1. SAU CUỘC HỌP CƠ QUAN TÔI GẶP RIÊNG THỦ trưởng Xuân Hoàng xin nghỉ phép với dự định lên thăm gia đình đang sơ tán ở Hàm Ninh, chuẩn bị dọn về xóm Hà, Cầu Bốn của thị trấn Đồng Sơn.
Anh Xuân Hoàng nghe tôi trình bày vội nói giọng thuyết phục: “Lê Thị Mây nên sang Bảo Ninh tìm hiểu về nghề cá xem có viết được gì không? Sau đó nghỉ phép cũng chưa muộn”.
Ăn qua loa cơm trưa, tôi soạn sửa xe đạp, dong thẳng về phố đổ Đồng Hới, gửi xe vào rạp, xuống đò về làng. Tôi về ở nhà Vĩnh, bạn học cùng lớp. Vĩnh lấy chồng sớm. Anh là bộ đội biên phòng đã hy sinh, con còn nhỏ, tôi giấu xúc động.
Trước khi lên nhà Vĩnh, tôi đã ghé qua ngôi nhà hai tầng bỏ hoang của gia đình tôi từ nhiều năm nay. Nghĩ mung lung trong đầu, tôi ngồi bệt xuống thềm đá, nhìn vợi lên hai cột trụ hành lang của ngôi nhà hai tầng, mà ứa nước mắt…
Chị Nghết, vợ anh Thận, anh Thận con bác Lĩnh, anh em cùng mẹ khác cha với cha tôi hỏi với sang. Tôi nén lặng một lúc rồi đứng dậy bước sang nhà chị. Nước mắt đã lau khô, nhưng con mắt chị Nghết nhìn, chị biết tôi vừa khóc. Chị có bộ răng nhuộm đen nhánh. Anh chị lấy nhau đã lâu, chưa có con. Chị Nghết, ngoài tuổi ba mươi. Tóc búi to sau gáy, răng đen nhức ngời ngợi nét cười nồng hậu, ý nhị... Anh Thận có thời gian là cán bộ hợp tác xã.
Ngủ tại nhà Vĩnh, hai chị em trò chuyện thâu đêm. Sớm ra, Vĩnh dọn mâm, tôi bối rối ăn vội bát cơm nóng, rồi đi ngay về trụ sở Hợp tác xã Thống Nhất, đăng ký làm việc, lấy tư liệu viết bút ký về nghề cá Bảo Ninh. Trước Cách mạng Tháng Tám, Bảo Ninh có tên: Xã Trường Sa, gồm tám thôn. Bảo Ninh là một bán đảo hình lưỡi bút phía bờ hữu ngạn Nhật Lệ. Mũi bút đấy chính là Mũi Cát. Mũi Nghèn, đầu làng Mỹ Cảnh, kéo dài xuống tới Vườn Ba, sau lưng làng Nguyên Cát dài tám cây số. Gồm các thôn: Mỹ Cảnh, Đồng Dương, Sa Động, Trung Bính, Hà Dương, Hà Thôn, Cừa Phú và thôn Nguyên Cát cuối xã, nhìn sang bờ bên kia là làng Lương Yến, chếch lên một tý là phà Quán Hàu. Sau lưng các làng cát là các triền vườn rười bạt ngàn, có hàng trăm thứ cây cỏ miền cát mặn. Gồm Vườn Nhất sau lưng làng Mỹ Cảnh và Đồng Dương, Vườn Nhì sau lưng làng Sa Động, Trung Bính. Vườn Ba, sau lưng làng Hà Dương, Hà Thôn, Cừa Phú, Nguyên Cát. Giống cây rười tốt bời bời từ cơn mưa rào đầu mùa hạ. Vào kỳ động biển, cây rười là thứ cây đốt lửa hui thuyền bị nước mặn ngấm và hà ăn lửa đượm, thơm ngất bến sông, ngất trời đất. Mạch đất mạch cát Bảo Ninh hội tụ sinh hiền nhân nhiều chữ nghĩa, khí phách kiên cường. Chi bộ đảng đầu tiên của Bảo Ninh được thành lập vào tháng 7 năm 1949. Thuở nhỏ, có lần cha tôi kể về chị Bảo. Chị là tấm gương nghĩa khí. Khi giặc lùng ráp khu căn cứ kháng chiến Vườn Ba, biết bị vây đuổi, chị vùng lên khỏi cát nhào xuống biển lội xa bờ, địch bắn theo. Chị nhoi đầu lên khỏi sóng chửi rủa chúng. Dính đạn, chị hy sinh anh dũng.
Trước khi rời cơ quan đi viết bài bút ký, thủ trưởng Xuân Hoàng động viên: “Cố gắng bám theo sản lượng đánh bắt của các đội thuyền mà viết”. Thực lòng đây là một thách thức lớn. Sống, trưởng thành trong môi trường nghề văn tôi đã có nhiều thay đổi, tự chiêm nghiệm âm thầm, khác hồi ở xứ Lim cách hai năm trước. Hồi ấy, trong tổ tiếp phẩm có em Thái, con gái mẹ Suốt. Em Thái và tôi học cùng từ năm lớp một. Em Thái giống mẹ, từ mắt mũi dáng đi, tính nết hiền lành. Mỗi ngày mua được nhiều chuối xanh, mít non, em gánh rất khỏe, rất dẻo vai. Mẹ Suốt, chị Nguyễn Thị Khíu được Nhà nước phong Anh hùng là một vinh dự lớn cho Bảo Ninh.
*
Tôi được anh Hoa tiếp. Anh làm kế toán Hợp tác xã Hồng Phong từ hồi cha tôi còn làm xã viên đánh cá. Nay làm chủ nhiệm hợp tác xã, đủ các ngành nghề. Chị Tọa vợ anh như một phụ nữ Hà Lan, cao lớn mập mạp, tươi tốt. Anh Hoa gần như là cao nhất làng trong con mắt tôi. Anh chị là một cặp hoa khôi hoàn hảo. Sau đề nghị của tôi, trước tiên, anh Hoa dành cho tôi một ngày làm việc đầu tiên tại văn phòng. Sau sẽ về nắm tình hình các đội sản xuất.
Tuy con dân của làng, nhưng ở tuổi mười sáu tôi đã đi công tác xa làng. Nay cũng đã nhiều năm mới trở về với tư cách nhà báo. Các tư liệu về Hợp tác xã Hồng Phong làm tôi xúc động vừa rất ngạc nhiên vì nhiều lẽ. Giọng anh Hoa trầm ấm đầy nghĩ ngợi. Trong ký ức tuổi thơ, anh Hoa là một người được học hành tử tế, nhiệt tình công tác xã hội, đứng trong tốp đầu thanh niên thôn.
Cả miền Bắc sau hòa bình, 1957-1959 rầm rộ thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác xã, thực hiện Kế hoạch Nhà nước ba năm. Tiếp nữa, Kế hoạch năm năm lần thứ nhất và rồi đến thời kỳ bốn năm (1964-1968) đánh Mỹ.
Thời kỳ đầu Bảo Ninh chỉ xây dựng hợp tác xã nhỏ vừa tầm quản lý của ban quản trị, cán bộ thôn. Gồm hợp tác xã: Hồng Mỹ, Hồng Phong, Hồng Hà và Đội chế biến thủy sản Hồng Thủy. Từ chỗ làm ăn tư nhân chuyển sang làm ăn tập thể, tiền tạm ứng hằng tháng ít, dân chưa thoát cảnh bấp bênh do động biển, bão tố thất thường. Vào hợp tác xã nảy sinh sự chênh lệch “công điểm tạm ứng” có nhiều bức xúc nhưng không ai nói ra.
Thôn Đồng Dương, dân công giáo di cư vào Nam vợi hết. Trụ sở của Hợp tác xã Hồng Phong trên đất Đồng Dương. Hồng Phong là hợp tác xã gồm xã viên thôn: Sa Động và hộ các cặp vợ chồng trẻ tản cư trên đất Đồng Dương. Hợp tác xã Hồng Mỹ gồm xã viên thuộc thôn Mỹ Cảnh. Hợp tác xã Hồng Hà gồm xã viên hai thôn: Hà Dương và Hà Thôn. Thôn Trung Bính có nhiều ngành nghề phụ, trong đó có nghề đóng thuyền. Đóng các loại thuyền đủ cỡ. Thuyền dạ đôi, thuyền đánh cá khơi, thuyền đánh cá lộng. Đóng cả những con đò dọc cho dân vùng sông nước xứ Lệ Thủy. Dọc bến làng lúc nào cũng có dăm bảy con thuyền đang đóng mới, sắp hạ thủy. Mùi tràm xảm thuyền, mùi gỗ rừng thơm lừng lự. Con em Trung Bính được gia đình cho học hành đỗ đạt nhiều, gọi là đất học của Bảo Ninh. Thôn Cừa Phú có nghề lúa, thôn Nguyên Cát trồng rau màu, trồng cây thuốc lá. Thôn Trung Bính nhiều gia đình tiểu thương hằng ngày sang đò buôn bán cá mắm, bún bánh tại chợ Đồng Hới. Vào những năm đầu thập niên sáu mươi, các hợp tác xã nhỏ vững vàng dần, đời sống của xã viên khấm khá lên, lòng người khấp khởi mừng, mơ ước đến một ngày sẽ có một cây cầu lớn bắc qua sông Nhật Lệ, nhân dân Bảo Ninh sẽ đổi đời. Thời Pháp, các kỹ sư cầu đường người Pháp đã cúi đầu chịu thua chang chang cồn cát Bảo Ninh, vì mố cầu không “thể kê lên cát”. Nhưng rồi đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, gây hấn mở chiến tranh ném bom leo thang ra miền Bắc. Chiến tranh ập xuống...
Rất may, trong quá trình tìm tư liệu, tôi lại có được đơn xin vào hợp tác xã của gia đình anh Bảy, chị Duyên. Hai vợ chồng anh Bảy, chị Duyên là những cán bộ nòng cốt từ thời kháng chiến. Chị Duyên những năm đầu thập niên sáu mươi chuyển lên làm Phó chủ tịch thị xã Đồng Hới. Đọc lá đơn xin vào hợp tác của gia đình anh Bảy, chị Duyên gợi cho tôi nhiều nghĩ ngợi, xúc động tôi vội ghi nguyên văn vào sổ tay.
*
Ngày đầu tiên giặc Mỹ ném bom sông Nhật Lệ, mẹ tôi bế em gái út xuống hầm, mắt mở to đầy sợ hãi nhưng không khóc. Mẹ ôm em trước ngực, còn mấy chị em tôi ôm đầu gối mẹ. Đầu gối mẹ run bần bật theo từng cơn bom giật ngoài sông. Tôi không nhớ nổi lúc ấy các em trai ở đâu? Cha và anh cả thì đang ở ngoài biển.
Hàng chục cột nước dựng chất ngất khắp mặt sông. Các tàu hải quân đánh trả kiên cường. Bộ đội bị thương từ boong tàu xuống xuồng du kích. Đò mẹ Suốt cập mạn đưa vào bờ cấp cứu tại trạm xá xã. Máu trên sàn tàu và máu thấm triền cát quặn thắt lòng người. Em Trương Hương con đầu anh chị Lĩnh đi học về chưa cởi khăn quàng đỏ lao ra trận địa tải đạn giúp trung đội anh Tối đánh máy bay. Bấy giờ em Hương đang học lớp bốn.
Vào ngày 30 tháng 3 năm 1965, hàng chục chiếc máy bay Mỹ tiếp quần lượn oanh tạc dữ dội vùng biển thuộc ngư trường đánh cá của Hợp tác xã Hồng Phong. Cặp thuyền dạ đôi của anh Lộc bị trúng bom. Chúng vãi bom na-pan, lưới nghề cháy rụi. Anh Tắc chết trên thuyền không còn nhìn thấy mặt. Chú Lộc thuyền trưởng, vóc người tráng kiện bị mảnh bom cứa đứt gót chân, hất chìm xuống biển, các đội thuyền bạn đến ứng cứu nhưng không tìm được thi thể.
Thuyền cha tôi vào hôm đó đi đánh cá ngoài khơi đã căng buồm chạy vát gió nam tránh bom. Không ngờ, càng về xế chiều, gió nam thổi rát, không hạ nổi buồm nên lạc sóng xa bờ tít về phương Bắc.
Khắp làng trên xóm dưới lo lắng, nháo nhác đoán già đoán non những chuyện chết chóc. Mấy đêm liền tôi theo mọi người lên động Bời Lời túm tụm quanh cái chòi canh của du kích thôn vừa dựng lên nhìn ra biển ngóng thuyền cha. Người lớn nói chuyện rì rầm, mặt mày rám nắng, háo hác. Lũ nhóc thì tò mò chạy suốt đêm quanh người lớn nhưng không dám đùa nghịch la hét. Thuyền cha tôi lạc gió nam khan vẫn mù mịt chân sóng chưa có tin gì.
Sóng dồn cuộn một nỗi sợ hãi, chết chóc. Tôi nhớ, chuyến đi biển đêm hôm ấy, trước khi xuống thuyền cha tôi đã đánh thức tôi rồi dắt xuống bến, ý như dặn con hãy đợi cha. Đã năm sáu đêm rồi tôi ngóng đợi vời vợi. Hằng đêm tổ du kích thôn phân công người đứng trên chòi canh ngoai con bùi nhùi lửa. Một đêm. Hai đêm. Ba đêm...
Mọi người đổ xô lên động Bời Lời, chỗ có chòi gác của dân quân. Đêm xuống trên đỉnh chòi con bùi nhùi lửa ngoai từng vòng, từng vòng kiên nhẫn, hồi hộp. Tôi luôn thầm gọi: “Cha ơi, cha cùng bạn thuyền của cha có nhìn thấy hàng trăm vòng ngoai lửa không? Đã một đêm, rồi hai ba đêm rồi năm đêm, mẹ ôm em gái út vỗ về em nín khóc, còn mẹ thì không dám khóc. Tóc mẹ tràn khắp mặt em. Chốc chốc mẹ rướn người búi cao lên, nhưng rồi nó chợt xổ tung xuống tràn theo nỗi nín kín cơn vật vã ngóng trông của mẹ”.
