1
Ở Sài Gòn, có những lúc tôi thèm và nhớ điên đảo một tô canh rau (chính hiệu) hàng rào. Đến mức muốn mua ngay vé máy bay về Nha Trang chỉ để nấu một tô canh, hít hà cái mùi thôi là thấy đã thèm. Nghe sang như tỉ phú!
Rau hàng rào tuyệt nhiên không phân bón, thuốc trừ sâu, mọc vô tư ở hàng rào, thềm giếng. Chỉ cần chịu khó ngày cho nó gàu nước là sống khỏe, mùa mưa thì cắt không kịp!
Rau hàng rào nhiều nhất là bình bát, mồng tơi loại lá nhỏ trông hiền hiền, trái tím rịm mà bọn con nít đứa nào cũng một lần tò mò bóp thử, thêm nhúm rau dền xanh hay đỏ là đủ “bộ tam sên”. Có người đặt cho nó cái tên “tập tàng” đồng thời thêm vô ít thứ nữa như: bồ ngót, rau nhớt... Tập tàng dù không chính hiệu hàng rào bởi có vài thứ mọc... hơi xa hàng rào nhưng đủ làm nên hương vị bốn mùa, bất chấp nắng, mưa.
Bây giờ tập tàng nấu với cua không quá khó khăn khi siêu thị có cua đồng đông lạnh xay sẵn, chỉ cần mua về lọc lấy nước là thành tô canh. Chỉ có điều, rau thành phố lá nào lá nấy to xanh mướt bóng đẹp quá đâm nghi ngại khiến món canh mất ngon. Ăn rau thì sợ, không ăn rau thấy thiếu. Nhưng người tiêu dùng có chọn lựa nào khác ngoài việc “nhắm mắt đưa chân”? Nhà có điều kiện thì mua thùng xốp về trồng ít rau tự cung tự cấp tạm cho là rau sạch khi không có tác động của hóa chất nhưng làm sao biết được hạt giống có sạch không. Mong chờ vào việc ra tay của các ngành quản lý nhưng xem ra ngành quản lý có ba đầu sáu tay cũng chào thua.
Thực phẩm sạch cho dân thành phố vẫn là bài toán không có lời giải đáp!
Tự cứu mình trước khi trời cứu. Nhiều gia đình chuyển sang giá đỗ thay vì rau. Thùng ủ bán sẵn, chịu khó làm, một mẻ giá ăn không hết dù chế biến đủ các món, dưa giá, giá xào, ăn sống, nấu canh…
2
Xe lửa từ cửa ngõ thành phố vào đến ga cuối cùng của tuyến Bắc - Nam dễ chừng đến hơn chục cây số và qua cũng hơn chục cổng xe lửa, tôi không nhớ chính xác. Đã ba mươi năm tôi quen với cuộc sống hai bên đường rày từ ngày mẹ tôi mua căn nhà đi vào từ một cổng xe lửa. Khi ấy hành lang an toàn còn bị lấn chiếm và con đường không có hàng rào chắn như bây giờ. Ban đầu, tôi thấy khó quen bởi mọi thứ không trật tự và dường như đều tự phát, theo thói quen không dễ gì bỏ được.
Đều đặn ra vô Sài Gòn, ngần ấy năm, tôi thuộc dần tiếng còi tàu, nhịp bánh trên đường ray vào những sớm, trưa, chiều, tối... thấy cảnh sinh hoạt hai bên trên đường ra chợ nhỏ, những ngôi nhà, cửa tiệm tạp hóa, cắt tóc, quán cà phê và cả những đứa bé buổi sáng còn ngái ngủ ra đứng trước nhà nhìn từng chuyến tàu đi qua trở nên thân thiết.
Mọi thứ thay đổi dần. Con đường cổng xe lửa lởm chởm đá khó đi được mở rộng thông thoáng, có hàng rào chắn bảo vệ, đường hai bên bên trong được láng nhựa. Xe cộ qua lại nhiều hơn. Thỉnh thoảng vào thành phố, tôi cũng tự coi mình là một cư dân “chính hiệu” khi chọn cách men theo đường rày nếu nơi đến là khu vực gần một cổng xe lửa nào đó. Cũng chen lấn, né tránh chật chội và cả nổi khùng khi người phía sau/ trước lấn lướt một cách sỗ sàng.
Tôi thích những buổi sáng lững thững đi bộ ra chợ. Cũng vẫn những ngôi nhà chen chúc nhau chật chội quay mặt ra đường rày. Những đứa bé ngày xưa đã lớn không còn đứng ngóng từng chuyến xe lửa thì lại có những đứa bé khác, cũng bộ dạng ngái ngủ, tò mò - không phải, vì ngày nào chúng cũng thấy xe lửa, háo hức - cũng không, những chuyến xe qua đã quá quen thuộc bởi chúng sinh ra và lớn lên bằng những âm thanh sầm sập này.
