Dấu hiệu tồi tệ nhất trong tất cả đến từ ông Roverini, người vẫn gửi cho anh những tin nhắn vừa thân thiện vừa rõ ràng cho đến giờ, lại hoàn toàn không báo cho anh tin tức nào liên quan đến vali và những bức tranh được tìm thấy ở Venice hết. Tom thức trắng đêm và ngày hôm sau thì quanh quẩn trong nhà, cố gắng hoàn tất những công việc vụn vặt không hồi kết trước khi khởi hành, trả lương cho Anna và Ugo, trả tiền cho các thương nhân khác nhau. Tom cứ đợi cảnh sát tới gõ cửa nhà anh bất kỳ lúc nào, dù ngày hay đêm. Sự đối lập giữa vẻ tự tin, bình tĩnh cách đây năm ngày và sự e sợ hiện tại gần như làm anh quỵ ngã. Anh không thể ngủ cũng chẳng thể ăn hay ngồi yên một chỗ được. Sự mỉa mai trong cái cách Anna và Ugo thương xót anh, cũng như các cú điện thoại từ bạn bè hỏi thăm xem anh có suy nghĩ gì khi các vali được tìm thấy, dường như vượt quá sức chịu đựng của anh. Cũng mỉa mai thay, khi anh có thể cho họ biết là mình lo lắng, bi quan, thậm chí là tuyệt vọng, mà họ cũng chẳng nghĩ gì nhiều. Họ nghĩ điều đó hoàn toàn bình thường, vì có thể Dickie đã bị ám sát lắm chứ: ai cũng thấy việc tất cả đồ đạc của Dickie đều nằm trong hai chiếc vali ở Venice, kể cả lược và bộ đồ cạo râu của anh ta, là chuyện rất có ý nghĩa.
Còn cả chuyện di chúc nữa. Ngày kia ông Greenleaf sẽ nhận được nó. Đến lúc ấy họ có thể biết rằng dấu vân tay không phải là của Dickie. Đến lúc ấy họ có thể sẽ chặn tàu Hellenes lại và lấy dấu vân tay của anh. Nếu họ phát hiện ra cả di chúc cũng bị giả mạo thì họ sẽ không khoan nhượng với anh nữa. Cả hai vụ ám sát đều sẽ bị lật tẩy, rõ như ban ngày rồi.
Đến khi lên tàu Hellenes, Tom vẫn có cảm giác mình như một hồn ma vật vờ. Anh không thể ngủ, không thể ăn, đầy espresso trong người, chỉ hoạt động được nhờ các dây thần kinh đang căng ra. Anh muốn hỏi xem có đài radio nào không, nhưng anh tin chắc là có. Dù sao đây cũng là một con tàu lớn có ba boong với bốn mươi tám hành khách. Anh quỵ ngã khoảng năm phút sau khi nhân viên phục vụ mang hành lý của anh vào khoang. Anh nhớ đã nằm úp mặt xuống giường, một cánh tay vặn lại dưới bụng, quá mệt để đổi tư thế. Khi anh tỉnh giấc, con tàu đang di chuyển, nó lắc lư nhè nhẹ với một nhịp điệu dễ chịu cho thấy không những nó vẫn còn tràn trề sức mạnh dự trữ, mà còn hứa hẹn sẽ tiến lên không dừng lại, đi một lèo, quét sạch mọi thứ cản đường. Anh cảm thấy đỡ hơn, chỉ có điều cánh tay mà anh đã nằm đè lên giờ đang lủng lẳng ở bên sườn anh như đã chết và cứ đập vào người anh khi anh đi dọc hành lang, khiến anh phải giữ lấy nó bằng tay còn lại để cố định. Theo đồng hồ của anh thì giờ là mười giờ mười lăm, bên ngoài tối như mực.
