Tôi nói với Bua và Xỉ, dừng nghỉ lại Phu Xao một đêm vì muốn gần gũi thêm với ông Nha. Hóa ra tôi đúng, con người mực thước nhẹ nhàng và giản dị này lại có một cuộc đời thăng trầm, nhiều năm sống trong hiểm họa cho nên vô khối chuyện hay. Đang ngồi uống rượu với nhau, ông Nha bắc cái ghế gỗ, với lên ban thờ gắn trên vách, lôi xuống hẳn cái hộp sơn then. Trong hộp là tập hợp đầy đủ thành tích gần một đời làm chiến sĩ của ông, với giấy khen, bằng khen, huân chương, huy hiệu và cả chứng nhận các khóa học, trong đó có khóa học tại một trường quân sự ở Sơn Tây, Việt Nam. Ông Nha nhặt một tấm Huân chương, nói với tôi: giành được tấm huân chương này là gian nan nhất.
Bấy giờ chừng năm sáu chín, ông vừa đi học quân sự ở Việt Nam về thì cấp trên trao nhiệm vụ phải cởi quân phục, làm dân thường, sang Buôm Lọng làm thuê cho ông nai bản. Anh đi làm mướn với lý lịch khác, không phải con trai ông thợ rèn ở bản, mà là mồ côi từ bé, sống nhờ vào các gia đình ở bản Cang. Nha khỏe mạnh, lam lũ nên đi làm mướn được nai bản quý, nhận làm con nuôi. Nai bản có nghề gia truyền làm thuốc, truyền nghề lại cho Nha. Mùa mưa năm bảy mươi, quân Vàng Pao lấn ra Buôm Lọng vừa càn quét, vừa bắt lính. Nai bản do đóng góp nhiều lúa và bò cho lính, nên xin cho Nha đi lính ở gần nhà. Nha được đưa về đồn Phu Xao làm lính địa phương quân từ đó và được phân công làm y tá, mặc dù chỉ biết nghề thuốc cây cỏ.
- Tôi vất vả vì cái huân chương này - ông Nha nói, đặt tấm Huân chương hạng Ba lên tay tôi.
Tấm Huân chương hạng Ba, ông Nha được nhận sau khi làm nội gián để quân ta lấy đồn Phu Xao khi Phủi đã bỏ đi, không mất viên đạn nào. Đút huân chương vào túi, Nha đi bộ suốt một ngày về lại quê để thanh minh với người yêu. Chả là việc anh đi lính Vàng Pao làm cô rất buồn, nhưng anh lại không thể nói đó là nhiệm vụ được cấp chỉ huy phân công. Bây giờ anh về, có huân chương của cách mạng hẳn hoi, cô gái vẫn giận, bởi, anh không tin em hay sao mà không nói thật với em. Nha giải thích thế nào, cô vẫn không ưng. Thôi, khỏi phải giải thích, Nha xin cưới. Đám cưới to, thịt một con bò, hai con lợn và không biết bao nhiêu là gà để cả bản ăn cưới suốt ba ngày, rượu thịt tưng bừng. Có với nhau một mặt con thì ông Nha chuyển cả nhà về Phu Xao, ở trên khu đất nhà ông Phủi cho.
Tôi hỏi vui bà H’Nết, bây giờ bà hoàn toàn tin ông Nha chưa? Bà Nết cười, bảo, bao giờ ông Nha cho bà đứa con trai, bà mới tin chồng là người tốt. Ông Nha nghe vợ nói, nói chống chế, đẻ trai hay gái là số trời. Bà H’Nết bảo, người tốt bao giờ cũng thuận lòng trời. Chả biết đứa con bà đang mang vượt mặt là trai hay gái, nhưng cả nhà đang vui. Ông Nha ướm rượu vào mặt tôi, hẹn, tôi đẻ con trai, ông nhớ phải quay lại Phu Xao đấy nhớ. Tôi ngoéo ngón tay út với gia chủ.
Đến đây chúng tôi phải theo bình độ núi, không thể đi theo tọa độ vì vách dựng.
Núi đá liền kề nhau như tường thành.
