Chúng ta đã từng đọc rất nhiều câu nói kiểu súp gà cho tâm hồn, kiểu như “Bạn đúng thì thế giới sẽ đúng”,“Yêu thương có thể giải quyết tất cả, trao đổi theo cách mà đối phương thích”…
Chỉ có điều cảnh giới này người bình thường không thể tu luyện được!
Trong công sở, không biết bạn đã từng có trải nghiệm như thế này chưa, đó là khi bạn gặp phải một số “tiểu nhân” trong công việc, bạn vẫn bất lực và bối rối, một mặt bạn không ngừng thầm tự nhủ với bản thân “Đừng xốc nổi, xốc nổi là ma quỷ”, mặt khác bạn nhìn thấy bộ mặt thật của những người đó, trong lòng đã thầm “hỏi thăm“ gia đình đối phương vô số lần.
Chỉ là một miếng cơm, một công việc mà thôi, nên đi hay ở, giải quyết thế nào đây?
1.
Nửa đầu năm ngoái, K, cô bạn cũ của tôi gặp phải một chuyện phiền lòng.
Sự tình là thế này, là copywriter giàu kinh nghiệm ở một công ty quảng cáo, khó khăn lắm K mới ứng tuyển được vào một công ty quảng cáo nổi tiếng, cho dù là đãi ngộ của công ty hay môi trường làm việc đều rất vừa ý cô, thế nhưng vừa tới công ty không lâu, theo cách nói của K thì cô đã gặp phải “tiểu nhân” công sở trong truyền thuyết.
“Tiểu nhân” này là người mới vào, nhưng bản lĩnh làm nũng, tỏ vẻ dễ thương và ra vẻ vô tội cao siêu đến mức một người lão luyện chốn “giang hồ” như K cũng phải “ngước nhìn”.
Theo cách nói của K thì cô gái này làm việc rất vớ vẩn, khiến người ta cảm thấy rất khó hiểu, không biết có bị chập sợi dây thần kinh nào không.
Một hôm, K yêu cầu cô gái đó in giúp một bản tài liệu, kết quả cô ấy không nói không làm nhưng cứ trì hoãn mãi, đợi đến lúc gấp rút lắm ròi, K giục cô ấy, cô ấy liên tỏ ra rất vô tội, thản nhiên nói: “Em nhiều việc lắm, chị K bảo em làm lúc nào, sao em không nhớ nhỉ? Hay chị nhớ nhầm, tìm nhầm người rồi?”.
Nói mát mấy câu cũng không phải chuyện gì to tát, nhưng điều khiến K không thể nhẫn nhịn được là cô gái này còn đặc biệt thích mách lẻo.
Từ khi cô ta đến công ty, danh tiếng nóng tính và không đoàn kết với đồng nghiệp của K bay đi khắp nơi, sau đó hỏi thăm mới biết hóa ra cô gái ở phòng hành chính này nói xấu cô với sếp.
K điên lắm, trong đầu cô chợt nảy ra một ý - “cho cô ta một trận"
2.
Để chuẩn bị cho “trận chiến” này, K học hỏi bí kíp khắp nơi, thế nhưng ý kiến mỗi người mỗi khác, điều này khiến K vô cùng đau đầu.
Có người khuyên cô nhịn, nói giả dụ có con chó sủa bạn, chẳng lẽ bạn lại cãi lí với nó? Nếu cô gái này là tiểu nhân thật, thì chửi nhau với cô ta chỉ hạ thấp thân phận của mình, thời gian đấy chi bằng nâng cao kĩ năng chuyên môn, sau này tìm được công ty khác tốt hơn thì lo gì không có cơm ăn?
Thế nhưng vấn đề là đối phương là người chứ không phải chó, hơn nữa con chó có sủa to hơn nữa thì cũng không ảnh hưởng đến lợi ích của K. Còn người này thường xuyên chơi xấu K, rõ ràng là rất không có lợi cho cô ấy.
Cũng có người khuyên cô chửi thẳng vào mặt cô gái kia, nói đối phó với tiểu nhân thì phải “lấy gậy ông đập lưng ông”, không phải cô ta mách tội bạn à? Bạn cũng có thể mách tội cô ta. Nếu mà không được thì cứ chạy thẳng tới bàn làm việc của cô ta cãi nhau một trận, cho tất cả mọi người đánh giá xem ai đúng ai sai, xem lần sau cô ta còn hống hách nữa không?
