Ýthức về cái tôi là một căn bệnh, trong khi tự thân ý thức thì lành mạnh. Như thể có một vài chỗ u trồi lên, khiến cho dòng chảy ý thức không còn tuôn trào tự nhiên nữa. Cái gì đó xa lạ đã xâm nhập vào dòng chảy ý thức, cái gì đó lạ lẫm mà dòng chảy ý thức không hấp thụ được, không thể trở thành một phần của dòng chảy… một cái gì đó nhất mực không chịu trở thành một phần của dòng chảy.
Ý thức về cái tôi chẳng khác gì mang một căn bệnh, khiến chúng ta rơi vào trạng thái đờ đẫn, tắc nghẽn. Trạng thái này giống như tình trạng của một hồ nước tù đọng – dơ bẩn, không ngừng bốc hơi, khô cạn, rồi chết. Và dĩ nhiên nó còn bốc mùi hôi thối nữa.
Do vậy, trước hết bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa ý thức (đơn thuần) và bản ngã (ý thức về cái tôi).
Bản thân ý thức vốn không chứa đựng ý niệm “Tôi” nào, tức là không mang bản ngã. Trong ý thức không hề có sự phân ranh giữa con người với sự tồn tại. Ý thức là một nguồn sống bất tận, phong phú, không có rào cản, giới hạn; nó với sự tồn tại là một. Không hề có mâu thuẫn giữa cá nhân và toàn thể. Cái cá nhân hòa mình vào cái tổng thể, và cái tổng thể tuôn chảy vào cái cá nhân. Điều này cũng giống như việc hít thở vậy: khi hít vào, cái tổng thể đi vào trong bạn; khi thở ra, bạn đi vào cái tổng thể. Đó là sự lưu chuyển và chia sẻ không ngừng. Cái tổng thể không ngừng luân chuyển vào bạn và bạn cũng không ngừng trao cho cái tổng thể. Sự cân bằng đó không bao giờ mất đi.
Nhưng với một người mang bản ngã thì lại khác. Anh ta nhận vào nhưng lại không bao giờ cho đi, chỉ biết thu vén cho mình và không chịu chia sẻ với ai. Anh ta không ngừng dựng lên lớp lớp “tường rào” quanh mình, trưng lên những tấm biển báo “Không được vượt qua giới hạn” để không ai có thể xâm phạm. Dần dà anh ta trở thành một nấm mồ, một sinh vật sống mà như đã chết vì cuộc sống của anh thiếu sự chia sẻ.
Vì vậy, người mang ý thức về cái tôi được xem như đã chết – đang trong trạng thái u mê. Và chừng nào không còn bản ngã, nghĩa là chừng nào cái tôi nhỏ bé biến mất, bạn sẽ đạt đến cái tôi thật sự, còn gọi là siêu ngã.
“Cái rốn Vũ trụ” nhỏ bé không còn, bạn hướng đến trung tâm của sự tồn tại. Đột nhiên bạn trở nên vô hạn, không còn bị giam giữ trong cái lồng do bản ngã tạo ra và sức mạnh vô biên bắt đầu tuôn đổ qua bạn. Bạn sẽ trở thành cây sáo để thần Krishna thổi lên giai điệu du dương. Bạn sẽ trở thành một kênh dẫn thông suốt, không còn rào cản nào. Tôi gọi đó là sự trao gửi.
Ý thức về cái tôi là một thái độ ngược lại với sự trao gửi – đó là một trạng thái đầy mâu thuẫn, giằng xé từ trong nội tâm. Khi bạn chiến đấu với sự tồn tại, tức là khi bạn mang bản ngã, bạn tất yếu sẽ bị đánh bại hết lần này đến lần khác. Mỗi bước bạn làm sẽ là một bước dấn sâu vào thất bại. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy nản lòng, và ngay từ đầu bạn đã bất hạnh vì cái tôi này vốn không thể tồn tại mà đi ngược lại quy luật Vũ trụ. Đó là điều không thể, cũng như bạn không thể tách mình khỏi sự tồn tại.
Bạn không thể nào sống như một thầy tu ẩn dật. Đó là những người luôn cố gắng để được là chính mình, luôn cố gắng phân định ranh giới cho mình và luôn cố gắng tách mình khỏi sự tồn tại. Song, tất cả những nỗ lực này đều đầy tính chấp ngã và chắc chắn họ sẽ thất bại.
Bạn chỉ có thể thành công khi có Thượng đế ở bên cạnh, đừng bao giờ chống lại Người. Bạn chỉ có thể thành công khi đồng hành cùng Toàn thể. Do vậy nếu bạn nản lòng, đau khổ tột cùng thì hãy nhớ, chính bạn đang tạo ra đau khổ ấy. Và bạn đã tạo ra nó do vướng phải cái bẫy rất tinh vi, đó là: chống lại Toàn thể.
Cái tôi lúc nào cũng tìm cách đi ngược dòng. Mọi người không thích điều dễ dàng, bao giờ họ cũng muốn làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp. Họ thích thú đương đầu với khó khăn. Tại sao? Vì khi đối diện với khó khăn, cái tôi sẽ được rèn qua thử thách để trở nên tinh ma hơn.
Bạn chỉ có thể thành công khi có Thượng đế ở bên cạnh, đừng bao giờ chống lại Người. Bạn chỉ có thể thành công khi đồng hành cùng Toàn thể.
