Chà, chắc các mẹ vẫn chưa hết ngạc nhiên khi thấy một ông bố chia sẻ về thai giáo, ở Việt Nam chắc không có người thứ hai. Công việc hằng ngày của mình là tư vấn về thai giáo cho các mẹ bầu. Thông qua tâm sự của các mẹ, có rất nhiều câu chuyện về thai giáo, mang thai, nuôi dạy con thú vị mà dần dần mình sẽ chia sẻ trong các chương tiếp theo.
Ở thời điểm mình viết những dòng đầu tiên của cuốn sách này, có một bộ phim Hàn Quốc được các mẹ đặc biệt yêu thích, đó là Reply 1988 (Lời hồi đáp 1988). Nội dung bộ phim đan xen giữa hiện tại và quá khứ, kể về thanh xuân của nhóm bạn thân năm người, ca ngợi tình cảm gia đình, quan hệ xóm giềng, bạn bè và tình yêu đôi lứa.
Trong phim có một tình tiết thú vị mà mình nhớ mãi, đó là mẹ của nhân vật chính Sung Duk-sun rất bực mình vì chồng bà thường xuyên mang tiền giúp đỡ người khác dù gia đình không hề khá giả.
Một hôm khi chồng đi làm về, bà hỏi chồng hôm nay lại mang tiền giúp ai vậy? Người chồng nói rằng ông giúp một người bạn đang bán hàng nhưng có cuộc sống rất khó khăn, ông mua hàng ủng hộ người bạn đó. Người vợ hỏi ông là mặt hàng gì, ông trả lời đó là băng nhạc dành cho... BÀ BẦU VÀ THAI NHI.
Trong khi thai giáo mới chỉ phổ biến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây thì từ năm 1988, Hàn Quốc đã sản xuất những băng nhạc chuyên cho mẹ bầu. Thai giáo âm nhạc là một cách thai giáo hiệu quả và dễ làm nhất, nên được thực hiện hằng ngày.
Và ở Việt Nam, nhắc đến thai giáo, đa số các mẹ sẽ nghĩ ngay đến cho thai nhi nghe nhạc. Điều này không có gì sai nhưng chưa đầy đủ. Vợ mình và mình khi bắt đầu thai giáo cho bé Heo cũng bằng những bản nhạc giao hưởng.
Trải qua thời gian tìm hiểu, áp dụng thai giáo với bé Heo cũng như kinh nghiệm tư vấn, chia sẻ với hàng chục ngàn mẹ bầu, mình hy vọng những giải thích, chia sẻ từ vợ chồng mình sẽ giúp bạn có một góc nhìn đơn giản, dễ hiểu và quan trọng là MỚI LẠ hơn về thai giáo.
Nếu tìm kiếm định nghĩa thai giáo trên mạng hoặc đọc trong một số sách thai giáo, mẹ sẽ thấy vô cùng khó hiểu, đọc xong không biết nên bắt đầu như thế nào. Việc này rất giống với hoàn cảnh hai vợ chồng mình ban đầu khi mới áp dụng thai giáo.
Bạn rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” với các thông tin trên mạng. Bạn có thể tìm thấy ngay những bài viết rất hay về tác dụng của thai giáo, nhưng khi đọc xong, bạn bỗng sẽ tự hỏi: tối nay nên thai giáo cho con như thế nào nhỉ, nên làm hoạt động gì nhỉ, nên cho con nghe thể loại nhạc gì đây… Rất nhiều thắc mắc bỗng xuất hiện trong đầu bạn. Thậm chí, nhiều mẹ còn tưởng thai giáo là hướng dẫn để… có thai!! Nếu chưa tin, bạn có thể lên mạng và gõ cụm từ “Thai giáo là gì” nhé.
Qua đó có thể thấy, bé đủ duyên, đủ may mắn mới được mẹ thai giáo đầy đủ tới ngày ra đời. Thai giáo ban đầu sẽ rất mơ hồ với người mới, không phải ai cũng sẵn sàng dành thời gian tìm hiểu. Khi không thực sự hiểu, lại sẵn mệt mỏi trong người khi bầu bí nên đa số các mẹ bỏ cuộc, bé mất đi cơ hội vàng để phát triển cả về thể chất và tinh thần ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Thai giáo, theo cách hiểu đơn giản, là các hoạt động để giúp thai nhi phát triển tốt ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bằng nhiều cách khác nhau, người mẹ sẽ truyền tới thai nhi chất dinh dưỡng, trí tuệ và cảm xúc. Ba yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi cả trước và sau khi ra đời.
