Đây có lẽ là chương được các mẹ mong đợi nhất sau rất nhiều những minh chứng về vai trò, tác dụng cũng như cách mà thai nhi có thể nhận thức được thế giới ngay từ khi còn chưa ra đời. Trong chương này, mình sẽ đi cùng các mẹ qua lần lượt từng hình thức thai giáo. Ở mỗi hình thức, các mẹ sẽ được tìm hiểu công dụng, cách thực hiện, thời gian, tần suất và quan trọng nhất là cách để các bố tham gia thai giáo cùng các mẹ. Đầu mỗi phần sẽ là bảng gợi ý theo tuần giúp các mẹ nắm được hôm nay nên làm hoạt động thai giáo nào cho bé. Mẹ hoàn toàn có thể linh hoạt sắp xếp lại lịch này theo thời gian biểu của mình, miễn sao mẹ cảm thấy thoải mái nhất. Chúng ta hãy cùng bắt đầu nào!
Định hướng chung
Nên bắt đầu thai giáo từ khi nào?
Thai giáo nên được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay từ khi biết tin mình có bầu, không nên đợi tới lúc thai nhi phát triển đủ các giác quan. Thai giáo có tác dụng tốt cho cả mẹ và bé. Ví dụ với hình thức thai giáo bằng âm nhạc, nhiều mẹ cho rằng cần đợi tới khi thính giác thai nhi phát triển (tuần thứ 18 trở đi) mới nên cho bé nghe nhạc. Trên thực tế, việc nghe nhạc giúp mang lại tâm trạng dễ chịu cho mẹ, cải thiện môi trường nước ối, giúp bé phát triển tốt. Vì vậy, bố mẹ có thể thực hành thai giáo âm nhạc nói riêng, hoặc các hình thức thai giáo khác nói chung ngay từ những ngày đầu mang thai.
Có những hoạt động thai giáo nào?
Có rất nhiều hoạt động thai giáo, các hoạt động này được xếp vào hai hình thức:
Thai giáo trực tiếp: Bao gồm các bài tập tác động đến năm giác quan của bé: thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác. Ví dụ: thai giáo ánh sáng, thai giáo âm nhạc, kể chuyện, đọc truyện...
Thai giáo gián tiếp: Quá trình chăm sóc sức khỏe về mặt dinh dưỡng, tinh thần cho mẹ, từ đó giúp thai nhi phát triển tốt. Ví dụ: thai giáo dinh dưỡng, thai giáo tưởng tượng...
Cần thai giáo bao nhiêu phút mỗi ngày? Có cần cố định thời gian không? Tần suất thực hiện như thế nào?
Thai giáo nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày với sự tham gia của cả bố và mẹ. Thời gian mỗi lần thai giáo từ 15 - 30 phút, tùy theo sự sắp xếp của gia đình. Thai giáo nếu có thể thực hiện cố định vào một khung giờ là tốt nhất, điều này sẽ hình thành thói quen cho bé. Nhưng nếu không thể thu xếp được, mẹ có thể thai giáo cho bé vào bất cứ khung giờ nào trong ngày. Thông thường, khung giờ thai giáo được nhiều mẹ yêu thích là sau 9h tối khi đã xong hết việc nhà.
Mẹ nên thai giáo trong không gian như thế nào?
Không có yêu cầu đặc biệt về không gian tiến hành thai giáo. Mẹ có thể nằm trên giường, ghế sofa hoặc bất cứ đâu mà mẹ thấy thoải mái. Tâm trạng và cảm xúc của mẹ luôn là điều quan trọng nhất. Vì thế, mẹ hãy chọn nơi khiến mình cảm thấy thật thư giãn, dễ chịu. Hãy tạm thời quên hết những âu lo trong công việc, cuộc sống, chỉ nghĩ tới em bé trong bụng thôi các mẹ nhé.
Bắt đầu thai giáo như thế nào?
Có rất nhiều hình thức thai giáo nhưng dễ dàng và quen thuộc nhất chính là nghe nhạc thai giáo. Mẹ có thể bắt đầu ngay khi biết mình mang bầu. Nhạc thai giáo tốt cho cả mẹ và bé. Đặc biệt với những ngày mệt mỏi vì công việc hoặc ốm nghén, nằm trên ghế sofa, nhắm mắt nghe một vài bản nhạc trước khi đi ngủ thật không còn gì tuyệt vời hơn phải không các mẹ?
“Tôi đang ở tuần thứ X, liệu bây giờ mới bắt đầu thai giáo thì có muộn không?”
Đây là một trong những câu hỏi mình nhận được nhiều nhất. X là số tuần thai rất đa dạng, từ 1 đến 40. Có mẹ biết đến thai giáo từ trước khi bầu nhưng cũng có những mẹ gần sát ngày sinh mới bắt đầu tìm hiểu. Chắc chắn một điều, dù biết đến thai giáo vào thời điểm nào thì mong muốn áp dụng thai giáo để con phát triển tốt nhất cũng xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến mà các mẹ dành cho con.
Không có tiêu chuẩn nào về thời gian bắt đầu thai giáo, cũng không bao giờ là quá muộn để mẹ bắt đầu. Điều quan trọng nhất trong thai giáo chính là mẹ có thể tận hưởng cảm giác “đồng nhất” với con. Cho dù mẹ có thực hành thai giáo nhiều đến thế nào nhưng nếu mẹ nóng vội hoặc lo lắng mình đã không bắt đầu sớm hơn, mẹ sẽ truyền đến con cảm giác tiêu cực. Ngược lại, dù bắt đầu muộn hoặc có rất ít thời gian thai giáo nhưng nếu mẹ luôn vui vẻ truyền đến con cảm giác tích cực thì chắc chắn vẫn tốt hơn cho bé.
Thay vì lo lắng “Hôm nay không có nhiều thời gian cho con” hoặc “Mình bắt đầu thai giáo hơi muộn so với chúng bạn”, mẹ hãy chuyển suy nghĩ theo hướng “Mình đã bắt đầu thai giáo cho bé được 2 tuần rồi” hay “Hôm nay dù rất bận, mình cũng đã cho con nghe được hai bản nhạc và kể cho con một câu chuyện”. Chỉ cần mẹ luôn giữ tâm trạng tích cực và cố gắng thực hành thai giáo sớm nhất có thể là đủ.
Thai giáo nhưng bé không phản ứng lại thì có đáng lo không?
Câu trả lời ngắn là “Không”. Một số mẹ vì nôn nóng nên tỏ ra rất lo lắng khi mới bắt đầu thai giáo nhưng không nhận được phản hồi của bé. Ví dụ nhiều mẹ thai giáo ánh sáng nhưng không thấy con đạp, cho bé nghe nhạc nhưng bé không “động đậy”. Đây là hiện tượng bình thường, phản ứng như thế nào tùy thuộc sự phát triển và tính cách của mỗi bé. Có bé thích nghe nhạc nên khi được nghe sẽ đáp lại mẹ ngay. Cũng có bé “nhạy cảm” nên nằm yên, phải sau một thời gian kiên trì thai giáo, mẹ mới thấy bé “nhúc nhích”. Một số dấu hiệu bất thường mẹ cần chú ý: bé gò hoặc đạp dữ dội hơn bình thường, đau bụng, ra máu… Khi ấy, mẹ cần tạm dừng thai giáo và hỏi ý kiến bác sĩ.
Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu)
3 tháng đầu tiên mang thai được coi là giai đoạn mệt mỏi và khó khăn nhất của mẹ bầu do bị ảnh hưởng bởi “nghén”. Lúc này, cảm giác buồn nôn, khó chịu sẽ khiến mẹ mệt mỏi cả ngày và chẳng muốn làm gì. Việc áp dụng các hình thức thai giáo trong 3 tháng đầu không chỉ giúp mẹ giảm thiểu tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, ổn định tâm lý mà còn giúp bé phát triển não bộ và trí tuệ toàn diện. Sau đây, mẹ hãy cùng mình đi qua lần lượt từng hình thức thai giáo phù hợp trong giai đoạn này nhé.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho từng hoạt động.
1. Cùng bé nghe nhạc thai giáo
Nghe nhạc thai giáo là một hình thức thai giáo đơn giản, quen thuộc với các mẹ Việt. Nhiều mẹ cho rằng cần đợi tới khi thính giác thai nhi phát triển thì việc nghe nhạc thai giáo mới có tác dụng. Tuy nhiên, thai giáo tốt cho cả mẹ và bé. Nghe nhạc cũng là một hình thức giúp mẹ thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Thói quen nghe nhạc thai giáo từ những ngày đầu mang bầu cũng giúp mẹ duy trì nếp thai giáo đều đặn cho bé sau này.
- Công dụng
Âm nhạc đem tới cho bố mẹ và thai nhi những phút giây lắng đọng, yên bình, tâm trạng dễ chịu, giảm bớt căng thẳng; giúp bé yêu được tiếp xúc với âm nhạc ngay từ khi còn trong bụng mẹ, phát triển IQ, EQ và yêu âm nhạc hơn khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ nằm thư giãn trên giường hoặc ghế sofa, mở nhạc thai giáo bằng loa ngoài điện thoại, máy tính, máy nghe nhạc..., âm lượng vừa phải để cả gia đình cùng nghe.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ có thể rủ bố thai giáo theo cách đơn giản là cùng nằm nghe nhạc với mẹ. Ngoài ra, bố hãy giúp mẹ chọn các bản nhạc yêu thích khi có thời gian.
