N
hư cái lệ quen dần, lính đồn hay ném cho lũ trẻ con trong làng vài cái cắc tút, hoặc những viên đạn lép để được xem chúng làm trò cho vui. Nhiều khi không có cắc tút hoặc đạn lép, để giải khuây, lính đồn còn tháo đạn trong súng vứt cho lũ trẻ. Nắm được cái thóp đó, Chim Yến và Ngỗ hễ gặp lính là trổ tài “làm xiếc” dụ tụi ham vui tham gia những trò chơi này và đã kiếm được khá nhiều đạn cho du kích.
Khi đám lính đồn đã bị cuốn vào trò chơi con lật đật, Ngỗ nhận ra ánh mắt của mấy anh du kích vừa bị bắt ba ngày trước đó giờ đang ngồi nhặt cỏ ngoài cổng, liền ghé tai Chim Yến nói nhỏ: “Tớ diễn xiếc cho chúng thật say, cậu ra ám hiệu cho mấy anh kia chạy cho nhanh nhé”. “Cậu làm được không?” “Sao còn phải hỏi, đó là tài vặt thôi mà”. “Ừ, làm đi”.
Con lật đật trên tay nhảy múa đủ các kiểu cách, những âm thanh giả tiếng chó sủa, vịt kêu gâu gâu cạc cạc ngộ nghĩnh phát ra từ cái miệng vừa đến độ “vỡ giọng” của Ngỗ đã thực sự lôi cuốn đám lính đồn, Chim Yến lân la đến bên mấy người tù nhân đang làm cỏ. “Mấy chú chú ý, khi mô cháu ra ám hiệu là các chú chạy cho nhanh, bọn chúng không kịp trở tay đâu”. “Ừ, cứ mần thế nhé”.
Con lật đật biết nhảy múa, làm trò đang phát huy tác dụng, đám lính đồn cười sặc sụa, chỉ trỏ tỏ vẻ tán thưởng. Ngỗ bụm miệng, nhại giọng vua đang thiết triều: “Trẫm đang muốn nghe các ái khanh tâu trình, sao không ai nói gì thế ni”. “đức vua vạn tuế, vạn vạn tuế. Đức vua nói hay quá, các hạ thần còn biết nói chi nữa ạ”. “Cho các ngươi bình thân”. Để cho bọn lính say trò, Ngỗ tung chiêu độc. Con lật đật xoạc cẳng chân, ngồi giãy đành đạch trên sân cỏ. “Tủm… tủm… tủm… tủm….”, từng tràng từng tràng rắm phụt ra. Ngỗ gân cổ hét: “Sáng nay ngự thiện phòng để hoàng thượng ăn hạt mít luộc nguội, giờ trẫm đang bị đau bụng Tào Tháo đuổi rồi đây bay ơi. Mau đưa hoàng thượng vô nhà xí, nhanh lên kẻo tụi bay nghẹt mũi hết bây giờ đó.” Bọn lính không biết tiếng kêu phát ra từ đâu, chúng nó cứ ngơ ngác, ngó ngó nghiêng nghiêng với con lật đật rồi nhìn chằm chằm vào miệng Ngỗ. Ngỗ phì cười, nói với bọn lính: “Con lật đật nó nói bằng mấy cẳng chân cẳng tay đấy”. “Thật vậy không, cẳng chân cẳng tay cũng biết nói tiếng người à?” “đưa cho tao xem có đúng như mày nói không”, một tên lính chạy đến bên con lật đật. Biết trò diễn xiếc đã lộ chân tướng, Ngỗ khéo léo đút con lật đật vô bụng áo rồi đưa hai tay lên vò đầu. Không biết những đồng xu ở đâu ra mà cứ rơi lẻng xẻng xuống đất từ cái đầu tóc rối hơn tổ quạ của Ngỗ. Đám lính đồn càng ngày càng ngạc nhiên, những ánh mắt tò mò cứ chăm chăm nhìn vào Ngỗ. Một thằng tây từ trong đồn đi ra cũng bị hút vào đám đông, nó tỏ vẻ không hiểu bằng cách nào mà những đồng xu cứ rơi leng keng xuống đất khi thằng Ngỗ đưa tay lên mái đầu rối như tổ quạ. Thằng mũi lõ mắt xanh sấn đến chỗ thằng Ngỗ, đưa bàn tay lông lá đen sì lên mái tóc rễ tre rối mù xoa xoa. Nhưng lạ lùng thay, hễ Ngỗ cứ đưa tay vò đầu là thế nào cũng có đồng xu rơi xuống liền. Bọn lính say sưa về trò chơi rất lạ của Ngỗ, khi nghoảnh lại mấy người tù nhân đã đi từ lúc nào, chúng hốt hoảng vơ súng bắn loạn xạ. Ngỗ bị bắt về đồn.