Hãy nhìn lại cuộc đời mình mà xem, rất nhiều việc bạn làm chỉ vì cái tôi. Bạn vẫn muốn có một dinh thự to, dù bạn đang sống rất thoải mái trong ngôi nhà hiện tại. Cái dinh thự đó không dành cho bạn ở mà là để phục vụ cho cái tôi. Cuộc sống hiện giờ của bạn đã dư dả, thoải mái lắm rồi nhưng bạn vẫn muốn tích cóp thêm tiền bạc. Số tiền ấy cũng không phải để cho bạn mà chỉ để thỏa mãn cái tôi. Thế thì làm sao bạn có thể yên lòng nghỉ ngơi nếu chưa trở thành người giàu nhất thế giới?
Mọi người không thích điều dễ dàng, bao giờ họ cũng muốn làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp. Họ thích thú đương đầu với khó khăn. Tại sao? Vì khi đối diện với khó khăn, cái tôi sẽ được rèn qua thử thách để trở nên tinh ma hơn.
Nhưng khi trở thành người giàu nhất thế gian rồi thì bạn sẽ như thế nào? Bạn sẽ càng thêm đau khổ bởi những mâu thuẫn, những giằng xé trong nội tâm. Vì vậy đừng đổ trách nhiệm của mình lên ai khác.
Mọi người rất giỏi phân tích theo lý trí. Khi đau khổ, họ sẽ bảo: “Tôi có thể làm gì đây? Cái nghiệp của tôi là như vậy rồi!”. Toàn nhảm nhí! Nghiệp của kiếp trước hẳn đã khiến bạn phải đau khổ, nhưng chỉ trong kiếp trước mà thôi! Tại sao phải đợi đến bây giờ chúng mới làm bạn đau khổ? Chính cái nghiệp hiện tại mới đang làm bạn đau khổ. Thật tiện lợi và dễ dàng khi đổ lỗi cho kiếp trước, vì như vậy bạn không cần phải làm gì nữa!
Hoặc bạn lại đổ trách nhiệm cho quỷ sứ! Chẳng phải tại bạn mà là do quỷ sứ đã giăng bẫy khiến bạn sa vào vòng khổ đau và lôi bạn xuống địa ngục. Nhưng sao quỷ sứ phải bận tâm đến bạn?
Rồi nhiều người khác cho rằng chính cấu trúc xã hội, chính hệ thống kinh tế đã làm cho con người đau khổ. Còn những người theo trường phái phân tâm học của Freud thì khẳng định chính tình mẫu tử mới là nguyên nhân. Tựu trung lại, lúc nào cũng là do lỗi của ai đó. Chẳng bao giờ mọi người nghĩ mình đau khổ là do chính bản thân mình gây ra.
Theo tôi, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho nỗi đau của mình. Chẳng phải quá khứ, mà cũng chẳng phải cấu trúc xã hội hay hệ thống kinh tế nào có thể làm bạn đau khổ. Nếu bạn vẫn còn là bạn, nghĩa là còn mang cái tôi thì dù đang sống trong bất kỳ xã hội nào, bạn vẫn còn đau khổ.
Sự thay đổi cơ bản sẽ diễn ra khi bạn bắt đầu thôi mâu thuẫn với sự tồn tại. “Hãy buông bỏ bản ngã”, đây là tư tưởng chung nhất của các tôn giáo lớn. Ý họ muốn nói là “Hãy buông bỏ mọi mâu thuẫn”.
Sự thay đổi cơ bản sẽ diễn ra khi bạn bắt đầu thôi mâu thuẫn với sự tồn tại. “Hãy buông bỏ bản ngã”, đây là tư tưởng chung nhất của các tôn giáo lớn. Ý họ muốn nói là “Hãy buông bỏ mọi mâu thuẫn”. Bạn hãy nhớ kỹ điều này, bởi “buông bỏ bản ngã” nghe rất trừu tượng. Bản ngã? Cái tôi? Nó ở đâu? Nó là gì? Nghe thì quen quen, nhưng vẫn mơ hồ thế nào ấy, người nghe khó mà nắm bắt cho hết ý của nó. Tôi muốn làm cho nó trở nên thực tế hơn nên tôi mới bảo hãy buông bỏ sự mâu thuẫn bởi cái tôi chính là sản phẩm phụ của thái độ mâu thuẫn.
Mọi người cứ nói đến việc chinh phục tự nhiên, chinh phục cái này cái kia, nhưng làm sao bạn có thể chinh phục tự nhiên được kia chứ? Bạn đã là một phần của nó, thế thì làm sao cái cá thể có thể chinh phục cái tổng thể? Bạn hãy ngẫm thử mà xem điều đó có ngốc nghếch không? Mâu thuẫn, xung đột sẽ khiến bạn đau khổ, giận dữ, căng thẳng và áp lực; còn hài hòa với tự nhiên sẽ mang đến sự tĩnh lặng sâu lắng và niềm vui vô bờ.
Cái tôi thật ra chỉ là mớ căng thẳng mà bạn tự tạo ra và dựng lên quanh mình. Thật ra chẳng cần tạo ra những thứ đó, nhưng tại sao con người vẫn tiếp tục làm vậy? Hẳn là phải có lý do. Tại sao con người cứ tiếp tục tạo ra cái tôi? Đó là vì hiếm ai biết được cái tôi thực sự, bản thể nguyên thủy đang ở đâu. Và thật khó khi sống mà không có bản thể, chính vì thế chúng ta tạo ra cái tôi/bản thể giả, một cái tôi/bản thể thay thế. Còn cái tôi đích thực thì vẫn không được biết đến.
