1. XA BIỂN LÒNG ẤP Ủ NỖI NHỚ BIỂN. XA RỪNG, LẠI ấp ủ nỗi nhớ rừng. Đấy là tâm trạng vùi kín trong lòng, chợt nhiên một ngày B. muốn thổ lộ, tìm đôi nét chân dung bắt đầu từ tuổi mười bảy. Đấy là khi rời nách áo mẹ lần thứ hai, mong nhận ra dấu vết con đường vừa đi, sẽ đi mãi và cũng chỉ đi một mình.
Từ biển lên rừng, B. chưa một lần dám mơ có ngày sẽ được về với biển, với mẹ. Đang chiến tranh. Rền trời máy bay quần đảo phía phà Bùng, phà Xuân Sơn. Đêm có khi phải ngủ hầm. Thường thắp đèn phòng không tự học chương trình văn hóa cấp ba. Sách mượn ở thư viện trường. Một số sách văn và toán mượn thêm của thầy Bình, thầy Tịnh. Sách hóa mượn của thầy Việt. Thức khuya, gấp sách vở lại, ngước nhìn bầu trời đầy sao, lòng nuôi một tâm nguyện thầm kín, tâm nguyện văn chương.
Từ bao giờ nỗi nhớ biển, nhớ mẹ và dòng Tâm tưởng văn học hòa quyện làm một? Phải mắt lá lấp lánh mắt chữ. Bởi những chữ này là chữ của tuổi đầu đời, vừa nông nổi, vừa mê hoặc vì thơ, không ngờ nó sẽ khơi mở ngọn nguồn định mệnh. Mỗi chữ của rừng xanh mong chứa đựng những gì không muốn chia sẻ. Thế giới riêng mỗi người là cánh rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn của dòng sông tâm hồn. Cuối mỗi ngày, đêm xuống, cùng với sự ngưng lắng cảm xúc, B. loay hoay thức đến khi nghe tiếng gà canh một canh hai mới chợp ngủ giấc về sáng. Thơ không có sự bắt đầu và cả sự kết thúc. Tất cả đang phía trước. Trong đầu B. xoáy đi xoáy lại câu hỏi tự vấn: Tại sao thích làm thơ? Làm thơ để cho ai đọc? Thơ về nhân dân là thế nào?...
Trăn trở mãi rồi B. nhận ra, sự yêu thích văn chương được hình thành từ những câu chuyện của người lớn kể dọc sông Nhật Lệ. Chuyện ma. Chuyện tình. Chuyện cười. Truyện Lục Vân Tiên. Truyện Kiều. Truyện Những người khốn khổ. Truyện thần thoại. Truyện vị khổng lồ Ốc-lốp, Truyện Túp lều bác Tôm... mà anh Ng. thường đọc cho cả nhà nghe vào những ngày mưa gió, cha cặm cụi vá lưới, mẹ cặm cụi vá áo quần cho mấy anh chị em... Ký ức tươi rói, chồng chất lớp lớp. Đó là những ngọn lửa hui thuyền mùa động biển. Mùa lưới te giăng phơi đầy bến sông. Mùa câu tôm hùm cha thức trắng đêm. Mùa đánh cá dạ đôi. Anh cả H. đeo đồng hồ lóng ngóng xem giờ vừa hý hoáy chờ tiếng gà gáy canh hai để thổi rong chiếc tù và. Mùa nấu nước mắm mẹ nhen lửa, canh lửa, củi lửa thâu đêm...
Thoắt đấy đã qua tuổi mười bảy, mười tám, mười chín, đôi mươi. Cái bước chân đầu đời, B. đâu dám tin đến được mùa xuân nay. Khi dòng chữ đầu tiên tràn lên mặt giấy trang Tâm tưởng văn học hình như có một linh giác rất đặc biệt nào đấy chi phối. Thận trọng từng lời, so với từng bước chân B. tập đi, tập đến với thơ, với văn học. Nay thêm lần sinh nhật nữa, B. đã bước từng bước chậm của tuổi nhiều nghĩ suy chọn lựa người yêu để yêu, lấy chồng, làm vợ, rồi làm mẹ. Các bạn học ở làng hẳn nhiều đôi đã đám cưới. Quà của B. tặng đám cưới có khi là một cuốn sách, hẳn nhiên chỉ là quà sách. Sách là báu vật cuộc đời mà...
Trăng rằm, có rằm mười bốn, rằm mười lăm và rằm trăng mười sáu viên mãn. Mười bảy mười tám là qua tuổi trăng khuyết. Trăng riêng của B. là vừng thơ kỳ ảo trong lòng. Tự nhìn vào lòng, nghiền ngẫm vạch đường đi. Trăng có hình hài, thơ không có hình hài. Sự kiếm tìm thơ phập phồng và luôn bế tắc. Trái tim thơ biết đau, hứa hẹn mang lại ánh sáng. Thơ là lý tưởng sống, nghe vô lý, khôi hài, nhưng với B. là một sự thật hiển nhiên, thầm kín. Tự động viên, làm thơ, câu chữ vụng về, ý tứ rối. Ngoảnh lùi lại, B. tự răn, làm người phải biết hổ thẹn. Hổ thẹn là một phẩm chất cao quý. Qua những ngày tháng làm thủ quỹ B. hiểu sâu sắc tiền và thơ không cùng chung đáp số. Tiền là loài máu lạnh. Thơ, hồn máu nóng. Và B. là con cá từ biển bò lên cạn. Từ núi, B. lại bò về biển mang khát vọng hóa thân làm được giọt nước giữa sóng gió bể dâu cuộc đời, giữ con mắt thơ trong trẻo cho xứng công sinh thành, sự mong mỏi nên người của cha và mẹ.
Vậy nên, mỗi ngày B. vịn theo sách, noi theo gương nghĩa liệt tập đi, tập ghi chép, tập viết. Khí tiết anh hùng của thời đại anh hùng làm nên những bản hùng ca. Tâm xoáy của văn học là lòng người, hồn người, ý chí hướng thiện của nhân loại.
