“Cảm ơn vì tất cả. Lời đề nghị cuối cùng của tôi cũng giống như lời đề nghị đầu tiên vậy. Tôi đề nghị các bạn tin tưởng – không phải là tin vào khả năng mang lại sự thay đổi của tôi, mà là khả năng của chính các bạn.”
- Barack Obama, tháng 1 năm 2017
“Một mình tôi có thể xử lý được.”
- Donald Trump, tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa, tháng 7 năm 2016
Làm thế nào chúng ta giải thích được thuật lãnh đạo là gì khi nền dân chủ hàng đầu thế giới có thể bầu cử cho Barack Obama, và sau đó là thay thế ông bằng Donald Trump? Làm thế nào chúng ta có thể hòa hợp một thế giới đầy những phong trào “không có người lãnh đạo” như phong trào Chiếm lấy phố Wall (Occupy Wall Street) và Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring), nhưng đồng thời cũng tồn tại vô số những nhà cầm quyền vĩ đại như Putin của Nga, Erdoǧan của Thổ Nhĩ Kỳ và el-Sisi của Ai Cập?
Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về thuật lãnh đạo trong một thế giới đầy xung đột – và đan xen – giữa các lực lượng quyền lực cũ và quyền lực mới. Chúng ta sẽ bàn về cách thức mà các công cụ quyền lực mới được sử dụng một cách đầy bất ngờ để tăng cường và củng cố quyền lực của các nhà lãnh đạo đang đắm chìm trong các giá trị quyền lực cũ. Và chúng ta cũng sẽ bàn về các phương thức mới của nghệ thuật lãnh đạo đang khao khát kết hợp các công cụ và giá trị quyền lực mới để phân chia lại quyền lực một cách hợp lý.
Để bắt đầu làm rõ tất cả những vấn đề trên, bạn hãy nhớ lại mô hình quyền lực mới ở chương 2 và áp dụng nó vào cách thức lãnh đạo. Nếu chúng ta vạch ra cả những giá trị lẫn mô hình lãnh đạo mà mọi người đang sử dụng, chúng ta sẽ có được bốn phương thức lãnh đạo khác nhau. Có lẽ bạn sẽ nhận ra một vài kiểu trong số đó đã từng xuất hiện trên các bảng tin và trong cuộc sống riêng của mình.
Crowds (Người thủ lĩnh cộng đồng) là sự kết hợp giữa mô hình lãnh đạo quyền lực mới cùng sự cam kết và ăn khớp với các giá trị quyền lực mới. Người thủ lĩnh cộng đồng muốn làm được nhiều điều hơn, thay vì chỉ tập trung vào sức mạnh cộng đồng của mình; họ muốn làm cho cộng đồng mình trở nên quyền lực hơn.
Cheerleaders (Người khích lệ) đề cao các giá trị quyền lực mới như tính hợp tác, minh bạch và sự tham gia, nhưng lại lãnh đạo bằng cách thức của quyền lực cũ. Anh ta không thể, hoặc không muốn phải phân chia lại quyền lực của mình.
Castles (Người chủ lâu đài) kết hợp các giá trị quyền lực cũ cùng với mô hình quyền lực lãnh đạo cũ. Đây chính là mô hình lãnh đạo truyền thống và dựa trên quyền lực mà hầu hết chúng ta đều đã quen thuộc, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như quân sự, kinh doanh và giáo dục.
Co-opters (Người kết nạp) triển khai một cộng đồng và sử dụng các công cụ, chiến thuật quyền lực mới một cách đầy khéo léo, nhưng là để phục vụ cho các giá trị quyền lực cũ và tập trung quyền lực cho chính bản thân họ.
BARACK OBAMA VÀ DONALD TRUMP: MỘT NGHIÊN CỨU TƯƠNG PHẢN
Một người thủ lĩnh cộng đồng đầy lôi cuốn: Chiến dịch của Barack Obama
Khi Barack Obama tranh cử tổng thống vào năm 2008, ông chính là người thủ lĩnh cộng đồng vĩ đại nhất. Câu nói mang tính biểu tượng của ông là “Yes We Can!” (Đúng, chúng ta có thể!). Ông kêu gọi những người ủng hộ ông nhìn thấy nhau, chứ không chỉ nhìn thấy mỗi mình ông: “ Chúng ta chính là những người mà chúng ta đang chờ đợi. Chúng ta chính là sự thay đổi mà chúng ta đang tìm kiếm”. Trong khi Hillary Clinton kể những câu chuyện về chính cơ quan của mình, rằng bà đã “sẵn sàng ngay từ ngày bắt đầu” thì Obama lại nói về việc xây dựng một phong trào và nâng cao những kỹ năng tổ chức cộng đồng mà ông từng sử dụng để giúp đỡ những người bị tước quyền công dân ở phía Nam Chicago.
Cuộc vận động của ông là một chiến dịch có tính tham gia cao – trên thực tế, đó chính là một công cụ và chiến thuật quyền lực mới đầy tham vọng và đã thành công một cách rực rỡ. Trung tâm kỹ thuật số của tất cả những điều đó đều nằm trên trang web MyBarackObama.com (“MyBo”), một nền tảng đầy công phu (trong thời đại bấy giờ) để giúp mọi người có thể tổ chức, thực hiện việc tình nguyện và gây quỹ. Những nỗ lực trên trang web trực tuyến này đã giúp ông huy động một số lượng kỷ lục những người tình nguyện với khẩu hiệu “Tôn trọng. Trao quyền. Thấu hiểu”. Sở dĩ chiến dịch này có thể đạt đến quy mô lớn như vậy là bởi vì nó đã trao cho các nhà lãnh đạo tình nguyện tinh thần trách nhiệm và sự khích lệ thật sự để chiêu mộ và phát triển các đội ngũ địa phương của riêng họ. Sự bùng nổ của quyền lực mới này đã giúp cho Obama – một người mà hầu như không ai biết đến – lấn át cả một bộ máy những nhà tài trợ của lực lượng quyền lực cũ trong chiến dịch của Clinton vào cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2008, quyên góp hàng trăm triệu đô-la, và giành chiến thắng một cách vang dội trong cuộc tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, dù Obama rất nhiều lần nhắc đến cụm từ “chúng ta”, nhưng chiến dịch của ông vẫn chủ yếu dựa trên sự lôi cuốn, uy tín và biểu tượng của chính Obama. Trên tấm poster “Hy vọng” nổi tiếng của Shepard Fairey không phải là hình của bất kỳ một cộng đồng nào cả, mà là hình của Barack Obama. Ông mới chính là niềm hy vọng. Tuy nhiên, ông đã tìm ra cách sử dụng nguồn năng lượng đó để tạo ra một phong trào cơ sở chính thống và đấu tranh cho các giá trị khiến cho người khác cảm thấy mình có quyền lực.
Obama đã thực hiện một chiến dịch vừa có tính tham gia cao, vừa được tổ chức tốt. Tất cả mọi người đều có một làn đường riêng trong việc tham gia; nếu là tình nguyện viên của Obama, bạn sẽ có chỗ cho các hoạt động sáng tạo và đại diện truyền thông của mình, nhưng bạn cũng sẽ có cả một bản tóm tắt và trách nhiệm rõ ràng được tổng kết trong cuốn cẩm nang tổ chức dày 280 trang hoành tráng của chiến dịch. Với tư cách là một nhà tổ chức thực địa huyền thoại, Zack Exley đã mô tả lại chiến dịch này sau khi ghé thăm các văn phòng của Obama ở Ohio vào năm 2008: “Những nỗ lực khác gần đây đã thất bại vì họ hoặc là quá sử dụng cách tiếp cận ‘từ trên xuống’ và/hoặc yếu kém về mặt quản lý nên đã bóp nghẹt khả năng lãnh đạo tình nguyện viên và sự nhiệt tình; hoặc là bởi vì họ quá cứng nhắc giáo điều trong lối tổ chức ngang hàng hay ‘từ dưới lên’ nên đã từ bỏ lối quản lý cơ bản, tinh thần trách nhiệm và việc lên kế hoạch. Mặt khác, các kiến trúc sư và nhà xây dựng nên chiến dịch thực địa của Obama đã phối hợp một cách sáng tạo những giá trị truyền thống lâu đời cùng kỷ luật tổ chức tốt và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong sự phân quyền và tự tổ chức”. Hãy suy nghĩ về điều này giống như một cuộc tập dượt trong việc “kết hợp” quyền lực, một nghệ thuật mà chúng tôi sẽ nhắc đến rõ ràng hơn trong chương 10.
Tất cả những sự tham gia có tổ chức đó đã hoạt động một cách tuyệt vời trong bối cảnh bầu cử, khi mà mục tiêu và điểm kết thúc được xác định rõ ràng, và các vòng lặp phản hồi – gõ cửa, gọi điện thoại cho cử tri, gây quỹ – được khép kín.
Trên khắp cả nước, những người như tình nguyện viên Jennifer Robinson – người mà Zack Exley đã nhắc đến trong bài tường thuật của mình về chiến dịch của Obama – đã thay đổi sau trải nghiệm này: “Tôi như trở thành một người khác hẳn so với tôi của sáu tuần trước… Tôi nhận ra rằng những điều mà tôi đã làm như một nhà tổ chức tình nguyện, ừ thì, tôi thực sự làm rất tốt, tôi có niềm đam mê dành cho công việc này. Tôi muốn tiếp tục tìm ra những cách tích cực để chủ động giúp cho nơi này, cho cộng đồng của tôi, trở thành một nơi tốt hơn. Nó còn hơn cả một công việc bình thường, và một khi bạn đã bắt đầu làm, sẽ rất khó để quay trở lại làm một công việc bình thường nào đó”.
Tuy nhiên, rồi chúng ta sẽ thấy, sau cuộc bầu cử, cách tiếp cận có tổ chức ở mức độ cao và trực tiếp để thu hút mọi người tham gia này ngày càng trở nên kìm hãm hơn là truyền cảm hứng.
Từ đám đông được trả tiền đến cỗ máy quyền lực: Chiến dịch của Donald Trump
“Wow. Whoa. Có vài nhóm người kìa. Hàng ngàn… Điều này vượt quá mong đợi của bất kỳ ai. Chưa từng có đám đông nào như thế này cả.”
Donald Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của mình bằng cách tự thuê cho mình một đám đông quần chúng. Ông đã thuê một công ty casting và trả 50 đô-la cho mỗi diễn viên để xuất hiện với những tấm bảng hiệu “tự chế” và cổ vũ cho ông khi ông bước ra khỏi thang máy tại tòa tháp Trump. Ông bắt đầu bài phát biểu bằng cách thể hiện sự ngạc nhiên với số lượng người tham dự, sau đó là đưa ra một cái nhìn tổng quan dông dài về những thất bại hoành tráng của nước Mỹ và khả năng độc đáo của chính ông mới có thể đưa mọi thứ trở về đúng vị trí của nó.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Nhật Bản cũng vậy. Mexico cũng vậy. Tình hình ở Trung Đông đúng là một thảm họa. Chương trình Obamacare đúng là một thảm họa. Obama đúng là một thảm họa. “Tôi luôn đánh bại Trung Quốc”. “Không có ai xây được bức tường nào tốt hơn tôi cả”. “Tôi đã thực hiện được một công việc thật tuyệt vời”. “Tôi không cần phải khoe khoang gì cả. Tôi không cần phải làm như vậy”. “Chúng ta cần – chúng ta cần một ai đó – chúng ta cần một ai đó, theo đúng nghĩa đen, sẽ giành lấy đất nước này và làm cho nó trở nên vĩ đại trở lại”.
Nhiều người đảo mắt khó chịu, lờ ông đi như một gã điên khùng nào đó đang lẩm bẩm mấy lời tục tĩu trên tivi. Một số khác lại cảm thấy tất cả những lời cảnh báo đó, cùng sự tự tin đến mức trơ tráo, một danh sách kẻ thù rõ ràng, và sự đảm bảo hoàn lại tiền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, đều là mục tiêu của họ.
Giờ đây, chúng ta đã biết đám đông được thuê này đã dần phát triển thành một cộng đồng thật sự, một cộng đồng có khả năng phá hủy mọi sự khôn ngoan chính trị từng được thiết lập trước đây, làm bẽ mặt các nhà thăm dò và các học giả đã từng chắc chắn rằng Trump không có hy vọng nào cho việc thắng cử, và đưa ông ta tiến thẳng vào văn phòng Chính phủ.
Mặc dù cả hai chiến dịch của Trump và chiến dịch Obama trong năm 2008 đều cho ta thấy được cách vận hành của một cộng đồng, nhưng vẫn có một sự khác biệt rất quan trọng: trong khi phương thức tiếp cận đến sự tham gia của Obama được tổ chức và lên kế hoạch cẩn thận, thì phương thức của Trump không hề được sắp xếp gì, thậm chí là hỗn loạn. Không hề có sự phụ thuộc vào một đội quân được tổ chức cẩn thận nào. Đó là sự khác biệt giữa một cuốn cẩm nang tổ chức nặng ký và một dòng tweet với 140 ký tự. Cho dù đây có là một chiến lược thiên tài của Trump hay chỉ là một sự vô tổ chức (hoặc một chút của cả hai), thì điều này cũng đã đem đến cho những người ủng hộ Trump sự tự do mà họ cần để biến thông điệp của ông thành của riêng họ.
