Khăm Xỉ mở bản đồ, xê dịch chiếc la bàn, bảo hướng tây tây nam.
Lòng chảo thung lũng Sảm Thông hiện ra với những quả đồi lá cây mơn mởn xanh đen vì đất tốt. Quả thực những quả đồi kia sẽ rất có ích nếu đặt ở đây một trại chăn nuôi. Vậy mà không, từ trước khi người Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, người Mỹ đã âm thầm biến nơi đây thành căn cứ quân sự rồi. Và như vậy cả thung lũng Sảm Thông, Loong Chẹng sử dụng sai mục đích suốt hơn hai mươi năm, đến tận sau năm 1975 nó mới trở thành địa chỉ của nông nghiệp. Đi qua cánh rừng cây sa mu, Khăm Xỉ chỉ tay sang quả đồi có đến ba mỏm như cái vỏ đỗ vặn, hỏi tôi và Bua:
- Cô Bua còn nhớ anh em tình nguyện đặt tên quả đồi Ba Mỏm này là đồi gì không?
Bua bảo:
- Bua không phục vụ bộ đội trận này.
Xỉ quay sang tôi:
- Chắc anh thì nhớ?
Tôi bảo, tôi biết anh em đặt tên cho quả đồi Ba Mỏm là đồi Cởi Trần, nhưng không chứng kiến trận đánh ở đây, chỉ được nhìn hậu quả khi tiếng súng trên đồi đã kết thúc.
Quanh Sảm Thông và Loong Chẹng bấy giờ có năm mươi tiểu đoàn của Thái Lan, quân đặc biệt của Vàng Pao và quân Chính phủ Hoàng Gia chiếm giữ, tổ chức nhiều lớp vỏ bao bọc bên ngoài để ngăn cản quân ta đánh vào sào huyệt. Nói dễ hiểu là muốn đánh vào trung tâm thì trước hết phải bóc được lớp vỏ cứng bên ngoài. Mỗi đồn của lớp vỏ có bốn lớp, ngoài cùng là bãi mìn gài trong dải đất đã được phát quang, không còn bãi cỏ, ngọn cây nào có thể làm chỗ ẩn nấp cho đối phương. Tiếp sau bãi mìn, là hàng rào dân chúng dồn từ Cánh Đồng Chum về đây từ hồi đầu mùa mưa năm bảy mốt, ở trong các căn lán sơ sài, làm bia đỡ đạn nếu quân ta đánh vào căn cứ. Sau đó đến ba lớp hàng rào kẽm gai. Trong cùng là trận địa của lính đặc biệt Vàng Pao hoặc lính Thái. Riêng lính Hoàng gia do bị đánh giá thấp, thường hay tháo chạy khi bị tấn công, nên không được đẩy ra làm lớp vỏ cứng. Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tình nguyện được Tư lệnh giao nhiệm vụ bóc bỏ đồi Ba Mỏm, một trong các vỏ cứng nhất bảo vệ Sảm Thông. Bóc được cái vỏ cứng này, Tư lệnh nói, thì Sảm Thông rung chuyển, xe tăng sẽ qua Khu trung gian như chỗ không người. Ban Tham mưu ba lần tung quân trinh sát đồi Ba Mỏm nhưng vẫn chưa thể ra lệnh cho bộ đội “bóc vỏ” bởi dân nằm sát hàng rào ngoài cùng. Nếu ta kích pháo vào đồn, dân dễ bị tổn thương. Cuối cùng trung đoàn trưởng chấp nhận phương án do Ban Dân vận của ông Long, ông Nghi, có tổ chiến sĩ Pa-thét phối thuộc bò vào gặp dân, vận động bà con bí mật tự đào hố tránh đạn để ẩn nấp khi bộ đội bắn hỏa lực vào đồn. Ba chiến sĩ công binh gỡ mìn, tạo một vệt trên bãi trống an toàn cho Nghi và Bun Nhăng trát đất lên da thịt, bò vào gặp dân. Hai người đang bò, bỗng trong đồn địch bắn pháo sáng ra khu đất trống. Nghi thấy pháo sáng thì dừng khựng lại, bất động, mặc cho cánh tay đang khuỳnh khuỳnh vươn lên phía trước. Nhìn từ xa Nghi chỉ là một vật thể tĩnh. Nhưng Bun Nhăng lại không bất động ngay được. Anh sợ lộ, nên ánh sáng vừa chói lóa trên đầu, Bun Nhăng vội co người cho nhỏ mục tiêu. Không ngờ Bun Nhăng chỉ khẽ động đậy, địch phát hiện ngay đó là mục tiêu sống, lập tức dồn hỏa lực về đó. Quả đạn M-79 xé nát Bun Nhăng. Nhìn về phía trước, Nghi biết vậy, nhưng không thể bò đến chỗ Bun Nhăng mà chờ pháo sáng tắt anh vội bò vào căn lều của dân nằm sát hàng rào kẽm gai. Gần sáng, kéo thi thể Bun Nhăng quay ra, Trung đoàn trưởng Ngân đón Nghi ngay ở chân cao điểm. Ông vội hỏi:
“Dân có chịu đào hầm trú pháo không?”.
