CHỊ LẪM ĐỂ Ý THẤY CHỒNG CÓ CHUYỆN GÌ BẤT ỔN, luôn ngóng ra ngõ vẻ như đang chờ đợi ai. Lại có trưa lục lọi mấy chiếc ba lô đem ra phơi nắng. Đêm anh ngồi đốt thuốc, sách vở đặt trước bàn mà chẳng thấy đọc. Hôm nay, sau bữa cơm, lựa lời chị hỏi:
- Anh Hoằng, có chuyện gì anh lại lục tìm mấy chiếc ba lô cũ?
- Anh đem phơi nắng cho đỡ ẩm mốc, chứ có chuyện gì.
- Anh không giấu em được đâu. Anh giấu em chừng ấy năm, anh tưởng em không biết sao.
- Ba mặt con anh còn giấu em chuyện gì nữa mà em ngờ hoặc.
Chị Lẫm nén lòng, cố lên giọng che giấu những suy nghĩ đang làm chị đau đớn.
- Chuyện người khách hôm qua. Anh nói thật đi. Những người Mỹ họ muốn gì ở anh?
- Lúc nào cũng gặng hỏi. Em đừng lẩn thẩn nữa. Câu chuyện về họ là rắc rối, phức tạp. Là chuyện của hai chính phủ...
Anh Hoằng uống ực hớp nước như cố nuốt cho trôi một nỗi u ám nào đó. Chị Lẫm ái ngại nhìn chồng muốn gặng hỏi nhưng không dám lên tiếng. Chị lặng lẽ đi xuống bếp cời than ủ trấu, làm các việc không tên không tuổi của người đàn bà. Chợt chị muốn lẩn tránh một điều mù mờ. Sao lại thế? Rời bếp trấu, bước lên nhà, chị Lẫm thấy chồng vẫn ngồi nguyên đấy đốt thuốc. Trời nhoạng tối, chị lặng lẽ đi thắp cây đèn chai vặn nhỏ ngọn. Bóng hai vợ chồng đổ hắt lên tấm màn gió buông trước bàn thờ, cứ như đang có hẳn bốn người. Loay hoay vặn to ngọn đèn rồi nhìn chồng, chị Lẫm nói lặp lại ý tứ cũ:
- Anh Hoằng, có phải những người Mỹ ấy họ muốn anh đưa về làng ngoại chỉ để...
Chị Lẫm chưa nói hết câu anh Hoằng đã vội hỏi:
- Sao? Ngày mai anh phải đưa họ về Mai Thượng. Em cũng muốn về theo à?
- Em không biết nữa. Nhưng linh tính, ruột gan em từ mấy đêm nay như lửa đốt.
- Em nói rõ xem, linh tính chuyện gì?
- Em không nói được. Họ ngoại em ba đời độc đinh. Đến anh Thảnh, anh Thảnh ơi! Sao anh với chị Nhẫn không kịp để lại một đứa con nối dõi? Tuyệt dòng thế này là sao anh Thảnh chị Nhẫn ơi!
Anh Hoằng bối rối trước nỗi đau bộc phát của vợ. Đây là lần đầu tiên vợ chồng anh nhắc tới sự hy sinh của anh Thảnh. Dăm năm lại đây lính Mỹ theo các tua du lịch trở lại Việt Nam ngày một đông. Có mang theo cả gia đình. Họ lùng sục tìm kỷ vật chiến trường. Họ muốn gặp lại những cựu chiến binh Việt Nam đã tham dự những trận đánh cụ thể. Trẻ con thấy đám lính Mỹ du lịch ở đâu chúng bám theo, ánh mắt đầy vẻ hiếu kỳ, pha chút gờm gờm thách thức. Những chiếc xe Mia xuất hiện chúng ào tới vây lấy. Trong đám trẻ làng ấy thế nào cũng có một hai đứa đầu têu chỉ trỏ những gò đống vô chủ, theo trí tưởng tượng của chúng, đấy là những nấm mồ chôn lính Mỹ bị du kích bắn tỉa. Qua giới thiệu của tỉnh, anh Hưng người khách từ Hà Nội vào đặt vấn đề, nhờ anh Hoằng dẫn đoàn người Mỹ về Mai Thượng. Thế là rõ. Những người Mỹ này là lính tham chiến trận Mai Thượng. Trận ấy họ thua liểng xiểng, nhưng phía gia đình vợ anh Hoằng, anh Thảnh hy sinh. Nghe tin chồng hy sinh, ba tháng sau, chị Nhẫn đang hoạt động nội thành Huế, bắn tin qua người làng, sẽ về để tang chồng.
Một ý nghĩ vụt đến làm anh Hoằng cảm thấy ớn lạnh, muốn từ chối cuộc đi ngày mai. Trong đám các ông bà du lịch ấy, kẻ nào đã rê họng súng nhằm bắn anh Thảnh? Sự liên tưởng này là cái kính soi vượt qua mọi khúc xạ nhiều màu để trở lại nguyên cảnh cuộc chiến tranh mà người Mỹ đem đến Việt Nam.
Đêm đã qua giờ Tí. Chị Lẫm búi lại tóc, bưng cây đèn vào buồng trong rũ giường chiếu, trở lại giục chồng đi ngủ. Những giọt sương lớn rỏ xuống từ tàu cau bắt đầu loang ướt từng vạt ở ngoài sân. Nhà vợ chồng anh Hoằng ở bờ bắc sông Điếu Ngao, giáp ranh với thị tứ Sòng. Vườn này là đất hương hỏa, ông bà nội để lại chỉ trồng có hai thứ cây. Cây vả trồng bọc quanh vườn, lượn sát phía trong lũy tre ngà gai dày rì rì. Đất giữa vườn chỉ trồng độc một thứ là cau. Anh Hoằng nhìn đăm đăm một bóng cau lay đọng ở sân, tai dỏng lên, chừng để lắng nghe những giọt sương rơi lưng chừng nơi những lá trầu xanh vừa bó lên choái, làm cho đêm sâu thẳm hơn. Mắt vẫn nhìn xuyên qua đêm tối trước sân, anh Hoằng trả lời vợ:
- Em ngủ trước đi. Mà em này, hay ngày mai em cùng về làng? Em về theo đò chợ, tiện sắm luôn hương đèn thăm mộ anh Thảnh. Nhưng anh dặn. Ra mộ em chớ khóc lóc khi có mặt người Mỹ. Họ đi du lịch thăm thú đấy, nhưng họ là lính Mỹ hiếu chiến, chớ có mềm lòng trước sự lịch lãm của họ.
