Venice,
Ngày 3 tháng 6, năm 19- Chú Greenleaf thương mến:
Hôm nay trong khi đóng gói hành lý, cháu đã phát hiện ra một phong thư mà Richard trao cho cháu ở Rome và vì vài lý do không sao hiểu nổi, cháu đã quên bẵng cho tới giờ này. Trên phong bì có viết “Không mở trước tháng Sáu” và tình cờ thay, bây giờ là tháng Sáu. Phong bì đựng di chúc của Richard và anh ấy để lại tài sản và đồ sở hữu của anh ấy cho cháu. Cháu cũng sửng sốt như hai cô chú hẳn đang cảm thấy vậy, tuy nhiên qua cách dùng từ của di chúc (nó được đánh máy) thì có vẻ anh ấy vẫn đầy đủ lý trí.
Cháu thấy tiếc nuối một cách cay đắng vì đã không nhớ mình đang giữ phong bì này, vì nó sẽ chứng minh việc Dickie định tự kết liễu mạng sống của mình sớm hơn nhiều. Cháu đã cất nó vào một ngăn của vali rồi quên mất. Anh ấy đã đưa nó cho cháu vào lần cuối cháu gặp anh ấy, ở Rome, khi anh ấy đang rất tuyệt vọng.
Nghĩ lại thì cháu đính kèm bản sao chép của di chúc để cô chú có thể tận mắt nhìn nó. Đây là di chúc đầu tiên mà cháu thấy trong đời và cháu hoàn toàn không quen thuộc với thủ tục cần thiết. Cháu nên làm gì?
Xin hãy gửi lời chúc chân thành nhất của cháu tới cô Greenleaf và mong cô chú hiểu rằng cháu thương cảm sâu sắc với hai người, cháu cũng hối tiếc vì phải viết bức thư này. Xin hãy báo tin cho cháu sớm nhất có thể. Địa chỉ sắp tới của cháu sẽ là:
Gửi tới American Express
Athens, Hy Lạp
Chân thành,
Tom Ripley
Theo một cách nào đó thì bức thư này đang mời gọi rắc rối, Tom nghĩ. Nó có thể bắt đầu một cuộc điều tra mới về chữ ký trên di chúc lẫn cả giấy nhận tiền, đó sẽ là một trong những cuộc điều tra không khoan nhượng mà các công ty bảo hiểm lẫn quỹ ủy thác tiến hành khi tiền bị rút khỏi túi họ. Nhưng anh sẵn sàng cho việc đó. Anh đã mua vé đi Hy Lạp vào giữa tháng Năm và thời tiết ngày một đẹp dần lên, khiến anh càng nôn nóng. Anh đã lôi xe ra khỏi gara dành cho Fiat ở Venice và lái qua Brenner, tới Salzburg và Munich, xuống Trieste, qua Bolzano. Thời tiết chỗ nào cũng đẹp, trừ những cơn mưa phùn nhỏ xíu, mang hương vị mùa xuân ở Munich, khi anh đi dạo trong Englischer Garten. Anh thậm chí còn không thèm che người mà chỉ tiếp tục rảo bộ, sung sướng như đứa trẻ trước ý nghĩ đây là cơn mưa Đức đầu tiên rơi xuống đầu mình. Anh chỉ còn hai nghìn đô la dưới tên mình, chuyển từ tài khoản ngân hàng của Dickie và tiết kiệm từ khoản thu nhập của Dickie, vì anh không dám rút thêm tiền trong có ba tháng ngắn ngủi. Sự may rủi và hiểm nguy khi cố gắng lấy toàn bộ tiền Dickie có sức hấp dẫn không thể chối từ với anh. Anh quá chán ngán những tuần đều đều, ảm đạm ở Venice, mỗi ngày trôi qua dường như càng thêm xác nhận sự an toàn và nhấn mạnh sự tồn tại tẻ nhạt của anh. Ông Roverini đã ngừng viết thư cho anh. Alvin McCarron đã quay lại Mỹ (sau một cuộc điện thoại vô nghĩa cho anh từ Rome) và Tom đoán cả anh ta lẫn ông Greenleaf đã kết luận rằng Dickie hoặc đã chết hoặc tự nguyện lẩn trốn, tìm kiếm thêm chỉ vô dụng. Báo chí đã ngừng đưa thêm tin tức về Dickie chỉ vì muốn có bất kỳ thứ gì để đăng. Tom có cảm giác trống rỗng và lạc lõng, nó khiến anh gần như phát điên cho tới khi lái xe tới Munich. Khi anh quay lại Venice để đóng gói đồ đạc và đóng cửa căn nhà của mình, cảm xúc của anh chỉ càng tồi tệ hơn: anh sắp tới Hy Lạp, tới những hòn đảo anh hùng cổ xưa, với tư cách là Tom Ripley bé nhỏ, rụt rè và hiền lành, với hai nghìn đô lẻ ngày một cạn kiệt trong tài khoản ngân hàng, vậy nên gần như anh đã phải cân nhắc nhiều trước khi quyết định mua cho mình dù chỉ là một quyển sách về nghệ thuật Hy Lạp. Điều đó thật không thể chịu đựng nổi.