Nghi báo cáo:
“Thưa anh, xong rồi ạ”.
“Xong rồi là sao. Cậu nói cụ thể cho tôi nghe. Ông tỉnh đội trưởng Xiêng Khoảng đang ở Sở chỉ huy trung đoàn. Ông ấy rất lo lắng an toàn cho dân”.
Bấy giờ Nghi mới bình tĩnh kể lại, không cần đào hầm, nhưng nhà nào cũng có hố tránh pháo. Không phải hố công sự mà là hố nước. Mùa khô thiếu nước, nên từ lâu bọn địch trong đồn đã bắt dân mỗi nhà phải đào từ một đến ba hố sâu hàng mét, lót ni lông chứa nước. Dân không chỉ chứa nước cho mình, mà cho cả lính. Sẵn hố, nếu phải tránh pháo, tránh bom thì dân nhảy xuống, chứ không phải đào công sự. Đào là lộ. Bà con còn bảo, trận này bộ đội ta đánh thắng thì dân không cần hố nước nữa, đằng nào cũng kéo nhau về Xiêng Khoảng. Dân làm hàng rào ở đây toàn bà con dân tộc Lào Thơng ngoài Xiêng Khoảng bị địch ép vào Sảm Thông từ mùa mưa năm ngoái.
Sau hai ngày ông Nghi bò vào gặp dân, trận công kích “bóc vỏ” nổ ra.
Trận cường tập giữa ban ngày để gây bất ngờ với địch. Mở đầu trận suôn sẻ. Ta pháo kích và cho mìn định hướng nổ quét bãi mìn, thì dân nhảy xuống hố nước ẩn nấp. Cửa mở cũng được mở ngay sau đó. Bộ đội chuẩn bị xung phong thì bốn chiếc máy bay T-28 từ Loong Chẹng ra quần đảo trên đầu. Lính ta đã đề phòng địch ném bom xuống đội hình, nhưng không. Từ máy bay ném xuống tám chiếc thùng như tám phuy xăng dự trữ. Những chiếc thùng chạm đất nổ lục bục, rồi phun ra mù mịt khói đen. Một màn khói dày đặc đến nỗi lính đứng cạnh nhau, cũng phải nhận nhau bằng tiếng nói, không nhìn rõ mặt. Đại đội trưởng Miên gọi điện cho Trung đoàn trưởng Ngân:
“Thưa anh, nó xả khói bịt mắt, đánh thế nào bây giờ?”.
Trung đoàn trưởng hỏi:
“Anh đang ở đâu?”.
Đại đội trưởng bảo:
“Tôi đã qua cửa mở. Phía sau lưng tôi cũng bị khói bịt kín. Tôi cũng không nhìn thấy anh em”.
Trung đoàn trưởng bảo:
“Nó bịt mắt anh, thì cũng bịt luôn mắt nó. Anh cho anh em đánh gần bằng bắn găm, lưỡi lê và thủ pháo”.
Đại đội trưởng lệnh cho bộ đội, cởi bỏ áo để dễ nhận ra nhau. Hơn trăm chiến sĩ cởi trần trùng trục, ngang hông đeo hàng chùm thủ pháo, súng tuốt lưỡi lê hích nhau lao vào đồn địch. Những người lính lao vào đồn một cách hung dữ. Hai bên giáp chiến bằng đạn bắn găm, lưỡi lê và thủ pháo ném gần trong màn khói dày đặc. Những chiến sĩ thấy cái bóng trước mặt không phải người cởi trần là bắn rồi xỉa lưỡi lê. Trận giáp lá cà chỉ nghe thấy tiếng Đại đội trưởng Miên liên tục hô: “Cởi trần, cởi trần, nhớ cởi trần”. Đáp lại là súng bắn từng loạt ngắn, thủ pháo nổ lục bục và tiếng chân người chạy huỳnh huỵch và tiếng người hò hét và chửi bậy. Những cú đâm gần máu từ ngực đối diện phóng thẳng vào người đứng trước. Dòng máu phụt ra rất mạnh, màu đỏ cũng nhanh chóng bị khói nhuộm đen. Bỗng có tiếng thét của đại đội trưởng: “Cởi trần nằm xuống”. Ngay lập tức hai người lính súng máy cúi lom khom, người cầm càng, người ôm báng súng, nhô ra, bắn như điên như dại vào bọn giặc đang náo loạn trong màn khói phía trước. Chừng nửa giờ sau, gió núi xua tan khói. Những người lính cởi trần lộ ra, anh nào cũng bị máu giặc phun lên đỏ từ đầu đến chân. Xác giặc nằm ngổn ngang trên ngọn đồi Ba Mỏm. Sau trận sát thát, lính bỏ cơm hai ngày. Cứ đưa đũa vào bát thịt hộp là nôn thốc nôn tháo.