Chị Lẫm nghe chồng nói, lòng càng nhói lên cơn đau khó lành miệng do vết thương chiến tranh để lại.
*
Sáng hôm sau anh Hoằng được ô tô đến đón đầu ngõ. Trên xe, ngoài người lái xe và anh Hưng có thêm cô phiên dịch trẻ. Anh Hoằng chào mọi người, quay sang hỏi anh Hưng:
- Người Mỹ họ đâu?
- Họ đợi ta ở khách sạn.
Nhìn đồng hồ, anh Hoằng thấy đầu trống rỗng, người nhẹ bấc như không có trọng lượng. Giá có một điếu thuốc vấn sâu kèn to bự, quấn bằng lá chuối non hơi héo hút cho đã mấy hơi hẳn người sẽ dễ chịu được một chút. Đêm qua anh thức trắng đêm, với những xáo động vô bờ của ký ức. Mỗi người lính, mỗi đời người đi qua chiến tranh là một pho sử không viết thành văn. Đêm qua, anh đã kể cho vợ nghe những điều liên quan đến anh Thảnh và sự hy sinh của anh. Anh Thảnh đang hàm đại úy bộ binh được chuyển sang dân sự, trúng Huyện ủy viên Hà Quảng, phụ trách chín xã vùng đông. Hầm bí mật của anh là những sở chỉ huy lưu động. Lần ấy, anh Hoằng về Mai Thượng có cả chị Nhẫn. Người liên lạc của anh Thảnh tuồn xuống hầm trước, đến chị Nhẫn. Sau cùng là anh. Anh Thảnh đang lom dom soi đèn tìm một vật gì đấy ở cuối ngách hầm. Tưởng chỉ một mình cậu liên lạc, anh Thảnh hỏi hờ:
- Chung, có nhìn thấy một cái bọc ni lông nào của anh không?
- Em không thấy. Anh Thảnh có khách từ tỉnh về đây.
- Ai?
Không chờ anh Thảnh quay mặt lại, Chung bấm anh Hoằng tuồn nhanh sang hầm dự phòng. Ở đây, Chung sờ sờ khắp người một lúc, rồi lấy ra một cái bọc ni lông. Chung nói:
- Thủ trưởng Thảnh tìm cái bọc này đây. Em nhặt được lúc đầu hôm.
- Thế hả?
- Em chưa mở.
Chung vừa nói vừa mò hộp quẹt thắp đèn. Khi anh Hoằng kể cho vợ nghe đến đây, chị Lẫm bất thần hỏi, giọng run run:
- Cái bọc gì vậy? Sau đó ai giữ? Sao giấu em?
- Khi chị Nhẫn vào Huế hoạt động nội tuyến, anh đưa cho chị Nhẫn.
- Ôi, thế sao! Anh Hoằng, anh nói đi chứ. Có phải là chiếc nhẫn cưới không?
- Không phải. Lúc ấy, anh định không đưa cho chị Nhẫn, nhưng không đưa thì hỏng hết, chẳng giữ được nguyên vẹn...
Trong cảm xúc hồi ức, anh Thảnh muốn cười tủm, nhưng lòng lại rưng rức như có lệ rỏ theo những giọt sương nơi tàu cau ngoài vườn. Vào những năm tháng ấy, anh Hoằng xa vợ đúng trọn một năm sau lễ cưới. Vào chiến trường Trị Thiên hòm thư đơn vị anh thay đổi liên tục, nên anh không hề nhận được bất kỳ một lá thư nào của vợ hay của bạn bè. Anh mong nhất là thư của Phố và thư của chị Lẫm.
- Anh Hoằng, không phải chiếc nhẫn cưới của anh chị Thảnh thì vật gì mà anh cứ úp mở.
- Chiếc nhẫn cưới em nói đến chị Nhẫn vẫn đeo ở tay. Em thử nghĩ xem thứ kỷ vật gì? Có liên quan đến em đấy.
- Anh nói gì?
- Em không thể nhớ được tấm ảnh ấy. Tấm ảnh em chụp chung cùng anh Thảnh, lúc tóc em còn để chỏm. Nó bị ố hết nửa phần mặt của em. Đấy, chính vì thế mà anh đưa lại cho chị Nhẫn để chị ấy nhờ thợ ảnh Huế tô sửa lại. Em còn nhớ sau lưng tấm ảnh ghi dòng chữ gì không?
Chị Lẫm không ngờ kỷ vật thiêng liêng anh Hoằng nói tới lại chỉ là một tấm ảnh, chẳng liên quan tới những suy nghĩ đau đớn trong lòng chị, về niềm hy vọng có một đứa cháu đích tôn. Nghe tiếng thở dài của vợ, anh Hoằng không dám kể tiếp câu chuyện đau lòng về vợ chồng anh Thảnh nữa.
Ngồi trên xe, những vệt lồi lõm ẩn khuất trong ký ức về các sự kiện trận Mai Thượng chợt bung ra, anh Hoằng bàng hoàng hỏi:
- Anh Hưng, chúng ta về Mai Thượng theo lịch trình của mấy ông Mỹ à.
- Đành thế. Ông Dô-nen-man là lính dù. Hành quân tham chiến trận Mai Thượng, đụng đầu với chủ lực ta, quần nhau đến ba hôm. Trận Mai Thượng ta đánh có quân chủ lực phối thuộc, ém sâu quân trong địa bàn du kích. Đấy là đòn bất ngờ, địch mất với ta trọn cả một sư đoàn tăng lội nước.
