17

Sảm Thông hơn ba mươi năm sau cuộc chiến trong mắt chúng tôi là phố thị yên ả, với những chòm nhà gỗ, những sập bách hóa, những vườn cây trái, những con đường trẻ con đi học, đâu đó có tiếng chuông chùa. Khăm Xỉ nói với tôi và Bua, sau giải phóng Sảm Thông chừng một tuần, anh và Tỉnh đội trưởng Xiêng Khoảng - ông Xỉ Phăn Đon vào thung lũng này để nghiên cứu địa hình và trận địa phòng ngự của địch, vì lúc đó, mặt trận cho rằng, tuy giải phóng Sảm Thông, nhưng giữ thung lũng, phải chờ một cơ hội khác, cơ hội cùng với cả bán đảo Đông Dương tổng tiến công trận đánh cuối cùng, phải chuẩn bị từ cuối mùa khô 1973. Đó là kế hoạch của cấp chiến lược. Riêng người lính chỉ biết sau giải phóng Sảm Thông, cuộc chiến đấu với họ không ngừng một ngày để thở, lại tiếp tục, ác liệt hơn, khốc liệt hơn, đánh giặc trên dãy núi cao hai ngàn mét, ngăn cách Sảm Thông và Loong Chẹng, cả ta và địch đều gọi là dãy Nhà Trời. Đây là tuyến phỏng thủ cuối cùng bảo vệ thủ phủ Loong Chẹng của Vàng Pao. Mất tuyến phòng thủ này, Loong Chẹng không thể đứng vững một giờ.

Phải nhờ đến anh Bun Chăn ở Huyện đội, Xay Xổm, Bun dẫn ba chúng tôi lên điểm cao Mâm Xôi nằm trong dãy Nhà Trời. Trước khi bộ đội đánh vào Sảm Thông, Bun Chăn là du kích xã, đi tải thương. Vất vả nhất với đội tải thương là mang thi thể đồng đội từ lưng chừng núi đá xuống bãi tập kết để mai táng. Chết ở núi đất khác núi đá, Bun Chăn nói. Ở núi đất cái thi thể còn mềm mại, chứ chết trên núi đá, cái thi thể như đã hơ qua lửa, héo và khô lại. Cho nên anh em hy sinh trên núi đá thì cõng xác trên lưng được, cõng như cõng người ốm đưa về bãi tập trung cho bộ đội lo mai táng. Có lần Bun Chăn đang cõng, thấy cái thi thể trên lưng cựa quậy. Anh vội đặt xuống. Thì ra anh bộ đội bị ngất vì bom phạt, bỗng tỉnh lại. Thay vì cõng về bãi xác, Bun Chăn cõng anh bộ đội về trạm xá. Hết chiến dịch, hai người gặp lại nhau. Bun Chăn bảo: “Hôm ấy, may mà trên núi đá không đào được huyệt, chứ ở núi đất thì tôi chôn anh rồi”. Anh bộ đội Việt Nam cười: “Tôi xuống đến cửa âm phủ, thấy ở dưới ấy chán quá, tối đen như mực, nên lộn lại, để đánh nhau tiếp”. Họ kết nghĩa anh em, bằng nghi lễ mỗi người tự nhỏ một giọt máu hòa vào cốc rượu, cùng uống. Mới rồi anh bộ đội Bun Chăn cứu sống thăm lại Sảm Thông. Gặp nhau, người ấy mời Bun Chăn đi thăm Việt Nam một chuyến. Bun Chăn bảo Tết này thì anh đi thăm anh em kết nghĩa.

Đường lên cao điểm Mâm Xôi là vách đá tai mèo. Đường này nói là đi, nhưng thực là bò. Chân đặt vào gờ đá, rồi tay bám vào vách, lôi người lên. Đang mùa khô, lau héo, lá sắc như dao cạo, cứa lên da thịt người rẽ lau mở lối. Trên đường lên đỉnh cao, thỉnh thoảng gặp một hố đá moi sâu chừng non nửa mét. Đó là hố công sự ngày xua còn lại. Anh em vây ép đồn địch trên đỉnh núi đá, người nào cũng phải tự mình dùng dao găm và xẻng nạy từng mảnh đá đắp thành cái công sự, thường chỉ chui lọt phần đầu, che cái đầu, còn lưng và mông thì kệ, giá có bị mảnh xuyên cũng chưa chết ngay.

