Chúng ta sẽ cùng đến một chương rất thú vị, đó là đi vòng quanh thế giới xem thai giáo đã phát triển như thế nào ở nước ngoài? Vợ mình hay chê mình “quê” vì không biết thai giáo là gì trong khi ở các nước khác, họ đã thai giáo từ cách đây đâu đó tầm… 3.600 năm!
Cả hai vợ chồng mình đều rất thích đi du lịch và cũng đi khá thường xuyên khi bầu bé Heo. Nói thêm một chút về đi du lịch khi mang bầu, nhiều mẹ cho rằng đi như vậy không an toàn cho bé. Điều này lại càng được “củng cố” vững chắc hơn khi các mẹ sống cùng nhà với ông bà. Tuy nhiên, đi du lịch thực tế không có hại gì cho bé, thậm chí còn rất tốt cho sức khỏe, tâm trạng của cả nhà.
Đi du lịch khi bầu, hay còn gọi là babymoon, tương tự như tuần trăng mật (honeymoon) nhưng thay vì dành thời gian riêng tư sau khi kết hôn, vợ chồng bạn lại tận hưởng thời gian bên nhau trước khi sinh em bé. Ngày càng nhiều các mẹ rủ chồng tranh thủ đi babymoon bởi thực tế cho thấy, một khi thiên thần nhỏ chào đời, các cặp đôi thường có rất ít cơ hội để tận hưởng một kỳ nghỉ thật sự.
Mẹ có thể lên kế hoạch cho chuyến babymoon vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian bầu bí mà mẹ muốn nếu như thai phát triển khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì bất thường. Thế nhưng, để có trải nghiệm tốt nhất, mẹ nên đi vào 3 tháng giữa của thai kỳ.
Đi du lịch mang lại tâm trạng thoải mái và cảm xúc tích cực cho cả gia đình. Vì vậy, đây cũng là một hình thức thai giáo tuyệt vời. Trở lại với tinh hoa thai giáo trên thế giới, chúng ta sẽ cùng xem có sự khác biệt nào trong hoạt động thai giáo giữa các nền văn hóa nhé.
Từ “thai giáo” dịch ra tiếng Anh có một số cụm từ như: antenatal training, prenatal training, prenatal education, prenatal influence, fetal/ prenatal instructions. Khi tìm kiếm trên Internet bằng các cụm từ này, mẹ sẽ thấy chưa có nhiều tài liệu tiếng Anh về thai giáo. Tuy nhiên, dù ở nền văn hóa nào và được gọi tên là gì, thai giáo đều có mục đích chung là hướng đến sự phát triển toàn diện cho thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ bầu. Trong chương này, các mẹ sẽ cùng mình tìm hiểu về thai giáo tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật và của người Do Thái.
Thai giáo Taegyo - Thai giáo kiểu Hàn Quốc
Vợ mình rất thích xem phim Hàn Quốc, mình cũng vậy. Tuy nhiên đây chỉ là một lý do mà mình chọn Hàn Quốc để bắt đầu chia sẻ về tinh hoa thai giáo thế giới. Lý do chính mình chọn Hàn Quốc để bắt đầu bởi thai giáo Taegyo – thai giáo kiểu Hàn Quốc là hình thức thai giáo gần như duy nhất mà bố có vai trò quan trọng như mẹ. Đây là một trong những nguyên tắc nổi bật của thai giáo Taegyo. Một số phương pháp thai giáo khác như thai giáo kiểu Nhật hay thai giáo phương Tây cũng nhắc tới vai trò của bố nhưng có lẽ Taegyo là phương pháp coi trọng người bố nhất. Taegyo cho rằng bố có vai trò ngang bằng với mẹ trong việc thai giáo. Bố cũng là người ảnh hưởng nhiều nhất tới cảm xúc của mẹ.
Thai giáo Taegyo là một tập hợp các bài tập và niềm tin liên quan tới sự phát triển của thai nhi. Nói một cách ngắn gọn, đây là hình thức thai giáo chú trọng nhiều tới yếu tố niềm tin. Taegyo tin rằng một phôi thai có thể được coi là một con người ngay từ quá trình thụ thai. Và “con người” ấy bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường cảm xúc và tư duy của người mẹ.
