CHỊ LUNG XUỐNG BẾP NHÓM LỬA, NẤU ẤM CHÈ xanh, một nồi khoai tía lẫn cùng môn sáp. Chị thích đun rơm, dù phải luôn tay cời đẩy, mới giữ được lửa. Ngoài năm mươi, vợ chồng chị thành vợ chồng son. Con chị, hai đứa vào Sài Gòn học nghề, một đứa ra Hà Nội học luật. Cô gái thứ học vi tính ở Sài Gòn có gương mặt giống người anh trai của chị. Chị Lung và mẹ ra Bắc khi cầu Hiền Lương đã đóng tuyến, nên phải đi bộ vượt Trường Sơn mất mấy tháng trời. Ra đến đất Thanh Hoá, mẹ chị đột ngột ho ra máu. Vào viện đêm trước, hôm sau qua đời. Chị Nga bác sĩ ca cấp cứu đã tìm thấy trong túi áo của mẹ chị một mẩu giấy nhỏ có địa chỉ của anh Thanh, anh trai chị. Hóa ra anh Thanh đang đóng quân trên đất Thanh Hóa.
Sau đám tang, anh Thanh đã làm hết giấy tờ để chị ra Hà Nội, học Trường Học sinh miền Nam. Một năm sau anh Thanh cũng ra Hà Nội học Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi đi B dài. Trước ngày lên đường, anh tìm đến khu nội trú của trường thăm chị, dẫn theo một anh lính trẻ. Không biết có phải duyên số không, anh Thanh cứ khăng khăng bảo anh thay mặt cha nhất quyết gả chị cho anh chàng lính trẻ này. Dù đã mười tám tuổi, nhưng hai năm nữa chị mới tốt nghiệp cấp hai. Trước khi cầm đũa ăn bữa cơm chia tay, anh nói:
- Em Hoàng này, anh nhờ em lui tới chăm lo việc học hành của Lung. Đến năm em Lung hai mươi mốt tuổi mà anh ở trong B dài không ra được thì các em tự tổ chức đám cưới. Quân lệnh đấy.
Hoàng đỏ mặt ấp úng:
- Anh dặn chuyện gì em cũng nghe nhưng chuyện này...
- Không ấp úng gì cả. Chuyện này anh đã nói với các chú bác đồng hương Quảng Trị thay mặt cả họ trai họ gái. Nào, em Lung, nghe rõ lời anh chứ?
- Dạ. Em có chuyện này muốn nói…
- Em nói xem nào?
- Em nói chuyện của anh kia.
- Chuyện gì?
- Thưa anh, là chuyện của chị Nga ở trong Thanh.
Câu chuyện xoay chiều sang thế khác, anh Thanh ngồi lặng giây lát rồi bưng bát cơm lên ăn, cho đến cuối bữa không nói thêm gì nữa. Thực ra, để chữa thẹn, chị Lung nói trớ sang thế khác, chứ chị đâu có hiểu được chuyện gì của hai người. Còn chuyện của chị, vậy rồi cũng nên được vợ chồng. Khi sắp tốt nghiệp trung cấp sư phạm đám cưới được tổ chức. Cưới vào đầu thu sang giáp Chạp anh Hoàng cũng đi B dài. Cu Hòa lên năm tuổi mới biết mặt cha.
Chị Lung có cố tật, mỗi lần nhớ chuyện cũ chị lại khó lòng rời được bếp lửa, kể cả khi oi nồng trời đất đang đại hạn. Nhìn ngọn lửa, chị như được nhìn lại rõ mọi chuyện đã qua, khuất lấp vào quá khứ. Năm cu Hòa lên ba tuổi chị được phân về dạy Trường cấp hai Quỳnh Lạc, xứ đồng chiêm trũng của Thái Bình. Mẹ con góp gạo nấu cơm chung với gia đình bác Khang, cạnh nhà trường. Lần đầu tiên thấy chị đun rơm chưa quen, bác Khang thường giành làm lấy.