Cái tôi thật ra chỉ là mớ căng thẳng mà bạn tự tạo ra và dựng lên quanh mình. Thật ra chẳng cần tạo ra những thứ đó, nhưng tại sao con người vẫn tiếp tục làm vậy? Hẳn là phải có lý do.
Trên thực tế, chưa ai từng biết đến cái tôi đích thực là gì. Nó luôn huyền bí, không thể diễn tả hay định nghĩa được. Cái tôi đích thực bao la đến mức bạn không thể định nghĩa và huyền bí đến mức bạn không thể xuyên thấu tận cốt lõi của nó. Cái tôi đích thực là cái tôi của Toàn thể, điều mà trí tuệ con người không thể nào chiêm nghiệm hoặc hiểu biết thấu suốt.
Truyện kể rằng Alexander Đại Đế cho gọi một người thông thái đến và bảo: “Ta nghe nói ông đã biết Thượng đế, vậy hãy nói cho ta nghe xem Người trông thế nào”.
Người thông thái bèn đáp: “Hãy cho thần ít nhất hai mươi bốn tiếng đồng hồ để suy ngẫm ạ!”.
Hai mươi bốn giờ trôi qua, Alexander háo hức chờ đợi. Người đàn ông đến và bảo: “Thần cần thêm bảy ngày nữa”.
Thế rồi bảy ngày tiếp tục trôi qua, Alexander mất hết kiên nhẫn. Lần này người đàn ông lại đến và nói: “Thần cần thêm một năm nữa”.
Alexander bèn hỏi: “Ông nói vậy nghĩa là sao? Ông biết hay là không biết, hãy trả lời đi! Nếu ông biết, vậy hãy nói cho ta biết. Tại sao phải phí thời gian như vậy?”.
Con người thông thái kia cười phá lên: “Càng chiêm nghiệm, tôi càng thấy mình chẳng biết gì. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy khó mà khẳng định rằng mình đã hiểu biết thấu đáo. Hai mươi bốn giờ đầu tôi đã hết sức cố gắng, nhưng rồi nó cũng trượt khỏi tay tôi. Khó nắm bắt lắm, cứ như thủy ngân vậy. Thế nên tôi cần thêm bảy ngày nữa, nhưng cũng không ích gì. Sau một năm nữa, tôi cũng không chắc mình có thể đưa ra định nghĩa hay không”.
Người đàn ông đó đã làm hết sức mình. Và ông hẳn rất khôn ngoan vì chẳng cách nào định nghĩa được cái tôi thật sự. Nhưng con người không thể sống mà không có bản thể bởi họ sẽ cảm thấy trống rỗng! Họ sẽ cảm thấy mình sống chẳng khác gì cái bánh xe không có trục, hay đường tròn không có tâm.
Để biết được cái tôi đích thực, con người phải thực hiện một cuộc hành trình gian nan và xa xôi để đi ngược về cội nguồn, về ngôi nhà nội tâm. Để đến được cánh cửa cuối cùng, con người phải gõ rất nhiều cánh cửa. Do đó cách dễ nhất là tự tạo cho mình một cái tôi giả. Trồng hoa hồng thật rất khó, chứ mua hoa hồng giả về chưng thì quá dễ dàng! Cái tôi giả có thể đánh lừa người khác, song không tài nào đánh lừa bạn được bởi bạn biết rõ bạn còn không biết chắc mình là ai. Đối với xã hội bên ngoài, ít nhất bạn cũng có một cái nhãn mác để thể hiện bạn là ai.
Nếu có ai hỏi “Anh là ai?”, bạn sẽ trả lời thế nào? Chắc chắn bạn sẽ xưng tên mình ra. Tuy nhiên cái tên đó không phải là của bạn bởi bạn bước vào thế gian này có kèm theo cái tên nào đâu. Bạn sinh ra vốn là một người vô danh và cái tên không phải là thuộc tính của bạn, sau này nó mới được tạo ra. Bố mẹ bạn có thể chọn bất kỳ cái tên A-B-C-D nào để đặt cho bạn. Thật ra, cái tên đâu phải là vấn đề cốt lõi. Nếu bạn tên “Susan” thì cũng tốt, mà nếu tên là “Harry” thì có khác gì đâu. Tên gọi nào cũng có thể dùng được. Đó chỉ là một cái nhãn mác mà thôi. Cái tên chỉ dùng để gọi chứ chẳng dính dáng gì đến bản thân bạn.
Hoặc giả khi được hỏi anh là ai, bạn sẽ đáp “Tôi là bác sĩ”, “Tôi là kỹ sư” hay doanh nhân, họa sĩ gì đó, song tất tần tật đều chẳng nói lên được điều gì về bạn. Bởi khi bạn nói “Tôi là bác sĩ”, bạn chỉ đang đề cập đến nghề nghiệp chứ không phải bản thân bạn. Bạn chẳng nói gì về cuộc đời, mà chỉ đang nói về kế sinh nhai thôi.