2. Lật giở trang giấy, ngòi bút lẩn mẩn vẽ vời những mơ ước thầm kín. Trồng thêm cây cho cánh rừng nguyên sinh. Cây dây leo bò thấp. Cây lá nhọn tán thưa. Le lói chút nắng sau ngọn bấc, chút long lanh nơi giọt sương, chút cầu vồng sau chân trời. Thức, là kéo dài đường đời, đường sống. Con gái ngoan không ngủ ngày. Buổi trưa và buổi đầu hôm B. lo học. Khi khuya lắm, đợi mọi người ngủ B. giở trang ghi chép tự độc thoại với lòng, thành một nếp quen, một nhu cầu không thể thiếu. Chữ của B. nhỏ, không đẹp, nhưng có điều gì đó bay bướm, cởi mở và hiển nhiên chứa đựng sự thất thường. B. luôn cố viết nắn nót, nét bút đè nặng lên mặt giấy như người cố sức đang gánh nặng. Cuối trang nhật ký, B. vẫn thường cẩn thận ký một chữ ký rất bản lĩnh, cho đến bây giờ vẫn không thay đổi. Ký liền một nét tái bút, hai đầu vươn cánh lớ ngớ. Sẻ ri hay đại bàng? Có thể cánh bay của loài cò sếu đầm hoang. Mỗi lần đọc lại những dòng ghi chép, nhìn chữ ký B. chợt hiểu mơ hồ và tin sẽ tìm ra con đường đi định mệnh của thơ.
Làm thơ quá trau chuốt chữ sẽ hỏng câu, ý. Nệ câu, ý sẽ không lóe bật được chữ thần, không có được mắt chữ. Một bài thơ hay không phải là món nữ trang để tặng bất kỳ ai. Thơ là báu vật của tâm hồn và có lời thần chú. Ai sẽ đọc đúng lời thần chú đó. Hay thơ ấy chỉ cho riêng chính B.? Một cô bé từ nhỏ, đầu đội tóc cỏ rười xanh rượi, chân cò lêu đêu, lại hay khóc nhè từ khi biết đi lẫm chẫm trên cát bỏng, theo mẹ xuống bến ngóng thuyền cha.
Muốn lời thơ rung động người đọc, nhập tâm can người đọc, người viết cần những phẩm hạnh gì, viết chữ gì đầu tiên? Chữ P. có đầu. Chữ L. có chân. Chữ B. có bụng. Đầu của cha để nghĩ. Chân của mẹ tần tảo, lam lũ mà đi cho nên người. Bụng là của B. thở, thu nạp thanh khí của trời đất vậy. Còn Đuôi cá, (biệt danh của B.) dùng vào việc để bơi trong nỗi nhớ biển, nhớ mẹ... Vậy xem như B. luôn có cây gậy chữ để nương tựa, chống đỡ, giúp B. vượt đèo cao thác sâu của chữ và vượt trùng điệp núi non chốn thâm u Tây Bố Trạch. B. phân thân trong mơ, trong tâm tưởng văn chương. Trong B. có Đuôi cá và có B. B. (khi ở rừng) để làm công việc thủ quỹ của trường và B. là kẻ tìm đường mộng mị nên biệt danh và Đuôi cá cốt tỏ tâm nguyện được vẫy vùng bơi cho thỏa thích với biển, bơi để không chết chìm trong bể dâu đời người. Bơi trong thăm thẳm nhớ nhung mẹ và biển. Bơi trong thăm thẳm nhớ biển và cha. Biết đâu sẽ có một ngày cá nhảy hóa rồng gỗ, cá gỗ làm cười cho thiên hạ.
Tự hình dung, B. luôn mở căng mắt nhìn thẳng mà không thấy gì, hóa mù đành phải dùng chiếc gậy chữ, lúc túc với đôi chân đường dài gắng đi. Phải đấy là phần thưởng của mẹ. Cái đầu đương nhiên để nghĩ, để ngẫm ngợi trải nghiệm cuộc sống. Đấy là phần thưởng của cha. Còn chữ B. có bụng, vốn dung nạp, chứa đựng. Có thực mới vực nên đạo. Hít thở nhờ mồm và nhờ phổi. Có điều phải rèn, gan ruột chỉ thu nạp thanh khí. Đời, có lắm dung tục, phàm ăn cũng lẽ đời thường. Lo sợ nhất là sự yếu đuối của đôi chân gầy cà kheo. Buồn cười chưa. Ừ thử hình dung thêm. Một chiếc (gậy chữ) hướng lên đỉnh trời xanh. Đấy là sức mạnh của cha. Một chiếc ngoái về sau lưng, đỡ nâng khi ngã, khi khóc đấy là mẹ. Một chiếc hướng về phương đi tới, hướng về phương mặt trận, đấy là chiếc gậy Trường Sơn. Kỳ thú, tự tin bởi có cây gậy chữ ẩn khuất vào cây gậy Trường Sơn mà hóa gậy thần.
Những câu thơ đầu đời phải viết về mẹ. Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp mật như đường mía lau, là tiếng ru ngọt ngào, rớm lệ từ thuở ấu thơ. Mẹ có vóc dáng, gương mặt đẹp phúc hậu, nói năng có ý, tình và đầy lý sự khi khuyên dạy con cái. Đặc biệt mẹ hay nói vần từ ca dao tục ngữ. Tóc mẹ búi nặng sau gáy, đen nhức con mắt nhìn của cha. Cha vóc người cường tráng, lưng thẳng như một bức gỗ lim, trán gồ cao, mắt sâu thăm thẳm, có cái nhìn cười, tràn ngập niềm tự tin cuộc sống. Cha hơn mẹ tám tuổi. Cha ngoài ba mươi tuổi mới có con đầu lòng. Anh cả sinh tại làng nội An Mô trong Nam, sau mới bế ra Bảo Ninh. Bà ngoại, cậu Út và dì Lớn, chị cả của mẹ cũng theo ra Quảng Bình. Ngày chống Pháp, cậu Út là Bộ đội Cụ Hồ, vào Đảng từ trong quân ngũ. Lấy mự Bào cùng đơn vị. Sau hoà bình, cậu mự cùng xuất ngũ, về dựng vườn tược trồng rau trên đất làng Nguyên Cát. Xóm Trà, Hậu Kiên, thuộc Triệu Thành, nơi ngã ba sông Vĩnh Định và Thạch Hãn quê ngoại. Phải chăng vì vậy mà tâm hồn B. có sự hợp lưu nhiều con sông. Đặc tính này rất bản chất, là sự hòa sóng luôn trào dâng mà B. mang cõng đi suốt cuộc đời dài.
