Ba chúng tôi rẽ vào quán nước bên đường ngoài ven thị trấn.
Đứng ở cửa, Khăm Xỉ cất tiếng:
- Ông chủ có nhà không?
Bước ra cửa kê chiếc bàn ghép bằng tre, bày biện ấm chén và xanh đỏ vài túi kẹo là người đàn ông cao lớn, đen trũi, tóc xoăn, cụt bên tay, mặt chằng chịt sẹo kéo xếch hai mắt, nhìn dữ tợn. Người ấy cười với Khăm Xỉ, ra hiệu bằng tay, mời khách ngồi xuống bàn nước.
Khăm Xỉ giới thiệu với tôi và Bua, ông chủ quán tên cũng là Xỉ, nhưng là A Xỉ, không phải Khăm Xỉ. A Xỉ vốn là đại đội trưởng pháo binh của quân Vàng Pao, đánh nhau cũng lỳ lắm, được Vàng Pao thưởng cô vợ đã có chồng, nhặt ra từ đoàn dân bị ép di tản khỏi Cánh Đồng Chum vào Sảm Thông trong cuộc càn mùa mưa năm sáu chín. A Xỉ có con với vợ nhặt từ hồi Sảm Thông còn bom đạn. Đến năm bảy lăm, do A Xỉ thương tật, bị gạt lại, không cho chạy theo tướng Vàng Pao dạt sang Thái hoặc đi Mỹ. Sau lớp tập trung đi học chính sách mới của cách mạng, A Xỉ được trả về quê. Cùng về với A Xỉ, nhiều người làm nương rẫy hoặc xin làm thợ sinh sống. Nhưng A Xỉ cụt tay không còn sức làm ruộng và làm thợ, chỉ mở cái quán bán nước sống vất vưởng ở Sảm Thông, nuôi vợ con. Mở quán được ba năm, đến một sớm, A Xỉ vừa mở cửa, thì có một người đàn ông mặc đồ vải lanh nhuộm xanh, cao lớn sừng sững, ngang hông đeo lủng lẳng con dao quắm đứng trước mặt. A Xỉ chưa kịp hỏi việc gì, thì người thắt dao quắm, bảo:
“Tao đến đòi vợ của tao”.
Vợ A Xỉ chạy ra, quỳ phủ phục xuống chân người đàn ông cao lớn, khóc nức nở, trách sao bây giờ mới đến cứu. Chủ quán không nói thêm một lời, chỉ đứng chôn chân nhìn người vợ dắt con đi theo người đàn ông đeo dao.
Khăm Xỉ hỏi A Xỉ:
- Ông không giữ lại con gái à?
A Xỉ bảo:
- Con mình nhưng nó đẻ ra, thì của nó, giữ sao được.
Một mình A Xỉ ở lại quán nước, bao nhiêu năm vẫn sống tả tơi như cây chuối chết.
Uống xong chén nước, tôi chỉ về ngọn núi mờ xanh phía trước, hỏi ông A Xỉ:
- Thời làm đại đội trưởng pháo binh ở trận địa pháo Sảm Thông, ông có bắn vào đỉnh cao điểm một ngàn tám trăm phía xa kia không?
A Xỉ lơ ngơ nhìn tôi:
- Ông cũng biết đó là đỉnh một ngàn tám trăm à?
Tôi bảo:
- Trước khi chạy theo xe tăng đánh vào Sảm Thông, tôi ở cao điểm đó.
A Xỉ bảo:
- Thế thì tôi đã bắn ông.
Tôi và A Xỉ bóp tay nhau vì câu nói thú vị.
Tôi đã ở cao điểm một ngàn tám trăm trong đêm cuối tháng hai, sau khi các trận địa da báo thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của địch, thì bất ngờ chỉ trong một đêm, quân ta bắn phá các căn cứ địch trong thung lũng. Xe tăng được lệnh vượt cao điểm.
