Các mẹ ạ, mỗi hoạt động thai giáo sẽ có thời điểm bắt đầu riêng dựa theo sự phát triển giác
quan của thai nhi. Một số hoạt động có thể làm bất cứ lúc nào, không “bổ con” thì cũng “bổ mẹ” như nghe nhạc, thiền, đi dạo... Nhưng cũng có những hoạt động cần đợi đến thời điểm thai nhi phát triển đủ mới nên làm. Ví dụ như thai giáo ánh sáng, nhiều mẹ bắt đầu ngay từ lúc mới bầu sẽ không có tác dụng gì vì khi đó thị giác của bé chưa phát triển. Mẹ cần đợi tới tuần 27, khi đó bé đã có thể nhắm mắt, mở mắt và phân biệt được sáng tối.
Ở chương này, mình sẽ khái quát sự phát triển của thai nhi và định hướng thai giáo theo từng tháng. Chi tiết từng hoạt động nên làm mỗi ngày sẽ có trong Chương 6. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Sự phát triển của thai nhi
Tháng thứ nhất
Hết tháng thứ nhất, quá trình thụ tinh hoàn tất, bé yêu đã được hình thành. Phôi thai lúc này chỉ bé như một hạt anh túc. Hệ thần kinh của bé cũng bắt đầu hình thành ngay trong tháng này.
Định hướng thai giáo
Nói lời cảm ơn với con là điều bố mẹ nên làm nhất trong giai đoạn này. Đây là hình thức thai giáo cảm xúc kết hợp thai giáo ngôn ngữ hiệu quả, giúp thai nhi cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Ngoài nói cảm ơn, bố mẹ cũng nên nói với bé niềm hạnh phúc và mong chờ của cả gia đình đối với bé.
Mẹ viết nhật ký thai kỳ, ghi lại những xúc cảm và sự việc hằng ngày; có thể thêm hình ảnh chụp bụng bầu qua các tháng.
Tìm hiểu các mốc khám thai quan trọng, sẵn sàng cho một thai kỳ mạnh khỏe.
Tháng thứ hai
Não bộ của bé bắt đầu xuất hiện lớp vỏ não. Mũi, miệng, tai của bé cũng bắt đầu phát triển. Túi ối chứa đầy nước ối giúp bảo vệ thai nhi. Vì còn nhỏ nên bé thường xuyên trong trạng thái “bồng bềnh” như đang bơi lội.
Định hướng thai giáo
Đặt tên và gọi tên thai nhi một cách trìu mến là điều bố mẹ nên làm trong giai đoạn này. Đây là hình thức thai giáo ngôn ngữ cần thiết, giúp bé làm quen với tên gọi của mình và quen với giọng của bố mẹ. Bố mẹ nên tiếp tục gọi tên bé mỗi ngày trong cả những tháng sau.
Lên kế hoạch ăn uống khoa học: những thực phẩm cần bổ sung mỗi ngày, vitamin cần uống, những món không tốt cần loại bỏ như đồ ăn công nghiệp nhiều hóa chất, đồ uống có cồn…
Chia sẻ niềm vui có con với mọi người: mẹ và bé sẽ nhận được nhiều lời chúc mừng, những người xung quanh cũng sẽ giúp đỡ mẹ nhiều hơn khi biết mẹ có bầu.
Tháng thứ ba
Thai nhi đã có đầy đủ các bộ phận dù các bộ phận này mới trong quá trình phát triển ban đầu, còn chưa hoàn thiện.
Bàn tay, bàn chân của bé bắt đầu mọc ra các ngón tay, ngón chân bé xíu. Đến cuối tháng thứ ba, bé bắt đầu biết mút tay. Điều này giúp bé phát triển cảm nhận qua da. Da được coi là “bộ não thứ hai” đối với thai nhi. Bé có thể cảm nhận được những tác động từ môi trường xung quanh qua lớp da của mình.
Định hướng thai giáo
Tưởng tượng những hình ảnh tích cực giúp mẹ vui: thiên nhiên, động vật, người thân yêu…
Mỹ thuật là hình thức thai giáo mẹ nên chú trọng trong giai đoạn này. Thai giáo mỹ thuật gồm các hoạt động như: xem các bức tranh đẹp, ngắm cảnh đẹp, tô màu, vẽ tranh…
Mỗi ngày học một kiến thức mới: Đây là hình thức thai giáo tri thức được mẹ Do Thái ưa chuộng, giúp thai nhi thông minh hơn từ trong bụng mẹ.
Tháng thứ tư
Đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh mẽ về mặt não bộ, đặc biệt là khả năng ghi nhớ.
Bé cũng cảm nhận rõ hơn sự thay đổi trong xúc cảm buồn vui của người mẹ và biết phản ứng lại bằng cách đá, đạp, khua tay…
Thai nhi cũng đã nghe được những âm thanh bên ngoài cơ thể mẹ.
Định hướng thai giáo
Thai giáo âm nhạc là hình thức bố mẹ có thể áp dụng cho bé ngay từ tháng đầu tiên, nhưng đặc biệt nên chú trọng từ tháng thứ tư trở đi bởi đây là lúc bé đã nghe được những âm thanh bên ngoài và biết phản ứng lại. Các cách thai giáo âm nhạc cho bé là: cùng bé nghe nhạc, đánh đàn, ca hát cho bé nghe…
Dạy con bằng các tấm thẻ chữ, thẻ số và thẻ dot (thẻ có nhiều dấu chấm giúp nâng cao khả năng tính toán cho con).