Thế nhưng K ngẫm nghĩ mãi, cảm thấy ý kiến này quả thực có thể xả tức, nhưng nếu làm thế thật thì không phải mình có vẻ quá ghê gớm sao? Hơn nữa kẻ địch luôn ở trong chỗ tối, cũng chỉ làm mấy trò vặt vãnh, nhưng nếu mình làm to chuyện, đến lúc đấy sẽ bị mang tiếng là “ỷ mạnh hiếp yếu”, nếu muốn phát triển lâu dài ở công ty thì đây không phải là kế sách lâu dài.
Tất nhiên còn có người khuyên cô lấy tĩnh chế động, ngồi yên quan sát cái đã, xem ai chịu được lâu hơn. Thế nhưng trong công việc, K thường xuyên phải tiếp xúc với cô gái này, vấn đề này một ngày không giải quyết là một ngày K cảm thấy bí bách, không thể vì một chút chuyện nhỏ này mà làm hỏng tâm trạng làm việc cả ngày được.
Thế là K quyết định, việc này nên thỉnh giáo người có chuyên môn, qua sự giới thiệu của bạn bè, cô tìm đến cô Minh Minh, một người có nhiều bản lĩnh trong lĩnh vực quan hệ giao tiếp.
3.
Dưới đây là phần phân tích chuyên môn của cô Minh Minh.
Câu hỏi thứ nhất, bạn làm việc vì cái gì? Là vì có mối quan hệ tốt với người khác sao?
Đâu có, bạn làm việc rõ ràng là vì lí tưởng nghề nghiệp mà. Cho nên, quan hệ giao tiếp tốt hay xấu không đủ để trở thành lí do khiến bạn đưa ra quyết định bồng bột như nghỉ việc, đây là tiền đề.
Câu hỏi thứ hai, tại sao chúng ta lại gặp tiểu nhân trong công việc?
Theo cách nói của cô Minh Minh, khi bạn cảm thấy người khác là tiểu nhân, người khác cũng cảm thấy thế. Sở dĩ chúng ta có nhận thức như vậy, đa phần là do chúng ta lơ là việc quản lí các mối quan hệ giao tiếp, chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của quan hệ giao tiếp, lâu dần chúng ta sẽ giao tiếp với người khác theo cách giao tiếp của mình, thiếu sự phân tầng, không quản lí phân cấp, luôn quen dùng một mô thức giao tiếp, có thể trước mặt người thân quen thì không có vấn đề gì, nhưng nếu đổi lại là một người không thân lắm, có thể sẽ khiến đối phương cảm thấy cực kì khó chịu.
Quan hệ có thể thay đổi, đây là điều cô Minh Minh nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, cô nói thực ra nếu bạn nắm được bản chất lưu động của quan hệ giữa người và người, nhiều lúc bạn sẽ không quá cố chấp với tình trạng mối quan hệ trong hiện tại, mà sẽ nhìn nhận vấn đề này ở một tầm cao hoàn toàn mới.
Câu hỏi thứ ba, khi bạn gặp tiểu nhân, hãy hỏi bản thân hai câu: Bạn sẽ ra đi? Hay là nỗ lực làm những điều tích cực để loại trừ trở ngại cho mình, để bản thân có thể làm việc một cách vui vẻ?
Cô Minh Minh nói nghỉ việc trông có vẻ rất ngầu, nhưng thường là phương án giải quyết bất lực nhất.
Vì có thể thấy ngay tổn thất của việc từ chức, bạn sẽ mất nền tảng là công ty, bạn sẽ mất nhiều năm tích lũy, bạn sẽ phải tốn một lượng lớn thời gian tìm công việc mới, vấn đề mấu chốt là tới môi trường mới bạn vẫn sẽ gặp phải tiểu nhân, sau đó bạn lại nghỉ việc, cứ thế, không biết đến đời nào bạn mới được thăng chức tăng lương.
Điểm thứ tư mà cô Minh Minh nhấn mạnh là chúng ta cần xử lí thỏa đáng mối quan hệ giữa điểm chung và cá tính riêng.