Đi vài giờ, chúng tôi mới leo lên được lưng chừng núi. Ngày bộ đội Trung đoàn Tình nguyện vây ép tiểu đoàn Thái đổ bộ lên đỉnh cao điểm này, anh em phải đi năm giờ xuống khe nước dưới chân, rồi bảy giờ đi lên mới có nước uống cho bộ đội. Cũng do bộ đội kêu thiếu nước, khát bỏng họng mà chỉ dám uống nhỏ giọt, mà Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tình nguyện nghĩ ra kế, vây cho địch chết khát, bắt chúng phải đầu hàng hoặc rút chạy, không cần đánh. Diệu kế này phải chặn đường tiếp nước của địch. Hàng ngày địch tiếp nước bằng máy bay trực thăng. Anh em dùng hỏa lực 12,7 ly, thậm chí cả CKC nòng dài khống chế không cho trực thăng hạ xuống đỉnh núi tiếp nước. Không cần nhiều, ba khẩu 12,7 ly được trao cho những chiến sĩ khỏe nhất, có khả năng vác súng chạy trên lèn đá tai mèo là đủ sức chặn đường nước của địch. Buổi sáng, lợi dụng lúc đỉnh cao còn mây mù, trực thăng bay đến tiếp nước. Những khẩu 12,7 ly lên tiếng. Ba lần bảy lượt trực thăng không thể đáp xuống đỉnh núi, phải vọt lên cao, vãi nước xuống, rơi vào đâu thì rơi. Hầu hết những lần trực thăng vãi nước xuống đều dội lên đầu lính ta, mát tỉnh người. Ba ngày vây ép, bộ đội không chỉ chặn đường tiếp nước mà dần dâng cao ép chặt cao điểm cả bốn phía. Để địch không thể ngoi đầu lên bắn phá ra xung quanh, hai trận địa pháo ta thu được của tiểu đoàn pháo Thái Lan ở Sảm Thông cho quay đầu bắn lên cao điểm lính Thái đang cháy cổ. Đi cùng với Tiểu đoàn Xung kích, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tình nguyện nói với ông Hợi - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xung kích lúc đó đang cùng lính treo người trên vách đá dựng:

“Thằng địch chỉ chịu khát đến ngày hôm nay thôi, ta không xung phong thì nó cũng chạy”.

Tiểu đoàn trưởng Hợi bảo:

“Vậy xin anh để em cho bộ đội xung phong”.

Trung đoàn trưởng Ngân bảo:

“Hôm nay nắng, cứ nướng bọn Thái một buổi trưa cho chúng héo quắt lại”.

Tuy nhiên quá trưa, thời tiết bỗng giở quẻ, đang nắng mây đen đùng đùng kéo đến. Trung đoàn trưởng gọi điện cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xung kích:

“Mưa đổ xuống bây giờ thì hỏng việc. Cậu cho lính xung phong trước khi có thể mưa”.

Treo mình trên vách đá mấy ngày chồn chân, nay được lệnh xung phong, lính ta tung thang dây, chờ pháo chuyển làn thì lao lên đỉnh. Trận đánh đúng kế hoạch như diễn tập. Pháo vừa ngưng, địch chưa kịp hoàn hồn, đã thấy bộ đội anh nào máu cũng đỏ ở hai bàn tay vì bấu vào vách đá, nhô lên bắn xối xả. Nhiều tốp lính Thái chưa kịp bắn đã giơ tay hàng sau quả B-40 của Hoàng Đăng Miện bắn sập căn lán là sở chỉ huy tiểu đoàn. Một tình huống bất ngờ cả Tiểu đoàn trưởng Hợi cũng không lường được nên ứng xử thế nào. Ấy là trong đám tù binh mặt mày nhớn nhác và sợ sệt, có tay tự xưng là chỉ huy tiểu đoàn. Vốn tiếng Thái của Tiểu đội trưởng Tiểu đội bộ binh xung kích không nhiều, mới chỉ hỏi tên chỉ huy được một câu tên là gì, thì hắn bất ngờ cất tiếng lầu bầu. Lúc đầu anh em lại tưởng hắn kêu la gì đó. Nghe vài câu, anh em mới nhận ra hắn hát bài hát kết đoàn quen thuộc của lính ta từ thời đầu kháng chiến chống Pháp:

Kết đoàn chúng ta là sức mạnh.

