Chúng tôi đi vào khu Trăm Nhà trong lòng Sảm Thông.
Thời Vàng Pao, nếu như Loong Chẹng là Thủ đô Ánh Sáng (Loong Chẹng, nghĩa là ánh sáng), nơi hàng vạn binh lính quân đặc biệt, cố vấn Mỹ và gần vạn dân tộc Lào Sủng, Lào Cang ở dày đặc; Mỹ có gì thì ở đây cũng có vậy, đủ từ sân bay, trường võ bị, sở chỉ huy quân đồn trú, trung tâm mã thám, đến nhà hàng, ngân hàng, sòng bạc, ổ chứa gái thì thung lũng Sảm Thông ở phía bắc, được coi là tiền đồn bảo vệ thủ đô. Ở khu tiền đồn có khu Trăm Nhà - một điển hình về chính sách bình định của Vàng Pao. Trăm Nhà chỉ là tên gọi ban đầu, thực chất khu dân cư có vài trăm nhà. Nhà nước Loong Chẹng bỏ tiền xây cất khu Trăm Nhà, rồi đi càn ép dân về đây không chỉ những gia đình người Lào Sủng mà có cả các gia đình tộc người khác như Lào Cang, Lào Thơng, Lào Lum… Dân khu Trăm Nhà nhà nào cũng phải có chồng, con em đi lính Vàng Pao. Đó là bắt buộc để gia đình và binh lính ràng buộc, cùng sống chết chống cộng sản, không ai được bỏ chạy. Dân Trăm Nhà tổ chức thành các tổ, đội, và đoàn. Đội trưởng trở lên đều được phát súng, còn dân chúng thì phát công cụ sản xuất đồng thời có thể làm vũ khí thô sơ như dao quắm cán dài và giáo mác. Ngày lên rẫy, các đội trưởng quản lý việc làm, chấm công cho từng người. Sau mùa thu hoạch, các đội tập luyện quân sự, đi đào hào, làm đường, làm trận địa cho binh lính. Khu Trăm Nhà là dân binh, vừa sản xuất, vừa là các trạm gác nối dài của đồn lính, cảnh giác hoạt động của quân cách mạng. Trong chiến dịch giải phóng Sảm Thông, người lọt vào khu Trăm Nhà đầu tiên là các chiến sĩ trinh sát của Pa-thét Lào. Họ chọn những gia đình người Lào Cang, Lào Thơng, Lào Lum từng gắn bó với bộ đội Xu-pha-nu-vông thời còn ở vùng giải phóng ngoài Xiêng Khoảng, Buôm Lọng, Mường Xủi đến trước. Hóa ra, dù bị địch o bế nhiều năm nhưng bà con vẫn không quên được quê hương bản quán, không quên cái tình với bộ đội cách mạng. Vì thế, mặc trong tầm súng của đồn quân đặc biệt ở sau lưng, một vài gia đình Lào Cang, Lào Thơng vẫn cất giấu bộ đội Pa-thét trong nhà. Theo chân các trinh sát Pa-thét Lào, ông Nghi cũng lọt vào được khu Trăm Nhà. Nhiệm vụ của ông Nghi là vận động bà con nằm im khi thấy bộ đội Tình nguyện đánh vào trung tâm Sảm Thông. Cho đến chiều 11 tháng 3 năm 1972, khi xe tăng của ta đi qua con đường sát khu Trăm Nhà để tiến vào cụm phòng ngự của hai tiểu đoàn Thái và quân Vàng Pao ở khu Vành Khăn, dân thấy xe tăng chỉ ngồi xem, mặc bộ đội Tình nguyện tiến công vào trận địa của quân Thái. Bài học nhớ đời của lính Trung đoàn Bốn mốt là phá hàng rào của địch ở trận địa phòng ngự này. Hóa ra, sau hai lớp rào bùng nhùng và cũi lợn, bên trong còn một lớp rào vướng nữa, do trinh sát quan sát từ xa không nhận ra. Lớp rào cũi lợn gây vướng chân rất nguy hiểm, không chỉ có rào kẽm gai, mà còn dày đặc mìn. Tiểu đội trưởng Tiểu đội mở cửa mở Bùi Quốc Thủy phát hiện ra hàng rào vướng chân và bãi mìn ở phía trước trong lúc ba chiếc xe tăng của quân ta ở phía sau lưng. Chậm mở thông đường qua hàng rào vướng chân và bãi mìn lính xung phong và xe tăng sẽ gặp bất lợi. Lửa đã cháy đến chân rồi, không thể chậm một phút, Thủy vội dùng răng cắn ngắn dây cháy chậm ngắn lại, rồi ôm bộc phá ống lao lên. Bộc phá phá tung hàng rào và kích nổ một loạt mìn gần như ngay sau khi Thủy giật nụ xòe. Sức nổ lớn hất Thủy bay về phía sau, đúng nơi Trung đoàn phó Phùng Kim Tình dẫn bộ binh vừa chạy đến. Ông Tình ra lệnh cho hai chiến sĩ đứng bên:
“Khiêng cậu Thủy về phía sau”.