Từ “Thai giáo” (Taijiao - thai giáo trong tiếng Trung Quốc) được ghép bởi hai từ: Thai và Giáo. Thai nghĩa là thai nhi và Giáo là giáo dục. Thai giáo đã có lịch sử hơn 3.600 năm tại Trung Quốc. Tới thời nhà Hán, thai giáo phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần quan trọng trong văn hóa mang thai, nuôi dạy con của người dân nước này 1. Theo đó, thai nhi sẽ phát triển tốt hơn cả về thể chất và trí tuệ nếu bố mẹ áp dụng các hoạt động thai giáo.
Trở lại khi hai vợ chồng mình tìm hiểu thai giáo là gì, mình có mang thắc mắc này đi hỏi mẹ mình. Mẹ mình chưa nghe thấy khái niệm này bao giờ, thậm chí còn quả quyết: “Xời, mày cứ vẽ chuyện, ngày xưa các cụ đẻ sòn sòn có thai giáo gì đâu, thế mà con vẫn mét tám, hai mét; vẫn giáo sư, bác sĩ đầy đường, cần gì phải thai giáo…!”
1 Li SY. On the fetal education of Han Dynasty. J Xianyang Normal Univ. 2009;23: 23e25 (in Chinese).
Mình tiếp tục mang thắc mắc này đi hỏi sếp ở công ty, dù đã có hai con nhưng chị cũng không thực sự quan tâm đến thai giáo và chưa từng thử trước đó. Theo lời của chị, hai bé nhà chị phát triển vẫn “rất... ok” dù không được mẹ thai giáo!
Mình hỏi quanh đồng nghiệp, đa số các anh còn đang bận sự nghiệp, cũng không để ý đến vợ ở nhà có thai giáo không và thai giáo là gì.
Vậy ngày xưa các cụ có thai giáo cho con không mà sau này con vẫn thành giáo sư, tiến sĩ; vẫn cao mét tám có thua ai đâu, vẫn… ok như lời chị sếp mình kể?
Thật ra các cụ vẫn thai giáo mà không biết đấy thôi. Thai giáo có hình thức trực tiếp (xoa bụng, nghe nhạc, nói chuyện...) và cả gián tiếp (thai giáo tinh thần, dinh dưỡng...). Có thể các cụ không làm nhiều về thai giáo trực tiếp nhưng lại thai giáo gián tiếp rất tốt. Mẹ đừng để ý đến các khái niệm này vội, dần dần mình sẽ giúp mẹ làm quen trong các chương sau nhé.
Tới đây, mẹ có thể hiểu thai giáo theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, dù chứa từ “giáo” nhưng thai giáo không nên được hiểu theo hướng giáo dục hay dạy dỗ… Việc này tạo ra áp lực phải giáo dục sớm cho con một cách không chính đáng. Thai giáo nên hiểu theo hướng truyền đạt tình yêu thương. Thai giáo chính là cảm xúc của mẹ và thái độ ân cần của bố.
Thai giáo chính là cảm xúc của mẹ và thái độ ân cần của bố.
Khi mình chia sẻ, tư vấn thai giáo cho các mẹ bầu, cuối mỗi cuộc trao đổi luôn là câu hỏi: “Chồng em có cần làm gì [để thai giáo cho con] không? Làm cách nào để chồng chịu thai giáo cùng em?” Hiểu theo nghĩa rộng hơn, câu hỏi này mang hàm ý: Làm thế nào để chồng sẽ cùng vợ nuôi dạy con cái, hay đơn giản là chia sẻ bớt gánh nặng khi vợ mang bầu?
Những băn khoăn, trăn trở này phần nào cho thấy sự “đơn độc” của các mẹ trong việc thai giáo, mang bầu, nuôi con... Đây cũng chính là lý do mình viết cuốn sách này. Với góc nhìn từ một người chồng, một ông bố, các mẹ sẽ dần nắm được cách “lôi kéo” chồng tham gia vào các hoạt động nuôi dạy con mà điểm khởi đầu chính là thai giáo.
Giải thích về thai giáo với chồng như thế nào?
Nếu ví hành trình mang thai, nuôi dạy con như một cán cân thì mẹ và bố chính là hai đầu của cán cân đó. Vai trò và trách nhiệm của bố mẹ đều quan trọng như nhau trong hành trình này.
Để chồng cùng tham gia thai giáo cũng như các hoạt động nuôi dạy con trong gia đình, mẹ cần biết cách giải thích, thuyết phục cũng như làm cùng chồng các hoạt động này.
Tác giả Akira Ikegawa khi viết cuốn Mẹ Nhật thai giáo có nói: “Tình phụ tử có sức mạnh rất lớn, một khi người cha đã tham gia nuôi dạy con thì họ dồn năng lượng còn hơn cả phụ nữ”. Thật vậy, nếu có thể tận dụng được nguồn “năng lượng” này, việc nuôi con sẽ không chỉ là của một mình mẹ nữa.
