Mùa hè năm ngoái, tôi vô tình đọc được một bài diễn thuyết, diễn giả là Arianna Huffington, người sáng lập tờ “The Huffington Post”, chủ đề diễn thuyết của bà là “’Thước đo thứ ba’ của thành công”.
Trong bài diễn thuyết, Arianna nhắc tới thước đo thứ ba ngoài tiền bạc và quyền lực ra: Hạnh phúc.
Bà liên tục nhấn mạnh, đừng “giành được thành công theo nghĩa thế tục bằng cái giá mất đi cái tôi của mình… Trong sâu thẳm nội tâm của chúng ta, chúng ta phải hỏi cuối cùng điều thực sự quan trọng là gì? Cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng bổng cả trái đất, bằng cách nhận thức chính mình chúng ta có thể tìm thấy điểm tựa của mình, có thể khỏe mạnh hơn, nhận được nhiều hơn, có thể đạt được thành tựu lớn hơn”.
1.
Chiều hôm đọc xong bản diễn thuyết “Thước đo thứ ba của thành công”, tôi đến bến xe bus đợi xe bus như thường lệ, định đi tập yoga ở phòng tập.
Đột nhiên một bóng người quen thuộc lướt qua trước mắt tôi. “Thái Thái”, tôi vừa dứt lời, cô gái đó liền quay đầu lại, không sai, đó chính là Thái Thái với đôi mắt to và dáng người cao gầy.
“Chị đây”, tôi vẫy tay với cô ấy.
Gương mặt cô ấy bừng lên một nụ cười rực rỡ: “Chị đấy ạ, lâu lắm rồi không gặp chị.”
Kể ra thì tôi gặp Thái Thái khi vừa bắt đầu tập yoga.
Mấy năm trước, chúng tôi luyện yoga ở một trung tâm rất lớn, tôi vừa mới tiếp xúc với yoga nên cơ thể rất cứng, lúc đó Thái Thái đứng ngay cạnh tôi, thỉnh thoảng lại nhắc nhở và sửa động tác cho tôi.
Giờ giải lao, tôi quan sát rất kĩ cô gái xinh đẹp này, phát hiện cô có nét của người nước ngoài, trò chuyện mới biết người đẹp này đã tập yoga được hơn bảy năm, đột nhiên tôi thấy có hứng thú với một câu hỏi, đó là“Em tập lâu như vậy rồi, sao không làm thêm giáo viên dạy yoga?”.
Khi hỏi câu này thực ra tôi cũng có lòng riêng, vì lúc đó tôi vừa tiếp xúc với yoga không lâu, mới nghĩ nếu sau này có thể dạy yoga kiếm thêm tiền cũng hay.
Không đợi Thái Thái trả lời, một giáo viên trong trung tâm đã nói: “Đúng thế, giám đốc trung tâm cũng nói chuyện với cô ấy bao lần rồi, muốn mời cô ấy làm giáo viên yoga, nhưng Thái Thái không đồng ý, thật không hiểu cô ấy nghĩ thế nào nữa.”
Thái Thái cười nói: “Thực ra em thật sự không nghĩ gì nhiều, chỉ là em biết trên thế giới này, em có thể tìm được một sở thích của riêng mình không phải là điều dễ dàng, em không muốn sở thích này bị pha tạp quá nhiều thứ, phải biết là một khi trở thành giáo viên, thì phải chú ý tới trải nghiệm của học viên, cũng có nghĩa là bản thân em không thể tự do thoải mái luyện tư thế mà em muốn, ngoài ra làm giáo viên đồng nghĩa với thu nhập, mà em cảm thấy một khi sở thích đi cùng với thu nhập, tự nhiên em sẽ có kì vọng, có yêu cầu đối với nó, dần dần em sẽ bị nó ảnh hưởng, không thể thỏa thích tận hưởng niềm vui thuần túy mà sở thích này mang lại cho mình nữa”.
Tôi như chợt hiểu ra điều gì.
2.
Tại sao chúng ta thường chán ngán công việc hiện tại?
Ở đây có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là khi “động cơ nội tại” bị thay thế bởi “động cơ ngoại tại”, bạn bắt đầu mưu cầu kết quả khi làm một việc gì đó, thì bạn sẽ dần dần mất đi rất nhiều thứ, ví dụ như niềm vui.