Tên cha mẹ, hay gia phả của bạn cũng không có liên quan vì chúng chẳng định nghĩa được bạn là ai. Việc bạn được sinh ra trong một gia đình nào đó chỉ là điều ngẫu nhiên.
Trồng hoa hồng thật rất khó, chứ mua hoa hồng giả về chưng thì quá dễ dàng! Cái tôi giả có thể đánh lừa người khác, song không tài nào đánh lừa bạn được bởi bạn biết rõ bạn còn không biết chắc mình là ai.
Đây đều là những thủ thuật tiện lợi khiến người ta cảm thấy mình đang “có”, đang “tồn tại”. Cái tôi này chỉ là cái tôi giả do con người tạo ra, còn cái tôi đích thực vẫn ẩn sâu trong bí ẩn.
Có lần tôi đọc được câu chuyện sau:
Một người Pháp đi băng qua sa mạc cùng một hướng dẫn viên người Ả Rập. Hàng ngày, anh chàng Ả Rập đều đặn quỳ gối trên cát nóng mà gọi tên Thượng đế của mình. Rồi một tối nọ, anh chàng người Pháp đầy hoài nghi kia bèn hỏi: “Làm sao anh biết có Thượng đế?”.
Anh chàng hướng dẫn viên nhìn chằm chặp vào kẻ nhạo báng một lúc rồi đáp: “Làm sao tôi biết có Thượng đế ư? Làm sao tôi biết đêm qua đã có một con lạc đà chứ không phải con người đi qua đây? Chẳng phải là nhờ dấu chân của nó trên cát sao?”. Và chỉ vào những tia nắng đang le lói nơi chân trời, anh ta nói thêm: “Dấu vết đó không phải của con người”.
Bản thể của bạn không phải do bạn tạo ra, nó không phải là sản phẩm của con người. Mỗi người đã là một bản thể khi được sinh ra. Con người là tạo vật, không thể tự tạo ra bản thân mình. Để tạo ra nó, bạn phải có mặt trên thế giới này từ trước! Đấng sáng tạo hiện diện đâu đó giữa những điều không biết. Cội nguồn của chúng ta là một thế giới bí ẩn.
Cái tôi giả tạo chúng ta mang theo trong đời cũng giống như lá cờ lúc nào cũng có nguy cơ bị xé rách. Nó rất mong manh, yếu ớt – chắc chắn phải vậy thôi, vì do con người tạo ra mà! Bản thân anh ta phải trải qua nhiều vòng sinh tử thì làm sao anh ta có thể tạo ra một vật bất tử được chứ? Ta vẫn thường bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị lạc lối, bị bức hại. Ta không bao giờ cảm thấy an toàn, chắc chắn với cái tôi này vì ta biết nó chỉ là sản phẩm được góp nhặt, được tạo ra một cách máy móc.
Đã bao giờ bạn để ý đến sự khác nhau giữa sự hợp nhất tự nhiên và sự hợp nhất nhân tạo? Các phụ tùng động cơ xe hơi khi được lắp ráp lại với nhau có thể vận hành như một thể thống nhất. Cũng tương tự như vậy đối với chiếc ra-đi-ô. Không phần nào trong cái máy có thể hoạt động như một cái máy hoàn chỉnh. Để cái máy vận hành, tất cả các bộ phận phải ráp nối với nhau. Tuy vậy, sự hợp nhất đó vẫn mang tính cơ học, nhân tạo và bị ép buộc từ bên ngoài.
Nhưng khi bạn gieo một hạt mầm xuống đất, nó sẽ hòa vào đất mẹ và lớn lên thành cái cây – một sự hợp nhất mang tính hữu cơ, hết sức tự nhiên. Sự hợp nhất ấy không hề bị cưỡng ép bởi các yếu tố bên ngoài mà vốn có sẵn từ trong hạt mầm. Hạt sẽ nẩy mầm, rồi đón lấy hàng ngàn thứ từ đất mẹ, không khí, mặt trời… tuy vậy sự hợp nhất vẫn xuất phát từ bên trong chính nó. Có thể nói, ở đây cái tâm có trước rồi đường tròn mới được tạo ra. Trong khi ở những thực thể nhân tạo, vòng tròn có trước rồi mới đến cái tâm.
Con người là một thực thể hữu cơ, là một sự hợp nhất hữu cơ. Trước kia bạn là một mầm sống, được gieo vào mảnh đất bụng mẹ. Từ đây, bạn bắt đầu tạo vòng tròn cho mình. Cái cốt lõi có trước rồi mới đến vòng tròn xung quanh, nhưng giờ bạn đã quên mất tâm vòng tròn. Bạn sống trên cái vòng tròn mà cứ nghĩ đó là cuộc đời mình. Sống trên vòng tròn sẽ tạo ra cái tôi giả tạo, cho bạn cảm giác bạn là một ai đó. Nhưng cái vòng tròn này rất mong manh, yếu ớt vì nó không được cấu thành một cách tự nhiên.
Đó là lý do bạn sợ chết. Nếu bạn biết về cái tôi đích thực, bản thể thật sự của mình, bạn sẽ không bao giờ sợ chết. Chẳng phải lo lắng gì nữa, bởi thực thể hữu cơ, thể thống nhất tự nhiên là bất tử. Chỉ có những thực thể nhân tạo sẽ chết. Những gì được ráp lại với nhau thì một ngày nào đó sẽ rời bỏ nhau. Thực thể nhân tạo có lúc bắt đầu và có lúc kết thúc, trong khi thực thể hữu cơ, thể thống nhất tự nhiên thì không như vậy, đó là một tiến trình tồn tại mãi mãi.
