Ngày hôm sau McCarron gọi cho anh từ Rome, muốn biết tên của tất cả những người Dickie quen biết ở Mongibello. Rõ ràng đó là tất cả những gì McCarron muốn biết vì anh ta nhàn nhã thu thập toàn bộ cái tên, đối chiếu lại với danh sách Marge đã đưa. Phần lớn những cái tên đều đã được Marge kể ra, nhưng Tom điểm lại tất cả cùng địa chỉ khó kiếm của họ - Giorgio, tất nhiên; Pietro, người coi thuyền; dì Maria của Fausto, họ thì anh không nhớ dù anh đã chỉ cho McCarron cách phức tạp nhất để tới nhà bà ta; Aldo, người bán tạp hóa; nhà Cecchi và thậm chí cả ông Stevenson già cả, người họa sĩ ẩn dật sống ngay cạnh làng mà Tom chưa từng gặp. Tom mất vài phút mới liệt kê được hết ra và McCarron chắc sẽ phải mất vài ngày để kiểm tra tất cả bọn họ. Anh nhắc tới tất cả mọi người trừ ông Pucci, người xử lý vụ bán nhà và thuyền của Dickie, người mà không nghi ngờ gì sẽ khai với McCarron, nếu anh ta còn chưa được Marge kể cho, việc Tom Ripley đã tới Mongibello để thu xếp các việc vặt cho Dickie. Tom nghĩ cho dù McCarron có biết việc anh xử lý công chuyện dùm Dickie thì cũng chẳng có gì nghiêm trọng hết. Còn với những gã như Aldo hay Stevenson thì cứ để mặc cho McCarron moi hết những gì có thể từ họ.
“Có ai ở Naples không?” McCarron hỏi. “Tôi thì không biết ai.”
“Rome?”
“Tôi rất tiếc, tôi chưa từng gặp anh ấy đi cùng người bạn nào ở Rome.”
“Chưa từng gặp người họa sĩ - ừm - Di Massimo à?” “Không. Tôi từng nhìn thấy ông ta một lần,” Tom nói, “nhưng chưa từng gặp ông ta.”
“Ông ta trông như thế nào?”
“À, tôi đã thấy ở một góc đường. Tôi tạm biệt Dickie khi anh ấy sắp sửa tới gặp ông ta nên tôi cũng không nhìn rõ mặt lắm. Trông ông ta cao tầm một mét bảy lăm, khoảng năm mươi tuổi, mái tóc muối tiêu – đó là tất cả những gì tôi nhớ. Trông ông ta khá vạm vỡ. Tôi nhớ là ông ta đã mặc một bộ vest màu xám nhạt.”
“Hừm, được rồi,” McCarron nói lơ đễnh như thể đang tập trung ghi chép toàn bộ thông tin. “Tôi đoán đó là tất cả những gì mình cần. Cảm ơn anh nhiều, anh Ripley.”
“Không có gì. Chúc may mắn.”
Sau đó Tom im lặng chờ đợi trong nhà vài ngày, cũng như bất kỳ ai khác sẽ làm, khi công cuộc tìm kiếm một người bạn mất tích của họ đã tới giai đoạn thú vị. Anh từ chối ba đến bốn lời mời dự tiệc. Báo chí lại khơi dậy niềm hứng thú với sự mất tích của Dickie sau khi được truyền cảm hứng bởi sự xuất hiện của một thám tử tư người Mỹ trên đất Ý, do bố của Dickie thuê tới. Khi các thợ ảnh từ tờ Europeo và Oggi tới chụp ảnh anh và nhà của anh, anh đã kiên quyết đuổi họ đi, thậm chí còn nắm lấy khuỷu tay một chàng trai cố chấp và đẩy văng anh ta qua cửa phòng khách. Nhưng suốt năm ngày không có gì quan trọng xảy ra hết – không điện thoại, không thư từ, kể cả từ đội trưởng Roverini. Thỉnh thoảng Tom hình dung ra những điều tồi tệ nhất, đặc biệt là vào lúc chạng vạng, thời điểm anh cảm thấy tuyệt vọng nhất trong ngày. Anh tưởng tượng ra Roverini và McCarron họp lại và nảy ra giả thuyết Dickie có thể đã biến mất từ tháng Mười một, tưởng tượng McCarron kiểm tra thời điểm anh mua xe, tượng tưởng anh ta đánh hơi và khám phá ra Dickie không hề trở lại sau chuyến du lịch San Remo và chỉ có mình Tom Ripley quay về để dàn xếp việc tống khứ đồ đạc của Dickie. Anh đánh giá đi đánh giá lại lời chào tạm biệt lạnh lùng, mệt mỏi của ông Greenleaf buổi sáng hôm đó ở Venice, thấy nó không thân thiện và tưởng tượng ra ông Greenleaf nổi khùng lên ở Rome khi mọi nỗ lực tìm kiếm Dickie đều không thu được một kết quả gì và đột nhiên đòi điều tra tỉ mỉ về Tom Ripley, gã khốn nạn mà ông đã dùng tiền đưa sang châu Âu để đem con trai ông về nhà.