Tôi bảo Khăm Xỉ, trước kia tôi đã vượt Hin Tạng ở phía cạnh Tây Bắc, không bị núi dựng chắn đường thế này. Làm sao sang được sườn núi bên kia để đến cao điểm một ngàn tám trăm?
Xỉ bảo, trời sinh núi đá, thì trời cũng mở lối cho người vượt núi.
Xỉ thuộc đường, nên dẫn cả tốp đi ngoằn ngoèo theo con suối cạn rồi bước vào một thung lũng hẹp, vàng rộm hoa quỳ. Từ thung lũng, Xỉ chỉ tay lên vệt cây màu xanh vắt vẻo bò trườn theo lưng sườn núi thấp thoáng những đám mây nhẹ bông trong mùa khô, bảo với cả tôi và Bua:
- Đường Thang Đá đấy.
Tôi nhận ra dáng quen thuộc của thung lũng.
Tuy nhiên Xỉ không dẫn chúng tôi đi về hướng đường Thang Đá mà tới một hang núi, có nước suối chảy từ ruột núi ra. Tôi nhận ra đây là nơi từng đặt trạm xá Trung đoàn Tình nguyện. Tôi vài lần đi qua trạm xá còn Khăm Xỉ thì khá thân thuộc nơi này, vì từng điều trị ở đây trong chuyến cùng Tỉnh đội trưởng Xiêng Khoảng Xỉ Phăn Đon đến làm việc phối thuộc chiến đấu với bộ đội Tình nguyện. Xỉ bị một vết thương xoàng ở gối nhưng đi đứng phải chống nạng nếu không có người dìu. Cô hộ lý ngày ba lần đem cơm đến tận chỗ nằm cho Xỉ, không quên cho thêm vào phần thức ăn một rúm ruốc mặn, món ăn mơ ước của lính. Cho đến khi bình phục, Xỉ nói vui với cô hộ lý, ăn cơm ruốc của em quen rồi, xa em anh có nuốt nổi cơm nữa không? Cô hộ lý bảo, bao giờ thèm ruốc mặn thì mời anh cứ đến trạm xá. Xỉ không lần nào quay lại trạm xá, nhưng thời sang Việt Nam học, anh lần theo địa chỉ xóm Bốn, thôn Phú Bổn, Liên Mạc, Hà Nam để mong may gặp lại cô hộ lý xưa. Cuộc tìm kiếm của Xỉ không uổng công. Anh tìm gặp được Hằng, dù đã cứng tuổi, nhưng vẫn chưa đi lấy chồng, không phải đứng chờ ai, mà vì nhà có mẹ già, anh trai mất ở mặt trận, cô không đành để mẹ sống côi cút một mình. Lâu lắm Xỉ mới lại được ăn bữa cơm có ruốc. Cơm nước xong, Hằng lấy xe đạp đèo Xỉ ra bến xe ô tô, để anh về thị trấn. Chạng vạng tối, Hằng vặn vẹo đèo Xỉ trên con đường đất đầy ổ trâu, ổ gà. Hai lần xe nhảy chồm chồm, Xỉ phải nhảy xuống đất đỡ Hằng khỏi ngã. Cuối cùng, Hằng dắt xe đi bộ. Chưa bao giờ Xỉ lại được gần Hằng đến thế. Họ bước sóng đôi trên đường quê, trăng đầu tháng sáng như gương. Xỉ thấy Hằng còn đẹp, dáng quê chắc nịch trong áo cánh nâu non vừa vặn. Xỉ bảo, sao ngày xưa chúng mình không yêu nhau. Hằng bảo, ngày ấy còn đầy bom đạn. Xỉ lại hỏi, sao bây giờ ta không yêu nhau. Hằng bảo, gái quê chỉ có một thời dành cho mặt trận rồi, bây giờ, yêu nhau làm sao được. Họ cứ đi sóng đôi, không vội ra bến xe mà rẽ lên bờ con đê làng. Ở Lào không có con đê gió thơm mùi hương cỏ cho trai gái ngồi nói chuyện thế này. Họ ngồi đến gần sáng, Hằng chủ động gối mặt lên vai Xỉ. Xỉ ôm lấy bờ vai chắc nịch và ấm, hôn cặp môi Hằng nóng như lửa. Không hẹn ngày gặp lại, nhưng Xỉ vẫn một mình quay lại Hà Nam lần nữa với chiếc nhẫn vàng xin đính hôn với Hằng. Hằng cám ơn Xỉ nhưng không nhận nhẫn, cũng không nhận lời đính hôn, vì anh thương cho, em đã trâu quá xá, mạ quá thì rồi, không muốn làm khổ anh.