Có lẽ, bắt đầu từ đây, B. luôn phân thân đặt mình vào bổn phận văn chương, dù nó đang rất mơ hồ để sống, đọc, cặm cụi ghi chép. Ghi chép, một cách dò dẫm khám phá cuộc sống, khám phá về tâm trạng của bản thân. Hai bờ tâm tưởng trong một dòng ghi chép tạo nên đối sánh thú vị. Tâm nguyện vậy, hướng tới sự khách quan, chữ nghĩa trong sáng. Đúng không? Chữ ký dưới mỗi trang Tâm tưởng văn học, 1967 và các chữ ký của ngày hôm nay bảo đảm cho điều cam kết riêng tư chỉ B. hiểu là đủ.
Kỳ thi trung cấp, B. có giấy báo học Trung cấp Xây dựng Hà Nội. Nhưng khi giấy báo về thì đã muộn. Tháng hè đầu tiên B. nhiệt tình tham gia các công tác địa phương. Vào đội ba phòng, ba sẵn sàng thôn. Ban đêm trực ở trụ sở Hợp tác xã Hồng Phong, thay phiên tổ dân quân tuần tra biển. Chừng một hai tuần sau B. còn được vào tổ cứu thương, được phát một chiếc băng ca. Vĩnh, Đổ La và B. một nhóm. Ba đứa đều học cùng lớp, từ lớp vỡ lòng cho đến hết cấp hai. Anh Lộng y tá thôn phụ trách việc này. Lúc nào anh cũng mang túi cứu thương. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết tháng năm. Bạn học cùng lớp đã vài đứa nhập ngũ đi B. Cường. Chặng. Tiến. Tòng... Sang tháng sáu, đột ngột Thị đoàn Đồng Hới gửi lệnh về xã gọi B. đi thanh niên xung phong. Lên đường trong mùa cá gió nam, nắng và cát bỏng chói chang. Gấp lại tuổi thơ, đối mặt với bom đạn giặc Mỹ. Quân Thị đoàn Đồng Hới được thành lập một đại đội. Con em Bảo Ninh chưa đến mười đứa, hình thành một A, anh Nghi làm A trưởng, ngang tiểu đội trưởng. Anh Đắc và B. làm A phó.
Đồng Hới bị bom dữ dội. Còi báo động hú rền rĩ. Xưởng cưa Bình Trị Thiên! Nhà thương Đồng Hới! Chợ Đồng Hới! Cầu Dài! Cầu Ngắn... tất tật đều mục tiêu bị bom Mỹ đánh phá, san bằng! Người chết chôn không kịp. Toàn dân đi sơ tán, chỉ dân quân tự vệ ở lại. Phố đổ hoang tàn. Ban đêm dân sơ tán ào về phố nhặt nhạnh của cải bị vùi lấp trong gạch vỡ. Chợ Đồng Hới chuyển họp đêm, bom đánh dữ phải giải tán. Mụ Bẹp “địa chủ” bám chợ, thấy mụ mọi người đỡ sợ hãi hơn. Mụ la lối, mụ chửi, mụ hát, làm cho phố sống lại. Tiểu đội của B. đóng ở xóm Phú Hải. B. được phân công ở nhà anh Chân. Vợ anh vừa chết bom. Ban đêm trầm u, vắng lặng mà rất nhiều đom đóm. B. có lúc đứng ở gốc vườn nhìn với về chợ Đồng Hới, nhìn với về bên Bảo Ninh lòng xốn xang khôn tả. Gia đình B. đã đi sơ tán...
Ụ súng phòng không của dân quân, trận địa pháo của bộ đội ẩn khuất chộp bắt mục tiêu túa đạn lên trời xanh... Gặp thầy giáo Lê ở cổng Bình Quan lúc trời nhoạng tối. Cổng đã sập. Thầy động viên, dặn dò phải giữ gìn sức khỏe, chớ chủ quan, hoàn thành nhiệm vụ... Thoắt đấy cuộc kháng chiến đối đầu với bom đạn Mỹ đã bước qua năm thứ ba và cũng đã ngần ấy năm B. rời Bảo Ninh.
Ngày của công việc, đêm lật giở ký ức tìm tâm điểm văn chương. Bàn tay ơi, này mười ngón hồng hào mà lóng ngóng, yếu đuối. Thế nhưng mày cũng đã được thử thách và rất can trường. Ban ngày làm đủ thứ việc, từ ghi chép công văn sổ sách đến phát lương, phát học bổng. Những khi chạy tiếp phẩm thì khèo hái, nhặt nhạnh, na mít xanh chuối xanh; những khi nhen bếp thì lấm lem tro than. Rời tổ trưởng tiếp phẩm, B. được rút lên làm văn thư thủ quỹ của trường...