Mấy đêm trước dân quân cũng vẫn chưa tìm thấy thi thể chú Lộc. Mẹ chú Lộc cùng vợ chú đêm nào cũng đi từ cửa sông, rồi từ bãi ngang đền Am Hồn trở lên cửa sông cầu khấn trời phật cho sóng đưa chú vào bờ. Chú bị một mảnh bom cắt gót chân, bom hất chú nhào xuống biển, máu hòa trong biển mà thân chú dạt đâu? Mẹ và vợ chú Lộc khóc khản tiếng đi dọc các bãi ngang, về tận Vườn Ba (còn gọi là vườn An Ba, nơi xuất quân mùa biển của các đội thuyền khơi) mà chẳng tìm thấy chú đâu? Hay thân xác chú đã bị cá nuốt? Vợ chú Lộc trẻ lắm. Bụng mang bầu ba tháng, nhưng chưa thấy nhô ra, trông thím như trẻ con. Mẹ chú Lộc cao lớn xương xẩu, nhưng rất hiền. Em nhỏ V. năm tuổi đã nhiều ngày không ăn cá. Nước mắm em cũng không ăn. Em lắc đầu sợ hãi bảo, nước mắm làm từ cá, mà cá đã nuốt chú Lộc.
Nếu không bị bom giết hại, sau chuyến đi biển, anh Tắc sẽ ra Hà Nội học đại học. Khóc cho cha, khóc cho chú Lộc, còn khóc cho anh Tắc nữa. Anh Tắc người cao và mảnh, khuôn mặt thư sinh, rất ưa nhìn. Anh trông thật hiền, có cái điệu cười khi trò chuyện như đứa con gái mới lớn. Tôi khóc thấm thít, mặt úp vào tường nhà ông Hốt. Chỗ bức tường ấy mấy năm trước tôi đã úp mặt khóc tang bà ngoại và khóc tang bà nội. Mộ bà ngoại táng ở sau động Miếu Mụ Nghị. Câu chuyện truyền tụng: “Mụ Nghị đã cởi thắt lưng cho đội thuyền bơi trải Bảo Ninh buộc ngoai chèo cái bị đứt, giật giải Nhất, được quyền rước ngài Cá Ông thờ cúng từ cả trăm năm trước”.
Về chú Kiểu là một câu chuyện dài, huyền hoặc u tịch. Chú Kiểu lớn hơn anh trai tôi đôi ba tuổi, cùng ra Hải Phòng học Trường Hàng hải. Chú Kiểu học khoa boong, được phân làm thủy thủ boong đưa hàng vào Nam ngay từ khi chưa có bom đạn dữ dội. Ra trường anh tôi ở lại làm giáo viên khoa máy, sau anh ấy cũng rời bục giảng xuống tàu vận tải, làm máy trưởng, tuyến hàng từ Hải Phòng vào bến cảng Gianh, có chuyến đi sâu vào những đâu đó nữa. Thời chiến, mỗi người làm một việc, chỉ được cấp trên cho biết cốt để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất. Tất cả đều phải giữ bí mật...
Trăng sáng suông. Các đội thuyền, xóm giềng làng nước và cả bẩy bà con gia đình nội ngoại chú Kiểu đổ ra khắp các bến bờ, bãi ngang vẫn chưa tìm thấy thi thể chú Kiểu. Chú Kiểu con trai thứ hai của thím Cái. Chị Cái là con đầu, chị Cảnh con gái út. Anh Tối là em kế chú Kiểu. Tôi cũng không biết kỷ họ hàng ngôi thứ ra sao mà anh chị em trong nhà gọi mẹ chú Kiểu ở hàng thím. Vào các mùa hè đang học, chú Kiểu về nghỉ hè trông chú rất bảnh trai. Cao lớn, trắng hồng như người Liên Xô. Lại học giỏi từ nhỏ. Chú đi khỏi làng từ bao giờ tôi không biết, nhưng mỗi khi chú về làng, người già trẻ nít cứ nhìn theo. Nhất là các chị gái trong làng. Thế mà bây giờ thê thảm không? Thím Cái khóc hết nước mắt. Bao nhiêu tai ương đổ ập xuống mọi nhà. Khóc. Nước mắt. Cát bỏng. Đêm tối. Lũ biệt kích xập xình “thuyền nhái”, “người nhái” được thả vào từ hạm đội bảy của Mỹ. Tiếng máy bay gầm rít. Cáng cứu thương. Lê, mác, lựu đạn gỗ, bộ đội pháo, trận địa mười hai ly bảy sau động Bời Lời của trung đội nữ chị Xảo, trung đội nam anh Tối...
Trẻ nhỏ đi học đội mũ tránh mảnh bom, quanh lớp đào giao thông hào. Hầm chữ A. Nhất là các lớp mẫu giáo. Biển bờ Bảo Ninh mỗi ngày đang đối mặt bão dữ, bom đạn khốc liệt.
Tự sâu thẳm đáy lòng, tôi luôn thốt lên: “Cha ơi, thuyền cha hãy trở về, mau lên cha! Con cầu nguyện gió nam ngưng thổi. Có phải đợt nam khan thổi rát, thổi hùn hùn làm thuyền cha lạc sóng. Nếu hôm đó có vài cơn gió bấc hẳn có thể khác. Gió bấc sẽ đưa thuyền cha về đất liền thuận hơn phải không cha? Con cầu xin gió bấc phù hộ cha. Nước mắt của mẹ rơm rớm rồi đêm xuống chảy ngược vào lòng. Con chỉ nghe mẹ úp mặt vào tay thút thít, không làm thức giấc em gái nhỏ”.
Các lão ngư trong làng nói, năm nay gió nam sớm, bất thường, hùn hùn như bão lốc. Có người dự đoán, có thể thuyền cha đã dạt sang tận đảo Hải Nam. Đảo Hải Nam ở đâu? Hỏi người này người khác, ai cũng bối rối lắc đầu. Sau anh Lộng bảo cho biết đảo Hải Nam ở bên Trung Quốc. Sao gió nam độc ác đẩy thuyền cha vào đấy? Không chỉ gió nam độc ác mà cái chính là bom đạn Mỹ. Đúng thế.
Không nước ngọt. Không gạo. Không lửa. Gió nam thổi ngược từ đất liền ra. Buồm mẹ, buồm con khó khăn lắm mới hạ xuống. Mọi người trong thuyền mặt mày đen cháy, bong vẩy. Theo phân công của hợp tác xã, cha tôi giỏi biển, là một ngư thuyền tráng kiện đảm đương chủ thuyền. Đã vào hợp tác xã thì không còn chủ, tớ. Mỗi tổ thuyền tùy nghề lưới đánh bắt lộng hay khơi mà có năm hoặc bảy thuyền viên và một “chủ thuyền”. Con mắt thuyền là con mắt trời biển mênh mông. Con mắt cha trong bảy ngày đêm lạc sóng ấy sâu trũng. Cha tôi trở thành người đổi tính, ít nói, nhưng thần khí gắng cho vững vàng, lấy mặt trăng, mặt trời làm la bàn tìm hướng bờ. Anh Vạnh, người chuyên tát nước nói rằng, nếu không có cha tôi, thuyền sẽ lạc sang đảo Hải Nam, không biết đường về. Hộp quẹt đã quẹt đến que diêm cuối cùng. Cá câu được vài con thì đành ăn cá sống. Gió nam cuộn lốc. Phải chờ đêm xuống nhìn sao Bắc Đẩu hoặc chòm Tua Rua, sao Mai mới tìm ra phương hướng đất liền.
Sáu, bảy ngày lênh đênh sống chết trên đầu sóng. Dưới đáy mùa đi nhịp hải hà. Đáy đĩa bầu trời, sao Bánh Lái, sao Bắc Đẩu, sao Hôm, sao Mai xoay đêm sang ngày, ẩn khuất trong ngày chuyển vào đêm ở đầu mũi thuyền. Thuyền cha tôi đến rạng ngày thứ bảy mới tìm thấy bến bờ. Rạng Ông Hiền có con mòi trắng tựa có ngài Cá Ông đập đuôi đón đợi, phù hộ. Mũi Nghèn ở đầu cửa sông Lệ cũng xập xòa sóng trắng vẫy mừng.
Lần đầu kể câu chuyện lạc biển, giọng của cha tôi trầm xuống, chậm rãi, có chút gì đó ứ nghẹn. Cha chỉ kể đôi điều không ra đầu không ra cuối. Hình như trong lòng cha còn rất nhiều những ám ảnh, sợ hãi. Mãi mấy ngày sau vào một đêm khuya vắng tôi dỏng tai nghe cha khàn giọng nói với mẹ về nỗi sợ hãi được vùi kín trong lòng, khi nhìn thấy chùm bom và đạn rốc két máy bay Mỹ nhằm săn đuổi bắn thuyền bè trên biển. Chúng bay mù trời ráo riết ném bom săn đuổi các cặp thuyền dạ đôi. Cha lo cho những đội thuyền dạ đôi to cồng kềnh, khó trở buồm trở hướng, trong đó có cặp thuyền dạ đôi anh Cả đi cùng gần hai mươi bạn thuyền trai trẻ của làng.
Những lời của cha thao thiết nằm sâu trong lòng, nhen nhóm ý tưởng viết truyện dài Nghĩa địa cá. Chuyện tín ngưỡng về ngài Cá Ông. Hài cốt ngài Cá Ông ở đình làng Sa Động, khi chiến tranh nổ ra được Trung ương đưa rước ra Hà Nội. Thông tin này tôi biết được trước ngày đi Thanh niên xung phong. Mới gần đây, qua tìm hiểu, tôi biết xương cốt ngài được thờ phụng ở một ngôi đình lớn ở Hải Phòng. Tiếc, sau khi biết tin, tôi chưa lần nào về Hải Phòng tìm rõ thực hư. Gồ cát ở khu vực đền Am Hồn chạy tiếp vào đến lưng thôn Sa Động là lũy đất sét được đắp từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, gọi Tiểu Trường Sa.
2. Buổi đầu tiên làm việc với anh Hoa, cuốn sổ tay của tôi đã đầy ắp thông tin. Những điều anh nói, cứ như tằm nhả tơ, rút từ gan ruột. Giọng anh chậm rãi, ẩn sự ngẫm ngợi toát lên gương mặt, khi anh kể lại những chuyến đi biển của anh Nao, anh Đuốc, anh Nương... Các anh ấy là tấm gương kiên cường dũng cảm, mỗi anh mỗi vẻ. Nhất là về anh Nao. Anh Nao đã hy sinh ngày 6-7-1968.
Nhiều lần về làng trước đây, tôi đã được mọi người kể về anh, trong đầu ấp ủ viết một truyện ngắn với tên Con chim đầu đàn, nhưng chưa viết nổi. Anh Nao, anh Đuốc là con trai của hai gia đình thuộc diện lớp trên nhiều lao động chính, ngư cụ, thuyền lưới đánh cá trước khi vào hợp tác xã rất lớn.
Tính tình các anh vốn vui vẻ cởi mở với bạn thuyền, nhưng rất cương quyết khi đụng việc kỹ thuật đánh bắt và đối đầu với máy bay, tàu chiến săn đuổi thuyền bè đánh cá ngoài khơi.
Anh Nao, con đầu của thím Nao. Gia đình thím có ba con trai một con gái. Kế anh Nao là anh Nương, chị Mười, anh Lộng con trai út. Xóm giềng, bạn thuyền quý các anh (anh Nao, anh Đuốc, anh Nương, anh Xì, anh Tối...), bởi các anh ai cũng giỏi biển, có kinh nghiệm nghề cá. Có chí, tận tâm và quyết làm giàu cho hợp tác xã. Xã viên ví anh Nao là con chim đầu đàn của các đội thuyền đánh khơi vào lộng, bám chà vượt mức khoán sản lượng hằng năm. Xã viên có người còn ví các anh là những hòn núi cao trên dãy Trường Sơn, thuyền ra khơi vài mươi lăm sải nước càng nhìn thấy rõ. Đấy là những đỉnh núi Đầu Mầu, U Bò, Giăng Màn...
Có người còn nhớ câu chuyện tâm sự của anh Nao. Khi đứa con nhỏ của anh lên năm tuổi, anh cho nó theo thuyền đi chuyến biển mười lăm ngày. Giữa trùng khơi, thấy con đứng ở chân cột buồm đã gợi cho anh nghĩ tới tương lai của con. Anh thầm nghĩ trong đầu, con trai anh cũng sẽ được luyện cho giỏi nghề, giỏi biển như cha. Tâm nguyện của vợ chồng anh là thế. Có người vợ nào mắt nhìn đăm đắm ra biển mà không mong ngóng thuyền chồng sớm dóng, rúc và vào cửa sông.
Tiếng tù và thuyền khơi vào cửa sông dóng lên náo nức quá. Trong cảnh bom Mỹ gây tang tóc, nghe tiếng tù và đau ruột, không còn phù hợp với thời chiến. Chỉ ở ngoài khơi, tìm thuyền lạc, bị tàu chiến săn đuổi, tiếng tù và mới được rống lên như tiếng khóc tìm, kiên trinh vừa hớt hải. Thời chiến tranh bom đạn Mỹ, thuyền đi thuyền về không còn dóng tù và nữa vì lẽ ấy.
Máy bay đang đánh phá ác liệt. Một hôm vợ anh bàn với anh, mai sẽ đào hầm, làm hầm chữ A, anh cũng chỉ ở nhà một hôm. Anh Nao nói với vợ, làm hầm anh chỉ nghỉ biển, ở nhà một ngày. Chôn xong khung hầm chữ A, anh xuống thuyền, mọi chuyện vợ anh lo liệu trong sự giúp đỡ của xóm giềng.