Sở dĩ Trump nhận được sự ủng hộ nhiệt tình như vậy là do ông, bằng trực giác của mình, đã nắm bắt được cách thức để xây dựng một phong trào trong thế giới quyền lực mới. Như chúng tôi đã đề cập trong phần giới thiệu, Twitter đã biến ông trở thành người lãnh đạo của một đội quân truyền thông xã hội khổng lồ, phi tập trung và nhận tín hiệu từ ông – và lần lượt mang lại cho Trump những câu chuyện mới, những thuyết âm mưu, và những dòng công kích. Nó trở thành một mối quan hệ cộng sinh sâu sắc. Vào đêm thắng cử của Trump, các bảng tin của 4chan – một mạng xã hội giống như Reddit, chủ yếu thu hút những người trẻ tuổi và tự hào về lượt xem khủng cùng những quan điểm khiêu khích cực đoan của mình, như bừng sáng. Nhóm những người da trắng thượng đẳng (white supremacist) từng bênh vực Trump cũng không thể tin được vào sự may mắn của mình. Như Abby Ohlheiser đã kể lại trên tờ Washington Post: “‘Tôi đang run rẩy vì phấn khích đây mấy cậu’, một thành viên trên 4chan đã viết vào đêm thứ Ba, đính kèm theo một bức vẽ hình chú ếch Pepe đang rất phấn khích. ‘Chúng ta thực sự đã bỏ phiếu cho một meme trở thành tổng thống’”. Chú ếch Pepe (Pepe the Frog) là một con ếch xanh được nhân cách hóa do Matt Furie vẽ cho loạt truyện tranh của ông từ hơn một thập kỷ trước. Các thành viên 4chan đã biến Pepe - từng - một - thời - trong - sáng thành biểu tượng cho phong trào Alt-right (cánh hữu thay thế), và nhanh chóng thêm cho nó một mái tóc màu cam như là hiện thân của Trump.
Trong suốt chiến dịch, thay vì cố gắng tránh xa những kẻ cực đoan đang chế meme như cách mà những chính trị gia điển hình sẽ làm, Trump lại trao quyền cho họ. Ông liên tục ra hiệu cho những người ủng hộ cực đoan nhất của mình tiếp tục làm những gì họ đang làm, và thậm chí là làm cho dữ dội hơn nữa. Ông đã tweet phản hồi cho nhóm những người da trắng thượng đẳng, những người đã lan truyền những phiên bản ngày càng quá lố của những tin nhắn khác nhau về phân biệt chủng tộc (mà hầu như không hề) được che giấu của ông. Trong một trường hợp, ông đã tweet phản hồi một tài khoản đã bị xóa (@cheesedbrit, với hình đại diện là biểu tượng Quốc xã mới), với những tuyên bố sai sự thật và phân biệt chủng tộc rằng 81% nạn nhân người da trắng bị giết bởi người da màu; trong khi con số thực tế, theo thống kê của FBI, chỉ ở khoảng 15%. Khi bị thách thức, Trump từ chối xin lỗi và chỉ đơn giản nói rằng ông không thể kiểm tra hết tất cả các sự kiện mà ông đã tweet phản hồi. Thông điệp đã rõ ràng: Tôi sẽ không cố gắng kiểm soát những người đang ủng hộ tôi.
Ông thậm chí còn đi xa hơn nữa. Ông đưa ra một thông điệp rõ ràng dành cho cộng đồng của mình rằng ông sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho họ bất kể họ đã làm gì. Ông nổi tiếng với đề nghị trả chi phí pháp lý cho một người ủng hộ da trắng vì đã đấm một người biểu tình da màu tại một sự kiện chiến dịch trong thời gian bầu cử sơ bộ. Ông nói với cộng đồng của mình rằng: “Nếu bạn thấy ai đó đang chuẩn bị ném cà chua, hãy cho hắn một trận nhừ tử, được chứ? Nghiêm túc đấy, OK? Chỉ cần đánh hắn. Tôi hứa với bạn, tôi sẽ chi trả mọi chi phí pháp lý. Tôi hứa. Tôi hứa đó”.
Bí quyết đưa đến thành công của Trump không đơn giản chỉ là khả năng đặc biệt không có đối thủ của ông trong việc thu hút sự chú ý của cả hai giới truyền thông xã hội và truyền thông chính thống. Thông điệp của ông cũng tác động – và biến đổi – dù không có sự xuất hiện của ông mà thông qua một mạng lưới rộng lớn những người đã nhận lấy nó và biến nó thành của riêng mình (một nỗ lực ACE kinh điển). Đây là những nhóm người đã bắt đầu hoạt động trong những năm gần đây bởi những nguyên nhân như phong trào Tea Party, phong trào về quyền sử dụng súng, và phong trào Alt-right mới nổi. Trump đã phát hiện ra nguồn năng lượng hiện hữu đó, nâng nó lên thành một cơn sốt, và biến chiến dịch của mình thành cái mà chúng ta còn gọi là một cỗ máy quyền lực (intensity machine).
Trong suốt chiến dịch, Trump sở hữu mức độ tham gia truyền thông xã hội và các nội dung bên lề được tạo ra bởi những người ủng hộ cao hơn đáng kể so với đối thủ Hillary Clinton. Trong các cuộc thăm dò dư luận trong nước, những người ủng hộ ông nhiệt tình hơn khoảng 10 điểm so với những người ủng hộ bà Clinton, thậm chí là điểm xếp hạng ưu tiên của ông còn dẫn trước Clinton khoảng 10 điểm. Theo 4C Insights, cảm xúc tích cực về Trump trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng đã vượt xa Clinton 10 điểm trong năm tuần quyết định cuối cùng của cuộc bầu cử.
Điều này giúp chúng ta nhận ra điều gì đó thú vị về vai trò của quyền lực mới trong cuộc bầu cử năm 2016, nơi mà các công ty phân tích truyền thông mạng xã hội (như 4C, Spredfast và Socialbakers) đã được chứng minh là dự đoán tốt hơn hẳn sức mạnh của những người ủng hộ Trump so với những kênh thăm dò truyền thống. 4C cũng chính là công ty đã dự đoán chính xác lượng phiếu bầu của Brexit: sự khôn ngoan thông thường giữa các tầng lớp tinh hoa và thậm chí là cả những thị trường cá cược đều dự đoán một phiếu bầu còn lại với 90% tỷ lệ cược vào ngày bỏ phiếu, tương tự như tỷ lệ mà họ đã gán cho chiến thắng của Clinton chỉ vài giờ trước khi bà thất bại. Đáng chú ý là, theo các nhà phân tích truyền thông xã hội, thời điểm khi mà lượt theo dõi trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trump tăng vọt nhất lại là thời điểm bị cho là hố đen trong chiến dịch của ông: đoạn băng Access Hollywood ghi âm lại việc ông khoe khoang về việc tấn công tình dục phụ nữ bị công khai. Vào thời điểm này, khi mà phần lớn đất nước cùng nhau chống lại ông, lại khiến cho những người ủng hộ ông tập hợp lại để bảo vệ ông hơn bao giờ hết.
Donald Trump: Người nắm giữ quyền lực trong nền tảng
Sau cuộc bầu cử của Trump, cuốn sách 1984 của George Orwell đã chứng kiến một sự bùng nổ về doanh thu. Câu chuyện về một xứ sở phản địa đàng theo chủ nghĩa toàn trị, bị lu mờ bởi hình tượng nhân vật nắm trong tay toàn bộ quyền hành Big Brother (Anh Cả), đã quay trở lại đứng đầu danh sách những quyển sách bán chạy nhất nhờ vào “cú hích của Trump” (Trump Bump).
Tuy nhiên, sự so sánh giữa nhân vật Big Brother và Trump cũng không hoàn toàn phù hợp. Trong khi Big Brother nắm giữ quyền lực của mình thông qua sự tuân thủ của quần chúng và quyết liệt chống lại chủ nghĩa cá nhân, Trump lại nâng cao quyền lực bằng cách tăng cường sự đại diện của cá nhân, buông bỏ mọi sự kiểm soát, bênh vực cho những hành vi không chính thống và không được chấp nhận trước đây. Loại thuốc được ông lựa chọn không phải là loại thuốc để kìm hãm công chúng, mà là để kích thích họ. Và ông cũng có những suy nghĩ khác biệt về phương tiện truyền thông. Trong khi những “thiết bị thu phát hình ảnh” trong cuốn sách 1984 được sử dụng như là cách thức để chuẩn hóa và kìm hãm hành động của công dân, những nền tảng của Trump – đặc biệt là Twitter – lại được dùng để cá nhân hóa và giải phóng. Ông tìm cách kiểm soát các phương tiện truyền thông và tổ chức thông thường không phải bằng cách kết nạp nó, mà bằng cách đào bới nó, chứng kiến nó bị tràn ngập bởi một loạt các cuộc tấn công liên tục từ cộng đồng của mình. Ông không cần một Bộ Chân lý (Ministry of Truth) nào để đảm bảo rằng một quan điểm được tài trợ bởi nhà nước phải được tất cả mọi người hiểu thấu. Trên thực tế, ông lại hứng thú với tính bất ổn định của sự thật. Càng nhiều càng tốt.
Trump chính là một ví dụ cụ thể cho những gì mà chúng tôi gọi là người nắm quyền trong nền tảng: một nhà lãnh đạo hợp tác với một cộng đồng kỹ thuật số và triển khai quyền lực mới để thúc đẩy ngay lập tức các giá trị độc đoán trên quy mô lớn. Ông đã tập hợp một phong trào đầy quyền lực, hỗn loạn, mạnh về kỹ thuật số của mọi người trong khi ngược lại, ông đấu tranh vì một nước Mỹ trật tự và khắt khe hơn, chứ không phải tự do và cởi mở hơn. Những bài phát biểu trong chiến dịch của ông đã vẽ ra một bức tranh đầy mâu thuẫn về một quốc gia hỗn loạn và bạo lực, phóng đại các mối đe dọa từ trong và ngoài nước, và thể hiện mình như là người đàn ông duy nhất có đủ quyền lực để trừ khử mối đe dọa đó. Trump cũng hứa sẽ khôi phục lại trật tự “tự nhiên”. Ngụ ý rằng, trật tự mới sẽ một lần nữa nâng cao vị thế của những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho Trump – những người da trắng ít học thức – vào thời điểm khi mà họ cảm thấy họ đang dần bị mất đi vị thế của mình. Và trong bối cảnh của những giá trị độc đoán này, tất cả những hành vi hung hăng, tự phóng đại, và đầy công kích của Trump có thể đã thu hút mạnh mẽ một bộ phận công dân Mỹ, và từ đó đẩy lùi bản năng của những người khác. Lời hứa của ông về việc sẽ khôi phục lại luật pháp và trật tự (một cuộc tấn công được mã hóa nhằm công kích những người da màu vào thời điểm có tỷ lệ tội phạm thấp trong lịch sử), tập trung vào việc “thực thi các luật lệ” của hệ thống nhập cư đã tạo ra một sức hút đầy mạnh mẽ.
Ngay từ đầu tháng 1 năm 2016, các nhà nghiên cứu đã xác định được “một đặc điểm kỳ lạ để đoán được liệu bạn có phải là một người ủng hộ Trump hay không” – và đó không phải là giới tính, tuổi tác hay tôn giáo của bạn, mà là xem bạn có khuynh hướng chủ nghĩa chuyên chế hay không. Nhà thăm dò dư luận và nhà nghiên cứu Matthew MacWilliams đã nhận ra rằng Trump là ứng viên duy nhất dù ở trong phạm vi Đảng Dân chủ hay phạm vi 16 người của Đảng Cộng hòa đã nhận được sự ủng hộ đáng kể về mặt thống kê từ những người theo chủ nghĩa chuyên chế. MacWilliams đưa ra giả thuyết là, gần mười tháng trước chiến thắng bất ngờ của Trump, “trong một cuộc tổng tuyển cử, những lời hùng biện của Trump chắc chắn sẽ thu hút được một vài người trong số 39% những người không thuộc bất cứ đảng phái nào tự nhận mình là người theo chủ nghĩa chuyên chế trong cuộc khảo sát của tôi, và 17% những người thuộc Đảng Dân chủ, cũng là những người tôn thờ chủ nghĩa chuyên chế”.
Người nắm quyền lực trong nền tảng là một ví dụ đặc trưng cho hình mẫu Người kết nạp trong mô hình lãnh đạo của chúng ta, và nó cũng giúp chúng ta nhìn thấy rõ sự khác biệt to lớn giữa chiến dịch của Trump và chiến dịch của Obama. Sự kết hợp giữa quyền lực cũ, khuynh hướng chủ nghĩa chuyên chế và một mô hình quyền lực mới thiếu tổ chức chính là những yếu tố ẩn đằng sau một số mô hình lãnh đạo thuyết phục và nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay. Đây chính xác là sự kết hợp mà ISIS đã triển khai – nó là sự trở lại của những hệ thống và quy tắc (nói một cách cụ thể, chính là một hệ thống tàn bạo ở thời Trung cổ) nhưng lại lan truyền thông điệp đó với một sự kiểm soát đầy thấu hiểu và phi tập trung.
