Bản chất của Hoa đạo thì không thay đổi dù ở hoàn cảnh hay thời đại nào, nhưng tác phẩm của Hoa đạo thì thay đổi biến thiên theo thời đại và hoàn cảnh của con người. Lối cắm hoa ở thời kỳ xưa là do tư tưởng của con người đời xưa sáng tạo, lẽ đương nhiên, lối cắm hoa ở thời đại nay cũng do nhu cầu của con người hiện đại tác thành. Vì lối cắm hoa ở thời xưa thì điều hòa với đời sống, hoàn cảnh và phong tục của thời đại xưa, nên lối cắm hoa ở thời hiện đại cũng phải cải biến để cho thích ứng với đời sống con người hiện đại. Trường phái Sògetsuryu này vì có một lối trình bày rất đơn giản, lý tưởng cao rộng và chứa đựng nhiều mỹ thuật, lại thích hợp với hoàn cảnh hiện đại của con người, nhất là người Á Đông ta.
Người sáng lập ra ngành Sògetsuryu là Giáo sư Sofu Teshigahara. Hiện nay ngành cắm hoa này thịnh hành nhất nước Nhật. Ông còn đem ngành Hoa đạo truyền bá sang Âu Mỹ và được các giới trí thức, các nhà yêu nghệ thuật ở Pháp cũng như ở Mỹ nhiệt liệt hoan nghênh.
Lối cắm hoa của ngành Sògetsuryu tuy biến hóa tự do tự tại nhưng tương đối dễ dàng. Người học lối cắm hoa này còn phải học hỏi hoàn cảnh và vẻ đẹp của tự nhiên để giúp thêm óc sáng tạo của mình, nghĩa là người học tập phải để ý quan sát đến những biến thái của cỏ hoa thay đổi trong các mùa để giúp cho tác phẩm của mình thêm linh động.
Có người nói: “Trong cõi đời bối rối phức tạp này, con người phải bận rộn trăm công ngàn việc còn thì giờ đâu mà thưởng hoa chơi hoa”. Nói như vậy cũng có phần đúng, nhưng xét cho chí lý, thì lời nói đó thiếu hẳn phần kiện toàn trong gia đình, cũng như ngoài xã hội. Vì nếu tâm của con người ta nếu cứ bôn tẩu hàng ngày không để một thời giờ yên tĩnh để thanh lọc mối tà niệm hướng về thiện duyên, thì cái tâm đó trong đạo Phật gọi là vọng tâm. Nhưng nếu hàng ngày ta dành một thời gian nhàn rỗi để tu luyện nuôi dưỡng tâm hồn, nhân lúc đó ta được ngắm một bông hoa đang nở thì tâm của ta cũng lắng dịu và tươi vui. Như trên đã trình bày thì hoa có ảnh hưởng lớn lao với đời sống hàng ngày của con người là vậy. Vẻ đẹp của hoa giúp điều hòa tâm trí của ta trở lại bình tĩnh, gạn lọc những phiền não nhơ đục. Khi học cắm hoa, ta sáng tạo được một bình hoa cũng như đã tập luyện được những thời khắc tu thiền định vậy. Và trong khi cắm hoa ta muốn có bình hoa đẹp, dĩ nhiên tâm ta phải chú ý, không có tạp niệm, đó tức là tu định. Vì có định tâm thì ta mới cắm nổi bình hoa có nghệ thuật, rồi bình hoa được trưng bày ra cho mọi người thưởng thức do đó mà có ảnh hưởng tốt đến tâm hồn của con người chung quanh. Như vậy mỗi tác phẩm của Hoa đạo là một bài học luân lý và triết lý để cảm hóa tâm hồn của chúng ta vậy.