Chị Khuộc vốn là một cây đi biển có nghề. Chị đi đội thuyền Minh Khai. Chị Nguyễn Thị Khíu đội trưởng vừa là thuyền trưởng một thuyền gồm các các nữ thuyền viên trẻ, giỏi biển. Hôm bom Mỹ đánh bom trúng thuyền chồng chị, anh bị thương nặng, thuyền cập bờ đưa anh đến bệnh viện tỉnh sơ tán cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. Hôm ấy, nhân có việc đến thăm anh Ngẩu ở Đức Ninh. Anh Ngẩu đi thanh niên xung vừa mới trở về. Nhà anh ở sát bệnh viện tỉnh sơ tán. Từ nhà anh Ngẩu ra tôi sững sờ thấy một tốp người làng khiêng võng, từ viện ra, tấm mền Nam Định đắp kín mặt người bệnh. Tôi vội hỏi thăm, mới biết người nằm trong võng là chồng chị Khíu. Anh không qua khỏi, hơi người còn ấm. Người làng bảo, thuyền của chị Khíu vẫn còn ngoài khơi. Chị chưa hay tin dữ...
Chị Nguyễn Thị Khíu và mẹ Suốt là hai tấm gương sáng của Bảo Ninh và chị Trần Thị Lý, con em làng Phú Hải, ở bên kia Nhật Lệ chị ruột của Toại, bạn học lớp năm trường Đào Duy Từ với tôi, được Đảng và Nhà nước phong Anh hùng.
Năm 1964, chị Khuộc là đối tượng Đảng, làm xã đội phó. Năm 1967, chị được điều chuyển lên Thị đội Đồng Hới. Chị Khuộc kể: “Anh Nao giỏi kỹ thuật đánh bắt nhiều nghề, từ lưới dạ, lưới tủ, lưới te. Trong những cuộc trao đổi về kỹ thuật đánh bắt có ý kiến ngang phè, anh nói to, nét mặt nén bực tức. Nguôi cơn giận thì lại trao đổi nhỏ nhẹ hoặc lặng thinh, tận tình giúp đỡ lớp trẻ. Ngày 3-2-1963 nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng anh nói với các thuyền viên về lý luận rất giản dị mà thuyết phục được lớp thanh niên, hướng họ phấn đấu, trưởng thành lớp kế cận bổ sung đội ngũ cho Đảng. Chuyến đi biển sau ngày thành lập Đảng, khi thuyền đang giữa khơi, gặp buổi lặng gió không đánh cá được, các thuyền viên tập trung đan lưới, tăng thu nhập. Trong kỹ thuật đan lưới, anh Nao thường hướng dẫn cho bạn thuyền, cho xã viên đan lưới theo phương thức cải tiến mới. Cần giải trí, anh cho thuyền viên đánh tú-lơ-khơ. Đợt đi biển ấy, sang ngày thứ ba, đánh được hai mươi bốn tấn. Ngày con anh bị bom sát hại, thuyền anh cũng đang ở ngoài khơi...
Trận bom ấy chúng giội bom tấn, bom tạ lẫn bom bi, bom ổi sát hại con trẻ. Em Bổn, em Mịn đang học dở cấp hai, vóc dáng chưa kịp đến tuổi dậy thì bị bom giết hại, bút mực lăn lóc trên đường làng.
Mỗi cặp thuyền dạ đôi, gồm hai thuyền, với gần hai mươi thuyền viên, luôn bị máy bay Mỹ săn đuổi dữ dội. Trong khốc liệt bom đạn lòng xã viên vẫn kiên cường bám biển vượt sóng bám khơi. Anh Nao thường động viên bạn thuyền:
- Nếu không đi hôm nay, chờ ngày mai, lũ giặc nó vẫn vòng lượn trinh thám, ném bom liệu có vượt ra cửa sông được không? Hoặc khi thuyền đang ở ngoài khơi, chưa vây bủa được con cá nào, thấy máy bay chúng uy hiếp, đáo trở thuyền về, liệu mai có bám biển được không? Thuyền đang ở ngoài khơi, chúng oanh kích dữ dội, đáo thuyền về, khoang rỗng, không có mùi tanh cá thì đi vô bờ mần chi. Xã viên đối mặt với bom, có ai có hy sinh thì bạn thuyền, bà con ta lo chôn cất, ban quản trị lo liệu các bề. Bám biển là sống còn của nghề biển. Đấy là vụ khơi năm 1964, sau mười năm (1954-1964) nhân dân miền Bắc được hưởng hòa bình.
Bước sang năm 1965, nghề đánh bắt cá khơi bằng dạ đôi sau các trận bom Mỹ oanh tạc làm chết nhiều ngư dân, trong đó có anh Lộc, anh Tắc. Với sự chỉ đạo của cấp trên, nghề đánh cá dạ đôi, buộc chuyển xã viên về các nghề lưới tủ, lưới te, hoặc câu rạng, câu mực. Khó khăn lớn ấy xã viên hiểu, thông cảm với hợp tác xã, thêm oán thù giặc Mỹ.
Do việc chuyển đổi nghề lưới đánh bắt cá trong tháng năm, đang giữa mùa cá các đội thuyền phân công anh em nỗ lực đi lấy muồi, lấy đá chuẩn bị cho việc trỉa chà đánh vụ cá khơi mất hai mươi ngày. Tổ của anh Nương đến tháng bảy mới có thuyền. Cuối năm tổ anh Nương đạt được mười chín tấn, đứng thứ hai. Tổ anh Nao được mười tám tấn xếp thứ ba. Tổ ông Đoi hai mươi tấn đứng thứ nhất.
Trong bốn năm, từ vụ cá khơi năm 1964 đến nửa vụ cá khơi 1968, tổ anh Nao đua bám biển không ai “bị chi hết”, không ai bị thương, bị dính bom đạn, hy sinh. Nói rứa, không phải cái sự bom đạn không khốc liệt.
Thuyền ra khơi, các thanh niên trẻ trong đội ngũ dân quân xã được trang bị súng trường bắn máy bay. Hơn nữa, ngư trường đánh cá không chỉ một thuyền mà hàng chục hàng trăm thuyền dong buồm. Hễ có máy bay, các thuyền nhìn buồm, nhìn lái phối hợp chèo lắc léo, ngó trước ngó sau, đánh lừa bọn giặc lái, vừa tránh bom, rốc két, hỏa tiễn của chúng. Khi vây bắt cá, thuyền vừa mớm sóng ra khơi, vừa đồng thời họp bàn kế hoạch đánh bắt. Những cuộc họp đội xã viên lấy tinh thần phát biểu và kinh nghiệm nghề của anh Nao để phát động thi đua. Các bạn thuyền nói lóng, gọi đấy là dỏng tai nghe lá dừa cọ le te thể đâu chúng cũng lên tiếng bàn cãi tìm kế bám biển với bạn thuyền.
Những khó khăn về lưới thuyền Hợp tác xã Hồng Phong đầu vụ cá năm 1968 rất cam go. Bấy giờ tình trạng thiếu thuyền để xã viên đi biển diễn ra bức thiết, phức tạp hơn. Vì nhiều lưới thuyền bị bom đánh hư hại. Tinh thần bám biển của các đội thuyền thi gan với giặc trời rất kiên trinh. Tuy nhiên năng suất, sản lượng đánh bắt ì ạch, thả trôi khoán. Có phải có xã viên đối mặt với bom đạn ác liệt mà đã có dao động, nhụt chí, cấp trên không kết luận thế.
Trước tình hình đó, anh Nao hội ý tổ thuyền, hạ quyết tâm bám chà. Thấy thuyền anh xồ sóng vượt cửa sông, thì thuyền thuyền khắp bến nối theo sau.
Trỉa chà sâu nhất trong những năm 1965, 1966, 1967, 1968 ở nước mười bốn sải là cây chà của thuyền anh Nao. Vào tháng sáu năm 1968, trước khi anh hy sinh, tổ thuyền anh đã kịp trỉa thêm cây chà mới. Bom đạn khốc liệt trên ngư trường, chà trỉa ít nên cá tập trung nhiều vào các cây chà khơi, sản lượng đánh bắt được nâng lên.
Kể sản lượng từ năm 1965, có năm cao nhất, thuyền anh Nao đạt được hai mốt tấn, vượt khoán hai tấn. Về lưới thuyền trong bom đạn Mỹ, thuyền anh ít hư hại. Lưới chủ yếu bị mắc rạng ngầm.
Có lão ngư Mỹ Cảnh nói:
- Với nghề cá lâu năm, ngư dân Bảo Ninh, anh em thuyền viên mỗi thuyền đều thành thục nghề, phấn đấu sản lượng không mệt mỏi. Suốt một ngày lao động, nối tuần trăng nối tháng mà cứ hệt liền tù tì chỉ trong một ngày. Bảy năm chiến tranh (1964-1970) chứ đâu phải chỉ bảy ngày bám biển.
Cuối năm 1964 sang đầu năm 1965, thị xã Đồng Hới bắt đầu bị máy bay Mỹ ném bom. Chiến tranh leo thang ném bom miền Bắc của đế quốc Mỹ gieo chết chóc khôn lường. Còi hú báo động liên tục trong ngày. Lệnh sơ tán ban bố khắp các buổi họp xã viên. Các làng mới của thị xã Đồng Hới được lập dựng trên các vùng đồi, vùng rừng Cộn, Trạng, Ba Đa... Thị trấn Đồng Sơn, tức Đồng Hới mới ra đời. Dân Bảo Ninh có vùng khai hoang tránh bom ở Bến Cùng. Bến Cùng, một nhánh sông nhỏ đổ nguồn về sông Lũy Thầy, Lũy Thầy đổ vào sông Nhật Lệ. Cầu Dài bắc qua Nhật Lệ là tọa độ bom của giặc lái Mỹ...
*
Cụ Lâu nay đã sáu mươi tuổi, người miền Nam tập kết ra Bắc. Cụ đi lưới thuyền với anh Nao từ 1964 đến 1968. Tính cụ thích kể chuyện tỉ mỉ và hơi hóm. Tóc bạc, mắt nhỏ, đôi tai hiển tướng trường thọ. Cụ nói giọng Gio Linh, vùng biển Nam Cửa Việt nhẹ, có khê khê hơi thuốc rê. Cụ kể rầm rì, như kể chuyện cổ tích của làng biển:
- Trong những năm đó thuyền anh Nao, thuyền chúng tôi gồm bảy người: Nao, Bền, Lâu, Sơn, Rèn, Hội, Lãng. Hôm anh Nao hy sinh, tôi có việc nhà, xin nghỉ biển. Anh Bền cũng có việc nhà xin nghỉ biển. Vậy thuyền ra khơi vắng hai, chỉ còn năm. Tôi nghỉ, do vậy mà hôm đó anh Nao quyết định bám thuyền, không nghỉ biển, theo họp, dù nhận được giấy triệu tập của cấp trên. Anh Nao chí khí vốn vậy. Anh thật lòng, thật tình, “nỏ sợ, nỏ hãi chi hết”. Tâm khí gan góc, gan như đất. Không xoay chuyển trước bom đạn. Thuyền chúng tôi là chim đầu đàn. Tôi thuyền viên lớn tuổi nhất. Bám biển, thuyền chúng tôi luôn dựng buồm, kéo buồm, xồ sóng đi đầu khi ra cửa sông.
Già biển kể tiếp:
- Vụ cá năm 1964, nước trong kéo suốt hơn nửa tháng đầu vụ. Lưới vây bủa hôm nào cũng không có lấy một con. Thuyền đang giữa khơi, anh Nao bàn với bạn thuyền hò nhau chèo ra Cồn Mũi Khơi bạt cần câu, câu được mười cân cá nhép. Hôm sau ra câu chỉ được năm cân. Anh lại giục, anh em bạn thuyền vừa hò vừa hậy hò dô chèo thuyền ra rạng câu mực. Hôm thứ ba câu rạng, câu cũng chỉ được vài ba cân cá nhép.
Tiếp hôm nữa, anh lại bàn với bạn thuyền chèo ra thăm chà. Không ngờ ra chà cá nục chuối nhiều quá. Cả thuyền câu được bảy mươi cân. Lúc này thuyền anh Nương thuyền anh Xì cũng đang chèo ở sau. Anh Nao hội ý nhanh, bàn với mọi người trở buồm về bến sớm chuẩn bị chài lưới để ngày mai bám chà vây bắt cá nục chuối, giống cá thơm họng, mát lưỡi hết chỗ nói.
Hôm sau, vây bủa trúng mẻ cá lớn bảy trăm năm mươi cân. Trong đợt cá nục chuối này có lần thuyền anh Nao đánh được gần hai tấn. Thuyền anh Xì được hai tấn tư. Có hôm, thuyền đánh năm trộ. Trộ thứ năm chừng bảy tạ.
Cụ Lâu hứng khởi, nhấn nhá kể, quên cả xế nắng, bụng thóp thượt vào da, vào tận các rẻ xương sườn:
- Tôi sống sáu mươi tuổi, đánh cá mấy thời rồi, chài lưới bờ Nam có, bờ Bắc có, chưa có trộ cá nào nặng đạy, trì đạy, cá ngợp lưới đến vậy. Đây là trời phù hộ bà con mình, mạnh chân mạnh tay đánh Mỹ. Được trộ bộn, cá nặng khoang, thuyền cập về bến lúc ba giờ, mặt trời mùa hè mới xế nắng. Trong những ngày cá rộm lưới đó, trộ ít nhất cũng được ba tạ rưỡi.
Nói về tinh thần bảo quản dụng cụ của anh Nao, mặt này anh có sơ sài. Nhưng mà ai không có chỗ yếu. Bạn thuyền tin anh, thương anh ở mặt tốt, việc lớn, chuyện ấy không ai để tâm đòi hỏi. Anh có sơ sài một chút, có anh em khác thay nhau, biết ý lo liệu.