Có một vùng đất ở tít xa phía bên trái anh, chắc là thuộc Yugoslavia, năm đến sáu ánh đèn trắng lờ mờ, ngoài ra thì chẳng còn gì trừ biển đen ngòm và bầu trời cũng đen ngòm, đến mức không có dấu vết nào của đường chân trời và họ có thể đang dong buồm trên một màn hình đen kịt, chỉ có điều anh không hề thấy khó chịu với con tàu đang rẽ sóng phăm phăm và gió thổi trên đầu anh tựa như ngoài không gian vô tận. Xung quanh anh trên boong tàu không có ai hết. Tất cả đều đang ngồi ở dưới, ăn bữa tối muộn, anh đoán vậy. Anh mừng khi được ở một mình. Tay anh đã dần hoạt động trở lại. Anh nắm lấy lan can ở mũi thuyền hình chữ V và hít một hơi thật dài. Cảm giác can đảm đầy thách thức dâng lên trong anh. Nếu ngay lúc này người trực tổng đài nhận được tin phải bắt giữ Tom Ripley thì sao? Anh sẽ kháng cự mạnh mẽ hệt như đang đứng đây lúc này. Hoặc anh có thể lao qua mạn tàu – một hành động thể hiện sự gan dạ bậc nhất và là lối thoát của anh. Nếu vậy thì sao? Kể cả đang đứng ở đây anh cũng nghe được tiếng bíp bíp bíp mơ hồ từ phòng radio ở trên nóc tàu. Anh không sợ. Chính là cảm giác này. Đây chính là cảm giác anh đã hy vọng sẽ cảm thấy khi đi tàu tới Hy Lạp. Nhìn ra mặt nước tối đen mà không sợ hãi cũng tuyệt vời gần bằng việc được nhìn thấy các hòn đảo của Hy Lạp trong tầm mắt. Trong bóng tối dịu dàng của tháng Sáu trước mặt, anh có thể dùng trí tưởng tượng để xây những hòn đảo nhỏ, các tòa nhà nằm rải rác trên các ngọn đồi của Athens và tòa thành Acropolis.
Có một người phụ nữ Anh lớn tuổi trên tàu, đi du lịch cùng cô con gái cũng đã bốn mươi tuổi, chưa kết hôn, lúc nào cũng hốt hoảng, thậm chí còn chẳng ngồi sưởi nắng trọn mười lăm phút mà không bật dậy khỏi ghế và lớn tiếng tuyên bố mình sẽ “đi một vòng.” Mẹ chị ta thì ngược lại, hết sức bình tĩnh và chậm chạp, chân phải bà bị liệt nhẹ sao đó, khiến nó ngắn hơn chân trái và bà phải độn gót giày rõ cao ở bên phải, không thể đi lại mà thiếu gậy chống. Đây là loại người hẳn sẽ khiến Tom phát điên ở New York với sự chậm chạp và phong thái thanh lịch không thay đổi, nhưng giờ anh lại có hứng dành vài tiếng đồng hồ với bà trên ghế ngồi ngoài boong tàu, cùng nói chuyện, nghe bà kể về cuộc sống của bà ở Anh và về Hy Lạp, về lần cuối bà đến Hy Lạp vào năm 1926. Anh dẫn bà đi dạo chậm rãi quanh boong, bà dựa vào tay anh và liên tục xin lỗi vì những rắc rối đang gây ra cho anh, nhưng rõ ràng là bà thích sự chú ý anh dành cho bà. Còn cô con gái thì rõ ràng cũng sung sướng khi có người chăm sóc mẹ hộ.
Có thể hồi trẻ bà Cartwright cũng từng rất hung hăng, Tom nghĩ, có thể chính bà phải chịu trách nhiệm cho mọi biểu hiện loạn thần kinh của cô con gái, có thể bà đã giữ chặt con gái đến mức chị ta không thể sống một cuộc đời bình thường và kết hôn, có thể bà đáng phải bị đẩy ra khỏi thành tàu thay vì được dẫn đi dạo quanh boong, được có người lắng nghe hàng giờ đồng hồ khi bà nói chuyện, nhưng thế thì có gì quan trọng? Có phải thế giới chỉ luôn trao thưởng xứng đáng? Thế giới đã trao thưởng cho anh chưa? Anh tự thấy mình may mắn quá mức cho phép khi thoát khỏi hai vụ án giết người, may mắn khi có thể mạo danh Dickie cho tới tận bây giờ. Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời mình, số mệnh đã hết sức không công bằng với anh, Tom nghĩ, nhưng khoảng thời gian với Dickie và sau đó đã đủ bù đắp cho nó. Nhưng anh cảm thấy sẽ có chuyện gì đó xảy ra ở Hy Lạp này và nó không thể là điều gì tốt đẹp được. May mắn của anh đã kéo dài quá lâu rồi. Nhưng giả sử họ tóm được anh nhờ dấu vân tay và di chúc giả và cho anh ngồi ghế điện – thì liệu cái chết trên ghế điện có so được với sự đau đớn, hay chính bản thân cái chết, ở tuổi hai lăm, đầy bi kịch đến mức anh không thể nói rằng khoảng thời gian từ tháng Mười một cho tới giờ không đáng giá? Chắc chắn là không rồi.