Thai giáo ngôn ngữ: mẹ tả cho bé nghe những cảnh đẹp mẹ thấy hoặc những bức tranh hay đồ vật, sự việc trong cuộc sống hằng ngày.
Tháng thứ năm
Đây là thời điểm mẹ cảm nhận được những cú đạp của bé một cách rất mạnh mẽ và dứt khoát. Phản xạ mút ngón tay cái của bé cũng diễn ra thường xuyên và “điêu luyện” hơn.
Định hướng thai giáo
Thai giáo vận động là hình thức nên chú trọng trong tháng này nhằm giúp mẹ dẻo dai và bé phát triển các cơ tốt hơn. Mẹ có thể tập yoga, bơi lội, tập các bài thể dục nhẹ nhàng, đi bộ hằng ngày.
Mẹ cùng bé học tiếng Anh: dạy cho bé các từ vựng tiếng Anh cơ bản thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nghe nhạc tiếng Anh, đọc truyện tiếng Anh.
Tương tác với bé: nói với bé rằng nếu con nghe thấy tiếng mẹ thì hãy đạp lại hai cái nhé, hoặc nếu con đồng ý thì hãy đạp một cái vào chỗ tay mẹ này…
Tháng thứ sáu
Bé sẽ tiếp tục vận động nhiều trong tháng này và phản ứng lại các tác động bên ngoài một cách mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cơ thể bé có thêm một thứ quan trọng, đó là dấu vân tay của riêng bé, không “đụng hàng” với bất kỳ ai.
Định hướng thai giáo
Thai giáo xúc giác là điều bố mẹ cần chú trọng trong tháng này. Bố mẹ có thể ấn nhẹ ngón tay vào những vị trí bé vừa đạp, massage bụng bầu, hoặc dùng các đầu ngón tay chơi trò “đi bộ”, “kiến bò” trên bụng… Bố mẹ đừng quên kết hợp với việc trò chuyện và miêu tả những việc mình đang làm với bé nhé.
Đi du lịch: babymoon là hình thức thai giáo vận động kết hợp thai giáo cảm xúc, đem lại niềm vui và sự thư giãn cho cả mẹ và bé.
Học tiền sản: đây là điều rất cần thiết, giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, ăn uống hợp lý, sẵn sàng cho việc sinh con và chăm con khoa học.
Tháng thứ bảy
Bé đã bước tới 3 tháng cuối cùng của thai kỳ. Não bộ đã phát triển hơn nhiều, gần giống với não của người lớn. Mỗi khi mẹ thay đổi tâm trạng hoặc ăn các thức ăn lạ, nước ối sẽ thay đổi mùi vị và bé có thể cảm nhận được điều này.
Định hướng thai giáo
Ăn nhiều chất xơ và ăn uống vừa đủ, không ăn quá nhiều: thai giáo dinh dưỡng là việc mẹ nên chú trọng trong tháng này để tránh tiểu đường thai kỳ và táo bón. Táo bón không chỉ gây khó chịu cho mẹ mà còn làm tăng nguy cơ sinh non. Mẹ cũng nên ăn theo sự khuyến cáo của bác sĩ, tránh ăn quá nhiều gây thừa cân hoặc con quá to, khó sinh.
Đọc sách tranh cho bé nghe mỗi ngày, chỉ cho bé biết các hình ảnh trong tranh như hoa quả, động vật.
Thai giáo ánh sáng (chi tiết hướng dẫn trong Chương 6)
Tháng thứ tám
Bé đã “béo” hơn nhiều và bụng mẹ trở nên chật chội. Não của bé cũng phát triển hơn và kiểm soát được nhiệt độ cơ thể. Bé có thể phân biệt được các âm thanh quen và lạ, cũng như phân biệt được giọng nói của bố và mẹ.
Định hướng thai giáo
Mô tả cho bé nghe các âm thanh xung quanh như tiếng còi xe, tiếng nước chảy, tiếng chó sủa…
Nói với bé những mong muốn của ba mẹ như: bé nặng mấy cân, bé ra đời vào ngày nào, mong bé tự quay đầu về tư thế “ngôi thuận”, mong bé tự chữa lành những điều khiến bé khó chịu.
Học cách rặn đẻ dễ dàng và không đau: giúp mẹ và bé “vượt cạn” nhanh hơn.
Tháng thứ chín
Cả năm giác quan và não bộ của bé đều phát triển đầy đủ như một em bé sơ sinh. Bé đã sẵn sàng rời khỏi bụng mẹ và sống “độc lập” ở môi trường bên ngoài. Chào mừng con yêu!
Định hướng thai giáo
Bố mẹ kể cho bé nghe về nơi bé sắp được sinh ra: là nơi tràn ngập tình yêu thương và niềm vui, mọi người đều chờ đón bé, đồ đạc của bé như quần áo, đồ chơi đều đã sẵn sàng và bé không phải lo lắng gì cả.
Nhắn nhủ bé đừng ra sớm, hãy ra khi đã đủ ngày, đủ tháng để có thể trạng tốt nhất.
Thiền và cầu nguyện: giúp mẹ thư giãn, bình tĩnh và sinh con dễ dàng nhất.
Tóm lược chương 4
Mỗi hoạt động thai giáo sẽ có thời điểm bắt đầu riêng dựa theo sự phát triển giác quan của thai nhi. Mẹ bầu nên lắng nghe cơ thể mình và theo dõi đặc điểm phát triển của bé hằng tháng để chọn những hoạt động phù hợp nhất cho cả hai mẹ con.