Nhưng mỗi sáng Tom lại lạc quan trở lại. Mặt tốt là việc Marge tin tưởng không chút hoài nghi chuyện Dickie đã dành cả mấy tháng trời sưng sỉa ở Rome, cô ta hẳn cũng giữ toàn bộ thư của Dickie và chắc sẽ mang tất cả ra cho McCarron xem. Những bức thư tuyệt vời. Tom thấy mừng vì đã để tâm đến chúng. Marge là một cục vàng chứ không phải một cục nợ. Thật tốt vì anh đã hạ chiếc giày xuống vào buổi tối cô ta tìm ra cặp nhẫn.
Sáng nào anh cũng ngắm mặt trời từ cửa sổ phòng ngủ, nhô lên qua lớp sương mù mùa đông, vật vã lê trên thành phố trông có vẻ yên bình, cuối cùng cũng vượt qua để mang đến vài tiếng đồng hồ thật sự có ánh nắng trước buổi trưa và sự khởi đầu yên bình của mỗi ngày cũng giống như lời hứa bình an cho tương lai. Trời ngày một ấm dần lên. Nắng nhiều hơn, mưa ít đi. Mùa xuân đang gần đến, một trong những buổi sáng ấy, một buổi sáng còn đẹp hơn cả như thế này, anh sẽ rời khỏi căn nhà này và lên tàu tới Hy Lạp.
Sáu ngày sau khi ông Greenleaf và McCarron rời đi, một buổi tối Tom gọi điện cho ông ở Rome. Ông Greenleaf không có tin gì mới, nhưng Tom cũng không đón đợi gì nhiều. Marge đã về nhà. Chừng nào ông Greenleaf còn ở Ý, Tom nghĩ, thì báo chí còn đăng tin mới về vụ án hàng ngày. Nhưng xem ra giờ báo chí cũng đã hết tin giật gân để nói về vụ án này rồi.
“Cô thế nào chú?” Tom hỏi.
“Cũng ổn. Nhưng tôi nghĩ sự căng thẳng bắt đầu tác động xấu tới bà ấy. Tối qua tôi vừa nói chuyện với bà ấy.”
“Cháu rất tiếc,” Tom nói. Anh nghĩ mình nên viết cho bà một bức thư tử tế, chỉ là vài câu thân thiện trong khi ông Greenleaf ở xa và bà phải cô đơn một mình. Anh ước gì mình nghĩ ra điều đó sớm hơn.
Ông Greenleaf báo là đến cuối tuần này ông sẽ rời đi, qua Paris, nơi cảnh sát Pháp cũng đang tiến hành tìm kiếm. McCarron sẽ đi cùng ông và nếu không có tiến triển gì ở Paris thì cả hai sẽ cùng về nhà. “Cả tôi hay bất kỳ ai cũng đều nhận thấy rõ,” ông Greenleaf nói, “hoặc nó đã chết hoặc cố tình lẩn trốn. Chẳng có một ngóc ngách nào trên thế giới này chưa được thông báo về việc tìm kiếm nó hết. Có thể là trừ Nga. Chúa ơi, nó chưa bao giờ thể hiện nó yêu thích đất nước đó, phải không?”
“Nước Nga à? Không, cháu chưa từng nghe.”
Rõ ràng là thái độ của ông Greenleaf là Dickie hoặc đã chết hoặc kệ xác anh ta. Trong cuộc điện thoại, thái độ kệ xác anh ta có vẻ lấn át.