Vậy B. cũng đã trải mấy chặng đường thử thách. Cái bàn tay ban ngày nhóm lửa, đếm tiền, còn ban đêm, thừa ra, bởi B. chưa viết một câu thơ nào về mẹ cho ra hồn, về bom rơi đạn nổ tố cáo tội ác cho thỏa lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược. Hỡi mười ngón của hai bàn tay vốn chỉ biết ôm mặt ấp ủ, che giấu nỗi nhớ mẹ và các em, có biết thế nào là bàn tay có hoa tay báo chuyện tài hoa văn chương không? Hãy mở bàn tay ra đi. B. có sáu hoa tay và ngón trỏ trái có xoáy hoa đẹp nhất, lại bị “cua cắn”. Biết đâu có tật lại có được chút xíu tài mọn. Chỉ mong nó nhỏ bằng hạt cát li ti cũng quý lắm rồi. Bao giờ hết bom đạn để thả hạt cát B. mang từ biển lên nguồn trở về trong biển lớn.
3. Đuổi bắt hình bóng tha nhân là chuyện tưởng tượng. Biết thế, hiểu mơ hồ thế, nhưng nó có ma lực hút hồn B. lao sầm tới cho chạm mặt. Đuổi bắt và mất hút. Thoắt chờn vờn, thoắt mù mịt chân trời, rồi đột nhiên hiện ra một gương mặt ông Bụt trong truyện thần tiên, hứa hẹn sẽ cho một điều ước...
Đối với văn học B. vẫn rụt rè. Mỗi bài thơ viết xong cất kỹ càng lúng túng, tự dằn vặt lo âu. Ghi chép, nhật ký là tự soi lại với lòng, cũng là một cách phân thân vào các nhận thức về cuộc sống chung quanh. Những trang dòng hình thành, chảy thành con lạch nhỏ tự bao giờ? Nhu cầu thổ lộ và được tâm giao, tri ngộ có gì làm giật thột vu vơ. Hệt có nỗi khao khát được yêu, không bị chối từ và được hẹn hò thủy chung, nhưng có thể gặp sự bội bạc. Gặp gỡ ai? Tâm giao với ai? Ai sẽ trò chuyện, nói cho hay thơ là gì đối với cuộc đời B.? Anh cả, anh Ng., anh Tr. và anh T. là những điểm tâm giao đã lùi về xa hút. Cô độc, cô đơn lúc này đồng nghĩa với tự do.
Thơ chiếm lĩnh trái tim, nó luôn đòi hỏi sự hy sinh về số phận, không tơ màng giàu sang, hạnh phúc. Thơ là kiều nữ hay nó mượn bộ mặt của gã đàn ông, do chính tâm hồn B vắt nặn nên? Có lẽ đúng là như vậy. Ngoài đời, thơ mang bộ mặt của gã đàn ông nào? Đấy chính là Nguyễn? Không. Không là ai cả, nhưng một ai đó có thể là tất cả. Nhưng cũng không phải Nguyễn. Vì Nguyễn quá cụ thể. Thơ không phải là sự cụ thể, mà phải phiêu diêu. Nhưng lúc viết thư cho Nguyễn, hồn lại thực sự phiêu diêu. Chính nó mà không phải nó là sao? Nguyễn đang ở chiến trường B2, đã bặt thư lâu lắm rồi. Gương mặt Nguyễn lại ẩn khuất vào gương mặt của bác sĩ S., của pháo binh T... cuộn thành một nỗi nhớ nhung ảo mà lại rất xao xiết. Thật phức tạp, trớ trêu, không có gì cụ thể cả, nhưng nó lại đúng với bản chất của B. và ký ức buộc phải ghi chụp hình ảnh nó mới khốn khổ phức tạp chứ. Thật vô lý? Hóa ra cái điệu cười của Nguyễn mới réo rắt ngân vang như muốn lấy hết hồn vía B. Chưa hề cầm tay và chưa dám cầm tay. Đến cả trong thư cũng chưa hò hẹn một ai. Nhưng nhớ nhung thì có thật. Có một nỗi thầm thì chỉ lòng nghe thấy, đưa vào thơ vẽ cho thành khuôn mặt tuấn tú gã thi nhân của B. Có điều cái gương mặt tuấn tú ấy, mẹ lại rất ghét. Sao vậy? Lá thư đầu tiên Nguyễn gởi về, mẹ trông thấy, mẹ đã cấm không cho viết thư trả lời. Khi nhận công tác tại trường, mới dám viết thư cho Nguyễn...
Sự rung cảm cuộc sống đến với mỗi người dễ như hơi thở trời đất, cỏ cây vạn vật. Khởi nguồn của thơ: sự rung cảm. Rung cảm đôi khi rất mơ hồ, phi lý. Thơ không là giấc mơ của riêng một ai. Với B., đấy là nhịp đập hữu tình của trái tim trong trạng thái lỗi nhịp. Gặp gỡ giao hòa với mọi người nguyên là lẽ thanh cao và trường tồn của thơ. Hình như mỗi khi đọc trang thơ, câu chữ có gì đấy giăng mắc dính kết đa mang nghĩa đời. Gặp gỡ hoan ca được với thơ là gặp gỡ được ngôi sao chiếu mệnh của B.? Sợi Dây lãng mạn vắt qua lưng đèo, giăng qua hố bom. Có lẽ vì thế thơ đối với B. là cứu cánh, là sức mạnh của tâm hồn thanh xuân, gắn liền với phẩm hạnh của người viết ra thơ. Tha nhân có phải khởi nguồn từ đây không?
Nhớ hồi học lớp hai lớp ba gì đó, thầy giáo văn hỏi về lòng yêu nước, nhớ miền Nam ruột thịt, B. bị thầy gọi bất thần. Rụt rè đứng lên trả lời, lại nói ngọng chữ “L” làm cả lớp trố mắt, cười tức cả bụng. Yêu nước nồng nàn. Nhớ miền Nam nồng nàn. Hôm ấy trời đất vừa qua cơn bão, cái nắng tháng mười tựa ngưng kết được một thứ mật ong vô giá trong ký ức B. Ngõ về ký ức luôn có cát lào xào dưới bàn chân. Bảo Ninh chang chang nắng và cát. Sông Nhật Lệ xanh ngút tầm đến kỳ ảo. Đầu cửa sông Nhật Lệ, phía Hải Thành có cây đèn biển. Nó là cây đèn biển của tuổi thơ ấu, ngày cha từ Bảo Ninh sang đấy cắm lên một cái chòi rớ quây cá, nay đấy là ngọn đèn bí ẩn dẫn B. đi về trong mọi luồng lạch nỗi nhớ. Bên phía mũi Nghèn Bảo Ninh có lũy Sa Thầy được đắp bằng đất sét thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Trước lũy là một bàu nước lớn, ở giữa hồ nổi một gò mai rùa, mộ của ông nội cất tán ở đấy. Vào kỳ giẫy mộ tháng mười hay một chạp, theo cha ra cúng mộ, chốn này thành xứ trời u tịch, huyền bí. Cái lóe sáng của nhớ mẹ và sự chói ngời của cát lay đọng, gọi thức soi vào miền ký ức nhịp tim đập thình thịch, nhịp sóng rì rào, càng về đêm càng dào dạt.
