Mặc dù thai giáo đã tồn tại từ hàng nghìn năm ở rất nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới nhưng đây có lẽ là thắc mắc lớn nhất cho các mẹ khi mới bắt đầu. Ngay đến mẹ mình khi thấy hai vợ chồng mình thai giáo còn nói: “Ui dào, mẹ thấy chúng mày cứ lắm chuyện, hồi tao đẻ thằng Thắng có giáo diếc gì đâu, giờ vẫn… ngon đấy thôi”. Mấy anh bạn mình ở công ty thì tặc lưỡi: “Xời, đẻ ra xong cho nghe nhạc mà nó còn bơ đi, huống chi lúc trong bụng, đã hiểu gì đâu mà nghe”.
Thông qua một số nghiên cứu ở chương này, các mẹ sẽ được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khả năng nhận thức của thai nhi lúc còn trong bụng mẹ vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Khi mình chia sẻ những điều này, các mẹ không khỏi ngạc nhiên, thậm chí còn tỏ ra hối hận: “Ôi, nếu biết rằng bé có thể hiểu được nhiều thứ như vậy khi còn chưa ra đời, em đã không nói những điều tiêu cực như thế”. Trong chương sau, mình sẽ giải thích kỹ hơn về sự phát triển của thai nhi. Mỗi giác quan của thai nhi được hình thành ở từng giai đoạn khác nhau, đây chính là cơ sở để thai nhi cảm nhận thế giới bên ngoài.
Trước hết, thai nhi ghi nhớ âm thanh từ giọng nói của mẹ. Nếu như các âm thanh bên ngoài phải truyền qua da bụng và nước ối mới tới được thính giác thai nhi thì giọng nói của mẹ sẽ vang vọng trong cơ thể, truyền đến thai nhi một cách dễ dàng hơn. Do liên tục nghe thấy giọng nói này, khi đứa trẻ sinh ra, bé nhận ra giọng nói của mẹ và thích nghe giọng của mẹ hơn bất kỳ ai khác.
Các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm để chứng minh thực tế trên. Họ sử dụng hai núm vú cao su với hai bản ghi âm giọng nói, một của người mẹ và một của người khác. Khi đứa trẻ bú vào núm vú thứ nhất, bé sẽ nghe thấy giọng nói của mẹ. Khi chuyển sang núm vú thứ hai, bé sẽ nghe thấy giọng người phụ nữ khác. Các mẹ biết rồi đó, bé nhanh chóng thể hiện sở thích của mình bằng cách trở lại bú núm vú đầu tiên.
Ở một nghiên cứu khác, những người mẹ đọc đi đọc lại một đoạn văn trong một cuốn sách lúc họ đang mang thai thì đứa bé khi chào đời cũng nhận biết được đoạn văn đó. Hoặc nếu mẹ xem một bộ phim dài tập trong suốt quá trình mang thai thì đứa bé khi sinh ra có thể nhận biết được nhạc nền của bộ phim ấy. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng trẻ sẽ giảm tốc độ bú khi bị hấp dẫn bởi một điều gì đó và bú bình thường trở lại khi chúng bắt đầu chán. Trong thí nghiệm trên, điều hấp dẫn đứa trẻ chính là đoạn văn mẹ chúng đã đọc và nhạc nền của bộ phim mẹ xem khi mang bầu.
Chưa hết, các bào thai còn có khả năng nhận biết và ghi nhớ ngôn ngữ. Một nghiên cứu cho thấy trẻ khóc theo giọng đặc trưng của tiếng mẹ đẻ. Trẻ em Pháp khóc theo nốt cao trong khi trẻ em Đức kết thúc bằng nốt trầm, bắt chước theo tông điệu của những ngôn ngữ này.
Tới đây, các mẹ có thắc mắc tại sao thai nhi lại cần phát triển khả năng nhận thức sớm như vậy không? Đó có thể là cách giúp bé tồn tại. Ngay từ khi sinh ra, các em bé đáp lại giọng nói của mẹ– người sau này sẽ chăm sóc chúng nhiều nhất. Thậm chí cả khi khóc, tiếng khóc cũng giống như tiếng nói của mẹ. Chính điều này giúp thắt chặt tình mẫu tử và cũng là động lực giúp bé học, hiểu và nói tiếng mẹ đẻ.
Chưa dừng lại ở đây, âm thanh không phải là thứ duy nhất bào thai nhận biết được khi còn trong bụng mẹ. Mùi vị thức ăn mà người mẹ truyền qua lớp nước ối cũng được hấp thụ bởi bào thai. Trẻ nhỏ thường nhớ và có xu hướng thích những mùi vị này khi ra đời. Các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm trên hai nhóm phụ nữ mang thai 3 tháng cuối. Một nhóm được yêu cầu uống nhiều nước ép cà rốt, trong khi nhóm còn lại chỉ uống nước lọc. 6 tháng sau, con của những phụ nữ này được cho uống hỗn hợp nước ép cà rốt và ngũ cốc. Những đứa bé có mẹ đã uống nước ép cà rốt trước đó khi mang bầu không chỉ uống thứ hỗn hợp này nhiều hơn mà vẻ mặt còn tỏ ra muốn uống thêm nữa.