- Tôi chịu anh Hưng. Anh nhớ trận Mai Thượng như đang viết tường thuật cho đài Hà Nội. Nhưng tôi hỏi thật anh, chiến tranh qua rồi, cuộc chạm trán này kể cũng chẳng hay ho gì phải không? Những thứ kỷ vật chiến trường chẳng qua là cái cớ cho những kẻ âm mưu chiến tranh toan tính chuyện hậu chiến. Họ còn tìm kiếm gì nữa, ngoài sự... sự cuốn cờ xâm lược về nước. Anh có đồng ý với suy nghĩ trăn trở của tôi không?
Anh Hưng im lặng, tránh cái nhìn ẩn nhiều băn khoăn của anh Hoằng. Mai Thượng nằm ở cuối con nước của sông Điếu Ngao. Nửa làng đất đồi sỏi, nửa làng đất sét pha đất mùn đen màu mỡ hết chỗ nói. Ruộng cạn cày cấy được hai vụ lúa, lại còn trồng trỉa thêm một vụ màu nữa. Đặc biệt phía đông bắc, sau lưng làng có một triền cát trắng nối với Truông Bồn rất lợi hại để bộ đội ém quân và vũ khí qua trận đồ bát quái của du kích chín xã vùng đông. Tăng lội nước của Mỹ từ quốc lộ một về, từ tàu chiến phía cửa biển Điếu Ngao gầm rú đổ bộ vào, chúng bị cắt đội hình sa lầy giữa Truông Bồn, mất hẳn thế trận yểm trợ cho lính dù. Anh Hoằng lúc bấy giờ đi theo đội hình phối thuộc của Phân đội B-40, ém quân ở Truông Bồn. Có một kỷ niệm đáng nhớ. Đêm ấy anh Hoằng không ngờ lại may mắn gặp được anh Thảnh ở hầm chỉ huy tiền phương. Thấy anh Thảnh đeo chiếc đài nhỏ bên hông, anh Hoằng mừng rỡ reo lên, nhớ một chuyện hẹn ước nhiêu khê với Phố. Phố là phát thanh viên cùng làm việc với vợ anh ở Chương trình Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Phố bảo: Anh cứ bấm đốt tay, đợi đúng chín tháng mười ngày, nếu chị Lẫm sinh con trai, Chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả sẽ phát bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Bấy giờ, anh Hoằng nửa tin nửa ngờ, nghệt mặt hỏi đùa, nếu vợ anh sinh con gái thì sao?
Thấy anh Hoằng nhao đến, miệng không dứt nài nỉ, anh Thảnh cởi cái đài đưa cho em rể vừa nói nhỏ nhẹ:
- Đài địch gì, giờ này súng đạn thúc đến lưng rồi đấy Hoằng.
- Em cảm ơn anh. Trời ơi. Đài Hà Nội! Anh Thảnh ơi, dò giúp em sóng Hà Nội. Em bấm đốt tay, đến ngày hôm nay nữa, vợ em có bầu thì đã đủ được chín tháng bảy ngày kể từ đêm tân hôn. Thằng Phố đã hứa nhiêu khê với em nhưng em cứ tin. Em cứ phải dò sóng đài Hà Nội, xem thằng Phố đã nói có giữ lời hứa không?
Cũng đành chịu cậu em rể, anh Thảnh lập cập dò sóng Đài Hà Nội, từ cái đài xiêng mao chỉ bé bằng bàn tay.
Thế mà trời đất đã phù hộ họ. Anh Thảnh bắt được sóng Hà Nội, đúng chương trình ca nhạc yêu cầu thính giả. Làm sao có thể tin.
Đài Hà Nội đang phát “Tiến bước dưới quân kỳ”. Hoằng nhảy cỡn lên ôm chầm anh Thảnh hét muốn vỡ ngực: “con trai, con trai” làm anh rơi cái đài xuống mặt bàn gỗ đánh cạch, đúng vào giây có tiếng súng lệnh giờ G đã đến.
*
Về đến Mai Thượng, anh Hoằng mới giáp rõ mặt ông Dô-nen-man. Ông ta có dáng học giả, trán rộng nhưng đôi mắt với hốc mắt sâu có vẻ gì trầm uất bí hiểm. Anh Hoằng nhìn sâu vào đó trong giây lát, rút ra kết luận đấy là đôi mắt rất khó diễn tả. Có thể là mắt... ánh mắt u tối, ẩn một việc bất thường. Một sự sát nhân không bình thường trong chiến tranh? Nhưng lấy gì làm căn cớ buộc tội. Hàng ngàn lính Mỹ bị xua sang Việt Nam lúc bấy giờ làm bia đỡ đạn, là nạn nhân chiến tranh của những kẻ chủ mưu xâm lược. Đối với nước Mỹ sau Việt Nam, sự tàn phế tinh thần của đám lính Mỹ mới là giá đắt. Những ý nghĩ hun hút về quá khứ, những lập luận về các dự kiện chiến lược nước Mỹ trên toàn cầu giằng nén từng bước đi của anh Hoằng. Theo yêu cầu của Dô-nen-man, ông ta muốn về Mai Thượng, cốt để được đặt chân trở lại Truông Bồn, tìm hốc cây lớn đã cứu ông thoát cái chết do quả đạn B-40. Nguyện vọng ấy của Dô-nen-man kể cũng bình thường. Qua phiên dịch, anh Hoằng biết Dô-nen-man vốn là nhà khảo cổ tỉ phú. Sau trận Mai Thượng, ông ta đến kỳ giải ngũ. Có điều, ông ta không về Mỹ ngay mà ở lại Việt Nam cho đến gần hết cuộc chiến.
Dô-nen-man nói rất sõi tiếng Việt, không cần phải có phiên dịch đi theo. Có điều đấy là nguyên tắc ngoại giao khi ông ta là tùy viên đặc cách của Mỹ về vấn đề Mia. Hơn nữa, Ngọc Nhẫn đã nhiều lần được Dô-nen-man mời chọn đích danh. Thể như cô là một chiếc cầu nối ngoại giao rất thuận lợi cho ông ta vậy.
