Ởtuổi đôi mươi, có lẽ bạn cũng như rất nhiều người trẻ khác, cảm thấy tuổi trẻ của mình sẽ kéo dài mãi mãi, cho nên bạn không ngừng thay đổi, bạn nhảy việc liên tục; đến tuổi ba mươi, bạn cũng như nhiều người khác, kết hôn sinh con, bạn chợt phát hiện mình không thể tự do làm theo ý mình như thời trẻ được nữa, bạn phải nghĩ tới sự cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.
Lúc này có lẽ bạn muốn xắn tay áo lên làm nên nghiệp lớn, nhưng bỗng phát hiện chốn công sở lúc này đã hoàn toàn khác với tưởng tượng của bạn, ba mươi tuổi, bạn ở một vị trí cao không tới thấp không thông, nếu còn không tích cực tìm kiếm sự đột phá thì còn chờ tới bao giờ nữa?
1.
Có người nói, người hai mươi tuổi còn có thể kiếm được một công việc dễ chịu nhàn nhã ung dung nhờ tuổi trẻ, thế nhưng khi bạn ba mươi, tất cả đều thay đổi.
Lâm Tử (tên giả) năm nay vừa tròn ba mươi, theo như tưởng tượng lúc đầu của cô, cô vốn tưởng rằng khi ba mươi mình ít nhất có thể làm đến chức quản lí, thế nhưng vừa lấy chồng sinh con là tất cả dường như đều thay đổi.
Đầu tiên, cô cảm thấy từ lúc mang thai đến lúc sinh con, nuôi con, ít nhất phải mất khoảng ba năm hoàng kim, trước khi lấy chồng cô từng ngây thơ nghĩ rằng tìm một người chồng tốt sống một cuộc sống vui vẻ chính là cuộc sống mình muốn có. Nhưng sau khi lấy chồng sinh con xong, Lâm Tử mới phát hiện hóa ra sự độc lập kinh tế của phụ nữ mới là tất cả, cô lại quay lại làm việc, nhưng đáng tiếc là cô cảm thấy cho dù là thể lực hay trí lực của mình dường như đều không thể sánh được với chính mình thời sung sức nữa.
Thứ hai, cô cảm thấy sự gian khổ và khó khăn khi trở lại làm việc. Khi phỏng vấn, câu Lâm Tử bị hỏi nhiều nhất là “Cô kết hôn chưa? Cô có con chưa? Cô có định sinh con thứ hai không?” Khi những câu hỏi riêng tư biến thành sự truy vấn công khai khi phỏng vấn, Lâm Tử hít thật sâu một hơi, cô cảm thấy đối với một phụ nữ ba mươi mà nói, tìm việc thật sự không dễ dàng chút nào.
Cuối cùng, khó khăn trong việc phát triển nghề nghiệp khiến cô vô cùng đau đầu. Cô biết nếu trong mấy năm tới không tích lũy kinh nghiệm, không nâng cao bản thân, năm năm sau mình sẽ phải đối diện với khó khăn sinh tồn còn kinh khủng hơn nữa.
Ở tuổi ba mươi, rốt cuộc phải làm thế nào mới có thể đột phá trong nghề nghiệp đây?
2.
Câu hỏi thứ nhất, bạn cảm thấy công việc hiện tại có thể thỏa mãn yêu cầu về nghề nghiệp của bạn không?
Ví dụ như Lâm Tử, công việc hiện tại của cô là mua hàng, do quy mô công ty không lớn, bộ phận mua hàng chỉ có một mình cô, công việc này không hề phức tạp, mỗi ngày đều là những nội dung làm việc thông thường, như hỏi giá, so sánh giá và liên hệ cụ thể với bên cung ứng, lương cũng chấp nhận được, mấu chốt là công ty ở gần nhà, tiện chăm sóc gia đình.
Cho nên, nhìn vào nhu cầu công việc trước mắt, Lâm Tử không cần đổi nghề ngay.
Câu hỏi thứ hai, năm năm nữa bạn định sống cuộc sống như thế nào?