Cuối trận này Bua gặp được Nghi sau nhiều ngày xa nhau, kể từ cái chiều cõng nhau trong rừng dưới chân đường Thang Đá. Lúc đó bộ đội đang rút khỏi trận địa tránh bom pháo địch xóa dấu vết thảm bại và Nghi đang hướng dẫn bà con rời khỏi vùng đồi đã gần một năm bị giam hãm, rút vào rừng để quay lại Cánh Đồng Chum. Trên lưng Nghi đang cõng một cháu bé. Nhìn thấy Nghi, Bua lẳng lặng hơi bước lùi lại, cắn răng. Nghi hỏi mấy câu, Bua vẫn cắn răng.
Nghi hỏi:
“Em làm sao thế?”.
Bua không nói, hét vào mặt Nghi:
“Còn làm sao nữa!”.
Rồi vùng vằng quay ngoắt đi.
Có lẽ phải đến cả mấy chục năm Bua mới có dịp nói lại cho tôi và Khăm Xỉ nghe cớ sao ngày ấy bỗng nhiên cô lại vô cớ giận dỗi ông Nghi. Không phải ông Nghi có điều gì sai trái với Bua. Cũng không phải ông Nghi lạnh nhạt với Bua. Cũng không phải Bua ngã lòng về người khác. Mà sau vụ Bua được giải thoát khỏi ba tên phỉ, ông Nghi quan tâm đến Bua hơn. Bao nhiêu khẩu phần bồi dưỡng ít ỏi của mặt trận dành cho cán bộ, Nghi đều ky cóp dành cho Bua. Nhưng Bua thì ngược lại. Nghi càng quan tâm, Bua càng hờn giận Nghi. Nghi vui vẻ lập công xuất sắc, Bua cũng giận. Bấy giờ Bua như người vợ, chẳng may ra đường bị kẻ lạ chòng ghẹo, làm điều xấu, đáng lẽ phải đổ tội lên kẻ xấu, đằng này lại về nhà đổ bao nhiêu giận dỗi lên đầu chồng. Người chồng biết vợ sai, nhưng do thương vợ, để vợ trút bớt những oan ức cho nhẹ nhõm mà sống với chồng con. Bua có tâm lý như bà vợ nọ. Nghi cũng ứng xử như người chồng nọ. Cho đến một lần, chợt gặp nhau trên đường vận tải, chuẩn bị đạn gạo cho bộ đội đánh vào Sảm Thông, Bua vẫn vô cớ nặng mặt với Nghi. Nghi không chấp, mà ôm lấy cả hai vai Bua mà nói: “Em ơi, đừng giận mà tội cho anh. Anh thương em hơn cả thương mình”. Bua rùng mình vì câu nói ngọt ngào của Nghi, cảm thấy người bỗng nhiên lạnh toát, chân tay run rẩy, rồi hai tay ôm lấy mặt mà khóc. Chưa bao giờ Bua khóc như thế. Bua đã gồng mình lên gắng sống bấy lâu rồi, nay Nghi đẩy Bua về sống thật là Bua. Bua cảm thấy khóc trôi cả tay áo lau nước mắt. Khóc vì oan ức được tẩy rửa. Khóc vì thương mình. Khóc vì thương Nghi.
Khóc cạn nước mắt, Bua nói với Nghi: “Chỉ có anh là hiểu Bua. Sao chúng ta lại xa nhau? Bua không xa anh nữa đâu. Từ nay Bua ở lại với anh”. Nghi nghe tiếng Bua nói dồn dập trong hơi thở ấm nóng phả lên mặt anh. Anh nhẹ nhàng gỡ tay Bua ra khỏi vai, bảo: “Bua phải về với tổ Pa-thét. Bun Nhăng hy sinh, còn Xay Xổm. Xay Xổm không thể ở một mình”. Vừa nhắc, Xay Xổm đã bước đến trước mặt Nghi. Trên vai Xay Xổm đeo đến bốn khẩu súng AR-15. “Trên chốt địch bỏ chạy, nhiều súng quá, toàn loại mới, Xay Xổm đem về cho đơn vị” - Xay Xổm nói. Có Xay Xổm, Bua không thể bám riết lấy Nghi. Cuối cùng, họ đành phải chia tay và từ đó cả hai trôi dạt ở nhiều trận địa, mãi đến gần kết thúc chiến dịch, mọi thứ thay đổi họ mới gặp lại nhau.