Hơn 200 năm trước, một học giả người Hàn Quốc có tên Sajudang Lee đã viết trong sách của mình rằng việc giáo dục 10 tháng trong bụng mẹ quan trọng hơn giáo dục trong 10 năm sau đó. Thai giáo Taegyo xuất phát từ Trung Quốc và du nhập vào Hàn Quốc vào cuối triều đại Goryeo (918-1392). Hình thức thai giáo này trở nên phổ biến từ triều đại Joseon (1392-1910) đến nay. Đa số sách dành cho bà bầu thời nay của Hàn Quốc đều nhắc tới Taegyo.
Thai giáo Taegyo ngoài những nguyên tắc chung còn được chia ra làm nhiều loại hình với những tác dụng khác nhau. Ví dụ: Taegyo tiếng Anh giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt, Taegyo âm nhạc giúp trẻ nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc và kết nối tốt với mẹ… Tùy theo mong muốn, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn hình thức thai giáo Taegyo phù hợp với con mình.
Ổn định cảm xúc cho người mẹ
Thai giáo Taegyo đặc biệt chú trọng việc ổn định cảm xúc của người mẹ. Trong thời gian mang thai, mẹ cần hạn chế tối đa việc bị rối loạn cảm xúc. Từ đó, mẹ có thể tạo được môi trường tốt đẹp và bình yên nhất cho sự phát triển của thai nhi.
Thai giáo Taegyo cho rằng sự ổn định cảm xúc của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi nhiều hơn là sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ căng thẳng và lo lắng trong thời kỳ mang thai khiến thai nhi sinh ra có nguy cơ cao trong việc chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động, giảm chú ý.
Người mẹ thực hành thai giáo Taegyo cần theo đuổi các hoạt động văn – thể – mỹ một cách lành mạnh. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc rối loạn cảm xúc, tránh sự kích thích cảm giác và tình dục.
Lắng nghe âm thanh của tự nhiên
Đây là yếu tố quan trọng và nổi bật của thai giáo Taegyo. Mẹ nên cho thai nhi tiếp xúc với những âm thanh dịu êm của tự nhiên. Nổi bật trong đó là tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng suối chảy róc rách... Đây cũng là lý do bố mẹ nên đưa thai nhi đi du lịch nhẹ nhàng ở những nơi phù hợp.
Nếu không đi du lịch, mẹ có thể cùng thai nhi dạo chơi ở những nơi gần nhà có không khí trong lành và gần với thiên nhiên. Mỗi khi ở nhà, mẹ có thể bật băng đĩa, phát thanh hoặc bật tiếng ồn trắng cho thai nhi nghe những âm thanh của tự nhiên.
Những thanh âm của tạo hóa không chỉ giúp thai nhi cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc, mà còn giúp mẹ bầu ổn định cảm xúc và nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm hồn.
Trò chuyện mỗi ngày với thai nhi
Vào cuối tháng thứ sáu, thai nhi có thể nghe và phản ứng một cách rõ rệt với những âm thanh lớn bên ngoài. Thai nhi đồng thời phân biệt được giọng nói của mẹ với giọng của người khác và biết “đáp lại” khi nghe một câu chuyện quen thuộc. Thai nhi cũng bắt đầu có những cảm xúc giống như mẹ của mình. Thai giáo Taegyo cho rằng cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển trí não của thai nhi trong thời gian này là trò chuyện mỗi ngày. Điều này sẽ tạo môi trường sống yêu thương và hạnh phúc hơn cho thai nhi.
Không chỉ mẹ, bố và các thành viên khác trong gia đình cũng nên trò chuyện với thai nhi để giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Thai giáo Taegyo tin rằng những thai nhi được trò chuyện với người thân đến khi ra đời sẽ học ngôn ngữ nhanh hơn, giao tiếp xã hội tốt hơn, năng động và nhạy bén hơn.
“Thanh lọc” thân – khẩu – ý
Thai giáo Taegyo cho rằng để tạo môi trường tốt nhất cho thai nhi, người mẹ cần giữ gìn 3 yếu tố thân – khẩu – ý. Thân tương ứng với hành động. Khẩu tương ứng với lời nói. Ý tương ứng với suy nghĩ. Trong thời gian mang thai, mẹ cần nói lời hay, làm việc tốt và xa rời những ý nghĩ xấu xa.
Đây là quan điểm thai giáo có tính nhân văn và rất giống với đạo Phật. Chỉ khi cuộc sống của người mẹ được bao phủ bởi những điều tốt đẹp và tích cực, thai nhi mới có thể phát triển khỏe mạnh, thông minh và hòa ái.