Điều duy nhất mà anh hối hận là anh chưa được nhìn thấy cả thế giới. Anh muốn đến Úc và Ấn Độ. Anh muốn ngắm Nhật Bản. Rồi còn cả Nam Mỹ nữa. Chỉ cần được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của những đất nước ấy thôi đã là một công việc trọn đời dễ chịu, thỏa mãn rồi, anh thầm nghĩ. Anh đã học được rất nhiều về hội họa, thậm chí còn cố gắng sao chép các bức tranh xoàng xĩnh của Dickie. Trong các phòng triển lãm nghệ thuật ở Paris và Rome, anh đã khám phá ra niềm hứng thú với hội họa mà trước đây anh chưa từng nhận ra, hoặc có lẽ trước đây chưa có trong người. Anh không muốn trở thành một họa sĩ, nhưng nếu có tiền thì thú vui lớn nhất của anh sẽ là thu thập những bức tranh mà anh thích và giúp đỡ các họa sĩ trẻ có tài nhưng thiếu may mắn.
Tâm trí anh cứ chệch đi lung tung khi đi dạo với bà Cartwright quanh boong hoặc nghe tràng độc thoại không phải lúc nào cũng thú vị của bà. Bà Cartwright nghĩ anh thật lôi cuốn. Vài ngày trước khi họ tới Hy Lạp, bà cứ nói mãi rằng anh đã giúp tạo biết bao niềm vui cho bà trong chuyến hải trình này và họ lên kế hoạch gặp nhau ở một khách sạn ở Crete vào ngày mùng 2 tháng 7, vì đó là nơi duy nhất mà lịch trình của họ trùng nhau. Bà Cartwright di chuyển bằng xe buýt trong một gói tour đặc biệt. Tom chấp thuận mọi gợi ý của bà, dù anh chưa từng nghĩ sẽ gặp lại bà một khi họ rời thuyền. Anh cứ tưởng tượng mình sẽ bị tóm ngay lập tức và dẫn lên boong một con tàu khác, hoặc có lẽ là đi máy bay, quay về Ý. Không có tin tức radio nào về anh – theo anh biết – nhưng dù có thì họ cũng đâu cần thông báo cho anh phải không? Báo trên tàu, một tờ giấy một trang nhỏ xíu được sao lại xuất hiện mỗi tối trên các bàn ăn, hoàn toàn tập trung vào các tin tức chính trị thế giới, không hề đề cập đến vụ án Greenleaf cho dù có tình tiết quan trọng xảy ra đi nữa. Trong hành trình mười ngày ấy, Tom sống trong một bầu không khí kỳ dị: vừa đọa đày, vừa dũng cảm kiên cường, không màng đến bản thân. Anh tưởng tượng ra những chuyện kỳ lạ: con gái của bà Cartwright ngã qua thành tàu, anh nhảy theo và cứu được chị ta. Hoặc anh cố gắng vượt qua dòng nước trào vào qua vách ngăn bị vỡ để dùng cơ thể chặn lỗ thủng. Anh cảm thấy mình sở hữu một sức mạnh siêu nhiên và tinh thần can đảm không sợ hãi.
Khi con tàu tiến lại gần đất Hy Lạp, Tom đang đứng cạnh lan can với bà Cartwright. Bà đang kể cho anh diện mạo của cảng biển thành phố Piraeus đã thay đổi ra sao từ lần cuối bà nhìn nó và Tom hoàn toàn không hứng thú gì với điều ấy. Nó tồn tại, đó mới là tất cả những gì quan trọng đối với anh. Trước mặt anh không phải là một ảo ảnh mà là một ngọn đồi có thật mà anh có thể đi dạo trên đó, với những tòa nhà mà anh có thể sờ tay vào – nếu anh đi được đến đó.