Dô-nen-man và anh Hoằng đi băng qua các dọc ruộng cạn, các mương nước thủy nông, tìm các dấu tích chiến sự, ấy chính là lúc cô phiên dịch trẻ được “nhàn rỗi”. Khi đến Mai Thượng, làm xong thủ tục với ủy ban, anh Hưng đã trở về tỉnh. Dô-nen-man bảo, ông chỉ yêu cầu địa phương cho ông một du kích có tham gia đánh trận Mai Thượng đi cùng là đủ. Người được chọn là Chung, một cựu chiến binh danh giá. Phía Dô-nen-man có hai giáo sư lịch sử trẻ của nước Mỹ đi tháp tùng ông ta từ Oa-sinh-tơn. Họ rất ít nói, chỉ ghi chép như hai cái bóng câm của Dô-nen-man. Anh Hoằng và Chung cho đây là cuộc chạm trán cựu binh hai chiến tuyến bất đắc dĩ. Riêng đối với anh Hoằng càng ngẫm, anh càng thấy ló ra nhiều điều bất ổn đầy ngờ hoặc. Hai hốc mắt của Dô-nen-man là một vùng tối câm lặng.
Câu chuyện sẽ không có gì đặc biệt, nếu khi chiều muộn đưa Dô-nen-man đến Truông Bồn không gặp chị Lẫm. Chị Lẫm lo mua sắm mâm cỗ đi đò xuôi Điếu Ngao, mãi gần xế chiều mới về đến Mai Thượng. Nấu nướng xong chị gánh cỗ ra mộ, đợi anh Hoằng như đã bàn tính. Từ xa nhìn thấy vợ, lòng dạ anh Hoằng bối rối đến vô lý. Không lẽ không có những người Mỹ đến mộ anh Thảnh. Hiểu ý anh Hoằng, Chung đưa mắt nhìn anh, rồi cả hai đi tụt lại.
- Gay quá Chung.
- Em biết rồi. Anh tách ra, đến mộ lo mâm cúng cho anh Thảnh. Em với cô Ngọc Nhẫn dẫn mấy ông Mỹ đi bao Truông Bồn, đợi khi anh chị cúng cấp xong, em mới đưa họ quay về đấy.
- Thế cũng ổn. Em biết đấy. Tính chị Lẫm đôi khi bất thường lắm.
- Anh sợ hôm nay có chuyện, khi chị Lẫm giáp mặt với những người Mỹ chứ gì?
- Có lẽ thế.
Không hiểu sao, cả anh Hoằng và Chung đều cảm thấy mồ hôi lạnh toát dọc sống lưng, thể như một luồng điện linh cảm nào đấy đang chế ngự dẫn dắt những ý nghĩ mung lung của họ. Khi anh Hoằng và Chung bước nhao lên cho kịp mọi người, Dô-nen-man đã vội chạy ào đến trước mộ anh Thảnh, đứng cúi đầu im lặng phía sau lưng chị Lẫm. Hai tay Dô-nen-man buông thõng tỏ một sự bất lực trầm kha nào đó từ trong ý nghĩ, từ trong đôi mắt sâu thẳm của ông ta. Vừa lúc này, thấp thoáng từ phía Truông Bồn một người đàn bà có chửa đi tới. Người đàn bà đến gần. Trên cái bụng chửa vượt mặt ấy, hai bầu vú căng vỗng bị che khuất một phần bởi hai tay chị ôm một bó hoa kim phượng ngũ sắc. Kim phượng là thứ hoa thiêng, chỉ dùng vào việc cúng mộ và dâng bàn thờ tổ tiên. Chung nhận ra ngay người đàn bà chửa ôm hoa ấy chính là vợ mình.
Vợ Chung đi tới khu mộ hai chân bước mỗi lúc một luýnh quýnh. Bó hoa còn đẫm nước gặp tia nắng chiều lung linh trước ngực chị như một quầng ngũ sắc huyền ảo. Chợt nhiên, Dô-nen-man ngẩng lên, đúng vào giây khắc Chung rời mắt khỏi dáng đi không bình thường của vợ. Anh lại bắt gặp cái nhìn của ông ta, nhưng chưa kịp hiểu gì, đã nghe tiếng Dô-nen-man hét thất thanh như lên cơn mê sảng đột ngột. Giọng lưỡi ông líu ngọng, lúc bằng tiếng Việt, lúc bằng tiếng Mỹ. Câu tiếng Việt được lặp đi lặp lại: “Tôi lạy bà. Tôi lạy con bà”. Còn tràng tiếng Mỹ Ngọc Nhẫn dịch: “Tôi lạy ma cộng sản. Tôi lạy, sùng kính ma mẹ. Tôi lạy ma con. Tôi hứa tôi sẽ dẫn họ đi tìm mộ bà. Tôi nhớ rõ chân dốc tôi đã đuổi kịp bà để cướp cây súng bà dùng bắn tỉa tôi. Sau đấy bà nằm trong vũng máu, nhưng hai tay bà giữ khư khư cái nón che bụng chửa. Không! Tôi không bắn vào cái nón. Tôi bắn vào vai bà, nơi bà đeo khẩu súng. Nhưng phát đạn đã nhằm trúng vào tim bà, trúng vào bầu sữa bên trái. Máu của một trái tim cộng sản, dòng sữa của một bà mẹ ở trước mũi súng của tôi”.
