Trên đồi Cởi Trần vẫn còn sót lại căn hầm bằng bê tông. Tôi kể với Bua và Khăm Xỉ sau khi xác giặc ở đồi Ba Mỏm được dọn sạch thì chính căn hầm trên đồi này được sử dụng làm Sở chỉ huy Tiền phương của trung đoàn đánh vào Sảm Thông. Sở chỉ huy Tiền phương nằm ở đây, có nghĩa là ở giữa đội hình, phía trước có hai tiểu đoàn nhô lên vây ép địch ở các điểm cao chính bảo vệ Sảm Thông, phía sau còn tiểu đoàn bám theo xe tăng chuẩn bị vượt qua một ngàn tám trăm đánh thốc vào trung tâm. Tôi ngủ ở Sở chỉ huy Tiền phương một đêm, rồi sáng hôm sau vác máy ảnh chạy về cao điểm một ngàn tám trăm. Cô Thái với kế hoạch làm đường zích zắc đóng dăm cối cho xích xe tăng bám leo lên đỉnh núi thu hút nhiều người, trong đó có tôi. Tôi trở lại cao điểm ngày hôm trước, thì đêm hôm sau có lệnh chưa cho xe tăng vượt dốc vì phía trước các đơn vị bộ binh đang còn khép chặt vòng vây bằng chiến thuật da báo, ấy là đưa một số đơn vị chiếm các cao điểm xen kẽ ngay trong lòng địch, biến cả một vùng lòng chảo Sảm Thông có nhiều tiểu đoàn quân Thái và quân Vàng Pao cùng quân Chính phủ Hoàng gia đang kiểm soát thành vùng ta và địch xen kẽ. Sau khi thất bại ở đồi Ba Mỏm, Vàng Pao nhảy từ Loong Chẹng ra Sảm Thông cổ vũ binh sĩ sẵn sàng trước đòn tiến công vào các cứ điểm bên trong của quân đỏ sẽ diễn ra chỉ nay mai, vì trên rừng, hoa ban đã lụi, mùa mưa sắp bắt đầu. Quân cộng sản chỉ mạnh về mùa khô để có thể chui vào các ngõ ngách của rừng núi, còn mùa mưa không thể cơ động. Vàng Pao lập hẳn một đài quan sát chờ quân đỏ tiến công để tiêu diệt bằng tất cả sức mạnh vũ khí mà quân đặc biệt được Mỹ trang bị tối tân, đang có trong tay. Trận cuối cùng Vàng Pao tính, thắng thì sống, thua thì cả vương quốc Mẹo của hắn sụp đổ.
Nhưng quân ta lại không tiến công đúng như kế Vàng Pao giương bẫy, chờ đợi.
Sau một đêm im lặng, sáng ra, từ đài quan sát, Vàng Pao có thể thấy quân cộng sản đứng trên các điểm cao xen kẽ với các căn cứ của quân đặc biệt ngay trong lòng Sảm Thông, thậm chí có điểm cao ở sau lưng Sảm Thông, nơi các tiểu đoàn Thái chiếm giữ cũng đều có quân ta chiếm đóng xen kẽ. Chiến thuật cài thế da báo phát huy tác dụng ngay từ phút đầu, không chỉ hạn chế hỏa lực đối phương mà còn làm đảo lộn tính toán của Vàng Pao. Thay vì chờ đối phương đến để phản công, nay lại phải tổ chức tấn công để xóa các chốt xen kẽ của quân ta. Lính Thái trang bị tận chân răng, nhưng chỉ quen phòng ngự trên trận địa có lô cốt hầm ngầm vững chắc, nay phải tấn công lên các điểm cao, quả là bắt mèo đi săn. Vàng Pao cũng không dám liều đưa quân Thái vội đánh chiếm để xóa da báo. Tướng phỉ tính đánh một cách an toàn hơn, là dùng hỏa lực của máy bay và pháo binh, bắn phá các đỉnh cao quân ta đang chiếm giữ làm hao mòn lực lượng đối phương rồi mới lập kế phản kích.
Cuộc cờ đâu chỉ có Vàng Pao cầm quân để dễ dàng chiếu tướng.
