Học cắm hoa trước hết ta phải để ý cách tạo nên tác phẩm. Tuy vậy, nhưng ta chỉ để ý đến tác phẩm không tức là ta chưa thể tả nổi nghệ thuật tính của cách cắm hoa. Nghĩa là lối cắm hoa, ngoài nghệ thuật sáng tác, ta còn phải để ý đến vẻ đẹp và màu sắc của từng loại hoa. Phần nhiều người ta chỉ thưởng thức vẻ đẹp về màu sắc của hoa. Nếu thưởng thức một tác phẩm về hoa ta phải để ý đến vẻ đẹp về màu sắc và hình thể của nó. Nhưng vẻ đẹp của hoa là màu sắc của tự nhiên, cái màu sắc đó vốn không thay đổi. Muốn cho vẻ đẹp được tăng thêm, ta cần phải lưu ý đến phần kỹ thuật “phối sắc”. Nếu ta muốn đem tổ hợp các màu sắc khác nhau thành một vẻ đẹp riêng, tức là ta biết đem hòa cái màu sắc tự nhiên của hoa thành một tác phẩm nghệ thuật của màu sắc.
Cách cắm hoa đã có phần nghệ thuật của hình thể cành hoa, đồng thời ta lại có thêm phần nghệ thuật của sự phối sắc, hai phần này phải điều hòa với nhau như chim hai cánh, không thể thiếu một.
Thực ra về kỹ thuật “phối sắc” nó cũng phải nương vào cá tính của ta mà sinh ra, chứ không có cái quy luật nhất định là sắc này phải phối hợp với sắc kia. Tuy vậy, nhưng tác phẩm có cái nguyên tắc căn bản của nó nên màu sắc cũng có nguyên tắc nhất định của màu sắc. Nếu ta ghi nhớ được nguyên tắc phối của màu sắc, rồi thực hành theo, thì phần kỹ thuật phối sắc của ta chỉ trong một thời gian ngắn cũng có thể trở nên thông thạo.
Thông thường về chủng loại của màu sắc được chia thành hai loại lớn là “Vô thể sắc” và “Hữu thể sắc”.
Vô thể sắc là những màu đen và màu trắng. Hai màu đen và trắng được hòa lẫn với nhau để trở thành khôi sắc (màu tro). Theo sắc thể học thì màu đen, trắng và khôi sắc được xếp thành 11 loại. Trước hết xếp loại màu trắng là “0” cuối cùng đến màu đen là số “10”, còn các bộ phận từ “1” đến “9” là loại “khôi sắc”.
Hữu thể sắc là ngoài những màu vô thể sắc. Theo sắc thể học, hữu thể sắc cũng được chia làm 10 loại: màu đỏ (R), màu vàng đỏ (YR), màu vàng (Y), màu vàng lục (GY), màu lục (G), màu xanh lục lam (BG), màu xanh (B), màu tía xanh (PB), màu tía (P), màu đỏ tía (RP).
Như trên, về các màu sắc ta đã có, tự chúng lại có 3 tính chất là “sắc tướng”, “minh độ” và “thể độ”.
Sắc tướng là thứ màu sẵn có của sắc. Tức là những màu đỏ, màu xanh gọi là sắc tướng. Tuy cũng là màu đỏ của sắc tướng, nhưng lại có nhiều màu đỏ khác nhau. Trong chỗ khác nhau này tự nó lại phát sinh ra minh độ (độ sáng) và thể độ.
Minh độ là độ sáng. Nghĩa là những màu ta cho là độ sáng. Trong màu sắc có độ sáng rất cao là độ sáng của màu trắng, độ sáng rất thấp là độ sáng của màu đen. Thông thường ta nói về màu sắc tức là nói đến phần độ sáng riêng của màu sắc. Cho nên, những màu vàng, màu đỏ, thì có độ sáng cao hơn màu tía và màu lục, nhưng trong các màu sắc đó lại có những độ sáng khác nhau. Nói cho dễ hiểu tuy cũng cùng một màu đỏ, nhưng nếu ta đem hòa lẫn với màu trắng có độ sáng rất cao thì độ sáng đó trở nên sáng hơn, trái lại, ta đem hòa lẫn với màu đen thì độ sáng trở nên tối. Vì vậy, nên tuy cùng một màu, ta cũng có thể phối hợp làm cho màu đó trở thành màu sáng hay màu tối.
