Hoa là nụ cười của thiên nhiên yêu tặng con người. Thiên nhiên khoe vẻ đẹp của mình với nghìn vạn dạng khác nhau và dạng gần nhất với con người là hoa...
Tôi không ngờ câu định nghĩa của tôi về hoa trong bài viết đăng trên một số báo xuân đã lọt vào mắt Hòa thượng trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm: Hòa thượng Thích Thanh Kiểm. Và niềm vui đã đến với người làm thơ có nhiều trang tùy bút văn xuôi về hoa, trái, cỏ cây, thiên nhiên Việt Nam.
Tôi thành thật cảm kích lòng ưu ái, trân trọng của Hòa thượng khi mời tôi viết lời tựa cho cuốn sách Sách dạy cắm hoa Nhật Bản ngành Sògetsuryu do Hòa thượng biên soạn.
Trong nền văn học dân tộc mà di cảo xa xưa còn lưu lại, có không ít những bài thơ viết về hoa của các vị cao tăng. Những nhà làm công việc nghiên cứu văn học và trước hết, những nhà Phật học không ai là không đọc một lần để rồi nhớ mãi chùm thơ về hoa Cúc của Huyền Quang - vị tổ thứ ba Giáo hội Trúc Lâm - một thi sĩ đích thực.
Huyền Quang rất yêu hoa Cúc. Khi tuổi đã già, lòng đã khô héo, chỉ có hoa Cúc mới làm êm dịu được lòng ông… Trong vườn cây đó, ông trồng toàn hoa Cúc. Ngồi thiền xong, ông ngồi ngắm Cúc. Ngắm hoa Cúc nở cũng là ngồi thiền. Ông ngồi ngắm Cúc cho thấy khi người ngắm hoa và hoa hai thứ hồn nhiên là một. Kết quả là cái thấy về thực tại của ông nở sáng như một đóa hoa:
Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vừa mới nở tung1.
1 Nguyên tác chữ Hán phiên âm.
Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong âu
Chủ nhân giữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
Tôi xin phép tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận được trích ra đoạn văn trên ở đây. Chỉ cần một Huyền Quang với bài thơ về Cúc cũng đủ để chúng ta thấy các nhà tu hành đạo Phật Việt Nam yêu đời biết bao. Yêu hoa, ngắm hoa chỉ có thể là biểu hiện của lòng chan chứa yêu đời.
Từ xa xưa các thiền sư làm thơ về hoa như ta thấy, nhưng viết sách hướng dẫn cắm hoa, có phải đây là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam một cuốn sách giới thiệu cắm hoa của một nhà sư - một Hòa thượng biên soạn? Trên các sạp sách báo tại các thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn không thiếu những cuốn dạy cắm hoa nhưng tất cả đều của những người biên soạn ngoài đời. Vui bao nhiêu sự xuất hiện một cuốn sách dạy cắm hoa của một nhà sư.
Tác giả, nhà biên soạn cuốn sách Sách dạy cắm hoa Nhật Bản ngành Sògetsuryu, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, nguyên là giảng sư của Giáo hội Tăng già Việt Nam. Năm 1953, Hòa thượng được cử đi nghiên cứu bảy năm ở Nhật Bản, tốt nghiệp khoa Đông phương Triết học tại Đại học Rissho Tokyo và nhận bằng Phó Tiến sĩ sau hai năm tiếp tục tu nghiệp ở Đại học viện. Ngoài những giờ học chính khóa ở Đại học Rissho, nhà sư trẻ Việt Nam (năm ấy mới ngoài ba mươi tuổi) quê ở huyện Ý Yên, Nam Định đã ghi tên theo học trường Nghệ thuật cắm hoa ở Tokyo và tốt nghiệp khóa cắm hoa với chứng chỉ loại ưu.
Trụ trì chùa lớn Vĩnh Nghiêm, trong Ban chấp hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là giảng viên “thỉnh giảng” của trường Phật học cao cấp Trung ương ở thủ đô Hà Nội, tuy rất nhiều Phật sự nhưng Hòa thượng Thích Thanh Kiểm vẫn tranh thủ thời gian say sưa làm công việc trước tác. Những công trình nghiên cứu được in ấn từ ngày Hòa thượng du học Nhật Bản về nước tới nay đã lên tới con số hàng chục cuốn được giới Phật học trong và ngoài nước đánh giá cao: Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ; Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc; Luật Học Đại Cương; Đại Ý Kinh Pháp Hoa... Và gần đây, bản dịch đầy đủ với chú thích minh bạch Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông đã làm phong phú thêm bản danh mục của Thư viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự ra đời hôm nay của cuốn sách Sách dạy cắm hoa Nhật Bản ngành Sògetsuryu này, tôi tin chắc chắn sẽ đem đến niềm hoan hỷ không chỉ cho những người trong đạo mà cả ngoài đời. Bởi qua đây, mỗi chúng ta sẽ nhận ra đạo Phật “rất đời”, đạo Phật cầm tay cuộc đời cùng cuộc đời sánh bước.
Trên hành tinh chúng ta, có dân tộc nào lại không yêu hoa, nhưng yêu hoa đến nâng lên thành một tôn giáo - thành Hoa đạo - làm giàu có tâm linh, có lẽ chỉ có dân tộc đất mặt trời mọc - xứ sở Phù Tang. Công trình biên soạn công phu và nghiêm túc của một nhà sư - một vị cao tăng Việt Nam giới thiệu nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, có thể nào lại không được những bạn yêu hoa chào đón?
Tôi muốn được nghĩ xa hơn: Xin coi đây là một viên gạch lát cho cây cầu giao lưu văn hóa Việt - Nhật trước thềm năm 2000 đã và đang được hai dân tộc - tất nhiên trong đó bao gồm cả Phật giáo hai nước tích cực dựng xây.
Hà Nội, mùa sen bắt đầu
Năm Giáp Tuất 1994
HẢI NHƯ
Nhà thơ