Xỉ nói với tôi mối tình với cô gái Việt ở chỗ dừng nghỉ. Và đó cũng là lần đầu tôi nhìn kỹ gương mặt của người bạn dẫn đường, thấy những khao khát nồng cháy của mối tình đã qua vẫn còn phảng phất trong mắt anh. Tôi nói với Xỉ, anh không hiểu con gái vùng đồng bằng sông Hồng rồi, đôi khi họ nói có là không, nói không là có. Xỉ cười vui, bảo, vậy thì sau chuyến đi này, anh lại sang Việt Nam lần nữa.
* * *
Chiến dịch bước vào giai đoạn hai, bộ đội tiến về phía nam cao nguyên, mở cuộc tiến công vào hậu cứ của Vàng Pao, sở chỉ huy của Trung đoàn Tình nguyện dời từ sườn núi Tà Khẹt vào hang đá ở thung lũng Hin Tạng. Cái hang đá chạy dài trong lòng núi, có hình dáng giống một đoàn tàu nối nhiều toa lại với nhau, bộ đội gọi là hang Toa Tàu cho dễ nhớ. Ban Chính trị ở trong cùng, đến Ban Tham mưu, và ngoài cùng là Ban Hậu cần. Sở chỉ huy rì rầm suốt ngày đêm, giống một đoàn tàu lao nhanh về phía trước. Mọi sự chú ý của hang là ngóng về Ban Tham mưu, nơi trung đoàn trưởng thường ngồi im lìm trước chiếc bàn ghép bằng tre nứa, trên mặt trải bản đồ tác nghiệp. Cả trung đoàn chuyển động sau các mệnh lệnh từ đây ban ra. Số phận của từng người lính cũng từ nơi này nắm giữ. Một mệnh lệnh xung phong, là không ít người lính ngã xuống, trong đó lại thêm nhưng chiến sĩ không xác định được danh tính. Cả trận đánh được xem là thắng lợi, cũng vẫn có chiến sĩ hy sinh.
Vào đợt hai chiến dịch, Đội Công tác giải tán, chia quân về hai hướng. Nghi về Ban Dân vận của trung đoàn, còn Bua, Bun Nhăng và Xay Xổm chia ra đi làm phiên dịch cho các đơn vị chủ lực chuẩn bị đánh Sảm Thông.
Do công việc ngày ngày phải chúi mũi vào những dòng viết chữ ngược lên mặt đá, cần ánh sáng, tôi được ở trong một ngách phía ngoài cửa hang. Một lần trung đoàn trưởng vì công việc gì đó ra ngoài cửa hang đã nhìn thấy tôi đang hì hục viết chữ ngược. Ông bảo: “Bản tin của các cậu chậm như rùa, không phản ánh kịp hoạt động của bộ đội, nên lính không cần nữa. Cậu nên xuống các đơn vị chụp ảnh hoạt động của bộ đội, để làm tài liệu cho Phòng Truyền thống trung đoàn sau này”.
Tôi được giải phóng việc làm bản tin từ hôm đó, đeo máy ảnh bay nhảy xuống đơn vị. Tôi nhớ chuyến đi chụp ảnh đầu tiên là lên đường Thang Đá.