- Thời gian, tần suất
15-20 phút/lần. Nên thực hiện mỗi ngày. Hoặc 5 phút/lần, thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
- Lưu ý
Không nên úp tai nghe vào bụng vì nước ối khuếch đại âm thanh, gây ảnh hưởng đến thính giác thai nhi.
Mẹ nên nghe đa dạng các thể loại nhạc như nhạc thiếu nhi, nhạc cổ điển, nhạc trẻ… không nên chọn nhạc có tiết tấu quá mạnh hoặc quá nhanh (Rock, Rap,...) khiến thai nhi khó chịu.
2. Đặt tên cho bé
- Công dụng
Giúp bố mẹ có cơ hội cùng nhau bàn bạc và chọn cái tên hay nhất cho bé; giúp bé có được cái tên dễ thương chứa đựng nhiều tình yêu thương và niềm hy vọng của bố mẹ.
- Cách thực hiện
Bố mẹ hãy cùng nhau chọn tên ở nhà và tên thật cho bé sau này nhé.
- Rủ chồng thai giáo
Trong hoạt động này, vai trò của bố rất quan trọng. Mẹ hãy tham khảo ý kiến, mong muốn của bố như thế nào khi lựa chọn tên cho bé. Sau khi tìm hiểu ý nghĩa tên, mẹ đừng quên bàn bạc, thống nhất với bố để cùng nhau đi đến quyết định, tránh việc chỉ mẹ hoặc bố tham gia chọn tên cho bé.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
- Lưu ý
Nên tránh những tên quá dài, tên khó đọc, tên trùng với tên ông bà tổ tiên hay người thân bậc trên trong gia đình, họ hàng.
Dù quyết định cuối cùng vẫn là ở bố mẹ, tuy nhiên bố mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè về tên gọi cho bé nhé.
3. Gọi tên con
- Công dụng
Giúp bố mẹ cảm thấy như con đã thật sự có mặt và là một thành viên quan trọng trong gia đình; giúp con được nghe thấy tiếng bố mẹ gọi tên mình mỗi ngày và dần quen với cái tên. Khi ra đời, được nghe gọi tên, bé sẽ cảm thấy an tâm và hợp tác hơn với bố mẹ.
- Cách thực hiện
Bố mẹ hãy gọi tên con khi bố mẹ tâm sự, nói chuyện với con, khi vuốt ve bụng bầu hoặc khi hát cho con nghe.
- Rủ chồng thai giáo
Bố hãy kể cho bé nghe về ngày hôm nay của bố như thế nào, bố có niềm vui gì...? Trong câu chuyện, bố đừng quên nhắc đến tên bé nhé. Ngoài ra, khi trò chuyện cùng hai mẹ con, bố có thể gọi mẹ bằng tên trìu mến như Mẹ Heo ơi (nếu chọn tên bé là Heo).
- Thời gian, tần suất
Thực hiện mỗi ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
4. “Tám” với những người đã sinh con
- Công dụng
Giúp bố mẹ có những giây phút vui vẻ và bổ ích, có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm con, từ đó cảm thấy tự tin hơn, bớt lo lắng và bỡ ngỡ. Bố hiểu hơn về vai trò của mình. Bé yêu được nghe các cuộc trò chuyện của các bố mẹ, cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm và biết mình luôn được chào đón.
- Cách thực hiện
Bố mẹ có thể trò chuyện (gặp trực tiếp hoặc nhắn tin, gọi điện…) với những người quen đã từng sinh con để học hỏi kinh nghiệm và có những giây phút tâm sự, trò chuyện thoải mái, vui vẻ.
- Rủ chồng thai giáo
Bố hãy cùng mẹ đi gặp gỡ, trò chuyện cùng các ông bố, bà mẹ khác.
Bố cùng mẹ tham gia các lớp học tiền sản.
- Thời gian, tần suất
Một lần vào cuối tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Nên trò chuyện cùng những ông bố, bà mẹ vui vẻ, tích cực, hạn chế gặp những người tiêu cực.
5. Viết nhật ký thai kỳ
- Công dụng
Viết ra những niềm vui, nỗi buồn mỗi ngày giúp niềm vui của mẹ như được nhân lên và nỗi buồn như được san sẻ; giúp bố và mẹ ghi lại hành trình đáng nhớ và những cảm xúc quý giá, khi đọc lại sẽ thấy có thêm nhiều động lực cho việc nuôi dạy con. Khi bé ra đời, bố mẹ có thể cho bé xem lại cuốn nhật ký này để bé biết mình đã được yêu thương, chờ đón như thế nào.
- Cách thực hiện
Viết nhật ký mang thai vào một cuốn sổ. Mẹ có thể viết bất cứ điều gì: những hoạt động, vui buồn, sự phát triển của bé...
- Rủ chồng thai giáo
Không gì tuyệt vời hơn bằng việc có một cuốn nhật ký chung của cả bố và mẹ. Bố hãy mua tặng mẹ một cuốn sổ và cùng mẹ viết vào đó mỗi ngày. Bố cũng có thể giúp mẹ chụp ảnh bầu để đưa vào nhật ký. Sau này nhìn lại, bố mẹ sẽ thấy rất nhiều khoảnh khắc đáng yêu của hai vợ chồng.
- Thời gian, tần suất
Viết mỗi ngày hoặc 2-3 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
6. Đọc sách thai giáo, sách kiến thức mang thai
- Công dụng
Giúp bố mẹ có được kiến thức chính thống về việc chăm sóc thai kỳ và nuôi dạy con, từ đó chọn được phương pháp phù hợp nhất với gia đình mình, giúp bố mẹ tự tin hơn trên hành trình nuôi dạy con của mình.
- Cách thực hiện
Đọc các đầu sách uy tín về chủ đề thai giáo, mang thai, chăm sóc em bé.
- Rủ chồng thai giáo
Bố có thể chủ động tìm hiểu các cuốn sách thai giáo hay và mua cho mẹ đọc. Quan trọng hơn, bố hãy dành thời gian đọc sách cùng mẹ. Nếu bố quá bận, mẹ đừng ngại tóm tắt sách và kể cho bố nghe nhé.
- Thời gian, tần suất
1 cuốn/tháng, đọc mỗi buổi sáng hoặc khi rảnh rỗi.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
7. Trò chuyện và ôm ấp thai nhi
- Công dụng
Giúp bố mẹ gắn kết với con hơn, giúp bố quen dần với việc trò chuyện cùng con, đỡ ngại ngùng sau này. Con được làm quen với giọng bố mẹ, được đón nhận năng lượng yêu thương tích cực, được tiếp xúc với ngôn ngữ sớm, có xu hướng thông minh và phát triển ngôn ngữ tốt hơn sau khi ra đời.
- Cách thực hiện
Bố và mẹ cùng đặt tay lên bụng như đang ôm con, trò chuyện yêu thương, giọng điệu ân cần, trìu mến.
- Rủ chồng thai giáo
Bố có thể kể cho con nghe các mẩu chuyện thai giáo, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn,... hoặc chuyện đi làm hằng ngày của bố, hôm nay bố có gì vui,...
- Thời gian, tần suất
Thực hiện mỗi ngày, 5-10 phút/lần.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
- Lưu ý
Trong 3 tháng đầu, không nên xoa bụng hay tác động lực vì có thể gây sảy thai.
8. Thiền
- Công dụng
Giúp mẹ bầu khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, giảm căng thẳng, chống trầm cảm, giúp bé yêu được tận hưởng sự tĩnh lặng và bình an, bé thấu hiểu sự vất vả của mẹ và hợp tác hơn trong thai kỳ.
- Cách thực hiện
Phương pháp thiền rất đơn giản, chỉ cần mẹ chú ý đến hơi thở. Cách thực hiện như sau:
Đầu tiên, mẹ nằm hoặc ngồi trên sàn, từ từ nhắm mắt lại.
Hít vào phình bụng, thở ra từ từ hóp bụng.
Tập trung hoàn toàn vào hơi thở. Khi bị xao nhãng, mẹ có thể tự nhẩm “hít vào, thở ra” và từ từ đưa sự tập trung trở lại với hơi thở của mình.
Tất cả những gì mẹ cần làm là giữ trạng thái này từ 3-5 phút.
- Rủ chồng thai giáo
Bố thiền cùng mẹ, giúp mẹ tìm các bản nhạc hay, phù hợp để hai vợ chồng cùng thiền.
- Thời gian, tần suất
Mỗi ngày hoặc 2-3 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
9. Xem phim có nội dung tích cực
- Công dụng
Bố mẹ có những giây phút xem phim thư giãn, thoải mái, bé yêu cũng sẽ cảm nhận được sự vui vẻ, phát triển khỏe mạnh hơn. Phim có thể chứa đựng nhiều nội dung ý nghĩa giúp bố mẹ rút ra những thông điệp, bài học hay cho mình.
- Cách thực hiện
Bố mẹ cùng nhau xem những bộ phim hay, nội dung tích cực và nhân văn. Sau khi xem xong, bố mẹ có thể trò chuyện với thai nhi về nội dung bộ phim.