Ở Venice anh đã quyết định biến hải trình tới Hy Lạp của mình thành một chuyến đi anh hùng. Anh sẽ ngắm các hòn đảo, viễn cảnh lần đầu tiên dám bơi, như một người đang sống, đang thở, can trường – chứ không phải một kẻ vô danh rúm ró từ Boston. Nếu anh có rơi vào tay cảnh sát ở Piraeus thì ít nhất anh cũng được trải qua những ngày đứng trước gió lộng ở mũi tàu, băng qua đại dương sẫm màu như rượu vang, như Jason hay Ulysses trở về. Nên anh đã viết bức thư tới ông Greenleaf và gửi nó đi ba ngày trước khi lên thuyền rời khỏi Venice. Ông Greenleaf chắc sẽ không nhận được thư trong bốn đến năm ngày tới, nên sẽ không có chuyện ông giữ anh lại Venice qua điện tín và khiến anh nhỡ tàu. Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ nào thì việc giữ thái độ bình thản về việc đó cũng tốt hơn, sẽ không ai liên lạc được với anh trong hai tuần tới, cho tới khi anh đến Hy Lạp, như thể anh chẳng quan tâm xem có nhận được tiền hay không và anh sẽ không để việc đó trì hoãn dù chỉ là một chuyến đi nhỏ mà anh đã dự định.
Hai ngày trước khi ra khơi, anh đi uống trà ở nhà của Titi xứ Latta-Cacciaguerra, nữ Bá tước mà anh đã gặp hôm bắt đầu tìm nhà ở Venice. Cô hầu dẫn anh vào phòng khách và Titi chào đón anh bằng những câu mà đã nhiều tuần rồi anh không còn phải nghe: “A, xin chào, Tomaso! Anh đã đọc báo chiều chưa? Họ tìm thấy vali của Dickie rồi đấy! Cả tranh của anh ấy nữa! Ở ngay American Express ở Venice này!” Đôi khuyên vàng của cô ta lắc qua lắc lại vì phấn khích.
“Gì cơ?” Tom chưa đọc báo. Chiều nay anh còn bận đóng gói đồ đạc.
“Đọc đi! Ngay đây!” Toàn bộ quần áo của anh ta mới được ký gửi từ tháng Hai! Chúng được gửi từ Naples. Có thể anh ta ở ngay tại Venice này!”
Tom đọc báo. Sợi dây quấn quanh các bức tranh bị tuột ra, như báo nói và khi buộc chúng lại, một nhân viên đã phát hiện ra chữ ký R. Greenleaf trên các bức tranh. Tay của Tom bắt đầu run lẩy bẩy đến mức anh phải túm chặt hai mép báo để giữ vững. Báo nói cảnh sát đang cẩn thận khám xét mọi thứ để tìm dấu vân tay.
“Có thể anh ấy còn sống!” Titi hét lên.
“Tôi không nghĩ – tôi không hiểu vì sao điều này lại chứng minh anh ấy còn sống. Anh ấy có thể đã bị giết hoặc tự tử sau khi gửi vali. Việc nó được gửi dưới một cái tên khác – Fanshaw -” Anh có cảm giác nữ bá tước, người đang ngồi cứng đờ trên ghế sô-pha và nhìn anh chăm chú, thấy giật mình trước sự căng thẳng của anh, nên anh đột nhiên trấn tĩnh lại, thu hết can đảm và nói, “Cô thấy chưa? Họ đang xem xét lại mọi thứ để tìm dấu vân tay. Họ sẽ không làm thế nếu chắc chắn Dickie đã tự gửi vali đi. Vì sao anh ấy lại gửi chúng dưới tên Fanshaw nếu định tự lấy chúng về? Thậm chí cả hộ chiếu của anh ấy cũng ở đây. Anh ấy còn đóng gói cả hộ chiếu của mình.”
“Có thể anh ấy đang ẩn núp dưới tên Fanshaw! Ôi, bạn thân mến, anh cần thêm trà đấy!” Titi đứng dậy. “Giustina! Nhanh mang trà lên đây!”