Ý thức về cái tôi lúc nào cũng khiến bạn lo lắng, run sợ. Bạn luôn cần đến sự hỗ trợ từ người khác, chẳng hạn như cần một ai đó đánh giá cao mình, một ai đó vỗ tay tán dương bạn, khen bạn đẹp hay thông minh.
Bạn biết gì về tâm vòng tròn của mình? Nếu không biết, bạn sẽ không ngừng lo sợ. Ý thức về cái tôi lúc nào cũng khiến bạn lo lắng, run sợ. Bạn luôn cần đến sự hỗ trợ từ người khác, chẳng hạn như cần một ai đó đánh giá cao mình, một ai đó vỗ tay tán dương bạn, khen bạn đẹp hay thông minh. Những lời thôi miên ấy làm bạn tin rằng mình thông minh, xinh đẹp và mạnh mẽ. Nhưng hãy coi chừng, như thế nghĩa là bạn đang sống lệ thuộc vào người khác.
Bạn nghĩ sao nếu một chàng đần khen bạn thông minh? Hãy nhớ rằng trong thực tế, bạn chỉ trông có vẻ thông minh trước một chàng đần vì nếu anh ta thông minh hơn bạn, dĩ nhiên bạn sẽ không thể nào thông minh trong mắt anh ta được. Tuy vậy những lời khen ngợi của một chàng ngốc lại có thể khiến bạn hạnh phúc. Tương tự, bạn chỉ đẹp trong mắt một người xấu xí. Bởi nếu họ đẹp hơn bạn, bạn sẽ trở nên xấu xí trong mắt họ. Tuy vậy bạn vẫn thấy sướng rơn khi có người khen mình đẹp.
Vậy hãy thử hỏi, sự thông minh được nhìn nhận bởi người khờ khạo là kiểu thông minh gì? Cái đẹp mà được nhìn nhận bởi những người xấu xí là đẹp kiểu gì? Tất cả hoàn toàn chỉ là sự giả tạo. Chỉ là ngu ngốc! Ấy vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm nó. Chúng ta không ngừng đi tìm ở thế giới bên ngoài những điều củng cố cho cái tôi của mình, tìm một ai đó để hỗ trợ mình, để làm trụ cột tinh thần cho mình. Và cái tôi như thế có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Càng lệ thuộc vào bên ngoài, nỗi lo lắng càng gia tăng.
Đó là lý do vì sao bạn sẽ trở nên thanh cao, nhã nhặn hơn khi ở một mình, bởi khi đó bạn không phải lo lắng gì cả. Không ai có ở đó để dòm ngó bạn. Bạn sẽ vô tư hơn khi ở một mình, chẳng hạn như khi ở trong phòng tắm, bạn chẳng khác gì một đứa trẻ. Bạn đứng trước gương, thể hiện cảm xúc qua nét mặt và tận hưởng giây phút hồn nhiên ấy. Nhưng nếu biết con mình đang trộm nhìn qua lỗ khóa, lập tức bạn sẽ khác hẳn. Lúc đó cái tôi của bạn bị đe dọa. Chính vì thế mà mọi người vô cùng lo sợ người khác, trong khi ở một mình thì bạn không có gì để lo nghĩ.
Có một câu chuyện thiền nổi tiếng như sau:
Một vị thiền sư nọ đang ngồi viết thư pháp, ngồi cạnh ông là một đệ tử có nhiệm vụ báo cho thầy mình biết khi nào bức thư pháp đã hoàn hảo. Cả thầy lẫn trò đều tỏ ra lo lắng vì cậu ta chưa bao giờ thấy thầy làm cái gì mà không hoàn hảo, nhưng hôm đó mọi thứ không diễn ra như cậu nghĩ. Vị thiền sư càng cố gắng viết thì nét chữ càng trông chẳng đâu vào đâu.
Ở Nhật và Trung Quốc, chữ thư pháp thường được viết trên giấy xuyến chỉ, một loại giấy rất mong manh và nhạy thấm. Chính vì thế, chỉ cần người viết do dự một chút thôi cũng khiến cho mực thấm loang khắp giấy và hàng trăm năm sau người ta vẫn có thể nhìn thấy chỗ hỏng kia. Nét bút của bạn phải liền tay và dứt khoát. Nếu ngược lại, người có con mắt tinh tường sẽ bảo ngay: “Đây chẳng phải là thư pháp”, bởi chữ thư pháp là phải thanh thoát, liền mạch và tuôn trào sức sống.
Vị thiền sư cứ cố mãi… người ông bắt đầu vã cả mồ hôi. Trong khi đó người đệ tử ngồi đấy không ngừng lắc đầu: “Chưa được!”. Và vị thiền sư càng lúc càng phạm sai lầm.
Khi mực đã vơi, vị thiền sư bảo: “Con ra ngoài chuẩn bị mực cho ta”. Và trong lúc đệ tử ra ngoài để soạn mực thì vị thiền sư đã tạo nên kiệt tác. Khi quay trở lại, cậu học trò reo lên: “Thầy ơi, tuyệt tác! Chuyện gì đã xảy ra vậy thầy?”.