Có một hôm thuyền đi câu về ngang cồn Mũi Khơi thì bị hai thằng F4 ném mấy loạt bom, ước chừng năm ba chục quả. Bom giội xuống nhằm cụm thuyền của Hồng Phong, anh em chồm nhảy hết xuống biển. Chúng nó cút, anh em nhao lên thuyền, chao là rét. Rét đến bầm đen cả con ván thuyền. Sau đó thuyền chạy lên chừng ba giờ thì gặp hai chiếc khu trục nó vẹn xuống. Chao chào là tức đổ dớt. Hắn đi rồi, anh em vung chèo lại bắt chà tiếp tục đánh bắt.
Riêng việc cải tiến kỹ thuật đánh bắt các nghề lưới khơi, lưới lộng, anh Nao có nhiều cải tiến về hình mẫu vàng lưới. Miệng lưới của thủy sản là: Đạy chùng miệng chùng, anh nghiên cứu làm lại cho miệng chùng đạy căng. Đạy căng để hứng đựng. Miệng chùng để lưới nhẹ đi chìm không động luồng cá, làm chúng trở đuôi. Bắp lưới, triêng lưới cũng có cải tiến.
Ngoài biển có chim dạn, có đứa gọi nhạn. Chúng hay tìm đậu trên ngọn chà rình ăn cá. Có kinh nghiệm, hễ ở mé nước nào có con chim nhạn bay nghiêng ngó là có cá. Loài cá ngừ có tiếng kêu. Tiếng kêu của cá ngừ khó bắt chước, không diễn tả được. Dỏng tai lên nghe vui tai lắm. Hôm nào gặp tiếng kêu của chúng ai cũng vui, biết sẽ bộn khoang.
Hằng ngày sinh hoạt, những người lớn tuổi, ai cũng quen với tiếng dạ của anh Nao. Đó là tiếng dạ của người biết lễ nghĩa, trọng người già, nhiệt tâm mày mò hỏi kinh nghiệm thuyền lưới của các cụ. Vóc dáng anh Nao thoáng xa xa đã nhận ra. Cái ngực anh khỏe, nở gồ mai rùa. Chỗ bên trong tấm lòng anh Nao nếu có hình thù chộ được, thì cũng hệt vóc dạng, sắc thái, nét mặt khỏe khoắn bên ngoài của anh. Trong các thuyền viên, anh Bền ngược tính anh Nao. Anh Bền lầm lì, khi nói hay nói lửng, lại vấp nói gỡ. Thuyền ra khỏi cửa sông rất kỵ điều này.
Giọng cụ Lâu nhỏ lại, như thể nói với chính mình:
- Anh Xì tổ trưởng tổ thuyền khác, nhà cạnh anh Nao, họ thân nhau nhưng anh Xì khác tính. Với bom đạn, nhát vía, sợ nó, tránh được nó, đôi khi cũng có số trời. Mà thực ra có nhát bom đạn cũng là sự cẩn trọng, lo an toàn cho thuyền viên, chớ không phải sợ chết.
Hôm chạy thuyền chúng tôi chạy lên đến bìa làng Sa Động, cách bờ hai cây số thì gặp máy bay. Thằng trước bắn một loạt rốc két, anh vừa hô anh em vừa kịp chồm xuống biển. Tránh được hai loạt rốc két của hai thằng đế quốc, sống được cả thuyền.
Hôm đó anh em lên thuyền, thấy có con cá to cái đầu cháy đen, anh Nao lặt (nhặt) con cá nhíu mày nhìn kỹ nó rồi bảo làm để mai ăn. Cá này không phải đánh bắt được, nó bị thuốc rốc két đốt cho ra thế. Cũng là một sinh linh trong vạn vật. Sóng dồi quật con cá ném vào thuyền. Thuyền bị thủng ba mươi lỗ phải nhẹm nhét giẻ. Buồm cũng bị thủng lỗ chỗ. Người ta đi thì chỉ đem buồm nhỏ chứ thuyền chúng tôi, anh Nao bảo vác cả cái buồm lồng đại mạ. Có ngày trên biển chỉ trông thấy mươi chiếc thuyền, thuyền của Hợp tác xã Thống Nhất, có sáu chiếc. Còn lại, các đội thuyền, tổ thuyền khác tập trung đi vận tải, vừa đường sông vừa đường biển. Đường biển từ cảng Gianh vào cảng Nhật Lệ. Rồi từ cảng Nhật Lệ lên các chân hàng của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, khuất sâu trong đại nguồn Trường Sơn....
Đánh Mỹ cứu nước, việc đánh cá phối hợp với nhiệm vụ vận tải đưa hàng vào Nam, được ban quản trị làm tư tưởng, xã viên thông, dốc lòng vì miền Nam ruột thịt. Bà con họ mạc tôi ở bên kia bờ Nam sông Cửa Việt tin ra, đã ly tán hết. Thôn xóm mười nhà có đến tám chín nhà ly tán. Hễ chúng càn là vườn hoang nhà trống. Chỉ anh em trai tráng, du kích bám làng bám biển.
Giọng cụ Lâu trầm xuống, cụ ngồi bệt xuống cát mũi kim tre lay như có sóng lay tận sâu thẳm đáy lòng. Im lặng, đưa chừng vài mũi kim đan, cụ Lâu lại tiếp tục câu chuyện, giọng còn chưa bứt ra khỏi những hồi tưởng về miền sông nước biển trời Cửa Việt, về những bạn thuyền:
- Ngày động biển anh em thuyền viên đi khiêng vác đá dọc bến để kết chà mọi người gọi đi “tọa độ”, nghĩa là nghỉ biển đột xuất, tập trung kết gấp chà khơi. Không trỉa được chà, bám biển vào đâu? Đây là một câu hỏi trần vật nằm sâu trong lòng anh Nao, thuyền trưởng của chúng tôi.
Tổng kết cuối năm 1968 thuyền chúng tôi, lúc anh Nao còn sống, anh Nao tổ trưởng vừa là thuyền trưởng; đạt hai bốn tấn, vượt khoán hai tấn, đứng loại nhất. Bám khơi, lộng, mỗi thuyền ai ai cũng phải biết nắm chủ động trong mọi tình huống.
Lũ máy bay, bọn giặc lái quen mùi cướp trộm, chúng bắn lén, bắn đè thẳng cánh buồm trước. Có khi chúng tỉa rốc két, hỏa tiễn. Có khi một loạt bom bi. Trong tình thế ấy, thuyền trưởng đoán định tình hình, nhìn chúng đảo lượn uy hiếp, hô lớn, hạ buồm. Kịp hạ buồm, chúng bắn đằng lái, đằng mũi anh em phải nhào ùm xuống sóng, lặn sâu tránh mảnh bom.
Khi chúng bắn phá con chim dạn chim bay đi hết. Khi bình yên các loài chim lại về đậu trên cột buồm hay ruổi theo thuyền giỡn sóng. Đấy con chim còn khôn thế huống chúng bạn thuyền viên. Đôi cành lá xanh đem theo chỉ vài ngày nắng gió đã khô cong, ban đêm tưởng chừng nghe được tiếng cọ đau rên rỉ của lá. Vạn vật còn thế huống con người...
Đã quá trưa, cụ Lâu lúc giọng trầm, lúc hào hứng chưa dứt chuyện, cụ bảo:
- Cháu muốn nghe nữa, sáng mai cháu trở lại đây.
*
Tôi nghe cụ Lâu kể chuyện về anh Nao suốt buổi sáng hôm sau nữa rồi lội cát, bươn đi dọc bến sông Lệ. Nhiều bạn thuyền của anh Nao tiếp kể câu chuyện về anh. Trong lòng anh Nao lúc nào cũng lo nghĩ quyết đạt sản lượng này được ấn định, được khắc khảm vào tâm anh Nao một lời nguyền bám biển, bất chấp tình hình bom đạn ngày càng khốc liệt của những năm 1966 đến đầu năm 1968.
Thuyền anh Nao vào đầu năm 1968 bổ sung nhiều anh em thuyền viên mới, trẻ. Qua tìm hiểu tâm tư, anh Nao rất vui vì biết các bạn thuyền ai cũng có quyết tâm bám biển, giữ biển. Anh nặng lòng với tâm nguyện ấy, mà đấy là sự hưởng ứng tinh thần nghị quyết Đảng từ lãnh đạo tỉnh, thị xã, cụm miền biển đưa xuống. Phải Đua khơi bám lộng, trong bất kỳ tình huống nào. Sản lượng từ đầu năm (1968) cho đến tháng ba được chừng bảy tấn.
Các nguồn lực lao động khác gấp rút được huy động, đưa vào đi rừng lấy song, tre, mồi, đá, kết chà tại mỗi gia đình. Mỗi đảng viên, mỗi gia đình đảng viên gương mẫu, lấy việc làm, việc năng nổ trong sản xuất để thuyết phục quần chúng tin tưởng, không chùng lòng, sợ việc, sợ địch trước diễn biến leo thang đánh phá miền Bắc của Mỹ.
Có nên trỉa chà hay không? Phải cương quyết trỉa chà bám khơi. Tận dụng thuyền cũ lưới cũ. Đảng viên nhường thuyền cho xã viên đi nhưng trỉa chà thì đi trước. Nguyễn Rạng đội trưởng đội thuyền ra khơi, anh Đậu lên thay, ông Rạng được điều về đội thuyền cá khơi đóng ở Vườn Ba. Không có ngư trường đánh cá, tùy từng ngày cá, thuyền về trước, thuyền về sau cần chủ động, học tập rút kinh nghiệm lẫn nhau. Từ kỹ thuật đánh bắt, đến việc tránh bom đạn máy bay và tàu chiến địch vây bắt ngư dân.
Thuyền ba vách cao mũi đánh cá không được mấy. Ông Thẻo đòi hạ mũi thuyền nhưng xã viên không đồng tình, không cho, cũng gây tranh cãi bàn luận sôi nổi về kỹ thuật. Về lưới nghề, để có thực tế, thuyền ra biển, ra lộng anh Nao cho thả lưới và lặn xuống để nghiên cứu, tính chính xác độ cao của lưới. Cuộc bàn luận về kỹ thuật lưới, thuyền giữa anh Nao và anh Nương bật ra khá nhiều mâu thuẫn, chia cuộc tranh luận ra làm hai nhóm có lúc rất bức xúc, nóng nảy. Qua tranh luận, bàn bạc, mọi người nhận ra anh Nương có trình độ, anh Nao có kinh nghiệm thực tế dày dạn từ nhỏ. Cả hai cùng chụm đầu việc cải tiến thuyền lưới của Bảo Ninh sẽ có nhiều nơi về học tập. Vấn đề dây lưới dạ, anh Nương tính dây dài một thước, anh Nao tính dây dài một thước hai. Thiết kế lưới dạ, anh Nao lặn xem độ mở của các dải lưới. Sau đó lặn chuồi theo độ nở của dạ lưới thấy nó sát về tức nước, nước trì, cá không vô, nó trở ra, nên anh đề nghị cách thiết kế lại dây lưới dạ. Ban quản trị nhất trí cho làm. Cả năm toàn hợp tác xã đánh được 62 tấn, có trộ nặng lưới bộn lưới, sản lượng cao một tấn bảy. Riêng thuyền anh Nao bất kể thời tiết thế nào cũng kiên trì bám ngư trường. Mỗi trộ lưới sản lượng thấp, anh động viên bạn thuyền chưa vội trở thuyền về bến, ở nán, vây bủa thêm đôi ba trộ nữa, phải tăng thời gian bám biển, bòn từng tạ cá.
Anh Bé kể:
- Ngày hôm đó sáng mai có họp. Chiều hôm trước, các thuyền về lúc ba giờ nhưng thuyền anh Nao đánh đến mười hai giờ đêm. Những khi có họp hành, thuyền về tới bến ai có thể họp được thì họp, còn lại thì tập trung sửa soạn rổ câu, vá buồm, người lo đổ nước ngọt vào thùng chứa giữa khoang thuyền, đủ dùng ít nhất là ba ngày, để kịp ra khơi lúc gà gáy canh một. Đồng lòng bám biển nâng cao sản lượng ở từng trộ lưới. Đối với thuyền trưởng thì phấn đấu bám biển không thể vì họp hành mà thất vụ. Anh Nao là người khéo léo lãnh đạo quần chúng. Đảng giao cho anh làm tiên phong trong việc trỉa chà bám khơi 14 sải nước. Anh Nao biết mình trong cấp ủy phải làm, mặc bom đạn dữ dội, phải bươn khơi cho quần chúng bươn theo. Ra đến sải nước mười ba thì gặp máy bay, anh em đề nghị trỉa chà, anh kéo dài thời gian cho thuyền chạy, bươn đến sải nước 14 trong ngọn gió nam không dễ. Khi đánh bắt, anh nói với thuyền viên: “Một cân, năm lạng cũng bòn”.
Trong việc táo bạo cải tiến, tuy nói táo bạo chứ thực ra anh Nao luôn chú trọng kinh nghiệm truyền thống về lưới nghề chứ không phải táo bạo vô căn cứ. Cải tiến kỹ thuật thuyền lưới đánh bắt đồng thời cũng xem xét giảm giá thành mua sắm dụng cụ. Nghề rút hai vây làm thành ba vây. Một vàng lưới dạ đôi có giá trị chừng năm trăm đồng có trường hợp đầu không hở, khoảng giữa lại bung, có đến bốn đường sơn, tỷ lệ chiếu mặt nước tùy theo từng khúc chưa chuẩn, anh Nao trăn trở tìm cải tiến. Kỹ thuật của nghề lưới dạ đôi chủ yếu: độ mở của thân dạ và độ nghiêng của miệng lưới và chu vi hình tròn của lưới. Những điều trên, những trăn trở trên là ưu điểm của anh Nao, không ai bơi kịp. Cảm phục anh Nao một vài ý thơ ngưỡng mộ nhói lên trong tôi.