Đọc đến đây, chắc các mẹ cũng đã thấy được phần nào khả năng nhận thức kỳ diệu của thai nhi trước khi ra đời. Điều này có thể khiến các mẹ nghĩ rằng các hoạt động thai giáo mẹ chủ động làm như nghe nhạc, xoa bụng nói chuyện với con… sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của bé. Tuy nhiên, những điều mẹ gặp phải hằng ngày như bầu không khí, đồ ăn thức uống, dược phẩm, cảm xúc, tâm lý, sự căng thẳng của mẹ… mới chính là những yếu tố tác động lớn tới thai nhi. Để chứng minh cho việc này, mình sẽ kể cho các mẹ hai ví dụ về cách thức mà người mẹ đãgián tiếp “dạy” cho đứa bé về thế giới xung quanh trước khi chúng chào đời.
Vào mùa đông buốt giá năm 1944, những ngày đen tối nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội Đức phong tỏa phía Tây Hà Lan. Nguồn lương thực dự trữ vốn dĩ đã hạn chế nay bị cạn kiệt hoàn toàn. Bóng ma chết chóc của nạn đói bao trùm khắp nơi. Không chỉ giết chết khoảng 10.000 người và làm cho hàng ngàn người khác lâm vào bệnh tật, “mùa đông đói kém” này còn ảnh hưởng tới 40.000 bào thai trong bụng mẹ. Việc suy dinh dưỡng trong quá trình mang thai đã để lại một vài hậu quả rõ ràng ngay sau đó. Tỷ lệ trẻ bị chết non, dị dạng, suy dinh dưỡng và chết yểu cao hơn. Nhưng không dừng lại, hàng thập niên sau “mùa đông đói kém”, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận nhiều trường hợp có khuynh hướng mắc phải bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch cao hơn khi về già.
Tại sao việc thiếu dinh dưỡng trong bụng mẹ lại gây ra những bệnh này? Các nhà khoa học lý giải rằng đó là do các bào thai đã cố tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt nhất bằng cách chuyển nguồn dinh dưỡng đến não – bộ phận thiết yếu nhất trong cơ thể và dành ít dưỡng chất hơn cho những bộ phận khác như tim và gan. Điều này giúp bào thai duy trì sự sống trong thời gian ngắn nhưng tạo ra hệ quả tất yếu sau này: những bộ phận bị thiếu dinh dưỡng trước đó dễ bị tổn thương và dễ mắc bệnh.
Nhưng đây chưa phải là tất cả những gì đang diễn ra. Việc thiếu dinh dưỡng khi mang thai giống như một sự chỉ dẫn để thai nhi điều chỉnh chức năng sinh lý giúp thích nghi với thế giới bên ngoài. Vấn đề xuất hiện khi thai nhi nhận được thông tin về một thế giới khan hiếm bên ngoài bụng mẹ nhưng cuối cùng, chúng lại được sinh ra trong một hoàn cảnh đầy đủ, sung túc. Đây là điều xảy ra với những đứa trẻ Hà Lan vào “mùa đông đói kém”, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và tim mạch cao hơn. Những cơ thể mà trước đây phải chắt chiu từng calo thì nay lại được cung cấp một nguồn calo dồi dào từ chế độ dinh dưỡng thời hậu chiến. Thế giới mà chúng nhận thức và chuẩn bị sẵn từ trong bụng mẹ hóa ra lại không giống với thế giới mà chúng được sinh ra.
Tiếp đến là một câu chuyện khác. Vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, Mỹ vào sáng ngày 11/9/2001 không chỉ gây ra cái chết thương tâm cho hàng ngàn người mà còn để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đến những người may mắn sống sót, trong đó theo thống kê có tới 1.700 phụ nữ đang mang thai. Một năm sau thảm họa, con của những người phụ nữ này bắt đầu có dấu hiệu của chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý, gọi tắt là PTSD. Đây là chứng rối loạn tâm thần xảy ra sau khi một người trải qua chiến tranh, tai nạn, mất người thân hoặc các mối đe dọa khác tới cuộc sống. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người mẹ bị chứng PTSD sẽ chuyển tiếp tình trạng dễ tổn thương của mình vào đứa con từ khi còn trong bụng. Điều này như một sự báo hiệu của mẹ dành cho đứa bé rằng ngoài kia là một thế giới dữ dội, hãy “cẩn thận con nhé”.
Thông qua hàng loạt ví dụ trên đây, có lẽ các mẹ sẽ không còn nghi ngờ về khả năng nhận thức của thai nhi. Nhận thức là một trong những hoạt động trọng yếu nhất của con người và nó bắt đầu ở một giai đoạn sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.
Trở lại với câu chuyện thai giáo của gia đình mình, mẹ mình đã hoàn toàn bị thuyết phục dù ban đầu chưa tin rằng bé Heo trong bụng có thể hiểu khi được thai giáo. Thỉnh thoảng vào buổi tối, bọn mình lại rủ bà xoa bụng và nói chuyện với cháu. Vợ mình giới thiệu với con về bàn tay của bà, nói với con rằng bà đang xoa lưng cho con đấy; bà chính là mẹ của bố, sau này con nhớ chơi với bà thật ngoan, bà sẽ cho con ăn cơm và đưa con đi lớp… Lúc xoa bụng, tay mẹ mình xoa đến đâu, Heo cũng đạp lại ở chỗ đó khiến bà rất thích thú.
Tóm lược chương 3
Nhận thức là một trong những hoạt động trọng yếu nhất của con người và nó bắt đầu ở một giai đoạn sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.
Thông qua cơ thể người mẹ, thai nhi gián tiếp cảm nhận thế giới bên ngoài.
Những tác động của mẹ khi mang thai dù trực tiếp hay gián tiếp đều gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bé sau khi ra đời.