- Cô giáo Lung để bác đun bếp cho.
- Cháu đun vẫn đều tay.
- Cứ để bác thổi cơm. Mẹ con cô giáo đi soạn bài lên lớp đi.
- Giáo án cháu soạn rồi. Cu Hòa cháu gửi nhà trẻ. Bác cho cháu phụ giúp cho quen việc nhà chứ. Ở trong cháu không rét như ngoài này. Lửa rơm nóng hừng hực, ấm rực cả người. Bác cho cháu được ngồi đun cơm là bác thương cháu, cho cháu mặc thêm áo rét.
Không chỉ việc đun bếp, chị còn giúp thêm việc nhổ mạ, ngâm thóc giống, băm bèo, bổ cau khi mùa trái chín. Có những đêm ôm con ngồi bên bếp trấu, chị lén mồi thêm vài mồi rơm lật thư chồng đọc. Thư anh Hoàng gửi từ đầu năm, có khi sang đến tháng chín, tháng mười chị mới nhận được. Có kỳ thư về ba bốn lá trong một tuần bảy ngày, có kỳ về năm bảy thư trong một tuần trăng. Kể từ ngày nhận được lá thư anh Hoàng kể được gặp anh Thanh, hai anh em cùng ở một địa bàn chiến đấu chị mừng lắm. Vừa đọc chị vừa khóc rấm rứt, nước mắt làm ướt lem nhem cả trang thư. Lá thư kế sau đó, anh Hoàng lại kể chuyện anh tình cờ gặp chị Nga ở chiến trường. Anh bảo chuyện dài lắm không thể kể trong thư được. Thế mới giận chứ. Anh Thanh, chị Nga cùng vào chiến trường liệu có duyên phận gì không?
Mùa đông năm ấy anh Hoàng được dịp ra Bắc nhận quân, điện khẩn báo tin cho chị sẽ về Quỳnh Lạc đúng vào ngày rằm tháng mười. Nhưng ngày rằm đã qua, trăng suông khuyết lẹm hẻm mà anh Hoàng vẫn chưa thấy về. Suốt những ngày ấy, chiều nào chị cũng dắt díu cu Hòa ra bến đò Quỳnh Lạc ngóng chồng. Ở ngoài Bắc mùa đông khô ráo không mưa nhưng rét thấm tận ruột. Gió từ mặt sông thổi lên buốt khan, nẻ hết da. Da chân, da tay vằn vả như da rắn mối. Từ ngày có máy bay ném bom bến đò Quỳnh Lạc khi mặt trời khuất bóng mới dám đón khách vãng lai. Bởi suốt từ sáng đến tận tối mịt, lũ AD-6 quần thảo liên tục. Ngay ở bến đò, du kích xã làm một căn hầm chữ A và hầm tránh bom cá nhân. Mẹ con chị thường ngồi ngóng đò ở ngay gò đất cạnh miệng hầm. Bên kia bờ hữu ngạn là hướng tây nam. Con đường từ phía làng Vòng Vạc đổ ra bến sông chốc chốc có những tốp du kích đeo súng ống khuất vào những lũy tre làng rậm rì. Một đêm mẹ con ngồi thấp thỏm, ngóng hết chuyến đò này sang chuyến đò khác, mãi cho đến gà gáy chọn canh một thì đón được anh Hoàng. Anh bảo anh tìm chị qua sông lạc đường, lạc huyện mất đứt hai ngày đêm. Nên vợ chồng, cha con chỉ gặp nhau được một đêm nay, rạng sáng mai phải sang sông gấp để kịp dẫn quân vào Thanh tập kết sư đoàn. Vừa lúc ấy, bác Khang và cô con gái út bươn bả ra bến tìm mẹ con chị. Cô út giành cõng ba lô, bác Khang giành ẵm cu Hòa đang ngủ rồi hai mẹ con bác đi băng biến về nhà sậm sịt nhen bếp lo cơm đùm cơm gói cho anh Hoàng. Sau những hỏi han tíu tít của cả nhà, mọi người hiểu ý để vợ chồng chị vào buồng trong hàn huyên. Lúc này chị mới biết sau lưng anh có mấy vết thương vừa kịp lên da non. Chị hỏi cặn kẽ anh ậm ừ cười, sau chị gục mặt vào đấy khóc, nhưng cũng không kịp khóc cho thỏa. Anh đột ngột hỏi:
- Em có nhận đủ các lá thư của anh không?