Sức bền, sự rèn luyện của anh Nao để trở thành một kình ngư, một con chim đầu đàn trong nghề đánh cá khơi, lộng của anh Nao là một con đường dài. Vào năm 1963, anh Nao được đi báo cáo Hội nghị nghề biển của toàn tỉnh. Anh đại diện cho đơn vị từ chỗ yếu, nổi trội về tinh thần bám ngư trường, tranh ngôi thi đua với đơn vị Quang Phú, thắng vượt lên trước. Thuyền anh Nao bám khơi như con nhạn biển, đẩy phong trào bám biển của các đội thuyền, tổ thuyền Hợp tác xã Hồng Phong.
Nghề đánh bắt dạ đôi của Hợp tác xã Hồng Phong được thành lập năm 1962. Anh Hoa cho biết, những năm đầu chiến tranh (1965-1966), khi máy bay Mỹ leo thang đánh phá dữ dội ngư trường cá khơi, săn diệt các cặp thuyền dạ đôi to khỏe không khác tàu hải quân. Khó khăn nhất là xoay đâu ra thuyền lưới, thay thuyền lưới dạ đôi. Xã viên giỏi nghề lưới này, xem ra thuộc diện thất nghiệp. Các cặp thuyền dạ đôi to kềnh càng đành nằm ỳ trên bến phơi nắng phơi mưa. Máy bay trinh sát rè rè nhào dọc bến sông tìm mục tiêu ném bom, đã không bỏ qua. Chúng rải rốc két, bom bi rền đặc bến sông hai bờ Nhật Lệ.
Trước tình hình ách tắc cần phải có phương hướng chỉ đạo cụ thể của cấp trên. Từ các vấn đề vốn đóng mới thuyền, vật liệu ngư cụ, kể cả kỹ thuật một vài ngành nghề đánh bắt mới phù hợp thời chiến. Một phần nữa, dù khi đã có vốn, bom đạn đánh phá ác liệt, việc đóng thuyền mới không dễ. Và nữa, lưới dạ ngư cụ của hợp tác xã vào chính vụ cá ngành thủy sản tỉnh không cung ứng kịp, không đủ. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, đồng chí Ích trong hội nghị cụm biển và cả Thị ủy Đồng Hới rất chú tâm, nhiệt tình ủng hộ phong trào đang nổi lên của Bảo Ninh, nhưng đi vào cụ thể, gỡ từng vướng mắc rất cam khó. Cái khó bó cái khôn. Thực tế tại cơ sở chưa bật ra được hướng mới. Cán bộ chỉ đạo cụm cần bám sát thực tiễn địa phương để chỉ đạo, tìm được hướng đi đúng, tránh tổn thất lớn. Quyết bám thuyền, bám khơi là nghị quyết, là chủ trương nhất quán của tỉnh, anh Nao thấm nhuần triệt để, là chủ trương nhất quán của tỉnh, của nghị quyết Đảng về đến từng tổ thuyền, từng chi bộ, từng đảng viên.
*
Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc khốc liệt, không lời nào kể xiết. Mất mát đau thương, ly tán, hằn sâu vào nếp nhăn trên vầng trán lão ngư. Riêng ngày 30 tháng 3 năm 1965, máy bay bắn thuyền dạ đôi anh Nương, vì mọi người chủ quan đứng nhìn máy bay rơi, đỏ rợ một vệt ở phía đất liền. Một thằng F-4 và một thằng trinh sát nhào tầm thấp bắn 20 ly và rốc két. Thuyền anh Nương lúc này đã về ngang biển Nhân Trạch. Loạt rốc két, đạn 20 ly nhằm vào người đứng ở đằng lái, đằng mũi, anh Ớt chết. Hôm thuyền anh Nương bị đánh, gió đông, biển êm, thuyền anh Thẻo đi sau, anh Vạnh trèo lên cột buồm nhìn về hướng thuyền. Sóng dội lên dội xuống chẳng khác gì hòn than đỏ người ta dồi trong lòng bàn tay. Rồi anh nghe vang lên tiếng tù và dội âm âm lan trên sóng giữa trời biển mênh mông. Đấy là tiếng tù và rống lên gọi bạn thuyền đến cấp cứu.
Thuyền anh Thẻo gấp gáp chèo đến cứu người. Tiếng tù và xoáy thắt vào tim, chảy tràn ra lồng ngực tưởng toàn thân ai cũng đang ròng máu bạn thuyền trúng bom đạn Mỹ. Mắt ai cũng đỏ hoe cay xót, thêm phần vì mồ hôi, phần vì muối mặn của biển.
Trong tạo nguồn, cơ cấu cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Hồng Phong, anh Nao là diện ưu tú đang bồi dưỡng có thể sang năm 1969 làm trưởng ban kỹ thuật toàn xã. Hướng thứ hai, sẽ đưa anh Nao phụ trách đội dạ đôi. Dự kiến tạo nguồn này đã được bà con xã viên đồng tình, tin tưởng.
Các thuyền viên của anh Nao kể:
- Có lần hỏi chuyện anh Nao, vào lúc anh ấy đang vẽ bản thiết kế đóng thuyền dạ đôi. Tính ít nóng và lý luận rất cứng rắn, xuôi ngược đủ chiều cũng đối đáp được. Tuy nhiên cũng có khi anh phải nhường ý, nhường lời khi nắm bắt được ý kiến mới, sáng kiến mới của anh em khác.
- Là một đảng viên phụ trách kỹ thuật của hợp tác xã, anh dè dặt nói về sự phấn đấu của bản thân. Anh Nao vốn là người rất tâm huyết. Từ năm 1963, anh đã chú trọng học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật. Sau khi anh Nao hy sinh được hai tháng thì nhiều thanh niên trẻ được lựa chọn giới thiệu đi học lớp đối tượng Đảng. Đặc biệt là anh Nương. Hiện nay anh Nương thay anh Nao đang phụ trách kỹ thuật. Những hôm bận họp hành, không đi ngoài biển nhưng anh Nương vẫn theo dõi được hôm nay đánh bắt ra sao. Nước sinh nước đục thế nào.
Câu chuyện của anh Xự cũng khá lôi cuốn, nhiều tư liệu mới. Anh Xự là một cây đi biển đáng kính. Anh năng nổ am tường kỹ thuật đánh bắt. Bao giờ anh cũng chân thành với bạn thuyền, với lãnh đạo cấp trên anh không ngại đặt ra các vướng mắc, đề nghị lãnh đạo quan tâm góp ý, tìm hướng giải quyết cụ thể. Anh quan niệm, làm lãnh đạo, dù là cấp cơ sở, lại càng phải biết cách làm thế nào để phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của mọi người trong chỉ đạo sản xuất. Thiếu điều này, khó thu phục được quần chúng. Từ quan niệm này, anh rút ra cho mình bài học sâu sắc về tác phong, phong cách lãnh đạo khi đứng vào vị trí mới trong ban quản trị. Nhất là đối với lớp trẻ, đứng trước lớp trẻ, không thể nói suông. Phải gương mẫu, anh xông xáo làm bất kỳ việc gì đến tay. Nấu cơm, gánh nước đổ thuyền, vác đá hộc. Thuộc thế hệ kế cận anh Nao, anh Nương tâm nguyện với lòng phải sống, bám biển xứng đáng với tấm gương của người anh trai.
Trên ngọn cây chà khơi, loài chim nhạn thường về đậu. Bám biển là bám ngọn chà khơi. Vậy người đi biển cũng mang trong máu đặc tính của loài nhạn biển. Trong nghề lưới dạ đôi cái gọi hàm, chính là cái hàm móc lưới, tiếp đến là cái bắp kề cái hàm lưới. Những danh từ kỹ thuật và các ngón kỹ thuật về lưới dạ đôi, anh Nương được anh trai (anh Nao) truyền lại khá kỹ lưỡng, nay anh cũng có trọng trách truyền thấu triệt cho lớp trẻ.
3. Đi miệt mài suốt ngày, mẹ con Vĩnh chờ cơm, có khi ăn vớ vẩn, trưa không về tối mịt mới hấp tấp bước vào ngõ. Ăn cơm xong hai chị em ngồi ngoài hiên nhớ về đủ chuyện tuổi học trò. Khuya lắm mới vào ngủ, thiếp đi lúc nào không hay. Sáng ra, tôi và Vĩnh cùng xuống bến đò. Vĩnh sang chợ (Đồng Hới) vừa mới nhóm họp trên nền phố đổ. Còn tôi lại tiếp lội dọc bến sông tìm gặp các xã viên, trước cùng đi thuyền với anh Nao. Các tư liệu đang bề bộn gương bám biển, cái chết, sự hy sinh của anh Nao. Có lẽ viết về anh ấy, phải làm đề cương tiểu thuyết mới chuyển tải được hiện thực sống động bi hùng của quê biển.
Gặp xã viên nào câu chuyện của họ về những ngày tháng bám biển trong bom đạn Mỹ ai cũng nhắc đến anh Nao. Những câu chuyện râu ria khác, mọi người cũng chỉ nói lướt qua.
Bám biển, sống chết trên biển. Xã viên lòng ai cũng tâm niệm thế. Các tổ thuyền chụm ba được thành lập, để khi có tình huống xấu cứu hộ nhau, không để biển vắng thuyền, địch lấn tới, mò vào cướp trời biển của ta. Điều này được thấm nhuần từ già đến trẻ nít.
Việc đi biển của thuyền anh Nao táo bạo quá nên mẹ anh, thím Nao rất lo. Anh chỉ trả lời với mẹ là: “Chết thì thôi. Cũng là vì sống chết với biển mẹ nờ”. Đâu chỉ riêng anh Nao nghĩ vậy, tinh thần, ý nghĩ của xã viên đều liều với giặc để bám biển, trước có cái ăn sau vì làng nước, vì miền Nam đau thương...
Vào ngày bám biển - ngày 6 tháng 7 năm 1968, tức đang giữa vụ đánh cá khơi, anh Nao bị dính loạt rốc két, bị hất xuống biển. Bấy giờ thuyền anh Nương, em ruột anh Nao không ngờ thuyền mình vào giờ khắc ấy ở cách thuyền anh trai, về phía An Ba không đầy vài mươi sải nước. Đầu hôm xuống thuyền ra biển hai anh em không gặp nhau. Lá buồm thuyền anh Nương đã bạc trắng.
Anh Nương kể:
- Đầu vụ cá khơi năm 1968, thuyền tôi có chị Miết, có anh Lùng... là những thuyền viên trẻ. Cũng vào hôm thuyền anh Nao bị dính rốc két, thuyền tôi vừa bủa trộ lưới xuống thì bọn tàu chiến rượt đuổi. Chúng quần đuổi suốt cả một buổi sáng. Chúng rượt cho thuyền tôi bứt xa đất liền rồi vây bắt. Chúng chỉ bắt tôi. Các thuyền viên khác chúng thả. Chúng đưa tôi vào Bình Định, ở sáu tháng thì tôi trốn lên chiến khu. Được hai tháng thì hòa bình. Đấy là lần thứ nhất chúng xuống thang ném bom miền Bắc (31-10-1968).
Ngày anh Nao hy sinh (6-7-1968), anh Đậu cầm máy nghe tin, đầu choáng váng mãi, anh nói:
- Suốt cả một tuần, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy anh Nao, nén lòng chịu đựng niềm tiếc thương. Quần chúng thương anh Nao, nhiều bạn thuyền, xã viên khóc. Trong tiếng khóc, có một lẽ kính phục rất sâu sắc. Đấy là tinh thần tiên tiến, táo bạo, kiên trì, luôn luôn suy nghĩ và đã suy nghĩ ra thì làm quyết có kết quả cao. Trước ngày hy sinh chừng nửa con trăng, anh Nao đã tổ chức bạn thuyền trỉa thêm một cây chà khơi, ở sải nước mười bốn.
Anh Bền thuyền viên của anh Nao nói, giọng tắc nghẹn:
- Đánh đêm có đèn, cá to cũng đóng đèn. Có khi đóng đèn cả bầy. Cái ngày biển đau thương ấy (6-7-1968) tôi xin nghỉ biển vì có việc nhà. Khi thuyền về đến cửa sông tiếng tù và đột ngột rúc lên tiếng rống khóc não nuột bi ai. Nghe tiếng tù và cả làng nước bạn thuyền biết có chuyện dữ. Biết anh Nao hy sinh, tôi khóc, đâu có khác chi tiếng tù và... Ừ mà tiếng tù và tôi nghe sóng từ cây chà sải nước mười bốn vọng vào, từ tâm tưởng tôi dội ra...
Hôm đi biển cuối cùng của anh Nao bạn thuyền không ai quên câu chuyện có tính định mệnh sau quyết định của anh Nao. Lẽ ra, anh phải nghỉ biển, khi có giấy triệu tập họp của tỉnh. Nhận được giấy triệu tập, anh nói với bạn thuyền:
- Thôi để đi thêm một bữa biển.
Có xã viên hỏi lại.
- Ngày mai lên họp, người ta nói anh đi trễ ngày thì sao?
- Trễ cũng được. Cả thuyền bỏ biển, mất sản lượng.
Nghe anh nói vậy, mọi người im lặng. Nếu hôm ấy anh Nao lên tỉnh họp thì số trời đã khác. Trên ngọn cây chà khơi, loài chim nhạn thường về đậu. Bám biển là bám ngọn chà khơi. Vậy người đi biển cũng mang đặc tính ấy trong huyết quản, chí khí bám biển kiên cường.
