Nói đến cắm hoa là nói đến cả một nghệ thuật. Vì lẽ nó đòi hỏi ở người chơi hoa một óc sáng tạo, một công phu tổ hợp, một sự điều hòa màu sắc. Nếu ta chỉ đem việc cắt một nhành hoa rồi đem cắm vào bình hoa, thiếu óc suy nghĩ, mà cho đó là nghệ thuật thì không đúng. Trước khi muốn cắm một bình hoa, ít nhất ta phải dùng tới bộ óc sáng tạo, bàn tay nghệ thuật để truyền đạt cái cảm tình của ta tới từng nhành hoa mà ta định cắm thì bình hoa đó mới có nghệ thuật tính, tức là ta phải đem cái vẻ đẹp tự nhiên của cỏ hoa, thực vật để nhân gian hóa. Tuy vậy, nhưng ta cũng không thể nào đem cái vẻ đẹp tự nhiên của cỏ hoa thực vật mà cho là cái đẹp có nghệ thuật. Muốn biểu hiện được cái đẹp có nghệ thuật, trước hết ta phải có công phu lựa chọn từng nhành hoa, từng chiếc lá, từng cành cây, từng nụ hoa, quyết định cho mỗi cây, mỗi hoa, mỗi cành một vai trò thích đáng, cũng tựa như người giám đốc nhà hát kịch lựa chọn các diễn viên, quyết định cho mỗi người một vai thích hợp với tài năng của họ để thực hiện một tác phẩm. Sau khi đã lựa chọn xong các thành phần để tạo thành một tác phẩm rồi, ta lại cần phải để ý đến hình thể của từng cành, từng lá, từng bông hoa và màu sắc của hoa, màu sắc của quả, điều hòa mọi khía cạnh, để làm sao mình có thể tạo thành một hình ảnh sinh động màu sắc của tự nhiên. Sau hết, ta lại phải cắt bỏ những cành, những hoa, những lá mà ta thấy không phù hợp và phải uốn nắn chỉnh lý cho thích hợp theo ý muốn rồi mới đem tổ hợp, cấu tạo lại thành một bình hoa thực hoàn toàn. Hơn nữa ta phải điều hòa cả hai phần là bình hoa và hoa để biểu hiện thành một tác phẩm có nghệ thuật.
Vẫn biết, cắm hoa ta phải phối hợp hai phần bình hoa và hoa để biểu hiện thành một tác phẩm có nghệ thuật. Nhưng việc quan trọng là mỗi khi ta đã cắm xong một bình hoa, ta cần đặt bình hoa ở không gian thích hợp để thưởng thức. Nghĩa là nếu một tác phẩm nhỏ ta phải trưng bày ở một nơi hẹp, tác phẩm lớn ta phải trưng bày ở một công đường.