Bây giờ từ cửa hang Toa Tàu nhìn lên vẫn còn thấy dấu vết con đường ngày nào lẩn khuất trong mây. Tôi biết một đoạn của đường Thang Đá ở nơi con đường vắt lên cao điểm một ngàn tám trăm, còn Bua thì biết con đường kỳ lạ nhất trong lịch sử chiến tranh của nước Lào từ khi nó chỉ là vệt chì đỏ trên bản đồ tác nghiệp của Trung đoàn hai chín được giao nhiệm vụ mở đường. Bấy giờ tổ của Bua được điều đến trung đoàn giúp công tác dân vận, vận động nhân dân ở các bản tránh xa nơi con đường sẽ đi qua để phòng địch bắn phá.
Khởi sự đường Thang Đá từ đợt một chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum vừa kết thúc. Các cán bộ kỹ thuật của Binh chủng Công binh và Bộ Giao thông Vận tải đi chiến trường đã lặng lẽ khảo sát đường ngay từ khi vùng núi đá còn trong vòng kiểm soát của địch.
Biết được tin tình báo bộ đội Tình nguyện và Pa-thét Lào sẽ đánh vào hang ổ Vàng Pao, A-bờ-ram tức tốc bay sang Băng Cốc hội họp với Kít-ti-ca và Vàng Pao. Theo tài liệu thu được của địch sau này, A-bờ-ram nói với thuộc cấp, cộng sản liều lĩnh đánh vào thung lũng Sảm Thông, Loong Chẹng là cơ hội để liên minh Mỹ, Thái, Lào (quân Vàng Pao và phái hữu của Viêng Chăn) diệt gọn mấy sư đoàn cộng sản. Ở đây, Lào hóa cuộc chiến tranh sẽ đi đầu trên cả chiến trường Đông Dương. A-bờ-ram tự tin đến mức, nhắc cả quân Thái và quân đặc biệt của Vàng Pao đang đóng quân dày đặc ở Sảm Thông, Loọng Chẹng hãy đi nhẹ, nói khẽ để nhử quân cộng chui sâu vào cạm bẫy.
Nhưng đối phương của A-bờ-ram lại không đi nhẹ, nói khẽ.
Trong lúc bộ tham mưu Mỹ, Thái, Vàng Pao đang giương bẫy thì bộ đội Tình nguyện và Pa-thét Lào bất ngờ dùng hỏa lực mạnh bắn cấp tập dìm đầu các tiểu đoàn địch đứng trên các đỉnh cao che chắn từ xa cho Sảm Thông, Loong Chẹng. Địch gọi khu vực che chắn vòng ngoài là Khu trung gian. Quân ta muốn đánh vào phía trong, tất phải qua Khu trung gian này. Ý định quân sự của A-bờ-ram là tạo ra tuyến phòng ngự có chiều sâu, khởi đầu từ Khu trung gian. Tuy nhiên do dâng quân lên các đỉnh cao một cách vội vã, chưa có trận địa phòng ngự vững chắc, nên chỉ trong một tuần, toàn bộ địch đứng ở Khu trung gian bị bộ binh ta bám trên vách đá chờ pháo ngừng là nhảy quét sạch. Mất Khu trung gian, địch ở Sảm Thông, Loong Chẹng giống như người đang mặc áo giáp bất ngờ bị lột trần trong gió rét, run cầm cập.
A-bờ-ram lại bay đi Băng Cốc. Lần này Tư lệnh quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam bày kế giương hai gọng kìm để kẹp quân ta vào giữa. A-bờ-ram bất ngờ tung ngay hai binh đoàn gồm sáu tiểu đoàn tinh nhuệ của Vàng Pao, trang bị gọn nhẹ, có thể lần rừng nhanh bất ngờ nhảy ra vùng sau lưng bộ đội ta ở Xiêng Khoảng. Bộ tham mưu của giặc tính, bị chặn ở sau lưng, ắt quân ta sẽ bỏ dở việc đánh vào hậu cứ Sảm Thông, Loong Chẹng, quay lại giữ lưng. A-bờ-ram chỉ chờ nếu quân ta quay lại, thì lập tức với lực lượng gần 50 tiểu đoàn của Thái và Vàng Pao mới được tăng cường thêm quân số từ hai phía sẽ kẹp quân ta lại ở giữa núi đá để tiêu diệt. Cú nhắc vó của A-bờ-ram tính toán mọi nhẽ.