- Rủ chồng thai giáo
Bố có thể chủ động tìm hiểu và chọn các bộ phim phù hợp với bà bầu và thai nhi, sau đó cùng mẹ xem dần vào mỗi cuối tuần.
- Thời gian, tần suất
Một lần mỗi tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào.
- Lưu ý
Mẹ nên xem đa dạng thể loại phim, miễn sao phim đó có nội dung tích cực, không nên xem phim kinh dị, buồn bã, đau khổ, chia ly hoặc bạo lực, chiến tranh... dễ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý mẹ bầu.
10. Nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng
- Công dụng
Giúp mẹ bầu và thai nhi được nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, tái tạo năng lượng. Giúp mẹ giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong thời gian mang bầu như đau nhức, chóng mặt, mệt mỏi… Bố và mẹ có thời gian trò chuyện, tâm sự cùng nhau trong khi nghỉ ngơi.
- Cách thực hiện
Mẹ nghỉ ngơi tại nhà.
- Rủ chồng thai giáo
Để mẹ có thể yên tâm nghỉ ngơi, bố đừng quên giúp mẹ làm việc nhà như rửa bát, quét dọn, lau chùi nhà cửa... Bố cũng có thể tỏ ra quan tâm đến mẹ bằng việc mua cho mẹ một chiếc gối bà bầu, giúp mẹ đỡ đau người khi nằm ngủ.
- Thời gian, tần suất
Hằng ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
11. Giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan
- Công dụng
Mẹ có tâm trạng tốt giúp ăn ngon và ngủ ngon, truyền cho bé năng lượng tích cực để phát triển, khỏe mạnh, thông minh; đồng thời giúp bầu không khí gia đình vui vẻ.
- Cách thực hiện
Tâm sự với người mà mẹ cảm thấy tin tưởng. Luôn nghĩ về những điều tốt đẹp.
Thiền, cầu nguyện.
Đọc sách,...
- Rủ chồng thai giáo
Bố là người có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của mẹ. Bố hãy lắng nghe chia sẻ, tâm sự của mẹ mỗi ngày, đồng hành cùng mẹ trong các hoạt động và giúp mẹ làm việc nhà.
- Thời gian, tần suất
Hằng ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
- Lưu ý
Nếu mẹ bầu không thể cảm thấy vui vẻ dù đã làm mọi cách, hãy gặp bác sĩ, tránh để bị rơi vào trạng thái trầm cảm.
12. Học điều gì đó mới mẻ
- Công dụng
Giúp bố mẹ có thêm kiến thức cho chính mình, nâng cao hiểu biết, có thể dạy bé khi bé lớn lên; đồng thời giúp thai nhi được “học hỏi gián tiếp”, trở thành những em bé có xu hướng ham học khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ tham gia học một bộ môn phù hợp với sức khỏe của mình. Ví dụ, nếu sức khỏe tốt, mẹ có thể học yoga, bơi lội… nếu sức khỏe yếu, mẹ có thể học các môn ít phải vận động hơn như vẽ tranh, thêu thùa, nấu ăn…
- Rủ chồng thai giáo
Bố có thể học cùng mẹ hoặc cổ vũ, động viên, mua cho mẹ các dụng cụ hỗ trợ học tập, giúp mẹ việc nhà để mẹ có thêm thời gian học.
- Thời gian, tần suất
Tùy theo môn học.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào phù hợp.
13. Trồng cây hoặc cắm hoa
- Công dụng
Trồng cây hoặc cắm hoa sẽ đem lại niềm vui, niềm hy vọng cho bố mẹ khi được nhìn thấy cây lớn lên mỗi ngày, giống như việc nuôi con khôn lớn mỗi ngày vậy. Bố mẹ hãy kể cho bé nghe về cái cây mà mình đang trồng nhé. Đây là hình thức thai giáo ngôn ngữ giúp bé được học hỏi, tương tác với bố mẹ, giúp bé có xu hướng yêu thiên nhiên khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ hãy trồng cây hoặc cắm cho gia đình mình một lọ hoa phù hợp với điều kiện chăm sóc cũng như sức khỏe và thời gian của mẹ bầu.
- Rủ chồng thai giáo
Không gì tuyệt vời hơn bằng việc đi làm về, bố bất ngờ tặng mẹ một bó hoa thật xinh. Mẹ sẽ cắm ngay vào lọ để trang trí cho ngôi nhà của mình. Nếu mẹ có sở thích trồng cây, hãy mua tặng mẹ những chậu cây xinh xắn hoặc cùng mẹ chăm cây, đó là những hành động khiến tâm trạng của mẹ bầu tốt lên rất nhiều đấy.
- Thời gian, tần suất
Tùy theo loại cây/hoa.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào phù hợp.
- Lưu ý
Mẹ nên chọn các loại cây/hoa an toàn cho bà bầu, không có mùi khó chịu, có thể chăm sóc đơn giản để mẹ không quá vất vả và mất nhiều thời gian.
Chúng ta vừa đi dạo một vòng các hình thức thai giáo trong tam cá nguyệt thứ nhất. Ở giai đoạn này, các hoạt động nhẹ nhàng sẽ phù hợp với tình trạng của mẹ và bé. Sau khi nắm được cách làm từng hoạt động, mẹ hãy mở lại bảng gợi ý thai giáo theo ngày, đặt lịch hẹn trên điện thoại để không quên thai giáo cho bé nhé. Tiện lợi hơn, mẹ có thể sử dụng app Mamibabi (tải tại mamibabi.com.vn) để thai giáo mỗi ngày. Trên app đã tối ưu sẵn hoạt động theo từng ngày mang thai với đầy đủ nhạc, truyện, game, yoga, thiền…
Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa)
Khác với 3 tháng đầu của thai kỳ tập trung nhiều vào việc thực hành thai giáo nhằm duy trì tâm trạng ổn định và cảm xúc tích cực cho mẹ bầu trong 3 tháng giữa (kéo dài từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 27), bụng của mẹ đã lớn, tuy vậy sẽ không cản trở quá nhiều đến sinh hoạt hằng ngày như 3 tháng cuối. Có thể nói rằng 3 tháng giữa của thai kỳ là thời điểm mẹ có nhiều năng lượng nhất, có thể thực hiện nhiều hoạt động thai giáo nhất. Do vậy, mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian này để áp dụng những hình thức thai giáo không chỉ có lợi cho mẹ bầu mà còn tác động trực tiếp lên con yêu.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho từng hoạt động.
1. Thai giáo mỹ thuật
- Công dụng
Giúp mẹ bầu có tâm trạng tốt, mẹ được thư giãn, khám phá khả năng không ngờ của mình ở lĩnh vực mỹ thuật; giúp bố mẹ thêm gắn kết; giúp bé được tiếp xúc gián tiếp với mỹ thuật, phát triển trí thông minh và yêu thích mỹ thuật khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ có thể thai giáo mỹ thuật cho bé bằng các hoạt động: vẽ tranh, tô màu, ngắm các bức ảnh đẹp, đi xem triển lãm,... Khi làm bất cứ hoạt động nào, mẹ hãy trò chuyện và kể cho bé nghe về hoạt động đó nhé. Mẹ có thể vừa vẽ, vừa nói với bé rằng: “Mẹ đang vẽ cho con bức tranh về chú gà trống đấy. Sau này khi con ra đời, vào mỗi buổi sáng, chú gà trống sẽ cất tiếng gáy gọi con dậy đi học...”
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ sẽ rất vui nếu bố cùng thai giáo mỹ thuật với mẹ. Bố không cần phải là người có khả năng hội họa, dù bố vẽ không đẹp cũng không sao cả. Bố có thể mua màu vẽ cho mẹ, tìm cho mẹ các bức ảnh đẹp để mẹ ngắm hoặc đưa mẹ đi xem triển lãm mỗi cuối tuần...
- Thời gian, tần suất
Mỗi ngày hoặc 1-2 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
2. Thai giáo ngôn ngữ
Các hoạt động thai giáo liên quan đến sử dụng ngôn ngữ, lời nói được gọi chung là thai giáo ngôn ngữ, bao gồm: trò chuyện, tâm sự với thai nhi, hát cho thai nhi nghe, đọc truyện thai giáo...
- Công dụng
Giúp bé quen dần với giọng của bố mẹ, sau này khi ra đời, bé sẽ tin tưởng, an tâm và hợp tác với bố mẹ hơn.
Bé nhận được sự tương tác từ bố mẹ, được làm quen dần với lời nói, từ ngữ về cuộc sống… giúp bé thông minh và có khả năng học hỏi tốt hơn.
Giống như một cuộc “tập dượt” dành cho bố mẹ để sau này khi bé ra đời, bố mẹ có thể trò chuyện với con một cách dễ dàng hơn.
- Cách thực hiện
1. Trò chuyện với thai nhi
Với giọng điệu ân cần, trìu mến, bố mẹ hãy trò chuyện với bé về bất cứ chủ đề gì. Trong lúc trò chuyện, bố hãy hôn lên bụng mẹ giống như đang hôn con vậy. Bố mẹ có thể kết hợp xoa bụng hoặc massage bụng nhẹ nhàng. Bố mẹ hay coi như con đã ra đời, con đang nằm cạnh trò chuyện cùng bố mẹ vậy.
