Trên mặt trái đất này, kể từ khi con người mới thoát khỏi thú tính, họ cũng đã biết cách yêu hoa. Dù còn ở thời kỳ ấu trĩ, dã man, nhưng đối với cảnh vật thiên nhiên, họ cũng đã biết thưởng thức phần nào cái rộng lớn mênh mang của vũ trụ, cái cảnh đẹp tự nhiên của tạo vật, với những đóa hoa xinh đẹp trong rừng rậm non xanh. Vậy nên kể từ ngày có loài người xuất hiện, cho đến thế giới văn minh tiến bộ ngày nay, những người chơi hoa, yêu hoa kể ra không phải là ít, nhưng người biết nghệ thuật chơi hoa thì quả thật rất hiếm. Vì lẽ yêu hoa và chơi hoa là một nghệ thuật tế nhị. Trong hạng người chơi hoa, về mặt tư tưởng thì giống nhau, nhưng về thú vị cảm hứng lại khác nhau, tùy theo từng dân tộc. Thí dụ, người Đông phương yêu hoa thưởng ngoạn hoa thì thích về tính chất của hoa, người Tây phương lại chú trọng vẻ màu sắc của hoa. Vì thế nên sự chơi hoa có liên hệ giữa hoa và người.
Về Đông phương, vua Huyền Tông đời Đường là người rất thích chơi hoa, ông sai người trông nom săn sóc hoa viên rất chu đáo. Một hôm vua cùng Dương Quý Phi tựa trước cung điện Trầm Hương đình, trước điện có cây hoa Thược dược, trên cành có hai bông hoa. Về buổi sáng sắc hoa thì màu hồng thẫm, buổi trưa biến thành màu biếc, buổi chiều trở nên màu vàng, ban đêm trở thành màu phấn trắng, thấy thế vua luôn luôn tặc lưỡi khen ngợi cái vẻ màu nhiệm của hoa. Lại một hôm, vua cùng Dương Quý Phi vào du ngoạn hoa viên, có một cành đào nở hoa ngàn cánh, vua tự tay bẻ một cành nhỏ, gài lên mái tóc óng ả của Dương Quý Phi và nói: “Trang điểm thứ hoa này để tăng vẻ kiều diễm”. Và trong thành Tràng An lúc bấy giờ, cứ hàng năm có lệ các nhi nữ trong thành đều nô nức cầm những cành hoa Mẫu đơn tươi đẹp trong tay khi gặp bậc tân khoa tới thì tung hoa mừng đón. Vì đời Đường cho hoa Mẫu đơn là đẹp và hoa này tượng trưng cho sự sinh hoạt của quý phái, đồng thời cũng là lối sinh hoạt của các cô gái kiều diễm đương thời. Các cô gái trong thành Tràng An, cứ mỗi mùa Xuân đến là có lệ “đón hoa xuân”. Nghĩa là trên đầu của các cô gái đều được trang điểm nhiều thứ hoa đẹp và quý. Nếu cô nào trang sức nhiều hoa quý và đẹp nhất là thắng cuộc.
Trong các tác phẩm văn học đời Đường ta nhận thấy đã xuất hiện nhiều thi sĩ yêu hoa một cách tế nhị. Như bài Xuân dạ yến đào lý viên tự của thi sĩ Lý Bạch và Mẫu đơn phượng của Bạch Lạc Thiên. Nội dung trong đó, các thi sĩ đều tỏ rõ tư tưởng yêu hoa và trong khi thưởng ngoạn hoa còn có lệ ngâm thơ, vịnh thơ, uống rượu.
Hoa Mẫu đơn được coi là trọng tâm tán thưởng của đời Đường, nên các thứ hoa ở đời Đường được phân chia làm chín cấp bậc: Nhất phẩm là hoa Mẫu đơn, hoa Lan, hoa Lạp mai; nhị phẩm: hoa Quỳnh, hoa Huệ, hoa Mạt ly; tam phẩm: hoa Sen, hoa Bích đào, hoa Thược dược; tứ phẩm: hoa Mai, hoa Cúc, hoa Anh đào…; ngũ phẩm: hoa Lê, hoa Đào, hoa Thạch lựu; lục phẩm: hoa Tứ bát tiên, hoa Tử vi, hoa Hải đường...; thất phẩm: hoa Tận thủy chân châu, hoa Hồng, hoa Sơn trà...; bát phẩm: hoa Đỗ quyên, hoa Mộc lan, hoa Mào gà...; cửu phẩm: hoa Phù dung, hoa Khiên ngưu, hoa Quỳ...
