêm, nhưng các ông phải cho tôi nhiều tiền.
Thằng tây phẩy tay đầy lông lá, nói tiếng Việt rất sõi:
- Bé con tốt lắm! Quan lớn cho tiền nhiều.
Có lẽ từ khi biết nhìn nhận mọi việc, chưa bao giờ Chim Yến thấy mình bị dân làng sỉ nhục như lúc này. Nhìn ánh mắt mọi người, Chim Yến biết họ đang chửi rủa mình: “Tổ cha thằng ranh con ăn cháo đá bát”. “Ông Hải bà Hải ơi, cha mẹ thằng mất dạy ơi… mọi người hãy về đây mà xem thằng cháu thằng con các người tiếp tay cho giặc này…”. “Tổ sư cha thằng mất dạy, con rắn độc, con bọ hung bẩn tưởi tiếp tay cho giặc giết hại dân làng…”.
Ngỗ kín đáo đưa mắt nhìn Chim Yến, nó đã biết phải làm gì để bọn giặc càng tin tưởng cái đứa “phản dân hại nước” này.
Ngỗ hằm hằm bộ mặt, đi đến bên gốc dừa mé bờ sông.
Bao nhiêu điều sỉ nhục nhiếc móc làm Chim Yến đau đớn và tủi thân vô cùng. Chim Yến muốn òa khóc vì biết không ai trong đám dân làng kia hiểu nó, ngoài Ngỗ, thằng bạn thân, người đồng đội luôn sống chết có nhau. Chim Yến nén nỗi đau, lủi thủi bước theo lũ giặc ra bến sông. Ngỗ đã lẻn đến gốc dừa mà bọn giặc không chú ý. Đợi khi Chim Yến lên thuyền, cầm lấy mái chèo, Ngỗ dương cái ná cao su ngắm thẳng vào mặt bạn. Viên đạn đất sét phơi khô trúng chân mày mắt phải Chim Yến, máu tuôn ra. Chim Yến biết Ngỗ không bắn chệch bao giờ, nhất là với khoảng cách thuận lợi đó. Một tên lính đưa súng lên, không kể máu đang nhỏ thành giọt xuống má, xuống mắt, Chim Yến kéo tay tên lính. Rồi nhanh chóng Chim Yến chống sào đẩy thuyền ra xa không để bọn lính nhảy lên bắt Ngỗ. Khi thuyền đã ra đến giữa sông, Chim Yến mới buông tay chèo, ôm mặt. Một thằng tây móc cuộn băng trong cái túi quần “bắt gà”, băng đầu cho Chim Yến, nó nói tiếng Việt rất sõi: “Thằng bé con giỏi lắm. Quan lớn sẽ cho thêm tiền.”
Chim Yến vừa chèo vừa thút thít khóc. Không phải Chim Yến khóc vì đau mà nó khóc vì dân làng không hiểu nó. Nó không bạc bẽo, phản bội dân làng, không bao giờ dẫn bọn giặc cướp đi lùng bắt cán bộ, du kích, bộ đội đâu.
Chim Yến quan sát kỹ đám lính ô hợp đang ngồi trên thuyền, “lạ hoắc à”. Không phải người vùng này thì làm sao biết cồn Bến Tiêm “nguy hiểm” với chúng thế nào. “được. Chúng mày sẽ không có đường về”. Thi thoảng gặp mấy thuyền câu đi ngược chiều, Chim Yến biết họ không có quan hệ gì với cơ sở, đường dây nên cố tình chèo thuyền sát gần vào nhau. Những người đi câu thấy thuyền chở đầy lính tráng súng ống lỉnh kỉnh thì tỏ vẻ lo sợ, lảng tránh. Chim Yến cho thuyền đi sát thuyền câu là có ý để bọn lính không nghi ngờ gì việc làm của mình.