2. Đọc truyện thai giáo
Bố mẹ hãy cùng đọc cho con nghe những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn Việt Nam và thế giới. Sau khi đọc xong, mẹ đừng quên nói với bé về ý nghĩa đằng sau câu chuyện và những bài học được rút ra. Mỗi lần mẹ có thể đọc cho bé từ 1-2 cuốn. Mẹ hãy chọn những truyện có nội dung gần gũi, ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu với trẻ em.
3. Động viên bé mỗi ngày
Bố đặt tay lên bụng mẹ, nói lời động viên tới thai nhi. Bố mẹ nói với bé những điều bố mẹ kỳ vọng ở bé, rằng bố mẹ luôn ở bên, đồng hành và yêu thương bé. Bố mẹ cổ vũ để bé phát triển tốt, đủ ngày đủ tháng bố mẹ sẽ cùng đón bé ra đời.
4. Miêu tả đồ vật, sự việc
Bố mẹ hãy miêu tả cho con nghe về mọi thứ trong cuộc sống. Khi được nghe miêu tả, bé sẽ được tiếp cận với nhiều từ ngữ mới về hình ảnh, màu sắc… giúp bé thông minh và học hỏi tốt hơn, tiếp nhận các kiến thức mới dễ dàng hơn khi ra đời.
5. Chơi trò tập đếm
Hoạt động này giúp bé vừa được học ngôn ngữ vừa được học toán, có xu hướng nhanh nhạy, thông minh, giỏi toán khi ra đời. Mẹ và bố cùng đếm chậm rãi các đồ vật trong gia đình và miêu tả cho bé về các đồ vật đó. Ví dụ: một chiếc thìa, hai chiếc thìa, một cái lọ hoa... “Nhà mình có một cái lọ hoa đó con ạ, mẹ rất yêu thích hoa thủy tiên, sau này ra đời con cắm hoa giúp mẹ nhé...”
6. Kể về người tốt, việc tốt
Bố mẹ hãy cùng kể cho bé yêu nghe về những người tốt, việc tốt mà mọi người trong gia đình đã làm. Đây cũng có thể là những hoạt động mẹ nhìn thấy xung quanh, hoặc đọc được trong sách vở, báo chí. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên nói về những bài học rút ra, những việc mình nên làm. Thông qua những câu chuyện của bố mẹ, bé yêu được cảm nhận về một thế giới tốt đẹp nơi mình sắp ra đời, giúp bé cảm thấy an tâm và hạnh phúc, có xu hướng yêu thương và tốt bụng, quan tâm, giúp đỡ mọi người khi trưởng thành.
7. Đố vui
Hoạt động này giúp bố mẹ được vận động trí não, tăng khả năng tư duy, được làm quen nhiều hơn với các câu đố trẻ em, khi bé ra đời có thể chơi cùng bé. Bé được vừa học vừa chơi cùng bố mẹ, có xu hướng thông minh và tư duy tốt hơn khi sinh ra. Bố mẹ có thể sưu tầm các câu đố vui trên mạng rồi cùng đọc và chơi với bé nhé. Bố mẹ nên chọn những câu đố không quá khó, nội dung đơn giản, vui vẻ, phù hợp với trẻ em.
- Rủ chồng thai giáo
Trong hoạt động này, vai trò của bố rất quan trọng. Em bé sẽ cảm thấy thân thuộc với giọng của bố, hợp tác với bố khi ra đời nếu như trong quá trình mang thai, bố dành nhiều thời gian nói chuyện với bé. Có thể bố sẽ cảm thấy ngại, không biết kể chuyện gì. Lúc này, mẹ hãy gợi ý chủ đề cho bố nhé. Bố có thể nói về ngày hôm nay của bố như thế nào, bố có gì vui, bố mong đợi điều gì ở hai mẹ con,...
- Thời gian, tần suất
10-15 phút, thực hiện mỗi ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
- Lưu ý
Nên sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu như đang trò chuyện với trẻ em.
3. Thai giáo xúc giác
Thai giáo xúc giác được ví như sự kỳ diệu của đôi tay mẹ. Đây là các hoạt động bố mẹ tác động lên thai nhi bằng nhiều hình thức như nâng niu bụng bầu, ôm ấp, vỗ về, massage… Những tác động này sẽ truyền rung động vào nước ối, giúp bé cảm nhận được tình yêu thương, sự bao bọc mà bố mẹ dành cho mình.
- Công dụng
Thai nhi được tăng cường vận động, trở nên khỏe mạnh, cứng cáp. Các cơ bắp được hoạt động ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Thai nhi được rèn luyện phản xạ có điều kiện, nhanh nhẹn và linh hoạt hơn trong cử động các chi.
- Cách thực hiện
1. Massage và xoa bụng
Bố mẹ có thể nhẹ nhàng xoa bụng, massage và vuốt ve bé. Điều này sẽ truyền năng lượng tích cực tới thai nhi, giúp con phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc. Con cũng cảm nhận được tình yêu thương và chở che mà bố mẹ dành cho mình. Trong 3 tháng giữa, bố mẹ nên làm việc này hằng ngày, mỗi ngày khoảng 3-5 phút.
2. Vuốt ve và âu yếm
Đây là cách thai giáo xúc giác đơn giản, dễ làm và cũng rất tình cảm. Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, mẹ hãy nhẹ nhàng đặt tay lên bụng như đang ôm lấy con, rồi âu yếm, cưng nựng, trò chuyện với con bằng giọng thân thương nhất. Trò chuyện với con là điều rất quan trọng mà phương pháp thai giáo Taegyo nổi tiếng của Hàn Quốc đã nhắc đến. Các cách nuôi con từ trong bụng mẹ của người Nhật cũng rất chú trọng yếu tố ôm ấp và âu yếm thai nhi.
Bố cũng có thể ôm bụng mẹ và kể chuyện cho con nghe. Thai nhi hoàn toàn có thể cảm nhận được hơi ấm và những “vùng tối” trong bụng khi bố mẹ ôm bé. Với phương pháp này, bố mẹ hãy thực hiện trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa, mỗi lần khoảng 5-10 phút.
3. Trò chơi kiến bò
Bố mẹ có thể chơi trò kiến bò bằng cách di chuyển nhẹ nhàng các đầu ngón tay trên bụng mẹ. Bố mẹ có thể dùng cả 5 ngón tay của mình hoặc chỉ dùng 2 ngón trỏ và ngón giữa như đang làm động tác “đi bộ”. Trong quá trình chơi, bố mẹ hãy trò chuyện với con thật vui vẻ nhé. Vào khoảng tháng thứ sáu hoặc tháng thứ bảy, khi con “nhô” cao, mẹ có thể sẽ cảm nhận được vùng lưng của con. Lúc này, bố mẹ hãy để “kiến bò” lên vùng lưng con nhé. Thật thú vị phải không?
4. Haptonomy
Haptonomy là phương pháp thai giáo phổ biến ở các nước phương Tây, do một nhà khoa học người Hà Lan sáng tạo ra. Để thực hiện, mẹ hãy nhẹ nhàng đặt một tay lên bụng và giữ nguyên ở một vị trí nhất định trong vài phút. Bé sẽ cảm nhận được sự ấm áp và “xê dịch” về phía tay mẹ, giống như đang “nằm gọn” trong tay mẹ vậy. Sau đó, mẹ dần di chuyển tay sang một vị trí khác. Mẹ hãy để ý xem, bé cũng đang “đi” theo bàn tay của mẹ đó.
Haptonomy không chỉ là một phương pháp thai giáo xúc giác hiệu quả, mà còn là một trò chơi tương tác thú vị, giúp bé gắn kết với mẹ nhiều hơn. Mẹ hãy chơi trò này cùng bé khoảng 3 lần mỗi tuần, và mỗi lần 3-5 phút nhé.
5. Trò chơi ấn thả
Khi thấy bé yêu đạp một cái, mẹ hãy chờ khoảng 10 giây rồi ấn nhẹ vào đúng vị trí bé đã đạp và thả tay ra luôn. Mẹ chờ một chút nhé, bé sẽ đạp lại như thể đang “đáp lời” mẹ vậy. Sau khi bé đạp, mẹ lại chờ khoảng 10 giây rồi ấn vào một vị trí khác gần với vị trí bé đạp ban đầu. Và bé sẽ lại đạp để “đáp lời” mẹ cho xem.
Khi thấy bé không đạp lại hoặc đạp lại sau một lúc lâu, có thể bé đã mệt hoặc không hứng thú với trò chơi nữa. Mẹ hãy dừng lại để bé nghỉ ngơi và cùng bé chơi trò này vào một ngày khác nhé!
- Rủ chồng thai giáo
Bố hãy tham gia cùng mẹ từng hoạt động theo hướng dẫn trên. Ban đầu, khi bố còn lạ lẫm, mẹ hãy lại gần, đặt tay của bố lên bụng và giới thiệu với bé: “Con yêu à, con có thấy tay của bố không? Tay bố tuy thô ráp nhưng rất là ấm áp đó. Sau này ra đời, con đừng quên đôi tay bố đã xoa lưng cho mình lúc mình còn trong bụng nha!” Dần dần, bố sẽ quen và cùng thai giáo với mẹ.