Các bạn thuyền chưa thể nguôi dứt các câu chuyện về người thuyền trưởng, về con chim đầu đàn của xứ biển trời Bảo Ninh:
- Mới tờ mờ biển ngày 6 tháng 7 năm 1968, mười hai chiếc F4 và 105 bay hai tầng, rè rè. Nó bắn suốt buổi sáng cá chết nổi trắng, trưa nó bắn thêm một đợt nữa. Lách sóng tránh bom đạn mãi, thuyền thả lưới chỉ được một vài trộ, cá mú lưng lẻo dưới khoang. Lúc anh Nao ở đằng lái, ngực trần, quần cộc, đang nắm dây phăng lưới. Đột ngột một chiếc máy bay từ phía mặt trời vụt tới bắn loạt rốc két nhằm thẳng vào thuyền sau tiếng anh hô to, giục mọi người nhảy xuống biển tránh loạt rốc két hiểm độc ấy. Không ngờ, cái loạt rốc két gieo chết chóc kia trúng anh, toàn thân anh nhào xuống biển…
- Thi thể anh Nao, anh em lặn ngụp, dò tìm mãi không thấy, chỉ vớt lên được cái quần cộc. Trong túi quần có mười sáu đồng. Hôm sau không ai đi biển, chỉ có đảng viên lên thuyền ra biển, gồm ba thuyền, trang bị trung liên để bảo vệ thuyền làm nhiệm vụ tìm vớt xác anh. Ba thuyền làm nhiệm vụ kéo được hai trộ lưới. Trộ đầu chỉ toàn cá trích, được tạ rưỡi. Trộ sau ai cũng ngờ tìm thấy thi thể anh, khi kéo lên chỉ thấy có mấy con cá mồm miệmg sủi sóng, đập đuôi quật quả. Sau khi anh Nao hy sinh, các tổ thuyền bỏ biển mười ngày. Trước tình hình đó, ban quản trị, cũng như cán bộ thị, cán bộ tỉnh được cử về trực tiếp làm công tác tư tưởng cho xã viên biến đau thương thành sức mạnh bám biển. Đấy là những tháng ngày, nặng nề, mất mát lớn, khắc sâu vào tâm khảm mỗi xã viên, người dân.
Năm 1968, thuyền anh Nao nhận khoán sản lượng hai hai tấn. Thường khi, tổ thuyền anh vào đầu năm sản lượng bình thường, nhưng vào những tháng cuối năm, từ tháng bảy vào chính vụ cá sản lượng đánh bắt tăng vọt từng ngày. Bây giờ gượng dậy sau sự hy sinh của anh Nao thế nào đây để đạt được sản lượng khoán? Lúc anh Nao hy sinh, sản lượng chỉ mới được hai mươi tấn. Vậy còn hai tấn nữa. Thuyền có bấy nhiêu anh em, mỗi người một tính nết, anh Nao rõ hết. Cụ Lâu nói hóm:
- Lội lù khù, ai nhắc việc thì làm, hay cãi. Lãng siêng năng, lanh. Có hôm đau uống thuốc Lãng vẫn bám thuyền, bám biển. Để phấn đấu sản lượng, phải làm bằng ba nghề. Đầu hôm bủa lưới lộng. Nửa khuya câu sông. Rạng sáng lại ra biển bủa lưới đánh cá khơi chính vụ.
Tấm gương hy sinh của anh Nao được anh em bạn thuyền trai tráng noi gương. Tuy nhiên diễn biến tâm trạng xã viên phức tạp. Có người quá thương tiếc anh mà hỏi, ý trách. Tại sao mọi người chồm hết xuống biển mà anh không chồm? Những xáo trộn đau đớn trong lòng, toát lên vẻ mặt mọi người sự lặng lẽ ảm đạm. Kỷ niệm về anh, được mọi người nói tới, chuyền tai. Người ta nhắc nhiều đến những trộ lưới bội thu. Cái ngày sản lượng đánh bắt lên tới mười chín tấn, cũng do biển được nước. Sáng nước ròng, trưa nước cồn. Thuyền lặc lè vào cửa sông, tù và rúc lên khác với khi thường. Các đảng viên đã từng đi thuyền với anh Nao luôn nhắc tới những vấn đề kỹ thuật đánh bắt của anh Nao để lại nhiều kinh nghiệm quý báu.
Chim chết vì dạ, cá chết vì nước là vậy. Con chim sa lưới sa dạ là chết. Con nước ròng, biển lặng êm, phù sa đóng mồi, cá đi đàn là cá chết. Khi nước cồn là khi cá đàn ăn theo mòi, theo mồi rong rêu là cá chết. Ra biển, nhìn hướng, tìm hướng có câu: Động buông, mũi rú. Muốn tránh để khỏi chìm trong sóng lừng, sóng trũng xoáy giữa biển khơi, người ta phải đếm lượn để tránh sóng. Lượn, tức là khi gặp sóng hiểm, sóng xoáy, thuyền phải lượn cua kiểu xe tải lượn tránh dốc hiểm chốn núi sâu vực thẳm.
Chị Khuộc nhắc chuyện, truớc khi chết mười ngày, anh Nao đã huấn luyện đại đội dân quân xã bắn bia. Hình ảnh anh in đậm trong tâm khảm mỗi người. Gương mặt da rám nắng gió, thân hình lực lưỡng, uy như một vị tướng khiêm nhường trước toàn đội khi bước vào buổi tập. Mắt sáng, cái nhìn kiên nghị nhưng cởi mở, anh động viên mọi người dựng nhanh tấm ván gỗ làm bia bắn buổi tập cho thật chuẩn. Trong ánh mắt của anh, vẫn còn tỏa niềm vui đón bắt những mẻ cá lớn. Tổ thuyền của anh có khẩu hiệu đi biển: Đói ngủ hơn đói ăn. Anh Bền đi thuyền với anh Nao từ năm 1965. Ba thanh niên Lãng, Lân, Lội đi thuyền anh Nao từ năm 1967. Cụ Lâu cũng đi thuyền anh Nao từ năm 1967. Qua con trăng tháng sáu năm 1968, mọi người đã vượt qua được đau thương, bám biển, tuy nhiên sản lượng của đội vẫn ì ạch cầm chừng. Mãi qua vài mươi buổi biển mới nâng dần lên rồi đạt hai bốn tấn, vượt khoán hai tấn. Cuối năm thừa 480.000 đồng. Với thành tích nay, lòng anh em có hồ hởi vui mừng, nhưng từ sâu thẳm lại nhói đau vì thương tiếc anh Nao.
Năm 1965, anh Bền đi đội vận tải. Hai vợ chồng anh chị chỉ được một đứa con nay mười bốn tuổi học lớp sáu. Quê của anh ở bờ nam sông Gianh. Vì giặc Pháp nên anh sơ tán vào đây, ở được hai năm thì hòa bình. Trong tâm trí anh Bền hình ảnh anh Nao còn mãi sống động, đầy ắp kỷ niệm. Anh nói: “Tính của anh Nao hợp với lứa trẻ hơn vì họ không sợ địch. Sau ngừng bắn: Lãng, Lân bước vào tuổi hai mươi, lên đường nhập ngũ năm một chín sáu chín”. Cụ Lâu thì nói: “Nói, biển giả, chứ biển không thật. Vậy nên có khi biển giả mất trắng, mà biển thật được nước, được mòi thì bội thu là vậy”. Dọc bến thuyền Sa Động, bến thuyền Đồng Dương tôi gặp gần như đây đủ các thuyền viên thuyền anh Nao. Anh Lội đang vấn triêng lưới, anh Lội kể, nhiều tình tiết đã nghe từ Cụ Lâu, cùng với những kỷ niệm, tình cảm của riêng anh dành cho anh Nao đầy xúc động rất nhiều tình tiết mới.
Hôm sau (ngày 7-7-1968), các tổ, đội thuyền neo bến rấm rứt, không ai đi biển. Chỉ có đảng viên theo chỉ đạo của ban quản trị nhao ba thuyền ra cửa sông bám biển tìm thi thể anh Nao. Hôm đó ba thuyền ra tới cây chà khơi, đúng cây chà ở sải nước mười bốn, chỗ hôm qua thuyền anh Nao bị nạn, thả lưới đánh liền hai trộ. Trộ đầu một trăm năm mươi kilôgam cá trích. Trộ thứ hai chỉ mấy con cá mú hao to, không tìm thấy anh Nao, rũ lưới chân tay ai cũng lập cập.
Thoắt đấy tôi về làng cát đã hơn nửa con trăng sáng suông, sổ tay đầy ắp tư liệu. Rất may chiều qua gặp được vợ anh Nao, mấy hôm trước chị vắng nhà. Chị nhìn đau đáu ra sân như thể đang ngồi ngóng anh từ dưới bến sông lên, rồi kể, giọng đau đớn:
- Hôm anh ngã xuống là ngày đáng ra anh ở nhà đi họp. Anh bảo: “Ở nhà chẳng chuẩn bị chi, thôi đi một bữa biển nữa”. Anh nói chẳng chuẩn bị chi, tức chưa có chuẩn bị nội dung, ý kiến gì để đến hội nghị phát biểu, bàn thảo về nghề cá.
Không đi họp tỉnh, buổi đầu hôm anh bảo với chị ôm chiếu ra trạm trước rồi anh ấy sẽ ra sau. Đêm đó chị đợi mãi, đợi mãi rồi ngủ quên. Khi trở giấc, anh ấy vẫn chưa ra chỗ trực cụm. Sau này chị mới biết, đêm ấy anh đi kiểm tra các trạm rồi ngủ lại ở trạm Mỹ Cảnh, bốn giờ sáng giờ anh gửi bốn quả lựu đạn lại cho bác Chọi cùng với chiếc chiếu có vá víu rồi anh xuống thuyền đi luôn. Chị hiểu tâm tính anh. Có hôm bị đau, anh cũng gắng đi biển. Thường đêm, mẹ anh, cứ gần sáng là thức giấc, lắng nghe tiếng chân anh để bà hỏi lên một tiếng, và nghe tiếng trả lời, nhưng hôm ấy đợi mãi đợi mãi cho đến chiều thì có tin dữ. Cảm phục anh Nao, một vài ý thơ nhói lên trong tôi:
“Nhịp tim anh dào dạt trong sóng biển quê hương/ Máu anh hòa trong sóng biển quê hương/ Cánh buồm nâu tâm hồn anh lộng gió/ Sấm chớp khuya nức nở tiếc thương...”.
Sau bốn năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt, 840 lần. Riêng từng năm, kể từ 1965 -1968: Năm 1965, chúng đánh phá 58 lần. Năm 1968, gấp bảy lần so với năm 1965 số bom trong bốn năm: 99.588 quả bom đạn đủ các loại.
Nhà Bảo tàng xã vừa xây xong. Tư liệu sưu tầm được chưa nhiều. Hiện có: chiếc khăn quàng đỏ của em Trương Hương bọc đạn, tiếp cho đồng chí Nguyễn Tối chỉ huy trận địa mười hai ly bảy bắn trả lại máy bay 1965.
Tấm gương của em Trương Hương, được nhà thơ Nguyễn Văn Dinh viết thành bài thơ Em bé Bảo Ninh. Bài thơ được phổ nhạc rất nổi tiếng...
- Hai vóc chèo thuyền của anh Xì. Ba bàn chông của cụ Hoàng Chuẩn, thôn Hà Thôn nhận làm ủng hộ dân quân, chống biệt kích vào bãi ngang. Bốn phao cứu thương của chị Đào Thị Đỉu ở thôn Trung Bính làm cho chồng đi vận tải năm 1968 gồm 7 miếng phao nổi, được bọc bên ngoài bằng một thứ vải buồm màu nâu đen cũ. Có những sợi dây pháo sáng làm dải..
Theo thống kê tại Nhà bảo tàng, từ 1965 đến 1968:
“Bom Mỹ đã giết hại năm phẩy tám phần trăm dân số. Bị thương: Chín phẩy bảy phần trăm dân số. Trong đó có trẻ em. Thiệt hại về tập thể: 133 chiếc thuyền, 164 vàng lưới, 78 gia súc lợn, bò. Giá trị kho tàng: 764.177.000đ. Giá trị tài sản nhân dân bị tàn phá: 1.054.320.000đ, gồm 838 nóc nhà.
Trung đội nữ dân quân được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba trong trận chiến đấu ngày 31-3-1965. Gồm các chị: Xảo, Xảm, Niệm, Hà, Bành, Nga, Măng, Phới, Cá, Hến và Tuyết.
Anh Xì được tặng Huân chương hạng Nhì vì có thành tích trong chiến đấu.
Bom từ trường thả trên đất Bảo Ninh đầu tiên ngày 14 tháng 12 năm 1967, quả bom này áo màu xanh biếc như màu lá dương.
Năm quyển sổ chấm công điểm của anh Đào Thang, thôn Hà Thôn. Một quyển bìa xanh, một quyển bìa nâu nhỏ hơn, bị nhiều lỗ thủng bom bi.
Lá cờ danh dự trong lao động sản xuất năm 1965 của đơn vị Hà Thôn..
Năm 1966, một chiếc lược bằng mảnh máy bay AD-4 bay qua bầu trời Bảo Ninh bị ăn đạn lao quăng một loạt bom phá Đài liệt sĩ Đồng Hới vào ban đêm.
Các chủ tịch và chủ nhiệm hợp tác xã qua các thời kỳ của Bảo Ninh: Anh Bê. Anh Tuỵ. Anh Thận. Anh Vạnh. Anh Đậu. Anh Hốt. Anh Bích. Anh Hát. Anh Giò...”.
Trước những con số biết nói ở Nhà bảo tàng xã, tôi cố nén xúc động mà mắt ngân ngấn lệ. Những hiện vật của bảo tàng gợi lên những kỷ niệm nóng bỏng. Giống như có hai dòng điện chập nhau, vụt lóe chằng chịt một miền ánh sáng linh giác của cõi hồn trong một không gian mà mỗi kỷ niệm tưởng có thể sờ cầm được từ vết thương bom đạn chiến tranh...