Vị thiền sư cười lớn: “Ta đã nhận ra một điều – chính sự hiện diện của con, cùng ý nghĩ có ai đó đang chờ để ca ngợi hay phê bình, để khen hay chê đã làm nhiễu loạn tâm ta. Từ nay ta sẽ không bao giờ để tâm mình bị xáo động nữa. Ta nhận thấy rằng càng cố làm cho bức vẽ trở nên hoàn hảo thì nó càng không hoàn hảo”.
Cho nên khi bạn cố làm cho cái gì đó hoàn hảo, nó sẽ bị khiếm khuyết. Cứ tự nhiên đi, rồi mọi thứ sẽ luôn hoàn hảo. Tự nhiên là hoàn hảo, còn nỗ lực thì không. Chính vì vậy mà bất cứ khi nào bạn gắng sức quá nhiều cho một việc gì đó thì có nghĩa là bạn đang hủy hoại nó.
Mọi người ai nói năng cũng rất hay, huyên thuyên đủ thứ về cuộc đời mình nhưng chỉ cần đẩy họ lên sân khấu và bảo họ nói trước đám đông, lập tức họ sẽ câm như hến, sẽ quên hết mọi thứ. Hoặc nếu họ có mở miệng thì nói năng cũng không được tự nhiên, liền mạch. Tại sao lại như vậy? Rõ ràng anh ta khua môi múa mép rất hay với bạn bè và vợ con anh ta kia mà, vậy tại sao phải lo ngại khi đứng trước đám đông? Đó là vì bạn trở nên ý thức về cái tôi. Bạn cảm thấy cái tôi của mình đang bị đe dọa.
Lúc bạn cố gắng phô diễn điều gì đó thì cũng là lúc bạn đang tìm cách nuôi dưỡng cho cái tôi của mình. Còn khi bạn để cho mọi chuyện diễn ra tự nhiên, mọi thứ sẽ hoàn hảo và không vấp phải vấn đề gì. Khi bạn tự nhiên và để mọi thứ diễn ra tự nhiên, Thượng đế luôn ở sau trợ giúp bạn. Khi bạn lo sợ, run rẩy hay cố gắng làm, bạn sẽ lạc mất Người. Khi sợ hãi, bạn sẽ quên mất Người. Bạn mải nhìn mọi người mà quên mất Nguồn hỗ trợ của mình.
Khi bạn cố làm cho cái gì đó hoàn hảo, nó sẽ bị khiếm khuyết. Cứ tự nhiên đi, rồi mọi thứ sẽ luôn hoàn hảo. Tự nhiên là hoàn hảo, còn nỗ lực thì không. Chính vì vậy mà bất cứ khi nào bạn gắng sức quá nhiều cho một việc gì đó thì có nghĩa là bạn đang hủy hoại nó.
Ý thức về cái tôi khiến bạn trở nên suy yếu. Người nào không mang cái tôi thì mạnh mẽ vô cùng, nhưng sự mạnh mẽ này không liên quan gì đến bản thân anh ta. Sức mạnh ấy xuất phát từ Cội nguồn vô tận.
Ý thức về cái tôi sẽ mang rắc rối đến cho bạn. Bạn không biết mình là ai và nó cản trở bạn quay trở về với Cội nguồn.
Tương truyền rằng:
Lần nọ, có một cô gái đẹp đi ngang qua, Mulla Nasruddin liền ngoái lại nhìn theo. Thấy vậy, vợ ông bĩu môi: “Cứ mỗi khi thấy con gái đẹp là anh lại quên mất mình đã có vợ”.
Mulla bèn đáp: “Em lầm rồi, anh chỉ ngắm cái đẹp chứ chẳng quan tâm đến chuyện gì khác!”.
Bất cứ khi nào ý thức đến cái tôi, lúc đó bạn không hề ý thức đến bản thân mình. Bạn không biết mình là ai. Vì nếu biết thì đã không gặp rắc rối để rồi bạn phải xin ý kiến của mọi người, và bạn cũng không phải lo người khác nói gì về mình. Thực ra chẳng ai nói gì về bạn cả, mà họ chỉ đang nói về chính mình.
Một sáng nọ, khi tôi đang ở Jaipur, có một người đến gặp tôi và nói rằng: “Thầy thật thánh thiện!”.
Tôi bèn đáp: “Anh nói đúng đấy!”.
Rồi sau đó, có một người thật sự không ưa tôi tiến đến bảo: “Ông thật xấu xa!”.
Tôi cũng đáp: “Anh nói đúng đấy!”.
Ý thức về cái tôi sẽ mang rắc rối đến cho bạn. Bạn không biết mình là ai và nó cản trở bạn quay trở về với Cội nguồn
Nghe thế, người đàn ông đầu tiên đâm ra hoang mang: “Ý thầy là sao? Với tôi và với anh ta thầy đều đáp ‘Anh nói đúng đấy!’. Hai chúng tôi không thể nào cùng đúng được”.
Tôi đã giải thích: “Không chỉ hai anh mà hàng triệu người khác cũng có thể nói đúng về tôi, nhưng những gì họ nói về tôi thật ra đều là những điều họ đang nói về chính họ. Làm sao họ biết được tôi, hiểu được tôi? Điều đó là không thể. Thậm chí họ còn chưa hiểu được bản thân họ kia mà. Những gì họ nói chỉ là sự suy diễn của họ”.