Cảnh sát đang đợi trên bến cảng. Anh thấy bốn người, đứng khoanh hai tay, nhìn tàu. Tom giúp bà Cartwright đến tận cùng, dịu dàng đỡ bà qua chỗ vòng ở cuối ván cầu và mỉm cười chào tạm biệt bà và con gái. Anh phải đợi tới vần R còn họ chỉ cần đợi tới vần C để lấy hành lý và hai người nhà Cartwright sẽ ngay lập tức đi tới Athens trên chuyến xe buýt đặc biệt.
Nụ hôn của bà Cartwright vẫn ấm áp và hơi ướt vương trên má anh, Tom xoay người và chậm rãi đi về phía cảnh sát. Anh nghĩ mình sẽ không làm náo động, chỉ cần báo cho họ biết anh là ai. Có một quầy báo lớn ở ngay sau lưng nhóm cảnh sát và anh nghĩ đến việc mua một tờ. Có lẽ họ sẽ cho phép anh. Cảnh sát nhìn chằm chằm vào anh, những cánh tay vẫn khoanh chặt khi anh tiến lại gần. Họ mặc đồng phục đen với mũ sụp. Tom cười yếu ớt với họ. Một người trong bọn họ chạm tay vào mũ và bước tránh sang một bên. Nhưng những người khác không sáp lại gần. Giờ thì Tom gần như đã ở giữa hai người trong số họ, ngay trước quầy báo và nhóm cảnh sát vẫn tiếp tục nhìn thẳng về phía trước, hoàn toàn không chú ý tới anh.
Tom đọc lướt qua các hàng báo trước mặt, cảm thấy đờ đẫn và muốn ngất. Tay anh vô thức cử động để lấy một tờ báo Rome quen thuộc. Nó mới xuất bản ba ngày trước. Anh lôi vài tờ lia ra khỏi túi, đột nhiên nhận ra mình không có tiền Hy Lạp, nhưng người bán báo vẫn vui vẻ nhận lia như thể anh đang ở Ý, thậm chí còn trả tiền thối cho anh bằng lia.
“Tôi sẽ lấy cả mấy tờ này nữa,” Tom nói bằng tiếng Ý, chọn thêm ba tờ báo Ý và tờ Herald-Tribune của Paris. Anh liếc nhìn các sĩ quan. Họ không hề nhìn anh.
Rồi anh quay lại dưới nhà kho trên bến cảng, nơi các hành khách của tàu đang đợi hành lý. Anh nghe thấy tiếng chào vui vẻ của bà Cartwright khi anh đi ngang qua nhưng vờ như không chú ý. Anh dừng lại ở khu chữ R và giở tờ báo Ý cũ nhất ra, nó được xuất bản bốn ngày trước.
KHÔNG TÌM THẤY AI MANG TÊN ROBERT S. FANSHAW
NGƯỜI KÝ GỬI ĐỒ ĐẠC CỦA GREENLEAF
Đó là một tiêu đề kỳ cục trên trang thứ hai. Tom đọc cả đoạn báo dài bên dưới nhưng chỉ có đoạn văn thứ năm hấp dẫn anh:
Cách đây vài ngày cảnh sát xác nhận rằng các dấu vân tay trên vali và trên các bức tranh cũng giống như các dấu vân tay được tìm thấy trong căn hộ bị bỏ trống của Greenleaf ở Rome. Do đó, họ cho rằng chính Greenleaf đã tự ký gửi vali và các bức tranh…
Tom lóng ngóng giở một tờ báo khác ra. Lại nữa:
… Xem xét việc các dấu vân tay trên các món đồ trong vali giống hệt với dấu vân tay trong căn hộ của anh Greenleaf ở Rome, cảnh sát đã kết luận rằng anh Greenleaf đã tự thu xếp và chuyển các vali tới Venice. Người ta ngờ rằng anh ta đã tự tử, có thể là dìm mình trong nước trong trạng thái hoàn toàn trần truồng. Một nghi ngờ khác là anh ta vẫn còn sống dưới tên Robert S. Fanshaw hoặc một cái tên giả khác. Vẫn còn khả năng anh ta đã bị giết, sau khi đóng gói hoặc bị ép đóng gói đồ đạc của chính mình – có thể nhằm mục đích đặc biệt là quấy nhiễu cuộc điều tra của cảnh sát qua các dấu vân tay…
Dù sao đi nữa thì việc tìm kiếm “Richard Greenleaf” cũng không còn ích lợi gì nữa, vì cho dù có còn sống đi nữa thì anh ta cũng không cầm theo hộ chiếu “Richard Greenleaf”…
Tom cảm thấy run rẩy và nhẹ nhõm. Các tia nắng mặt trời chiếu xuống dưới mép mái nhà làm đau mắt anh. Anh vô thức đi theo người khuân vác vali của mình về phía quầy khách hàng. Khi nhìn chằm chằm xuống cái vali đang mở để thanh tra vội vàng kiểm tra, anh cố gắng lĩnh hội ý nghĩa của tin tức ấy. Nó có nghĩa là anh hoàn toàn không bị tình nghi. Nó có nghĩa là thật ra các dấu vân tay đã bảo đảm sự vô tội của anh. Nó có nghĩa là không những anh không phải vào tù, không phải chết, mà còn hoàn toàn không bị hoài nghi. Anh tự do. Trừ vụ di chúc.