Có một câu chuyện thế này, có một lũ trẻ con nghịch ngợm đá bóng trước cổng nhà một ông lão, cho dù ông lão nói thế nào cũng không có hiệu quả. Sau đó ông lão nghĩ ra một cách, ngày thứ nhất ông cho lũ trẻ một khoản tiền, bảo chúng là mình rất thích xem chúng đá bóng, ngày thứ hai tiếp tục cho tiền, chỉ là càng ngày càng ít, dần dần lũ trẻ này không muốn đá bóng nữa, vì điều chúng quan tâm đã từ “đá bóng cho vui” biến thành “đá bóng để lấy tiền”.
Thực hiện một hoạt động nào đó vì một kết quả ngoại tại nào đó, một khi kết quả ngoại tại không như bạn muốn, bạn tự nhiên sẽ cảm thấy nản lòng thậm chí hoài nghi bản thân, mà khi bạn làm một việc tách rời khỏi kết quả ngoại tại, chỉ vì bạn thích, niềm vui mà bạn có được không thể diễn tả được bằng lời.
Cho nên khi rất nhiều người nói biến sở thích thành nghề nghiệp, cũng có người chất vất là bất cứ sở thích nào một khi trở thành nghề nghiệp đều sẽ có tiêu chuẩn sát hạch tương ứng, đến lúc đó bạn còn có thể tận hưởng niềm vui như lúc đầu hay không, điều này rất khó nói.
Đúng vậy, dù sao con người không phải là máy móc, không cần ngày ngày căng từng dây thần kinh như dây đàn, mà cần thả lỏng một cách vừa phải; trong tất cả các phương thức thả lỏng, tìm một việc mình thích, không làm vì bất kì mục đích gì, chỉ vì mình thích, chắc chắn là việc cực kì có lợi về cả tâm và sinh lí.
3.
Quả Quả, một đồng nghiệp cũ của tôi, chính là ví dụ như vậy. Cô gái này rất đẹp, thân hình cũng cực kì đẹp, thế nhưng trong thời thơ ấu, do điều kiện gia đình có hạn không thể thực hiện giấc mơ vũ đạo của mình, sau đó gặp rất nhiều trắc trở, thời đại học cô học một chuyên ngành mình không hề thích, sau khi tốt nghiệp cô vô cùng hoang mang, dựa vào ưu thế ngoại hình của mình, cô vào công ty làm công việc hành chính lễ tân.
Có một thời gian Quả Quả vô cùng thiếu tự tin, gọi điện thoại cũng ấp a ấp úng, cho nên không ít lần bị sếp phê bình.
Có một buổi chiều, Quả Quả rủ tôi cùng đi dạo phố, nói với tôi cô cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng vô vị, cảm thấy mình hoàn toàn vô dụng.
Tôi nghe Quả Quả tâm sự xong, nói thực ra điều đó hoàn toàn không phải lỗi của cô, vì trong công sở, đa số lãnh đạo đều đánh giá một con người dựa vào kết quả, không quá bận tâm tới quá trình và cảm nhận cá nhân, nếu muốn lấy lại sự tự tin, có một con đường có thể thử, đó là lấy lại giấc mơ thời thơ ấu, đi học múa.
“Gì cơ? Chị ơi, chị có chắc mình đang nói thật không đó? Bây giờ em đã hơn hai mươi rồi, xương cũng cứng rồi, sao mà học được?” Quả Quả tròn mắt hỏi tôi.
“Chỉ cần em thích, không có gì là không thể, em có thể cho mình một thời hạn, ví dụ nửa năm, nếu trong vòng nửa năm vẫn không múa được, cũng coi như là đi thư giãn, rồi lại tìm một công việc hành chính hoặc văn thư tương tự, chị cảm thấy không có vấn đề gì lớn cả.” Tôi nói.
Chưa tới một tuần, Quả Quả liền nghỉ việc, rất nhiều người đoán cô đi đâu, chỉ có tôi lờ mờ biết cô đi đâu.
Cô tham gia một lớp vũ đạo, bắt đầu học múa.
