Bức ảnh trên có tựa đề: “Lần đầu tớ gặp gia đình mình”, đăng trên Facebook cá nhân của Tarsila Batista và chồng – Flávio Dantas, được xem là một trong những bức ảnh đẹp nhất về thai nhi khi vừa lọt lòng mẹ mà cả thế giới biết đến.
Bé gái Antonella mở mắt chào bố đúng vào “Ngày của Cha” (Father’s Day), Chủ nhật, ngày 11 tháng 8 năm 2019 tại Brazil. Khi vừa ra đời, bác sĩ đặt Antonella trong lòng mẹ để giữ hơi ấm. Lúc này, đôi mắt bé vẫn nhắm nghiền, chưa chịu mở ra nhìn cuộc đời. Chỉ đến khi bố của bé, anh Flávio Dantas, bước vào phòng và lên tiếng, bé mới chịu mở đôi mắt to tròn ra nhìn bố, trên môi nở nụ cười, một nụ cười thiên thần. “Lúc ấy, tôi nghĩ mình đã hiểu tình yêu đích thực là gì” – anh Flávio Dantas, người lần đầu làm bố, hạnh phúc chia sẻ.
Khi vợ mang thai, Flávio Dantas vô cùng nóng lòng mong chờ sự chào đời của con gái. Thực tế, ông bố này háo hức gặp con đến nỗi đã liên tục trò chuyện với con mỗi ngày vào buổi sáng và chiều sau khi đi làm về. Chị Tarsila Batista, mẹ của bé kể lại: “Trong suốt thời kỳ thai nghén, bố của bé đã thường xuyên nói chuyện và chơi đùa với bé. Anh luôn nói với bé rằng: ‘Con cưng ơi! Bố yêu con nhiều lắm’. Hằng ngày, mỗi buổi sáng trước khi đi làm hoặc buổi chiều về, anh lại đến vuốt ve bụng tôi nói lời yêu thương với bé. Và thật ngạc nhiên, mỗi lần như thế, dường như lúc nào bé cũng di chuyển vui đùa với bố của mình”.
Flávio vui vẻ kể cho con gái nghe một ngày của mình như thế nào. Anh cũng không quên nhắc đi nhắc lại cho con biết anh yêu con nhiều biết bao nhiêu. Flávio còn dịu dàng xoa bụng bầu của vợ và nhắn nhủ tới bé yêu rằng: “Con gái ơi, bố lúc nào cũng luôn bên cạnh con”.
Mặc dù không chắc những lời mình nói có chạm được tới con gái không, Flávio vẫn không ngừng làm như vậy trong suốt thai kỳ của vợ. Và khi chào đời, Antonella đã chứng minh cho ông bố tuyệt vời của mình thấy: bé rất lắng nghe lời bố.
Vào thời khắc được sinh ra và nghe lại chính lời yêu thương mà bố Flávio bày tỏ, cô bé Antonella lập tức mỉm cười – nụ cười ngọt ngào nhất.
Mình đọc được câu chuyện cảm động này cách đây hai năm, cùng thời điểm vợ mình đang bầu bé Heo và bắt đầu tìm hiểu về thai giáo. Câu chuyện trên là một minh chứng sống động về vai trò và tác dụng của thai giáo. Nếu nói lợi ích của thai giáo là 10 phần thì bé hưởng 5 phần, bố mẹ cũng hưởng 5 phần.
Dưới đây là những lợi ích của thai giáo đối với bé:
Giúp phát triển IQ 1, EQ 2 vượt trội: não bộ của bé phát triển rất nhanh nhờ có những tác động hằng ngày trong suốt thai kỳ. Hơn nữa, do được truyền những cảm xúc tích cực từ mẹ, bé có chỉ số EQ cao hơn những bé không được thai giáo.
1 Chỉ số thông minh.
2 Chỉ số cảm xúc.
Ăn ngoan, ngủ ngoan, ít quấy khóc: nhờ những hoạt động thai giáo, bé có khả năng phân biệt sáng tối, ngày đêm, từ đó hợp tác hơn với bố mẹ trong việc ăn ngủ.
Phát triển thể chất khỏe mạnh, cứng cáp khi ra đời: bé được thai giáo có dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng từ trong bụng mẹ nên lớn nhanh hơn, biết nói sớm, nhanh nhẹn, hoạt bát.
Phát triển khả năng ngôn ngữ, năng khiếu nghệ thuật nhờ được tiếp xúc sớm với âm nhạc, thơ, truyện,...
Độc lập, hòa đồng, ý chí kiên cường: Bé được thai giáo luôn có tinh thần lạc quan, yêu đời, có tính tự lập trong cuộc sống.
Lợi ích dành cho bố mẹ:
Mẹ được tương tác với bé nhiều hơn, trải nghiệm những phút giây hạnh phúc khi làm mẹ, tránh căng thẳng, mệt mỏi và trầm cảm khi mang bầu.