Dịch xong, Ngọc Nhẫn quỳ thụp xuống trước mộ anh Thảnh khóc nức nở. Còn Dô-nen-man đột nhiên nổi cơn “hội chứng Việt Nam”. Ông ta bất thần vùng chạy, tránh giáp mặt người đàn bà chửa, bươn theo trí nhớ bị đánh thức. Dô-nen-man chạy đi đâu khi ông ta chưa đặt chân đến Truông Bồn? Cái trí nhớ bị đánh thức kia ẩn chứa những gì? Sao ông ta vừa chạy vừa la hét bằng tiếng Mỹ có khác gì một kẻ cuồng bệnh. Hai vị giáo sư lịch sử trẻ tháp tùng Dô-nen-man lúc đầu đứng chết lặng, sau cố chạy đuổi theo Dô-nen-man. Dân Mai Thượng trong chốc lát đổ ra chật đồng. Không hiểu từ đâu, câu chuyện kia đánh thức, thể như còn cảnh súng đạn viện trợ đang nổ sát bên lưng, gieo rắc cái chết cho đàn bà trẻ con. Phải tìm cách giải tỏa sự náo loạn, nếu không Dô-nen-man sẽ bị đẩy vào chân tường cơn ác mộng. Có một cụ già tóc bạc trắng đứng cao trên gò đất mọc đầy cỏ may nói lớn.
- Xin bà con bình tĩnh. Họ là... họ mang hội chứng phế binh. Bà con ta khoan dung... chia sẻ...
Trong đám đông có tiếng tặc lưỡi, rồi nói lớn:
- Chuyện bom đạn... thôi khép lại... Ờ mà bà con ta đâu dễ quên... dễ vội mừng...
- Họ cấm vận, kéo dài là sao. Nay bỏ được, tháo dỡ là vận hội mới...
Có một người hắng giọng, thuyết phục:
- Cơ hội mới cho ta... bà con à.
- Cơ hội gì thì chưa biết nhưng nghe chào xáo họ muốn kiếm tìm.... Bom mìn ẩn mặt, chất độc da cam trong máu con trẻ... Kỷ vật gì chứ?
Trong đám đông chợt có người nhao vào vườn cạnh đường nhổ bật một cây mía, bẻ rắc hai đầu cội và ngọn rồi vừa đi vừa múa những đường quyền thể dục rất khoan thai. Hóa ra là ông Khiển có bộ lông mày dựng ngược. Ông Khiển vốn là một lão võ nghệ của làng. Sau, ông thả cây mía, chuyển đi võ Bình Định rất diệu nghệ. Mấy miếng võ của ông kéo sự chú ý của đám đông tách ra khỏi chiếc xe Mia. Đám trẻ con đang chơi trận giả ở bìa Truông Bồn cầm bông lau nhao về, bám theo ông Khiển. Bác tài lái xe Mia nổ máy, cho xe chạy chậm bám theo Dô-nen-man...
Anh Hoằng khó khăn lắm mới tìm được Chung kéo ra chỗ mương nước nói:
- Chung, em về với vợ đi. Không chừng qua cơn chấn động này, đêm nay vợ em sinh đấy.
- Em cũng ngờ vậy. Nhưng anh Hoằng? Dô-nen-man đang phát cơn tìm mộ. Mà mộ ai, anh đoán ra không?
- Em bảo đoán thế nào, đoán mộ ai?
- Dô-nen-man sẽ dẫn ta đi tìm mộ chị Nhẫn. Hồi ấy chị Nhẫn nhắn tin về cho em, chị sẽ về làng đúng giỗ một trăm ngày của anh Thảnh. Nhưng rồi...
- Rồi thế nào?
- Vợ em đã sinh bốn mặt con. Mỗi lần thức bên chân giường quạt than, em bấm đốt tay tính ngày của chị Nhẫn, nếu chị về đúng hẹn, chị sẽ sinh con ở làng... Anh còn nhớ cái đêm em và anh nhường hầm cho hai anh chị ấy không? Do tính vậy, nên em đã làm sẵn cho chị Nhẫn một cái hầm có thể treo nôi được.
- Sao em không lần nào nhắc đến chuyện này?
- Hình như có ai bịt miệng em, không cho em nói lộ ra, sợ đến tai chị Lẫm.
Anh Hoằng nghe Chung kể vậy, sắc mặt tái đi, bảo Chung phải bám riết Dô-nen-man. Còn Chung định nói nhỏ với anh Hoằng về cái linh tính từ nhiều năm nay tuy mơ hồ, nhưng anh luôn phải giữ kín. Rồi có một lúc, vào nửa đêm nằm gác tay lên trán Chung lại lẩm bẩm. Chị Nhẫn, sao lại thế hả chị? Có linh tính mách em, chị nhắn gởi một ước nguyện gì đấy. Chị, ký ước, phải phanh mối từ đâu? Em sợ nhất là những căn vặn của chị Lẫm...
*
Chiếc xe Mia ra khỏi đất Mai Thượng, qua hết cầu Điếu Ngao chạy chậm rì rì. Vệt bánh xe kéo ngoằn ngoèo theo bước chân bất thường của Dô-nen-man. Qua rất nhiều làng mạc, buôn, bản đã điểm mái ngói, mái tranh còn tươi rói, vốn xưa kia là vùng chiến địa. Những triền đồi đất đỏ rộng lớn đã thành nông trường trồng cao su, chè, dứa, tiêu. Hàng rào chiến địa điện tử Mắc Na-ma-ra trống trơ gió chạy ào ào... Tuy nhiên để tháo gỡ hết bom mìn, trả lại thành đất lành, đất trồng trọt cho dân chúng làng nước, cần vài ba trăm năm nữa chứ không phải chuyện dễ ăn... Xương máu còn đổ vì sự chết chóc giấu mặt...
Dô-nen-man càng chạy càng cuồng sản. Thi thoảng ngồi bệt xuống, hai tay chống gối ôm đầu, xin uống nước, giọng khản đặc, hơi sức kiệt liệt. Hai hốc mắt ông quầng đảo đu đẩy hai vực dốc hiểm của ký ức đè nặng. Tất cả mọi người đều chạy bộ theo ông ta. Dô-nen-man chạy như bị ma ám, bị chuyện cũ, bị một ánh nhìn siêu linh nào đó thôi miên. Cỏ may găm đầy gấu quần Ngọc Nhẫn. Những tia nắng sót cuối cùng của ngày đã tắt. Ráng hoàng hôn vằn đỏ. Đêm sập xuống. Không chỉ một đêm, mà ba đêm ngày đã diễn ra. Anh Hưng từ tỉnh nghe tin có chuyện bất ổn trở lại nhập đoàn từ ngày thứ hai. Ngày thứ ba có thêm chị Lẫm. Trăng mười ba chưa tròn, đục mù như con mắt khóc. Trăng lặn, trời đất tối sầm, sau đó từng mặt lá rạn rạng sương. Anh Hoằng nhận ra đi trước anh là cô phiên dịch Ngọc Nhẫn. Ngọc Nhẫn quay lại hỏi:
- Bác ơi, ba ngày đêm nay ta đi được bao đường đất, bao cây số?