Đời Đường lấy hoa Mẫu đơn làm quý, trái lại đời Tống lại có khuynh hướng chơi hoa Mai. Các thi sĩ ở đời Tống thi đua làm thơ vịnh về vẻ đẹp hồn nhiên của hoa Mai. Cách ngoạn thưởng hoa Mai có chia ra nhiều thể thức. Mai còn tiêu biểu cho sự ẩn dật. Nhà thi sĩ Lâm Hòa Tĩnh đời Tống, xa lánh nơi phồn hoa, ẩn dật ở một cô sơn của Tây Hồ, chuyên về cách trồng hoa Mai và nuôi hạc, một đời sống độc thân, coi hoa Mai như một mỹ nhân để an ủi, coi hạc như một đám trẻ thơ, ba mươi năm trời không biết chi đến nơi thành thị. Nhà thi sĩ đó yêu hoa Mai là yêu phần tính đức của nó. Căn cứ vào sự phân tích về đức tính hoa của nhà Lý tính học Chu Đôn Di, thì hoa Sen có đức tính người quân tử, vì hoa Sen sinh trong bùn nhưng không nhiễm mùi bùn, hoa Mai có đức tính ẩn dật, hoa Mẫu đơn tiêu biểu cho sự phú quý. Theo sách Lan Phổ của Vương Quý Học, thì Tùng, Trúc, Mai tiêu biểu cho ba tình bầu bạn. Hoa Lan cùng với Tùng, Trúc, Mai, tiêu biểu cho đức tính người quân tử. Trần Kế Nho đời Minh lại đem phối hợp bốn đức tính của Mai, Lan, Trúc, Cúc gọi là “Tứ quân tử”. Như vậy, ta có thể nói rằng đức tính của hoa là đức tính của người chơi hoa. Hoa và người có quan hệ mật thiết với nhau.
Người Việt Nam, các cụ ta ngày xưa cũng thích chơi hoa và quý trọng hoa Lan ở bậc nhất, sau đến các thứ hoa Mẫu đơn, hoa Trà, hoa Bích đào, hoa Sen, hoa Cúc v.v. Nhưng, cứ mỗi năm mùa Xuân tới, dù người thích chơi hoa hay không họ cũng đều có hoa để tô điểm cho cái Tết đầm ấm của gia đình. Tóm lại, con người Đông phương yêu hoa là yêu về tính đức của hoa, con người Tây phương lại coi phần màu sắc của hoa ở địa vị quan trọng.
Người Tây phương, họ lấy hoa Hồng tiêu biểu cho sắc đẹp, hoa Bách hợp tiêu biểu cho lòng thuần khiết, hoa Viola tiêu biểu cho tính khiêm nhượng, cho tình yêu thành thật. Theo phong tục người Tây phương thì ba thứ hoa: hoa Hồng, hoa Bách hợp, hoa Viola là ba bức đối. Hoa Bellis perennis (Sậu cúc) tượng trưng cho hy vọng, hòa bình. Hoa Nguyệt quế (Laurel) tượng trưng cho thắng lợi vinh quang. Hoa Oak tượng trưng cho lòng ái quốc.
Về màu sắc của hoa, người Tây phương lấy màu vàng tiêu biểu cho điềm không lành, vì vậy nên người Tây phương rất ghét màu vàng, nhất là các diễn nghệ gia không bao giờ họ trang hoàng dấu hiệu màu vàng trên sân khấu. Màu tía tiêu biểu cho quý phái, màu xanh tiêu biểu cho hy vọng thuần túy, màu lục tiêu biểu cho tuổi thanh xuân, màu đỏ tiêu biểu cho mối tình nồng nhiệt. Người Anh và người Pháp cho hoa còn là việc trọng đại trên trường giao tế. Vì mỗi thứ hoa đều có đặc tính riêng để thay thế cho ngôn ngữ, nên hoa còn là những lá thư không lời gửi đến tình bạn để nói lên những lời thầm kín u huyền.
Đối với người Nhật Bản lúc ban đầu, họ cũng do từ chỗ yêu hoa, ngoạn thưởng hoa theo tập tục, tô điểm thêm vào đó những bàn tay nghệ thuật của nhiều thời đại, dần dần mỗi ngày một phát triển, lối cắm hoa và cách thức cắm hoa được quy định rõ ràng, rồi trở thành một ngành văn hóa truyền thống riêng gọi là ngành Hoa đạo.
Hoa đạo của Nhật Bản được khởi nguyên từ tập tục và sự cúng tế Thần, Phật. Nghĩa là con người Nhật Bản, họ đã có lệ mang hoa tế Thần trước khi Phật giáo truyền vào. Sau khi Phật giáo được truyền vào, họ lại có tập tục này, nên nó đã gợi cho những người yêu hoa có nhiều ý niệm về hoa, làm cơ sở cho ngành Hoa đạo.