Tối hôm đó Tom tới nhà của Peter Smith-Kingsley. Peter có vài tờ báo Anh được bạn bè gửi cho, một tờ có ảnh Tom tóm thợ ảnh của tờ Oggi lôi ra khỏi nhà. Tom cũng đã thấy nó trên báo Ý. Hình anh đi lại trên đường phố Venice và hình ảnh nhà anh cũng đã lan sang nước Mỹ. Cả Bob và Cleo đều đã gửi cho anh các hình ảnh và đoạn báo trên các tờ lá cải của Mỹ qua đường hàng không. Họ nghĩ nó vô cùng thú vị.
“Tôi ngấy đến tận cổ rồi,” Tom nói. “Tôi chỉ đang nấn ná lại đây vì lịch sự và giúp đỡ nếu có thể. Nếu còn có một phóng viên nào cố đột nhập vào nhà tôi nữa thì họ sẽ bị chĩa súng săn vào người ngay khi bước qua cửa.” Anh thật sự thấy phẫn nộ và ghê tởm, nó thể hiện hết qua giọng anh.
“Tôi cũng khá hiểu,” Peter nói. “Cuối tháng Năm tôi sẽ về nhà, anh biết đấy. Nếu anh muốn đi cùng và ở lại nhà tôi ở Ai-len thì tôi rất sẵn lòng. Ở đó lặng như tờ, tôi có thể đảm bảo với anh.”
Tom liếc nhìn anh ta. Peter đã kể cho anh về tòa lâu đài Ai-len cũ kỹ của mình và còn cho anh xem hình nữa. Một vài đặc điểm trong mối quan hệ của anh với Dickie vụt qua đầu anh như hồi ức của một cơn ác mộng, như một bóng ma trắng bệch và ác độc. Anh nghĩ là vì điều đó cũng có thể xảy ra với Peter, Peter ngay thẳng, ngây thơ, hào phóng - chỉ trừ việc trông anh không giống anh ta cho lắm. Nhưng một tối, để mua vui cho Peter, anh đã dùng giọng Anh và mô phỏng phong cách của anh ta và cách anh ta giật đầu sang một bên khi nói chuyện, Peter thấy buồn cười hết chịu nổi. Giờ Tom mới nghĩ mình đáng ra không nên làm thế. Nó khiến Tom xấu hổ một cách cay đắng, vì cả buổi tối hôm đó lẫn việc anh từng thoáng nghĩ chuyện xảy ra với Dickie cũng có thể xảy ra với Peter.
“Cảm ơn,” Tom nói. “Tôi nên ở một mình một thời gian nữa. Anh biết đấy, tôi nhớ anh bạn Dickie của tôi lắm. Tôi nhớ anh ấy khủng khiếp.” Đột nhiên anh như sắp khóc. Anh vẫn nhớ nụ cười của Dickie ngày đầu tiên họ bắt đầu chơi với nhau, khi anh thú nhận rằng bố Dickie đã cử anh tới. Anh nhớ chuyến đi điên rồ đầu tiên của họ tới Rome. Thậm chí anh còn đau đáu nhớ cả nửa tiếng đồng hồ ở quán rượu Carlton ở Cannes, khi Dickie quá chán ngán và im lìm, nhưng sau cùng thì anh ta có lý do chính đáng để chán: anh đã lôi Dickie tới đó, còn anh ta chẳng thích Côte d’ Azur. Giá mà anh tự mình đi ngắm cảnh, Tom nghĩ, giá mà anh không hấp tấp và tham lam như thế, giá mà anh không phán đoán sai về mối quan hệ của Dickie và Marge một cách ngớ ngẩn như thế, hay chỉ đơn giản là giá mà anh chờ đợi họ tự chia tay nhau, thì tất cả những chuyện này đã chẳng xảy ra, anh có thể sống cùng Dickie đến hết đời, du lịch và tận hưởng cuộc sống đến hết đời. Giá mà anh không thử đồ của Dickie ngày hôm đó – “Tôi hiểu mà, Tommie thân mến, tôi hiểu chứ,” Peter nói, vỗ vai anh.
Tom ngẩng lên nhìn anh ta qua màn nước mắt giàn giụa. Anh đang tưởng tượng đến cảnh cùng Dickie du lịch về Mỹ trên một con thuyền nhân dịp Giáng sinh, tưởng tượng cảnh thân thiết với bố mẹ của Dickie như thể hai người là anh em. “Cảm ơn,” Tom nói. Nhưng câu đó nghe như tiếng khóc trẻ con.
“Thật sự thì tôi sẽ nghĩ là anh có vấn đề nếu không suy sụp như thế này đấy,” Peter nói một cách đầy thương cảm.