Từ Người thủ lĩnh cộng đồng trở thành
Người khích lệ: Obama trong nhiệm kỳ của mình
“Nếu các bạn muốn biết tôi sẽ lãnh đạo như thế nào, chỉ cần nhìn vào chiến dịch của chúng tôi”, ứng cử viên Obama hứa hẹn.
Tổng thống Obama đã nhậm chức với lời hứa rằng hơn 14 triệu người Mỹ, những người như Jennifer Robinson, đã có những đóng góp nhất định cho chiến thắng của ông giờ đây cũng có thể gia nhập vào chính phủ cùng với ông.
Exley đã đặt ra một tiêu chuẩn trước cuộc bầu cử: “Obama phải tiếp tục nuôi dưỡng và dẫn dắt tổ chức mà họ đã thành lập – dù ông có là tổng thống hay ở phe đối lập”. Nhưng đó không phải là cách mà sự việc đã diễn ra, như chúng tôi đã lưu ý. Obama đã thực hiện chiến dịch vận động tranh cử với tư cách là một Người thủ lĩnh cộng đồng, nhưng ông lại lãnh đạo như là một Người khích lệ. Trong khi ngọn đuốc hùng biện cho quyền lực mới vẫn bừng cháy, ông đã thất bại trong việc xây dựng một phong trào chân chính có thể giúp ông lãnh đạo, lựa chọn người kế nhiệm mình, hoặc tạo ra một cơ sở địa phương bền vững để giúp đảng chính trị của ông giành được chiến thắng tuyệt đối. Obama rời khỏi văn phòng chính phủ với một số thành tựu lập pháp to lớn và chỉ số tín nhiệm tương đối cao. Ông đã dẫn dắt nước Mỹ trong vòng tám năm (trọn vẹn hai nhiệm kỳ) mà không hề có một vụ bê bối lớn nào, và những người ủng hộ ban đầu của ông vẫn luôn dành cho ông những tình cảm chân thành. Tuy nhiên, phe đối lập đã giành lại chức vị tổng thống, kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện của Quốc hội, và thống trị mọi tình hình chính trị ở cấp bang.
Cơ hội mà Obama đã bỏ lỡ chính là do ông không hề có kế hoạch chuyển tiếp thật sự cho cộng đồng của mình. Toàn bộ năng lượng và những lời cam kết mà mọi người nhận được đều như rơi vào ngõ cụt. Theo như Tim Dickinson của tạp chí Rolling Stone đã tường thuật lại, trong hai tháng quan trọng sau thắng cử của Obama, chiến dịch tranh cử được tán dương của ông phần lớn bị chìm hẳn, điều mà quan sát viên công nghệ chính trị Micah Sifry gọi là “sơ suất chính trị nghiêm trọng”. Chính phủ sau đó đã đưa ra một giải pháp có tính quyết định là thu gọn cơ sở hạ tầng tổ chức – đổi tên thành Tổ chức vì nước Mỹ (OFA) – với hơn 13 triệu thành viên thành Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, trở thành một phần trong bộ máy chính thức của Đảng.
Quyết định này đã đặt ra một khoảng cách thực sự giữa Obama và cộng đồng của mình, và hạn chế khả năng hoạt động để hỗ trợ cho chương trình nghị sự của ông. Chẳng hạn như, nó không thể gây áp lực lên những đảng viên Đảng Dân chủ trung lập về những mặt quan trọng trong chương trình nghị sự của tổng thống (như luật về chăm sóc sức khỏe). Nó cũng tách biệt với nhiều nhà độc lập chính trị, thành viên Đảng Cộng hòa, và các thành phần cực tả đã từng liên kết với Obama nhưng lại không quan tâm đến việc trở thành một phần trong cơ sở hạ tầng chính trị chính thức của Đảng Dân chủ.
Obama, một tổng thống mới nhậm chức phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, đã tập trung mạnh mẽ vào việc ban hành chương trình nghị sự chính trị của mình, và có lẽ ông đã bị choáng ngợp bởi tất cả các công cụ nhà nước mà ông có thể tùy ý sử dụng, ông đã trượt chân vào chế độ quyền lực cũ.
Ông đã cố gắng huy động những người ủng hộ mình vào những thời điểm quan trọng trong việc đưa ra luật chăm sóc sức khỏe, và đạt được một số thành công nhất định, nhưng ông cũng đã không còn tư duy phong trào nữa – và nó đã được thể hiện rõ trong việc OFA yêu cầu những người ủng hộ thực hiện “cam kết” chung về nhiều vấn đề khác nhau (như ủng hộ cho bảo hiểm y tế do chính phủ điều hành trong dự luật chăm sóc sức khỏe, thứ mà Obama đã nhanh chóng cắt giảm), nhưng việc này lại quá thận trọng và không hướng tới cộng đồng một cách cẩn thận đủ để có thể thúc đẩy bất kỳ một niềm đam mê thực sự nào. Tất nhiên, khi cộng đồng của Obama bị bỏ bê, một phong trào được tài trợ nổi tiếng khác đã nổi lên để chống lại họ: phong trào Tea Party. Phong trào này đã tổ chức các cuộc biểu tình đại chúng và những tòa thị chính giận dữ để chống lại cuộc cải cách về chăm sóc sức khỏe, tiên đoán trước chiến thắng lớn của mình trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, và đập nát phần lớn sự điều hành của Obama.
Những người ủng hộ Obama muốn hành động nhiều hơn là các khoản đóng góp. Nếu như Obama đầu tư nhiều hơn vào việc giúp đỡ những người ủng hộ mình khởi động các nỗ lực ở địa phương – cho họ sự tự do trong việc lựa chọn cách thức tổ chức để hỗ trợ ông – ông có thể đã xây dựng được một phong trào tiến bộ đầy mạnh mẽ và có cơ sở vững chắc tại từng địa phương. Đây có thể trở thành lực lượng quyền lực chống lại sự nổi lên của phong trào Tea Party, đặc biệt là khu vực bên ngoài các thành phố lớn, nơi có xu hướng tập trung nhiều người ủng hộ Đảng Dân chủ.
Đội ngũ của Obama dường như đang xem cộng đồng của ông giống như một chiếc máy ATM hơn là một phong trào. Thời điểm thực hiện chiến dịch tranh cử lại một lần nữa vào năm 2012, “dữ liệu lớn” đã thay thế năng lượng của phong trào và trở thành linh hồn cho danh mục chiến thuật của Obama. Những người anh hùng của chiến dịch tái tranh cử không còn là những người tổ chức tình nguyện (mặc dù ông vẫn sở hữu một số lượng lớn), mà là những chuyên gia dữ liệu phía sau hậu trường. Những bức email Clickbaity tràn ngập trong hộp thư đến với những dòng tiêu đề như “Cùng ăn tối chứ?” – đem đến cho người nhận một chút rung động với hy vọng rằng ngài tổng thống cuối cùng cũng đã hỏi liệu chúng ta có muốn đi đâu đó và trò chuyện cùng nhau hay không. Nhưng Obama cũng bỗng dưng trở thành người bạn khiến cho chúng ta liên tưởng đến người mà dường như luôn cần phải mượn tiền. Sự thay đổi mà ông đang chờ đợi thường đi kèm với khoản phí 5 đô-la.
Obama đã đạt được một thỏa thuận tuyệt vời mà không cần đến một phong trào điều hành mạnh mẽ nào. Ông thể hiện sự tôn trọng của mình đối với văn phòng tổng thống cùng các quy ước, nhưng người kế nhiệm ông phần lớn thì không. Tuy nhiên, một khi Tổng thống Trump đã được bầu chọn và có đủ khả năng quét sạch phần lớn di sản của Obama, chúng ta phải tự hỏi mọi chuyện sẽ thế nào nếu Tổng thống Obama hành động giống như một Người thủ lĩnh cộng đồng hơn là một Người khích lệ.
TÍN HIỆU, CƠ CẤU VÀ ĐỊNH HÌNH:
BA TÍNH NĂNG QUAN TRỌNG CỦA THUẬT LÃNH ĐẠO QUYỀN LỰC MỚI
Các nhà lãnh đạo ngày nay phải thành công trong một thế giới không chỉ là các tổ chức, mà là những cộng đồng. Như chúng ta đã thấy, lãnh đạo (và duy trì) như là một Người thủ lĩnh cộng đồng là một công việc rất phức tạp. Nó đòi hỏi những kỹ năng cụ thể. Và một nhà lãnh đạo quyền lực mới mà chúng ta ít khi nghĩ đến – Giáo hoàng Francis – có thể sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều về những yêu cầu cần thiết.
Hành động đầu tiên mà Đức Giáo hoàng Francis đã làm khi trở thành giám mục của Roma chính là cầu nguyện. Thật ra, tại thời điểm ông được bầu, ông đã vẫn luôn cầu nguyện, vượt qua mọi thứ nhờ vào những gì ông gọi là “cảm giác tuyệt vời của sự bình yên nội tại”, cảm giác mà ông cảm nhận được từ lúc ấy.
Nhưng ba hành động tiếp theo của ông lại rất đáng chú ý. Ông đã gửi trả lại chiếc áo choàng đỏ xa xỉ với cổ áo lông chồn ecmin mà những Giáo hoàng mới nhậm chức thường mặc, và thay vào đó là chọn mặc một chiếc áo choàng màu trắng đơn giản. Ông ấy đã nói với người chủ của các nghi lễ Vatican rằng: “Ông hãy cất nó đi. Thời gian ăn mừng kết thúc rồi!”. Sau đó, ông đã phá vỡ giao thức khi đón chào các vị Hồng y, từ chối bước lên bục ngai vàng, và chỉ nói: “Tôi sẽ ở lại dưới đây”. Cuối cùng, khi ông xuất hiện trước thế giới từ trên ban công của nhà thờ Thánh Peter, ông không hề yêu cầu một sự ban phước lành nào từ những Hồng y của mình, hay sự thành công của nhà thờ. Ông cũng không làm theo cách truyền thống là ban phước lành đầu tiên của mình cho những người dân. Thay vào đó, ông yêu cầu người dân của mình cầu nguyện để “Chúa trời có thể ban phước cho tôi thông qua mọi người”.
Thật khó để tìm ra một vai trò nào khác giàu tính biểu tượng hơn Giáo hoàng. Và trong những giờ phút đầu tiên sau khi trở thành Giáo hoàng, Francis đã truyền đi những tín hiệu đầy mạnh mẽ và vang dội về cách mà ông suy nghĩ về quyền lực, thông qua những điều ông làm cũng như những điều ông từ chối. Rũ bỏ chiếc áo choàng của siêu anh hùng. Từ chối chiếc ngai vàng nâng ông lên cao khỏi cộng đồng của mình. Tối hôm đó, ông cũng đã từ bỏ chiếc xe limousine của Giáo hoàng và đi bằng xe minibus cùng với các Hồng y để đi ăn tối. Vào đêm đầu tiên của ông với tư cách Giáo hoàng, ông đã ngủ trong căn hộ nhà khách, để trống tầng mái trong cung điện dành cho Giáo hoàng (một lối sống đã được duy trì thường xuyên).
Từng là một Hồng y người Mỹ Latin với một hồ sơ độc đáo, Francis không hề mong đợi mình sẽ trở thành Giáo hoàng. Ông có những kế hoạch khác đang được tiến hành, trong đó có kế hoạch xây dựng nhà hưu trí dành cho các linh mục ở thủ đô Buenos Aires đang chờ đợi. Cánh nhà cái cũng không nghĩ rằng ông có nhiều cơ hội, và trong các thị trường cá cược, họ còn đánh cược rằng ông sẽ không thể nào xuất hiện trong bảng xếp hạng từ 1 đến 33 trước khi Mật nghị Hồng y diễn ra. Vì vậy, ông đã đến Rome chỉ với một chiếc vali nhỏ, nghĩ rằng đây chỉ là một chuyến đi ngắn ngủi mà thôi.
Nhà thờ mà giờ đây ông đang đứng đầu đã bị thiệt hại nặng nề. Tham nhũng thì tràn lan, đặc biệt là ngân hàng Vatican. Và tội lỗi của nhà thờ không chỉ dừng lại ở mặt tài chính. Những tiết lộ về việc lạm dụng trẻ em, làm hại hàng ngàn tín đồ yếu đuối trong nhiều thập kỷ ở nhà thờ đã làm tổn hại trầm trọng uy tín của nó và ảnh hưởng trực tiếp đến số người tham gia giáo hội. Các tín đồ Công giáo đánh giá khá thấp về Đức Giáo hoàng Benedict, và còn tệ hơn nữa vào những năm cuối cùng trong triều đại của ông.
