1
Con sông Cái bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, vượt nhiều ghềnh thác đổ xuống đồng bằng qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, thành phố Nha Trang. Trên hành trình về biển Đông, còn chừng hơn mười cây số, con sông rẽ thành hai nhánh. Một - theo nhánh chính đổ về cửa lớn (khu vực Tháp Bà, Xóm Bóng), một - vòng theo hướng Đông Nam, qua nhiều đồng ruộng, qua làng Trường Đông và đổ về Cửa Bé, tên gọi một làng chài nhỏ nằm dưới chân núi Chụt.
Từ trung tâm thành phố Nha Trang có hai cách đi xuống Cửa Bé. Một là đi đường Võ Thị Sáu, tận cùng con đường là Cửa Bé (có tuyến xe buýt số 01), nếu đi nữa theo đường vòng qua núi sẽ đến khu vực cáp treo. Cách thứ hai là theo đường biển, về phía Nam, đến khu vực cáp treo rẽ phải theo con đường vòng qua núi tới Cửa Bé. Đi đường này sẽ ngắm được cảnh biển, toàn cảnh khu biệt thự An Viên, Ocean View, nhà trên núi… Ngày xưa đường này chỉ là đường mòn nhỏ qua núi cho dân đi làm rẫy, kiếm củi… Giờ đây đường láng nhựa, thuận tiện đi lại hai khu vực Cửa Bé và Cầu Đá (làng Trường Tây).
Một điều rất thú vị mà chưa thấy sách nào giải thích là làng Trường Đông thì quay mặt về hướng Tây, còn làng Trường Tây lại quay mặt về hướng Đông.
Đặc biệt, nếu lên trên núi (còn gọi là núi Chụt hay núi Cảnh Long) sẽ ngắm được cảnh vịnh Nha Trang với những hòn đảo trước mặt như Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Tre, Hòn Một… Bên tay phải nhìn thấy núi Đồng Bò, cảng cá Hòn Rớ, phía bên kia (mạn sông) nhìn từ Cửa Bé ra cửa biển. Tiếp nữa là dãy Cù Hin kéo dài đến Cam Ranh. Bên tay trái là khu vực cáp treo, Viện Nghiên cứu biển, Lầu Bảo Đại, cảng Nha Trang, khu dân cư Cầu Đá... Theo con đường mòn lên đỉnh núi sẽ ngắm được toàn cảnh thành phố Nha Trang, bờ biển cong vòng như hình tròn, sân bay Nha Trang (cũ), thấy được tượng Phật lớn chùa Long Sơn và cả cụm di tích Hòn Chồng, Hòn Đỏ…
Những người già ở Cửa Bé kể chuyện, hồi xưa, làng rất ít người, cả làng chỉ có một cái giếng ở đồi cát trên cao, chỗ trụ sở Ủy ban phường bây giờ. Làng ban đầu nằm sát chân núi, rồi tiến dần ra biển. Phải gánh cát về lấp biển, phía bến cá là bên bồi, dân đông dần, người nhiều bao nhiêu, cát lấp biển bấy nhiêu. Ngư dân các nơi Nam, Ngãi, Bình, Phú tấp đến, thấy nơi đây làm ăn dễ, ở lại định cư. Sắc phong của Vua Tự Đức năm 1862 còn lưu giữ trong đình làng đánh dấu một xóm chài nhỏ có tên là làng Trường Đông (thuộc phường Vĩnh Trường).
Nghề chính của dân Cửa Bé là đánh bắt cá và làm mắm. Mắm Cửa bé ngon có tiếng ở Khánh Hòa (mùi mắm là dấu hiệu đầu tiên cho khách biết đã đến Cửa Bé). Ngày xưa cá nhiều. Cá theo dòng hải lưu đi từ Phú Quốc đến Thanh Hóa, mùa gió đông bắc, cá tấp vô vịnh. Khu vực này biển ấm nhờ có Hòn Tre che khuất, cá vô ở cả tuần, cả tháng. Trời động vẫn có cá. Biển Nha Trang là vùng cát, con cá làm mắm mùi thơm và thanh.