- Nào có theo đường sá gì đâu.
- Cháu hiểu. Dù thế, vẫn trong đất của huyện Hà Quảng cũ chứ?
- Vẫn đất Hà Quảng.
- Bác Hoằng ơi, đất Hà Quảng là đất ruột của...
Ngọc Nhẫn bỏ lửng câu nói, cúi đầu bước đi im lặng. Trong đầu anh Hoằng vụt chắp nối những manh mối có khía cạnh ngờ vực. Anh định hỏi dò thêm Ngọc Nhẫn đôi điều chợt anh Hưng và Chung cùng bước dàn lên, góp chuyện khi nghe nhắc đến Hà Quảng. Ngọc Nhẫn rướn người bước vượt lên trước Dô-nen-man. Ông ta bám theo cô phiên dịch với một vẻ hài lòng đầy tin cậy. Hình như tâm trí Dô-nen-man đã thoát khỏi cơn cuồng. Ông ta kêu đói. Lập tức Dô-nen-man được cho ăn. Những miếng cơm nắm, Dô-nen-man nhai nuốt đến đâu, ông ta biết trở lại hồn người đến đấy.
Trước mặt, hiện ra một sườn đá mọc chập chờn như những vai người khổng lồ bán thân. Những lối mòn khúc khuỷu. Mờ mịt sau lưng núi xa loáng thoáng những mái nhà sàn còn ngái ngủ trong sương. Phía khúc đường cuối chân dốc đá mọc chợt có ba người mang gùi đi lên. Họ là ba bà cháu. Bà Rhomú và hai đứa cháu nội một trai một gái. Ba chiếc gùi, chỉ đựng toàn một thứ sỏi cuội rất khác thường. Những viên cuộn nhỏ, ánh sắc huyết dụ gợi một vẻ huyền hoặc sáng láng. Trên mỗi miệng gùi được đậy bằng những nhành lá điệp màu với những hòn sỏi cuội trông rất hiếm gặp ở những lối mòn dọc rừng. Ba bà cháu người Cơ Tu dừng lại bên sườn đá mọc, chỗ có một gò sỏi cuội rất lớn, trông như một ngôi mộ tổ thần bí. Ba gùi đá được bà Rhomú xếp trước đầu mộ. Ngọc Nhẫn phát hiện thấy có một tấm bia bằng đá thanh, không hề khắc chữ. Bên cạnh chân bia có những bức tượng đàn bà bằng gỗ nhỏ bé cao không đến hai gang tay, mang bụng chửa. Khi hai đoàn người giáp nhau, trời đất chợt nổi cơn lốc quái, xoáy bừng bừng trong ráng đỏ bình minh. Dô-nen-man quỳ xuống chân mộ lạy như tế sao, nói lặp lại những gì ông ta đã nói ở khu mộ Truông Bồn. Có điều, lúc này ông nói trong một tâm thế đã được giải thoát. Ngay từ phút giáp mặt đầu tiên, bà Rhomú đã dành cho ông Dô-nen-man một cái nhìn khác thường. Bởi bà đã nhận ra cái bớt ruồi to tướng phía dưới góc cằm phải của Dô-nen-man. Cái bớt ruồi kéo hồi ức của bà Rhomú như một cơn giông dữ. Anh Hưng và Ngọc Nhẫn rất nghi ngại cho vị khách trước cái nhìn ấy. Bà Rhơmú nói với Ngọc Nhẫn:
- Câu chuyện sẽ bắt đầu từ cháu.
- Câu chuyện gì ạ? Cháu sẽ dịch cho ông Dô-nen-man hiểu thế nào cho đúng về câu chuyện của bà?
Dô-nen-man cúi đầu im lặng nghe, vụt nói, giọng khẩn thiết:
- Xin bà khoan hồng cho tôi. Bà đã dẫn dắt tôi về đây. Có sự sắp đặt của số phận. Tôi đã chôn vùi che giấu, nhưng bà đã nhìn soi rọi vào tiếng súng nổ. Tôi đã nổ súng gây tội ác...
Bà Rhơmú chừng không muốn hiểu những điều Dô-nen-man tuôn ra bằng tiếng Việt. Bà nói với Ngọc Nhẫn:
- Câu chuyện này của riêng cháu, nhưng bà kể cho bà con cùng nghe. Xin mỗi người ở đây hãy vốc những nắm sỏi cuội từ trong ba chiếc gùi này đi vòng quanh đặt nhẹ nhàng lên mộ.
Khó có thể tin những điều bà Rhơmú kể là chuyện có thật. Trước lúc kể, bà vốc một nắm sỏi từ chiếc gùi của bà đặt vào lòng bàn tay Ngọc Nhẫn một nửa, còn một nửa bà tìm chị Lẫm đặt vào lòng tay phải của chị với cái nhìn đầy vẻ động viên, cảm thông. Chị Lẫm đưa hai tay đón nắm sỏi sắc mặt tái đi, lòng nén cơn đau âm ỉ đang làm chị sắp lên cơn sốt. Dô-nen-man thấy thế lúng túng muốn quỳ thụp trước bà Rhơmú xin sỏi cuội. Bà Rhơmú im lặng, vẫy hai đứa trẻ vốc hai nắm sỏi từ gùi của chúng đặt vào bàn tay đầy run rẩy của Dô-nen-man.