Tom yếu ớt ngồi phịch xuống ghế sô-pha, vẫn giơ tờ báo trước mặt. Thế còn dây thừng trên người Dickie? Liệu anh có may mắn đến mức cả nó cũng đã tuột ra rồi không?
“À, bạn yêu quý, anh bi quan quá,” Titi nói, vỗ vỗ đầu gối của anh. “Đây là tin tốt mà! Giả sử tất cả các dấu vân tay đó đều thuộc về anh ấy thì sao? Lúc ấy anh cũng chưa thấy vui à? Giả như ngày mai, khi đang đi dạo trên một con hẻm nhỏ của Venice, anh đối mặt với Dickie Greenleaf, dưới cái tên Fanshaw thì sao!” Cô ta phát ra tiếng cười inh tai, dễ chịu, đến với cô ta tự nhiên như hơi thở.
“Ở đây nói rằng hai vali chứa tất cả mọi thứ - bộ đồ cạo râu, bàn chải, giày, áo khoác, trọn bộ đồ đạc,” Tom nói, giấu nỗi sợ của mình bằng vẻ sầu muộn. “Anh ấy không thể còn sống mà bỏ lại toàn bộ những thứ đó. Gã sát nhân hẳn đã lột sạch người anh ấy và gửi quần áo lại đó vì đấy là cách dễ nhất để tống khứ chúng đi.”
Điều này khiến Titi cũng phải ngừng lại. Rồi cô ta nói, “Phải tới khi biết rõ các dấu vân tay đó là của ai thì anh mới thôi chán nản thế này được sao? Mai anh phải khởi hành một chuyến du lịch thoải mái rồi đấy. Ecco il te!”
Ngày kia mới đúng, Tom nghĩ. Còn nhiều thời gian để Roverini tới lấy vân tay của anh và so sánh chúng với những dấu vân có trên các bức tranh sơn dầu và vali. Anh cố gắng nhớ lại mọi mặt phẳng trên các khung tranh sơn dầu và những thứ trong vali mà người ta có thể lấy dấu vân tay. Không có nhiều, trừ các món đồ trong bộ cạo râu, nhưng họ có thể tìm đủ từng mảnh nhỏ để ghép lại thành mười dấu vấn tay hoàn chỉnh nếu cố gắng. Lý do duy nhất để anh lạc quan là họ chưa có dấu vân tay của anh và họ có thể sẽ không yêu cầu vì anh chưa bị liệt vào diện tình nghi. Nhưng nếu họ đã lấy được dấu vân tay của Dickie từ đâu đó thì sao? Không phải ông Greenleaf sẽ gửi dấu vân tay của Dickie từ Mỹ ngay lập tức để kiểm tra sao? Có vô số chỗ mà họ có thể tìm được dấu vân tay của Dickie: trên đồ đạc của anh ta ở Mỹ, trong ngôi nhà ở Mongibello –
“Tomaso! Uống trà đi!” Titi nói, lại nhẹ nhàng ấn đầu gối của anh.
“Cảm ơn cô.”
“Anh sẽ thấy. Ít nhất đây là một bước lại gần sự thật, những gì đã thật sự xảy ra. Giờ chúng ta hãy nói về chuyện khác đi, nếu việc đó khiến anh không vui đến thế! Từ Athens anh định sẽ đi đâu?”
Anh cố gắng lái dòng suy nghĩ sang Hy Lạp. Đối với anh, Hy Lạp được mạ vàng, với các bộ giáp vàng của các chiến binh và ánh nắng nổi tiếng của nó. Anh thấy những bức tượng đá với những khuôn mặt bình thản, mạnh mẽ, như những người phụ nữ ở cổng vòm của đền Erechtheion. Anh không muốn tới Hy Lạp với hiểm họa các dấu vân tay ở Venice treo lơ lửng trên đầu. Nó sẽ khiến anh thấy thấp kém. Anh sẽ cảm thấy mình giống như một con chuột cống thấp kém nhất trốn chui nhủi trong cống rãnh của Athens, còn hạ đẳng hơn cả những người ăn xin bẩn thỉu nhất sẽ lân la lại gần anh trên đường phố Salonika. Tom vùi mặt vào lòng bàn tay và khóc nức nở. Hy Lạp xong rồi, nổ tung như một quả bóng vàng rồi.
Titi vòng cánh tay chắc khỏe, mập mạp quanh người anh. “Tomaso, vui lên đi! Hãy đợi tới khi anh có lý do để cảm thấy nản lòng đến vậy!”
“Tôi không hiểu sao cô lại không thấy đây là dấu hiệu xấu cơ chứ!” Tom nói một cách tuyệt vọng. “Tôi thật sự không hiểu!”