Vừa bị hai tên lính xóc nách dúi vào phòng giam, Ngỗ bị thằng chỉ huy cho mấy cái bạt tai choáng váng cả đầu óc. Tên chỉ huy hất hàm, hỏi:
- Mày là thằng nhóc làm xiếc trá hình để liên lạc, thu thập tin tức cho Việt Minh, phải không? Có đúng mày diễn trò kéo lính đồn ham chơi với mày để bọn tù trốn thoát phải không?
Ngỗ chịu đau chứ chẳng dại gì mà nhận những điều ấy.
Tên chỉ huy bắt đám lính xếp hàng phơi nắng chịu phạt về cái tội để cho tù nhân chạy thoát rồi ra lệnh tống Ngỗ vào nhà lao. Tiếng gọi là nhà lao nhưng đó chỉ là căn phòng được xây gạch kiên cố, mái bê tông và cửa sắt có những chấn song to bằng cổ tay đứa trẻ lên mười.
Không biết bằng cách gì, Ngỗ ta vẫn đem theo được vào phòng giam con lật đật gỗ. Ngồi trong phòng giam, Ngỗ tranh thủ luyện các chiêu trò làm xiếc và cách giả giọng gà gáy cóc kêu, một phần để đỡ buồn, một phần để tranh thủ tình cảm với đám lính trong đồn. Một tên lính trong số những tên hay đem cơm, nước uống vào phòng giam rất có cảm tình với Ngỗ. Tên lính này thường ngày thấy Ngỗ vẫn la cà ở đầu chợ, góc đường làm xiếc kiếm ăn thì chặc lưỡi bảo đồng bọn:
- Việt Minh khỉ gió gì thằng oắt con ấy. Nhưng có nó trong đồn làm trò tiêu khiển những khi đi càn thừa chết thiếu sống như bọn mình kể cũng hay.
Thế là từ đó, Ngỗ không bị giam nữa, nhưng cũng không được đi xa ra khỏi khu vực của bọn lính.
Thường ngày, Ngỗ bị chúng sai vặt. Bữa thì vạch đầu bắt chấy, vạch áo giết rận cho mấy thằng nhác tắm gội, chấy bám trên tóc như mè đen, rận bò lổm ngổm đầy nẹp áo, khuy quần. Mấy ngày sau quen dần, chúng sai Ngỗ ra sông lấy nước về cọ rửa nhà xí. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng Ngỗ tỏ ra rất tức giận. Rồi một hôm, Ngỗ được bọn lính cho đi theo ra chợ. Chẳng là bữa đi càn chúng kiếm được ở đâu đó mấy ký thịt trâu. Một tên lính mặt rỗ tỏ ra sành điệu về món ăn nhậu, trẹo mỏ nói choang choác: “Trâu tỏi bò gừng, kiếm được tỏi, khế chua với giấm rượu mà nấu bỗng thì ngon hết biết.” Thằng chỉ huy chắc cũng nhớ đến món khoái khẩu này nên bắt tên mặt rỗ đưa Ngỗ ra chợ kiếm khế, tỏi và không quên vào xóm lùng bằng được món giấm rượu. “Không có đủ gia vị, thịt ngon mấy cũng dai ngoách, chua lòm mà”. Thế là Ngỗ được đi theo tên mặt rỗ ra chợ. Lúc tên mặt rỗ đưa Ngỗ ra khỏi cổng, thằng chỉ huy cho lính gọi giật trở lại. Ngỗ đã tưởng bọn chúng thay đổi kế hoạch không cho nó đi nữa thì mất cơ hội gặp Chim Yến, mất cơ hội bắt liên lạc với tổ chức. Nhưng không, tên chỉ huy chỉ bảo thằng mặt rỗ để khẩu súng ở nhà, không được mang vũ khí ra chợ. Là chỉ huy, nó đã biết cái tật của thằng rỗ. Đã ra chợ, thế nào thằng rỗ cũng lao vào quán thịt chó của lão xít răng vàng. Rượu vào lời ra, ba hoa chích chòe đã đành, nhiều khi thằng rỗ còn cởi áo, tụt quần đi nghênh ngang khắp chợ. Để hắn đeo vũ khí ra đó, bắn du kích Việt Minh đâu chả thấy có khi lại mất bay cả súng lẫn đạn. Thế là kế hoạch đã phác ra trong đầu Ngỗ đành phải cất để dành dịp khác vậy. Thế vậy mà dịp may vẫn đến. Thằng rỗ sau khi làm gọn cái đuôi và bốn chân chó luộc cộng với nửa lít rượu nút lá chuối thì dựa cột quán