- Thư anh gửi mấy lá?
- Nhiều. Anh nhớ em quá. Anh thèm nhìn thấy mặt con...
Anh nói thế rồi hôn chùn chụt khắp người cu Hòa như muốn đánh thức nó dậy. Chị ngăn lại, vẻ rụt rè ghì chặt lấy chồng. Từ lúc ngoài bến đò về đây chị không muốn rời sự ôm ấp của anh. Chị áp khuôn mặt nóng ran và giàn giụa nước mắt vào những vết thương trên lưng anh, lặng người nghe anh gọi nựng con. Lấy chồng bộ đội, mỗi bức thư có khác gì đấy là một trận cuồng phong ân ái. Đọc lời nào nuốt lời ấy. Mỗi lời gọi một kỷ niệm. Mùi mực có phảng phất chút mưa mốc nắng gió chiến trường. Thư chị ép dưới gối. Cái ruột gối nhồi bằng bông gòn chị xổ ra làm lại chiếc gối nhỏ cho cu Hòa. Riêng gối của chị, chị gấp vào đấy những tấm áo cũ của chồng. Dạo cưới, sau tuần trăng mật anh trả phép. Đêm cuối cùng chị không cho anh cởi may ô. Chiếc áo ướt đẫm mấy lần, lại lẫn với nước mắt mãn nguyện của chị, đã làm cho gối trở thành báu vật bùa mê. Chị luôn mường tượng gối đầu lên chiếc gối này nghĩa là hằng đêm chị được gối đầu lên tay chồng, chứ chưa hề có lấy một đêm xa cách ly biệt. Sau đấy ruột gối lại cộm lên những bức thư và cả cuốn nhật ký hằng ngày của chị.
- Những bức thư em gửi anh nhận được anh cất đâu? Anh có mang về không?
Anh Hoàng ngập ngừng một chút rồi im lặng ngồi dậy đốt thuốc. Điếu thuốc cháy gần hết anh không trả lời chị mà lại hỏi:
- Có bức thư anh nhắc đến chuyện chị Nga, em có nhận được không?
- Em có nhận được bức thư anh kể đến chuyện chị Nga vào chiến trường. Nhưng anh không kể gì thêm. Để em lấy lá thư cho anh.
Chị gạt nước mắt mấy lần nữa rồi lấy thư ra đưa cho anh, anh cầm chồng thư đi xuống bếp, chị run rẩy sửa soạn ba lô xếp vào đấy chiếc áo len màu tro chị đan xong cất mãi trong rương gỗ xem chừng đã muốn cũ. Ở dưới bếp, bác Khang vừa giã xong cối vừng, vội hơ lá chuối non để ém xôi. Thấy anh Hoàng bước xuống bác Khang lên tiếng:
- Còn một canh gà nữa mới sáng đất, vợ chồng tranh thủ đi con...
Chẳng hiểu bác Khang muốn nói tranh thủ gì, nhưng chợt nhiên anh Hoàng không muốn đọc lại những bức thư anh đã viết nữa. Phần thì chẳng có thời gian đâu, phần anh cảm thấy những dòng thư anh đã viết không ăn nhập với nỗi khát khao tình cảm của anh lúc này đối với vợ con. Anh cầm tập thư bước xuống bếp, cốt để che giấu sự mềm yếu không bộc lộ trước mặt vợ:
- Bác Khang ơi, bác hãy cho con trai đầu lòng của chúng cháu gọi bác là ông bà ngoại, gọi các anh em trong gia đình ta bằng dì bằng cậu. Quê hương Quỳnh Lạc - Thái Bình này là quê hương ruột thịt của vợ chồng cháu...