- Thời gian, tần suất
Tùy từng hoạt động.
- Thời điểm bắt đầu
3 tháng giữa.
- Lưu ý
Chỉ nên thực hiện trong 3 tháng giữa. Không nên thực hiện trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối vì dễ gây sảy thai hoặc sinh non.
Các mẹ có tiền sử sảy thai, thai lưu nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện thai giáo xúc giác, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ.
4. Thai giáo vận động
Mẹ hình dung đơn giản thai giáo vận động là việc vận động thể chất của mẹ bầu một cách hợp lý nhằm tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp thêm dưỡng khí cho thai nhi và rèn luyện chức năng phổi cho thai nhi. Mẹ bầu ít vận động thường dễ bị béo phì và em bé trong bụng cũng có khả năng thừa cân dẫn đến sinh khó. Ít vận động cũng khiến cơ thể mẹ chậm phục hồi sau khi sinh, tăng nguy cơ mắc các biến chứng như cao huyết áp, tiểu đường, phù...
- Công dụng
Giúp mẹ bầu có sức khỏe tốt, dẻo dai, tăng đề kháng, hạn chế các triệu chứng khó chịu trong thai kỳ.
Giúp mẹ dễ sinh hơn
Bố được cùng mẹ tập luyện và trò chuyện
Thai nhi được vận động gián tiếp, cảm thấy sảng khoái và hào hứng, đồng thời phát triển khỏe mạnh hơn.
- Cách thực hiện
Đi bộ, tập thể dục, yoga, thiền.
- Rủ chồng thai giáo
Đơn giản nhất là bố cùng mẹ đi bộ mỗi ngày, hoặc cùng mẹ làm việc nhà cũng là hình thức vận động tốt.
- Thời gian, tần suất
10-20 phút tùy hình thức. Nên làm mỗi ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
An toàn là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất đối với mẹ bầu. Mẹ nên vận động hợp sức mình, không cố làm những việc quá sức, gây mệt mỏi cơ thể và ảnh hưởng không tốt đến bé.
Mẹ cần tránh phần bụng của mình chịu áp lực hoặc chấn động, sẽ không tốt cho thai nhi.
Đối với các mẹ bầu không yêu thích vận động thì có thể đi dạo, không ép mình phải tập các bài mình không thích hoặc không nắm rõ nguyên tắc tập luyện. Khi đi dạo, mẹ cũng nên chọn những nơi thoáng mát, an toàn... tránh những nơi nhiều khói bụi, xe cộ qua lại.
5. Tham gia lớp học tiền sản
- Công dụng
Bố mẹ có nhiều kiến thức hơn trong việc mang thai và nuôi con.
Bố thấu hiểu và sẻ chia trách nhiệm cùng mẹ.
Bé cảm nhận được sự yêu thương và chào đón từ bố mẹ, được chăm sóc một cách tốt nhất từ những kiến thức khoa học của bố mẹ.
- Cách thực hiện
Mẹ và bố cùng tham gia các lớp học tiền sản online hoặc offline. Mẹ đừng quên ghi chép cẩn thận các kiến thức từ lớp học, sau đó bố mẹ hãy cùng thảo luận, thống nhất để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với gia đình mình.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy nói với bố rằng mẹ rất vui, an tâm, tin tưởng khi được bố đưa đi và cùng tham gia các lớp học tiền sản. Ở đó, bố sẽ không chỉ được trang bị kiến thức mà còn có cơ hội giao lưu với rất nhiều ông bố khác giống như mình. Việc tham gia của bố cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò to lớn, không thể thiếu được của bố trong quá trình nuôi dạy con sau này.
- Thời gian, tần suất
Trong thời gian mang thai, nên tham gia ít nhất 1 lớp.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
6. Làm đẹp, chăm sóc da, chống rạn da
- Công dụng
Giúp mẹ khỏe bên trong đẹp bên ngoài, luôn tự tin với ngoại hình của mình; tiếp tục duy trì được thói quen tốt chăm sóc cho bản thân mình ngay cả khi có con.
Giúp mẹ có tâm trạng vui vẻ hơn, từ đó bé yêu cũng vui vẻ và phát triển tốt hơn về cả thể chất và tinh thần.
- Cách thực hiện
Mẹ dành thời gian chăm sóc da mỗi ngày, đặc biệt cần chống rạn da. Mẹo: mẹ bầu có thể nhỏ vài giọt dầu dừa lên da, massage nhẹ nhàng 2-3 phút theo vòng tròn để dầu dừa thấm sâu vào bên trong da. Mẹ nên bắt đầu sử dụng dầu dừa từ tháng thứ tư khi mang thai, sử dụng 1 lần/ngày sau khi tắm xong.
- Rủ chồng thai giáo
Tình cảm vợ chồng sẽ được thắt chặt hơn rất nhiều nếu mỗi ngày, bố giúp mẹ xoa dầu dừa và massage bụng bầu. Nếu không có thời gian, bố có thể mua tặng mẹ các sản phẩm chăm sóc da an toàn và nhắc mẹ không quên dưỡng da mỗi ngày.
- Thời gian, tần suất
Mỗi ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Chọn các sản phẩm mỹ phẩm an toàn cho bà bầu.
7. Nói lời cảm ơn với thai nhi
- Công dụng
Khi nói lời cảm ơn với bé, bố mẹ sẽ ý thức rõ hơn về sự hiện hữu của thai nhi.
Lòng biết ơn giúp mẹ thấy hạnh phúc hơn, giúp cải thiện chất lượng nước ối để bé được sống trong một môi trường tốt hơn và khỏe mạnh hơn.
Bé cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, vượt qua những khó khăn như nhẹ cân, tràng hoa quấn cổ, ngôi ngược…
- Cách thực hiện
Mẹ có thể nghĩ hoặc nói lời cảm ơn đến bé, cảm ơn bé đã chọn bố mẹ và gia đình mình. Nhờ có con, bố mẹ mới được trải nghiệm cảm giác làm cha mẹ, cảm giác có một sinh linh bé nhỏ đang lớn lên trong mình mỗi ngày.
- Rủ chồng thai giáo
Bố đặt tay lên bụng mẹ và nói lời cảm ơn với thai nhi. Bố cũng đừng quên cảm ơn mẹ vì đã dành 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, giúp bé ra đời khỏe mạnh. Trong lúc trò chuyện với bé, bố mẹ cũng có thể dạy bé về lòng biết ơn, kể cho bé về những người tốt xung quanh và những người mình cần biết ơn như ông bà, bố mẹ,...
- Thời gian, tần suất
Một lần mỗi tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Khi nói về lòng biết ơn, bố mẹ cần nói với tâm chân thành nhất. Ban đầu có thể ngại ngùng nhưng sau một thời gian, bố mẹ sẽ thấy quen và không còn ngại nữa.
8. Thai giáo tưởng tượng
Trong phương pháp thai giáo của người Nhật, tưởng tượng là một kỹ năng đơn giản nhưng hiệu quả. Bằng cách tưởng tượng, mẹ có thể truyền đến bé yêu những hình ảnh tốt đẹp, giúp bé có những xúc cảm và ký ức tích cực.
Từ khoảnh khắc được thụ thai, bé đã cảm nhận sự sống thông qua sóng nhận thức từ người mẹ, những suy nghĩ của mẹ sẽ truyền trực tiếp đến thai nhi.
Nhờ vào luyện tập tưởng tượng, mẹ có thể thư giãn cả tâm hồn và cơ thể, sóng não sẽ chuyển sang tần số sóng của não phải. Bằng việc luyện tập tưởng tượng, kênh não phải sẽ được mở, từ đó ba mẹ có thể trò chuyện với thai nhi.
- Công dụng
Giúp mẹ nghĩ tới những điều tốt đẹp, cải thiện tâm trạng, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực khỏi đầu. Bé yêu vì vậy được tận hưởng những phút giây nhẹ nhàng, thư thái; bé có xu hướng thông minh, sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, tư duy tích cực sau khi ra đời.
- Cách thực hiện
Hoạt động thai giáo này có thể thực hiện ở bất cứ đâu, mẹ chỉ cần tưởng tượng đến những điều tích cực khiến mẹ bầu vui vẻ, hạnh phúc.
- Rủ chồng thai giáo
Bố hãy gợi ý cho mẹ những chủ đề vui vẻ để mẹ tưởng tượng. Bên cạnh đó, bố có thể cho mẹ xem những bức tranh, video đẹp giúp việc tưởng tượng dễ dàng hơn.
- Thời gian, tần suất
Mỗi ngày hoặc 2-3 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
9. Chơi game thai giáo
- Công dụng
Bố mẹ được động não cùng các trò chơi, giúp cải thiện khả năng tư duy logic, tính toán, phán đoán.
Giúp bé yêu năng động và nhạy bén hơn khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ hãy chọn chơi các game vui vẻ, phù hợp với bà bầu và thai nhi, có thể chơi trên điện thoại, máy tính hoặc board game. Một số game cho mẹ tham khảo bao gồm: Sudoku, 2048, Flappy Bird, Cá ngựa, Cờ tỷ phú...
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy rủ bố cùng chơi các game này. Ngoài ra, mẹ có thể rủ thêm bạn bè, người thân tham gia chơi sẽ vui hơn rất nhiều.
