Giống như một chuyên viên tư vấn lão luyện từng nói, tư vấn là một lò luyện lớn, sau cuộc tư vấn, người tới tư vấn ra về trong hài lòng, chỉ có những lối tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề này là kết tinh trí tuệ tập thể của những người làm về lập kế hoạch nghề nghiệp, nó như một tia sáng trong đêm tối, chiếu sáng mỗi một người cần đến nó.
1.
Khi Hiểu Thần (tên giả) tìm tôi tư vấn, câu đầu tiên cô ấy nói là: “Cô Triệu, chúng ta cùng nghề đấy ạ”.
Tôi đọc bản thông tin của cô ấy, quả nhiên, hiện cô ấy đang làm giáo viên phụ đạo cho một trung tâm bồi dưỡng, chủ yếu phụ đạo môn sinh vật cho học sinh cấp Hai và cấp Ba.
Theo như cô ấy nói thì hiện giờ công việc của cô ấy đang rơi vào một tình thế bối rối chưa từng có, cô ấy băn khoăn do dự không biết nên đi hay nên ở.
Hiểu Thần nói lần này cô ấy tới tìm tôi là mong tôi có thể giúp cô ấy tìm một ngành nghề phù hợp với mình.
2.
Tôi cho rằng chuyện này không đơn giản như vậy.
Trong số những người xin tư vấn tôi đã tiếp xúc, có rất nhiều người khi gặp khó khăn thường thích giương lá cờ “lựa chọn”, mong tôi có thể cho họ một lựa chọn phù hợp, nhưng kinh nghiệm nói với tôi rằng ở đây thứ mà rất nhiều người gọi là “lựa chọn” kì thực chỉ là cái cớ họ dùng để trốn tránh hiện thực mà thôi.
Sau khi nghe Hiểu Thần kể xong, bước đầu tiên tôi làm là tiến hành đánh giá mang tính chuyên môn về hiện trạng nghề nghiệp của cô ấy.
Kết quả đánh giá cho thấy trước mắt Hiểu Thần chưa xuất hiện dấu hiệu chán việc, ngoài ra thời gian cô ấy vào nghề rất ngắn, điều tôi cần làm rõ là rốt cuộc điều gì khiến cô ấy mệt mỏi đến như vậy?
Tôi để ý thấy khi đương sự kể chuyện, đã dùng một lượng lớn những từ cảm thán như “phiền chết đi được”, “ghét quá đi mất”, “ôi trời ơi”, vân vân, những điều này chứng tỏ người tới tư vấn chưa đi vào trạng thái tư vấn tốt nhất, cô ấy có rất nhiều cảm xúc tiêu cực với nghề này.
3.
“Từ trải nghiệm công việc của em có thể thấy, trước kia em làm việc ở nhà máy thuốc, tại sao ba tháng trước em lại chuyển sang làm giáo viên phụ đạo? Lúc đó nguyên nhân thúc đẩy em đưa ra quyết định này là gì?” Tôi hỏi.
Tìm kiếm nguyên nhân ban đầu giúp chúng ta lần tìm ra manh mối, tìm thấy vấn đề thực sự.
“Có điều này chị không biết,” Hiểu Thần bình tĩnh nói, “Môi trường làm việc ở đó vô cùng tồi tệ, khắp nơi toàn dược phẩm hóa chất, khắp nhà máy đi đâu cũng thấy bụi, em vốn bị viêm mũi dị ứng, đến đó là hắt hơi liên tục, sau đó em cảm thấy không chịu nổi nữa, cứ thế này thì bệnh viêm mũi chỉ có ngày càng nặng thôi, cho nên sau khi suy nghĩ kĩ càng em mới ra làm đào tạo”.
“Môi trường làm việc ở trung tâm bồi dưỡng này tốt hơn nhà máy thuốc rất nhiều đúng không?” Tôi hỏi.
“Vâng, đúng là tốt hơn nhiều, hơn nữa trung tâm này có một điểm đặc biệt tốt, đó là họ không dùng bảng đen và phấn, mà dùng bảng kính và bút dạ đen để viết bảng, như vậy sẽ không có bụi phấn, mũi em khỏe lên nhiều rồi. Tất nhiên còn có một nhân tố nữa là giáo viên phụ đạo giỏi thu nhập một tháng cũng khá ổn, cao hơn kĩ thuật viên nhiều.” Hiểu Thần nói.
Từ đó có thể thấy động cơ khiến Hiểu Thần đổi nghề là môi trường làm việc, sau khi đổi nghề, vấn đề này về cơ bản đã được giải quyết, thế nhưng về mặt thu nhập, do trước mắt cô chưa thể hoàn toàn đảm nhiệm được công việc, nên thời lượng lên lớp không nhiều, thu nhập không nhiều như dự tính.
Bây giờ Hiểu Thần kêu không muốn làm nữa có lẽ là vì gặp khó khăn và thất bại trong công việc.