Quỳnh Lạc nằm giữa đồng chiêm trũng, nhưng đầu làng có một lườn đất sỏi pha nhoi lên như lưỡi bút, đổ nghiêng về phía bến đò giáp ngã ba sông Gầm. Cái lườn đất ấy làng dành dựng trường học. Nhà bác Khang ở phía Đông cổng Trường cấp một Quỳnh Lạc. Do vườn không rộng, sân trước bác Khang chỉ trồng được hai hàng cau thưa không đến mươi cây. Dù vậy cau vườn bác khá ngon, có tiếng nhất nhì chợ quê. Đã vài mùa chị Lung theo bác Khang đi chợ bán cau. Khi thì cau tươi khi thì cau khô. Đấy là bác Khang chiều mẹ con cô giáo, chứ chị Lung có động chuyện bán chác gì đâu.
Chị Lung bước xuống bếp nghe được hết những điều chồng nói với bác Khang, lòng càng rấm rứt mềm yếu. Ngoài sân vầng trăng khuyết sáng rỡ lay động bóng cây. Gió từ ngã ba sông Gầm thổi lên, thấm buốt vào da cái rét lập đông. Nhìn thấy chị Lung, bác Khang biết ý đi khuất ra vườn lột thêm vài nang cau non để gói ngoài các ém xôi giữ nóng. Vừa lúc này, có tiếng chó gừ gừ chạy xộc từ ngoài ngõ vào bếp. Một anh lính cùng với bác lái đò ngoài ngã ba sông Gầm ào vào hiên nhà. Anh Hoàng phải ra sông gấp. Cả nhà thức dậy hết. Các cô thầy trong trường, bà con hàng xóm không biết ai báo tin cũng rậm rịch đứng chật nhà trên nhà dưới. Các cô giáo thấy mẹ con chị Lung khóc, nghĩ cảnh mình không cầm lòng được giấu mặt vào đêm tối lén lau nước mắt.
*
Cho đến giờ đã gần ba mươi năm chị Lung vẫn còn nhớ rõ mồn một nét mặt đầy xúc động của bác Khang khi bác nhìn thấy gói vừng quên lại nơi cối xay gạo. Chẳng hiểu có phải vì hình ảnh kỷ niệm đánh thức, chị Lung bắc nồi khoai xuống, lại rang thêm một giã vừng đen. Ăn môn sáp, khoai tía chấm vừng là một lối ăn sang khi có khách ở quê chị. Rá môn khoai vừa sắp ở nồi ra bốc hơi nóng hổi, chị Lung đặt đĩa vừng lên trên rá bưng đặt ở chõng tre trước hiên.