Đối diện với Vàng Pao là đội quân tinh nhuệ, đánh địch với nhiều sáng tạo và quyết tâm sắt đá. Ta đã tính, thế nào địch cũng phản công để xóa da báo, nên trước khi nhô đầu trên cao điểm để khiêu chiến, công binh và bộ binh đã âm thầm đào trận địa mang dáng dấp của trận địa chiến hào như Điện Biên Phủ năm nào. Các điểm chốt xen kẽ đồn giặc của ta đều được thiết kế đào trận địa kiểu mạng nhện từ đỉnh cao điểm tỏa xuống chân cao điểm. Trên mạng nhện có các trận địa 12,7 ly bắn máy bay tầm thấp và hàm ếch ẩn nấp cùng hầm chứa thương binh, tránh được pháo chụp và bom bi. Bình thường, trên đỉnh cao điểm chỉ có một tổ phòng không, còn lực lượng chính dạt xuống lưng đồi. Khi địch giội bom và pháo, anh em “mất tích” trong hệ thống giao thông hào chằng chịt. Địch dừng bắn phá, anh em lại ngoi lên đứng trên đỉnh cao. Trong trận địa giao thông hào, nhiều ngày ta không có thương vong, trong khi tám máy bay trực thăng của Thái tham chiến bị quân ta bắn rơi xuống chân trận địa. Ở đây có câu chuyện chiến sĩ Hoàng Đăng Kiểm dùng B-41 bắn rơi trực thăng, kể ra không ai tin. Nhưng đó là sự thật. Một sáng, giặc huy động bốn trực thăng từ Loong Chẹng ra bắn phá trận địa chốt của Đại đội 11 ngay sát căn cứ địch. Lính 12,7 ly mai phục ở ven núi, để mặc cho bốn chiếc trực thăng lồng lộn như chỗ không người. Bất ngờ 12,7 ly phát hỏa, một trong bốn trực thăng loạng choạng, lao xuống gần sát đỉnh đồi. Lúc ấy Hoàng Đăng Kiểm ôm B-41 ngồi trong hàm ếch nhìn thấy, chửi tục: “Mẹ mày, chọc tức bố. Cho mày chầu mả tổ”. Kiểm nhảy hẳn lên nóc công sự, nhằm B-41 vào trực thăng đang bay ngoi lên, bóp cò. Quả đạn bắn gần cắt phăng cánh quạt của trực thăng. Đau ở chỗ, do phía sau lưng Kiểm là bờ giao thông hào chắn đuôi súng B-41, nên lửa phụt ra, làm cháy đũng quần người bắn. Anh em hỏi:
“Bỏng không?”.
Kiểm nổi cáu:
“Cháy mẹ nó cái quần, còn hỏi”.
Trung đoàn trưởng nghe chuyện này, lệnh cho hậu cần cấp cho Kiểm một bộ xuân hè mới toanh.
Lại có chuyện trên trận địa chốt, lính ta dùng cối 60 ly bắn tỉa. Mới nghe không ít lính bảo bốc phét. Chẳng ai dùng cối để bắn tỉa bao giờ. Nhưng lại là thật. Đấy là chuyện chiến sĩ súng cối Lại Văn Hùng. Tổ cối có ba người, hai vác đạn, một vác cối. Hôm đó, chỉ có Hùng trực. Đang lau đạn thì nghe anh em quan sát báo có tốp địch, chắc là chúng trinh sát, đang mò lên chân cao điểm. Ở dưới đó, do địa hình mấp mô, ba tên địch cứ nhô đầu lên lại mất hút sau các bờ đất, nên lính có súng bắn tỉa cũng chịu chết. Hùng chĩa ống nhòm quan sát địch, bảo:
“Để tao tỉa cho nó một phát”.
Tổ trưởng tổ cối đang nghỉ trong hầm nhô đầu lên, hét:
“Cậu điên à. Ai lại dùng cối bắn tỉa”.
Tổ trưởng chưa kịp đến tận nơi can ngăn thì Hùng đã chĩa nòng cối về phía nhóm thám báo nấp sau bờ đất, thả vào nòng một quả đạn 60 ly. Quả đạn nổ sau bờ đất, hất tung một tên trong toán trinh sát giặc lên rồi quật xuống. Hai thằng còn lại chạy bán sống bán chết về phía sau.
Lại có chuyện kinh dị, anh nuôi Toại đeo một ba lô củi lên trận địa cho lính giải khát! Chuyện như đùa mà thật. Chỉ có điều, đó không phải củi mà những khúc cây khưa dên. Loại cây này mọc ven núi, thân xốp, chứa nhiều nước như mía, chỉ không ngọt mà mát. Được cư dân Sảm Thông mách bảo, Toại kiếm được một ba lô, cõng lên trận địa cho anh em.