- Thời gian, tần suất
Một lần mỗi tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào.
- Lưu ý
Nên chọn các trò chơi vui vẻ, không quá khó để tránh mẹ bầu bị căng thẳng, mệt mỏi.
Trò chơi nên có hình ảnh đáng yêu, dễ nhìn, không nên chơi những trò chơi bạo lực, kinh dị, hoặc mang lại cảm xúc tiêu cực.
10. Thai giáo bằng âm nhạc
Thai giáo bằng âm nhạc là phương pháp thai giáo đã có từ lâu. Khoa học và thực tế đã chứng minh phương pháp này giúp não bộ và thính giác của thai nhi phát triển tốt hơn. Khả năng cảm thụ âm nhạc cũng được hình thành từ sớm. Đây chính là phương pháp góp phần làm nên những em bé thông minh và những thiên tài âm nhạc.
- Công dụng
Đối với mẹ:
Giúp mẹ bầu được thư giãn, tâm trạng thoải mái, hạnh phúc hơn. Nhờ đó, cơ thể sẽ sản sinh các “hormone hạnh phúc” giúp mẹ và bé đều khỏe mạnh.
Giúp mẹ bầu hạn chế những cảm xúc tiêu cực như khó chịu, bực bội, cáu gắt. Đây là những cảm xúc mẹ bầu thường gặp trong thời gian mang thai do thay đổi nội tiết, cơ thể mệt mỏi, nặng nề.
“Truyền năng lượng” yêu thương để nước ối của mẹ có chất lượng tốt hơn, giúp bé có môi trường sống lý tưởng hơn trong bụng mẹ.
Âm nhạc giúp mẹ bầu ở cuối thai kỳ giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng khi nghĩ đến việc “vượt cạn”. Các mẹ bầu được nghe nhạc tại bệnh viện thường sinh con dễ dàng hơn.
Đối với bé:
Giúp não bộ của thai nhi phát triển tốt hơn, bé sinh ra thông minh hơn. Bé sớm có khả năng nhận biết và phân biệt các âm thanh khác nhau.
Giúp thính giác của bé phát triển hoàn thiện hơn.
Bé được sớm làm quen với âm nhạc, có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt hơn. Những em bé này cũng thường yêu thích và học tốt các bộ môn về âm nhạc.
Thai giáo bằng âm nhạc giúp tăng khả năng ghi nhớ của bé sau khi ra đời. Bé nhanh chóng nhận ra các bản nhạc hoặc âm thanh quen thuộc. Không chỉ trong âm nhạc, các em bé này thường có khả năng ghi nhớ tốt ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Âm nhạc cũng giúp bé yêu có tinh thần vui vẻ và cảm xúc tích cực. Khi lớn lên, bé có xu hướng trở thành những em bé điềm đạm, hoạt bát, hòa đồng, thông minh, sáng tạo.
- Cách thực hiện
Mẹ hãy cùng tham khảo một số cách thai giáo bằng âm nhạc dưới đây nhé:
1. Bật nhạc cho bé nghe
Đây là phương pháp đơn giản và tiện lợi nhất. Bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể bật nhạc cho bé nghe mỗi ngày, nhất là khi các sản phẩm công nghệ rất phát triển như hiện nay.
Bố mẹ có thể cho bé nghe nhạc qua ti-vi, radio, điện thoại, iPad… bất cứ khi nào, ở đâu.
Mẹ có thể cho bé nghe đa dạng loại nhạc, tùy theo tâm trạng, sở thích của mẹ. Điều quan trọng nhất là mẹ nên cùng bé nghe những bản nhạc mình yêu thích, tránh gò ép bản thân nghe các bản nhạc mình không thích chỉ vì bản nhạc đó tốt cho thai nhi. Nếu mẹ có cảm giác khó chịu, không vui vì một bản nhạc nào đó, thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
2. Hát cho bé nghe
Nhiều bố mẹ chắc sẽ “lắc đầu nguầy nguậy” khi nghe tới phương pháp này vì sợ mình hát… không hay sẽ không tốt cho bé. Đừng nghĩ như vậy. Giống như bạn chấp nhận mọi điều thuộc về bé, dù bé cao hay thấp, nặng hay nhẹ, mập hay gầy; bé cũng sẽ chấp nhận mọi điều thuộc về bố mẹ mình, ngay cả khi bố mẹ hát… không hay lắm.
Điều quan trọng nhất là khi hát cho bé nghe, bạn hãy gửi gắm mọi tình yêu thương của mình vào đó. Ví dụ, khi hát cho bé nghe bài Cả nhà thương nhau, bạn hãy tưởng tượng hình ảnh sau này cả gia đình sẽ cùng quây quần bên bé. Hoặc khi hát bài Em đi chơi thuyền, bạn hãy nghĩ đến việc sau này bố mẹ sẽ cùng bé tới công viên vui thật vui.
Thực tế đã chứng minh nhiều bé từ khi còn trong bụng mẹ đã rất thích thú khi nghe thấy giọng hát của bố mẹ. Sau khi ra đời, bé tỏ ra vui vẻ và “hợp tác” khi được nghe lại chính những “giọng ca quen thuộc” của gia đình.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy rủ bố cùng nghe nhạc với mình hoặc cùng hát karaoke các bài hát thiếu nhi, tình yêu đôi lứa...
- Thời gian, tần suất
15 20 phút/lần. Thực hiện mỗi ngày.
Hoặc 5 phút/lần, thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Ngay khi biết mình có thai.
Tới đây, mẹ đã đi được ⅔ chặng đường rồi. Trong 3 tháng cuối, mẹ sẽ được đến với những hoạt động thai giáo thú vị để chờ đón sự ra đời của bé yêu. Chúng ta hãy cùng đi tiếp nhé.
Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)
Giai đoạn 3 tháng cuối là thời điểm về đích, mẹ rất háo hức để gặp con mình rồi phải không nào? Trong 3 tháng này, việc áp dụng thai giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi bé đã có thể tương tác ngược lại với mẹ rất rõ rệt. Mẹ hãy cùng mình đến với bảng gợi ý thai giáo theo ngày sau đây nhé.
Tiếp theo là hướng dẫn chi tiết cho từng hoạt động.
1. Thai giáo ánh sáng
Khi nói tới thai giáo ánh sáng, đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc dùng một chiếc đèn pin và chiếu vào bụng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thai giáo ánh sáng là sử dụng ánh sáng để tương tác với em bé trong bụng, giúp gắn kết tình cảm với con yêu, giúp con yêu phát triển thị giác và trí não ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi nhìn thấy ánh sáng, bé sẽ phản ứng lại bằng cách đạp, trườn tới nơi có ánh sáng. Có hai cách thai giáo ánh sáng: một là dùng ánh sáng nhân tạo (đèn pin, đèn flash điện thoại...) và hai là dùng ánh sáng tự nhiên (đi dạo dưới ánh nắng dịu nhẹ).
- Công dụng
Giúp phát triển thị giác và các dây thần kinh của não bộ: bé sinh ra có đôi mắt tinh nhanh, phản ứng linh hoạt.
Giúp bé sớm hiểu khái niệm sáng tối, ngày đêm, sau này khi các mẹ luyện EASY cho con sẽ rất thuận lợi.
Giúp bé dễ thích nghi với môi trường bên ngoài, sớm điều chỉnh được đồng hồ sinh học, thể hiện rõ nhất ở việc ít quấy khóc về đêm và có giấc ngủ ngon hơn.
- Cách thực hiện
1. Sử dụng đèn pin hoặc chức năng đèn pin trên điện thoại.
Mẹ chiếu đèn lên bụng, cách bụng khoảng 10-20 cm, sau đó chờ phản ứng của bé, xem bé có đạp không, có chuyển động không?
Tiếp đến, mẹ di chuyển đèn dọc theo bụng, tốc độ chậm rãi và tiếp tục chờ xem các phản ứng của bé. Mỗi lần chiếu sáng kéo dài khoảng từ 10 đến 30 giây, thực hiện 3 đến 5 lần, mỗi tuần mẹ có thể thai giáo ánh sáng từ 2-3 lần.
Trong các ngày sau, mẹ hãy tăng dần khoảng cách giữa bụng và đèn pin lên 30 rồi 50cm.
Mẹ lưu ý cần thai giáo ánh sáng vào ban ngày để tránh việc bé lẫn lộn giữa ngày và đêm. Khi thấy có ánh sáng, bé hiểu rằng đó là dấu hiệu của ban ngày nên nếu mẹ thai giáo vào buổi tối sẽ làm ảnh hưởng tới nhịp sinh học của bé.
Mẹ có thể kết hợp trò chuyện với bé, dạy bé phân biệt sáng tối ngày đêm, nói với bé rằng ban ngày có ánh sáng, mọi người sẽ đi làm. Còn ban đêm là bóng tối, trên trời có thể có mặt trăng và những vì sao xinh đẹp. Đêm là khi mọi người đi ngủ để hồi phục sức khỏe.