Những người mẹ thực hành thai giáo Taegyo cần hướng đến lối sống chân – thiện – mỹ trong suốt thời gian mang thai. Không chỉ đối xử tốt với mọi người xung quanh, người mẹ cần nguyện cầu cho những người khác luôn sống trong hạnh phúc. Điều này sẽ tạo nên môi trường tốt lành nhất cho thai nhi phát triển toàn diện.
Vai trò của bố trong thai giáo Taegyo
Khi chia sẻ về thai giáo với mình, vợ mình cũng bắt đầu bằng thai giáo Taegyo. Taegyo coi trọng vai trò của bố nhưng cách tiếp cận lại rất đơn giản, dễ dàng. Trong thời gian thai giáo, bố nên kiêng hút thuốc, uống rượu; nên sống vui vẻ, chân thành và sùng đạo (nếu có theo đạo). Bố đồng thời nên giúp mẹ việc nhà và chia sẻ với mẹ nhiều hơn về mặt cảm xúc. Mang thai là thời gian không dễ dàng với các mẹ. Bố cần lắng nghe, thấu hiểu và giúp mẹ giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày.
Ở các chương tiếp theo, mình sẽ nói kỹ hơn về vai trò của bố trong từng hoạt động thai giáo. Với Taegyo, đây là phong cách thai giáo chú trọng nhiều đến yếu tố cảm xúc nên chỉ cần bố quan tâm, để ý đến tinh thần của mẹ là đủ.
Thai giáo kiểu Trung Quốc có gì tinh hoa?
Vợ chồng mình đặc biệt yêu thích đất nước, văn hóa và ẩm thực Trung Quốc. Nếu hay xem các phim cổ trang Trung Quốc, các mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy phim có hai tuyến nhân vật thiện và ác rõ ràng. Trong phim, nhiều người mẹ đóng vai thiện có những điểm chung nổi bật như:
Thương người như thương mình, giúp người như giúp mình. Nếu là người có địa vị, luôn quan tâm và chăm lo cho đời sống “bách tính”
Đi lại nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai
Ăn uống nho nhã, điềm đạm
Mạnh mẽ, kiên cường vượt qua những biến cố cuộc đời
Nuôi dạy con nghiêm túc, luôn hướng thiện cho con
Tốt bụng, nhân ái, giàu lòng trắc ẩn, không tham lam
Sống đời thanh sạch, minh bạch, không làm điều xấu ác.
Các mẹ biết không, theo thai giáo cổ của Trung Quốc, những đức tính trên đây chính là điều người mẹ cần có trong 9 tháng 10 ngày mang thai.
Cuốn Trục nguyệt dưỡng thai pháp yêu cầu thai phụ: “Không để cơ thể mệt nhọc, không ở yên bất động một chỗ, phải ra ngoài dạo chơi, tắm nắng mai, tắm rửa giặt giũ thường xuyên, hạn chế gần gũi chồng”.
Cuốn Chư bệnh nguyên hậu luận đời Tùy ghi lại: “Muốn con tài đức, mẹ phải đoan chính, hòa nhã, đứng ngồi ngay ngắn, mắt không nhìn bậy, miệng không nói điêu, tâm không tà ý”.
Cuốn Cổ kim đồ thư tập thành – Nhất bộ toàn lục đời Thanh nói về thai nhi: “Thai nhi không ngủ li bì trong cơ thể mẹ mà ngay từ khi mới hình thành đã chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi tâm sinh lý của mẹ”.
Trên đây chính là những nguyên tắc và kinh nghiệm thai giáo quý báu của người Trung Quốc; cũng là nền tảng vững chắc để các quốc gia khác trên thế giới phát triển các phương pháp thai giáo của riêng mình.
Mẹ có thể học theo cách thai giáo của người Trung Quốc bằng cách:
Đi dạo mỗi ngày: Mẹ nên đi dạo ở những nơi sạch sẽ, trong lành, bằng phẳng vào ban ngày, tốt nhất đó là nơi có ánh nắng mai dễ chịu. Mẹ không cần đi nhanh, hãy đi từ từ, chậm rãi, thở đều và tận hưởng…
Nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt: Đây là điều quan trọng nhất trong cách thai giáo của người Trung Quốc. Mẹ hãy luôn để những điều tích cực bao phủ từ ý nghĩ tới lời nói, hành động của mình.