Khi vợ mình mới mang bầu bé Heo, một phần do công việc của mình rất bận rộn, một phần cũng chưa hiểu rõ thai giáo là gì nên vợ mình thai giáo cho Heo là chủ yếu. Chính vợ mình là người đã “rủ” mình thai giáo, thuyết phục mình dành thời gian cho con. Sau này ngẫm lại, đây đúng là may mắn với gia đình mình. Sẽ rất đáng tiếc nếu cả bố và mẹ không thể cùng tham gia thai giáo cho bé vì thai giáo thật ra rất đơn giản, không mất nhiều thời gian như trong tưởng tượng của các “đức ông chồng”.
Ban đầu, nếu vợ mình chỉ rủ một cách đơn thuần: “Anh thai giáo cho con đi”, có lẽ mình đã không tham gia. Thay vì gắng giải thích thai giáo là gì, vợ mình đã kéo mình cùng thai giáo cho con từ những ngày đầu. Mỗi tối trước khi đi ngủ, vợ lại rủ:
“Anh thơm con đi, thơm bụng em đi, thơm bụng em cũng là anh đang thơm con đó”.
Khi mình xoa bụng, vợ mình lại thì thầm với con: “Con có thấy bàn tay của bố không, tay bố tuy thô ráp nhưng rất ấm áp đấy, sau này con ra đời bố sẽ bế con, bố sẽ cắt dây rốn cho con…”
“Anh kể chuyện cho con và em nghe đi, hôm nay ở công ty anh có gì vui, anh mới được tăng lương phải không…”
Bắt đầu với 1-2 buổi/tuần, sau tăng lên 3-5 buổi, rồi dần dần tối nào mình cũng thai giáo cho con, thai giáo thành thói quen lúc nào không hay. Đến lúc này vợ mình mới giải thích cho mình hiểu rằng các hoạt động mình làm mỗi tối chính là thai giáo, rằng thai giáo tốt cho con như thế nào và mình nên dành thời gian cho con ra sao.
Một số mẹo mà vợ mình đã dùng khi rủ mình thai giáo:
1. Kéo chồng tham gia ngay vào các hoạt động thai giáo đơn giản, có thể ban đầu chưa cần giải thích nhiều, như: nghe nhạc thai giáo, nâng niu bụng bầu, nói chuyện với con...
2. Tránh dùng những từ ngữ khó hiểu khi giải thích. Mẹ chỉ cần khiến chồng hiểu cốt lõi của các hoạt động thai giáo:
- Thai giáo chính là tâm trạng của mẹ, bố đừng làm gì khiến mẹ buồn, suy nghĩ, âu lo vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến em bé trong bụng.
- Làm cùng mẹ một số hoạt động thai giáo đơn giản mỗi tối, việc này không tốn nhiều thời gian của bố mà lại giúp con phát triển tốt.
3. Chọn thời điểm trao đổi là điều rất quan trọng, không nên cố gắng giải thích, thuyết phục khi chồng chưa sẵn sàng nghe. Thời điểm thích hợp là khi ngồi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ.
Các mẹ ạ, đôi lúc trong cuộc sống hối hả, chúng ta (những ông bố, bà mẹ – đặc biệt là các ông bố) lại quên mất những điều quan trọng cần với trẻ. Bố mẹ biết không, điều quan trọng nhất với trẻ, đặc biệt trong 5 năm đầu đời, không phải là của cải, đồ chơi đắt tiền,... mà chính là thời gian bạn và trẻ cùng vui chơi, trò chuyện và những bài học giáo dục trẻ được dạy. Đây là một câu nói rất nổi tiếng của Nhà Nobel Kinh tế năm 2000, GS. James Heckman về đầu tư: “Đầu tư vào sự phát triển của trẻ là khoản đầu tư rất rất hời, 1 lời 7, còn cao hơn khoản lời về kinh tế của nước Mỹ trong những năm 1945-2008. Nhà đầu tư thông minh nhất là những người cha người mẹ biết cách đầu tư sớm cho con của họ”. Chúc bố mẹ luôn là những nhà đầu tư thông minh nhất.
Tóm lược chương 1
Thai giáo, theo cách hiểu đơn giản, là các hoạt động để giúp thai nhi phát triển tốt ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bằng nhiều cách khác nhau, người mẹ sẽ truyền tới thai nhi chất dinh dưỡng, trí tuệ và cảm xúc. Ba yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi cả trước và sau khi ra đời.
Thai giáo chính là cảm xúc của mẹ và thái độ ân cần của bố.
Để giúp chồng hiểu về thai giáo và thuyết phục chồng cùng tham gia thai giáo cũng như các hoạt động nuôi dạy con sau này, ban đầu, mẹ nên làm cùng chồng các hoạt động thai giáo đơn giản vào mỗi buổi tối.
Chọn thời điểm phù hợp để tâm sự với chồng về thai giáo, tác dụng của thai giáo, vai trò quan trọng của việc dành thời gian cho bé.