2. Đi dạo dưới ánh nắng mặt trời
Mẹ chọn thời điểm nắng dịu nhẹ để đi dạo. Ánh sáng mặt trời sẽ tạo nên một vùng sáng dễ chịu trên bụng mẹ, bé sẽ cảm nhận được điều này và nhận biết được rõ ràng đó là ban ngày. Một số bé sẽ bày tỏ sự vui vẻ, thích thú bằng cách đạp vào bụng mẹ.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy rủ bố cùng đi dạo, hoặc cùng cầm đèn pin chiếu vào bụng mẹ để thai giáo cho bé nhé. Bố sẽ rất thích thú mỗi khi cảm nhận được bé đạp đấy. Trong lúc thai giáo, bố mẹ đừng quên nói chuyện với bé nhé.
- Thời gian, tần suất
Đi dạo: 10-20 phút/ngày; thực hiện mỗi ngày. Nếu mệt có thể nghỉ ngơi giữa chừng sau đó tập tiếp.
Thai giáo bằng đèn pin: 3-5 phút/lần; mỗi tuần 2-3 lần.
- Thời điểm bắt đầu
Từ tuần 27, khi đó bé đã có thể nhắm mắt, mở mắt và phân biệt được sáng tối.
2. Ngắm ảnh các em bé đáng yêu
- Công dụng
Đây là một hình thức thai giáo tưởng tượng và thai giáo mỹ thuật, giúp bố mẹ có những giây phút vui vẻ và tràn đầy hy vọng khi ngắm ảnh các bé đáng yêu. Khi ngắm, truyền niềm vui tới bé và bé cảm nhận được sự hạnh phúc. Bé sinh ra có xu hướng giống với niềm mong ước của bố mẹ.
- Cách thực hiện
Mẹ và bố cùng nhau ngắm các em bé đáng yêu qua phim, video, tranh ảnh, sách báo,… đặc biệt các em bé là người quen của gia đình. Mẹ nên chọn các em bé không chỉ có ngoại hình mà tính cách cũng dễ thương. Hồi bầu, vợ mình và mình rất hay xem chương trình “Siêu nhân trở lại” của Hàn Quốc, trong chương trình có rất nhiều em bé thông minh, đáng yêu và biết cách xử lý tình huống hết sức ngộ nghĩnh. Khi ngắm, mẹ đừng quên tưởng tượng đến em bé trong bụng mình nhé. Mẹ mong ước điều gì ở con mình? Mũi cao, má lúm đồng tiền, hài hước...? Chỉ cần mẹ tin tưởng, em bé sẽ ra đời theo đúng niềm mong ước của bố mẹ.
- Rủ chồng thai giáo
Bố hãy cùng mẹ sưu tầm các bức ảnh em bé đáng yêu và cùng ngắm. Bố hãy kể cho mẹ nghe về những em bé đáng yêu bố thấy quanh mình hằng ngày như con của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm...
- Thời gian, tần suất
Hàng ngày hoặc 1-2 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Nên ngắm ảnh những em bé có cùng giới tính với con mình.
3. Mặc quần áo thật đẹp
Khi có bầu, các mẹ sẽ đẹp theo kiểu của bà bầu, vì vậy đừng ngại thử những trang phục mới với nhiều màu sắc hoặc họa tiết nhé! Những việc này sẽ luôn cho chúng ta nhiều năng lượng tích cực và việc sinh nở vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
- Công dụng
Giúp mẹ luôn xinh đẹp, hạnh phúc, tự tin, có một thai kỳ khỏe mạnh và chất lượng.
Tác động tốt tới thẩm mỹ của bé.
Bé có xu hướng yêu cái đẹp, yêu thời trang khi ra đời.
- Cách thực hiện
Việc thay đổi nhiều loại trang phục là một cách để chúng ta có tâm trạng tốt và nhiều cảm hứng mới mẻ hơn trong cuộc sống. Mẹ hãy chọn cho mình những trang phục gọn gàng, thoải mái và phù hợp với vóc dáng mẹ bầu. Ngoài ra, mẹ cũng đừng quên để ý tới phụ kiện, túi và giày dép nữa nhé.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ có thể nhờ bố đưa đi mua quần áo vào mỗi cuối tuần hoặc giúp mẹ chọn trang phục hằng ngày. Quan trọng hơn, việc bố khen ngợi khi mẹ mặc đồ đẹp, luôn ủng hộ mẹ làm đẹp sẽ là niềm vui lớn nhất dành cho mẹ.
- Thời gian, tần suất
Hằng ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào.
4. Chụp ảnh bầu
- Công dụng
Giúp bố mẹ có những giây phút hạnh phúc khi được cùng nhau lưu lại khoảnh khắc quý giá, gia đình có những bức ảnh đáng nhớ để bé có thể xem khi ra đời.
Mẹ thấy được rằng dù mang bầu nhưng mình vẫn luôn xinh đẹp.
Bé tham gia việc chụp ảnh như một hình thức vận động gián tiếp, giúp bé vui vẻ và hào hứng.
- Cách thực hiện
Cả gia đình cùng nhau chụp lại hình ảnh với mẹ bầu những tháng cuối để giữ làm kỷ niệm. Sau này khi bé ra đời, mẹ có thể cho bé xem ảnh và kể cho bé nghe về thai kỳ của mẹ.
- Rủ chồng thai giáo
Bố giúp mẹ chụp những bức ảnh thật đẹp, hoặc cùng mẹ lên ý tưởng, chọn studio chụp ảnh.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào.
- Lưu ý
Nên chụp theo chủ đề đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe mẹ bầu.
5. Nghe nhạc hát ru và liên tưởng đến con
Đây là một hình thức thai giáo âm nhạc. Ngoài nghe nhạc hát ru, mẹ có thể làm thêm nhiều hoạt động thai giáo âm nhạc khác đã được giới thiệu trong tam cá nguyệt thứ hai.
- Công dụng
Bé được nghe hát ru cảm thấy bình yên, hạnh phúc, giúp bé phát triển khỏe, mạnh an lành.
Bé có xu hướng yêu âm nhạc sau khi ra đời.
Bố mẹ có cơ hội “tập luyện” các bài hát ru để hát cho bé nghe hoặc ru bé ngủ sau khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ và bố hãy cùng nghe các bài hát ru hoặc bài hát về tình mẫu tử và liên tưởng đến em bé trong bụng nhé. Mẹ hãy hình dung ra hình ảnh em bé của mẹ đang say giấc ngủ. Mẹ cũng có thể hát ru cho bé nghe với giọng chậm rãi, yêu thương. Nếu đã đặt tên cho bé, mẹ có thể đưa tên bé vào lời bài hát.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ và bố có thể cùng nhau chọn và lên danh sách các bài hát hay để nghe dần. Mỗi tối khi đã xong hết việc nhà, bố hãy mở nhạc nghe cùng mẹ và bé nhé.
- Thời gian, tần suất
Hàng ngày hoặc 2-3 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
6. Thai giáo ngôn ngữ: Đọc truyện thai giáo (truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười...)
- Công dụng
Bố mẹ biết thêm nhiều truyện hay để đọc cho con sau khi con ra đời, có thêm được cho chính mình nhiều bài học quý giá.
Bé được tiếp xúc với ngôn ngữ, lắng nghe giọng bố mẹ, được học điều hay lẽ phải ngay khi trong bụng mẹ, có xu hướng thông minh, hiểu biết, biết lắng nghe khi ra đời.
Truyện cười thường là truyện có tính sáng tạo giúp bé thêm phần vui vẻ, hài hước, nhanh nhạy sau này.
- Cách thực hiện
Bố mẹ cùng đọc những câu chuyện hài hước, vui vẻ, tốt nhất nên là truyện giàu ý nghĩa, phù hợp với trẻ em.
Đọc thành tiếng để con nghe thấy.
Sau khi đọc xong, giải thích ý nghĩa để bé hiểu.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy để bố đọc cho hai mẹ con nghe. Dù giọng bố đọc không hay, mẹ cũng hãy động viên bố nhé. Sau này em bé ra đời đã quen với giọng của bố, bé sẽ rất hợp tác mỗi khi bố trông bé đấy.
- Thời gian, tần suất
Mỗi ngày hoặc 2-3 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Nên chọn truyện có bài học ý nghĩa, có nội dung tích cực, không nên đọc những truyện buồn bã, bạo lực, tiêu cực...
7. Vỗ về và nói chuyện cùng bé
- Công dụng
Bố mẹ cảm thấy hạnh phúc, tình cảm gia đình thêm gắn kết.
Bé đón nhận được tình yêu và năng lượng tích cực của bố mẹ, phát triển IQ và EQ tốt hơn, khỏe mạnh hơn.
- Cách thực hiện
1. Bố mẹ cùng vòng 2 tay ôm lấy bụng như ôm lấy bé, nói chuyện thủ thỉ yêu thương với bé. Bố mẹ có thể kể cho bé nghe những câu chuyện hằng ngày bố mẹ đã gặp để bé cảm nhận được cuộc sống của bố mẹ. Hoặc bố mẹ có thể kể cho thai nhi nghe việc gia đình đã chuẩn bị cho sự chào đời của con thế nào: “Hôm nay, mẹ mua cho con một chiếc yếm gấu Pooh rất xinh nè” hay “Hôm nay mẹ đi siêu âm, bác sĩ nói con đang phát triển rất tốt. Mẹ cảm thấy vui lắm”.