Màu sắt trở nên “dịu dàng” tươi mát hơn khi trên hàng rào có sự hiện diện của những dây mướp, bên dưới mồng tơi tươi xanh mơn mởn, rau lang từng vạt non tơ, nhìn là biết chỉ cần luộc qua đã mềm, ngọt; lũ rau đay cũng sát cánh với mồng tơi khẳng định tình bạn chân tình bao đời nay; rau cải bẹ to, xanh mướt chắc chắn không có sự hỗ trợ của chất kích thích tăng trưởng nào; ớt, sả, nha đam… hơn hớn không thua chị, kém em chen nhau giữa từng đám rau. Khóm bạc hà vững chãi, lá to xòe khỏe khoắn khẳng định đúng chất đàn anh… Và hoa - đủ màu, tím vàng hồng trắng từng vạt rực rỡ khoe sắc trong nắng ban mai. Hoa hồn nhiên và rau cũng hồn nhiên nhìn những chuyến xe lửa hằng ngày rầm rập qua nhanh hay phía ngoài hàng rào kia người và xe đôi lúc lại có những điều tranh cãi bực bội. Thỉnh thoảng tôi lại tưởng tượng cuộc đối thoại giữa thanh ray, cỏ, hoa và rau và bật cười một mình. Cuộc sống quanh ta vốn đa dạng đa sắc mà ít ai để mắt tới.
3
Từ ngày còn rất bé tôi đã không thích những vòng kẽm gai. Ở thế hệ tôi, nó là biểu tượng của chiến tranh, niềm hận thù chia cắt. Tôi không biết là vì lý do đó hay vì bị kẽm gai cào xước chảy máu khi cố tình chui vào bên trong để hái gì đó, một trái bình bát hay một bông hoa mà tôi không thích nó. Lớn dần lên, tôi nhận ra cuộc sống tuyệt diệu khi bên cạnh những vòng kẽm gai còn có sự hiện diện của những đóa hoa trắng, hồng, vàng, tím… Sự hồi sinh là ân sủng của tạo hóa ban cho vạn vật trên Trái Đất này. Một vùng đất chết sẽ sống lại khi có sự hiện diện của cỏ, hoa bởi chúng làm nên hơi thở của cuộc sống. Vòng kẽm gai kiêu ngạo, vô tình và đầy nghi hoặc dường như bị đánh bại bởi sự hiện hữu của màu hoa trong trẻo, vô ưu. Sắc màu tươi đẹp, hồn nhiên của cuộc sống luôn lấn át vẻ lạnh lùng của những thứ nặng nề như sắt, đá…
Như nhiều buổi sáng khác tôi lại lững thững đi bộ ra chợ. Một bà cụ cắp cái rổ đứng bên hàng rào thong thả hái mướp, nhặt từng lá mồng tơi. Tôi nghĩ đến bữa cơm trưa có bát canh mướp, mồng tơi nấu với tôm và cuộc chuyện trò rôm rả và bà cụ sẽ khoe (rất nhiều lần) với con, cháu là “rau vườn nhà” hoàn toàn sạch. Phía bên kia, một người đàn ông trung niên cầm cái bay vun, đắp đất quanh vạt cải. Một người đàn ông khác đứng ngắm thảm hoa vàng. Tôi nhìn một dọc hoa và rau sát hàng rào và lẩn thẩn suy nghĩ, nếu không có hoa và rau này thì cỏ sẽ mọc đầy. Sức sống của loài cỏ luôn mãnh liệt và chắc chắn sẽ lan xuống tận thanh ray. Con người luôn biết cách tận dụng hoàn cảnh, môi trường để tạo tiện nghi tối đa cho mình. Và, có phải chính vì thế mà màu sắt, đá dung hòa được với màu hoa? Tôi lại tưởng tượng sau những chuyến xe lửa rầm rập vụt qua, gió lại hát trên những đóa hoa mướp vàng hay cuộc chuyện trò của cỏ, rau và hoa lại tiếp tục để cảm nhận cuộc sống luôn trôi đi với biết bao điều thú vị!
4
Những vạt rau mọc vô tư và vô ưu ở Sài Gòn này khiến tôi nhớ mớ rau hàng rào ở chợ Nha Trang quá đỗi. Có một chị bán dừa ở ngã tư chợ Xóm Mới. Trên chiếc xe đạp phân ra mấy loại dừa khô, dừa kho, dừa xiêm. Vài ba ngày chị lại có rổ rau hàng rào tươi non, nhìn thấy thèm, chắc chắn rau sạch. Mua ba ngàn đồng đủ nồi canh cho bốn người ăn một bữa mát miệng. Chị bảo, rau nhà ăn không hết mang ra chợ cho vui, ít đồng cũng chẳng bõ công dậy sớm cắt rau, nhiều khi đứng lên không nổi vì đau lưng!
Hạnh phúc là được chia sẻ cho dù chỉ nhúm rau, con cá. Quan trọng hơn là sản phẩm sạch chính tay mình chăm bón không chỉ mớ rau ở hàng rào mà còn là cái tình, cái hồn của người quê mang ra cho người phố, tôi nghĩ vậy!