Ngoài những thách thức khó khăn này, đâu đó cũng tồn tại một cảm giác chung rằng nhà thờ ngày càng ít được nhắc đến. Có rất ít những thanh niên trẻ tham gia vào giới giáo sĩ tại Mỹ. Rất nhiều giáo xứ bị thiếu linh mục. Tại Roma, sự thiếu hiệu quả và trì trệ của tổ chức Vatican đã quá rõ ràng (Đây là vấn đề có từ rất lâu đời. Có một câu chuyện đùa nổi tiếng giữa những người làm trong Vatican là khi Đức Giáo hoàng John XXIII được hỏi rằng có bao nhiêu người đang làm việc tại Vatican, ông đã trả lời: “Khoảng một nửa”).
Chính nhà thờ cũng nhận ra rằng nó đang đi ngược lại với những thay đổi văn hóa chủ yếu – như việc chấp nhận cộng đồng LGBT đang ngày càng gia tăng. Nhà thờ thường bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận công khai về những gì nó chống lại – phá thai, tránh thai, nữ giáo sĩ – hơn là những gì nó bảo vệ. Trên hết là, những người Công giáo đang xôn xao về việc thoái vị đầy kỳ lạ và gần như chưa từng xảy ra trước đây của Giáo hoàng Benedict XVI. Phóng viên BBC David Willey, một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc theo dõi hoạt động của các Giáo hoàng, đã kể lại cho chúng tôi rằng nhà thờ mà Giáo hoàng Francis được thừa kế đang ở trong một “cuộc khủng hoảng trầm trọng”.
Qua câu chuyện về cách mà Giáo hoàng Francis đã đối phó với những thách thức to lớn này, chúng ta có thể bắt đầu tìm ra những kỹ năng lãnh đạo đặc trưng trong thế giới của quyền lực mới.
Truyền tín hiệu (Signaling) là cách mà một nhà lãnh đạo quyền lực mới làm cho một đám đông cảm thấy có quyền lực hơn thông qua những lời nói, cử chỉ, hoặc hành động của mình. Câu nói của Obama về việc “chúng ta chính là sự thay đổi mà chúng ta đang chờ đợi” chính là một tín hiệu kinh điển, được sử dụng để đánh vào ý thức của những người ủng hộ ông về cơ chế và sự tự nguyện tham gia. Lời yêu cầu của Giáo hoàng, thay vì lời ban phước, để mọi người cùng cầu nguyện cũng có hiệu quả tương tự như vậy.
Xây dựng cơ cấu (Structuring) là cách mà một nhà lãnh đạo quyền lực mới sắp xếp lại các cấu trúc và thói quen thường lệ để kích hoạt sự tham gia vào cơ quan mà họ đang muốn xây dựng. Thường thì công việc này sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc truyền tín hiệu. Chiến dịch vào năm 2008 của Obama đã tạo ra một loạt cách thức để mọi người đều có thể tham gia và khiến họ không chỉ có cảm giác có quyền sở hữu, mà là thực sự sở hữu nó (Một biến thể của khái niệm này là không có cơ cấu (unstructuring), tức là tạo ra một không gian rộng rãi và truyền năng lượng đến mọi người để họ có thể tham gia tùy theo điều kiện của chính họ mà không có bất kỳ sự hướng dẫn hay giới hạn nào. Donald Trump, như chúng ta đã thấy, bằng trực giác của mình, ông đã nắm bắt được điều này).
Định hình (Shaping) là cách một nhà lãnh đạo quyền lực mới đặt ra những tiêu chuẩn và hướng đi chung cho cộng đồng của mình, đặc biệt là bằng những cách thức vượt ra khỏi quyền lực chính thức của họ. Khi một nhà lãnh đạo thành công, chính cộng đồng của họ sẽ nắm rõ những tiêu chuẩn này, chấp nhận và duy trì chúng mà không còn phải dựa vào người lãnh đạo nữa. Khát vọng cuối cùng của Đức Giáo hoàng Francis ở tuổi tám mươi, như chúng ta thấy, chính là thay đổi các tiêu chuẩn trong nhà thờ để chúng vẫn sẽ được duy trì sau khi ông đã hết nhiệm kỳ.
Truyền tín hiệu: Giáo hoàng Francis hành động như một “ngụ ngôn sống” như thế nào?
Trong một khoảng thời gian rất ngắn, Giáo hoàng Francis đã trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới, với chỉ số yêu thích cao nhất trong tất cả các tín ngưỡng. Ông thậm chí còn được những người vô thần đánh giá cao.
Phần lớn sự nhiệt tình này đã được thúc đẩy nhờ sự thông thạo của ông trong việc truyền tín hiệu, điều mà ông đã khéo léo thực hiện ngay tại thời điểm ông được đưa lên để đánh dấu việc ông là một Đức Giáo hoàng khác biệt, và chính nó cũng là điều đã thể hiện suốt cả nhiệm kỳ của ông. Nhiều hơn hầu hết những Giáo hoàng trước đó, Francis luôn được bắt gặp với một loạt các cử chỉ mang tính biểu tượng và tính cộng đồng cao, mỗi cử chỉ đều khẳng định được giá trị con người ông. Hãy suy nghĩ về khoảng thời gian ông từ chối sử dụng chiếc Mercedes-Benz dành riêng cho Giáo hoàng để dùng một chiếc Ford Focus phổ biến. Hoặc khi ông nán lại trong quảng trường nhà thờ Thánh Peter để ban phước lành và ôm lấy một người đàn ông bị dị tật. Hay khi ông rửa chân cho những người tị nạn. Tất cả những tín hiệu này đều gửi đi một thông điệp rất rõ ràng đến các Hồng y và giáo đoàn của ông về cách mà họ phải ứng xử trong mối quan hệ với những người kém quyền lực hơn.
Nhờ vào những điều này, ông đã trở thành một “ngụ ngôn sống”, như cách mà Cha Thomas Reese, nhà phân tích cao cấp tại tờ báo National Catholic Reporter đã mô tả với chúng tôi. Những hình ảnh và khoảnh khắc ông tạo ra đã trở thành những biểu tượng hiện đại – hình tượng đại diện cho những điều thiêng liêng đã từng là những bức tượng thạch cao truyền thống trong phòng của các thầy tu, hay những tấm ảnh treo trong các phòng Thánh của nhà thờ, thì giờ đây lại dần được lan truyền trên Instagram.
Xây dựng cơ cấu tham gia
Vượt lên trên cả những hành động mang tính biểu tượng của mình, nhiệm kỳ của Giáo hoàng Francis còn được thể hiện bằng những nỗ lực cải cách đầy quyết đoán, xem xét lại toàn bộ cơ cấu của ngân hàng Vatican, đem lại sự minh bạch cho toàn bộ chính quyền Vatican và đưa những nhà cải cách vào các vị trí chủ chốt. Ở mức độ nào đó, điều này có thể được xem như là một giải pháp cần thiết cho tệ nạn tham nhũng và sự vấy bẩn trong nhà thờ. Nhưng nó cũng nói lên niềm tin của ông rằng nhà thờ nên hoạt động như là một “kim tự tháp ngược”, với những giáo sĩ nên phục vụ cho dân chúng, chứ không phải sống trên những đám mây lơ lửng bên trên họ.
Để thực hiện sự đảo ngược này, Giáo hoàng Francis đã tìm cách đẩy quyền lực ra khỏi Roma, hướng tới các nhà lãnh đạo địa phương và cộng đồng của họ.
Hãy xem xét Hội nghị Tôn giáo năm 2015 về Gia đình. Thường thì trong một hội nghị, các giám mục sẽ tập trung sau một cánh cửa đóng kín để thảo luận về những thay đổi trong giáo lý và cách tiếp cận. Tuy nhiên, vào hội nghị năm 2015, Giáo hoàng Francis bắt buộc các câu hỏi khảo sát đầu tiên phải được phân phát khắp thế giới Công giáo với mục tiêu “tự mình kết nối với các gia đình, lắng nghe những niềm vui và hy vọng của họ, những nỗi buồn và nỗi thống khổ của họ”. Thomas Groome, giáo sư thần học tại Đại học Boston, cho biết: “Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của việc Huấn quyền mà họ đã thực sự cố gắng tham khảo ý kiến của giáo dân”.
Một sáng kiến khác đã đẩy lùi quyền lực, lần này là ra khỏi các Hồng y và trao quyền cho các giám mục, linh mục địa phương, chính là tông huấn Amoris Laetitia đầy đột phá – và được đăng tải rộng rãi, một “lời động viên” của Giáo hoàng về tình yêu thương trong gia đình. Trong tông huấn này, Giáo hoàng Francis đã đề nghị các giám mục địa phương và các linh mục tự đưa ra những phán quyết về cách đối xử với những người Công giáo đã từng ly hôn và tái hôn, bao gồm cả việc cho phép họ nhận được sự cảm thông và chia sẻ, điều mà nhà thờ đã luôn ngăn cấm.
Bằng cách trao quyền cho các giáo dân, linh mục và giám mục, Giáo hoàng Francis đã xây dựng nên cơ cấu cho sự tham gia, tạo ra những cách thức để họ có thể dẫn dắt những nỗ lực từ chính giáo xứ của mình.
Định hình: Chất lượng (và chiến lược) của lòng bao dung
“Who am I to judge?” (Tôi là ai mà có thể phán xét chứ?)
Đây là năm từ nổi tiếng nhất của Giáo hoàng Francis, được dùng để trả lời cho các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Brazil, khi ông đang nói về vị thế của nhà thờ trong vấn đề đồng tính luyến ái.
Những từ này, và ý nghĩa hợp với quy tắc giáo hội của chúng, đã được phân tích cực kỳ chi tiết. Nhưng chỉ tìm kiếm những điều thiết thực có lẽ sẽ khiến ta bỏ qua điểm quan trọng. Chính vì thông qua những tuyên bố như vậy, Giáo hoàng Francis đã định hướng cho nhà thờ của mình mà không cần phải thực sự tạo ra giáo lý mới (Lưu ý rằng đây cũng là lý do mà vài người đã chỉ trích ông). Định hình các tiêu chuẩn cho đám đông của mình chính là một việc làm tinh tế hơn hẳn việc thực thi quyền lực theo cách truyền thống.
Như đã đề cập, Giáo hoàng đã làm việc chăm chỉ để có thể chỉ đạo nhà thờ của mình tránh xa những vấn đề tranh luận có khuynh hướng phân chia và xác định nó. Ông đã thẳng thắn trong việc giải quyết “nỗi ám ảnh” của các giáo sĩ đối với “vô số những học thuyết thiếu nhất quán luôn bị áp đặt”. Giáo hoàng Francis muốn nhà thờ sử dụng năng lượng của mình (và làm hài lòng công chúng) thông qua những công việc cốt lõi như giúp đỡ người nghèo và trở thành một “ngôi nhà cho tất cả mọi người”. Lời bình luận của ông về những người tị nạn vào những tuần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã định hướng rõ ràng: “Đó là một hành động đạo đức giả khi bạn tự gọi mình là một người theo Kitô giáo nhưng lại xua đuổi một người tị nạn hay một ai đó đang cần sự giúp đỡ, một ai đó đang bị đói khát, vứt bỏ một con người đang cần được tôi giúp đỡ”.
Ông cũng đã làm được điều này, cùng một sự nhấn mạnh về lòng bao dung, có lẽ cũng là chủ đề chính của ông. Câu nói “Tôi là ai mà có thể phán xét chứ?” của ông không thay đổi được luật lệ của nhà thờ về đồng tính luyến ái, nhưng nó đã có những ảnh hưởng nhất định đến xu hướng này. Ông cố gắng đưa nhà thờ của mình thoát khỏi mô hình quyền lực cũ, được thể hiện bởi những giáo sĩ luôn đưa ra phán quyết về người dân, trừng phạt những hành vi của họ, phân chia họ thành thần thánh và tội nhân, người được tham gia và kẻ bị loại trừ. Ông đang dần định hình nên một nhà thờ ít tập trung vào các cuộc tranh luận bên trong về những quy tắc, và tập trung hơn vào những biểu hiện bên ngoài của những giá trị cốt lõi. Ông đã nhấn mạnh: “Lòng bao dung chính là giáo lý”. Bằng cách định hình các tiêu chuẩn mới này và thuyết phục hàng triệu tín đồ, không ít các nhà lãnh đạo của nhà thờ làm theo, ông đã khiến cho các luật lệ tự động được mọi người thực hiện.
Tuy nhiên, những thách thức sâu xa về đạo đức được đặt ra bởi những vụ bê bối lạm dụng trẻ em của nhà thờ sẽ không thể biến mất, và Giáo hoàng Francis cũng chưa thật sự tập trung vào việc đối đầu với chúng như cách mà ông đã làm với những vấn đề khác. Lấy trường hợp của Hồng y người Úc George Pell, người đã được Francis tuyển chọn một cách cẩn thận để lãnh đạo những nỗ lực cải cách tài chính và các cải cách khác tại Vatican dù ông từng bị chỉ trích một cách dữ dội trong việc xử lý không nghiêm khắc những trường hợp lạm dụng trẻ em trong suốt vài thập niên. Vào năm 2017, chính Pell đã bị Chính phủ Úc buộc tội với hành vi lạm dụng trẻ em và cuối cùng là bị buộc phải rời khỏi.