Khi bị hỏi đến vấn đề này, Lâm Tử ngập ngừng một lát, cô cảm thấy mình không có chí lớn gì, nhưng vẫn muốn được tăng lương.
Tôi tiếp tục phân tích, thực ra nguyện vọng của cô nói đơn giản thì cũng không đơn giản, vì chỉ nói riêng mục tiêu tăng lương, nếu không thể thăng chức, muốn tăng lương bằng cách tăng số năm làm việc gần như là điều không thể, cho dù có tăng một chút, nhưng so với lạm phát thì không thấm vào đâu.
Không phải vì thời gian làm việc của bạn tăng thì lương chắc chắn sẽ tăng; trong công sở, tăng lương thường đi kèm với trách nhiệm, tiêu chí dễ thấy nhất chính là chức vị.
Cho nên, đối với mục tiêu tăng lương của Lâm Tử, biện pháp thiết thực và khả thi nhất là nỗ lực ba đến năm năm, làm tới chức quản lí trở lên.
Câu hỏi thứ ba, nếu bạn phát hiện chức vị mục tiêu trong công ty đã có người khác làm đồng thời địa vị của đối phương rất vững chắc, vậy sự nỗ lực này có trở thành vô ích không?
Tất nhiên là không.
Bạn nỗ lực để được thăng chức, thực ra sự trưởng thành về mặt cá nhân của bạn đã vượt xa khỏi phương diện kĩ năng đơn thuần, mà bạn còn trưởng thành về cả mặt giao tiếp, tư duy hệ thống và quản lí, nếu cuối cùng quản lí hiện tại từ chức, chức vị bị trống này chính là cơ hội có lợi cho bạn; nếu bạn không muốn chờ đợi và cũng không muốn dùng mưu kế thay thế vị trí của người khác, bạn có thể tìm kiếm cơ hội ứng tuyển vào vị trí tầm trung và cao ở các doanh nghiệp khác.
Ba mươi tuổi, là lúc đánh một trận đột phá vòng vây đẹp mắt rồi, dù sao thế còn tốt hơn là tiếp tục làm việc một cách ủ rũ lờ đờ, ngồi không chờ chết nhiều.
3.
Muốn hoàn thành một trận chiến đột phá vòng vây đẹp mắt, cần phải bắt đầu như thế nào?
Bước thứ nhất, phân tích nội dung công việc của bạn, xem xem điều khiến bạn cảm thấy lực bất tòng tâm hoặc khổ sở nằm ở đâu, đau khổ thường là lời nhắc nhở dịu dàng của vận mệnh, nó có nghĩa là nếu bạn đột phá từ đây, bạn sẽ trưởng thành một cách bất ngờ.
Tiểu Lâm nói với tôi băn khoăn lớn nhất của cô là mỗi lần làm công việc hỏi giá, so sánh giá, cô đều cảm thấy không có giá trị gì, vì nếu không có gì bất ngờ, sếp thường sẽ chọn báo giá thấp nhất, thế nhưng bộ phận kĩ thuật lúc nào cũng phản hồi rằng nguyên liệu thu mua không tốt, nói cô làm việc không đến nơi đến chốn, cô luôn cảm thấy mình mắc kẹt ở giữa.
Bước thứ hai, tiếp tục đào sâu làm rõ thực chất vấn đề.
Trong doanh nghiệp, thực ra rất nhiều mâu thuẫn đều là do mỗi người đứng ở những lập trường khác nhau, sinh ra tiêu chuẩn đánh giá khác nhau với một sự việc, mọi người đều đang là “thầy bói xem voi”, chỉ nhìn thấy cục bộ của vấn đề, do ý kiến không thống nhất nên thường phát sinh tranh chấp và bất đồng.
Ví dụ rất nhiều người làm kĩ thuật đều có yêu cầu rất khắt khe đối với nghề nghiệp của mình, luôn muốn làm tốt nhất có thể công việc của mình, thế nhưng điểm này thường xung đột với góc độ thị trường.
Mà nếu suy xét từ góc độ của thị trường, không phải tất cả sản phẩm đều phải hoàn hảo. Nếu một doanh nghiệp không thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường hoặc một sản phẩm không có nhu cầu thị trường, doanh nghiệp không thể đầu tư một cách mù quáng.