Nhưng hai chiến sĩ chưa kịp khiêng thì Thủy tỉnh lại. Câu đầu tiên Thủy hỏi:
“Xe tăng đâu?”.
Lúc đó ba chiếc xe tăng đã lao vào trận địa phòng ngự của tiểu đoàn lính đặc biệt Vàng Pao. Sự đường đột xuất hiện xe tăng ở nơi nằm lọt giữa thung lũng núi cao hai ngàn mét, làm địch vô cùng kinh ngạc. Nghe tiếng xe tăng gầm rú, lính phỉ đã bỏ chạy không còn hồn vía mà đánh đấm. Tuy nhiên, bọn lính Thái có vẻ già rơ hơn. Chúng quan sát thấy một trong ba chiếc tăng không có bộ binh cùng xung phong ngồi trên thành xe, nên vài đứa liều mạng, nhảy lên xe tăng. Nhưng do lính lái đóng chặt cửa lên xuống, bọn lính lên xe không thả lựu đạn vào hầm xe được. Cũng chỉ chốc lát, lính ta biết có lính Thái trèo lên xe, lập tức cho xe tăng tốc chồm lên, rồi bất ngờ rẽ ngoặt. Những tên lính trên lưng xe ngã xuống đất, vừa đúng xe sau lao tới…
Tiếng súng trận tiến công khu Sảm Thông vừa ngừng, chưa kịp tan, dân khu Trăm Nhà ùa ra xem xe tăng. Chưa bao giờ bà con lại thấy cỗ súng kinh dị thế này, bay qua được các đỉnh núi đá vào thung lũng.
Bua kể, chiều giải phóng Sảm Thông, cô làm phiên dịch cho Tiểu đoàn trưởng Kiệm, không biết ông Nghi đang ở đâu. Nhưng Xay Xổm đi với trinh sát, gặp ông Nghi trong làng Trăm Nhà. Bấy giờ, dân Trăm Nhà trừ những người hiếu kỳ chạy đi xem xe tăng, còn dân chúng rối như tơ vò. Người muốn kéo cả nhà theo bộ đội để chờ về Xiêng Khoảng. Người muốn dắt díu con cháu chạy theo Vàng Pao nhưng đường đi bị bom đạn đánh tối mắt để chặn bộ đội Tình nguyện phát triển vào Loong Chẹng, không đi được. Một số gia đình, mặc xác, cứ ở lại rồi ra sao thì ra. Ông Nghi vận động bà con ở yên trong nhà, để tránh bom đạn của máy bay địch vẫn không ngừng đánh phá. Mặc xác, tới khu Trăm Nhà bỗng như chợ vỡ. Nghi gọi loa xin bà con ổn định trật tự, đề phòng bọn địch còn lẩn khuất đâu đó trà trộn vào các gia đình phá hoại. Tiếng nói của Nghi không ngăn được người quá khích. Họ hò nhau phải đốt lửa lên để máy bay nhìn thấy bà con, không đánh bom. Người hét, tắt lửa đi, người hô đừng tắt để máy bay nhìn thấy mục tiêu khu Trăm Nhà. Người đốt lửa vẫn đốt. Người dập lửa cứ dập. Những bóng người chạy nhảy, hò hét trong ánh lửa nhập nhoạng. Rồi cái gì đến cũng sẽ đến. Cái đến của bom đạn là máu chảy. Từ trên trời máy bay T-28 thả xuống một quả bom sát phạt. Đám cháy càng bốc lên cao hơn, nhưng tiếng người đột nhiên câm lặng.
Lúc đó, Bua bảo, cô đang đi cùng Tiểu đoàn trưởng Kiệm. Lúc bom nổ ở khu Trăm Nhà, cô chợt nghĩ đến Nghi. Linh tính của Bua đã không sai. Xay Xổm nói với Bua gặp ông Nghi bị thương ở khu Trăm Nhà.
Bua hỏi Xay Xổm anh Nghi bị nặng không. Xay Xổm bảo không biết, vì người vẫn nguyên, không có vết thương nào, chỉ lả đi vì bom phạt, cáng thương phải khiêng, không đi được.
Bua hỏi dồn:
“Bộ đội đưa anh Nghi về đâu?”.