Mẹ hạn chế phần nào các triệu chứng không mong muốn trong thời gian mang bầu như ốm nghén, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt…
Thai giáo giúp bố dành nhiều thời gian hơn để thấu hiểu và chăm sóc mẹ và bé. Đây là nền tảng của một gia đình đầm ấm và một em bé hạnh phúc.
Bố mẹ được chuẩn bị tinh thần làm cha mẹ từ sớm. Nhờ đó khi bé ra đời, bố mẹ tự tin hơn, không bỡ ngỡ hoặc “bị sốc” vì sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình. Những bố mẹ thai giáo sớm cho con thường có kiến thức, kỹ năng, thái độ và bản lĩnh vững vàng trên hành trình nuôi dạy con của mình.
Giúp mẹ dễ sinh hơn do có một thai kỳ lành mạnh.
Để minh chứng cho tác dụng của thai giáo, mình sẽ lấy thêm một số ví dụ tại Việt Nam.
“Giáo sư biết tuốt” Minh Khang
Được mệnh danh là “Giáo sư biết tuốt”, Minh Khang từng khiến cho MC Lại Văn Sâm, MC Quyền Linh, danh hài Trấn Thành và nhiều nghệ sĩ bất ngờ với khả năng và sự am hiểu của mình. Minh Khang được đông đảo khán giả biết đến qua các gameshow nhí như: “Cố lên con yêu”, “Biệt tài tí hon”, “Mặt trời bé con”, “Giải mã kỳ tài”, “Nhanh như chớp nhí”...
Minh Khang biết đọc từ năm 3 tuổi. Cậu bé được mệnh danh là “Thần đồng biết tuốt”, “Giáo sư biết tuốt”… Bố của Minh Khang cho biết, vợ chồng anh đã áp dụng thai giáo ngay từ khi Khang còn trong bụng mẹ. Hằng ngày, mẹ Khang mang máy nghe nhạc đến cơ quan để ngày nào Khang cũng được nghe nhạc thai giáo. Từ khi còn trong bụng mẹ, cậu bé đã được nghe nhạc suốt khi đi ngủ, đặc biệt là nhạc hòa tấu.
Không chỉ cho con nghe nhạc thai giáo, bố mẹ Minh Khang còn thường xuyên nói chuyện và làm tất cả các hoạt động có thể tương tác với con. Mỗi khi thấy con đạp, bố mẹ Minh Khang lại xoa bụng và cùng con nói chuyện, ca hát…
Bố mẹ Minh Khang tin rằng, chính quá trình thai giáo nghiêm túc của mình đã góp phần không nhỏ làm nên một “Giáo sư biết tuốt” Minh Khang như hiện nay.
Thần đồng piano Evan Le
Evan Lê (Evan Duy Quoc Le), sinh ngày 31/5/2011 tại Mỹ và được mệnh danh là “Thần đồng piano”. Evan đã từng khiến MC nổi tiếng Steve Harvey và cả nước Mỹ bất ngờ với tài năng chơi piano trong chương trình truyền hình “Little Big Shots” của đài NBC hồi đầu năm 2016.
Tuy còn bé nhưng Evan đã tự tin trình diễn nhiều tác phẩm kinh điển của những thiên tài âm nhạc Mozart, Bach, Beethoven và Ginastera. Evan từng học tại Học viện Âm nhạc Nga (Virtuosos Russian Music Academy) ở Westminster, California (Mỹ) khi mới 3 tuổi.
Bố của Evan Lê cho biết, khi Evan còn trong bụng mẹ, bé đã được nghe nhạc cổ điển rất nhiều. Anh thường đùa với vợ rằng: “Nếu mình cho con nghe cải lương thì với trí nhớ của Evan, con sẽ là chuyên gia cải lương”.
Bố mẹ Evan Lê cũng dạy con nhận biết từ ngữ bằng tranh có gắn chữ từ rất nhỏ, khi cậu bé mới chỉ vài tháng tuổi. Evan nhìn nhiều sẽ tự động ghi nhớ từ ngữ cùng hình ảnh tương quan từ rất sớm.
Giáo sư Trần Văn Khê
Nếu như hai ví dụ trên là “người của hiện tại” thì Giáo sư Trần Văn Khê, một “người của quá khứ” sẽ khiến các mẹ hết sức bất ngờ. Giáo sư Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/6/2015), nghệ danh Hải Minh, là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp. Ông cũng là thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO.
Lên 6 tuổi, Giáo sư Trần Văn Khê đã biết đàn kìm, 8 tuổi biết đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, 14 tuổi biết đánh trống nhạc. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và có công quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới.