Tom lên xe buýt đi Athens. Một trong những người vừa ngồi cùng bàn ăn với anh giờ lại đang ngồi cạnh anh, nhưng anh không chào hỏi gì và cũng không thể trả lời nổi nếu ông ta bắt chuyện với anh. Tom chắc chắn ở American Express ở Athens sẽ có một bức thư về vấn đề di chúc. Ông Greenleaf đã có vô số thời gian để trả lời. Có thể ông đã lệnh cho các luật sư của mình vào cuộc ngay lập tức và giờ anh sẽ nhận được một bức thư từ chối lịch sự từ một luật sư ở Athens, rồi bức thư tiếp theo sẽ tới từ cảnh sát Mỹ, thông báo anh bị triệu tập về vụ giả mạo. Có thể cả hai bức thư đều đang đợi anh ở American Express cũng nên. Di chúc có thể đảo ngược tình huống của anh. Tom nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy phong cảnh nguyên sơ, khô cằn. Không có gì in vào trong đầu anh. Có thể cảnh sát Hy Lạp đang đợi anh ở American Express. Có thể bốn người đàn ông mà anh vừa nhìn thấy không phải là cảnh sát mà là binh lính.
Xe buýt dừng lại. Tom ra ngoài, lấy hành lý và tìm taxi. “Vui lòng chở tôi tới American Express được không?”
Anh hỏi người lái xe bằng tiếng Ý nhưng rõ ràng là ông ta cũng hiểu được cụm từ “American Express” và khởi hành. Tom vẫn nhớ khi anh nói từ đó với một người lái xe taxi ở Rome hôm tới Palermo. Hôm đấy anh mới tự tin về bản thân làm sao, ngay sau khi lẩn trốn Marge ở Inghilterra!
Anh ngồi thẳng dậy khi thấy biển hiệu American Express và nhìn quanh tòa nhà đó xem có cảnh sát không. Có thể họ ở bên trong. Anh yêu cầu người lái xe đợi mình bằng tiếng Ý và anh ta chạm tay vào mũ, có vẻ cũng hiểu. Thứ gì nhìn bề ngoài cũng có vẻ dễ dàng, như thời khắc bình an ngay trước cơn bão. Tom nhìn vào trong sảnh của American Express. Không có gì bất thường. Có thể ngay giây phút anh nói ra tên mình –
“Cô có bức thư nào cho Thomas Ripley không?” Anh dùng giọng trầm hỏi bằng tiếng Anh.
“Reepley à? Vui lòng đánh vần.” Anh đánh vần.
Cô ta quay người, lấy vài bức thư từ một cái hốc nhỏ. Không có gì xảy ra.
“Ba bức thư,” cô ta nói bằng tiếng Anh, mỉm cười.
Một bức thư từ ông Greenleaf. Một bức từ Titi ở Venice. Một bức từ Cleo, được chuyển phát lại. Anh mở bức thư của ông Greenleaf.
Ngày 9 tháng 6, năm 19-
Tom thân mến,
Chúng tôi vừa nhận được bức thư cậu gửi ngày mùng 3 tháng 6.