Nếu Giáo hoàng không giải quyết hết mọi hình thức tham nhũng ở trung tâm của nhà thờ, và thay vào đó lại có vẻ như muốn đặt việc bao che cho những giáo sĩ thân cận lên trên lợi ích chung của dân chúng, như cách những người tiền nhiệm của ông đã làm quá thường xuyên, thì những nỗ lực của ông trong việc đem quyền lực mới đến với nhà thờ sẽ chỉ là những hồi chuông sáo rỗng. Các thử thách lớn nhất dành cho Giáo hoàng Francis có lẽ vẫn chưa xuất hiện.
BA KỸ NĂNG DÀNH CHO NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO QUYỀN LỰC MỚI
Gác lại câu chuyện của Giáo hoàng Francis, hiện nay các nhà lãnh đạo không thực sự được biết đến nhiều. Báo cáo thường niên năm 2017 của hãng Edelman Trust Barometer cho thấy chỉ có 37% người nghĩ rằng CEO là đáng tin cậy. Sự tín nhiệm đặt vào cả bốn tổ chức được theo dõi – doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và truyền thông – đều bị suy giảm. Đây là lần đầu tiên mà Edelman quan sát được điều này kể từ khi họ bắt đầu lấy số liệu thống kê về sự tín nhiệm.
Một loạt các yếu tố – sự gia tăng của các lực lượng quyền lực mới cũng là một trong số đó – đã làm cho một thế hệ những nhà lãnh đạo chỉ dựa vào hành vi và ý tưởng đột nhiên trở nên lạc hậu, dù trong nhiều trường hợp chúng đã từng rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ. Và đây không phải là một vấn đề có thể được giải quyết bằng một trục cảm xúc đơn giản. Sự khôn ngoan thông thường đã thúc đẩy các bậc thầy về vũ trụ của chúng ta trở thành những bậc thầy về sự đồng cảm – tự liên kết bản thân với cả hai mặt song hành, bao gồm sự khiêm tốn và mức độ đáng tin cậy – là vẫn chưa đi đủ xa. Trên thực tế, nó còn có thể đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo ra khỏi một nhiệm vụ còn khó khăn hơn là di chuyển trọng tâm từ chính bản thân họ sang cộng đồng của mình, một kỹ năng mà cả ba nhà lãnh đạo được nhắc đến dưới đây đều thành thục.
Làm thế nào để trở thành một thiên tài trong thế giới quyền lực mới: Sự khôn ngoan của Ai-jen Poo
Khi Ai-jen Poo giành được học bổng nghiên cứu sinh “Thiên tài” của MacArthur, cô đã vượt xa những gì được mong đợi: “Tôi đã không thể làm được điều này nếu như không nhờ vào những người đồng nghiệp của mình. Đây cũng là giải thưởng dành cho họ”.
Cô và đội ngũ của mình tại National Domestic Workers Alliance (NDWA) (Hiệp hội Người giúp việc Quốc gia) đã đầu tư khoản trợ cấp MacArthur trị giá 625.000 đô-la của mình – vốn dĩ được dành để tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo của riêng Poo – để ủng hộ cho sự phát triển cho các thành viên của hiệp hội. Từ đó, Học bổng Dorothy Lee Bolden đã ra đời nhằm tạo cơ hội phát triển kỹ năng lãnh đạo cho cộng đồng những người giữ trẻ, người giúp việc và các điều dưỡng viên trong hội.
Bolden là nhân vật chủ chốt đầu tiên trong việc vận động ủng hộ cho các lao động giúp việc. Bà thành lập National Domestic Workers Union (Liên hiệp Người giúp việc Quốc gia) vào năm 1968, mở đường cho Poo và các đồng nghiệp của cô sáng lập nên National Domestic Workers Alliance, tạo tiếng nói cho 2,5 triệu nhân viên chăm sóc và giúp việc trong các gia đình tại Mỹ.
Việc sử dụng khoản trợ cấp MacArthur của Poo đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: Đây là về chúng ta. Bằng cách tôn vinh một người phụ nữ đi trước mình và thể hiện niềm tin của cô về tương lai của cộng đồng mà cô đang phục vụ, cô đã đầu tư giải thưởng của mình như là sự xác nhận cho một phong trào.
Khoảnh khắc này là một minh chứng cho tính cách của Poo – khi bạn gặp cô ấy, rõ ràng là cô ấy làm điều này vì những lý do hoàn toàn chính đáng. Nhưng nó cũng là một nhu cầu mang tính chiến lược. Hiệu quả làm việc của Poo với tư cách là một nhà lãnh đạo phụ thuộc vào việc giữ cân bằng giữa sự nổi bật của chính cô và đám đông của mình, một nhóm những người phụ nữ, chủ yếu là dân nhập cư và phụ nữ da màu, cũng là những người ít quyền lực nhất trong xã hội.
Theo cách nói của cô, công việc của cô chính là sử dụng sức mạnh của mình để “tạo ra sức mạnh cho nhiều người hơn”. Đây là một thử thách đặc biệt trong trường hợp của Poo, bởi lẽ sự mất cân bằng quyền lực nghiêm trọng là điều mà những người ủng hộ cô phải trải qua hàng ngày: “Họ hiểu rất rõ thế nào là bất bình đẳng vì họ phải sống trong nghèo khó và sau đó lại phải đi làm cho những gia đình giàu có nhất”. Ngoài khoảng cách về tiền lương và sự giàu có, người lao động giúp việc còn phải chịu đựng những đau đớn về tinh thần và thể xác, đôi khi họ cũng kể lại những câu chuyện khủng khiếp như: bị bỏ bê, bị lạm dụng và bị đe dọa.
Đối với Poo, với tư cách là một nhà lãnh đạo, giải quyết những căng thẳng này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi cô ở độ tuổi hai mươi, đã có những cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu cô, một người chưa từng có kinh nghiệm về lao động giúp việc, có thể trở thành đại diện hợp pháp cho lợi ích của các lao động giúp việc và dẫn dắt phong trào của họ hay không. Mỉa mai thay, càng làm tốt việc cổ vũ cho một loạt những nhóm người phức tạp và một cộng đồng phần lớn đã bị bỏ quên trước đây, cô lại càng thể hiện mình như là một người vẫn còn thiếu “phong cách hiện đại” để lãnh đạo.
Cô đã giải quyết được sự căng thẳng này, và giữ vững lập trường một cách đầy hợp tác và tinh tế, quan tâm đến việc mọi người cũng cần được nhận những nhiệm vụ quan trọng và đảm bảo rằng cơ cấu quản lý của cô bao gồm cả những người mà cô đang phục vụ. Phần lớn các thành viên trong ban quản trị (mà cô gọi là “sếp”) đều không phải là bất kỳ chuyên gia chính sách hay nhà tài trợ nào; giống như hầu hết các tổ chức phi lợi nhuận khác: họ là những lao động giúp việc. Cô ước tính thu nhập trung bình hàng năm của họ chỉ ở mức 22.000 đô-la.
Hai năm một lần, Poo tập hợp cộng đồng NDWA để bầu ra ban quản trị và xác định hướng đi cho hiệp hội. Năm trăm lao động giúp việc tụ họp với nhau để tranh luận về những vấn đề và thách thức chủ yếu trong tổ chức của họ, từ tiền lương cho đến chiến lược. Kỷ yếu của cuộc họp được phiên dịch sang tám ngôn ngữ khác nhau để tất cả mọi người đều có thể nắm bắt.
Những người muốn ứng cử vào ban quản trị có cơ hội để bước lên và tự giới thiệu trước cả hội đồng. Đó là một cảnh tượng khá căng thẳng. Mỗi ứng cử viên có ba phút để phát biểu. Một số người thì nói rất tốt. Một số khác thì còn lúng túng. Tất cả đều được cổ vũ. Có một cuộc tranh luận ứng cử về những câu hỏi then chốt và những thách thức của lực lượng lao động. Sau đó, tất cả mọi người đều được quyền bỏ phiếu. Poo cho rằng quá trình này chính là một trong những khía cạnh có ý nghĩa nhất trong công việc của cô tại NDWA. Cô đã nói với chúng tôi: “Bạn biết không, mọi người phấn khích như vậy là bởi vì họ đã sở hữu tổ chức”.
Cô đã xây dựng cơ cấu của NDWA để các lao động giúp việc mới là nhân vật chính, chứ không phải những người thụ hưởng. Theo cách nói của cô, “toàn bộ tổ chức về cơ bản được thiết lập như một nền tảng để trao tiếng nói cho những cử tri đã hoàn toàn bị cô lập”. Cô cho rằng tất cả mọi người trong thế giới của cô đều là người tổ chức. Và đây không chỉ là lời nói. Sáng kiến về Chiến lược, Tổ chức và Lãnh đạo của NDWA được phát triển để tập huấn cho các nhà lãnh đạo đang đương chức, để họ biết cách phát triển khả năng lãnh đạo và kỹ năng chính trị của những lao động giúp việc. Sáng kiến đó đã tăng cường khả năng của các đội ngũ trên khắp mạng lưới, với khoảng 3.000 lao động đang học tập để tạo nên các phong trào và đấu tranh vì quyền lợi của họ.
Vị trí đặc biệt của Poo yêu cầu cô phải có ý thức cao độ về những vấn đề xung quanh địa vị và tín hiệu trong cách thức thể hiện – rằng cô đang thực sự đầu tư vào cộng đồng của mình. Để dẫn dắt cộng đồng ấy một cách hiệu quả, cô phải liên tục chứng minh cho họ thấy cô có thể hòa nhập với họ.
Từ Neutron Jack đến Electron Beth: Một phong cách lãnh đạo mới tại GE
Đôi khi, Beth Comstock sẽ gửi tặng cho một trong những đồng nghiệp của mình một chiếc máy Egg Minder tương tác. Thiết bị mới lạ này sử dụng wifi để kết nối bạn với những quả trứng trong tủ lạnh, nhờ đó bạn sẽ không còn phải bối rối khi ở siêu thị mà không biết mình còn bao nhiêu quả trứng ở nhà hay là chúng còn sử dụng được nữa hay không. Những người yêu thích công nghệ rất hứng thú với loại thiết bị này, nhưng hầu hết những người khác lại cảm thấy khá là buồn cười. Sản phẩm này đã trở thành một sự thất bại hoành tráng.
Phân phát đi những chiếc Egg Minder dư thừa này đã cho phép Comstock, Phó Chủ tịch của GE (General Electric), nói lên được điều gì đó về văn hóa đổi mới tại GE. Egg Minder là một phần trong quan hệ đối tác giữa GE và Quirky, một công ty khởi nghiệp quyền lực mới cực kỳ năng động đã cho phép cộng đồng của mình phát minh ra những sản phẩm của riêng họ. Bản thân Comstock đã đấu tranh cho mối quan hệ với Quirky và luôn gắn bó chặt chẽ với họ khi công ty này vấp ngã và sau đó là phải nộp đơn xin phá sản.
Vì thế, tín hiệu mà cô đang cố gắng truyền đi rất rõ ràng là: Tôi đã thất bại và tôi vẫn ở đây. Tại GE, dù bạn có hứa hẹn với cộng đồng để rồi bị thất bại hoành tráng thì vẫn không sao; họ dự đoán được điều đó, và họ chấp nhận nó.
Hãy xem xét triết lý này khác biệt như thế nào với nhà lãnh đạo huyền thoại của GE, Jack Welch, người đã tạo dựng được danh tiếng của mình thông qua việc loại bỏ mọi lỗi lầm và thất bại bằng quy trình quản lý Six Sigma của mình, cũng như bằng việc sa thải nhân viên qua những đợt chọn lọc thường xuyên và đầy tàn nhẫn. Chính những lần sa thải này đã mang đến cho ông biệt danh “Neutron Jack”, bởi vì ông có thể nổ tung và làm biến mất tất cả mọi người trong một tòa nhà, nhưng cơ cấu của nó vẫn đứng vững như cũ.
Comstock lãnh đạo theo một cách rất khác. Nếu đặt biệt danh bằng thuật ngữ của GE, chúng ta có thể xem cô như là Electron Beth. Điều này không có nghĩa là cô làm nổ tung mọi thứ, mà là liên kết mọi người lại với nhau. Thành công của cô trong việc dẫn dắt GE bước vào thời đại kỷ nguyên số đã giúp cô thăng tiến và trở thành một trong một trăm người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới.
Trọng tâm trong sự thành công của cô chính là cách mà cô đã xây dựng cơ cấu cho GE để có thể phát huy mạnh hơn tính sáng tạo, từ trong ra ngoài. Mục tiêu của cô không chỉ là 300.000 người trong biên chế của GE, mà là cả cộng đồng rộng lớn vượt ra ngoài những bức tường, nơi cô nhận thấy sự tham gia chính là chìa khóa thành công cho công ty của mình.
Câu chuyện về Quirky chính là một phần trong nỗ lực lãnh đạo của Comstock trong việc sáng tạo mở, cách tiếp cận tương tự như cách mà NASA đã thử nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cộng đồng. Cô đã đạt được một số thành công đầu tiên như chương trình Thử thách Thiết kế Khung động cơ, một sự hợp tác giữa GE và GrabCAD, một nền tảng kỹ thuật số của hơn một triệu nhà thiết kế và kỹ sư, với ước muốn về một bộ phận nhẹ hơn, hiệu suất cao hơn cho những chiếc máy bay của mình. Người giành chiến thắng là một kỹ sư trẻ tuổi người Indonesia chưa từng có kinh nghiệm về hàng không, nhưng ý tưởng của anh đã mang lại sự cải thiện đến 84%.