Trong chiến đấu, chẳng ai lường trước hết các khó khăn. Ở đây kế hoạch cho tăng bí mật vượt dốc, bất ngờ bị địch phát hiện vì một đoạn đường gần đỉnh cao bị lộ. Máy bay trinh sát nhìn thấy một vệt đất bị đào lên dưới tán cây rừng, chúng tưởng ta bố trí trận địa pháo trên đó, nên bắn phá dữ dội. Đỉnh núi sôi sục. Kỹ sư Thái và Hiếu chia làm hai tốp. Hiếu chỉ huy hai trung đội khắc phục đoạn đường trên đỉnh bị pháo làm sạt lở, còn Thái đón tiếp phân đội xe tăng, hướng dẫn họ đi vào đường zích zắc. Nghe tiếng nổ đầu nòng pháo 105 ly của ta vừa bắn phá hủy các căn cứ giặc phía trong, phân đội xe tăng bò đến đầu con đường zích zắc. Nhìn thấy xe ló đầu ra, Thái vẫy cờ ra hiệu dừng lại. Tôi từ phía dưới bước lên, đúng lúc anh lính lái xe tăng nhảy xuống mặt đường. Tôi chứng kiến cuộc đối thoại hiếm khi nghe được giữa lính tăng và lính công binh:
“Chuyện gì thế cô em! Đường tắc à?”.
Thái nói:
“Đường thông. Nhưng xe phải tắt đèn gầm. Lên dốc, ánh đèn hất lên cao, dễ bị lộ”.
“Lộ thì bọn này chịu. Đi đánh nhau chứ đi đâu mà phải mò mẫm?”.
“Các anh ơi, đoạn đường trên đỉnh bị lộ rồi. Cũng may đường ven núi đi dưới bóng cây, chúng chưa biết. Xin tắt đèn”.
Anh lính xe tăng gắt lên:
“Cô yêu cầu buồn cười. Cô để chúng tôi lăn xuống vực chắc”.
“Nếu xe lăn, người đầu tiên xe đè lên là tôi” - Thái nói cứng.
“Phí thế”.
“Này cô em, hay là cho bọn anh hôn một cái, chứ để xe đè thì phí quá. Hôn một cái, xe lên dốc vù vù như chạy bằng xăng máy”.
Thái hất mặt:
“Lính gì mà gấu thế. Không tán nữa. Tắt đèn. Tôi cầm mảnh dù trắng dẫn đường. Lên xe đi”.
Anh lính xe tăng đến trước mặt Thái:
“Này cô em, anh nói thật, em xắn quần lên. Xắn lên bẹn thì càng tốt. Tốt nhất em tụt bỏ quần, mặc cái sịp cũng được”.
“Không nói vớ vẩn nữa”.
Anh lính xe tăng bỗng nắm lấy ta Thái:
“Các anh không gấu, không vớ vẩn. Các anh là người. Các anh là đàn ông. Không phải anh không nhìn thấy mảnh dù trắng em cầm. Nhưng khi thấy cặp đùi của em, bọn anh quả cảm hơn. Một cô gái đẹp lăn vào bom đạn, đứng không gì che chắn, xắn quần lên bẹn dẫn cho bọn anh lên dốc kia kìa. Noi theo em, dù đêm tối, bọn anh sẽ đưa xe vượt qua cao điểm”.
Giọng anh lính xe tăng chan chứa, làm Thái bỗng lặng đi rồi chỉ con biết lặng lẽ vén hai ống quần lên tận bẹn, đứng ra trước đầu xe tăng, vẫy chiếc khăn dù:
“Lên dốc thôi các anh ơi”.
Mấy đoạn đường zích zắc đóng dăm cối, xe vượt qua dễ như đường bằng. Lên gần tới đỉnh, không còn dăm cối nữa, đường lại vừa bị pháo chụp bắn sạt, xe tăng phải mò mẫm khó khăn một chút.
Sau trận pháo chụp, Đại đội trưởng Hiếu nói như hét vào tai Thái:
“Đưa mảnh dù đây, anh dẫn xe cho. Ở đây có pháo chụp, nguy hiểm lắm. Em xuống núi đi. Chạy nhanh”.
Thái nói:
“Anh lo sửa đường. Dẫn xe để em. Vài bước nữa là tới đỉnh. Em còn theo xe sang bên kia cao điểm…”.