Thể độ, nói cho dễ hiểu là nghĩa “vẻ tươi đẹp”. Tức là màu sắc cao độ của thể độ không cho lẫn các màu sắc khác mới gọi là thuần sắc. Như trên đã nói, độ sáng của màu sắc thì biến đổi khi hòa lẫn giữa màu trắng và màu đen, nhưng về trường hợp của “thể độ”, nếu ta đem phối hợp nhiều những phần lượng hỗn tạp vào, thì thể độ cũng trở nên thấp kém. Màu đỏ và màu trắng điều hòa với nhau trở nên màu đỏ nhạt, nhưng ở trường hợp này, màu đỏ vẫn giữ thể độ cao, nếu ta đem hòa với màu trắng quá nhiều lẽ dĩ nhiên vẻ tươi đặc hữu của màu đỏ cũng giảm xuống.
Sau nữa về tính chất đặc hữu của các màu, nếu ta đem đối sánh với nhau lại có sự nhấn mạnh về tính chất. Nói cách khác, nếu ta đem một màu sắc có độ sáng hòa với một màu sắc có độ sáng cao hơn, trên thực tế, ta lại thấy màu đó tối; trái lại ta hòa với màu sắc có độ sáng thấp hơn, trên thực tế ta nhận thấy màu đó trở nên sáng. Vậy nên ở trường hợp thể độ cũng tương tự như thế. Như vậy, khi ta muốn nhấn mạnh vẻ sáng và tươi của màu hoa, nếu ta đem phối hợp giữa độ sáng và màu thấp của thể độ, trên thực tế ta nhận thấy vẻ sáng và tươi có phần tăng hơn.
Sau hết là đem màu sắc phối với màu sắc gia giảm lẫn cho nhau. Theo sắc thể học, thì việc phối sắc này gọi là “bổ sắc” (sắc phụ). Dưới đây là cách phối của các bổ sắc:
- Màu đỏ và màu xanh lục lam (R + BG).
- Màu vàng và màu tía xanh (Y + PB).
- Màu lục và màu đỏ tía (G + RP).
- Màu vàng đỏ và màu xanh (YR + B).
- Màu vàng lục và màu tía (GY + P).
Còn ở trường hợp khi ta nhìn màu sắc, có màu sắc ta cảm thấy màu sắc nóng, có màu sắc ta cảm thấy màu sắc mát. Như các màu đỏ, màu vàng, màu vàng lục là những màu ta cảm thấy nóng. Các màu lục, màu xanh lục, màu xanh, màu tía xanh, màu tía, màu đỏ tía là những màu ta cảm thấy mát.
Đối với từng màu, nó kích thích cho nhãn quan của mỗi người nhìn có mỗi cảm giác khác nhau, nhưng đứng trên lĩnh vực sắc thể học thì duy có màu tro (khôi sắc) được chỉ định là trung tính, nên nó có thể điều hòa với bất cứ màu nào. Bình cắm hoa người ta thường tráng men theo màu khôi sắc để tiện lợi cho sự ứng dụng và điều hòa màu sắc.
Như trên đã trình bày về cách phối sắc thông thường của các màu và cách phối màu sắc này cũng rất thích hợp cho sự ứng dụng vào Hoa đạo. Tuy vậy, thông thường chỉ có mấy điểm sau đây là phổ thông cho sự ứng dụng hơn.
- Khi ta muốn có cảm giác động, ta sử dụng độ sáng cao.
- Khi ta muốn có cảm giác tĩnh, ở trường hợp này, ta chỉ phối sắc với những độ sáng thấp.
- Khi ta muốn có cảm giác nhẹ nhàng, trong mát, ta nên phối các màu sắc trắng và xanh làm chủ.
Để luyện tập về cách phối sắc, ta phải để ý đến các nguyên lý như trên, ngoài ra ta cũng cần phải tham khảo cách phối sắc của các bức danh họa cổ kim để tìm tòi học hỏi thêm.