Xay Xổm bảo không biết. Tuy nhiên sau đó Bua biết, Nghi được đưa về trạm xá Trung đoàn Tình nguyện. Phải một ngày sau, Bua mới có dịp chạy về trạm xá. Cô đã đến muộn. Bua đến trạm xá thì Nghi đã được đưa về phía sau. Lệnh của Mặt trận bấy giờ, tất cả thương binh phải đưa về tuyến sau nhanh nhất để quân y rảnh tay bám theo đơn vị tiến công. Bua đuổi theo tốp cáng thương. Phải qua mấy dốc núi, Bua mới gặp đoàn cáng thương. Cô bước vội dọc đoàn cáng thương, gặp cái võng nào cũng lật chăn lên nhìn mặt người nằm bên trong. Đến cái võng tong teo, Bua vừa lật chăn lên thấy Nghi nằm trong võng, mỏng manh, da thịt bợt bạt, hai gò má dô cao. Bao nhiêu điều định nói với Nghi, Bua quên hết. Cô chỉ còn biết ôm lấy mặt, kêu:
“Anh ơi!”.
Cô định nói, anh bỏ em mà đi ư. Em chưa trả được công anh cứu giúp em mà anh đã đi ư? Ngay cả điều đó, Bua cũng không nói thành tiếng. Bua ôm cả võng cả người nằm trong võng, lắc lư như bà mẹ ru đứa trẻ. Bàn tay ấm hay nước mắt của Bua đã làm Nghi thức giấc? Anh hé mở mắt, nhận ra Bua, môi chỉ mấp máy câu “Bua à”, rồi bàn tay, đặt lên tay Bua. Bua nắm chặt tay Nghi, đặt tay anh lên ngực cô, thầm gọi:
“Anh ơi. Em yêu anh. Em muốn có anh. Anh chết em sẽ chết theo để mãi có nhau”.
Nhưng Nghi không nói được thêm gì nữa. Người lính khiêng cáng nói với Bua: “Anh ấy chỉ kiệt sức thôi, cô yên tâm, rồi anh ấy sẽ khỏi”.
Kiệt sức là căn bệnh khá phổ biến trong các đơn vị hoạt động dài ngày trên chiến trường Thượng Lào. Do những người lính vắt hết sức mình vào công việc nặng nhọc, do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các dinh dưỡng cần thiết, lại bị sốt rét liên miên, sức trai bị bào mòn dần, đến kiệt quệ. Có anh đại đôi trưởng đứng trước hàng quân, vừa hô “nghiêm” cho bộ đội dóng hàng, thì gục xuống, không đứng lên được nữa vì kiệt sức. Có anh lính gặp suối nước ào đến, gục đầu xuống uống nước, uống ừng ực một hơi, ngửng mặt lên hà một tiếng, rồi lao đầu xuống suối cũng vì kiệt sức. Phần nhiều người kiệt sức lặng lẽ chết trên võng. Chập tối còn sinh hoạt với đơn vị, đến giờ đổi gác, không thấy dậy nữa, đã chết vì kiệt sức. Nhưng người bị kiệt sức thường giống cây nến cháy ở đoạn cuối cùng. Ngọn lửa nhỏ dần, nhỏ dần, rồi chợt bùng lên rồi lịm đi, sau đó là tắt. Những người bị kiệt sức, nếu không biết từ trước để chữa chạy bằng cho ăn ngon vài bữa, cho nghỉ vài ngày hồi tỉnh lại, mà để đến kiệt sức, gục xuống mới lo chữa trị, thường không chữa kịp. Bộ máy tinh vi của cơ thể không còn khả năng tiếp nhận hồi phục do kiệt sức. Bua đã nghe những đồng đội chết vì kiệt sức, vì thế, cô lo lắng cho Nghi. Nhưng đang giữa chiến trường, lo lắng cũng chỉ để trong bụng, biết làm sao được. Cô ước sao lại có những ngày như ở Đội công tác, tự cô xuống bản kiếm đồ ăn, rồi nấu nướng món ngon cho Nghi hồi lại sức. Một đời Bua mới chỉ hết lòng yêu một người mà cô không cứu được anh ư? Chưa bao giờ Bua thấy mình bất lực đến thế. Bất lực nhìn thấy cái chết cận kề người mình yêu mà không biết làm gì. Hai anh lính khiêng võng dừng lại cho Bua gặp Nghi, nhưng không thể dừng quá lâu. Họ động viên Bua, không phải ai kiệt sức cũng chết, cô yên tâm. Rồi họ bước đi. Cô níu đầu võng, gọi “Anh ơi”. Nhưng Bua chỉ thấy võng đung đưa, không có câu trả lời.