Nghệ thuật cắm hoa là căn cứ ở óc sáng tạo, không ỷ lại vào các mô phỏng. Vì ta có mô phỏng được một cách tài giỏi đến đâu chăng nữa, nhưng cũng không phải là tác phẩm sáng tạo của mình. Ví như người tập vẽ dù người đó có mô phỏng một bức họa trứ danh để tạo thành một tác phẩm, nhưng tác phẩm đó vẫn thiếu phần linh động. Nói đúng ra, sự mô phỏng chỉ là một thủ đoạn học tập của người mới học, của kẻ sơ cơ.
Người học cắm hoa ở lúc sơ cơ, cũng như người học viết văn. Văn chương có văn pháp của văn chương, nên phương pháp cắm hoa cũng có một quy tắc nhất định của nó. Khi ta muốn học một thứ tiếng ngoại quốc, lẽ dĩ nhiên ta phải học về văn pháp rồi mới biết cách làm văn, viết văn. Phương pháp học cắm hoa cũng thế, trước tiên ta phải học và nhớ các quy tắc của tác phẩm, rồi sau mới nương vào những quy tắc đó mà tự do sáng tạo. Như người học văn chương ngoại quốc, nếu chỉ học văn pháp của văn chương mà không thực tập cách làm văn, viết văn thì không thể nào thành người viết văn giỏi. Người học cắm hoa cũng vậy, nếu sau khi đã biết các quy tắc rồi mà không thực tập thì không thể tự do sáng tạo được tác phẩm.
Sau khi ta đã biết quy tắc, biết tự do sáng tác, nhưng muốn cho tác phẩm có nghệ thuật tính, ta phải nương vào cá tính của ta để tạo thành một tác phẩm về hoa cho sống động, tức là “Sinh hoa”. Trái lại nếu ta chỉ mô phỏng các tác phẩm của người trước mà không phát huy phần cá tính của mình, để biểu hiện một tác phẩm thì tác phẩm đó mất hẳn phần linh động, tức là “Tử hoa”. Cho nên, cắm hoa phải điều hòa với cá tính của mình, để tạo thành một tác phẩm sống động.