Cô đã xây dựng nên những thành công này nhờ vào quan hệ đối tác với các tổ chức như Local Motors, công ty xe hơi quyền lực mới đầu tiên mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong chương tiếp theo, với các cách phát triển sản phẩm từ nguồn lực cộng đồng trực tuyến lẫn trong các nhà máy nhỏ trên khắp nước Mỹ, dành cho các kỹ sư, lập trình viên và các nhà khoa học.
Trong GE, Comstock đã mời Eric Ries, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Lean Startup, tư vấn cho một phương thức mới để khuyến khích và tăng tốc cho sự đổi mới trong nội bộ công ty, cũng như những nỗ lực thiết kế sản phẩm và nhanh chóng kết hợp với những phản hồi đầu tiên của khách hàng. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của FastWorks, chương trình hiện đã huấn luyện cho hơn 40.000 lãnh đạo của GE.
FastWorks hiện đang dẫn đầu một sự thay đổi hướng tới việc thử nghiệm và tạo nguyên mẫu, đẩy mạnh những chỉ tiêu tại một công ty sở hữu giá cổ phiếu đã bị suy giảm trong một khoảng thời gian dài, một công ty mà vài người cho rằng là quá lớn để có thể đổi mới. Thay đổi này cũng đã đạt được một số thành tựu lớn (cũng như chúng ta có thể giả định một cách thận trọng rằng một vài thiết bị mới sẽ giống như Egg Minder). Dự án đã tạo ra một trang trại gió kỹ thuật số, một giải pháp được đưa ra trong vòng chưa đến bốn tháng và giúp tăng thêm 20% nguồn năng lượng tái tạo trên mỗi trang trại gió. GE đã ước tính rằng FastWorks sẽ tiết kiệm được khoảng vài triệu đô-la chi phí phát triển sản phẩm cho mỗi dự án như vậy.
Comstock đang cố gắng trao quyền lực xuống bên dưới, theo cách nói của cô, để “phân chia quá trình đưa ra quyết định càng rộng rãi trên khắp mạng lưới càng tốt. Trên thực tế, là để trao lại quyền lực cho các ‘tế bào’ cá nhân để chuyển tiếp các tín hiệu và đáp ứng những điều kiện tại địa phương mà họ cảm thấy phù hợp”. Điều này có nghĩa là phân phối lại nhân viên vào những thị trường địa phương trên khắp thế giới, cũng như cố gắng thay đổi các thói quen văn hóa (chẳng hạn như là việc đưa ra lời phản hồi). Thay vì đánh giá hiệu suất hàng năm (giống như buổi kiểm tra răng miệng đáng sợ) ở hầu hết các tổ chức ngày nay, GE đang sử dụng các công cụ di động cho phép nhiều người cung cấp những hiểu biết sâu sắc và nhấn mạnh những vấn đề trong thời gian thực. Chúng ta sẽ thảo luận về tầm quan trọng của phản hồi trong môi trường quyền lực mới ở chương 11.
Peter Sims, một nhà kinh doanh và cũng là một nhà văn, đã quen biết Comstock trong nhiều năm nay và luôn ở cạnh cô khi thứ hạng của cô tăng dần. Anh đã diễn tả lại cách cô ứng biến một cách đầy tự do giữa cộng đồng những nghệ sĩ, nhà sản xuất và “phù thủy” robot – thay vì chỉ dành thời gian của mình với các thành viên ban quản trị. Sims đã nói: “Dù cô ấy có một công việc vĩ đại, và một danh hiệu lừng lẫy, nhưng những người từng tiếp xúc với cô không ai cảm nhận được điều đó cả”.
Bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp ý tưởng mới từ những nơi không ai ngờ đến, Comstock đang làm mờ dần ranh giới giữa cộng đồng và công ty của mình.
Cách thức Lady Gaga đã giải phóng con quái vật của mình
Những fan cứng của Barry Manilow được gọi là Fanilows (Bạn biết bạn là ai rồi đấy!). Justin Bieber sở hữu một cộng đồng Beliebers của riêng mình. Demi Lovato? Lovatics. Ed Sheeran? Sheerios (Thật vậy đấy!). Nhưng cộng đồng người hâm mộ của Lady Gaga lại chọn cái tên của một chủng tộc hoàn toàn khác biệt.
Họ được gọi là Little Monsters (Lũ quái vật tí hon).
Cái tên này đã xuất hiện từ rất sớm trong mối quan hệ giữa Gaga và các fan của mình. Tuy nhiên, sau khi xem bộ phim The Social Network nói về sự nổi dậy của Facebook, cô bắt đầu lập ra một tài khoản mạng xã hội của riêng mình để đưa cô đến gần hơn với những người hâm mộ và giữa những người hâm mộ với nhau.
Tầm nhìn của cô không chỉ dừng lại ở một trang fanpage. Cô muốn trang web và thương hiệu của mình không chỉ tập trung chủ yếu vào công việc của cô, mà là vào việc giúp bồi dưỡng sự tự tin và tính nghệ thuật của những người hâm mộ. Kết quả là, trang web LittleMonsters.com đã cho phép những đội quân của cô có thể chia sẻ với nhau những ý kiến, nghệ thuật, những ý tưởng và câu chuyện của họ, cũng như tổ chức những sự kiện. Và cô nhanh chóng có được một triệu người tham gia.
Đối với Gaga, một nhiệm vụ rất quan trọng là: nhiều người hâm mộ của cô là những cô gái luôn phải đối mặt với những kỳ vọng khắc nghiệt về ngoại hình và phân biệt giới tính, và những người trẻ tuổi thuộc cộng đồng LGBTQ luôn phải vật lộn với những câu hỏi về bản sắc riêng và sự khác biệt. Phần thưởng lớn nhất của việc kết nối những người hâm mộ với nhau chính là việc nó mang lại cho cô một công cụ để quảng bá cho các giá trị mà chính chúng đã vượt lên trên cả hứng thú của mọi người đối với bản thân cô.
“Quái vật” @HausofFanis đã nói thế này: “Sự liên kết giữa chúng tôi vượt xa cả tình yêu thương dành cho một ngôi sao nào đó. Sự liên kết giữa chúng tôi dựa trên những triết lý mà chúng tôi cùng chia sẻ. Tất cả chúng tôi đều tin vào sự quan trọng của tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự tha thứ”. Hector, một thiếu niên Colombia mười bảy tuổi, đã định nghĩa Little Monster là một người “không phán xét hay chỉ trích người khác về bất cứ điều gì, dù là thiên hướng tình dục, hay màu da, hay những điểm đặc biệt và những thứ khác của riêng họ”.
Có lẽ sẽ không có gì ngạc nhiên khi Gaga, người thường xuyên thử nghiệm với bản sắc của riêng mình, đã lựa chọn cách cổ vũ cho sự tự tin khi được là chính mình của cộng đồng người hâm mộ. Giáo sư Amber L. Davisson viết: “Thay vì nói rằng Gaga đang cố ép người hâm mộ của mình chấp nhận một bản sắc cụ thể nào đó, câu chuyện của Little Monsters lại là về việc họ đã tìm được bản sắc cho riêng mình”.
Bằng việc tự nhận mình là “quái vật”, họ đã biến sự khác biệt và việc bị kỳ thị trở thành sức mạnh. Cộng đồng Little Monsters đã cho chúng ta thấy một ví dụ hoàn hảo về “sự khác biệt tối ưu”. Quái vật cảm nhận được như thế nào là giống nhau vừa đủ, và khác biệt vừa đủ.
Tinh thần của trang web LittleMonsters.com đã truyền tải toàn bộ mối quan hệ giữa Gaga với người hâm mộ của mình. Bản thân âm nhạc của cô cũng đã thể hiện được những chủ đề này một cách rõ ràng (bài hát “Born This Way” như đã trở thành bài quốc ca cho những con quái vật), và nó cũng được thể hiện trong những cuộc đối thoại giữa cô và lũ quái vật trên các luồng truyền thông xã hội khổng lồ của mình, nơi cô thường xuyên chia sẻ về nghệ thuật và những ý tưởng của người hâm mộ. Cô là một nhà đấu tranh vì sự sáng tạo của chính họ. Cô đã tự gọi bản thân mình (và cũng được gọi) là “Mama Monster” (Bà mẹ Quái vật), là một nữ chúa hơn là một ngôi sao.
Để làm được tất cả những điều này, Gaga đã phải trải qua nhiều năm không chỉ là xây dựng một lực lượng fan cứng (dù cho album của cô có bị rớt hạng), cô đã phát triển được một cộng đồng rộng lớn mà cô có thể dẫn dắt vào những thời điểm quan trọng. Vào năm 2010, Gaga – được hộ tống bởi bốn người phục vụ đồng tính, hai đàn ông và hai phụ nữ – xuất hiện tại lễ trao giải MTV Video Music Awards, yêu cầu người xem gọi điện cho các thượng nghị sĩ để yêu cầu họ bãi bỏ dự luật “Không hỏi, không nói”. Cô đã tổ chức các cuộc họp lớn tại Portland, Maine, yêu cầu người hâm mộ gọi điện cho các thượng nghị sĩ và tweet cho Thượng nghị sĩ Harry Reid, sau đó là nhà lãnh đạo của Thượng viện, để đẩy mạnh số lượng phiếu bầu cử. Với lời kêu gọi hành động của Gaga, đường dây của các thượng nghị sĩ đã tràn ngập những cuộc gọi đến khiến cho tổng đài bị quá tải. Chiến dịch của cô đã buộc Thượng viện phải nâng cấp hệ thống điện thoại của mình để có thể xử lý tốt hơn các cuộc gọi đến từ công dân. Tiêu đề của một báo đã viết: “Thượng viện Mỹ lắp đặt hệ thống điện thoại tương thích với Gaga”.
Không phải ngẫu nhiên mà cả ba ví dụ về thuật lãnh đạo quyền lực mới ở trên đều là phụ nữ. Bằng phân tích của mình trong bài nghiên cứu về sự khác nhau trong phong cách lãnh đạo giữa đàn ông và phụ nữ, Alice H. Eagly đã quan sát được rằng: “Tính theo trung bình, các nhà lãnh đạo nữ giới thường dân chủ và chú trọng vào sự tham gia nhiều hơn nam giới. Đàn ông lại thường áp dụng phong cách ‘ra lệnh và kiểm soát’ từ trên xuống nhiều hơn phụ nữ”.
Những phát hiện của Eagly đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc hơn những gì mà Mary Parker Follett, một nhà tư tưởng quản lý tiên phong, đã tìm ra trước đó. Trong cuốn sách xuất bản vào năm 1918 của mình, The New State, cô đã phác thảo một cái nhìn hoàn toàn mới về phương thức lãnh đạo, bỏ qua “power-over: quyền lực tối thượng” để ủng hộ “power-with: một quyền lực được phát triển cùng nhau, cùng chủ động, chứ không phải là một quyền lực ép buộc”. Ý tưởng này đã tiên đoán trước một phần quan trọng trong tư duy nữ quyền đương thời, nhấn mạnh vào những phương thức quyền lực chú trọng vào sự tham gia và công bằng hơn. Ngày nay, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã đẩy mạnh tính hợp tác, tầm nhìn của Follett có vẻ dễ đạt được – và cần thiết – hơn bao giờ hết.
Trong ba kỹ năng lãnh đạo quyền lực mới được thể hiện trong những câu chuyện bên trên, có lẽ kỹ năng khó làm chủ nhất chính là việc định hình cho các giá trị và hành vi vượt ra khỏi giới hạn của việc kiểm soát trực tiếp bởi một người nào đó. Đối với Gaga, đó chính là lòng tốt, tính đa dạng và lòng khoan dung. Comstock đã đấu tranh vì một nền văn hóa mới trong việc thử nghiệm. Poo đã nuôi dưỡng niềm tự hào, phẩm giá, và sự sẵn sàng để đối đầu với những điều bất bình đẳng hơn là chấp nhận nó như là một việc không thể tránh khỏi.
Không phải ai cũng có thể thành công. Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sang sự tương phản giữa hai phương thức lãnh đạo về cùng một vấn đề nan giải: chủng tộc. Một cách là bằng quyền lực rất mới, một cách khác thì rất cũ, và chúng đã dẫn đến những kết quả cũng rất khác nhau.
#RACETOGETHER VÀ #BLACKLIVESMATTER: THUẬT LÃNH ĐẠO TRONG THỜI ĐẠI HASHTAG
“Nó bắt đầu với một tiếng nói”, đó là lời mở đầu cho thông báo tư vấn truyền thông của Starbucks khi tung ra chiến dịch “Race Together” (Cùng trò chuyện về vấn đề chủng tộc). “Khi những thảm kịch về phân biệt chủng tộc diễn ra trong những cộng đồng trên khắp đất nước, chủ tịch và CEO của Starbucks đã không thể giữ im lặng như một người ngoài cuộc. Howard Schultz bày tỏ sự quan tâm của mình dành cho các đối tác (nhân viên) làm việc tại trụ sở Seattle của công ty và bắt đầu một cuộc thảo luận về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ”.