Hiếu vừa chạy đi thì một loạt pháo nữa lại bắn chụp lên đỉnh cao. Ba chiếc xe tăng hành tiến không sao, chỉ bị nghiêng do đường sạt lở, rú ga là vượt qua. Thái thấy xe tăng sắp bò qua đỉnh, nhảy lên:
“Hoan hô xe tăng!”.
Vừa lúc, pháo chụp lại nổ loang trên đỉnh. Anh pháo thủ trong chiếc xe tăng đi đầu, thấy cô gái cầm mảnh dù trắng như bay lên. Anh nhô lên tháp pháo, gọi lớn:
“Các đồng chí ơi, cô Thái bay rồi”.
Đại đội trưởng Hiếu ôm Thái lên hai cánh tay, gọi:
“Tỉnh lại, em ơi!”.
Lâu sau, Thái mới tỉnh. Đoàn xe tăng tụt sang bên kia cao điểm.
Tôi kể cho Bua, Khăm Xỉ và A Xỉ nghe, trước chuyến sang Lào, tôi gặp bà Thái và ông Hiếu trong cùng một căn nhà cổ ở Hà Nội. Tiện bữa, ông Hiếu mời tôi uống bia vỉa hè Hàng Bột với đậu phụ rán và lạc luộc. Tôi chỉ uống được một cốc, bảo ông Hiếu, ông còn khỏe, nhìn tráng kiện thế kia mà sao cũng chỉ một cốc? Ông bảo, nhìn bề ngoài thôi, nhưng bên trong thì mục ruỗng rồi, còn đến dăm mảnh đạn pháo chụp trong người. Bây giờ mới biết, vết thương của họ do đạn pháo của A Xỉ đang ngồi đây bắn. Tôi bảo ông Hiếu, sao không lập gia đình với bà Thái, để về già có hai người chăm sóc nhau. Ông bảo: “Vừa là đã nhỡ nhàng, vừa là ở mặt trận đã hứa với người ta, cô làm sao thì tôi nuôi cô, nên không ở với nhau thì cũng sống gần chăm sóc nhau. Bà ấy có tí tiền phụ cấp thương binh, tôi có lương hưu, lại bám cái quán sửa xe, bán nước cũng kiếm được để hai người cùng sống. Lời hứa trong bom đạn, là danh dự của thằng lính, sao quên được”. Nói xong, ông Hiếu dục lên thăm bà Thái, kẻo chút nữa, bà ấy lại vắng nhà theo các bà khu phố đi làm từ thiện.
Vượt hai gấp cầu thang, tôi đã thấy bà Thái đang ngồi cạnh cặp nạng gỗ, trang điểm son phấn để đi làm từ thiện. Sáu mươi tuổi mà nét thanh xuân thời đẹp như hoa vẫn phảng phất trên gương mặt bà. Hơn hai mươi năm ăn học, giữ gìn nhan sắc, vừa tốt nghiệp kỹ sư bà đã xin vào chiến trường. Trên cao điểm một ngàn tám trăm, bà cháy lên chừng mười lăm, hai mươi phút, rồi bị ném ra vòng ngoài cuộc chiến, rồi tiếp tục bị ném ra rìa của cuộc sống hôm nay. Một cuộc đời đầy hứa hẹn, chỉ dùng vào mười lăm phút cháy lên trên cao điểm chiến tranh rồi tắt. Vậy mà bà không buồn, vẫn vui sống, không hề hối tiếc, không hề oán giận. Có lẽ không phải chỉ do ông Hiếu và mọi người xung quanh động viên, giúp đỡ, mà ở căn phòng hẹp này, ngày thường bà vẫn giữ ngọn lửa của mười lăm phút xa xưa cháy sáng, xua tan những thiệt thòi.
Nghe xong chuyện tôi kể, A Xỉ ngồi lặng, tay xoa xoa lên các vết sẹo trên mặt, rồi bảo, có khi bà ấy bị thương bằng chính viên đạn pháo của tôi hô lính bắn lên cao điểm.
Tôi lục ba lô, lấy ra tấm ảnh bà Thái hồi còn trẻ, đưa cho A Xỉ. A Xỉ ngắm bức ảnh, bảo: “Mọi viên đạn trong chiến tranh đều mù, rơi vào ai thì người ấy chịu, không đòi lại được. Ông cho tôi xin tấm ảnh này…”.