Về cách thức cắm hoa lúc ban đầu của Nhật Bản thì gọi là Áp hoa (Oshibana) hay là Thời hoa. Nghĩa là chỉ dùng có một nhành hoa cắm vào bình để tiêu biểu cho cái tâm và được gọi là cành “chân” (Shin), nhưng cành hoa dùng làm cành chân phải là thứ hoa nở theo mùa, nghĩa là nếu ở mùa Xuân, thì dùng hoa nở ở mùa Xuân, mùa Hạ dùng thứ hoa nở ở mùa Hạ, không được ngụy tạo và dùng trái thời điểm. Lối cắm hoa này ngoài vẻ đẹp tự nhiên còn có ý nghĩa chân thật. Về cổ đại, người Nhật có quan niệm ngồi im lặng ngoạn thưởng bình hoa cắm một nhành hoa nở đúng thời thì tâm được bình tĩnh, phát hiện được những mối nghĩ tưởng tượng tới Thần Phật. Do đó cái tâm được ngộ vào cảnh chân thật. Nhưng về sau các nhà yêu hoa lại lý luận rằng, tâm đã được xác định rồi, lại cần phải có sự tương trợ của tâm, vì thế nên ngoài cành chân ra, dùng thêm một cành nhỏ gọi là “phó” (Soe). Hai cành này khi trình bày phải tương phản nhau, vì họ căn cứ vào ý nghĩa tương khắc tương sinh. Nghĩa là vì có tương khắc thì mới tương sinh, vì thế nên hai cành dùng tương phản, nên toàn thể vẻ đẹp của tác phẩm được hiện ra. Sự quan hệ giữa cành chân (Shin) và phó (Soe) còn thêm có những nhành nhỏ bé (Tai) để trang sức, như vậy là trở thành một hình thể nhất định của lối cắm hoa. Lối cắm hoa này có từ thời đại Heian (810 - 1183), được gọi là lối Áp hoa dùng để cúng dâng Thần Phật hay trang hoàng nơi tư thất. Lối cắm hoa này tượng trưng cho óc thẩm mỹ và lòng chân thật.
Sau thời đại Heian là thời đại Kamakura (1184 - 1333). Trong thời đại này lại phát sinh một kiểu cắm hoa mới gọi là Tatebana (Lập hoa, lối cắm hoa đứng). Nguyên vì trong khoảng niên hiệu Thiên Phúc (1233), thời đại Kamakura, các nhà yêu nghệ thuật hoa, có tổ chức cuộc đại hội cúng dâng hoa ở ngày lễ “Thất tịch” (Tanabata, ngày 7 tháng 7), có Thiên hoàng, hoàng tộc các quan và các hàng võ sĩ đạo tới dự. Vì vậy, từ đó trở về sau thành một tục lệ, cứ mỗi năm vào ngày đó có cuộc triển lãm nghệ thuật cắm hoa. Kiểu cắm hoa này vì chịu ảnh hưởng tinh thần võ sĩ đạo, nên không những chỉ dùng hai cành chân (Shin - chính) và phó (Soe - phụ) mà còn dùng nhiều cành hợp lại thành một đoàn thể, tiêu biểu cho một sức mạnh. Nghĩa là cành hoa dùng làm tâm (chân) phải có sức mạnh như Tùng, Mai, Trúc, và tâm đã mạnh thì các cành phụ thuộc đều phải mạnh. Kiểu cắm hoa này trải nhiều giai đoạn thay đổi biến hóa, nên các danh từ về chức vị của từng cành một cũng thay đổi khác nhau, cơ bản có 7 cành chính là Shin (tâm - chân thật), Shoshin (chính tâm), Uke (thỉnh - mong muốn), Hikae (dẫn dắt), Nagashi (lưu - dòng chảy), Soe (phó) và Maeoki (tiền trí - đặt phía trước).
Kiểu cắm hoa này tới thời đại Azuchi-Momoyama (1576 - 1587) thì hoàn thành về mọi lề lối cách thức. Trong thời gian đó đồng thời cũng phát sinh ra danh từ là Sinh hoa (Seika, Ikebana). Sinh có nghĩa tương đối với tử. Tức là mùa Đông có thể dùng hoa ở mùa Xuân để cắm thì gọi là sinh, trái lại nếu ở mùa Xuân mà dùng hoa nở ở mùa Đông để cắm gọi là tử. Như vậy không những chỉ có ý nghĩa cảm hứng về thời tiết mà còn có nghĩa là tiến bộ, tiến triển. Danh từ Sinh hoa còn thông dụng cho tới ngày nay. Sinh hoa còn có ý nghĩa đối với kiểu cắm cố định của lối Tatebana. Vì căn cứ vào tính chất của hoa thì hoa không bao giờ được cắm rủ xuống dưới viền miệng bình, nếu cắm như vậy gọi là Tử hoa, duy có cây cỏ được tự do cắm rủ xuống. Đó cũng là dựa theo ý nghĩa chế độ phong kiến của thời đại.