Đình làng Cửa Bé là đền thờ ông Nam Hải, tức cá voi. Dân nghề cá biết ơn, tôn kính ông bởi không bao giờ cá voi hại ai mà chuyên cứu người bị đắm thuyền, biết bao nhiêu ngư dân gặp nạn đã được cá voi dìu từ ngoài khơi vào bờ. Người ta kể rằng cá Ông lỵ (chết) khi đã già, hay bị con cá-ép ép vào mình, lâu ngày thịt bị thối, cũng có khi cá voi ân hận mà chết bởi không cứu được một nạn nhân trên biển. Khi chết, bao giờ cá voi cũng tấp vô bờ để được ngư dân chôn cất. Ngày giỗ ông là mùng mười tháng Hai âm lịch hằng năm, có hát bội, tế gà, trống chiêng cờ xí rợp trời. Ghe thúng kết thành đoàn kéo nhau đến làng đảo Trí Nguyên rước ông về đình làm lễ, gọi là cúng thần Hoàng.
2
Hồi tôi còn đi làm cho một công ty ở Bình Tân, gần Cửa Bé, những buổi chiều tan việc, thèm ăn vặt, tôi thường xuống Cửa Bé, rồi đi đường vòng qua núi về nhà, xa gấp đôi đường bình thường.
Trên con đường xương sống (một bên là núi, một bên là biển) chỉ khoảng hơn 500 m mà bao nhiêu là hàng ăn… vặt, bán từ sáng sớm cho đến tối khuya. Hội tụ gần như tất cả những món ăn bình dân nhưng đặc trưng của ẩm thực Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung như bún cá, bánh canh, bánh căn, mì quảng (Nha Trang), nem nướng, bánh xèo (Nha Trang), bánh bèo, hỏi, bún bò, phở, hải sản (đặc biệt là ốc chấm mắm me)… Ở đây có kiểu nấu, cách ăn hơi khác một chút so với các địa phương khác trong tỉnh Khánh Hòa mà tôi nghĩ là do dân các nơi tụ đến như đã nói ở trên.
Ví dụ như món bánh căn, có thêm xoong nước nấu mẵn mà không phải nấu với các loại cá thông thường dành cho món này như cá thu, ngừ, bò, chù chấm… các loại cá lớn, mà là với cá cơm. Ngay chính tôi cũng lấy làm lạ nhưng bởi đây là làng chài xưa nay, họ biết cách chế biến cá nào hợp với món nào nên đảm bảo làm nên sự khác biệt thú vị. Nhìn xoong nước mắm đỏ au hay tô mỡ hành vừa có hành lại có hẹ xắt nhuyễn, chưa ăn đã thấy ngon.
Một điều đặc biệt nữa là món bánh bèo không phải ăn với nước mắm thông thường có ruốc tôm mà là ăn với nước tương được chế biến từ thịt heo băm nhuyễn, cốm giã nhuyễn, gia vị mắm, đường, ớt, tỏi… khá lạ miệng và ngon. Sau này tôi mới biết là món bánh bèo theo cách ăn của người Bình Định, Quảng Ngãi.
Ở Sài Gòn, tôi cũng đã ăn một lần món bánh bèo tại một hàng do người Quảng chính gốc bán ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú.
Một ví dụ nữa là món lòng non, da heo nướng với cách ướp gia vị thông thường nhưng ngon khác biệt. Hay như món bánh xèo, bởi lợi thế ở Cửa Bé là hải sản nên một cái bánh xèo nhỏ thôi nhưng đầy đủ lệ bộ: thịt ba chỉ, tôm, mực tươi, hành giá…
Những ngày “tù túng” ở Sài Gòn, nơi khiến tôi nhớ Nha Trang nhất có lẽ là Cửa Bé mà có lẽ do tơ tưởng… những món ăn vặt nhiều hơn. Buổi sáng tôi thấy được cảnh cá mới đánh bắt về tươi xanh ở Chòm Mành, khoảng 9 giờ có cá lưới hai về (Chòm Lưới), khoảng 3 giờ chiều là cá giã cào (Chòm Giã). Mua cá ở các bến cá này rất rẻ. Ngoài ra còn thấy cảnh làm chả cá ngay trên bến… Các món ăn vặt buổi chiều đã bày ra đánh thức khứu, vị giác khiến tôi phải dừng xe và gọi món!