Mẹ cũng có thể trò chuyện để giúp bé “giải quyết” các vấn đề đang gặp phải như: “Con hãy cố gắng tháo tràng hoa quấn cổ nhé” hay “Con hãy xoay lại ngôi thuận để dễ ra ngoài hơn nhé” hay “Con hãy cố gắng để tăng thêm nhiều cân nữa nhé”. Cuốn sách Mẹ Nhật thai giáo đã chia sẻ rằng, sau một thời gian nói chuyện với bé, bé có thể hiểu được và làm đúng như lời mẹ đã dặn dò.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể nói lời động viên, cảm ơn bé: “Cảm ơn con vì đã luôn bên mẹ trong suốt hành trình qua, chỉ vài ngày nữa thôi chúng ta sẽ gặp nhau rồi, mẹ con mình cùng cố gắng con nhé”.
2. Thai giáo vận động Haptonomy
Như mình đã trình bày về phương pháp Haptonomy ở phần Thai giáo vận động của tam cá nguyệt thứ hai, đến tam cá nguyệt thứ ba này, bố mẹ có thể tiếp tục áp dụng để thai giáo cho bé.
Bố mẹ hãy nhẹ nhàng đặt một tay lên bụng và giữ nguyên ở một vị trí nhất định trong vài phút. Bé sẽ cảm nhận được sự ấm áp và “xê dịch” về phía tay bố mẹ, giống như đang “nằm gọn” trong lòng bàn tay vậy. Sau đó, bố mẹ dần di chuyển tay sang một vị trí khác, bé sẽ “đi” theo bàn tay của bố mẹ. Bố mẹ có thể cùng bé chơi trò chơi này trong khoảng 3-5 phút mỗi lần.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ có thể đứng để bố ôm bụng, hôn bụng và vỗ về yêu thương. Mẹ biết không? Bé rất thích nghe giọng âm thanh trầm bổng – âm thanh này vô hình trung rất phù hợp với giọng của bố. Do đó, mẹ hãy rủ bố cùng tham gia thật nhiệt tình nhé!
- Thời gian, tần suất
3-5 phút/lần, thực hiện mỗi ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Không tác động lực trong 3 tháng đầu (dễ sảy thai) và 3 tháng cuối (dễ gây sinh non)
8. Làm đồ thủ công
- Công dụng
Giúp mẹ được thư giãn và có những trải nghiệm mới.
Giúp mẹ nhận ra rằng mình khéo tay hơn mình tưởng và có thể làm được những món đồ đáng yêu cho bé.
Bé có xu hướng khéo léo, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn thận và yêu cái đẹp khi ra đời.
- Cách thực hiện
Mẹ có thể thực hiện bất cứ hoạt động thủ công nào, cầu kỳ hoặc phức tạp tùy theo thời gian rảnh của mẹ: cắt, dán, gấp giấy origami, thêu thùa, làm đồ handmade...
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy rủ bố cùng làm với mẹ những công đoạn đơn giản hoặc mua dụng cụ để mẹ làm. Nếu bố không có thời gian, bố có thể đưa ra những ý tưởng làm các món đồ phù hợp với bé.
- Thời gian, tần suất
1 lần/tuần.
- Thời điểm bắt đầu
Bất cứ khi nào.
- Lưu ý
Mẹ nên chọn làm các món đồ đơn giản, vừa sức, không nên làm các món quá phức tạp hay mất thời gian gây mệt mỏi cho mẹ bầu.
Trong khi làm, mẹ cần nghỉ và đứng lên đi lại, tránh ngồi quá lâu ở một tư thế, dễ gây nhức mỏi cơ thể.
9. Đọc sách chăm sóc bé sau sinh
- Công dụng
Giúp bố mẹ có kiến thức bài bản nhất, bớt bỡ ngỡ, ngần ngại và cảm thấy tự tin, sẵn sàng cho sự ra đời của bé.
Bố mẹ đồng thời có thể cùng nhau bàn bạc, thống nhất cách nuôi con, tình cảm trở nên gắn kết hơn.
Bé được chăm sóc tốt nhất bởi các kiến thức bố mẹ đã có.
- Cách thực hiện
Chọn mua và đọc sách về chăm sóc bé sau sinh. Khi đọc sách, bố mẹ có thể tưởng tượng ra hình ảnh con, ví dụ mình đang cho con bú, thay bỉm cho con, bế con trên tay, trò chuyện với con… Bé sẽ cảm thấy hạnh phúc nhờ năng lượng tích cực mà bố mẹ truyền tới đấy.
Một số chủ đề sau sinh mẹ cần tìm hiểu:
Các phương pháp luyện nếp ăn ngủ cho bé như EASY, luyện ngủ...
Tuần khủng hoảng.
Vệ sinh: thay bỉm, tã, cách tắm bé sơ sinh, vệ sinh rốn, vệ sinh mũi, mát xa cho bé...
Bệnh thường gặp và cách xử lý.
Nuôi con bằng sữa mẹ: dinh dưỡng cho mẹ để gọi sữa về, cai ti đêm, cách phòng tránh tắc tia sữa, luyện ti giả, cách sơ cứu sặc sữa...
- Rủ chồng thai giáo
Bố có thể chủ động tìm hiểu các cuốn sách uy tín để học cách chăm con cùng mẹ, trao đổi với mẹ kiến thức bố đọc được để vợ chồng cùng thống nhất phương pháp chăm con sau này.
- Thời gian, tần suất
1 lần/tuần hoặc khi có thời gian rảnh.
- Thời điểm bắt đầu
Nên đọc sớm trước khi sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất.
10. Mua sắm đồ cho bé
- Công dụng
Giúp chuẩn bị đồ cho bé yêu một cách chu đáo và phù hợp nhất.
Bố mẹ ý thức ngày càng rõ về sự hiện diện sắp tới của bé.
Bé yêu cảm nhận được sự chu đáo của bố mẹ, sẵn sàng cho sự ra đời khỏe mạnh và hạnh phúc.
- Cách thực hiện
Bố mẹ cùng tìm hiểu các món đồ cần thiết cho bé và cùng đi mua. Trong lúc tìm hiểu, bố mẹ có thể nói chuyện với bé, giới thiệu cho bé biết về những món đồ này.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ hãy rủ bố cùng đi mua sắm với mẹ nhé. Bố sẽ là “người vận chuyển” cực kỳ tận tâm với mẹ đấy.
- Thời gian, tần suất
Cuối tuần hoặc khi thu xếp được thời gian.
- Thời điểm bắt đầu
Khi bụng chưa quá to, quá nặng nề.
- Lưu ý
Lên danh sách đồ cần mua từ ở nhà để tiết kiệm thời gian lựa chọn.
Trước khi mua nên tham khảo ý kiến những người đã có con hoặc các hội nhóm mẹ bầu.
11. Thai giáo vận động: Vận động nhẹ nhàng
- Công dụng
Giúp mẹ bầu được vận động, cơ thể khỏe mạnh và linh hoạt, dẻo dai.
Mẹ cũng cảm thấy mình vẫn có ích và ít phải phụ thuộc vào những người thân trong gia đình.
Bé được vận động cùng mẹ, phát triển các cơ và trí não tốt hơn, khỏe mạnh và linh hoạt hơn.
Giúp mẹ dễ sinh hơn.
- Cách thực hiện
Mẹ bầu tập thể dục, đi dạo hoặc làm việc nhà nhẹ nhàng.
- Rủ chồng thai giáo
Mẹ và bố có thể cùng nhau đi dạo, tập thể dục, hoặc mẹ nhờ bố cùng làm những việc nhà đơn giản khi bố có thời gian rảnh.
- Thời gian, tần suất
20-30 phút/lần, thực hiện mỗi ngày.
- Thời điểm bắt đầu
Càng sớm càng tốt.
- Lưu ý
Mẹ nên vận động kết hợp nghỉ ngơi, có thể vận động 15 phút và nghỉ ngơi, sau đó tập tiếp.
Tóm lược chương 6
Thai giáo nên được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay từ khi biết tin mình có bầu. Có rất nhiều hình thức thai giáo nhưng dễ dàng và quen thuộc nhất chính là nghe nhạc thai giáo.
Không có yêu cầu đặc biệt về không gian khi tiến hành thai giáo. Mẹ có thể nằm trên giường, ghế sofa hoặc bất cứ đâu mà mẹ thấy thoải mái.
Thai giáo nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày với sự tham gia của cả bố và mẹ. Thời gian lý tưởng nhất mỗi lần thai giáo từ 15-30 phút, tùy theo sự sắp xếp của gia đình.
Trong 3 tháng đầu, thai giáo không chỉ giúp bé phát triển não bộ và trí tuệ toàn diện mà còn giúp mẹ giảm thiểu tình trạng mệt mỏi, ốm nghén, ổn định tâm lý.
3 tháng giữa của thai kỳ là thời điểm mẹ có nhiều năng lượng nhất, có thể thực hiện nhiều các hoạt động thai giáo nhất. Do vậy, mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian này để áp dụng những hình thức thai giáo không chỉ có lợi cho mẹ bầu mà còn tác động trực tiếp lên con yêu.
Trong 3 tháng cuối, việc áp dụng thai giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi bé đã có thể tương tác ngược lại với mẹ rất rõ rệt. Đây cũng là những hoạt động thai giáo giúp mẹ chuẩn bị tốt nhất cho sự ra đời của bé yêu.