Bước thứ ba, trong công việc hiện tại, bạn cảm thấy còn chưa làm tốt những điểm nào? Nếu bạn là chủ, bạn cảm thấy vị trí làm việc hiện tại còn có thể thử tích cực và nỗ lực làm gì?
Qua phân tích, Lâm Tử cảm thấy bản thân còn nhiều điểm phải cải thiện trên cương vị nhân viên mua hàng. Ví dụ, cô cảm thấy khi đàm phán với bên cung ứng, mình có phần thiếu tự tin, cho nên lần nào cô cũng gắng gượng làm chuyện này, một công việc vốn có thể mang lại cảm giác thành quả lại biến thành cực hình, cho nên giao tiếp là trọng điểm học tập trong thời gian ngoài giờ làm việc của Lâm Tử, tất nhiên có rất nhiều cách học, có thể đọc sách cũng có thể tham gia các hoạt động giao lưu gặp gỡ offline, ngoài ra Lâm Tử cũng phát hiện với thói quen mua hàng giá thấp nhất hiện nay, công ty chưa chắc đã thực sự hạ được giá mua nguyên liệu.
Lâm Tử nói với tôi, do thói quen mua hàng của sếp (mua số lượng lớn, chọn nhà có giá thấp nhất), mỗi lần có đơn hàng đột xuất cần phải mua lẻ, đơn vị bán buôn mà công ty hợp tác do lượng hàng được đặt đã quá tải nên không nhận bán lẻ, thế là lần nào Lâm Tử cũng phải tìm một số đơn vị hợp tác tạm thời, mà những đơn vị này thường thừa cơ nâng giá, Lâm Tử tính, do hiện nay rất nhiều đơn hàng của công ty đều không thể sản xuất với số lượng lớn, việc mua hàng số lượng nhỏ lẻ sẽ ngày càng nhiều, do không thể cố định quan hệ hợp tác lâu dài, lần nào công ty cũng chỉ có thể bị động chấp nhận giá cao của đối phương, cho nên giá thành nguyên liệu đầu vào thường khó mà khống chế được.
Bước thứ tư, phải học cách nói chuyện bằng số liệu.
Đối diện với tình thế này, tôi khuyên Lâm Tử tiến hành phân tích số liệu chi tiết cụ thể, tổng hợp tên gọi vật liệu, số lượng, đơn giá, số tiền của những lần mua hàng số lượng nhỏ lẻ trong một năm trở lại đây, so sánh xem chúng chiếm tỉ lệ bao nhiêu trên tổng nguyên liệu thu mua, xem xem ngoài sách lược mua hàng giá thấp ra, có thể biến thành sách lược mua hàng kết hợp hay không (tức là sách lược mua hàng dựa trên sự kết hợp với các tình hình khác, chọn ra nhà cung ứng có lợi hơn cho doanh nghiệp), đồng thời tìm cơ hội thích hợp trao đổi với sếp, có thể thử vài tháng, xem chính sách mua hàng mới có thể hạ thấp giá thành nguyên liệu đầu vào của công ty một cách tổng thể hay không.
Cuối cùng cần phải nói rõ là đối với nhân viên công sở ba mươi tuổi, đổi nghề không phải là hoàn toàn không khả thi, nhưng mấu chốt là bạn có nỗ lực tích cực để đổi nghề hay không, bạn đã tích lũy đủ vốn liếng cần thiết để đồi nghề chưa, dù sao trên bạn có cha mẹ già, dưới còn con nhỏ, lại phải cân bằng cả gia đình và công việc, ngoài ra cả nhân tố tuổi tác nữa, bạn không thể hành động bồng bột xốc nổi theo ý thích bản thân như mười năm trước nữa, mà nếu bạn không có lựa chọn tốt hơn, thì chi bằng đối diện với thực tế, học cách suy xét vấn đề một cách hệ thống và toàn diện, tìm điểm đột phá trong chính công việc hiện tại, đánh một trận chiến đột phá vòng vây đẹp mắt.