Chim Yến cho thuyền lênh đênh, thỏng thả, tính kỹ trong đầu thời gian sao cho đúng với quy luật nước lên xuống. Độ trước, bà ngoại đã nói, trăng lên là nước lên, còn cậu xuân thì dạy, nước xuống nửa chừng dòng chảy mới xiết. Nay hai mươi âm, trăng lên lúc gần nửa đêm. xế chiều là lúc nước chảy xiết nhất. Bây giờ, Chim Yến đưa con thuyền chếch ngược dòng chảy đã thấy mái chèo nằng nặng. Chim Yến biết nước đã xuống, nhưng dòng chảy chưa mạnh. Nhìn về phía Tây, mặt trời còn cách những hai lần chiều cao của núi Thần đinh. Chim Yến đảo thêm một vòng nữa, vừa tìm lại cho chính xác nơi dòng xoáy mà ngày trước cậu xuân đã chỉ. Chim Yến chèo nhát một nhát hai cho thuyền đi chầm chậm, cố đợi thêm một chút nữa cho nước xuống ròng, dòng chảy mạnh hơn.
Đã đến lúc rồi.
Chim Yến lái con thuyền theo dòng nước xuôi. Con thuyền bắt đầu trôi nhanh…
Chim Yến tính rất kỹ, đã thấy nước xoáy trước mũi thuyền.
Bọn lính trong thuyền hơi chống chếnh, con thuyền hơi chòng chành, bởi Chim Yến muốn làm như vậy. Chim Yến nghĩ thầm, nếu con nước xoáy chưa đủ sức làm đắm thuyền thì nhờ có sự nhốn nháo ấy, con thuyền sẽ lật nhanh hơn.
Tất tật sức lực của Chim Yến dồn cả vào đôi tay chèo. Chim Yến đưa mắt nhìn bọn giặc đang rũ rượi ngồi trong khoang thuyền. Mấy thằng Pháp mắt xanh mũi lõ tuy to khỏe mà sức không dẻo dai như mấy người lính bản địa, hình như chúng đang mong sớm kết thúc cuộc hành quân này. Chim Yến muốn thét lên một tiếng: Chúng mày sẽ chết tức thì bây giờ thôi!
xoáy nước rất mạnh đã hiện ra ngay trước mắt Chim Yến. Chim Yến bình tĩnh nhớ lại những lời căn dặn của cậu xuân, muốn cho thuyền vượt qua xoáy nước thì phải chèo thế nào, mạnh tay bát hay mạnh tay cạy đây… nhìn xoáy nước quay tít, cuốn cỏ, lá, cành củi xoay vèo vèo, Chim Yến có do dự một giây lát. Bất chợt, Chim Yến dùng hết sức lực chèo mạnh như con lao xuyên thẳng vào dòng để nước tràn vào thuyền. Chim Yến cố lái cho thuyền chếch bên con nước xoáy cạy hai cạy thuyền lao vào miệng vực miệng vực thẳm đang xoáy mạnh, rồi bất ngờ, dồn toàn sức lực cạy con thuyền cho mũi chúi vào vực xoáy, hệt như trông thấy chiếc thuyền đầu phía kia, dí mũi rồi hất mạnh xuống vực thẳm.
Khi con thuyền mất thăng bằng, bọn giặc trong khoang thuyền bị dồn về một phía, làm chiếc thuyền lật úp nhanh và hút sâu xuống dòng xoáy. Trong lúc đằng lái còn trên mặt nước, Chim Yến buông chèo bật người như con tôm búng ngược, chồm qua dòng xoáy, bơi thẳng vào bờ.
***
Từ lúc nhận được ám hiệu có giặc ra cồn, mọi sự chuẩn bị “đón chào” chúng đã chu đáo. Tiếng bìm bịp kêu da diết như muốn kéo đêm sụp xuống cồn Bến Tiêm nhanh hơn. Gốc cây bần có mấy bóng đen đang cụm lại xì xào. Tiếng ông Phỏn không lẫn vào giọng người khác. Tật cà lăm đã đem đến cho ông cái biệt danh, “Phỏn lắp”.