thịt chó của lão xít răng vàng ngáy long sòng sọc. Cũng may, ngay khi đến chợ, Ngỗ đã khéo nhắc tên rỗ đi mua tỏi, mua khế để sẵn chứ nếu không, tan giấc điệp thì chợ chỉ còn trơ mấy cái lều xiêu vẹo. Ngỗ rứt sợi tóc đưa vào mũi tên rỗ, thử độ say ngủ say rượu của gã. Khi đã biết, cứ độ này thì dẫu khiêng thằng rỗ vứt tõm xuống ao bèo chưa chắc hắn đã tỉnh, Ngỗ te tái đi kiếm Chim Yến. Mới xa cách mấy ngày mà đôi bạn như muốn tan biến vào nhau. “Tớ đã biết hết cách bố trí phòng thủ của đồn chúng nó rồi, cậu phải nhớ cho kỹ. Khi về nói lại cho mấy anh mấy chú mà quên chi tiết nào là chết với tớ đó nhé”. “Thế hôm nay không nhân cơ hội này biến đi luôn à, hay là cậu muốn ở trong đồn ăn sung mặc sướng?” “Hôm nay chưa đi được. Cậu tưởng tớ khoái ở trong đồn với chúng lắm đó hả. Tớ đang dự định phải làm một mẻ to kìa”. “Ừ. Hôm nọ cậu xuân tớ về, cậu hỏi tình hình Ngỗ, tớ nói cậu đang đi “công tác”. Cậu xuân bảo, các cháu lớn rồi, tổ chức muốn để cho lên rừng đó.” Nghe nói được lên rừng chiến đấu, Ngỗ nhảy cẫng vui thích ra mặt. Chim Yến kéo tay bạn ngồi xuống, thủ thỉ: “Là cậu xuân còn nói vậy, trước mắt chúng ta cứ phải làm tốt công tác này đã chứ. Cậu nói muốn làm mẻ to, cho tớ tham gia với được không?” “Dĩ nhiên là được rồi, không những tớ sẽ cho cậu biết mà còn phải phối hợp thật nhịp nhàng nữa kìa. Thôi, muộn rồi, tớ phải vô đánh thức thằng rỗ về đây. Mà này, hôm nay ra chợ, tớ sợ chúng khám túi nên chỉ nhét được vô cạp quần mấy viên đạn này thôi, cậu cất đi cho khéo, đừng làm rớt, uổng công tớ lắm đó nha”. “Ừ. Thôi cậu về nha”.
Ngỗ ngoan ngoãn làm việc và bày trò hề cho bọn lính xem trong những lúc ăn cơm hoặc rảnh rỗi. Nhiều ngày như thế quen dần. Đến lúc Ngỗ đi ra sông, ra chợ chúng cũng không cần đi kèm, không cần để mắt đến. Ngỗ cũng chưa vội bỏ trốn, nó đang nghĩ cái gì đây cho hả giận vì mấy cái bạt tai đau điếng bữa trước thằng chỉ huy nó táng. Ngỗ đang căm tức bọn chúng lắm.
Dịp may đã đến. Hôm đó, tên đồn phó dẫn mấy tên lính đi ăn uống đâu ngoài chợ ngoài phố về. Vừa về đến cổng chúng đã nôn thốc nôn tháo ra đầy áo đầy quần. Đám lính ở nhà không được đi ăn nhậu đã tức sẵn, lại thấy cảnh này càng tức, thằng nào cũng bịt mũi, nhổ nước bọt khạc nhổ lung tung, chạy tránh xa đám ô hợp đó. Một tên lính chỉ vào mặt Ngỗ, quát:
- Này thằng nhóc, mày vô dọn dẹp đám cứt đái kia đi. Đem đồ bẩn ra sông mà giặt, nhanh lên…
Thối và bẩn lắm, nhưng bên hông tên thiếu úy say mèm có khẩu súng ngắn, mắt Ngỗ sáng lên, vơ luôn cả khẩu súng giấu dưới đám áo quần bẩn, Ngỗ đi ra bờ sông….
Ngỗ từ bờ sông lội lên, vội chạy như gió đến nhà Chim Yến ngay. Từ ngoài ngõ, Ngỗ đã réo:
- Chim Yến! Bay ra đây nào! Tao đã về cùng với mày đây này!
Chim Yến chạy ra, thấy Ngỗ. Chim Yến mừng quá, định đấm cho nó một trận, nhưng Ngỗ đã giơ khẩu súng ngắn đen chũi lên khoe. Sướng quá, Chim Yến hét lên:
- Mày kiếm được cả một khẩu súng ngắn à….
Ngỗ cười ha hả, ngửa mặt lên trời hãnh diện. “đâu chỉ có khẩu súng ngắn này, mấy hộp đạn, lựu đạn tao chôn kỹ ở bờ ruộng ngoài kia, sáng mai tao đưa ra cho mà lấy. Tao đã bảo phải làm mẻ to mà…”