Đường Thang Đá chạy men theo các sườn núi đá và rừng rậm, bắt vào lưng chừng cao điểm một ngàn tám trăm. Lạ ở chỗ, lọt giữa cả một vùng núi đá, nhiều ngọn cao chon von, cả năm ít khi nhìn thấy đỉnh vì mây phủ kín, vậy mà một ngàn tám trăm lại là núi đất, xốp như đất mượn. Ngọn núi đất này báo hiệu thung lũng ở phía nam là triền đồi đất thoải dần xuống thung lũng Sảm Thông, hầu hết là những đồi đất màu nâu bazan. Đang mở đường trên vách đá bỗng gặp núi đất, lính ta mừng hú vì công việc chạy băng băng. Nhưng vừa sướng đấy lại hóa ra là vất vả vì chính thứ đất xốp như đất mượn.
Đó là chuyện của hơn ba mươi năm trước.
Còn bây giờ tôi, Khăm Xỉ và Bua vừa bước chớm vào dấu vết con đường lên đỉnh cao một ngàn tám trăm thì gặp một tốp bà con người dân tộc Lào Thơng váy áo xanh đỏ phấp phới đi làm rẫy trên lưng núi.
Không biết bắt đầu từ ai, nhiều năm nay bà con ở mấy bản dưới thung lũng kéo nhau lên gần đỉnh một ngàn tám trăm, mỗi nhà chiếm một mảnh, trồng nhiều loại cây thuốc dưới bóng cây rừng. Một ông muốn khoe với chúng tôi mảnh vườn trên đỉnh núi của gia đình trồng ba loại cây thuốc là cà gai, hoàng liên và giảo lan. Người đàn ông bảo, đến giữa mùa khô thì thu hoạch cây và quả thuốc, phơi khô, đóng thành từng bao tải đem bán tận Viêng Chăn hoặc chợ Phôn Xa Vẳn. Bán được nhiều nhiều tiền đấy, mua ngô, mua gạo, không phải làm rẫy cũng đủ ăn. Cạnh rẫy thuốc của ông Páo, là khu trồng sâm của gia đình hàng xóm. Cả khu đất núi, rộng vài trăm mét vuông, sâm xanh tốt dưới bóng cây. Đầu mùa khô, với sâm là độ hoa kết trái, chín đỏ nhô cao vượt lên lớp lá sâm hình trứng nổi các đường gân màu trắng nhạt. Ông Páo nói, sâm sáu năm rồi đấy, nhưng chưa lấy củ, để càng già, sâm càng tốt. Ông lựa chọn, nhổ ba cây sâm bò lan trên mặt đất, nhổ ba củ màu vàng, to chừng ngón tay cái, đưa cho chúng tôi mỗi người một củ, bảo, giữ lấy, trèo núi mệt thì nhai, khỏe ngay. Tôi chưa mệt, nhưng tò mò nhai ngay nửa củ, chẳng biết có khỏe không, chỉ thấy ngọt bùi và thơm mùi sâm trong miệng.
Lên đỉnh núi vẫn còn vệt đường cũ gấp khúc hình chữ Z mở cho xe tăng bò lên đỉnh dốc. Tôi từng ở đỉnh cao một ngàn tám trăm thời đầu chiến dịch đánh vào Sảm Thông, đầu năm 1972. Ngồi nghỉ ở đỉnh núi, tôi lấy cho Bua và Khăm Xỉ xem tập ảnh đen trắng, cỡ 9 nhân 12 trong đó có vài tấm chụp hoạt động của bộ đội trên đỉnh cao này. Ảnh đã lâu, bợt màu, mặt người như những hạt đỗ ngâm trong nước vo gạo. Không ít “hạt đỗ” đã gieo xuống dọc các con đường trong rừng Lào. Không ít những “hạt đỗ” là phần còn lại của một đời người lính. Tôi lật đi lật lại xấp ảnh, tìm được một gương mặt con gái, nói với Bua và Khăm Xỉ:
- Gương mặt con đường mà tôi giữ lại được đây. Bao giờ hai bạn sang Hà Nội, tôi dẫn đi gặp người trong ảnh.