- Mần… mần răng hè. Mần… mần… mần răng… răng hè…?
- Mần chi mần nhiều rứa, thủ trưởng.
- Răng… răng… răng nói Chim Yến chở lính đồn ra đây, răng… Răng chừ chưa đến?
- Thủ trưởng chắc sốt ruột lắm đó hỉ?
- Mi nói… nói… nói… ai sốt ruột. Tụi mình chuẩn bị đón chúng chu đáo thế ni, chúng … chúng… không đến…. chẳng…. chẳng… tiếc công lắm sao…
***
Chim Yến lần về nhà khi đêm đã buông xuống. Cậu Hai ngong ngóng ra cửa từ lâu. Thấy Chim Yến về, cậu Hai mừng quá, nước mắt ứa ra. Cậu Hai vừa mếu máo vừa chửi yêu Chim Yến:
- Cha tổ mi nghe Yến! Làng nước họ bới móc nhà mày không còn chi mà nói. Tau nghe cậu xuân nói hết rồi đó Chim Yến à. Cậu Ba xuân vừa đi đâu đó thôi. Nhưng… giờ mà cậu xuân ở nhà thì mừng hết biết rồi. Đúng là nhà mình mở mày mở mặt được rồi. Chiến công này của mi thật đáng khen ngợi… mà thôi, để cậu đem cháo nóng lên cho mà tẩm bổ, chắc đói lắm rồi hả. Cháu ăn cháo đi, ăn đi rồi cậu kể cho nghe…
- Ở trên căn cứ về, nghe dân làng nói lại, cậu như điên lên. Cậu xuân thông báo các cơ sở rồi ra bờ sông quan sát. Giá lúc đó, cậu xuân bắt được mi thì cậu ấy nhấn chìm mi xuống sông luôn. Nhưng khi các cậu thấy cháu lững lờ thả thuyền theo dòng nước chờ con nước ròng thì đã hình dung ra được cách đánh giặc có một không hai của cháu.
- Cậu xuân răng lâu về vậy hè. - Chim Yến hỏi.
- Thì cậu còn mắc nói chuyện với bà con dân làng chứ. Cậu đã nhắc cậu ấy phải nói rõ để bà con biết, Chim Yến không phải kẻ hèn nhát, không phải là thằng làm phản. Cháu không biết chứ, lúc đầu thấy cháu nhận lời chèo thuyền chở lũ giặc, có người bảo, các người còn bênh vực cho cháu thì đến ngày nó dí súng vô ngực mới tin à.
Cậu cháu còn đang vui chuyện thì Ngỗ chạy bổ đến.
- Mày giỏi hơn tao nghĩ rồi Chim Yến à. Tau chấm mi trăm điểm, ngàn điểm đó. Mi giỏi thiệt đó. Tau chỉ nghĩ mi chèo thuyền chở lũ giặc vô trận địa mìn của quân ta để tiêu diệt hết chúng thôi chứ không nghĩ ra được kế dìm chết lũ cướp nước, bán nước đó. Hì hì, mi giỏi thiệt đó.
Ngỗ đưa tay lên vết thương do viên đạn đất kế chân mày phải của Chim Yến xoa xoa, giọng ngượng nghịu:
- Chim Yến có đau không, có còn đau không. Đừng có giận tau nghe.
Chim Yến cảm động quá, nắm tay Ngỗ, nói nhỏ vào tai bạn:
- Tau đâu giận mi. Tau biết mi mần rứa để tụi giặc càng tin tưởng tau hơn. Chúng tin tưởng tau, mất cảnh giác thì tau mới đưa chúng xuống âm phủ để vua Thủy Tề hỏi tội ác ở trên chứ, phải không…
- Đúng quá, để bọn cướp nước, lũ bán nước chúng biết mặt đội quân anh dũng mưu trí của dân sông nước quê choa chứ nhỉ.
Mấy người cười vang. Cậu Hai giục:
- Ăn đi cháu, cháo nguội hết rồi…