Cô nói với tôi lần đầu tiên nhảy múa cô vừa phấn khích vừa căng thẳng, cô chỉ sợ mình nhảy không đẹp thì xấu mặt, nhưng không ngờ khi âm nhạc vang lên, trong đầu cô tràn ngập cảnh tượng mình lén lút tập múa trước gương hồi nhỏ, lần đầu tiên cô cảm thấy mình gần gũi với nội tâm mình đến thế, cơ thể cô bắt đầu chuyển động theo tiếng nhạc một cách tự nhiên, cảm giác này hoàn toàn không chịu sự chi phối của bộ não.
Thời gian dường như ngừng lại, cô ngừng đánh giá, ngừng suy nghĩ, ngừng hoài nghi, khi động tác của cơ thể dần dần hợp nhất với âm nhạc, trong lòng cô bùng lên một niềm vui chưa từng có, trạng thái này cô chưa từng được trải nghiệm suốt bao năm đi học và thậm chí đi làm, cuối cùng cô không còn lo lắng người khác nghĩ gì về mình nữa, cô cũng không còn nghĩ mình kém cỏi hơn người khác nữa, thậm chí cô không cảm thấy sự tồn tại của những người khác, mãi tới khi nhạc dừng, sự nhẹ nhõm và niềm vui đó cứ vang vọng mãi trong đáy lòng cô, chúng phá bỏ ngăn cách của không gian, phát ra một tiếng kêu mãnh liệt, đó là “đừng dừng lại”.
Cứ như vậy Quả Quả tập múa không được bao lâu liền bắt đầu học vẽ, một giây cũng không thể dừng lại được.
Khi tôi gặp lại cô, sự tự tin và vui vẻ toát ra từ cô, cô tuyên bố với tôi Quả Quả bây giờ đã thực sự được trở lại là chính mình.
Còn từ giờ sẽ làm gì, Quả Quả đột nhiên không còn lo lắng nữa, cô bảo tôi, bản thân có thể tìm lại chính mình từ vũ đạo, đột nhiên cảm thấy tất cả không khó khăn trùng trùng như trước kia mình tưởng tượng, cô bỗng cảm thấy mình không sợ gì nữa.
4.
Không có gì phải nghi ngờ là giá trị quan chủ đạo của xã hội hiện nay bỏ qua sự hạnh phúc trong sâu thẳm nội tâm con người, thường lấy tiền bạc, địa vị bên ngoài làm tiêu chuẩn đánh giá, trong môi trường như vậy, mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với một loạt tình cảnh bị đánh giá, bị dán nhãn, bị định nghĩa, bị lượng hóa…, quay cuồng với cái gọi là phấn đấu, vật lộn tranh giành sản sinh từ những thứ đó, chỉ khiến cho bản thân mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, vì nội tâm không hạnh phúc giống như dòng suối bị đứt nguồn, không còn có thể phát ra tiếng nhạc vui tươi nữa.
Các nhân vật chính trong câu chuyện ở trên đều thoát li khỏi sự chú trọng vào“tỉ lệ giữa đầu tư và hiệu quả” mà người đời coi trọng, làm những việc mình thích, nhìn từ góc độ thông thường, sở thích của họ rất khó mang lại cho họ lợi ích khả quan, thậm chí tỉ suất lợi nhuận cá nhân (tỉ lệ hiệu quả/ đầu tư) cực kì thấp.
Nhưng tôi luôn tin chắc rằng trên thế giới này chắc chắn có không ít người như vậy, tất cả những gì họ làm không phải là để đạt được kết quả có thể nhìn thấy được, mà chỉ là để gặp gỡ với cái tôi bên trong của mình mà thôi.
Tuy rằng có một số người trên thế giới này vì để chứng minh mình khác với số đông, nên mới phấn đấu nỗ lực sống theo cách riêng của mình, đó cũng là một sự thành công, thế nhưng còn một sự thành công khác đó là kì thực bạn không cần phải chứng minh gì cả, cũng không cần phải sống cho khác với số đông, điều bạn cần làm chỉ là gặp gỡ nội tâm của mình, sau đó lặng lẽ cảm nhận “sự chấp nhận tất thảy”.
Trong đời người luôn có những giai điệu xen vào bất ngờ mà bạn không lường trước được, nó vô cùng gần gũi với nội tâm của bạn, nhưng chắc chắn nó không thể hòa nhập vào giai điệu chủ đạo của người đời được.