Chiến tranh là sự đối đầu của hai lực lượng, hai Bộ Tổng Tham mưu, chứ đâu chỉ tính một phía. Tính một phía là đánh trận giả, đánh diễn tập với các tính toán giả định. Giả định dù kỹ càng đến mấy vẫn mang tính chủ quan, vì vừa bày cờ, vừa đi quân. A-bờ-ram không thể lường, khi thấy địch vừa nhảy ra vùng sau lưng, Bộ Tham mưu của ta biết ngay cái bẫy của địch sẽ tự sập vào chân chúng.
Thay vì vội tung quân quét dọn hai binh đoàn quân Vàng Pao nhảy ra, phía mặt trận cho Trung đoàn mở đường bất ngờ kích nổ năm mươi tấn bộc phá rải trên chặng núi dài 18km từ bản Phồn, nam Cánh Đồng Chum đến lưng chừng cao điểm Một ngàn tám trăm, nhìn xuống lòng chảo Sảm Thông. Cú nổ rung chuyển rừng núi, khói chưa kịp tan đã hiện hình con đường quả thật giống chiếc thang bắc vắt qua nhiều vách đá, băng qua nhiều thung lũng, thọc sâu vào hang ổ địch.
Lời tuyên bố bằng con đường Thang Đá làm đảo lộn tính toán của A-bờ-ram.
Địch vội vàng rút quân từ các nơi, đổ về Sảm Thông, Loong Chẹng để lo giữ nhà. Trên đường rút, các đơn vị địch hầu hết lọt vào các tổ mai phục của bộ đội ta. Nhiều đơn vị đang tính chuyện đánh úp địch thì bất ngờ gặp bọn phỉ rạch rừng đi tới trước mặt. Tiểu đoàn trưởng Đặng đang ăn lương khô chưa kịp nuốt, địch đã hiện ra, đành nhổ vội miếng ăn, hô bộ đội nhô lên khỏi các điểm phục kích bắn quét địch. Bị chặn bất ngờ, địch đạp lên nhau quay lui. Chiến sĩ Đặng Hùng vác B-40 phóng vào một cái lưng áo bạc phếch. Quả đạn chỉ làm bay một tên, sau tiếng nổ, bọn còn lại nhổm dậy, cắm cổ chạy. Tiểu đoàn trưởng đi cùng Hùng bảo, bắn phí đạn quá, một quả B-40 mà giết được một mống. Hùng bảo, lần này sẽ tóm cả bọn cho xem. Hùng lắp đạn, nhưng không bắn mà nhặt hòn đá ném về phía trước. Nghe tiếng rơi đánh bịch, địch lại tưởng quân ta ném lựu đạn, nằm bẹp cả xuống. Chúng đâu ngờ khi nhổm dậy, thấy quả đạn B-40 của Đặng Hùng chĩa vào mặt, nên tất cả giơ tay hàng. Hai binh đoàn nhảy ra sau lưng ta, không dọa nạt được gì, đành quay lui, bị ta chặn đánh tơi tả.
Hơn ba mươi năm sau, nắng chiều đang quét lên con đường Thang Đá làm gấp cho xe pháo từ Cánh Đồng Chum vào Sảm Thông, Loong Chẹng, soi rõ những dấu vết nước mưa bào mòn trên mặt đá. Ba mươi mùa mưa đã đi qua.
Đang đi, bỗng Bua hoảng hốt kêu lên “ối”, rồi nhảy giật lùi vì thấy cả đàn cóc túa ra từ một hốc đá. Những con cóc da cũng xám trắng như đá nhìn gớm ghiếc.
Khăm Xỉ bảo:
- Chúng ta gặp may rồi.
Tôi bảo:
- Gặp cậu ông trời may mắn gì đây?
Xỉ bảo:
- Đợi chị Bua bình tĩnh lại đã.
Bua nói ngay:
- Nhìn thấy cóc là Bua chạy mất dép. Xin hai anh đi nhanh khỏi chỗ này.
Xỉ lại bảo:
- Sao lại từ chối may mắn?