Đợt hai của chiến dịch, bộ đội phải qua nhiều lớp núi đá hiểm trở. Nếu chỉ đánh bằng bộ binh, thì việc trèo núi, vượt thung lũng không khó khăn gì vì chớm mùa khô, suối cạn dễ qua. Chứ mùa mưa thì núi đồi méo mó, bùng nhùng, lại bị suối ngăn cách, đố ai qua được. Để gây bất ngờ với địch bằng việc “cõng” xe tăng vượt qua đỉnh cao một ngàn tám trăm, cấp trên quyết định điều đơn vị xe tăng phối thuộc với Trung đoàn Tình nguyện cùng đánh chiến Sảm Thông. Nghe có xe tăng cùng đánh, lính khoái. Nhưng xe tăng lại không đơn giản như bộ binh, khoác súng lên vai là chạy được ngay. Xe tăng phải có đường. Đường cho xe tăng vượt qua cả một vùng núi cao không dễ. Đường Thang Đá được mở không chỉ vận chuyển đạn, gạo mà còn cho xe tăng bò từ Cánh Đồng Chum vào mặt trận. Với đường đá dù chênh vênh, xe tăng không ngại bằng vượt qua núi đất xốp, độ bám thấp. Tiểu đoàn Bộ binh và Đại đội Công binh được phái đi trinh sát, lập phương án làm đường cho xe tăng qua núi đất. Độ một tuần, Tiểu đoàn Bộ binh và Đại đội Công binh báo cáo hai phương án khác nhau. Phương án của ông Đệ - Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Bộ binh là mở đường đi vòng quanh núi, chỉ vượt qua có con suối cạn, xa gấp ba đường chính, nhưng an toàn, xe tăng dễ đi. Phương án của ông Hiếu - Đại đội trưởng Đại đội Công binh là làm đường vượt qua núi. Mỗi phương án có cái hay riêng, chờ trung đoàn, đặc biệt Tiểu đoàn trưởng Xe tăng bàn bạc quyết định.
Ý kiến bàn bạc còn chưa ngã ngũ, thì trung đoàn được tiếp nhận ba cán bộ kỹ thuật cầu đường của Bộ Giao thông vào chiến trường tham gia mở đường chiến đấu. Một trong ba kỹ sư trẻ là cô Thái trong tấm ảnh này. Cô Thái đẹp từ da đến dáng, lính ở chiến trường chỉ thấy cô cười đã ngây ngất. Chỉ một ngày cô Thái thấp thoáng ở Sở chỉ huy trung đoàn, lính tráng thi nhau kiếm cớ lên Sở chỉ huy đôi khi chỉ xin... tí lửa. Cô Thái nghe chuyện chỉ cười.
Đại đội Công binh đón tiếp cô kỹ sư Thái về phối hợp rất tận tình. Khó thì khó, nhưng lính ta vẫn đào riêng cho cô kỹ sư căm hầm ăn sâu vào vách núi, thành đất ốp thân lau sạch sẽ. Ngoài cửa hầm còn lán nhỏ, lợp cỏ gianh, kín đáo. Ngày nào lính xuống suối cũng dành cho cô vài ống bương chứa đầy nước. Riêng suất ăn của cô Thái được anh nuôi ưu tiên tí chút thịt hộp xào măng rừng. Cô Thái có vẻ ái ngại vì sự chu đáo của anh em. Anh nuôi trưởng vốn học dở dang khoa Văn, Đại học Tổng hợp tuyên bố xanh rờn, cô cứ xem chúng tôi như các chú lính chì, chăm sóc công chúa trong rừng.
Việc chính của cô Thái là cùng đại đội trưởng công binh đi thực địa, rồi xem xét hai phương án mở đường một cách khách quan. Sau mấy ngày khảo sát, cô Thái đưa ra ý kiến với trung đoàn, chọn phương án của Đại đội Công binh, mở đường qua cao điểm.