Trong thời đại kể trên đồng thời còn phát sinh một kiểu cắm hoa dùng trong Trà đạo, tức là Trà hoa. Kiểu cắm này rất đơn giản và thể hiện cách giao tiếp tự do bình đẳng trong xã hội. Người dùng hoa trong Trà đạo bắt đầu từ Juko (1423 - 1502), ông tổ khai sáng Trà đạo Nhật Bản, nhưng mãi tới đời ông Rikyu (1522 - 1591) thì quy tắc của Trà đạo mới được hoàn thành. Hoa dùng để trang hoàng nơi trà thất chỉ dùng một nhành hoa để cắm gọi là Tâm, tiêu biểu cho tâm chân chính của gia chủ, vì nếu dùng hai thứ hoa thì tâm gia chủ tỏ ra luôn luôn bị dao động. Trà hoa khác hẳn với cắm hoa theo kiểu Ikebana. Trà hoa chú trọng ở phần tự nhiên, coi thứ hoa nở sớm là quý.
Các bậc trà nhân trong giới trà đạo, họ rất yêu hoa và quý trọng hoa. Vậy nên chủ và khách bước vào trà thất, ai nấy trước hết phải bái hoa rồi mới chào chủ nhân. Văn sĩ Tenshin Okakura tác giả cuốn sách nói về trà (Cha-no-hon) có chép: “Sau khi cắm bình hoa đã vừa ý, trà nhân cẩn thận đem trang hoàng trên sàn, một nơi trang nghiêm và danh dự nhất của kiểu nhà Nhật Bản. Để cho vẻ đẹp có hiệu quả, nên không một vật gì để bên cạnh bình hoa. Vì lý do phối hợp với vẻ đẹp đặc biệt, nên chỉ một bức châm hay một bức họa (Kakemono) được treo trên vách sàn. Hoa đối với vương tọa như địa vị vương hầu. Quý khách cũng như mọi người khi tới nhà trước hết đến trước hoa kính lễ rồi mới chào hỏi chủ nhân. Lối cắm hoa nếu là tuyệt tác, thì được chụp hình và xuất bản. Văn hóa của việc cắm hoa ngày một phát triển. Khi hoa đã tàn, trà nhân trịnh trọng đem thả xuống dòng nước trong, hay đem vùi trong đất mới. Để nhớ tưởng tới hoa, trà nhân còn dùng bia để tưởng niệm. Theo như lời tác giả đã kể ta thấy các trà nhân yêu hoa và kính mến hoa với tấm lòng tha thiết biết nhường nào.
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản tới thời đại Edo (1588 - 1868) thì đổi hướng để phù hợp với sự sinh hoạt của xã hội, nên phát sinh ra một kiểu cắm mới gọi là Nageire (Cách cắm hoa trong bình đứng). Lối cắm hoa này tuy giản dị nhưng rất linh động, khác hẳn với lối Tatebana. Lối này trải qua nhiều giai đoạn biến cải, có nhiều quy định mới, nên lần lượt phát sinh ra các lưu phái, mỗi lưu phái chủ trương một quy tắc khác nhau. Tên các lưu phái chính như: Genjiryu, Miseiryu, Ryugibana v.v. lần lượt được xuất hiện.
Các văn nhân yêu hoa phái Ryugibana vì chịu ảnh hưởng Nho học, cảm hứng thú vị mới của Trung Quốc, bèn tổ chức lối cắm hoa theo hình thức Tam tài là Thiên, Địa, Nhân. Tức là hình của hoa có ba cành, cành thứ nhất là nguyên lý chỉ đạo thì gọi là Thiên hay “chân” (Shin), cành thứ nhì là nguyên lý phụ thuộc gọi là Địa hay “phó” (Soe), cành thứ ba là nguyên lý điều hòa gọi là Nhân hay “khoáng” (Hikae). Ba cành này phối hợp lại thành một định hình tam giác, các cành dài hay ngắn, tùy theo ở bình hoa lớn hay nhỏ. Lối cắm hoa này rất phổ thông trong dân gian, để trang hoàng nơi thư viện, phòng khách v.v.