Giáo sư là người tâm huyết với lĩnh vực thai giáo tại Việt Nam, đặc biệt là hình thức thai giáo bằng âm nhạc. Ông cũng là cố vấn chuyên môn của cuốn sách Thai giáo – Phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ do Tiến sĩ Phạm Thị Thúy làm chủ biên.
Giáo sư Trần Văn Khê đã được thai giáo như thế nào?
Không chỉ mẹ ông mà nhiều thành viên trong gia đình đều đóng góp vào việc thai giáo khi ông còn trong bụng mẹ, tiêu biểu nhất là cậu Năm – người đã được Giáo sư Trần Văn Khê nhiều lần nhắc đến trong những chia sẻ của mình.
Khi mang thai, mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê sống tại nhà của ông nội Giáo sư. Phía sau nhà là một lò mổ lợn. 3 giờ sáng hằng ngày, khi hàng xóm mổ lợn, bà thường bị thức giấc vì tiếng lợn kêu và khó ngủ trở lại. Cậu Năm đã xin phép ông nội của Giáo sư Trần Văn Khê để đưa mẹ của Giáo sư về sống tại khu vườn yên tĩnh của gia đình. Cậu Năm rất thích đá gà 1, nhưng khi mẹ của Giáo sư tới sống, cậu Năm đã dẹp tất cả chuồng gà và không bao giờ tổ chức đá gà tại nhà như trước nữa. Điều này giúp không gian nghỉ ngơi của mẹ Giáo sư yên tĩnh và thanh lành hơn.
Đây chính là hình thức thai giáo cảm xúc: chuẩn bị nơi ở gọn gàng, sạch sẽ và lý tưởng nhất cho người mẹ. Nhờ đó cả mẹ và thai nhi đều có những trải nghiệm dễ chịu trong thai kỳ.
1 Chọi gà.
Cậu Năm cho trồng hai thứ hoa Vạn Thọ và Móng Tay với mong muốn đứa bé ra đời sẽ sống lâu và biết đàn hay. Hằng ngày, mẹ của Giáo sư có thể tự do ngắm hoa, nghe tiếng chim hót và trò chuyện vui vẻ cùng bà con lối xóm. Bà không bao giờ nghe tiếng cãi nhau, quát tháo hay giận dữ.
Mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê đã áp dụng đồng thời thai giáo cảm xúc, thai giáo mỹ thuật và thai giáo ngôn ngữ. Việc ngắm hoa hằng ngày là thai giáo mỹ thuật. Trò chuyện cùng bà con lối xóm là thai giáo ngôn ngữ. Luôn giữ tâm trạng vui vẻ là thai giáo cảm xúc. Qua đó thấy rằng, thai giáo thực chất là những việc làm rất gần gũi trong đời sống hằng ngày, không phải là những kiến thức cao siêu.
Mẹ của Giáo sư cũng thường dành thời gian đọc sách. Cậu Năm chọn cho bà những cuốn sách có tính giáo dục cao như Cổ học tinh hoa, Luận ngữ, Nhị thập tứ hiếu, Gia huấn ca…
Đọc sách là thai giáo tri thức. Điều này giúp người mẹ có thêm kiến thức trong thời gian mang thai, đồng thời giúp thai nhi thông minh ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Mỗi ngày, cậu Năm mang sáo đến thổi những bản nhạc truyền thống của đờn ca tài tử miền Tây cho mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê nghe. Thỉnh thoảng, cậu nói với bào thai: “Bé ơi, cậu thổi cho con nghe bài Lý bốn mùa nghen”.
Thổi sáo và trò chuyện chính là thai giáo âm nhạc và thai giáo ngôn ngữ. Đây là hai hình thức thai giáo đặc biệt quan trọng với sự phát triển của thai nhi.
Cậu Năm thỉnh thoảng đọc thơ Đường cho mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê nghe. Dần dần, bà đã thuộc những bài thơ hay và thường ngâm những bài thơ đó cho đứa con trong bụng nghe.
Việc học những bài thơ Đường của mẹ giáo sư Trần Văn Khê chính là thai giáo tri thức. Và khi ngâm những bài thơ đó, bà đang thực hành thai giáo ngôn ngữ cho thai nhi của mình. Hoạt động này góp công lớn vào khả năng cảm thụ nghệ thuật của thai nhi sau khi ra đời.
Cậu Năm không cho mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê đi xem hát Bội, còn gọi là hát tuồng, bởi loại hình nghệ thuật này có những vai nét mặt vằn vện, hung dữ. Trong phòng ngủ của mẹ Giáo sư, cậu Năm cho treo bộ tranh Tố Nữ có hình bốn cô gái xinh đẹp đang dạo đàn.