Các câu chuyện kể kỳ thú của người lớn vẫn mãi khắc khảm vào thành vỏ não. Chuyện của o Mùng, o có giọng hò khoan hay đến chết lặng cả chim cá. Chuyện của dượng Gà, cây hò xố giọng nam, kết cặp hò đối với o Mùng nổi danh khắp xứ biển. Rất nhiều người lớn có tài kể chuyện, người nào cũng vừa kể, vừa bình tán, lúc chê bai, lúc thương xót, lúc buồn rầu rớm lệ. Lúc bi ai oán trách, lúc mỉa mai cười cợt. Những chuyện ma sọ dừa, ma chết đuối, ma thành tinh vừa hấp dẫn vừa sợ hú hồn. Thời nay, bom đạn thế, ma cũng biết sợ bom đạn, biến đi đâu hết. Lòng không còn sợ ma, chỉ sợ sự dối trá điêu toa. Hay chuyện ma xưa người lớn kể cốt chỉ để doạ trẻ con, chứ không thể có ma?
Bà kể chuyện ông ngoại đi buôn cá gánh từ Cửa Việt lên. Ông gánh cá chạy vượt lên phía trước, thi thoảng để rơi một đôi con trích, con mòi. Người sau thấy tiếc rẻ, đặt gánh xuống nhặt, về chợ chậm, cá bán chậm. Ông ngoại về trước, được người mua, thế nên lời lãi hơn người một chút. Cả lũ cháu ngoại của ông nghe chuyện cười nắc nẻ, nể ông lắm, bị mẹ mắng. Cha đồng tình, nói chuyện có thật, ông ngoại cố tình chạy vung văng cho cá rơi để đánh vào lòng tiếc của đời của người đi sau. Mẹ ngấm nguýt mắng át tiếng cười của lũ con quỷ sứ. Bà ngoại búi tóc đứng lên cũng cười móm mém. Ông bà ngoại xưa nghèo lắm. Cha kể, khi đến ở rể, cha mới biết cả nhà năm người chỉ có một cái chõng tre. Nhà ngay giữa chợ Sãi. Có lẽ không phải nhà mà lều chợ. Cha quyết tâm lấy mẹ bởi cha nhớ lời các cụ xưa nói: Con trai nhà giàu ba họ phải lấy vợ con nhà khó ba đời, mới con đàn cháu bầy. Mẹ sinh con đầu lòng từ thủa mười tám tuổi, sau đấy mẹ sinh liên tục những chín anh chị em. Bảy trai. Ba gái. Anh trai cả và em gái út. B. và em gái lẫm chẫm đếm từng dấu chân mẹ từ ngõ xuống bến đò sang chợ Đồng Hới. Em gái giống mẹ, tóc đen nhánh, tính tình thật thà, có khi nhường chị phần khúc mía, trái ổi, trái sim. Khi lớn thêm một chút, em tranh thổi cơm, quét nhà. Em gái học sau một lớp. Còn B. và anh trai kề trên học cùng một lớp từ thủa vỡ lòng.
Lại nhớ thêm chuyện làng. Cha đôi khi vẫn kể đi kể lại chuyện cái chết bi hùng khí phách của anh Sưa cán bộ Việt Minh, làm náo động làng chài. Anh Sưa bị chúng lùng ráp vây bắt. Rồi câu chuyện du kích lúc nửa đêm về đánh úp, đốt cháy đồn Sa Động. Lửa cháy rừng rực cho đến tận rạng đất. Năm ấy B. mới vài ba tuổi, đứng chưa cao hơn cây cỏ rười tháng mưa. Ngọn lửa du kích đốt cháy đồn năm ấy không tắt trong ký ức. Những năm sau hòa bình Bảo Ninh đỏ rực cờ hoa, mỗi khi có mít tinh, có lễ hội ngày Quốc khánh, ngày đón Bác Hồ về thăm Quảng Bình (26-6-1957). Thi thoảng cha kể chuyện xưa, chuyện cha đào hầm giấu cán bộ ngay trong nhà. Miệng hầm ở chỗ khuôn bếp đặt lên, che mắt địch. Cán bộ Việt Minh cha nuôi giấu hồi ấy là ai, cha không nói. Thuở nhỏ ấy cũng chưa biết tò mò để hỏi? Một lần khác, ngồi vá lưới cha kể. Dạo cắm rớ ở Văn La, có đêm cha chèo đò hoặc có khi bơi bằng xuồng thúng đưa cán bộ từ Văn La sang Cừa Phú để về Vườn Ba. Vườn Ba là chiến khu kháng chiến của Bảo Ninh. Một lần đò sang được nửa sông thì nghe có tiếng súng chúng lùng ráp dọc quốc lộ phía làng Lương Yến rất nguy hiểm... Mỗi lần kể, giọng cha thường trầm xuống đầy vẻ nghĩ ngợi. Cha rất nể trọng, thường kể về một vài người mà cha biết có đóng góp tiền của cho kháng chiến những năm gian khó. Sao cha lại biết những điều bí mật ấy? Ví như cha biết về dượng Nguyễn. Cha khen dượng kín tiếng, trí lự, có đóng góp tiền của cho kháng chiến. Nhà dượng ở đầu thôn trên có những bậc đá chắn sóng, chắn nước lũ, ngăn cát lở cao chất ngất. Con của dượng, các anh chị đều học rất giỏi. Chị Lý, chị Chiến, chị Sô... là những nữ sinh đẹp người, đẹp nết, lại học giỏi của Bảo Ninh. Đi đò sang Đồng Hới học cấp ba, các chị thường mặc bộ bà ba lụa đen, tóc dài chấm gót...