Người phản ứng ý kiến của cô Thái dữ dội nhất là Tiểu đoàn trưởng Đệ. Đệ từng học sĩ quan chính quy, bài bản, được xem là hiếm có của trung đoàn, nơi đa số cán bộ trưởng thành từ cơ sở, lâu năm thì đôn dần lên, lấy thực tế để chỉ huy, chứ ít bằng cấp. Đệ không muốn thua cô kỹ sư mặt còn non choẹt mới vào chiến trường. Không những thế, Đệ còn muốn dạy cho người đẹp bài học về kỹ thuật mở đường gấp trong tác chiến. Dạy được thì việc lấy lòng cô kỹ sư và cả trung đoàn trưởng không khó, biết đâu, vận đỏ rơi trúng đầu.
Cuộc tranh luận việc chọn hai phương án mở đường diễn ra ở Sở chỉ huy. Tôi chìa ra tấm ảnh đen trắng: “Đây, ảnh cuộc họp đây. Nhìn mặt người thì biết căng thẳng”.
Đệ đến muộn trong cuộc họp quan trọng này vì trong tay có bảo bối. Anh cố ý để mọi người nói hết lời, rồi bất ngờ tung bảo bối ra mặt bàn, đối phương, trong đó có cô kỹ sư trẻ Thái chỉ còn giơ tay hàng. Việc cố ý bài binh bố trận của tiểu đoàn trưởng Đệ quả thực gây hiệu quả ngay khi anh xuất hiện ở cuộc giao ban với cái túi cơm cầm tay.
Trung đoàn trưởng khó chịu khi thấy Đệ đặt cái túi cơm lên mặt bàn đã trải bản đồ tác nghiệp:
“Sao anh lại đặt túi cơm lên bản đồ?”.
Đệ nhấc túi cơm lên, mở nút thắt, nói:
“Báo cáo anh, đây không phải cơm mà đất ạ”.
Trung đoàn trưởng nhăn mặt:
“Anh mang đất gì đến đây?”.
Giọng Đệ vẫn nhũn nhặn, từ tốn, kiểu một người đang dẫn dụ người nghe vào câu chuyện mà anh là người sẽ giành phần thắng:
“Thưa anh, đây là đất sườn cao điểm một ngàn tám trăm. Dưới lớp thực bì dày chừng hai mươi phân là đất pha cát”.
Đệ dốc một ít đất pha cát lên mảnh giấy, đặt trên mặt bàn:
“Đất này đây. - Đệ nhấn mạnh - Đêm qua có cơn mưa trái mùa, không lớn, nhưng cũng vừa đủ để bào mòn đất sườn núi, đổ xuống suối, làm nước suối ngả màu, không trong xanh như mọi khi. Đất dễ trơn trượt như thế, lại mở đường ở độ dốc 43 độ, xe tăng làm sao bám đường lên được.
Sau khi chứng minh bằng các dữ liệu thực tế, Đệ đặt ra câu hỏi làm nhiều người đang ngồi quanh bàn giao ban thở phào, chấp nhận ngay đề xuất mở đường dưới chân cao điểm của Tiểu đoàn Bộ binh là đúng, là khoa học.
Cô kỹ sư Thái cắn răng lên môi, im lặng.
Trung đoàn trưởng quay sang Hiếu - Đại đội trưởng Đại đội Công binh, hỏi:
“Đồng chí Hiếu phát biểu về phương án của anh Đệ”.
Hiếu đứng dậy, nhìn kỹ sư Thái, rồi mới nói:
“Báo cáo các đồng chí, chúng tôi vẫn giữ đề xuất làm đường qua cao điểm, vì rút ngắn thời gian và công sức, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu nhiệm vụ. Chúng tôi đã thống nhất, xin chị Thái trình bày”.
Đệ nói chen vào:
“Mở đường là xương máu, là thành bại của trung đoàn đánh vào căn cứ địch, nên ý kiến phải thận trọng xem xét, phải khoa học, không cảm tính”.
Trung đoàn trưởng nhắc:
“Đề nghị anh Đệ bình tĩnh. Mời chị Thái”.