Kết đoàn chúng ta là sắt gang…

Hắn phát âm tiếng Việt ngọng líu ngọng lô, nhưng lính ta lại khoái, xúm quanh vỗ tay cho hắn hát. Được anh em ta vỗ tay, hắn càng hát hăng. Cậu lính đứng bên mở nắp bi đông nước, đưa cho hắn, bảo, uống đi, rồi hát tiếp. Uống no nước, hắn hát to lên, mặt mũi tưng bừng chứ không xám ngoét như khi quân ta vừa bắt sống. Hắn không chỉ hát còn vung chân tay làm điệu bộ như vừa hành quân vừa hát. Bỗng có cậu lính thông tin chạy lại, đưa cho tiểu đoàn trưởng Hợi cái ống nghe:

“Thủ trưởng có điện thoại”.

Tiểu đoàn trưởng vừa áp ống nghe vào tai, rồi quay ra nói với Tiểu đội trưởng đứng bên:

“Thôi, nghe hát thế đủ rồi. Dẫn tù binh về trao cho các bạn Lào xử lý”.

Anh em phiên dịch cho viên tù binh biết là dừng hát, để bộ đội Tình nguyện dẫn đi trao lại cho quân Pa-thét Lào. Hắn khóc òa, ôm lấy cả hai chân Tiểu đoàn trưởng Hợi, xin làm tù binh bộ đội Việt, dẫn đi tới đâu cũng được. Anh em giải thích rất lâu, hắn mới chịu để cho dẫn đi.

Bây giờ chúng tôi đứng trên đỉnh Mâm Xôi nhìn xuống Loong Chẹng, giống như đứng trên nóc nhà nhìn xuống sân. Những ngóc ngách của Loong Chẹng đều phơi bày trong nắng chiều chói chang.

Bun Chăn chỉ xuống thung lũng bảo:

- Cái nhà hai tầng kia là nhà của Vàng Pao. Hắn có tám bà vợ, rải ra tám nơi. Cho nên Vàng Pao mỗi đêm ở một chỗ. Thời bộ đội ta đánh dãy Nhà Trời, chưa chắc Vàng Pao ở trong ngôi nhà hai tầng, vì đó là mục tiêu của pháo kích.

Lúc xuống núi, tôi cố ý lùi lại, đi sau tốp người. Từ con đường núi Mâm Xôi này, nhìn về phía đông bắc thấy ngọn Phu Xay. Từ Phu Xay có con dốc đá chạy xuống Loong Chẹng. Đấy là con đường bộ từ thung lũng Loong Chẹng đi ra bên ngoài Cánh Đồng Chum. Đối diện với dốc đá về phía bên kia núi, chính là Hin Tạng thứ chín, nơi lính phỉ Vàng Pao chọn làm nơi hành hình những chiến sĩ của ta mà chúng bắt được trong các cuộc càn và sàng lọc trong dân chúng. Khăm Xỉ nói, dưới chân vách đá trắng nhiều bộ hài cốt. Những chiến sĩ vô danh ngã xuống nơi này. Chiến công của họ, nhiều người biết, nhưng nơi họ ngã xuống không ai biết. Họ mất tích trong cuộc chiến đấu. Có thể bố tôi từng nằm dưới thung lũng đá đó. Tôi muốn đến thung lũng đá để thắp nén nhang, cầu khấn cho những linh hồn vô danh mất tích ở đây. Nhưng, lại một lần nữa, tôi không thể bước tới vì không có kế hoạch trong chuyến đi của Khăm Xỉ.

