Sứ mệnh cao cả của cá nhân là phụng sự hơn là cai trị
- Albert Einstein
Anh hùng đích thực là người hết sức khiêm tốn, không có quá nhiều cung bậc cảm xúc.
Không có sự thôi thúc phải vượt lên người khác bằng bất cứ giá nào, mà là thôi thúc muốn được phụng sự người khác với bất cứ giá nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
- Arthur Ashe
Sự phụng sự là mối nối bị thiếu trong hầu hết những chuỗi mệnh lệnh.
- Khuyết danh
Mục đích sống không phải là chiến thắng.
Mục đích sống là trưởng thành và chia sẻ.
Khi bạn nhìn lại những gì bạn đã làm trong đời, bạn sẽ có được sự hài lòng từ niềm vui bạn từng mang đến cho cuộc sống của người khác hơn là từ những lúc bạn làm tốt hơn họ và chiến thắng họ.
- Harold Kushner
Người lãnh đạo đích thực thì luôn phụng sự.
Phụng sự người của mình; phụng sự cho những lợi ích cao nhất của họ, cho dù làm vậy họ có thể sẽ không nổi tiếng hay tạo được ấn tượng.
Nhưng vì người lãnh đạo đích thực được thúc đẩy bằng sự quan tâm, thương yêu thay vì khao khát sự vinh danh cá nhân, nên họ sẵn lòng trả giá.
- Eugene B. Habecker
Phụng sự bắt đầu bằng sự vững tâm.
Chỉ những người vững tâm mới cúi xuống và trợ giúp người khác.
Và chỉ những người vững tâm mới vươn sức ra và cố gắng làm những việc vĩ đại.
- John C. Maxwell
Hãy chỉ cho tôi thấy người nào không chịu làm những việc nhỏ nhặt, và tôi sẽ chỉ cho bạn thấy người nào không được tin cậy giao cho thực hiện những việc lớn.
- Lawrence D. Bell
Người cứ bận rộn hỗ trợ cho người cấp dưới của mình sẽ không có thời gian để đố kỵ với người ở trên anh ta.
- Henrietta Mears
NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHÂN CHÍNH PHÍA SAU CÂU CHUYỆN CHIẾC CẦU
Khi rơi vào tình huống thập tử nhất sinh, hầu hết mọi người đều lo cho bản thân hơn là lo cho người khác. Nhưng điều này không đúng với Philip Toosey. Là một sĩ quan quân đội Anh trong Thế chiến thứ hai, anh trải qua nhiều tình huống với cơ hội để bảo toàn tính mạng bản thân, nhưng thay vào đó anh luôn luôn đặt đơn vị của mình lên hàng đầu.
Năm 1939, đơn vị của anh được lệnh ra chiến trường khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu. Anh phục vụ một thời gian ngắn ở Pháp, được điều động đến Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, rồi sau đó chuyển đến khu vực Thái Bình Dương. Ở đó, anh đã là một phần của chiến dịch thất bại trong nỗ lực bảo vệ bán đảo Malay và sau đó là Singapore khỏi sự xâm lược của Nhật Bản. Thời điểm đó, Toosey đã được thăng cấp lên hàm trung tá và là sĩ quan chỉ huy Trung đoàn 135 thuộc Sư đoàn 18. Và mặc dù anh và đồng đội của mình chiến đấu xuất sắc trong suốt chiến dịch, nhưng quân đội Anh đã bị buộc phải rút lui nhiều lần, cho đến khi tất cả phải rút khỏi Singapore.
Khi đó, Toosey đã lần đầu tiên thể hiện những hành động quên mình của anh. Khi quân đội Anh nhận ra rằng đầu hàng là việc không thể tránh khỏi, Toosey được lệnh phải rời bỏ binh lính và chuyển đi nơi khác để bảo toàn tính mạng trong vai trò một sĩ quan pháo binh lão luyện, để có thể phục vụ nơi chiến trường khác. Nhưng anh đã từ chối. Sau này anh nhớ lại:
Tôi đã không thể tin vào tai mình, nhưng với tư cách là một quân nhân địa phương (không phải là một sĩ quan chuyên nghiệp), tôi đã từ chối… Tôi chỉ ra cho họ rằng khi còn là một pháo thủ, tôi đã đọc tài liệu Huấn luyện pháo binh, cuốn 2 nói khá rõ rằng trong bất kỳ trường hợp rút lui nào, sĩ quan chỉ huy phải là người rời đi sau cùng.
Anh biết rằng việc rời bỏ binh lính lúc ấy sẽ gây tác động tiêu cực đến tinh thần của họ, vì vậy anh lựa chọn ở lại với những người lính của mình. Thế nên khi lực lượng đồng minh ở Singapore đầu hàng quân Nhật vào tháng 2 năm 1942, Toosey trở thành tù binh chiến tranh, cùng với những người lính của mình.
Người vĩ đại luôn sẵn lòng trở nên nhỏ bé.