Nếu nhớ lại tất cả, từ chuyện ma cho đến chuyện người, chuyện chài lưới, chuyện kháng chiến và cả chuyện trong nhà, viết ra, liệu có thành tác phẩm văn học được không? Lãng mạn là những câu chuyện tình tứ của các chị Não, chị Xinh, chị Xảo, chị Nồng... Chị nào cũng yêu bộ đội. Trai làng mất thế. Thực ra không phải thế. Chị Xảo yêu anh Châu là trai làng đấy thôi. Anh Châu nhập ngũ, trở thành bộ đội pháo binh, đóng ở Vĩnh Linh. Chị Xảo là Trung đội trưởng trung đội mười hai ly bảy, bắn máy bay và bắn tàu biệt kích rất tiếng tăm. Nhưng mối tình Châu - Xảo là một pho tiểu thuyết. Các mối tình của anh Xư - Niệm nữa. Mối tình của Nguyên và anh Giáo, của các bạn học sau này... Mối tình nào cũng rất ấn tượng, nó là kho báu nguyên mẫu cho văn chương mà không sao viết nổi...
4. Ở rừng, có thời khắc trôi qua thật u tịch. Sương mù, núi non kỳ vĩ. Tiếng lá rừng, tiếng thú lạc đêm. Nỗi bâng quơ thức trắng. Những giọt sương gió lay hổn hển, run rẩy. Những vần điệu của búp non dư vang. Một nỗi niềm sâu kín ngưng lệ, làm thay đổi bản tính cô độc, kín đáo của B. Niềm sâu kín ấy dần hình thành một mặt hồ không đáy của tâm hồn, của một sức hút, dù bây giờ chưa viết nên nổi một chữ nào cả. Nhập thân vào đời, nhập đời vào thân, gồng gánh nó làm nên trang văn. Nói chuyện gồng gánh, từ bé, B giỏi giang việc gồng gánh nhất trong đám bạn tuổi mười ba mười lăm. Gánh lá dương liễu, gánh cỏ rười đầy ụ, cong vổng đòn gánh, chạy phăng phăng trên cát bỏng. Bữa hè năm đó, đi gánh mật mía từ bãi kho Lý Hoà lên, gặp cơn mưa giông, chụp ếch kềnh càng, mật mía đổ ngập loang vào cỏ. Cả tốp chị em xúm lại, vừa vớt mật mía, B. khóc đầm đìa với mưa, đỏ hoe hai mắt. Về đến kho, bác Thắm không nói gì, lại trêu chuyện khóc nhè, cười phô bộ răng có một chiếc cời như vợ, thật tức cười. May là không bị làm kiểm điểm.
Phần hồn B., con gái Mẹ Biển. Phần xác, hưởng chút vương rơi hơi hớm gân cốt núi rừng U Bò, Ba Rền cùng dãy Hoành Sơn kỳ vĩ. Đèo Ngang ôm lượn duỗi mình dọc biển như một thân thể người đàn bà thần bí. Kể từ một buổi hoàng hôn tháng Chạp (19-12-1965) sau hai ngày đi bộ từ Đồng Hới đạp hướng tây bắc lên, tình rừng che chở, tình cây vươn thẳng, B. được rèn chí trung thực, đức kiên nhẫn rất nghiêm. Phần xác, phần hồn là thế, nhưng vẫn là chưa đủ? Con gái sống xa mẹ, biết giữ khuôn phép đức hạnh và đặc biệt, B. phải tập tành, rèn luyện ngòi bút để viết được những câu thơ nhớ mẹ, nhớ các em nhỏ. Cánh đồng, rừng núi trước mặt. Tập bay ra ràng và tập cầm bút. Cầm bút bắt đầu từ hồn vía của bảng chữ cái quốc ngữ và...
Phải làm cuộc lên đường ra khỏi con ốc biển tuổi thơ, lấy cát ngậm vào hồn rỏ nên giọt mực, nhả những giọt huyết ngọc. Vậy chữ là gì từ trái tim? Lệ chảy vào trong thắm nên máu. Hình hài vóc dáng B. nương tựa vào chữ. Một con gậy chữ lúc có chân, lúc có bụng, lúc có đầu. Nghĩa là luôn luôn thiếu, chỉ có một trong ba. Nỗi buồn thương nhớ mẹ làm biển luôn ủ sóng, làm sóng luôn dào dạt, làm bờ luôn mong được bồi đắp phù sa. Sự màu mỡ phì nhiêu cho bờ được khởi trào từ đâu. Niềm dào dạt yêu thương được trào réo từ đâu. Sóng từ đâu vỗ về? Biển mặn từ đâu nồng thắm. Sóng lòng bất tận, trào vỗ nên sông, rì rào quanh lượn, liệu một ngày nào đó có về tới nơi chân sóng mặn Bảo Ninh?
Chữ của thơ có nhạc, có mấy chiều không gian và ngữ nghĩa? Chiều tương lai, chiều hiện thực, chiều ký ức bảy màu. Chữ của thơ có sắc. Sắc màu hiện thực và sắc màu tâm lý cảm xúc. Chữ của thơ có vân xoáy chìm nhiều tầng hình tượng nghệ thuật. Kiếm tìm phát hiện cái dây tơ mong manh của tâm hồn vốn là khí chất niềm khát vọng sống thầm kín của con người, dễ là một hành trình thám hiểm cuộc sống nén chứa vào chính trái tim người cầm bút.