Giữ gìn nơi ở sạch sẽ: Nơi ở trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, mẹ hãy đảm bảo những nơi mình sinh sống, làm việc luôn sạch sẽ. Các vật dụng mẹ thường sử dụng cũng nên được đảm bảo vệ sinh.
Tinh hoa thai giáo của người Do Thái
Công ty mình làm về phần mềm, một lĩnh vực cần nhiều chất xám, trí tuệ. Anh em trong công ty hay đùa nhau rằng ước gì sau này lấy vợ là người Do Thái để vợ có thể giúp chồng nghĩ ra các thuật toán lập trình.
Do Thái được biết đến là dân tộc thông minh nhất thế giới với rất nhiều thành tựu ở đa dạng các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nghệ thuật… Điểm nổi bật trong thai giáo của mẹ Do Thái là chú trọng việc nâng cao tri thức, phát triển trí tuệ.
Trong thời gian mang thai, mẹ Do Thái thường xuyên đọc sách, nghe nhạc, chơi đàn, sáng tác, làm toán… để nâng cao trình độ của mình. Mẹ Do Thái tin rằng các hoạt động đó sẽ được “trao truyền” tới con và giúp bé thông minh hơn từ khi còn trong bụng mẹ.
Trong quan niệm của người Do Thái, học hỏi là điều nên làm và đáng tự hào, học hỏi không phải là “kém cỏi nên phải học”. Vì vậy, trong thời gian mang thai, mẹ Do Thái càng chú trọng việc học hơn bởi họ không chỉ học cho mình, mà còn học cho con.
Nếu mẹ thích phong cách thai giáo hướng đến tri thức, mẹ có thể học theo người Do Thái với một số hoạt động sau:
Đọc sách: Đây là điểm nổi bật trong tinh hoa thai giáo của người Do Thái. Đọc sách giúp mẹ có những giây phút tĩnh lặng trong cuộc sống và nâng cao tri thức mỗi ngày.
Làm toán: Ít có quốc gia nào mà phụ nữ mang bầu làm toán nhiều như người Do Thái. Việc làm toán không phải là những hoạt động khô khan, hóc búa mà có thể trở nên thú vị hơn nếu mẹ chơi các trò chơi liên quan đến toán học như Sudoku, 2048…
Cầu nguyện: Đối với người Do Thái, tin Chúa và cầu nguyện là điều không thể thiếu mỗi ngày. Với mẹ Việt, tùy theo tôn giáo của mình, mẹ có thể thực hành tâm linh theo những cách khác nhau.
Tinh hoa thai giáo kiểu Nhật
Khi thai giáo mới du nhập vào Nhật Bản, người Nhật đã lầm tưởng đây là một hình thái… mê tín dị đoan. Điều này khá giống ở Việt Nam cách đây ít năm khi khái niệm thai giáo còn chưa phổ biến. Các năm sau đó, với sự phát triển của xã hội, Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia thai giáo nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là đất nước có nhiều chuyên gia chuyên nghiên cứu về lĩnh vực thai giáo nhất.
Các chuyên gia tại đất nước này đã tiến hành nhiều nghiên cứu và đưa ra kết luận: Nếu phát triển bình thường, một thai nhi 5 tháng tuổi có thể nghe được âm thanh và ánh sáng từ bên ngoài “đi qua” tử cung. Một số thai nhi thậm chí còn phản ứng bằng cách nhắm mắt lại. Sau khi ra đời, nếu được nghe lại tiếng nhịp tim và tiếng chảy của dòng máu người mẹ, nhiều em bé đã “nhớ lại”, bé cảm thấy an tâm và hết quấy khóc.
Thai giáo kiểu Nhật đặc biệt chú trọng vào việc giáo dục não phải. Trẻ được giáo dục não phải sẽ không phải “vất vả” trong học tập. Những đứa trẻ tưởng chừng lúc nào cũng có nhiều thời gian để chơi đùa nhưng thành tích học tập lại tốt, đó mới chính là những mẫu hình sử dụng não phải tiêu biểu.
Thông qua việc giáo dục não phải, thai giáo kiểu Nhật hướng tới bốn mục tiêu:
Nuôi dưỡng nhân cách.
Nuôi dưỡng tính sáng tạo. Nuôi dưỡng năng lực học hỏi. Nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh.