- John C. Maxwell
Toosey nhanh chóng tìm thấy chính mình khi bị giam trong trại tù binh chiến tranh tại Tamarkan, gần một con sông lớn tên là Kwai Yai. Do là sĩ quan cao cấp, anh cũng trở thành chỉ huy các tù binh của phe đồng minh. Công việc trong trại tù của anh là xây dựng những cây cầu bằng gỗ tạm thời, sau đó là bằng bê tông và thép bắc ngang qua con sông. (Tiểu thuyết và bộ phim The Bridge on the River Kwai dựa trên những sự kiện đã xảy ra trong trại tù này, nhưng Toosey thì không giống với nhân vật Đại tá Nicholson trong phim.)
Lúc đầu, khi đối mặt với những mệnh lệnh từ lính Nhật, Toosey đã muốn cự tuyệt. Dù sao thì theo Công ước Hague năm 1907 mà Nhật có tham gia ký kết, có điều lệ ngăn cấm việc các tù binh chiến tranh bị cưỡng ép làm những công việc giúp kẻ thù của họ giải quyết hậu quả chiến tranh. Nhưng Toosey cũng biết việc cự tuyệt của mình sẽ mang tới sự trả đũa, mà như anh mô tả là “ngay lập tức, bằng bạo lực và rất dữ dội”. Nhà văn chuyên viết tiểu sử Peter N. Davies nhận xét: “Trên thực tế, Toosey đã nhanh chóng nhận ra rằng anh ấy thực sự không có lựa chọn nào khác cho vấn đề này và phải chấp nhận sự thật rằng ở đây không còn là việc liệu các tù binh chiến tranh có phải thực hiện công việc này hay không, mà là sẽ có bao nhiêu người chết trong quá trình thực hiện”.
Toosey đã đề nghị các tù nhân hợp tác với những người bắt giữ tù binh, nhưng hàng ngày anh liều mạng đứng lên tranh đấu cho việc tăng khẩu phần ăn, đảm bảo giờ làm việc thông thường và một ngày nghỉ hàng tuần. Sự kiên trì của anh đã được đền đáp, mặc dù như anh nói sau này rằng: “Nếu bạn nhận trách nhiệm như tôi đã làm, những đau đớn mà bạn phải chịu đựng sẽ rất lớn”. Anh phải thường xuyên chịu những trận đánh đập và thường phải đứng dưới nắng suốt mười hai tiếng đồng hồ. Sự bền bỉ của anh rốt cuộc đã làm cho những người Nhật phải cải thiện các điều kiện dành cho tù binh phe Đồng minh. Và đáng kể là, trong suốt mười tháng thực hiện việc xây dựng những cây cầu, chỉ có chín tù nhân bị chết.
Sau đó, khi giữ vai trò chỉ huy trong bệnh viện của trại tù binh chiến tranh, Toosey đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội của mình, kể cả đi bộ những đoạn đường dài để gặp từng người một trong trại, thậm chí là vào lúc nửa đêm. Anh trao đổi với giới chợ đen để có được thuốc men, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác, mặc dù nếu bị phát hiện thì anh sẽ cầm chắc cái chết. Anh cũng không ngần ngại nhận trách nhiệm nghe chương trình phát thanh bất hợp pháp mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị phát hiện bởi những người lính Nhật canh gác trại tù. Và khi chiến tranh kết thúc, việc đầu tiên Toosey quan tâm là tìm lại những người lính trong trung đoàn của mình. Anh đã bôn ba ba trăm dặm để tập hợp họ lại và để xác định họ vẫn an toàn.
Sau khi trở về nước Anh, Toosey có ba tuần nghỉ phép và rồi trở lại công việc của mình thời trước chiến tranh là làm trong ngân hàng thương mại Barings. Anh chưa bao giờ tìm kiếm vinh quang từ những nỗ lực của mình trong suốt chiến tranh, cũng như không phàn nàn về bộ phim The Bridge on the River Kwai. Chỉ một việc duy nhất trong cuộc sống sau này của anh có liên quan đến chiến tranh đó là anh làm việc cho Far East Prisoners of War Federation (Liên đoàn Tù nhân Chiến tranh vùng Viễn Đông) để giúp đỡ những cựu tù binh. Đây là một hành động tiêu biểu nữa của người đàn ông luôn luôn đặt tinh thần phụng sự lên trên bản thân.
Mọi người đều có thể trở nên vĩ đại… vì bất kỳ ai cũng có thể phụng sự.
Bạn không nhất thiết phải có bằng đại học mới có thể phụng sự.
Bạn không cần phải biết chia động từ theo chủ từ thì mới có thể phụng sự.
Bạn chỉ cần một con tim tràn đầy lòng khoan dung, một tâm hồn được sinh ra bởi tình yêu thương.
- Martin Luther King, Jr
Những người tư lợi xem những gì mình có là những gì mình sở hữu.
Người phụng sự xem những gì họ có là những gì họ vay mượn.
- John C. Maxwell