Thái được mời đích danh, nhẹ nhàng đứng dậy, nở nụ cười, nói rằng ý kiến của Tiểu đoàn trưởng Đệ rất hay, rất thuyết phục. Nhưng phương án mở đường vượt qua cao điểm vẫn hợp lý và tối ưu về thời gian.
Đệ hỏi:
“Dốc 43 độ, đất lại kết cấu không chặt, liệu xe tăng bò lên, có bị trượt? Xin Tiểu đoàn trưởng Xe tăng có ý kiến”.
Ông Tặng - Tiểu đoàn trưởng xe tăng ngồi tại chỗ:
“Độ dốc 43 độ, đất yếu, xe tăng khó vượt”.
Trung đoàn trưởng Kiệm, gật đầu:
“Vậy chúng ta có thể kết luận được rồi. Chọn phương án của Tiểu đoàn bộ binh. Trung đoàn sẽ điều thêm Tiểu đoàn tăng cường để mở đường”.
Đệ đứng dậy vỗ tay hưởng ứng.
Nhưng cô kỹ sư Thái vẫn chưa ngồi xuống. Cô chờ Đệ vỗ tay xong mới lại nói nhẹ nhàng:
“Thưa các anh, tôi và anh Hiếu, Đại đội trưởng Công binh đã có phương án kỹ thuật khắc phục dốc cao 43 độ, đất mặt yếu. Đó là mở đường zích zắc. Dốc 43 độ, nếu mở đường zích zắc, thì chỉ còn 37 độ. Dốc ấy dễ dàng cho xe tăng bám lên.
Đệ nói ngay:
“Xin hỏi, đường zích zắc có chịu được mưa không? Mưa, đất mủn ra, xe tăng làm sao bám?”.
Câu hỏi khó này, Đệ mới nghĩ ra. Đệ nói xong, mọi người im, Đệ tin đó là cú đánh cuối cùng, làm tan kế hoạch của cô kỹ sư trẻ và Đại đội trưởng Hiếu. Nhưng ngay cả điều này, không ngờ, cô kỹ sư trẻ cũng đã có kế hoạch phòng trước.
Cô Thái nói:
“Thưa các anh, chúng tôi cũng đã có phương án dự phòng trời mưa, xe tăng khó bám đường”.
Trung đoàn trưởng sốt ruột:
“Có phương án sao không nói nhanh để mọi người cùng xem xét”.
“Vâng! - Cô kỹ sư nói - Phương án của chúng tôi là, đường dưới chân núi, đất xốp, ta chuẩn bị cọc gỗ, đóng dăm cối, cho xích xe tăng bám lên. Chúng tôi đã tính, mỗi chiến sĩ, chuẩn bị 30 cọc gỗ, đầu nhọn, dài 25 phân. Một trăm chiến sĩ, sẽ có 3.000 cọc gỗ, đủ để đóng dăm cối trên đoàn đường zích zắc dài 300 mét. Thế là ổn”.
Cả cử chỉ và lời nói của kỹ sư Thái thuyết phục đến nỗi không ai có ý kiến thêm. Trung đoàn trưởng quyết định chọn phương án của Đại đội Công binh.
“Cám ơn cô Thái!” - Trung đoàn phó Thịnh bắt tay Thái, nói.
Thái bảo:
“Làm xong đường dăm cối mới thắng một nửa thôi anh ạ”.
“Trong quân đội, nếu nói thắng một nửa là chưa thắng. Sao cô lại bảo chỉ thắng một nửa?”.
Thái nói:
“Một nửa mới là quyết tâm người mở đường. Một nửa còn lại trông cậy vào anh em lái Tặng”.
Ông Tặng, Tiểu đoàn trưởng Xe tăng bất ngờ Thái nhắc đến tên, lên tiếng:
“Sao cô Thái lại bảo trông cậy vào tôi?”.
“Đúng thế anh ạ. Một nửa thành công là ở quyết tâm của anh em lái xe tăng” - Thái nói.