Suốt từ đầu hôm tới giờ, anh Hoàng vấn thuốc sâu kèn đốt liên tục. Không dưng trong đầu anh lại có nhiều ám ảnh. Ấy là về bức thư mấy chục năm trước, anh gửi về cho vợ, địa chỉ nhà bác Khang. Sao anh lại cầu mong vợ không nhận được thư ấy thì hay hơn, tốt hơn. Khốn khổ quá. Liệu gia đình bác Khang có nhận được thư không, bóc ra đọc, thấy đau lòng quá rồi giấu nhẹm đi. Sao lúc ấy anh có thể viết bức thư dài đến thế, viết cho đến trắng đêm rạng mờ đất anh mới ngừng viết, chui lên khỏi hầm rồi ôm mặt khóc. Cũng tại căn hầm ấy một đêm đã trở thành tổ ấm hạnh phúc của chị Nga và anh Thanh. Vào một chiều hửng nắng, anh Thanh xuất hiện. Anh lặn lội dẫn chị Nga tìm thăm anh. Cùng đi có cả cậu liên lạc trẻ măng. Anh Thanh bảo anh phải vất vả lắm mới tìm được trạm phẫu thuật tiền phương của chị Nga. Hai người gặp nhau thư từ liên lạc gần một năm. Nay ý anh chị là muốn tổ chức đám cưới ngay tại chiến trường. Chiến tranh kéo dài còn biết bao lâu. Anh Thanh đã bốn mươi, chị Nga đã gần bốn mươi. Anh và cậu liên lạc nghe thế vỗ tay đồng tình ngay. Đêm ấy anh Hoàng có sáng kiến thay mặt gia đình tổ chức ngay lễ hỏi cho hai anh chị, rồi cùng cậu liên lạc nhường hầm. Sáng ra, cậu liên lạc theo lệnh thủ trưởng tháp tùng chị Nga về trạm phẫu, còn anh Thanh trở đường đi họp ở sư đoàn rồi đợi cậu liên lạc ở đấy.
Ai có thể ngờ rằng, cái dốc trước mặt hiểm họa đang chờ đợi anh Thanh, khi rẽ đường chia tay chị Nga và cậu liên lạc. Nghe tiếng hổ gầm, cả trung đội đặc công của anh Hoàng xông ra, thi thể của anh Thanh đã không còn nguyên vẹn. Nhưng lạ lùng hơn, xúm quanh thi thể anh có ba tên thám báo súng ống vứt chỏng ngang đang quỳ lạy anh, nghẹn khóc nức nở. Chúng kể, con hổ ngửi thấy hơi người bọn chúng trước. Nhưng anh Thanh đã đến không đúng lúc. Anh Thanh phát hiện ra hổ mà không phát hiện ra chúng. Trên người đang có súng AK, anh phải nổ súng giết hổ để tự vệ. Con hổ tuy bị thương, nhưng nó đã chồm sang vồ xé anh Thanh. Lúc này trong bọn thám báo có một đứa nổ súng. Cũng nhờ băng đạn ấy mà con hổ chột mắt quỵ hẳn.
- Anh Hoàng, các con đi Nam đi Bắc học hành, cửa nhà vắng vẻ, em nghĩ hay chúng ta tính chuyện...
Chị Lung vừa nói, vừa bưng đĩa vừng đặt lên trên chiếc mâm gỗ. Anh Hoàng vẫn ngồi im lặng, lòng chưa dứt khỏi dòng hồi ức mà anh muốn giấu vợ. Chị Lung rời mắt khỏi đĩa vừng nhìn chồng nghi ngại.
- Anh Hoàng làm sao thế. Hay anh ốm?
Anh Hoàng chợt nhiên thấy lòng như có lửa đốt. Rõ ràng vợ anh không nhận được lá thư anh viết kể chuyện anh Thanh bị hổ vồ. Anh chợt đánh trống lảng vợ:
- Em bày vẽ nấu khoai môn làm gì!
- Trông bộ dạng anh mà không ốm à?
- Anh không biết nữa. Mấy hôm nay bụng dạ như có lửa đốt.
- Trời đất ơi, em cũng vậy. Em không giấu anh nữa. Nhàn nhã cả tuần nay em lật thư cũ ra đọc.
- Thư của ai?
- Chứ thư của ai. Anh hỏi thế không sợ trời đất quở trách à?
- Em có tìm thấy lá thư hồi anh viết kể chuyện chị Nga và anh Thanh gặp nhau trong chiến trường không?
- Có.
- Có thư nào anh kể chuyện gặp hổ...
- Không!