Để giúp trẻ thông minh nhất có thể, bố mẹ có thể tham khảo một số quan điểm trong cách thai giáo của người Nhật:
Thai giáo bằng tình yêu thương
Thai giáo không có nghĩa là bắt đầu giáo dục từ khi bé còn trong bụng mẹ. Ý nghĩa của nó rộng hơn thế. Cốt lõi của thai giáo là truyền tải tình yêu thương của cha mẹ và tạo ra môi trường tốt đẹp cho sự ra đời của trẻ.
Đó là bởi tất cả các đặc điểm cá nhân như tài năng, tính cách, thể chất của con người đều manh nha phát triển từ giai đoạn thai nhi. Não bộ con người có những khả năng tiềm ẩn vẫn chưa được kích hoạt, nếu như có thể phát triển những tiềm năng này từ giai đoạn thai nhi thì chắc chắn con người có thể tận dụng tối đa khả năng của não bộ.
Người mẹ cần sự bình yên trong tâm hồn
Trong mối quan hệ tốt nhất giữa mẹ và con không thể thiếu sự bình yên từ sâu trong lòng mẹ. Trong giai đoạn mang thai, nếu mẹ tạo nên sợi dây tình cảm chặt chẽ với con, truyền cho con tình yêu thương thì trẻ sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc. Những trẻ được lớn lên với tình yêu thương, hạnh phúc khi còn trong bụng mẹ sẽ sớm bộc lộ khả năng thiên tài của mình khi chào đời. Hiện tượng này không chỉ diễn ra giữa mẹ và con, mà còn giữa bố và con.
Quan tâm đến môi trường sống và thói quen ăn uống
Mẹ cần lưu ý đến các chất có hại cũng như chất phụ gia thực phẩm trong thời kỳ mang thai. Mẹ cần chú ý đến nguồn nước cung cấp cho cơ thể, nên sử dụng nguồn nước sạch, tinh khiết. Việc cung cấp đầy đủ những chất cơ bản thiết yếu như các vitamin, chất khoáng, chất xơ, các chất béo có lợi như omega-3 là những chất dinh dưỡng mẹ cần bổ sung trong thời kỳ mang thai. Mẹ cũng cần chú ý kiểm soát cân nặng cho phù hợp.
Thực hành các kỹ năng thai giáo
Thai giáo kiểu Nhật rất phong phú. Tùy điều kiện và sở thích của bản thân, mẹ có thể áp dụng các kỹ năng thai giáo như: Đọc truyện, đọc thơ, đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ, hát cho bé nghe, vận động cùng bé… Mình sẽ chia sẻ kỹ hơn ở các chương tiếp theo.
Tóm lược chương 5
Thai giáo Taegyo – Thai giáo kiểu Hàn Quốc chú trọng nhiều tới yếu tố niềm tin. Taegyo tin rằng một phôi thai có thể được coi là một con người ngay từ quá trình thụ thai. Và “con người” ấy bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường cảm xúc và tư duy của người mẹ. Taegyo là hình thức thai giáo gần như duy nhất mà bố có vai trò quan trọng như mẹ do bố là người ảnh hưởng nhiều nhất tới cảm xúc của mẹ.
Thai giáo kiểu Trung Quốc chú trọng đến nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt: Mẹ hãy luôn để những điều tích cực bao phủ từ ý nghĩ tới lời nói, hành động của mình. Năng lượng tích cực này sẽ giúp cả mẹ và bé có được tâm trạng và cảm xúc tốt nhất.
Điểm nổi bật trong thai giáo của mẹ Do Thái là chú trọng việc nâng cao tri thức, phát triển trí tuệ. Mẹ Do Thái tin rằng các hoạt động nâng cao tri thức sẽ được “trao truyền” tới con của mình và giúp bé thông minh hơn từ khi còn trong bụng mẹ.
Thai giáo kiểu Nhật đặc biệt chú trọng vào việc giáo dục não phải, hướng tới việc nuôi dưỡng nhân cách, tính sáng tạo, năng lực học hỏi và cơ thể khỏe mạnh. Người Nhật chú trọng đến việc giúp mỗi em bé trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình”; không ép con mình phải thông minh bằng hoặc hơn các em bé khác. Quan điểm này không chỉ giúp cha mẹ có tâm thế nhẹ nhàng khi thai giáo, mà còn giúp các em bé nhận được sự thai giáo phù hợp nhất, không bị gò ép hay bó buộc phải trở nên thật thông minh.