4.
Tôi dẫn dắt từng bước một, cuối cùng Hiểu Thần cũng nói ra vấn đề mà cô cực kì không muốn đối mặt.
Vấn đề đó chính là từ một kĩ thuật viên nhà máy thuốc đổi sang làm giáo viên phụ đạo môn sinh vật cho học sinh cấp Hai, cấp Ba, sự chuyển đổi này không hề đơn giản như Hiểu Thần tưởng tượng.
Suy nghĩ lúc đầu của Hiểu Thần là làm giáo viên phụ đạo ít nhất cũng đơn giản và dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại.
Thời làm kĩ thuật viên ở nhà máy thuốc, công việc chính của Hiểu Thần là kiểm tra thuốc thành phẩm, không cần trao đổi trò chuyện với người khác, nhưng sau khi đổi nghề sang làm giáo viên phụ đạo cô mới phát hiện công việc này không phải chỉ cần mình chuẩn bị bài giảng là xong, mà còn phải đối mặt với đủ các câu hỏi mang tính bột phát của học sinh, còn phải quan tâm tới nhận xét của học sinh về mình, quan trọng nhất là nếu học sinh không công nhận bạn, có thể còn phải trả lại học phí cho học sinh.
Đối với giáo viên của bất kì trung tâm bồi dưỡng nào, nếu xảy ra chuyện trả lại học phí một lần, gần như có thể coi là “phạm sai lầm nghiêm trọng”.
Hồi Hiểu Thần mới đi dạy, đã gặp phải tình cảnh khó xử là bị học sinh không hài lòng với bài giảng của cô và yêu cầu trả lại học phí.
Tôi hỏi Hiểu Thần: “Bình thường em chuẩn bị bài như thế nào?”.
Hiểu Thần nói: “Em làm đề ạ, nhưng bất kể em làm đề thế nào đều phát hiện mình không thể được điểm cao, đây cũng là nguyên nhân khiến em thấy rất nản lòng”.
“Em cảm thấy trong việc làm đề, nếu chúng ta nỗ lực là có thể thay đổi tình hình khó khăn trước mắt, thì đó chủ yếu là những nỗ lực gì?” Tôi hỏi.
“Em cũng không biết ạ.” Hiểu Thần có vẻ vô cùng lo lắng. Hình như tôi đã hiểu ra được điều gì.
Hiển nhiên là Hiểu Thần không hề đặt mình vào vị trí của một người dạy học, cô vẫn làm việc theo lối tư duy kiểu học sinh đã hình thành bao nhiêu năm trước, lao đầu vào biển đề, cố sống cố chết làm đề, mà chưa từng đứng ở góc độ cao hơn để suy nghĩ mục đích của những đề bài này là gì? Cách tư duy giải đề là thế nào? Có những kiến thức nào dễ bị lẫn với nhau? Vân vân.
Cũng có nghĩa là cô ấy vẫn dừng lại ở giai đoạn tư duy “làm đề để làm đề”, mà chưa từng hình thành thói quen tư duy “làm đề thế nào cho hiệu quả”.
Trước khi đổi nghề, Hiểu Thần không hề tìm hiểu một cách toàn diện ngành giáo dục bồi dưỡng, cũng không quan sát phương pháp và kĩ thuật giải đề của các giáo viên nổi tiếng.
Cô chỉ nhìn vào môi trường làm việc tương đối ưu việt của trung tâm bồi dưỡng và khoản thu nhập tưởng chừng không tồi là bèn dứt khoát đổi nghề, trước đó, cô không hề quan tâm xem nghề này cần tố chất và năng lực gì, cũng không chuẩn bị năng lực đầy đủ cho lần đổi nghề này, dẫn tới bản thân liên tục gặp thất bại, thậm chí cảm thấy mình không được tích sự gì.
Đây chính là “vực thẳm nghề nghiệp” mà người ta hay nói tới. Vực thẳm nghề nghiệp nói cho dễ hiểu thì chính là khi đương sự lựa chọn nghề nghiệp, chỉ chú trọng các mặt hấp dẫn của nghề như vật chất, quyền lợi, vinh dự, sự dễ chịu, chỉ mải mê lao đi mà chưa từng cúi đầu nhìn đường, càng chưa từng quan tâm tới việc nâng cao năng lực nội tại của mình.
Thế rồi đi một hồi đến trước vực thẳm không có cách nào vượt qua được.
5.
Sau nhiều lớp phân tích Hiểu Thần nhận ra được vấn đề của mình, thế nhưng làm thế nào thay đổi tình thế trước mắt đây?
Một là đừng tham, hai là tích lũy năng lực, phải đồng thời chú trọng cả hai điều này.