Thơ có hào khí sẽ vang động ngoài nghìn dặm. Nó trào trong huyết quản va đập tự trái tim làm vỡ ra những mảnh sáng tiên tri về cuộc sống, về hạnh phúc, về cái không thể đến được, về nỗi đau chia ly của người ra trận. Đợi chờ và thủy chung đã mang ánh sáng đến cho thơ. Không một đêm nào là đêm B. không chìm đắm tương tư thơ. B. luôn nhớ lời cha dặn vào cái ngày xin cha đầu đơn thi trung cấp. Cha mừng, ngẫm ngợi một lúc rồi nói: Các con được học hành thi cử, đi xa công tác phải biết ơn Chính phủ, biết ơn Bác Hồ. Bây giờ biết khôn một chút, thấm thía lời huấn thị của Bác Hồ: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong, hiểu sâu sắc thêm lời dạy của cha để phấn đấu.
Nghiền ngẫm, ghi tạc tinh thần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy đó làm kim chỉ nam cho sự chính danh của ngòi bút chiến sĩ. Người tiêu biểu, thực hiện được lời dạy của Bác, mang tâm nguyện của cả dân tộc có phải là nhà thơ Tố Hữu. Thuộc thơ ông nhưng có lẽ khó có dịp gặp được ông, noi gương thơ ông. Các bài thơ ông viết về anh Nguyễn Văn Trỗi, về chị Trần Thị Lý, về mẹ Suốt thật xúc động, ngấm sâu vào hồn một lời thề yêu nước, một niềm cảm xúc giản dị mà sâu sắc với tình đồng bào, đồng chí...
Tinh thần thơ của Bác Hồ, B. hiểu, ngoài sự lãng mạn cảm động của trái tim, khi Tổ quốc nguy biến, cái đầu thi sĩ phải biết tỉnh và rắn. Ngọn bút phải làm đòn xoay chế độ đuổi giặc Pháp, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giành độc lập, thống nhất non sông Việt Nam. Đấy chính là chủ đề lớn, là cội nguồn chính sử của văn chương hiện đại.
Muốn đạt được mục tiêu đó nhà văn phải là người song hành với cuộc sống, nỗ lực nắm bắt nó như là một nhu cầu mất ngủ của tâm hồn, của trí tuệ để tái hiện nó ở tầm khái quát cao hơn. Cuộc sống hiện thực là một chiếc la bàn khổng lồ, trái tim của người nghệ sĩ đặt ở giữa, đập thình thịch và khóc. Khóc vì khổ đau. Khóc vì hạnh phúc. Văn chương là nhịp sống của trái tim đập thình thịch. Có những nhịp có thể làm rung chuyển thế giới? Những suy nghĩ, ý tưởng khổng lồ, còn B. là một số phận nhỏ bé, dễ khóc đuối lòng và bất lực.
5. Biển mặn. Sóng mặn. Cát mặn. Cánh buồm mặn. Áo mặn. Dây neo mặn. Tóc mặn. Máu mặn trên mạn thuyền. Nước mắt mặn trên chữ. Có câu thơ nhớ biển lẩn thẩn trong hồn, đôi khi cất lên thành tiếng hát. Biển bờ Bảo Ninh là giấc mơ của tuổi mười lăm, của trọn đời người mai sau. Mặt trời mặn. Vừng trăng mặn. Ngôi sao mặn. Mùa cá mòi. Mùa cá hồng. Cá thu. Mực ống, mực nang. Mùa trứng cá chuồn. Mùa trứng vích. Mùa tôm hùm...
Nhớ biển quá, B. lần ra suối. Nắng ấm, nước suối còn buốt, tê cả hai tay khi vò giặt áo quần. Không tắm. Trở về băng qua gò sim. Những trái sim cuối mùa ngọt lự. Lịch học: buổi trưa học toán, tối học văn. Học văn anh Bình Giúp cho. Học hoá, vật lý thì hỏi thêm anh Việt. Nhưng B, rụt rè có dám hỏi không? Không giấu dốt mới nên người. Ghi nhật ký, trôi vào dòng tâm tưởng văn chương khi đêm đã khuya là một niềm kỳ thú mộng mơ. Hương xuân, sương núi. Không có tiếng máy bay. Vặn to đèn phòng không thêm một chút. Sách mở, lật giở, đọc mê mải.
Hòa bình độc lập và người cày có ruộng, có bát cơm ăn, là ý nguyện, tâm nguyện đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Nhưng ở miền Nam, Mỹ can thiệp dựng chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém tàn sát lương dân và người cách mạng. Nhà tù Phú Lợi bát cơm trộn thuốc độc. Anh Nguyễn Văn Trỗi bị chúng hành hình. Thị đoàn Đồng Hới phát động phong trào học tập tấm gương anh Trỗi, đội văn nghệ Bảo Ninh được sang hội trường tỉnh biểu diễn tiết mục múa sạp, B. mặc quân phục nam (vai anh bộ đội Điện Biên), múa uyển chuyển, rập nhịp, khá đẹp. Xúc động.
Bộ đội thời chống Pháp được gọi tái ngũ trở về đơn vị từ nhiều năm trước. Chiến tranh, Bảo Ninh vắng, lõm dần đàn ông. Trai làng đi làm giao thông mở đường lên nông trường Phú Quý, đi làm dân công xây dựng đập Cẩm Ly, đi bộ đội, hầu hết là những người đẹp trai giỏi nghề biển. Anh cả, tên gọi trong nhà của anh là N. (Hưng là tên chữ của anh,) đi làm công nhân nông trường Phú Quý, sau chuyển làm công nhân giao thông. Sư đoàn bộ đội an dưỡng ở Bảo Ninh cũng đã rút đi từ lâu lắm. Họ mang theo những người con gái đẹp của làng, đã thành những đồng chí tiếp phẩm của đơn vị. Chị Bè, chị gái của Tám học cùng lớp, chị Nồng chị của Long nữa. Hai chị ấy đẹp nhất làng. Làng Sa Động, xưa gọi là xóm Sáo. Các chị ấy thỉnh thoảng có về làng làm B. mê mẩn bộ quân phục mới cứng, tóc các chị tết con rít (đuôi sam), thả dài, dày, đen nhánh, đẹp đến ngơ ngẩn lòng người.