Rời Nhà bảo tàng xã tôi xuống bến lội theo mép sông, đang con nước lên. Các tài liệu đã đầy ắp, ghi dày đặc các trang sổ tay. Nhưng còn ở Bảo Ninh ngày nào, là còn có thể gặp gỡ, bao câu chuyện trong lòng người còn chưa chạm đến, chưa kể đến. Và riêng với Vĩnh đêm hôm trước tôi chưa kịp hỏi về những khó khăn một mình nuôi con nhỏ của Vĩnh. Mà Vĩnh thì chưa kịp hỏi tôi cái điều mà Vĩnh giữ lời ý nhị, rằng tôi có thương tới ai trong đám trai làng không?
4. Lúc bốn giờ sáng ngày 13 tháng 10 năm 1970, cán bộ thôn được triệu tập họp khẩn, thông báo bức điện số 2 của quân khu về nhận định tình hình và âm mưu của địch trong thời gian tới. Lĩnh hội tinh thần chiến đấu mới, tất cả hầm cá nhân, nội trong ngày mai phải hoàn thành. Hầm hào công cộng làm trong hai ngày. Riêng các lực lượng phòng chống gián điệp được thành lập từng nhóm một. Ban quản trị về đã báo động lúc mười giờ, đêm hôm trước, ngày 12 tháng 10 năm 1970. Sáng nay các tổ dân quân được lệnh đào và vét hầm dọc biển. Anh Phố đã đem một tiểu đội đi chở đạn ở thị đội.
Thời gian này ở Bảo Ninh thuyền bè rất nhiều, đặc biệt là thuyền của Công ty Vận tải Đường sông và Đường biển. Một vài con tàu loại nhỏ vừa đóng mới. Cách ba hôm trước, trời mưa dữ dội đã làm cho cầu Dài tắc xe, buồm bị ướt phải hạ hong khô. Nước sông, nhất là hôm qua con nước nửa đục, nửa trong ì oạp vỗ chân cầu.
Bất ngờ nghe dượng Xa ngâm vọng cổ:
Còn nam còn mồm thì còn nhơn còn nghĩa/ Đông trên, bấc rảo nhơn nghĩa đã xa... Ca ngợi tình yêu biển lại có câu: Biển yên làng biển gợi sóng tràn vào bến/ Càng yên biển sẽ lái con thuyền đến khơi xa/ Con chim mến rừng con bướm mến hoa/ Lòng ngư dân yêu biển yêu từ thủa mẹ cha sinh thành/ Yêu đắm yêu say yêu bàn tay lao động/ Cá không tìm người ta đi tìm cá.
Từ bến thuyền, tôi lại về trụ sở hợp tác. Anh Hoa vừa rời văn phòng ra đội Mỹ Cảnh. Tôi lặng lẽ đọc tài liệu cố gắng ghi đúng, chính xác sản lượng đánh bắt của các đội thuyền Hợp tác xã Thống Nhất riêng trong tháng 9 của năm đầu tiên hợp nhất này (từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1970). Tháng 9, tháng cuối cùng của mùa cá trong năm. Tháng mười vào mùa động biển, thuyền không ra khơi được mấy buổi biển nữa, nên phải cật lực bủa từng trộ lưới cốt tăng sản lượng.
Theo anh Hoa, nội dung tổng kết sáu tháng đầu năm 1970, và phấn đấu sản lượng cuối năm đã được ban quản trị tóm lược vào các ý chính: Ban quản trị hợp tác do chưa chuẩn bị được phương tiện sản xuất, kể cả các ngành nghề thủ công. Nhất là tiền vốn. Sau nữa là song mây, thuyền lưới, chum vại chế biến cá. Qua tháng tư, đã vào mùa cá khơi, phát động các đội ở Bến Cùng đi lấy song mây, đá hộc cho việc trỉa chà vì các đơn vị Nhà nước không cung cấp đủ.
Riêng Đội chế biến Hồng Thủy chủ động gây dựng vốn, xây thêm sáu bảy chục cái hồ chứa cá nhưng nay vẫn không đủ. Tư tưởng các đội thuyền gặp khó khăn về ăn chia công điểm, quản lý giá cả sản phẩm cần phải tháo gỡ dần. Có tổ thuyền gắng làm nhưng sản xuất, sản lượng không lên, không vượt mức khoán sản phẩm. Sau tìm được cách giải quyết về công điểm ăn chia, phong trào có chuyển hướng tích cực. Ở ngành thủ công nghiệp, đan lưới, ăn chia sáu mươi phần trăm như khi lên hợp nhất ăn chia bốn hai phần trăm nên tư tưởng diễn biến phức tạp. Việc chuẩn bị và ổn định khoán ruốc (mùa ruốc áp lộng) mất sáu tháng. Sau khi xây dựng khoán ruốc xong xã viên phấn khởi.
Trong hợp tác xã có mười hai ngành nghề. Trước khi lên hợp nhất cán bộ về tận từng nhà xã viên giải thích, làm công tác tư tưởng tháo gỡ tâm tư, những vấn đề còn nổi cộm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, cần giải quyết tiếp.
Hiện cần nguyên vật liệu: chì, chài, lưới, chà và việc giải phóng thuyền bè, vận chuyển rất khẩn thiết. Về ăn chia tạm ứng, có đội tạm ứng theo công nhưng sản phẩm ít nên tăng lên một trăm phần trăm.
Chỉ nghề biển và thủ công nghiệp thì giữ vững chế độ tạm ứng. Đội đóng thuyền có khi đóng một chiếc thuyền, còn một thuyền dở nhưng vẫn báo là hai thuyền. Thời vụ của nghề nông, sau đại hội về, ở các đội có phản ứng mạnh về cách ăn chia, ban quản trị tìm hiểu nghiên cứu kỹ, giải thích mới dẫn đến ổn định. Đội chế biến cũng phản ứng không chịu nhận tạm ứng. Đến sang quý ba, mới ổn định được tư tưởng. Họ mới thấy được sự giúp đỡ của các ngành nghề là cần thiết khi lên hợp nhất. Hằng năm, đội chế biến sản xuất thu được một nghìn hai trăm đồng.
Hiện nay toàn hợp tác xã, các tổ đội đánh cá vừa bằng ánh sáng đèn măng xông và ánh sáng điện. Đánh cá bằng thuyền đèn măng xông sản lượng cao hơn, vì không gây biến động, cá trở luồng, mất trắng.
Phương hướng sản xuất của năm tới năm 1971 được Chủ tịch Cổ Kim Thành; Bí thư Nguyễn Tư Thoan; đồng chí Đặng Tất, Tỉnh ủy viên; đồng chí Nguyễn Ích, Tỉnh ủy viên chỉ đạo tại các đại hội vùng miền biển, khắp toàn tỉnh đang được triển khai thực hiện. Tinh thần đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống sản xuất và chiến đấu, mỗi ban quản trị hợp tác xã rất cụ thể, hợp lòng dân trở thành phong trào mới.
Thị xã Đồng Hới tổ chức họp các cụm biển, phân cấp đánh cá đèn, phải đưa tiến độ của các hợp tác xã lên đồng đều. Mỗi hợp tác xã phấn đấu sản lượng 150 tấn trong năm. Hợp tác xã Thống Nhất của Bảo Ninh được tăng thêm hai vàng lưới cá đèn. Anh Hoa chỉ đạo, lấy ý kiến tập thể, trong các tình huống, bước sang các tháng đầu năm sau (1971), nếu thời vụ xấu, dự đoán không đạt khoán, sản lượng dưới 150 tấn toàn xã viên đã nhất trí, đồng lòng đề xuất Ban quản trị vạch kế hoạch mới, tìm biện pháp tăng sản lượng.
Vấn đề nóng này, phương cách tăng sản lượng từ từng tổ đội thuyền không dễ. Trước tiên, ngay đầu vụ cá ban quản trị sắp xếp sẽ tăng thêm mười hai lao động cho cá đèn, và hai hai lao động ở thôn Trung Bính, chủ yếu rút ở các đội ngành khác, bổ sung cho các tổ thuyền. Đồng thời chỉ đạo, tập trung theo dõi việc đánh bắt của các tổ cá đèn, lưới tủ và vụ ruốc. Nhoi ra sóng, thấy có nổi mòi ruốc là cả làng cả xã nhao ra làm ruốc. Khắp các thôn xóm ai cũng ngong ngóng nhìn ra bãi ngang nói: “Làm răng có ruốc áp lộng, áp bờ là cả làng ra làm ruốc”.
Các tổ đánh cá khơi, chuẩn bị tinh thần xuất quân đánh cá vùng ngư trường Ngư Thủy. Đối với ngành chế biến, xoay xở tìm tất cả các nguồn thu nhập cá. Có nguồn cá dồi dào, công đoạn chế biến mới bộn lên. Hàng trăm cái bể lớn, chum, vại ba bề bốn bên không thể để rỗng không. Nói thế là bi quan. Năm vừa rồi hàng trăm chiếc bể ấy vẫn không đủ chứa sản lượng của toàn hợp tác xã.
Riêng về phương hướng lao động ban quản trị rút ra bài học kinh nghiệm của năm nay, trong việc mở rộng các nguồn lao động cho các đội là ưu tiên, nhưng đầu tư công cụ lưới thuyền, phương hướng chỉ đạo sát sao cho mỗi ngành nghề còn mỏng, còn ít. Tư tưởng của xã viên cũng thông, không đòi hỏi gì, nhưng tình hình này kéo dài sẽ dẫn tới năng suất lao động thấp và nhiều hệ lụy về sau.
Hiện nay, tăng thêm được một đội cá đèn Hồng Hà và đội cá lộng Trung Bính. Khó khăn của đội cá lộng Trung Bính là không đủ lưới và thuyền nên ở Trung Bính phải giảm lao động trên đơn vị thuyền, số xã viên ấy được chuyển sang đội cá lộng khác để tăng thêm tổ cá đèn.
Ngày xuất quân đầu tiên của đội cá đèn Hồng Hà được ba mươi cân vì nước thủy, cá chưa đóng đèn. Hôm sau, sản lượng tăng vọt, được bảy trăm kilôgam. Để kịp thời vụ, đội cá đèn Hồng Hà triển khai chủ trương động viên cả đội nghề lộng tập trung làm hoàn thành hai vàng lưới đèn trong hai ngày. Nếu một tổ làm thì phải làm hàng tháng mặc dù đã có nguyên liệu, cả thời gian. Thực hiện chủ trương trên toàn đội họp đả thông, động viên tư tưởng xã viên, lên kế hoạch lấy sự nhất trí của toàn đội làm sức mạnh. Nhờ sự đồng lòng đồng tâm, làm gương từ các lao động gia đình đảng viên.
Bên cạnh mức khoán tốt, còn có cả sự động viên của các cán bộ tỉnh, cán bộ thị xã và cán bộ của ngành thủy sản về chỉ đạo cụ thể, hướng dẫn kỹ thuật đan lưới. Xã viên căm cụi làm cả trưa và ăn cơm tại chỗ. Ban ngày làm, ban đêm phải họp để ổn định tổ chức của Đảng và của đội sản xuất cho sát sao. Đó là kinh nghiệm, bài học rút ra từ phong trào của Hồng Hà trong đợt ra quân ấy.
Riêng khó khăn về máy rất khó tháo gỡ. Vì, mỗi tổ thuyền cần phải có bốn máy trong kỹ thuật vây bắt cá đèn. Nhưng vào giữa vụ, thiếu máy nên phải rút về để tăng thuyền lưới. Động viên tận thu trên cơ sở hai máy nên đội anh Yếc và đội anh Hát rút hai máy. Hai máy, nghĩa là hai thuyền thiếu máy.
Trong suy nghĩ của anh Hoa, khó khăn này muốn tháo gỡ được, phải có chỉ đạo và hỗ trợ lớn của cán bộ cấp trên. Cấp trên là cấp cụm biển, cấp thị và cả cấp tỉnh. Tình trạng thiếu máy đang là tình trạng chung của các cụm biển, của cả vùng duyên hải toàn tỉnh. Trong lòng anh Hoa còn một vài điều khác nữa. Anh nhận xét về anh Đức và anh Yên, khá chân tình và chính xác. Các anh ấy có non về khả năng lãnh đạo nghề cá. Lãnh đạo nghề cá mà không tường tận về kỹ năng bám chà, bám biển, hạch toán kinh tế biển từ khâu đầu tư ngư cụ thì khó đưa năng suất sản lượng đạt khoán.
Ba tháng đầu tiên của năm 1970, sản lượng thu chỉ được mười một tấn. Tháng tư, có một tấn cá nục. Cuối vụ, mất mùa cá ve, cá cơm ruội. Biển trong quá, nước trong quá, không có con nước thủy là rỗng khoang, rỗng oi, tay trắng. Có con nước thủy, tức nước có phù du nuôi cá là sớm muộn cũng được mùa bội thu. Toàn ngư trường không xuất hiện cá đàn, bờ không đỏ rền mòi con ruốc là khốn khó cho nghề biển, chỉ đạo cách chi tay cũng không với quá chân.
Hợp tác xã lớn được thành lập, sáp nhập các hợp tác xã nhỏ toàn xã vào làm một, đứng thành Hợp tác xã Thống Nhất, Bảo Ninh. Cái mốc này, bước ngoặt này trong đời sống xã viên rất lớn. Tháng đầu tiên của năm hợp nhất mỗi xã viên được tạm ứng mười hai nghìn đồng. Sau này tăng lên hai mươi nghìn rồi hai lăm nghìn đồng, rồi tăng tiếp lên ba mươi nghìn. Giữa nghề khơi, nghề lộng có khí thế thi đua bám biển. Trước kia, mỗi ngày bủa hai mươi trộ vây lưới chỉ được hai mươi đến ba mươi tấn chứ chưa được một trăm tấn.