Đừng tham chính là đương sự phải nhận thức được rằng với khả năng hiện tại của bản thân, hoàn toàn không thể đạt được mức thu nhập dự kiến, ví dụ khoản thu nhập không nhỏ mà Hiểu Thần tưởng lúc đầu, trước khi năng lực dạy học được nâng cao, thu nhập không thể thực sự được cải thiện.
Đối với tình thế này, Hiểu Thần phải hạ thấp mức độ kì vọng về thu nhập xuống, cô phải học cách chấp nhận việc bây giờ thu nhập của mình không cao, đồng thời lập ra một kế hoạch từng bước thiết thực và khả thi, nỗ lực nâng cao trình độ dạy học của mình, đó mới là mấu chốt để giải quyết vấn đề.
Có tham vọng là điều bình thường, tham vọng phù hợp còn là động cơ và lực đẩy quan trọng khiến con người đạt được thành tựu.
Nếu tham vọng vượt xa năng lực và “vốn liếng” hiện có thì đó là “tham lam”.
Điều khiến con người đau khổ không phải là bản thân tham vọng mà là tham lam.
Tích lũy năng lực đối với Hiểu Thần hiện nay mà nói, đó là trước tiên đừng một mực nghĩ tới chuyện kiếm tiền, mà phải không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ.
So với một mình cắm đầu vào làm một cách không hiệu quả, thì việc tiếp cận đồng nghiệp ưu tú xung quanh, quan sát các giờ giảng của giáo viên ưu tú, kịp thời thỉnh giáo những người xung quanh là một cách làm hữu hiệu; đồng thời, còn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, ví dụ tìm kiếm qua mạng các video dạy học của giáo viên nổi tiếng, quan sát nghiên cứu thật cẩn thận, đồng thời vận dụng những phương pháp này vào giờ dạy của mình, tiếp đó không ngừng thu thập phản hồi và cải tiến, bằng sự nỗ lực và kiên trì không ngừng nghỉ sẽ có hi vọng vượt qua rào cản này, gặp được một cái tôi tốt hơn.
6.
Tôi nhớ thầy Trần Hoa Đình (giảng viên trường đại học hóa dầu Bắc Kinh) từng nói đại ý là: “Khi vấn đề ập tới, bạn nên cảm thấy vui mừng mới phải, vì vấn đề là một tín hiệu tích cực, nếu giải quyết được nó bạn sẽ gặp được một cái tôi tốt hơn; còn nếu bạn lùi bước, bạn sẽ bị chặn ở ngoài cửa, không bao giờ được thấy cảnh đẹp mê li nữa.”
Trốn tránh vấn đề là bản năng của loài người, ít nhất vào khoảnh khắc trốn tránh đó chúng ta cảm thấy vô cùng dễ chịu, nó phù hợp với sức ì trời sinh của chúng ta, nhưng lại là kẻ địch số một đối với sự trưởng thành của chúng ta.
Sự băn khoăn của Hiểu Thần không phải là trường hợp cá biệt. Trong thực tế, có bao người không hài lòng với hiện trạng của mình, một mặt tưởng tượng trong đầu một thế giới hoàn hảo, mặt khác lại không chịu hành động, mãi mãi đứng đó chờ cơ hội tốt đến với mình, nhưng không bao giờ chờ được cơ hội tốt hơn, thế là họ băn khoăn họ lung lay trong thất vọng hết lần này đến lần khác, cuối cùng chỉ còn lại sự bất lực.
Khi băn khoăn ập tới có thể việc duy nhất chúng ta phải làm chính là bảo đảm không ngừng nâng cao năng lực của mình, chỉ có như thế mới đập tan được tâm trạng lo lắng nảy sinh trong đầu óc chúng ta khi đứng trước một tương lai không chắc chắn, vì tuy tương lai không thể biết trước nhưng có một điều chắc chắn là cho dù tương lai xa đến mấy cũng đều được xây nên từ mỗi khoảng khắc của hiện tại.
Làm thế nào phán đoán được bản thân có đang đi tới vực thẳm nghề nghiệp hay không?
Trước khi nhảy việc hoặc đổi nghề, hỏi bản thân mấy câu hỏi sau: Bạn có từng đi sâu tìm hiểu thông tin về ngành nghề có liên quan?
Có từng thực hành một cách tích cực? Có biết vị trí công việc mới cần năng lực gì? Tương ứng với nó bạn đã chuẩn bị những gì?
Nếu trong bốn câu hỏi này bạn không thể trả lời rõ ràng câu nào, vậy thì cẩn thận phía trước bạn có vực thẳm nghề nghiệp đấy.
Mỗi ngành nghề hoặc nghề nghiệp đều có mặt tươi sáng của nó, cũng có sự khó khăn gian khổ mà người ngoài không biết tới, mỗi khi lựa chọn, đừng chỉ bị sự hào nhoáng bề ngoài làm lóa mắt, mà còn phải biết rõ bản thân có năng lực tương ứng hay không, như vậy mới có thể tránh được vực thẳm nghề nghiệp một cách tối đa.