Vài phút sau tôi mới biết vì sao Xỉ bảo gặp may. Thì ra không xa chỗ mấy con cóc nhảy trên mặt đá, có một tổ ong mật xây trong hốc đá. Ong mật là loài cảm tử, khi châm nọc vào đối thủ là tự chết. Bầy ong thợ lấy mật rất chuyên cần và không sợ chết để bảo vệ ong chúa, bảo vệ đàn. Những chú ong thợ lại có nhược điểm là sợ cóc, nhìn thấy cóc ngồi như một cục đá lì lợm ở cửa hốc đá, ngước nhìn lên bầy ong bằng đôi mắt lồi, đùng đục ngấn nước là ong thợ vội cụp cánh lại cho cóc dễ dàng nuốt sống từng con một. Cóc thường ăn dăm bảy con ong một bữa, rồi vào hang nằm chờ tiêu hóa, đến khi đói lại nhảy ra nằm dưới tổ ong cho bữa ăn tiếp sau.
Tôi và Bua đều sợ ong đốt, nhưng Xỉ giống như cóc không sợ nọc ong. Cầm một bó đuốc lau khô trên tay, Xỉ thổi khói vào tổ làm các chú ong thợ bay tán loạn, để cắt lấy tổ ong to và dài như bẹ cau, mọng mật. Xỉ thu hoạch cho tổ được hai ống nứa mật đặc sánh. Xách hai ống mật, Bua nói, buổi tối xuống bản sẽ nấu một nồi chè bí ngô với mật ong khao quân.
Nhưng tối ấy, rẽ xuống bản dân Lào Thơng, Bua không phải nấu chè vì gặp được người quen là ông chủ nhà hào phóng, đãi xôi bột ngô có thịt. Nghe Bua nói, ông chủ nhà bảo:
- Tôi vẫn nhớ chị, nhớ anh Bun Nhăng, nhớ anh Xay Xổm ngày nào.
Đến xứ này tôi và Khăm Xỉ hoàn toàn mù tịt. Nhưng lại là bản ruột thịt của Bua. Bua hỏi ông Ka-la-vệt - chủ nhà:
- Còn nhớ ông Nghi không?
Ông Ka-la-vệt bảo:
- Nhiều nhà trong bản vẫn treo cái sắc bùa màu đỏ, yểm phúc cho ông Nghi may mắn.
Bua bảo:
- Ông Nghi bị bệnh phổi, chết ở Việt Nam rồi.
Ông chủ ngồi lặng một lúc rồi đứng dậy, lấy hai cây nến đỏ, châm lửa, cầm ở hai tay quay ba vòng trước cửa nhà, rồi ngậm ngụm rượu phun vào hai ngọn lửa cho cháy bùng lên hai đốm sáng màu xanh. Sau đó ông chủ quay lại, bảo:
- Tôi đã cầu ma lành cho ông Nghi. Giờ đến lượt chúng ta uống với nhau.
Bữa cơm rượu toàn nói chuyện ông Nghi, chủ nhà tránh nói đến chuyện của Bua. Đó là câu chuyện những ai biết đều không muốn nhắc lại trước mặt Bua.
Lần ấy tin tức vì Bua bị mất tích ở bản chân núi lan nhanh cả trung đoàn.
Tôi đang sống với đại đội công binh mở đường vắt qua cao điểm một ngàn tám trăm cũng được nghe. Nhưng chuyện tường tận thì phải chờ sau này, gặp ông Nghi mới rõ. Đại thể, buổi chiều, Bua xuống suối gần bản tắm giặt, Bun Nhăng và Xay Xổm chờ cơm đến lúc lên đèn vẫn không thấy Bua về, bảo nhau đi tìm. Ra bờ suối, Bun Nhăng chỉ thấy váy áo Bua để trên bờ, còn người thì biệt tăm. Tìm đến nửa đêm không thấy Bua đâu, tổ Pa-thét phải báo tin xấu Bua mất tích về Trung đoàn Mở đường, nơi họ phối thuộc. Trung đoàn Mở đường thông báo chuyện này đến Trung đoàn Tình nguyện để mở rộng khả năng tìm kiếm.