Sau sự kiện biệt kích vào bãi ngang làng Hải Thành, bên tả ngạn cửa biển Nhật Lệ, Bảo Ninh đã thực sự thành pháo đài chiến đấu, bảo vệ Đồng Hới. Nhiều đơn vị bộ đội lại đổ về đóng quân trên đất Bảo Ninh. Các đại đội pháo biển, vừa bắn máy bay vừa bắn tàu chiến thả biệt kích. Các anh bộ đội rất trẻ nhưng lời ăn tiếng nói thật nghiêm. Súng bắn tàu chiến, súng bắn máy bay đều được kéo cõng trên lưng vượt qua các trảng cát vàng lóa, bỏng lửa mặt trời. Năm đó đã học lớp sáu, vừa đến tuổi mười lăm. Ban ngày đi học, ban đêm tham gia đi trực ba phòng, tuần tra bờ biển với bộ đội. Vũ khí là cây mác lào và lựu đạn gỗ, không có lựu đạn thật. Vì chưa phải là du kích chính thức. Nếu giáp lá cà với bọn biệt kích thì dùng mũi mác mà đâm. Chị Nồng (du kích Hải Thành) thì vãi cát vào mắt chúng khi súng hết đạn. Đi tuần mỗi đêm ba tốp. Tốp đầu hôm. Tốp mười hai giờ đêm và tốp ba giờ sáng. Đi tuần từ Am Hồn về Mũi Nghèn. Còn từ Am Hồn về Vườn Ba thuộc đại đội khác, của Hợp tác xã Hồng Hà, gồm những Hà Dương, Hà Thôn, Cừa Phú. Những đêm trăng và những đêm không trăng trời biển bãi ngang là cả một thế giới thần tiên cổ tích. Cây cối, gò cát đều có thể trở thành người khổng lồ di động một cách ma quái, nếu lòng sợ hãi, mắt loá đốm tam tinh. Phía sau Am Hồn có nghĩa địa cá. Có lần anh Trường dọa vậy. Hay có thật, nó nằm ở phía nam động Am Hồn? Nghĩa địa của Cá Ông, loài cá cứu người đi biển. Đình Sa Động chẳng phải thờ ngài Cá ông lớn là gì? Xương cốt của ngài cao lừng lững, có đến năm mét. Đã được vài lần bám theo anh Trường chui xuống hầm thờ, nhìn tận mắt bộ cốt khổng lồ của ngài vào những khi làng có Hội chèo cạn múa bông. Thật kinh hoàng, đột nhiên nhớ đến những ngày đêm thuyền cha lạc biển, vì trận bom đầu tiên máy bay Mỹ săn bắt thuyền chài. Nhưng câu chuyện này dài lắm. Đặt bút viết tới sẽ nghẹn lời không viết nổi. Cá Ông, ngài là vị thần hộ mệnh của cha, còn cha là vị thần biển hộ mệnh của B. ở chốn rừng sâu này.
Bảo Ninh có hình thù bán đảo đuôi cá, chỉ có một tí tị ruộng làm lúa ở Cừa Phú và làng Nguyên Cát, nơi gia đình cậu Đáo ngụ cư còn hầu hết theo chài thuyền. Tuy nhiên nét đẹp thôn nữ trong đoạn thơ vừa đọc là tả nét đẹp tượng trưng cho vẻ đẹp nói chung. Tuổi mười bảy ơi, tuổi thiếu nữ đây này, B. cũng biết sống đẹp như bài thơ đã tả, nhớ chưa?
Yêu thơ, hiểu thơ, thẩm và cảm thơ dễ cũng phải rèn luyện mới có được con mắt xanh tinh tường với thơ. Viết được một câu thơ hay có khó hơn việc thẩm bình một câu thơ hay không? Cái khó này và cái khó kia không chừng là sự song hành, buộc phải tự rèn luyện cả hai cùng một lúc.
Có phải thơ là con triều cảm xúc tương giao với triều nước dâng, nước rặc khi đêm xuống đối với B. Triều nước rặc xao xiết hờn dỗi, xao xiết nhớ nhung. Mà triều nước lên xuống lại ứng con trăng mọc, lặn, đầy, khuyết hằng đêm, mỗi tháng. Người của sông của biển, triều nước rặc, gắn với con nước sinh, gắn với con trăng non đầu tháng, gắn với phù sa đầu nguồn, gắn với mùa cá lộng, cá khơi. Ban ngày là dòng đời phải sống cho tròn bổn phận với những công việc được giao. Khi mặt trời lặn, khi vừng trăng mọc thì xếp cất chứ không phải rũ bỏ, như xếp cất một tấm áo để lộ diện mạo ròng rặc, xao xiết của B. với bao nỗi khôn nguôi nhớ biển khơi. B. vốn tự ti, lòng rụt rè khép kín. Thơ là một niềm cỏ rười, cỏ cơm cháy trên cát bỏng, là một miền hạt dương lăn lóc theo những dấu chân thỏ. Lũ thỏ ấy chúng ăn lá cây muống biển, hoa tím ngắt. Hạt dương liễu khô đun bếp rất đượm. Câu thơ, chữ thơ mong cho cháy đượm, khói thơm đến muốn khóc. Đọt cỏ cơm cháy thì ngọt lịm. Mong cho câu thơ chữ thơ được như thế. Thân cỏ rười tươi thì vừa cháy vừa nổ bem bép, vui tai và khói cỏ rười rất thơm. Thơm nưng nức. Mong sao B. viết mỗi câu thơ, chữ thơ tươi xanh sắc cỏ rười, trong thơ có lửa đượm hương thơm cỏ rười mới xứng làm con của xứ cát...
Rừng Lim, mùa khô, 1967