Bấy giờ rất nhiều chuyện đánh giặc như đùa mà thắng. Đó là thời kỳ, như từng nói ở trên, thịnh vượng về tinh thần. Khi người lính hào hứng đánh giặc rồi thì tự nghĩ ra muôn vàn cách đánh để thắng.
Bua nói, trước khi bộ đội đánh đồi Ba Mỏm, Bun Nhăng hy sinh, mình và anh em Lào đưa thi hài không còn nguyên vẹn của anh về một hang đá ngay cạnh nơi đóng quân của một đơn vị của trung đoàn để hỏa táng theo phong tục của người Lào Thơng. Tục người Lào không thể không có sư làm lễ để người chết chuyển sang thế giới bên kia, sống kiếp khác. Ở thung lũng đầy bom đạn này, đến chùa cũng hiếm, đâu có nhà sư. Vậy là Xay Xổm phải tự mình thực hiện nghi lễ hỏa táng Bun Nhăng. Trước khi hỏa táng thi hài Bun Nhăng, Xay Xổm bảo, người ta có hai loại chết lành và chết dữ. Người già, người vì đồng loại mà chết, là chết lành. Còn người không may bị bệnh tật, bị tai nạn mà chết, thì là chết dữ. Chết lành là chuyển giao từ kiếp này sang kiếp khác thế giới bên kia. Bun Nhăng chết lành, thì được sang sống vĩnh hằng ở thế giới khác. Bua nghe Xay Xổm nói, nỗi buồn cũng vơi nhẹ. Anh em thiêu xác Bun Nhăng trong ngách hang. Phần tro cốt của Bun Nhăng thu được sau khi thiêu đem mai táng vào một cái hốc đá. Cả buổi mai táng chỉ có ông Nghi và Xay Xổm thỉnh thoảng nói vài lời với nhau, còn Bua không nói một lời nào. Tục tang ma người Lào không khóc, phải ca hát vui vẻ để người chết yên lòng sang sống tiếp ở thế giới mới. Nhưng Bua vẫn ôm mặt khóc. Nghi bảo Bua, em đừng khóc nữa để anh Bun Nhăng ra đi. Bua bảo, em đâu chỉ khóc cho Bun Nhăng. Em khóc cho em. Em buồn cho thân em quá. Bây giờ người em yêu mến, tin tưởng lại sắp xa em… Nghi hỏi, ai nói với Bua thế? Cô nói chiến dịch sắp hết, đội công tác không còn nữa, mỗi người đi một nơi. Bua buồn lắm.
Không chờ đến hết chiến dịch, ngay sau đêm mai táng Bun Nhăng, tổ Pa-thét chỉ hai người cũng chia làm hai ngả. Xay Xổm và Bua chia nhau về hai tiểu đoàn. Trận đánh sắp tới sẽ gặp nhiều dân, các tiểu đoàn lo trước người phiên dịch. Nghi và ông Long vẫn lo bám dân. Lần này là bám dân khu trăm nhà. Đây là khu tập trung phần lớn người Lào Sủng bị địch dồn về từ mấy cuộc càn những mùa mưa trước đó. Ở đây trai tráng đi lính, còn người già, trẻ con, phụ nữ ở lại cũng phải tập quân sự, từng nhà được phát súng làm đội quân nhân dân chứ không chỉ là hàng rào người để bảo vệ bên ngoài căn cứ như ở đồi Ba Mỏm.
Trước khi lên đường vào khu trăm nhà, Nghi đến thăm Bua ở tiểu đoàn tăng cường, mang cho cô cả nửa ba lô quả bồ kết rừng. Bua ở một mình trong căn lán nhỏ. Ít khi mới có giờ phút rảnh rỗi gần nhau. Nghi nướng từng quả bồ kết, rồi nấu cho Bua nồi nước gội đầu. Đến lúc gội, Nghi lại múc từng ca nước dội lên đầu cho Bua. Gội xong đầu, Bua nhìn Nghi bảo: “Em mong cảnh sống với anh đầm ấm như thế này”. Nghi nói: “Anh cũng mong được sống bình yên bên em, nhưng chiến tranh còn đẩy chúng ta xa nhau. Thôi để anh về đơn vị, kẻo thân mật quá, anh khó bước đi”.