Cả vợ tôi và tôi đều không thấy có gì quá ngạc nhiên như cậu tưởng tượng. Chúng tôi đều nhận thức được rằng Richard rất quý mến cậu, bất chấp việc nó chưa bao giờ công khai biểu lộ điều đó với chúng tôi trong một bức thư nào cả. Như cậu đã chỉ ra, buồn thay, điều này cũng ám chỉ rằng Richard đã tự kết liễu tính mạng của mình. Đó là một kết luận mà chúng tôi ở đây cuối cùng đã đành chấp nhận – cơ hội duy nhất là Richard đã lấy một cái tên khác và vì những lý do cá nhân, nó đã chọn quay lưng lại với gia đình mình.
Vợ tôi cũng đồng tình với tôi về việc chúng tôi nên tuân theo di nguyện của Richard, bất kể nó đã làm gì với bản thân nó đi nữa. Nên về những vấn đề trong di chúc, cậu có được sự ủng hộ của cá nhân tôi. Tôi đã chuyển bản sao di chúc của cậu cho các luật sư của tôi, họ sẽ thông báo cho cậu về tiến độ chuyển giao quỹ ủy thác và các tài sản khác của Richard cho cậu.
Một lần nữa, cảm ơn sự trợ giúp của cậu khi tôi ở nước ngoài. Giữ liên lạc với chúng tôi nhé.
Chúc những điều tốt lành nhất,
Herbert Greenleaf
Đây có phải là một trò đùa không? Nhưng tờ giấy viết thư của công ty Burke-Greenleaf trong tay anh có vẻ thật – dày, hơi sần và phần in đầu giấy còn được dập nổi – bên cạnh đó, ông Greenleaf cũng sẽ không bao giờ đùa cợt như thế này, cả triệu năm nữa cũng không. Tom đi về phía chiếc taxi đang đợi. Đây không phải là chuyện đùa. Tất cả là của anh! Tiền và sự tự do của Dickie. Và tự do, cũng giống như mọi thứ khác, có vẻ là sự kết hợp, kết hợp của anh và Dickie. Anh có thể có một căn nhà ở cả châu Âu lẫn Mỹ, nếu muốn. Khoản tiền bán nhà ở Mongibello vẫn đang chờ lấy, anh đột nhiên nhớ ra và thấy mình cũng nên gửi nó cho nhà Greenleaf, vì Dickie đã rao bán nhà trước khi viết di chúc. Anh mỉm cười, nghĩ tới bà Cartwright. Anh phải mang cho bà một hộp phong lan thật lớn khi gặp bà ở Crete mới được, nếu ở Crete có hoa phong lan.
Anh thử tưởng tượng cảnh đặt chân tới Crete – hòn đảo dài, với các miệng núi lửa khô khốc, lởm chởm chòi lên, cảnh rộn ràng náo nhiệt nho nhỏ trên cầu cảng khi thuyền của anh cập bến, các cậu bé khuân vác háo hức chờ hành lý của anh và tiền típ, anh sẽ có vô khối tiền để típ cho chúng, cho tất cả mọi thứ và tất cả mọi người. Anh thấy bốn bóng người bất động đứng trên cầu cảng tưởng tượng ấy, bóng dáng của cảnh sát Crete đang chờ anh, kiên nhẫn khoanh tay lại chờ đợi. Anh đột ngột cứng người lại, ảo ảnh biến mất. Chẳng lẽ anh sẽ thấy cảnh sát đứng đợi mình ở mọi bến cảng mà anh cập bến sao? Cả ở Alexandria? Istanbul? Bombay? Rio? Nghĩ về nó chẳng có lợi ích gì cả. Anh ưỡn ngực lên. Không nên phá hỏng chuyến du lịch của mình bằng việc lo lắng về các cảnh sát tưởng tượng. Cho dù có cảnh sát đứng trên bờ thật thì cũng không nhất thiết là...
“Đi đâu tiếp, đi đâu tiếp?” Người lái xe taxi đang nói, cố dùng tiếng Ý với anh.
“Cho tôi tới một khách sạn,” Tom nói. “Khách sạn tốt nhất! Tốt nhất! Tốt nhất!”