Dô-nen-man nói tiếng Việt cảm ơn hai đứa trẻ, nhưng ánh mắt lại hướng tới bà Rhơmú giọng khẩn nài:
- Xin già bản ban phát cho tôi lòng nhân từ, sự tha thứ của bà. Nó hiện hữu ở trong những hòn sỏi. Những hòn sỏi nhuốm màu sắc núi rừng bí hiểm lại có cả cái nỗi huyền hoặc vị tha ám thị tôi...
Lúc này, đồng bào Cơ Tu từ các bản kéo đến vây kín sườn đá mọc, trong tay mỗi người cầm sẵn những hòn sỏi màu huyết dụ nguyên khôi thần khí xứ nhiệt đới, nhặt từ dưới suối lên. Họ thành kính đặt lên mộ, đồng thời nói to một câu khấn bằng tiếng dân tộc. Câu chuyện được bà Rhơmú kể nhiều lần qua mỗi mùa gặt lúa mới.
Buổi trưa ấy, lúc mặt trời vừa đứng bóng dưới chân, bà Rhơmú đi từ rẫy sắn về, chợt nghe có tiếng gì lăn vật huỳnh huỵch như thể có một con thú rừng nào đấy mắc bẫy. Sau đó thì có tiếng súng nổ. Bà Rhơmú vội băng từ dưới suối ào lên sườn đá mọc. Lúc đầu bà nhìn chẳng thấy gì cả, chỉ nghe một trận cười quái dị rền âm âm giữa những vai đá trọc bán thân. Tiếng cười dị chủng chứ không phải tiếng cười của người đồng bào mình. Bà Rhơmú nghĩ vậy. Bà đảo mắt tìm kiếm. Bây giờ thì bà Rhơmú hiểu, bà dồn cái nhìn đến Dô-nen-man, đầy vẻ căm phẫn, buộc tội. Có phải trận cười man rợ ấy là niềm khoái lạc của ông, khi ông tin rằng ông đã giết được đứa trẻ trong bụng mẹ? Dô-nen-man tránh cái nhìn như lửa đốt của bà Rhơmú, trả lời bằng tiếng Mỹ, Ngọc Nhẫn dịch:
- Bà là đức chúa cha của đất nước tôi đã đến gây tội ác. Lời tự thú, sám hối của tôi xin bà quên thù hận...
- Cây có lá, lá có mắt. Người đồng bào ta nhìn mắt cây hiểu được những điều cần phải cứu đứa trẻ.
- Lạy Đức Mẹ đồng trinh! Viên đạn đã không giết nổi hài nhi trong bụng người mẹ?
- Đấy là một phần sự thật của tội ác.
- Đứa trẻ được ai cứu sống? Cứu bằng cách nào, khi người mẹ đã bị viên đạn...
- Người cứu đứa trẻ là bác sĩ Cụ Hồ. Nó đánh Mỹ cùng đơn vị con trai ta.
- Bây giờ họ ở đâu?
- Ông muốn biết họ?
- Thấy được họ, gặp được họ tinh thần tôi sẽ được cứu rỗi.
- Không kịp nữa rồi.
Sau cơn lốc quái buổi rạng đông mặt trời mọc lên đỏ lự, xế trưa nắng lấp loáng. Đám đông dân bản vội rẽ ra nhường lối cho một già bản đến sau chót. Đấy là già bản Krechănoi, chồng của bà Rhơmú. Chiếc gùi ông mang trên lưng sợi mây được xông khói bếp lên nước đen óng. Đợi cho chồng hạ gùi, bà Rhơmú lấy từ trong đấy ra bức tượng người đàn bà chửa bằng gỗ, đặt lên đầu mộ. Ngọc Nhẫn đếm đã có đến hai mươi lăm bức tượng cùng một kiểu giống nhau. Dô-nen-man nhìn như thôi miên Ngọc Nhẫn rồi vội gạt cô ra quỳ trước những bức tượng:
- Tôi kính phục bà. Bà là người đàn bà nhỏ bé đã dám vật tay không với một kẻ sát nhân. Nếu bà không bị mất máu nhiều đến thế thì bà đã giằng cướp được cây súng khát máu hài nhi. Phải rồi. Cái bụng chửa vượt mặt của người đàn bà cộng sản ám ảnh, đè nặng lên số kiếp tôi như một trái núi lăn từ chốn núi này sang tận chân Nhà Trắng nước Mỹ.
- Già bản Krechănoi bước đến trước Dô-nen-man, kéo xộc ông ta đứng lên và nói:
- Viên đạn của ông đã không giết ngay được người mẹ. Thần linh đã giúp bà rên rỉ kêu khát nước để ai cũng nghe thấy, nhìn thấy. Cái bụng của người mẹ không phải trái núi mà một vầng mặt trăng bị giàn giụa máu. Máu chảy từ ngực xuống. Máu chảy từ cây xuống. Máu chảy từ trời xanh xuống. Những vệt máu chảy khắp sông núi của người Cơ Tu. Máu chảy từ trưa nắng xế bầm bết sang chiều nắng xế, sang đêm, cho đến khi người bác sĩ Cụ Hồ bế được hòn máu đỏ của người cha ra khỏi vết thương của người mẹ.
Hai vị giáo sư sử học cắm mặt ghi chép những lời buộc tội thấm đẫm chất huyền sử của ông Krechănoi.
Dô-nen-man đưa mắt nhìn cầu cứu họ và cũng như ra lệnh cho họ hãy ghi chép không sót một lời nào của ông. Sau đó, quay sang bà Rhơmú, chỉ hai đứa trẻ ông ta nói:
- Tôi đội ơn lòng khoan dung của dân tộc bà. Có phải trong hai đứa trẻ này, có một đứa chính là hài nhi được cứu sống?
- Không. Đây là hai con mồ côi của con trai ta.
- Không thể. Không thể. Đứa hài nhi được cứu sống nó phải bằng tuổi của cô ta.
Chợt nhiên Hoằng và Chung không ai bảo ai cùng cướp lời Dô-nen-man.