Khi đang hợp tác xã nhỏ, cá về dọc bến, nước cá tươi thấm đẫm cát, mỗi bước đi nghe cát kêu rinh rích. Giờ thì các bến thuyền cát trắng sạch là biết mất mùa cá vì nhiều lẽ. Bước xuống bến sông, nhìn thuyền, nhìn lưới, mắt các lão ngư tinh khôn nhìn ra ngay vì sao thất vụ, thất cá, lòng xốn xang, đêm nằm có muối xát trong ruột.
Theo kinh nghiệm, nước bạc trên rú về là có cá vì cá nó ở ngoài khơi nó nhao luồng kiếm ăn. Đầu năm động biển nhẹ, lùm lùm sóng thì cá cơm và ruốc nó đi. Giữa vụ sóng lặng liên tiếp nhưng nước trong nên không có cá. Đối với ban quản trị và từng cán bộ lãnh đạo, khi lòng xã viên nghiêng ngả, mỗi lời nói cần sâu sát, tập hợp động viên tìm sự đồng lòng ủng hộ của toàn xã viên.
Anh Hoa nhận trọng trách của hợp tác xã, ban quản trị giao bắt đầu từ ngày 5 tháng 8 năm 1970. Anh nói, vào tháng này, trên rừng đã có mưa, nước bạc đã về tới cửa sông, ra tới biển. Đây là một thuận lợi thiên nhiên trời đất ban cho. Qua khúc nước trong, biển bắt đầu rộn rập thuyền bè chính vụ. Nhìn con nước bạc sỉa về cửa sông lòng xã viên mừng khấp khởi. Mà tôi cũng nắm tình hình, thấy được những điều kiện thuận lợi của các đội, tổ, triển khai chỉ đạo các đội nghề cá, đề ra phương hướng trong việc quản lý kinh tế các đội và kiểm tra kết quả thực hiện những vấn đề đã đề ra, hai điều mấu chốt: sản lượng đánh bắt và công điểm tạm ứng tháng của xã viên.
Đồng thời, anh Hoa đề nghị với lãnh đạo cấp trên về vấn đề cung ứng ngư cụ nguyên liệu. Trưởng thành từ kế toán của Hợp tác xã Hồng Phong, anh có kinh nghiệm quản lý kinh tế, và hạch toán. Anh chú tâm về cá đèn, theo dõi sản lượng hằng ngày của đội cá đèn. Nhờ thế, anh phát hiện ra được những vấn đề mới: Phòng tài vụ giải quyết được ngư cụ nguyên liệu cho toàn hợp tác xã. Vốn là người giản dị nên mọi người mến phong cách chỉ đạo, lãnh đạo của anh, xã viên không có tâm tư ngại, sợ khi tiếp xúc.
Cũng đã có lần anh Hoa nói ý: Nếu không có vốn nghiệp vụ ngành nghề biển thì đôi khi vô tình bị vướng mắc về chính trị là chuyện không khó hiểu.
Trong mỗi con người, ai cũng có những cố tật, hay đôi khiếm khuyết nào đó. Anh Hoa không ngoại trừ. Tính anh nhỏ nhẹ, đôi khi có vì nể, hay giản dị đến xuề xòa cũng chỉ nghiêng bàn tay một chút là có con mắt xoi mói nhìn tới. Tuy nhiên, trong đợt đi chỉ đạo lần này anh đã chuyển. Nay anh lại chuyển sang chỉ đạo Hải Thành. Ngày ruốc nổi áp vào bãi ngang, anh cũng đi lặn ruốc với xã viên.
Chuyển hướng của Thị ủy Đồng Hới là: Mỗi người về chỉ đạo một đội sản xuất. Đội của anh Dự về chỉ đạo từ chỗ chót bẹt, vượt lên đứng thứ ba, nay lên thứ hai, đội của anh Phán từ chỗ thứ nhì trở xuống chót (thứ tư). Đội này xuống vì tinh thần bám biển, khâu tổ chức lao động chưa năng động. Sau này phân tích đã thấy được trách nhiệm nên tinh thần bám biển đã nâng lên. Thuyền anh Xuân đạt sản lượng cao nhất. Ngoài ra, có nguyên nhân nâng cao sản lượng từ việc thay đổi kỹ thuật, bố trí tổ chức và cách đánh. Cá tính riêng của hai lãnh đạo cấp thị xã này là: Anh Dự tác phong rầm rà; Anh Phán thành tâm nhưng có chút nôn nóng, mà ít cương quyết. Riêng anh Đậu về đội Hà Dương từ tháng 5 năm 1970.
Họp tổ Đảng, anh chỉ đạo cần tổ chức tăng lực lượng lao động. Nếu các đồng chí có sáng kiến thì cùng trao đổi, anh thực hiện ba cùng. Anh đi thuyền nào cũng được. Toàn đội gồm bốn mươi xã viên. Hằng tuần anh lên làm việc xã vài ngày. Trong chỉ đạo sản xuất, anh động viên các tổ thuyền, từng xã viên phát hiện ra các nhân tố xuất sắc, những cá nhân nổi trội như Vinh, Yến, Lạch...
Anh lưu tâm theo dõi, biết tổ thuyền anh Ca hay bi quan. Đi đánh cá với tổ khơi, tổ lưới tủ, có hôm, có thuyền thu được tấn ba. Đội anh đứng thứ hai.
Từ ngày về sinh hoạt đội Hà Dương xã viên phấn khởi, nể anh. Anh Hoa là người có tác phong “Tay làm, miệng nói là một”. Anh giải quyết được vấn đề lấy cắp cá của hợp tác. Anh nói: “Mấy anh mấy bác làm ri là không hay”. Nhưng anh ở thuyền này thì thuyền khác vấp. Vì xã viên chưa cương quyết và gương mẫu. Anh về chỉ mới gây được khí thế sản xuất. Muốn phong trào bền vững, không thể ngày một ngày hai. Có sự chỉ đạo và lăn lộn đi biển cùng các tổ thuyền, toàn đội tháng năm đạt hai mươi hai tấn.
Thành tích này, được khởi động từ cuộc họp chi bộ, tìm nguyên nhân, từ kỹ thuật đánh bắt, đến việc giao trách nhiệm, việc cụ thể cho từng người, xác định trách nhiệm của mỗi đảng viên. Họp xã viên, cốt trọng nêu rõ ràng các việc ứ đọng và phương cách tháo gỡ trong chỉ đạo. Động viên các tổ phấn đấu sản lượng. Cùng ra biển với tổ đèn vụ cá này anh Hoa chú tâm đứng chân ở bộ phận máy để rèn luyện kỹ năng thợ máy.
Có được kỹ năng vận hành máy, khi thuyền máy có gì sai sót thì anh có thể góp ý giải quyết nhanh. Có lần anh em mở máy ra lau chùi bị hư hỏng, anh chỉ ra chỗ sai, anh em giật mình, trọng anh hơn, vì họ hiểu ra, trình độ của mình chênh lệch về văn hoá, về chuyên môn mới rầy rà khuyết điểm như thế.
Với lại, đội này thanh niên nhiều nên anh Hoa cũng chú tâm đến việc làm công tác tư tưởng đào tạo thế hệ trẻ giỏi tay nghề. Các tổ thuyền, từ chiều hôm đã xuất bến, việc đánh bắt diễn ra ban đêm. Anh phát hiện, lấy gương tốt của mọi người, của các lão ngư để phát động phong trào tuổi trẻ.
Với cái nhìn toàn diện, anh triển khai việc kiểm tra tinh thần bám biển, đổi mức khoán đánh cá khơi. Có ngày thuyền anh Yếc được bốn tấn hai. Nếu bình tĩnh, kỹ thuật hơn thì sẽ được sáu tấn. Nay tổ anh Yếc được sáu tư tấn anh Hát được sáu mốt tấn.
Hiện nay thiếu dầu đèn, xã viên rầm rì bán tán vặn hỏi lấy tiền mô mua dầu đèn mà đi. Anh phải qua Hải Thành liên hệ được dầu. Thường những lúc ấy ngoài việc thăm hỏi so sánh sản lượng của các thuyền, thì việc gỡ vướng mắc cụ thể rất quan trọng. Có lúc quan trọng hơn việc động viên tư tưởng, kích động phong trào thi đua suông.
Khi triển khai một chủ trương cụ thể, anh Hoa thường có kế hoạch trước, có bàn bạc, có trao đổi để anh em cùng đồng tâm làm tốt và vừa có cơ sở để anh kiểm tra, gài, đốc thúc nhau thực hiện. Nói nhiều dễ vấp lên gân, nói khoác. Kiểu cách này phải biết tránh. Nắm bắt từ thực tiễn: Anh Đậu chuộng cái mới của việc đánh bắt dạ đôi, cá đèn. Anh chú ý đến hai đảng viên: anh Xá, anh Hạt của đội Hà Thôn rất năng nổ. Đội Hồng Mỹ cũng có những đảng viên gương mẫu, miệng nói tay làm, không nề hà nặng nhọc…
Riêng về anh Yêm, anh rất lấy làm tiếc, nếu tác phong chuẩn hơn một chút, anh Yêm sẽ được đi họp tỉnh báo cáo thành tích. Anh Yêm xoay xở, phán đoán ngư trường tốt. Táo bạo trong cách đánh. Do việc bố trí máy cho các đội có khúc mắc, không thông qua đội, nên anh Yêm có ý kiến nặng nề... Anh Yêm vấp khuyết điểm, anh Hoa phân tích về nguyên tắc Đảng thì anh chấp hành chứ về nguyên tắc kinh tế thì anh không chấp hành.
Thuyền anh Vinh trội về táo bạo trong kế hoạch sản xuất. Các tổ anh Chung, anh Thiết đầu vụ cá đã đánh bắt được 10 tấn có triển vọng sang năm sản lượng nâng lên.
Các thuyền đánh cá khơi những chuyến biển đầu năm bám chà ngoài hai mươi sải nước, có hôm ở lại thu được thêm vài chục cân. Cả tháng sản lượng đang còn thấp, chỉ năm tạ. Tuy nhiên, cũng có thuyền chỉ quanh quẩn trong lộng. Thuyền anh Ấn là một trong số đó. Anh Ấn vốn ít nói, nhưng hay bày việc thuyền lưới ra làm.
Trong kỹ thuật đánh bắt cá khơi, việc đặt neo quan trọng nhất. Vì đặt neo là chọn hướng đón cá theo chiều nước để đón luồng, đón cá đàn... Lúc đầu làm nghề mới phải cho lớp trẻ diễn tập. Đang giữa mẻ lưới, các thuyền liên hệ với nhau bằng đèn pin. Một trộ vây bủa có đèn phải hội đủ hai thuyền đèn, hai thuyền neo. Có hôm đánh ở trong sông được sáu trăm năm mươi kilôgam.
Câu chuyện của Hợp tác xã Thống Nhất, tức hợp tác xã lớn toàn xã, ít nhiều cũng đã giúp tôi nhận ra, việc bám chà, bám biển của xã viên đang diễn biến trong một tình hình mới, khá cam go. Bảo Ninh đang đứng trước một sự chuyển mình năng động. Nhưng liệu năng lực cán bộ quản lý có theo kịp phong trào, mô hình mới, hợp tác xã lớn, đa ngành nghề, đang đặt ra rất cấp bách. Lại nữa tình hình chiến sự trên chiến trường miền Nam thắng lớn, đồng thời giặc Mỹ cũng đang ráo riết leo thang, đem bom bắn phá miền Bắc, tàu chiến chúng rập rình săn bắt thuyền bè, ngư dân đánh cá.
Tháng mười đã qua mười ngày không đi biển. Xã viên tập trung kết chà, vá lưới. Trời trở mây âm u. Sông trước mặt làng nổi sóng, gió lạnh về mấy hôm nay, ai ai cũng đã mặc áo len khoác ngoài chiếc áo khoác cũ kỹ. Gấp sổ ghi chép bỏ vào túi xách, rời trụ sở hợp tác, tôi đi bươn lên Trung Bính, tìm hiểu các vấn đề của đội này. Nhà anh Tú đang có khách. Là chú Lạch, anh Xóm, anh Đức...
Anh Nguyễn Tú đang tập trung viết cuốn Dư địa chí Bảo Ninh. Khách của anh là các bậc lão niên đang bàn bạc, mạnh dạn thiết kế dụng cụ đẩy thuyền, hạ thủy bằng hai bánh xe. Các ý kiến chưa ngã ngũ vì chưa thấy có lợi về nhiều mặt.
Vấn đề anh Tú vừa gợi ra chỉ mới hích mọi người tìm tòi sự cải tiến trong việc đóng thuyền. Trước các ý kiến chưa đồng nhất, anh Tú giở sách ra, dẫn chứng, giải thích. Mọi người lại hỏi lấy tiền, vật liệu đâu mà làm? Các mâu thuẫn, vướng mắc khác cũng dồn dập được nêu lên.
Anh Tú cười trong tiếng ho sù sụ rồi nghiêm giọng nhíu lông mày nói. Các anh cứ cầm cuốn sách này đem sang Ty Thủy sản, ra cả Bộ Thủy sản kiến nghị, đòi hỏi. Mà trước hết, đọc to những trang tôi đánh dấu đây cho ông bộ trưởng nghe, nói chúng tôi làm theo Đảng. Sách này của Nhà xuất bản Sự Thật in ấn, phát hành. Vậy không phải là ý Đảng gặp lòng dân sao. Sau khi chúng ta làm thử, sáng kiến này có lợi cho sản xuất, hợp tác xã sẽ duyệt cấp chi phí. Tất cả mọi người ai cũng lắc đầu chịu thua cách tư biện, quyết hích mọi người động não, sáng tạo trong lao động nghề đóng thuyền của anh Tú.
Đống được thuyền, thuyền bươn khơi theo con nhạn vờn đậu các ngọn chà gọi con nước sinh, con nước thủ, gọi cá là lẽ sống kiên cường. Tự con mắt thuyền trời biển mênh mông dội tiếng sóng hòa lẫn tiếng cười của các trai đinh làng biển Bảo Ninh.
Đồng Hới, 1970-1976