Mỗi buổi sớm, ta cảm thấy khí trời trong mát thì tâm ta cũng trở nên tươi vui. Đọc một câu thơ của nhà thi sĩ diễn tả vẻ đẹp của bông hoa ta cũng thấy hào hứng cởi mở. Lại khi bất chợt ta nhìn thấy một vài đóa hoa trong rừng hoang, một vài bông hoa ở ven đồi, chân núi, hay ở một hoa viên có nhiều thứ hoa đầy đủ màu sắc khoe tươi, nó cũng gợi cho ta nhiều thích thú và những cảm giác mới lạ.
Trong nhà được trang sức một bình hoa tươi đẹp thì mọi người trong gia đình đều có một hòa khí an vui. Nơi phòng khách được trang trí một bình hoa thì sự đối thoại giữa chủ và khách thêm phần thân mật. Phòng đọc sách có hoa cũng làm dịu lại bộ óc và nhãn quan của người đọc sau phút làm việc quá mệt mỏi về thể xác và tinh thần. Trong chỗ làm việc, hay xí nghiệp, công trường nếu có hoa trang hoàng thì người làm việc cũng ít thấy mệt mỏi. Thế cho nên hoa rất có ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của con người.
Có người nói, chơi hoa, trang sức hoa thì rất tốn kém, việc này chỉ để dành riêng cho những gia đình phong lưu phú quý, không phải là thứ tiêu khiển của người lao động, bác nông phu. Nhưng thật ra không phải thế, theo cách cắm hoa của Nhật Bản, thì không phân biệt nghèo giàu; ai cũng có thể thưởng thức hoa, chơi hoa mà không hề tốn kém. Lối cắm hoa của Nhật Bản, ngoại trừ những tác phẩm vĩ đại, còn cắm hoa, chơi hoa ta không cần phải dùng nhiều hoa mới đẹp. Muốn có một bình hoa thanh nhã và đẹp, ta chỉ cần tới bốn năm nhành hoa là đủ. Nơi thôn quê, nếu dân nghèo không có tiền mua hoa, mà họ muốn có một bình hoa để tô điểm cho mái nhà tranh cũ nát, họ chỉ cần ra bờ đê, hoặc chân đồi, hái một cành cây tìm mấy bông hoa ngoài đồng nội mang về cũng đủ nguyên liệu để cắm thành bình bông ngoạn thưởng. Tuy là giản dị như vậy, nhưng nó còn đòi hỏi ở bàn tay nghệ thuật của con người, cũng như là nghệ thuật của nhà làm thơ không khác. Muốn tạo một bình hoa cũng như người làm một bài thơ vậy. Thi hào Nguyễn Du đã tả: “Cỏ non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Vì chỉ trang điểm một vài bông hoa ở trên một cành hoa của tấm thảm xanh thì mới mô tả nổi vẻ đẹp và nét vẽ mới đơn thuần. Người Nhật Bản cũng học cái nét đơn thuần của thiên nhiên của cây của hoa, họ lại thêm vào óc thẩm mỹ, với bàn tay nghệ thuật mà họ đã tạo thành một nền Hoa đạo truyền thống để tô điểm cho đời sống của con người, sinh hoạt của xã hội, vơi bớt nỗi đau buồn, thêm phần hạnh phúc an vui.