Nghe vậy, người đàn ông hỏi: “Vậy thầy là ai? Nếu theo cách hiểu của tôi thì thầy thật là thánh thiện, còn với anh ta, thầy thật là xấu xa”.
Tôi đáp: “Tôi chỉ là chính mình. Và tôi cũng không cần diễn giải mình là ai. Tôi cứ thản nhiên vui sống. Tôi hạnh phúc được là chính mình”.
Chẳng ai có thể nói được điều gì về bạn. Bất luận họ nói gì thì cũng chỉ là về bản thân họ. Thế nhưng bạn lại bị dao động vì bạn vẫn bám víu lấy cái tôi giả tạo. Do cái tôi ấy phụ thuộc vào người khác nên lúc nào bạn cũng lưu tâm đến điều mọi người tranh bàn về mình. Và rồi bạn luôn cố chiều theo ý người khác hòng làm cho họ hài lòng. Càng tỏ ra mẫu mực trong mắt họ, bạn càng trang hoàng thêm cho cái tôi của mình. Làm vậy chẳng khác nào bạn tự giết chết mình!
Thay vì ngả nghiêng theo dư luận, bạn nên nhìn vào nội tâm. Việc hiểu về cái tôi đích thực có một giá trị không nhỏ chút nào, tuy vậy mọi người vẫn thèm khát những điều rẻ tiền.
Tương truyền rằng:
Khi không chịu nổi cái lưng đau nữa, Nasruddin miễn cưỡng đến gặp bác sĩ để xem bệnh.
− Bệnh của ông có thể chữa được bằng cách phẫu thuật, – bác sĩ bảo, – nhưng sẽ mất hai tuần nằm viện và sáu tháng nằm trên giường.
− Nhưng thưa bác sĩ, tôi không có đủ tiền để trang trải hết những chi phí này. – Nasruddin kêu lên.
− Vậy thì ông đưa cho tôi 25 đô-la để tôi chỉnh sửa ảnh X-quang vậy! – Ông bác sĩ đề nghị.
Thế đấy, chi phí chỉnh sửa ảnh X-quang rất rẻ nhưng lại không giúp bạn khỏi bệnh. Song đấy lại là điều chúng ta đang làm, nghĩa là không ngừng sửa ảnh X-quang và nghĩ rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Việc đó chẳng có ích lợi gì, cũng như chẳng thể giúp bạn khỏe mạnh lên. Nó rẻ hơn thật vì không phải tiến hành phẫu thuật hay tốn kém thêm chi phí. Nhưng được gì kia chứ? Bạn vẫn phải tiếp tục chịu đau.
Bạn trở nên đáng kính trong mắt mọi người, được xã hội đánh giá cao, được tô điểm với huy chương vàng nhưng nỗi đau khổ vẫn còn đó. Huy chương vàng không thể chấm dứt nỗi đau của bạn, cũng giống như việc chỉnh sửa ảnh X-quang vậy. Mọi hình thức đánh bóng cho cái tôi đều chẳng có ý nghĩa gì mà chỉ phỉnh lừa bạn nhiều hơn. Bạn sẽ càng yếu đuối hơn, cả về thể chất lẫn tâm trí. Nỗi sợ hãi trong bạn sẽ ngày một lớn, bạn như đang ngồi trên đỉnh núi lửa mà không biết chừng nào nó phun trào. Cái tôi không cho phép bạn có lấy một phút giây bình yên, thoải mái.
Một khi đã hiểu ra điều đó, toàn thể năng luợng sẽ được chuyển sang hướng khác. Ta cần hiểu chính mình và không nên lo lắng trước những gì người khác nói.
Một người bạn gửi cho tôi câu chuyện đùa rất hay sau:
Có một anh chàng chẳng được ai để ý đến và cũng chẳng ai thèm kết bạn với anh ta. Anh đến dự một hội nghị bán hàng tại Miami, thấy mọi người ai cũng hạnh phúc, cười đùa vui vẻ và quan tâm đến nhau mà chẳng hề chú ý đến mình.
Một tối nọ, anh bèn bắt chuyện với một người bán hàng khác và kể cho người này nghe về vấn đề của mình. “Ồ, tôi biết cách giải quyết rồi”, người kia nói. “Anh hãy sắm cho mình một con lạc đà rồi cưỡi nó đi khắp phố, ắt hẳn mọi người sẽ chú ý đến anh và anh sẽ có được nhiều bạn mới”.
Cứ như số phận đã xếp đặt trước, ngay lúc ấy có một gánh xiếc sắp sập tiệm và họ muốn bán con lạc đà. Anh chàng nọ bèn mua nó và cưỡi đi khắp phố, dĩ nhiên là mọi người đã chú ý đến anh ta rất nhiều. Anh cảm thấy mình giống như một ông hoàng trong mắt thế gian. Nhưng rồi một tuần sau, con lạc đà biến mất. Anh chàng hết sức đau khổ và lập tức gọi điện đến tờ báo địa phương để rao tìm.
− Là con đực hay con cái ạ? – Nhân viên tòa báo hỏi.
− Đực hay cái ư? Làm sao tôi biết được? – Anh cuống quýt cả lên, nhưng sau đó nghĩ lại. – À phải, là con đực, đúng rồi!
− Làm sao ông biết? – Người nhân viên tiếp tục hỏi.
− Vì mỗi khi tôi cưỡi nó xuống phố, mọi người cứ la lên “Xem cái schmuck trên con lạc đà kìa!”.