Anh Hoàng nén tiếng thở phào, đưa tay lấy củ môn sáp ăn vẻ háu đói, cốt để che giấu nỗi đau đớn ngờ hoặc trong lòng. Trong đầu anh lởn vởn ý nghĩ giá mà sau đêm đó anh Thanh để lại cho chị Nga một chút tương lai thì họ ngoại gia đình anh không bị tuyệt tự. Nhưng sau cái chết của anh Thanh, anh Hoàng mất luôn tin tức của chị Nga. Trong lòng đang nghĩ rối bời như vậy thì trong xóm có tiếng chó sủa, con cún nhỏ nhà anh chợt “gâu” váng lên báo có người lạ. Trăng mười chín níu trấu, còn khách nào nữa đây? Ở ngoài ngõ có hai bóng người đi vào, đứng sững ở ngay thềm hiên. Anh Hoàng đứng lên. Khách là hai người đàn ông, chạc chừng hai cha con, người cha vội lên tiếng hỏi:
- Thưa gia đình. Đây có phải nhà anh Hoàng, chị Lung không?
- Phải. Nhà chúng tôi đây.
Người đàn ông lớn tuổi, có đôi tay rất dài, nhưng thân thì thấp đậm. Anh Hoàng phác nhìn qua ngờ ngợ đã gặp ở đâu. Chị Lung thắp cây đèn bão lên, mời khách vào nhà. Đột nhiên người khách nói:
- Con ơi đây là làng nội con đây!
- Dạ con...
- Nhẹ tay con, hai bức ảnh của mẹ con...
Cả khách và chủ đều đứng xúm bên ngọn đèn. Chị Lung không rời mắt khỏi bàn tay của cậu thanh niên đang lúi húi mở túi xách lấy ra gói thư từ. Chị nghĩ, không khéo mẹ của cậu ta là con gái làng này nữa cũng nên. Là ai nhỉ?
- Cha ơi những bức ảnh không thấy đâu.
- Sao lại thế con. Khi ngồi trên tàu con giở ra xem con đã cất vào chưa? Cha đã dạy con rồi!
- Ôi may quá cha ơi, ở trong thư này cha ạ.
Người cha đưa tay đỡ tấm phong bì con trai đưa.
- Lạy phật phù hộ. Thưa anh chị, trong ảnh này chỉ có hai bức ảnh của mẹ cháu, đây anh chị có nhận ra ai không?
- Chị Nga.
- Vậy cháu đây là con chị Nga... Con của...
- Phải thưa gia đình, Tuấn con chào cậu mợ đi con.
Anh Hoàng vụt hỏi:
- Cháu Tuấn là con anh?
- Dạ phải con tôi.
- Thế cha con anh đến làng này tìm họ nội nào?
- Tìm gia tộc của anh Thanh, cháu Tuấn là con ruột của anh Thanh.
Chị Lung gần như ngất xỉu. Lúc này anh Hoàng chợt nhận ra giọng nói của khách vẻ cầu khẩn yếu đuối. Không thể lầm. Ông ta chính là một trong ba tên thám báo ngụy đã được anh Thanh cứu mạng.
- Anh là y sĩ Khước. Ngày đó tôi nhớ anh tình nguyện đi theo Quân giải phóng.
- Dạ thưa gia đình, tôi làm lại số kiếp kể từ khi được nhận vào trạm phẫu của chị Nga. Rồi cháu Tuấn ra đời trên tay tôi.
Chị Lung nín thở hỏi lạc giọng:
- Thế còn chị Nga đâu?
- Chị ấy hy sinh trong trận bom chúng đánh xuống trạm phẫu. Cháu Tuấn một tháng tuổi đã được cứu sống là nhờ còn có bình ôxy cấp cứu.
Chị Lung như người sực tỉnh cơn mê ôm chầm lấy đứa cháu đích tôn khóc rền rĩ. Nghe tiếng khóc, xóm giềng chạy sang đứng chật nhà. Nhiều tiếng khóc thút thít của những người đàn bà cất lên khi biết Tuấn là đứa con sót lại của anh Thanh đã theo cha nuôi tìm được về quê nội.