Những việc làm này chính là điển hình của thai giáo liên tưởng và thai giáo mỹ thuật. Thai giáo liên tưởng là từ sự việc này nghĩ đến sự việc khác. Vì vậy, khi mang thai, người mẹ không nên nhìn những dung mạo hung dữ để tránh ảnh hưởng xấu tới tâm trạng của mình và hình tướng của thai nhi. Việc ngắm nhìn những bức tranh xinh đẹp và dịu dàng như tranh Tố Nữ chính là thai giáo mỹ thuật. Điều này giúp mẹ và bé có những giây phút dễ chịu, thoải mái. Thai nhi sau khi được sinh ra sẽ có xu hướng yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật.
Mợ Năm từng làm việc trong nhà hộ sinh. Hằng ngày, mợ theo dõi sự phát triển của Giáo sư Trần Văn Khê trong bụng mẹ. Mỗi khi thấy thai nhi đạp, mợ vuốt ve và nói: “Con ơi, đừng đạp mạnh má đau nghe con”. Mợ Năm cũng khuyên mẹ của Giáo sư nên vừa vuốt ve ngoài bụng, vừa trò chuyện với con.
Vuốt ve, ôm ấp thai nhi trong bụng mẹ chính là hình thức thai giáo xúc giác dễ làm và hiệu quả nhất. Việc này kết hợp với trò chuyện – thai giáo ngôn ngữ sẽ đem lại những tác dụng tuyệt vời. Thai nhi sẽ cảm thấy mình đang được ôm ấp, che chở, yêu thương. Những em bé này khi trưởng thành thường có chỉ số cảm xúc EQ cao, biết cách lắng nghe và bộc lộ tình cảm với những người xung quanh.
Khi có thai, nếu mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê thèm món gì, cậu mợ Năm sẽ cho bà ăn ngay món đó.
Đây chính là hình thức thai giáo dinh dưỡng kết hợp thai giáo cảm xúc. Người mẹ vừa được ăn các món ngon giàu dưỡng chất, vừa cảm thấy hạnh phúc vì mình được yêu thương và quan tâm. Điều này rất tốt cho sự phát triển cả thể chất và tâm lý của thai nhi.
9 tháng nằm trong bụng mẹ, Giáo sư Trần Văn Khê thường xuyên được nghe tiếng đàn ca của mọi người trong gia đình: cậu Năm thổi sáo, ông chơi đàn tỳ bà, cô Ba chơi đàn tranh, ba chơi đàn kìm.
Hình thức thai giáo âm nhạc “đồng lòng nhất trí” của cả đại gia đình đã giúp Giáo sư Trần Văn Khê thấm nhuần các giai điệu âm nhạc dân tộc.
Giáo sư từng tâm sự: “Tôi nghĩ mình rất may mắn vì đã được cả gia đình thực hiện việc thai giáo. Mặc dù ngày đó mọi người không đọc sách vở về môn này nhưng đã làm những điều rất phù hợp với phương pháp thai giáo hiện nay”.
* * *
Mình chia sẻ ba ví dụ này để các mẹ hiểu về vai trò của thai giáo, tất nhiên không phải cứ thai giáo thì con sinh ra sẽ thành thiên tài. Tuy nhiên, nếu không thai giáo thì các mẹ đang bỏ lỡ một cơ hội quá tốt để giúp cả mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh. Cơ hội này chỉ tới khi bạn đang mang bầu, sau này sẽ không còn nữa. Nhiều mẹ đã tâm sự với mình rằng họ rất nuối tiếc vì không biết đến thai giáo sớm hơn.
Sau khi nắm được vai trò và tác dụng của thai giáo, trong chương sau, chúng ta sẽ tiếp tục đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác về những khả năng không tưởng của thai nhi ngay khi còn trong bụng mẹ.
Tóm lược chương 2
Thai giáo mang lại lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé. Dưới đây là những lợi ích của thai giáo đối với bé:
Giúp phát triển IQ, EQ vượt trội. Ăn ngoan, ngủ ngoan, ít quấy khóc.
Phát triển thể chất khỏe mạnh, cứng cáp khi ra đời.
Phát triển khả năng ngôn ngữ, năng khiếu nghệ thuật.
Độc lập, hòa đồng, ý chí kiên cường.
Lợi ích dành cho bố mẹ:
Thoải mái về tinh thần, tránh cảm xúc tiêu cực.
Giúp mẹ cải thiện sức khỏe, hạn chế phần nào các triệu chứng không mong muốn trong thời gian mang bầu như ốm nghén, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt…
Giúp bố dành nhiều thời gian hơn để thấu hiểu và chăm sóc mẹ và bé.
Được chuẩn bị tinh thần làm cha mẹ từ sớm. Nhờ đó khi bé ra đời, bố mẹ tự tin hơn, không bỡ ngỡ hoặc “bị sốc” vì sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình.
Giúp mẹ dễ sinh do có một thai kỳ lành mạnh.