Để giải thích tầm nhìn của mình về chiến dịch Race Together, Schultz đã đăng một video dài sáu phút quay cảnh chính mình nói về cảnh các nhân viên Starbucks thuộc nhiều chủng tộc khác nhau tham gia vào các diễn đàn của công ty để thảo luận về sáng kiến này. Ông tuyên bố: “Trong vài tuần qua, tôi cảm thấy có một gánh nặng về trách nhiệm cá nhân không phải chỉ ở công ty, mà còn là những gì đang xảy ra ở nước Mỹ”.
Sau đó, ông khuyến khích các nhân viên pha chế của mình viết dòng hashtag #RaceTogether lên những cốc cà phê của khách hàng và kết nối với họ bằng những câu chuyện về vấn đề chủng tộc ở Mỹ. Schultz, một tỷ phú người da trắng thuộc thế hệ baby bombers(8), đang tập hợp một đội quân gồm những người lao động với mức lương thấp, mà phần lớn họ không phải là người da trắng, để dành khoảng thời gian bốn mươi lăm giây hoặc lâu hơn khi sữa đang được đun sôi cho một ly latte đậu nành không béo và gấp đôi phần trà để dàn cảnh cho buổi nói chuyện gây khó xử nhất nước Mỹ.
(8) Những người sinh ra trong những năm 1946 – 1960.
Phản ứng của công chúng rất nhanh chóng và khắc nghiệt. Như @IjeomaOluo đã chỉ ra: “Làm nhân viên pha chế cà phê thôi cũng đủ vất vả rồi. Phải nói chuyện về #RaceTogether với một người phụ nữ đang mặc quần tập yoga trong khi cho gia vị bí ngô vào ly thì thật là tàn nhẫn”. Hoặc như @ReignofApril đã nói: “Không biết @Starbucks đang nghĩ gì nữa. Tôi không có thời gian cho việc giải thích về bốn trăm năm áp bức với bạn mà vẫn có thể hoàn thành công việc của mình đâu”. Những phản ứng này dữ dội đến nỗi nhà lãnh đạo truyền thông của Starbucks phải nhanh chóng tìm cách ngăn chặn và tạm thời đóng Twitter của mình. Câu chuyện này đã trở thành vấn đề chính trong cuộc họp thường niên của Starbucks, được tổ chức ngay sau khi chiến dịch được đưa ra, làm lu mờ tất cả những thành tựu ấn tượng khác của công ty. Một vài tuần sau đó, Starbucks đã phải kết thúc chiến dịch “theo như kế hoạch”. Nhưng rõ ràng là nó đã không hề đi đúng kế hoạch.
Schultz đã nêu lên một chủ đề quan trọng xứng đáng nhận được sự quan tâm của cả nước vào lúc bấy giờ mặc dù sẽ an toàn hơn nếu họ chỉ khởi động một chiến dịch ấm áp và dễ chịu hơn về việc tái chế. Nhưng sáng kiến của ông chính là một ví dụ tuyệt vời cho việc ngay cả khi một nhà lãnh đạo có ý định tốt, ông vẫn có thể sai lầm trong ba kỹ năng – truyền tín hiệu, xây dựng cơ cấu và định hình.
“Chúng tôi đã mắc phải một sai lầm chiến thuật. Nhưng vậy thì sao chứ?”, Schultz đã nói với tạp chí Fast Company về Race Together. “Chúng tôi vẫn đang có những tiến triển đấy thôi”.
Nhưng đây không chỉ là một sai lầm về mặt chiến thuật.
Đầu tiên, chiến dịch được bắt đầu bằng một video dài sáu phút đều là về Howard. Ông được giới thiệu như là một nhà lãnh đạo anh hùng đã dũng cảm nêu lên một vấn đề mà những CEO khác không dám đụng chạm đến. Sau đó, ông đã hợp tác với một tỷ phú người da trắng khác, Larry Kramer, chủ của tờ USA Today, để đặt hàng một bài viết của chuyên gia (với tấm hình của Schultz được đặt ở đầu trang) nhằm thúc đẩy chiến dịch.
Cách tiếp cận này đã đẩy xa những người có thể đã giúp cho ông thực hiện được ý tưởng của mình. Bởi lẽ ông đã tự mình chiếm giữ quá nhiều không gian, không còn chỗ trống để dành cho những người khác.
Race Together dường như đã quá gấp rút và chưa được lên ý tưởng kỹ lưỡng, nhưng đây cũng không phải là một động thái kỳ lạ. Schultz đã thử nghiệm và phát triển tư duy của mình thông qua khá nhiều sự tư vấn. Ông được khích lệ bởi sự nhiệt tình trên một loạt các “diễn đàn mở” giữa các nhân viên trong công ty mình. Tuy nhiên, dù cho có được tất cả những điều hứa hẹn này, những sai lầm trong kế hoạch của ông đã không được đoán trước.
Đây là một trong những thách thức lớn trong “chuyến vi hành” phổ biến giữa những vị CEO. Không có nhiều nhân viên, ngay cả những người giữ chức vụ cao, có đủ dũng cảm để nói những điều như: “Rất vui được gặp sếp, em đề cao sự nhiệt tình của sếp, nhưng lần này sếp sai chắc rồi đấy”. Và những nhân viên ở tiền tuyến, bị làm cho bất ngờ bởi chiến dịch này, đã phải tự hỏi rằng làm thế nào mà chuyện này lại có thể xảy ra được kia chứ. “Nếu chúng ta có một cuộc thảo luận về vấn đề chủng tộc, vậy những người cho rằng đây là một quyết định sáng suốt, họ đa dạng chủng tộc đến mức nào vậy?”, một nhân viên pha chế đã đặt ra câu hỏi trên Instagram vào thời điểm bấy giờ.
Việc đơn giản “hỏi ý kiến” cơ sở của mình chỉ là bước đầu trong việc áp dụng quyền lực mới và không có khả năng tạo ra những phản hồi có ý nghĩa. Việc xây dựng một cơ cấu thật sự cho sự tham gia đòi hỏi nhiều hơn thế. Nghịch lý thay, khi thiếu mất điều này, sử dụng một chiến lược quyền lực cũ có khi lại hiệu quả: việc tổ chức những diễn đàn kín, trực tuyến hay bí mật có thể sẽ tạo ra một loạt những phản hồi trung thực phũ phàng nhất.
Việc chế giễu #RaceTogether thì rất dễ dàng (và nhiều người cũng đã làm như thế). Nhưng ý tưởng này vẫn có một điều đặc biệt nào đó. Schultz hiểu rằng những chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks trên thực tế đã trở thành một trung tâm cộng đồng của thế kỷ 21 (dù chúng thường được đặt tại các khu vực dân cư giàu có). Các cửa hàng Starbucks trên khắp đất nước có thể đã được sử dụng, có lẽ là bên cạnh những không gian địa phương khác trong các khu vực nghèo khó hơn, để tổ chức các sự kiện địa phương được điều hành bởi những tổ chức có kinh nghiệm trong việc ứng phó với những cuộc nói chuyện nhạy cảm về phân biệt chủng tộc. Bạn chắc cũng có thể tưởng tượng được rằng bằng cách nào đó Schultz đã có thể chiêu mộ được một đội ngũ đa dạng những nhân viên pha chế không phải để xem video của ông và viết khẩu hiệu của ông lên trên cốc giấy, mà là để xây dựng một cái gì đó của riêng họ.
#RaceTogether bắt đầu bởi một tiếng nói. Nó cũng kết thúc theo cách giống như vậy.
Nỗ lực của Schultz trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo để giải quyết những vấn đề về chủng tộc không phải tự dưng mà có. Race Together xuất hiện trong bối cảnh của những phong trào quốc gia được dẫn đầu bởi các nhà hoạt động xã hội có rất ít điểm chung với Schultz, cũng là những người đã áp dụng một phương thức lãnh đạo hoàn toàn khác với ông. “Ba người phụ nữ da màu đã bắt đầu chiến dịch #BlackLivesMatter. Một người là người Mỹ gốc Nigeria, hai người kia là người đồng tính. Để làm cho câu chuyện phức tạp… Bởi vì mọi người da màu đều xứng đáng được sống #BlackLivesMatter”, đó là tuyên bố của tài khoản Twitter chính thức @blklivesmatter vài tháng sau khi các nhà hoạt động và những người khác trên khắp nước Mỹ tìm ra khẩu hiệu cho riêng họ.
Black Lives Matter từ một meme đã trở thành một phong trào và đã làm thay đổi những cuộc đối thoại về chủng tộc ở Mỹ. Các phong trào vận động xã hội được truyền cảm hứng bởi nó đã thúc đẩy những thay đổi trong việc thực thi chính sách, làm tăng số lượng cử tri da màu trong một số cuộc bầu cử, định hình pháp luật, sa thải các cảnh sát trưởng, và thu hút sự chú ý về những bất công có hệ thống mà những người Mỹ da màu phải chịu đựng.
Nó được bắt đầu bằng một bài đăng trên Facebook.
Vào năm 2013, sau khi George Zimmerman được tha bổng trong vụ giết hại một thiếu niên người da màu tên là Trayvon Martin, nhà hoạt động và nhà tổ chức Alicia Garza đã viết một bài đăng có tác động mạnh mẽ được kết thúc bằng thông điệp: “Chúng ta xứng đáng được sống, người da màu xứng đáng được sống”. Bạn của Garza, Patrisse Cullors, đã biến thông điệp này thành một hashtag, và nó đã trở thành một xu hướng toàn cầu, một ngọn cờ chống lại sự bất công, #BlackLivesMatter. Opal Tometi bắt đầu thiết lập những tài khoản trên các phương tiện truyền thông xã hội để mở rộng chiến dịch của họ.
Hashtag này nhanh chóng trở nên phổ biến, và mọi người bắt đầu đề nghị giúp đỡ họ trong việc xây dựng phong trào. “Các nhà văn hóa, nghệ sĩ, nhà thiết kế và kỹ thuật viên” đều sẵn sàng cống hiến tài năng của họ. Chiến thuật của những người sáng lập chính là một ví dụ điển hình về cách thức xây dựng cộng đồng mà chúng ta đã thảo luận ở chương 4. Theo cách nói của Garza, cô Cullors và Tometi đã “[tạo ra] một cơ sở hạ tầng cho dự án của phong trào này – đưa hashtag từ mạng lưới truyền thông xã hội ra đường phố”. Họ bắt đầu huy động lực lượng thông qua mạng trực tuyến và các cuộc gọi điện thoại, kết nối các nhà tổ chức trên khắp đất nước, với mục tiêu là tạo ra “không gian cho sự tán dương và nhân đạo hóa cuộc sống của những người da màu”.
Phản ứng của họ đối với việc Michael Brown bị giết hại bởi cảnh sát ở Ferguson, Missouri, đã đưa phong trào lên một cấp độ mới. Ba người phụ nữ này – vẫn làm việc bằng cách hợp tác với những người khác – đã nhanh chóng tổ chức “Freedom ride” ("Chuyến đi tự do” của Black Lives Matter, nơi các nhà hoạt động xã hội trên khắp đất nước cùng bắt xe buýt đi tới Ferguson để hỗ trợ cho những nỗ lực của các tổ chức địa phương và cộng đồng ở đó.
Khoảnh khắc mang tính biểu tượng này đã truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa. Ba tháng sau, vào tháng 12 năm 2014, biểu ngữ “Black Lives Matter” đã được căng lên dọc đám đông tại cuộc diễu hành Millions March NYC. Cuộc diễu hành với 50.000 người đầy mạnh mẽ này được khởi xướng bởi Synead Nichols hai mươi ba tuổi và Umaara Elliott mười chín tuổi, những người chưa từng tổ chức một cuộc biểu tình nào trước đó.
Từ điểm bắt đầu là một bài đăng trên Facebook, Black Lives Matter đã bùng nổ trên khắp cả nước, trở thành tiêu đề chính trên các tờ báo quốc gia và phát triển thành một nhóm các tổ chức, các nhánh địa phương và những cộng đồng các nhà tổ chức được liên kết với nhau một cách mỏng manh. Với thiết kế phi tập trung và bản sắc “không chủ”, phong trào này đã cho phép nhiều người được làm chủ và có sức ảnh hưởng to lớn lên hàng triệu người.
Vậy đâu là điều mà #BlackLivesMatter đã thực hiện đúng mà Schultz lại mắc sai lầm?
Rõ ràng là, những người sáng lập nên #BlackLivesMatter vốn đã sở hữu tính hợp pháp và sự tín nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề chủng tộc mà Schultz không có. Nhưng vẫn còn nhiều thứ hơn thế nữa.