- Ông gây tội ác vào một ngày tháng ba, cách trận Mai Thượng ông tham chiến đúng một năm.
- Các ngài nói đúng. Nhưng nó còn thiếu một ngày. Tôi nhớ chính xác được, bởi đấy là ngày tôi được trọng thưởng huân chương của nước Mỹ gửi sang. Ngày hôm sau nữa là ngày tôi được chính thức xuất ngũ.
- Ngày ông xuất ngũ chính là ngày ông gây tội ác?
- Tôi đã có kế hoạch ở lại Việt Nam. Tôi muốn làm một cuộc du ngoạn trước khi cởi áo lính nên tôi tình nguyện đi theo một trung đội thám báo đổ bộ xuống vùng núi sâu này. Chỉ sau một đêm chúng tôi gặp lính phục kích của các ngài. Tôi đã thoát chết nhưng tôi giáp mặt với người đàn bà chửa vai mang cây súng bắn tỉa.
Bà Rhơmú vụt cất cao giọng:
- Đứa trẻ con gái của người mẹ kiên cường đã được cứu sống, che chở.
Nói thế rồi bà Rhơmú ngừng lời, bước run rẩy tới trước mặt Ngọc Nhẫn giọng cưng nựng dỗ dành:
- Bà nhận ra từ người cháu có mùi lá cây của núi rừng Cơ Tu. Cháu cho bà xem có phải cháu đang đeo một lá bùa phải không?
Ngọc Nhẫn bình tĩnh nén xúc động trả lời:
- Thưa bà lá bùa nào? Có phải bà muốn nói đến kỷ vật cháu đang đeo đây không. Bố cháu bảo đây là lá bùa của mẹ cháu để lại. Vậy bà cũng biết bố cháu ư bà?
- Nào, cho bà xem. Chính tay bà tự khâu lá bùa, khi bố cháu trở lại bản, tìm cháu mang ra Bắc. Lúc ấy cháu chưa đầy hai tuổi. Bom đạn là một thứ ma xó rình chộp cháu bất kỳ lúc nào.
Ông Krechănoi tiếp lời vợ:
- Người mang cháu ra Bắc là bố lại cũng không phải là bố cháu. Đồng chí ấy là người bác sĩ. Người sinh ra cháu từ vết thương của mẹ cháu.
- Cháu chưa biết nhiều. Cháu chỉ biết ít thôi. Khi bố cháu trở lại chiến trường, cháu sống với ông bà nội.
Rồi bố cháu không trở về. Bây giờ ông bà cháu cũng đã khuất núi. Nhưng đây, cháu cho bà xem chuỗi dây cháu đeo ở ngực đây.
Bà Rhơmú nâng niu chuỗi dây bằng bạc thật Ngọc Nhẫn lấy ra từ ngực, trước sự sửng sốt của mọi người.
Đặc biệt trước sự kinh ngạc của hai nhà sử học trẻ và Dô-nen-man. Cầm trên tay chuỗi dây thần bí, cái nhìn của bà Rhơmú sáng rỡ lên hướng mắt tìm một ai đó. Như đọc được ý nghĩ của bà, chị Lẫm đứng khuất sau lưng chồng vội bước chen lên:
- Bà Rhơmú ơi, tôi chưa hiểu hết câu chuyện bà kể, nhưng bà hãy cho tôi xem báu vật hộ mệnh của đứa hài nhi. Đứa trẻ đó là cô Ngọc Nhẫn này sao bà? Bà kể hết sự thật đi.
- Ta biết ít, không hết được. Chị hãy cầm lấy quý vật này, lập tức đứa cháu sẽ đi theo chị. Nhưng chị phải hứa, chị không được mở nhìn vật thiêng trước khi chưa về tới mộ của người cha đứa trẻ. Đó là lời người mẹ dặn trước khi trút hơi thở cuối cùng trên tay ta. Riêng điều này, ta nói bằng lời của dân bản Khỏn. Dân bản Khỏn cứ mỗi mùa lúa mới, mỗi mùa đều về đây dâng tế tượng mồ cho người mẹ, để người mẹ luôn luôn tin tưởng con mình đã được cứu sống, che chở. Người mẹ ấy ta thấy một lần, một lần ta nhớ mặt nhớ tên. Ta nhớ tên người mẹ như giữ giọt nước mắt trong lòng không để rơi đổ, tan mất vào ngọn lũ của con suối Khỏnoi. Ôi ta không nói dân các bản cũng truyền miệng tên người mẹ trên đầu lưỡi khi ăn cơm nhai lá cây của thần linh. Có phải không đồng bào?
- Đúng rồi. Không sai được. Người mẹ tên Nhẫn... Tên Nhẫn...
Câu chuyện dừng đến đấy, cũng vừa lúc mặt trời đứng ngọ, bóng mỗi người tròn khuất vào thân. Nắng từ trời xanh tràn tỏa xuống đỉnh đầu. Không ai nói thêm một lời nào nữa, nhưng trong lồng ngực họ, mỗi trái tim như đang bị va đập, vỡ bung ra những miệng vết thương mà thời gian tưởng đã cố công hàn gắn, lên da non. Và điều cuối cùng của câu chuyện cũng đã đến lúc chính nó tự mở ra. Đấy là về lá bùa. Khi cả đoàn trở về Mai Thượng, trước mộ anh Thảnh, chị Lẫm thắp hương khấn nguyện anh, xin được mở kỷ vật thiêng. Trong lá bùa có tấm ảnh chụp chung anh Thảnh và chị Lẫm, cùng với một mẩu giấy nhỏ ghi: “Mẹ lấy tên mẹ, tên làng đặt thành tên con là Mai Thượng Ngọc Nhẫn. Con phải biết tìm về khấn lạy trước mộ cha con là mẹ được mãn nguyện”. Bọc ngoài tấm ảnh và mảnh giấy ghi lời trăng trối của người mẹ, là một chiếc lá rừng đã khô, đỏ màu huyết dụ, nhưng vẫn tỏa một làn hương huyền sử khôn tả.
Hà Nội, tháng 1 năm 1999