Ông Nghi bấy giờ đang cùng ông Long được “cắm” xuống bản người Lào Thơng nằm ngoài một căn cứ địch. Biết tin Bua mất tích, ông Nghi vội về trung đoàn, xin được vào tổ trinh sát lần rừng tìm Bua vì ông thông thạo tiếng nói người bản địa. Hai trung đoàn Hai chín và Tình nguyện thống nhất nhận định, Bua có thể bị bọn thám báo phỉ bắt. Khi ta bất ngờ mở đường Thang Đá, bọn địch có thể tìm cách thăm dò hoạt động của ta dọc con đường. Vì thế hướng tìm kiếm Bua không phải đi vào sâu trong Sảm Thông, Loong Chẹng mà mở rộng ra hai cánh của con đường, từ bản Phồn tiếp giáp Cánh Đồng Chum đến đầu cao điểm một ngàn tám trăm.
Bọn thám báo phỉ thường gọn nhẹ chỉ ba đến năm tên, trang bị súng AR-15 và lựu đạn, sống lang bạt trong rừng, khó kiểm soát. Tổ trinh sát chỉ có năm chiến sĩ, thêm Nghi đi cùng để phiên dịch khi gặp dân, quyết định lục soát hai vùng rừng và ven núi hai bên đường Thang Đá.
Sáu người chia làm hai nhóm, nấu không khói, nói không tiếng, không làm rung đến một sợi dây rừng. Đúng như dự đoán của anh em trong tổ trinh sát, trong đó có Nghi đang đi trong rừng bỗng ngửi thấy mùi thuốc lá. Lặng lẽ tiếp cận, anh em thấy ba tên phỉ đang ngồi quanh bếp lửa, nướng một con thú rừng chỉ to hơn con chuột. Ngay sát bếp lửa, Bua bị trói vào một thân cây, trên người chỉ còn tấm áo rách tơi tả, không váy, miệng bị ngáng một thanh gỗ, buộc dây néo ra phía sau gáy.
Ba trinh sát chia nhau rẽ ba hướng bao vây, còn Nghi nằm lại, rồi ôm súng bò lên. Nghi được quyền phát lệnh cho tổ trinh sát nổ súng. Anh không nổ súng mà bất ngờ hô:
“Nho mư khịn!”.
Cả ba tên phỉ không đứa nào chấp hành lệnh giơ tay lên của Nghi, mà vội chộp lấy súng, vừa bắn vừa bỏ chạy vào rừng. May mà ba trinh sát phục ở vòng ngoài tiêu diệt hai tên, bắt được một.
Nghi không còn để ý đến việc đánh đấm, lao vội đến chỗ Bua, cởi trói rồi cởi tấm dù khoác trên vai quàng lên người Bua. Xong, Nghi cởi tiếp cả chiếc quần đang mặc, mặc cho Bua. Bua cứ như khúc gỗ, Nghi muốn mặc lên người cô thì mặc. Mặc xong bộ quần áo của Nghi, Bua nằm vật xuống lòng rừng, mắt nhắm nghiền, như cái xác.
Ba chiến sĩ trinh sát dẫn tên tù binh đến trước mặt Nghi, bảo, anh hỏi cung nó đi, để bắt thằng này nằm lại đây với đồng bọn của nó.
Nghi hỏi tên phỉ:
“Tên là gì?”.
Tên phỉ đáp ráo hoảnh:
“Xảo”.
“Sao chúng mày bắt cô gái này?”.
“Ở rừng buồn, bắt gái để chơi”.
Anh lính trinh sát chĩa súng vào tên phỉ, lên đạn đánh roạt. Nghi đặt tay lên nòng súng của anh trinh sát:
“Đừng giết. Đưa nó về cho quân báo để khai thác thêm. Cái lưỡi nó được khối việc đấy”.
Từ trưa hôm đó, đến khi về lại bản Phu May, Bua không mở miệng nói một câu. Mãi sau này cũng vậy, cô như người câm. Lần đầu bị viên cố vấn làm nhục, Bua tự ăn lá ngón để chết. Nghi đã giữ lại mạng sống cho cô. Lần này cũng bị làm nhục, nhưng Bua lại không nghĩ đến cái chết. Cô quyết sống, sống bằng mọi giá để không làm buồn lòng một người thôi, là ông Nghi.