Trong công ty, mỗi người đều là cá thể độc lập và cũng có rất nhiều mặt, chính vì thế rất nhiều tiểu nhân bạn thấy ngứa mắt trong chốn công sở có thể chỉ là vì hai người thiếu sự giao tiếp có hiệu quả và sự hiểu biết về nhau, mà bước quan trọng nhất chính là thử xây dựng quan hệ với đối phương, tìm điểm chung của hai người, sau khi xây dựng được quan hệ tin cậy, thì tình trạng giao tiếp trong công việc sẽ được cải thiện rất nhiều.
Trong mắt cô Minh Minh, chỉ số cảm xúc của một người cao hay thấp phải xem anh/cô ta có năng lực đối phó với những “tiểu nhân” này hay không.
4.
Sau khi nghe xong phân tích của cô Minh Minh, K như bừng tỉnh. Đầu tiên cô tự hỏi mình, mình có hài lòng với công việc này không? Câu trả lời chắc chắn là có.
Công ty này bất luận là môi trường hay đãi ngộ hoặc không gian phát triển đều khiến K rất hài lòng, cô không hề muốn xin nghỉ, tuy xin nghỉ nghe rất ngầu, nhưng vấn đề là vì chuyện này mà rời khỏi một nền tảng tốt như vậy, cái giá có vẻ quá lớn. Hơn nữa, nếu không giải quyết chuyện này ngay bây giờ, sau này lại gặp phải kiểu người tương tự, không lẽ lại xin nghỉ? Dù sao trốn tránh không phải là cách giải quyết vấn đề.
K tiếp tục phân tích sâu hơn, vậy cô gái này có phải là tiểu nhân thật không?
Qua phân tích, cô gái ở bộ phận hành chính này không có xung đột lợi ích với K, lợi ích của hai người không tương đồng, dù sao K không phải là sếp của bộ phận hành chính, cho nên khi K giao việc cho cô ấy, cô ấy có thể làm, tất nhiên cũng có thể không làm; thế nhưng khi K chất vấn cô ấy, có lẽ cô ấy cảm thấy có lỗi nhưng điều đó nhanh chóng bị áp lực thế chỗ, con người có một bản năng đó là khi đối mặt với áp lực, sẽ bất giác muốn chạy trốn, cho nên mới đùn đẩy trách nhiệm ngay trước mặt K. Ngoài ra mách với sếp trước, nói cô nóng tính, điều này quả thực cũng không phải là ăn không nói có mà đúng là sự thật.
Nghĩ như thế K liền bình tĩnh hơn nhiều.
Tiếp theo là xử lí mối quan hệ này như thế nào.
Một hôm, sự tình có chuyển biến tích cực, cô gái mới đến sắp cưới phải xin nghỉ, K liền hỏi cô ấy định đi đâu du lịch, tình cờ là K rất thích đi du lịch, nên đã cho cô ấy một số tuyến đi rất thú vị, còn bảo cô ấy một số điều cần chú ý nữa, quan hệ của hai người đột nhiên thay đổi một trăm tám mươi độ, nhanh chóng trở nên thân thiết.
“Sau này mình mới hiểu,” K nói, “Trước kia mình rất ngứa mắt việc các đồng nghiệp toàn buôn chuyện túi xách, buôn chuyện chồng con, bây giờ mới hiểu hóa ra là họ đang tìm kiếm điểm chung với đối phương trong những câu chuyện tưởng chừng nhạt nhẽo đó, sau đó gia tăng độ thân thiết giữa đôi bên, xây dựng nền móng cho công việc thuận lợi sau này.
“Nói vậy thì sau này hai người không còn ghét nhau nữa à?” Tôi hỏi.
“Ừ, sau lần đó quan hệ của bọn mình được cải thiện rất nhiều, sau đó mình phát hiện cô ấy không độc địa như trước kia mình tưởng tượng, sau đó lại nhờ cô ấy làm giúp một số việc, cô ấy đều phối hợp với mình rất tốt. Đáng tiếc là chưa tới nửa năm cô ấy đã phải xin nghỉ vì có bầu, đến bây giờ bọn mình vẫn còn giữ liên lạc đấy, mình thường xuyên xem mạng xã hội của cô ấy, lúc rảnh bọn mình cũng hay hẹn gặp nhau.” K nói.
Câu chuyện của K khiến tôi nhớ mãi trong lòng, nó cho tôi thấy một cái kết tốt đẹp khác của sự bất hòa trong quan hệ giao tiếp chốn công sở.
“Không có cuộc sống bất tử, chỉ có những sự nghiệp bất tử”.
(Brian Tracy)