Tới thời đại Meiji (Minh Trị) lại xuất hiện một kiểu cắm hoa mới, gọi là Moribana (Kiểu cắm hoa dùng bình hoa dạng bát, khay, có miệng bình rộng và độ cao thành bình thấp). Kiểu cắm hoa này chỉ là biến thể của kiểu Nageire. Dòng họ Ohara và sau này là trường phái Ohararyu (Tiểu Nguyên Lưu) (1912) là trường phái phát sinh ra kiểu cắm Moribana. Sau đó phát sinh một phái mới nữa gọi là Sògetsuryu (Thảo Nguyệt Lưu) (1927). Phái này chiếm một địa vị quan trọng trong ngành Hoa đạo Nhật Bản hiện nay.
Tóm lại lịch sử nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản xuất phát từ thời đại Heian. Từ đó về sau, trải qua nhiều thời đại, các quy định về kiểu cắm cũng tùy theo từng thời đại mà thay đổi, vì thế nên có các lưu phái phát sinh, mỗi lưu phái có những quy ước riêng, người học về phái nào chỉ biết về phái ấy. Vì cách thức cắm hoa ngoài nghệ thuật thẩm mỹ ra còn bao hàm nhiều giáo dưỡng về đạo đức, cách hành xử hay đạo làm người nên rất được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay số người theo học về Hoa đạo Nhật Bản và có liên quan đến Hoa đạo có hơn 400.000 người, chiếm 5% tổng số dân Nhật Bản.
Hoa đạo là một lĩnh vực văn hóa kiêm cả mỹ thuật và nghệ thuật và lại liên quan tới đời sống hàng ngày của mọi người, vậy nên văn sĩ Tenshin Okakura tác giả cuốn sách nói về trà đã tả: “Hoa luôn luôn là bạn thân của ta trong những giây phút vui buồn, khi ăn uống ca hát, nhảy múa vui đùa chúng ta cũng thích có hoa để trang sức. Hay trong giờ phút hồi hộp nhất của con người là lúc cử hành hôn lễ, ta cũng cần phải có hoa để biểu lộ tình cảm. Vắng bóng hoa, cuộc đời chỉ là hiu quạnh!”
“Hoa Bách hợp đến với ta trong lúc sùng kính lễ bái, hoa Sen gợi cho ta lòng minh tưởng u huyền, hoa Hồng và hoa Cúc đến với ta một mối cảm tình mãnh liệt. Chúng ta còn mượn lời hoa để bày tỏ tâm tình. Không có hoa chúng ta có thể vui sống được chăng? Tưởng tượng trên thế gian này nếu vắng bóng hoa thì thực đáng ghê sợ!”
“Hoa còn là lương y để an ủi con người trên giường bệnh rất hiệu quả. Hoa là bó đuốc quang minh rọi chiếu vào những tâm hồn mệt mỏi tối tăm. Hoa còn hàn gắn lòng tin tưởng của chúng ta bị rạn vỡ trong bầu vũ trụ. Hoa gợi trở lại hy vọng tươi đẹp của chúng ta bị lạc lõng ở những ngày dĩ vãng. Hoa san sẻ nỗi thương nhớ của ta đối với người thân yêu khi từ giã cuộc đời. Hoa còn ấp ủ trên nấm mồ của con người ngàn thu vĩnh biệt”.
Như trên đã trình bày, ta nhận thấy Hoa đạo Nhật Bản là cả một công trình nghệ thuật. Nhưng vì nghệ thuật được biến đổi theo hoàn cảnh của thời gian, do đó mà nó cũng phát sinh ra nhiều lưu phái trong Hoa đạo. Tuy mỗi lưu phái đều có một lối trình bày độc đáo riêng biệt, nhưng trong các lưu phái mà chúng tôi nhận thấy, duy có phái Sògetsuryu (Thảo Nguyệt Lưu) là tương đối có lối cắm hoa được giản dị hóa và phổ thông hơn, vậy nên trong cuốn sách nhỏ này chúng tôi chỉ lần lượt trình bày sơ lược về cách cắm hoa cơ bản cũng như cách ứng dụng tác phẩm của lưu phái này để cống hiến quý độc giả xa gần.
Về tài liệu tham khảo để biên soạn cuốn sách này, một phần lớn chúng tôi trích dịch ở cuốn Sògetsuryu Ikebana Dokushusho (Sách dạy thực tập về cách cắm hoa thuộc trường phái Sògetsuryu xuất bản năm 1951) của tác giả Sofu Teshigahara, cũng chính là người đã sáng lập ra trường phái này. Chúng tôi trân trọng ghi công ơn của Tác giả!
Thích Thanh Kiểm