Tránh nói chuyện về Bua nên ông chủ toàn nói về ông Nghi. Những câu chuyện bây giờ Bua mới được nghe. Bởi tổ công tác dân vận của Bua và Bun Nhăng, Xay Xổm ở đây một thời gian, đi rồi, ông Nghi mới đến. Ông Nghi đến vào lúc bản Phu May tang tóc, có đến ba người chết sau trận bom máy bay Mỹ đánh phá con đường Thang Đá của bộ đội, nhưng bom lại lạc xuống bản nằm dưới chân núi. Nhà cháy. Người chết. Cả bản hoảng loạn. Bấy giờ ông Ka-la-vệt là trưởng bản. Dân hỏi, chạy đâu bây giờ. Trưởng bản chưa biết nói với dân thế nào, thì ông Nghi nhô đầu ra, bảo:
“Không chạy đi đâu cả. Dân ta vượt qua suối đến trú tạm trong hang đá bên kia. Bà con hết gạo thì bộ đội Tình nguyện sẽ cấp gạo, rồi tính sau”.
Nghi nói đúng ý bà con. Dân bản ở đây, tất cả là người Lào Thơng, ở tận Hang Khang. Từ mùa mưa năm ngoái, quân Thái chiếm Hang Khang để xây căn cứ, quân Vàng Pao dồn dân bản vào sâu trong thung lũng này để phá cơ sở của cộng sản và giữ nguồn bắt lính. Năm đó hàng vạn dân ngoài Cánh Đồng Chum bị dồn vào núi đá bao quanh Sảm Thông, Loong Chẹng. Dồn dân về đây, Vàng Pao mới phân loại dân ra thứ hạng. Được đối xử tốt là dân Lào Sủng, hầu hết có con em đi lính đặc biệt. Người Lào Thơng, Lào Lum ở lưng núi và đồng bằng, nhiều con em đi Pa-thét nên bị ghẻ lạnh, dồn đến ở bên ngoài các căn cứ làm hàng rào đỡ đạn. Dân “hàng rào” thường bị bỏ đói, chịu đi làm phu cho lính thì có gạo ăn, không thì sống chết mặc bay. Dân đói dở, Vàng Pao cho lính đến nhặt hết gái chưa chồng, hoặc có chồng mà còn khỏe mạnh đem về ban phát cho sĩ quan và binh lính có công lấy làm vợ.
Bây giờ nghe Nghi nói tạm trú vào hang đá, được cấp gạo, chờ hết chiến dịch tính sau, bà con mừng lắm.
Nghi nói với dân:
“Bà con sẽ được bộ đội phát gạo, muối. Nhưng không phải tất cả cùng kéo nhau đi trú ẩn. Chỉ người già, phụ nữ, trẻ con đi trú bom thôi, còn đàn ông khỏe mạnh thì họp thành đội dân quân đi tải gạo, tải đạn cho bộ đội. Bao giờ giải phóng Sảm Thông thì đàn ông sẽ về nhà”
Người bản Phu May những tưởng kỳ này chết tất, mà gặp bộ đội Nghi lại có dịp ngửng mặt lên. Đội vận tải của bản Phu May ra đời trước khi bộ đội đánh Sảm Thông cả tháng trời. Công việc của đội vận tải là bốc dỡ đạn, gạo trên các xe vận tải theo đường Thang Đá từ Cánh Đồng Chum vào vùng ven Sảm Thông, rồi cõng đi tiếp “lót ổ” cho bộ đội chuẩn bị đánh hậu cứ địch tận Loong Chẹng.
Ông Ka-la-vệt là Đội trưởng Đội vận tải bản Phu May, nhiều ngày ăn cơm với ông Nghi, ngủ chung ổ với ông Nghi. Cho đến khi đơn vi bộ đội Tình nguyện về bản trú tạm để đi đánh Sảm Thông, thì ông Nghi nói, ông phải đến với dân ở sâu trong căn cứ địch.