Tối nhọ mặt, chúng tôi mới quay về đến Sảm Thông.

Bun Chăn bảo:

- Các anh đến Sảm Thông mà không để cô Bua thăm bạn cũ hay sao?

Bua hỏi:

- Là ai, Bua nhớ không?

Bun Chăn nói:

- Cứ nghĩ đi, tôi nói sau.

Nhưng Bua chưa kịp nghĩ, Bun Chăn đã nói, người cũ mà Bua cần thăm là anh Xay Xổm, bạn cùng Đội Công tác với Bua hồi nào.

Nghe Bun Chăn nói, Bua kêu lên:

- Giàng ơi, anh Xay Xổm ở tận đây ư?

Bun Chăn bảo:

- Cô nghĩ Sảm Thông heo hút lắm à?

- Em chỉ không ngờ. Em chỉ biết cái đoạn anh Xay Xổm đi Việt Nam học mà loanh quanh thế nào…

Chiều tối gặp lại nhau mới hiểu cuộc đời Xay Xổm thay đổi từ chuyến đi Việt Nam học. Anh học Trường Quân chính của Quân khu Bốn. Cả học văn hóa, cả học binh nghiệp mất ba năm. Trong ba năm đó, kết quả lớn Xay Xổm giành được là yêu được một cô gái Xứ Nghệ vừa đẹp người vừa đẹp nết. Xay Xổm chạy vạy thủ tục suốt hai năm, để hết khóa học, dẫn về Sảm Thông một cô dâu Việt.

Vừa gặp nhau, Xay Xổm ra cửa gọi vợ về bảo tối nay chiêu đãi bạn chiến đấu trong rừng ở rìa thị trấn. Chẳng ở đâu lại có khu rừng thơm ngát như rừng bách xanh này, nên từ những năm trước, nhiều nhà ở Sảm Thông có khách quý thì dẫn vào rừng thơm liên hoan trong các quán nhỏ và các homestay dân làm du lịch đã dựng trong đó. Vào quán, Xay Xổm gọi thịt gà hấp lá chanh đãi khách. Mâm cơm tiếp khách của vợ chồng Xay Xổm đã là cách tiếp khách của người Việt, không phải của người Lào, đến bữa thì có cơm xa ma khi như ở nhà ông Tín, bà Duông hồi nào. Hai dân tộc chung vai đánh giặc, rồi bây giờ, hòa vào nhau, nên lối sống cũng gần gụi nhau, không còn nhiều cách biệt.

Vui chuyện trong bữa cơm, Xay Xổm bỗng quay nhìn Bua, bảo:

- Anh Nghi mất. Chẳng lẽ chị Bua cứ đứng một mình mãi à?

Bua cười trừ với Xay Xổm.

Đến cuối bữa, tôi cùng Bua thả bộ theo con đường nhỏ của khu du lịch, Bua quay sang tôi, hỏi:

- Theo ý anh thì Bua nên thế nào về lời khuyên của anh Xay Xổm?

Tôi chưa kịp trả lời Bua thì cả hai đã bước đến trước ngôi chùa nhỏ trong rừng, chắc là của một gia đình phật tử nào phát công dựng lên, chỉ thờ một vị pháp thân. Ngài ngồi trong tháp hoa, mắt hiền từ nhìn thẳng, đôi môi đầy đặn hé mở như đang nói với chúng sinh. Bua chắp tay thành kính trước tượng Phật hồi lâu, rồi quay ra với gương mặt từ bi, nói với tôi:

- Bua vừa nghe được lời của vị pháp thân. Ngài dạy, tất cả mọi điều xảy ra với Bua đều là những điều nên xảy ra và cần buông bỏ để được an nhiên. Đừng làm đảo lộn cuộc sống vì sự thúc đẩy của thực tại mà vướng vào tục lụy...

Bua nói vậy, tôi còn biết khuyên điều gì với em?

Khởi thảo tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức (10-2019)

Hoàn thành tại Nhà sáng tác Nha Trang (5-2020)