Ngay từ đầu, những tín hiệu mà phong trào truyền đạt đều là về sự tham gia của tập thể – nó không nhấn mạnh vào vai trò của bất kỳ một nhà lãnh đạo cá nhân nào. Alicia Garza đã nói với chúng tôi rằng điều này không có nghĩa là Black Lives Matter không có lãnh đạo (leaderless), mà đúng hơn là có đầy đủ các lãnh đạo (leader-full). “Khi chúng ta nghĩ về những gì đã xảy ra với Martin Luther King, hoặc với Medgar Evers, hoặc Malcolm X, ý tôi là tất cả bọn họ đều đã bị ám sát vì chính vai trò lãnh đạo của mình”, Garza nói với chúng tôi. “Thành thật mà nói, các tổ chức của họ sau đó đã không còn giống như cũ nữa. Lý do là bởi vì ngay cả những tổ chức này cũng đã tự xây dựng bản thân chúng chỉ xoay quanh duy nhất một người… Khi bạn chặt mất cái đầu của chúng, thì phần còn lại của cơ thể sẽ chết dần”. Khi định hình hướng đi cho Black Lives Matter, cô đã cực kỳ thận trọng trong việc “tách riêng hay cho phép ngoại lệ một vài người trở nên đặc biệt, thực sự thì phần đặc biệt đó chính là thứ mà mỗi ngày người ta luôn giành lấy nó và cố gắng biến nó thành một thứ gì đó to lớn hơn tất cả mọi người”.
Theo thời gian, những nhà lãnh đạo đó đã dựng lên những giàn giáo để xây dựng cơ cấu và hỗ trợ phong trào. Vâng, có rất nhiều hoạt động tự do xung quanh phong trào này (một ví dụ rất tốt về việc không có cơ cấu). Nhưng những nhà đồng sáng lập, cùng những người khác, cũng đã phát triển một cách cẩn thận các nhánh địa phương. Như Jelani Cobb kể lại trên tờ The New Yorker: “Các nhánh có triển vọng phải trải qua một đợt đánh giá khắt khe bởi một điều phối viên về các hình thức tuyên truyền mà các thành viên đã từng tham gia trước đó, và họ phải cam kết với các nguyên tắc hướng dẫn của tổ chức”.
Nhưng điều đáng chú ý nhất, và quan trọng nhất về Black Lives Matter là lời cam kết của nó đối với sự tham gia của toàn bộ mọi người. Đây là một phong trào với mong muốn sở hữu thật nhiều nhà lãnh đạo. Nó cam kết chuyển sự chú ý cao độ vào những người bình thường không được giữ vai trò đó, và những người được xem là người bị thiệt thòi nhất. Cullors nói: “Phần còn lại trong sự tham gia này là: Làm thế nào để Black Lives Matter thực sự thúc đẩy câu chuyện của mình rằng cuộc sống người da màu nào cũng đều quan trọng?... Do đó, bản chất của công việc này chính là định hình, cố gắng định hình cho mạng lưới này một cách thật khôn ngoan về mặt chính trị”. Một người phụ nữ xuất hiện trong phần “Giới thiệu” trên trang web đã phát biểu: “Black Lives Matter khẳng định cuộc sống của người da màu thuộc thế giới thứ ba và những người chuyển giới, người khuyết tật, những người da màu không có giấy tờ, những người đã có hồ sơ phạm tội, phụ nữ và tất cả những người da màu dọc theo phổ giới tính. Nó tập trung vào những người đã bị gạt ra ngoài trong các phong trào giải phóng của người da màu”.
Điều thú vị là, Cullors, Garza và Tometi đã liên tục đặt cược vào tuyên bố của họ với tư cách là những nhà đồng sáng lập của Black Lives Matter, một phần là vì họ không phải là đàn ông, họ từng bị những người khác trong phong trào này chỉ trích là đang cố gắng tạo ra uy tín. Ba người kiên quyết rằng họ không muốn sao chép lại mô hình quyền lực cũ, cùng một người đàn ông thuyết giảng dài dòng như cách mà Al Sharpton hay Jesse Jackson đã chiếm hết tất cả mọi không gian. Chính điều này đã dẫn đến mâu thuẫn trong những ngày đầu hoạt động của Black Lives Matter. Jackson bị la ó chế giễu khi đang cố gắng thuyết trình cho những người biểu tình ở Ferguson. Sharpton bị buộc tội cố gắng bám víu vào phong trào. Tại cuộc diễu hành Justice for All ở Washington D.C., vào cuối năm 2014, Sharpton và nhóm của anh ta đã cắt dây micro của nhà hoạt động trẻ tuổi Johnetta Elzie – người đã bị tấn công bởi hơi cay, và không cho phép cô ấy lên tiếng. Cô đã kể lại trên trang tạp chí điện tử The Root rằng cô và bạn của mình được thông báo là họ không thể chia sẻ quan điểm của mình bởi vì họ không có “thẻ VIP”. Cô tự hỏi: “Nếu đó là một cuộc biểu tình, tại sao bạn lại cần phải có một tấm thẻ VIP kia chứ?”.
Điều bất ngờ là có lẽ nhân vật được biết đến nhiều nhất đã từng xuất hiện trong thời đại của Black Lives Matter lại là một người đàn ông. DeRay Mckesson, một nhà báo và nhà hoạt động xã hội, là một thành viên trong cuộc biểu tình đầu tiên tại Ferguson, sở hữu một phong cách lãnh đạo đầy lôi cuốn và gần gũi. Các chính trị gia và các phương tiện truyền thông chính thống đều đổ dồn sự chú ý về anh ấy. Garza tự hỏi rằng: “Hiện tượng liên quan đến DeRay liệu có thật sự là vì mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi đàn ông giữ chức vụ lãnh đạo ở một hình thức nào đó không?”. Thách thức cho một phong trào đầy đủ các nhà lãnh đạo và được dẫn dắt bởi phụ nữ chính là việc chứng minh cho những cơ cấu quyền lực cũ thấy được và tham gia cùng với họ vì những gì họ đang có, thay vì cố gắng biến mình thành một thứ gì đó mà những cơ cấu hiện tại có thể thừa nhận.
Black Lives Matter đã đưa ra một ví dụ nghiên cứu điển hình về thuật lãnh đạo quyền lực mới. Ba nhà sáng lập của nó đã thiết lập nên một hướng đi vượt qua khỏi vai trò của mình. Một số nhà lãnh đạo đã nổi lên từ phong trào này, như Mckesson, đã thực hiện chiến dịch ứng cử của riêng mình, phản ánh sự đa dạng về quan điểm trong phong trào – về việc làm thế nào để tạo ra sự thay đổi. Như trong bất kỳ một phong trào nào liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều phe phái với những quan điểm bất đồng cũng đã xuất hiện. Nhưng thành công của nó thì rất rõ ràng. Black Lives Matter đã biến một vấn đề hay bị bỏ qua thành tâm điểm của dư luận trong nước. Khi nhìn về phía trước, nhiệm vụ tiếp theo của họ chính là biến toàn bộ năng lượng mà họ đã tạo ra thành một sự thay đổi lâu dài, cả về chính trị lẫn văn hóa.
KẾT LUẬN: HÃY XEM XÉT LẠI LA BÀN LÃNH ĐẠO
Bây giờ, hãy lắp vào mô hình sau với tên của những nhà lãnh đạo mà chúng ta đã nhắc đến trong chương này.
Có rất nhiều cách để trở thành Người thủ lĩnh cộng đồng. Một số người, như những nhà sáng lập của phong trào Black Lives Matter, là những người rất tâm huyết trong việc nắm bắt cả những giá trị lẫn công cụ quyền lực mới. Ngược lại, Beth Comstock lại hoạt động trong bối cảnh doanh nghiệp truyền thống, xây dựng một cơ cấu tham gia từ bên trong và bên ngoài GE theo nhiều cách thức hạn chế hơn. Phong cách cũng là một yếu tố có sức ảnh hưởng. Các nhà lãnh đạo quyền lực mới như Comstock, Poo, và những nhà sáng lập của Black Lives Matter đã rất chăm chỉ trong việc tránh phải trở thành những nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn, trong khi những nhà lãnh đạo khác lại sử dụng sức hút của bản thân họ như là một phương thức chiến lược trong việc theo đuổi mục tiêu của mình, như Obama và Đức Giáo hoàng Francis (Đây là một thực tế phổ biến khắp thế giới về thuật lãnh đạo – bạn có thể thấy những ví dụ về cả hai phong cách lãnh đạo, hoặc lôi cuốn hoặc giản dị hơn, ở mọi phần góc tư trong mô hình thuật lãnh đạo).
Thế giới chính trị và kinh doanh ngày nay, đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu, đang tràn ngập những Người khích lệ (như Howard Schultz và Tổng thống Obama, những người theo đuổi các giá trị quyền lực mới nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn trong việc triển khai các mô hình quyền lực mới). Những chính trị gia lập ra phong trào trong chiến dịch bầu cử, như Tổng thống Pháp Emanuel Macron, cũng phải đối mặt với những lựa chọn và những tình huống khó xử tương tự khi họ cố gắng đưa những phong trào của mình vào chính phủ. Một số người trong nhóm này vẫn đang nghiêm túc cố gắng giải quyết tất cả những điều trên và đang dần dần tiến lên vào góc Người thủ lĩnh cộng đồng. Những người khác lại bắt đầu hơi chủ quan, về cơ bản là vẫn hoạt động như trước đây, song giờ đây mối liên kết giữa họ và cộng đồng vẫn rất công khai, mà lại không rõ ràng.
Chúng tôi không dành nhiều thời gian để nói về những Người chủ lâu đài vì đây là mô hình lãnh đạo truyền thống đã quá quen thuộc đối với chúng ta. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là cách thức lãnh đạo từ trên xuống có thể có rất nhiều hình thức – từ những nhà lãnh đạo không hề nao núng như Kim Jong-un, người đã sử dụng các kỹ thuật tuyên truyền truyền thống để đạt được những mục đích của mình, cho tới những nhà lãnh đạo trong giới kinh doanh và chính trị như “Neutron Jack” Welch, hay người tiền nhiệm cứng nhắc của Đức Giáo hoàng Francis, Benedict. Điều cần phải chú ý về mô hình lãnh đạo là trong một thế giới mà các cộng đồng càng ngày càng làm việc hiệu quả hơn, thì mô hình này lại càng trở nên hạn chế. Tại sao bạn phải là người nắm quyền lực già cỗi thông thường – dựa dẫm hoàn toàn vào thẩm quyền và khả năng hợp pháp của mình để thực thi các quy tắc – trong khi bạn có thể trở thành người nắm quyền trong nền tảng, vận hành cộng đồng của chính mình nhưng vẫn giữ quyền lực tập trung trong tay?
Điều này sẽ đưa chúng ta đến với những Người kết nạp. Hãy xem xét trường hợp của Mark Zuckerberg. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, anh ấy chính là bậc thầy trong việc xây dựng cộng đồng – anh ngồi ở vị trí chỉ huy của một nền tảng mà, theo nhiều thống kê, được xem là lớn nhất thế giới. Zuckerberg nói rằng anh đã đổi mới nhiệm vụ của Facebook là tập trung vào xây dựng một cộng đồng toàn cầu và anh có vẻ giữ vững cam kết với mục tiêu này rất chân thành. Nhưng nếu nhận xét đúng hơn, hành vi của Zuckerberg truyền đi tín hiệu rằng anh chỉ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này nếu như anh không phải từ bỏ đi quá nhiều quyền lực của mình. Chia sẻ nhiều giá trị kinh tế hơn với những người dùng, để cộng đồng thật sự có tiếng nói trong việc điều hành Facebook và cho họ khả năng xem, định hình và chỉnh sửa thuật toán, những điều này dường như không hề được nhắc tới. Thay vào đó, anh đã tự định vị bản thân như là một vị chúa tể nhân từ mà mọi người có thể tin tưởng rằng sẽ đưa ra những quyết định vì lợi ích tốt nhất cho cả mạng lưới. Những Người kết nạp rất quyền lực bởi họ thành thạo những cách thức mới trong việc thu hút sự tham gia. Họ có thể cùng tham gia và làm vui lòng, truyền cảm hứng và làm lệch hướng cộng đồng của mình một cách hiệu quả – đến nỗi cộng đồng có lẽ hoặc là quá bận rộn, hoặc bị mất tập trung nên không nhận ra rằng họ thực sự không hề trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy một cuộc thi về thuật lãnh đạo giữa những Người kết nạp (và họ thông thường sẽ phát triển thành Người nắm quyền trong nền tảng) và những Người thủ lĩnh cộng đồng. Trong trạng thái tốt nhất, cả hai đều có thể truyền tín hiệu, xây dựng cơ cấu và định hình hướng đi một cách hiệu quả. Nhưng hai kiểu lãnh đạo này lại có xu hướng dẫn đến những kết quả rất khác nhau trong cách phân phối quyền lực.
Nhìn chung, Người thủ lĩnh cộng đồng chính là những người có công việc khó khăn nhất. Nhiệm vụ của họ phức tạp hơn việc “một mình tôi có thể xử lý được”. Họ phải yêu cầu mọi người làm nhiều hơn, có trách nhiệm cao hơn và hợp tác một cách tự do hơn.
Và ngay cả khi đó là thế giới mà có lẽ tất cả chúng ta đều mong muốn, thì chúng ta cũng không thể chắc chắn sẽ đạt được nó.