Đi một vòng trên đồi Cởi Trần, dừng lại vài nhà dân hỏi chuyện trồng cây thảo quả, tôi nói với Khăm Xỉ và Bua, muốn ngủ lại trên đồi này một đêm. Một đêm trên đỉnh đồi từng diễn ra trận đánh kinh hoàng, máu và xác người của cả hai phía ngập ngụa trong các giao thông hào và mặt đất để tôi nghe cỏ cây và gió đêm có còn thầm kể gì về quá khứ? Từ ngày tập toạng việc viết sử trung đoàn, tôi đọc nhiều tài liệu về chiến tranh, càng đọc càng thấy ở những trận gần cuối của cuộc chiến, con người gần như mất cảm giác về cái chết. Tất cả bấy giờ chỉ có một mục tiêu, đánh sao cho thắng nhanh nhất, làm cho kẻ thù quỵ xuống nhanh nhất để người lính mau về tới đích. Tao thắng thì mày phải chết và ngược lại là ý nghĩ của lính trước cuộc tiến công cuối cùng. May mà tôi đã không chết trong trận đánh này. May mà tôi được là trong số ít người lính cùng thời của Trung đoàn Tình nguyện trở lại chiến trường xưa, được đặt chân lên đất trận địa máu, nay cây cỏ đã lên xanh, không còn dấu vết của đau thương.
Tôi không ngủ trên đỉnh đồi sau ba mươi năm gặp lại, hé cửa, bước ra con đường nhỏ chạy giữa hai luống thảo quả, gió mát rượi. Tưởng chỉ có tôi đi trên đồi trong đêm, hóa ra còn Bua. Bua đã đứng ở cuối con đường se sẽ hát. Tiếng hát như khó khăn thoát ra khỏi vòm miệng, nằng nặng và buồn da diết. Phải là người đàn bà từng yêu, từng thất tình mới cất lên được tiếng hát vừa nghẹn ngào, vừa buồn lê thê đến thế. Tôi đi về phía Bua, nhẹ nhàng cất tiếng, hỏi Bua cũng không ngủ à. Bua im lặng, không nói gì. Tôi nói:
- Bua ạ, cả tôi và Bua đều không bị lưỡi lê và đạn AK bắn găm trên khu đồi này. Chúng ta may mà còn sống. Vậy thì còn gì ngăn cản để chúng ta không sống khác đi, không tận hưởng phúc quả của ngày hôm nay?
Không hiểu sao tôi lại nói được câu ấy với Bua, người đàn bà đã luôn ôm lấy cái bóng của ông Nghi. Bua nghe tôi nói chỉ đứng im. Phải lâu sau, Bua mới nói:
- Vâng, Bua biết anh khuyên Bua điều gì. Anh không hiểu Bua đâu. Có lần Bua đã nói với anh, người đàn bà nào cũng cần một chỗ tựa, nhất là khi đã về già. Cho nên có lúc, Bua định đi lấy chồng. Không phải khó kiếm được một người đàn ông tầm tuổi Bua. Khó là phải tìm được một người không biết về quá khứ của Bua, không biết ông Nghi. Có như vậy hạnh phúc mới không bị ám ảnh.
Nói một hơi dài, Bua dừng lại, rồi bỗng hỏi:
- Anh còn nhớ vợ ông Phủi không?
Tôi bảo:
- Quên sao được.
- Sau chiến tranh, ông Phủi phải vất vả lắm mới tìm lại được cô gái thông minh bẩm sinh, nhưng lại câm điếc cũng bẩm sinh mà anh từng cứu trong rừng để lấy làm vợ. Vì sao anh biết không? Vì ông Phủi luôn cho rằng quá khứ của ông ấy chẳng ra gì, lúc là phỉ, lúc là người tử tế. Ông ta muốn lấy một bà vợ không biết quá khứ của ông ta để vợ chồng sống với nhau không có điều gì phải cấn cá.
Nghe Bua nói, tôi mới à lên. Dọc con đường tìm nhau trong rừng, với tôi, mỗi bước đi là một trang sách mở về thân phận các bạn Lào.