Schmuck trong tiếng Yiddish (tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu) là một từ rất hay. Nó có hai nghĩa, một nghĩa rất liên quan đến tình huống này đó là thằng ngốc và nghĩa thứ hai là bộ phận sinh dục đực. Nhưng cả hai nghĩa này lại có quan hệ rất chặt chẽ với nhau, vì những kẻ ngốc chẳng khác nào những sinh vật sống chỉ để truyền giống, ngoài ra không còn biết bất cứ điều gì khác về cuộc sống. Chính vì thế mà schmuck là một từ rất hay. Nếu một người sống mà chỉ biết đến tình dục thì anh ta có khác gì một kẻ ngốc!
Bản ngã rất hay phỉnh lừa chúng ta. Nó chỉ nghe những gì nó muốn nghe. Nó chỉ hiểu theo cách nó muốn hiểu mà không chịu nhìn nhận thực tế. Nó không bao giờ để thực tế tự hiển lộ cho bạn thấy. Người sống vì cái tôi thường ẩn mình sau một bức màn vô hình, và bức màn này sẽ thay đổi mọi thứ đi xuyên qua nó.
Cứ thế, con người tiếp tục sống trong cái thế giới tinh thần mà họ tự tạo ra. Cái tôi trở thành trung tâm của thế giới đó, cái thế giới hư ảo hay còn được gọi là maya, tức là ảo tưởng. Thế giới này trở thành thế giới duy nhất của họ, chỉ có mỗi họ sống trong đó.
Khi bạn gạt bỏ cái tôi, bạn sẽ gạt bỏ cả cái thế giới được tạo ra xung quanh cái tôi ấy. Lần đầu tiên trong đời, bạn sẽ nhìn thấy bản chất thật sự của mọi điều chứ không phải theo cách bạn muốn thấy. Và một khi đã biết được thực tế cuộc đời, bạn sẽ biết được đâu là chân lý.
Có một giai thoại Thiền như sau:
O-Nami, tức “Sóng Lớn”, là một vật sĩ rất mạnh và tài nghệ trong làng đô vật. Khi chỉ có một mình, anh ta có thể đánh bại ngay cả thầy của mình, nhưng trước đám đông thì đến một tay vật non trẻ nhất cũng có thể hạ được anh.
Băn khoăn mãi về điều này, anh bèn tìm đến vị thiền sư ở ngôi chùa cạnh biển gần đó để xin lời khuyên.
Vị thiền sư truyền dặn rằng: “Sóng Lớn là tên của con, vậy đêm nay con hãy ở lại chùa để lắng nghe tiếng sóng biển. Hãy tưởng tượng con chính là những ngọn sóng đó. Hãy quên mình là một đô vật và trở thành con sóng vĩ đại cuốn phăng mọi thứ trước mặt”.
Đêm hôm ấy O-Nami đồng ý ở lại chùa. Tuy đã cố gắng chỉ nghĩ đến những ngọn sóng nhưng anh vẫn lan man nghĩ đến nhiều thứ khác. Rồi dần dần anh cũng tập trung được và chỉ nghĩ về những ngọn sóng. Trời càng về khuya, những con sóng càng lớn dần, lớn dần. Chúng cuốn phăng những bông hoa trong bình trước tượng Phật, rồi cả những chiếc bình. Ngay đến tượng Phật bằng đồng cũng bị sóng cuốn đi. Đến bình minh thì toàn bộ ngôi chùa đã bị con sóng san bằng, còn O-Nami vẫn ngồi đó với nụ cười an lạc trên môi.
Hôm đó anh đã tham gia một cuộc thi đô vật và chiến thắng mọi trận đấu. Kể từ ngày ấy, trên khắp nước Nhật, không còn ai đủ sức đánh bại anh nữa.
Câu chuyện trên nói về ý thức bản ngã và cách để gạt bỏ nó, dứt khỏi nó. Tôi sẽ cùng bạn phân tích câu chuyện theo từng bước nhé.
O-Nami, tức “Sóng Lớn”, là một vật sĩ rất mạnh...
Chúng ta ai cũng cực kỳ mạnh – không biết được sức mạnh của mình thì là một vấn đề khác. Ai ai cũng cực kỳ mạnh và phải như thế bởi chúng ta đều bắt nguồn từ Vũ trụ. Cho dù bạn trông có nhỏ bé đấy nhưng thực chất bạn không hề nhỏ chút nào.
Khi bạn gạt bỏ cái tôi, bạn sẽ gạt bỏ cả cái thế giới được tạo ra xung quanh cái tôi ấy. Lần đầu tiên trong đời, bạn sẽ nhìn thấy bản chất thật sự của mọi điều chứ không phải theo cách bạn muốn thấy.
Ngày nay, theo các nhà vật lý, trong một nguyên tử nhỏ bé chứa đựng biết bao nhiêu là năng lượng. Hai thành phố lớn của Nhật là Hiroshima và Nagasaki đã bị phá hủy bởi năng lượng nguyên tử. Thế nhưng nguyên tử lại nhỏ bé đến nỗi chẳng ai có thể nhìn thấy chúng! Tất cả chỉ là sự suy diễn, suy luận bởi chưa từng có ai nhìn thấy nguyên tử, kể cả với những thiết bị khoa học tinh vi ngày nay.
Nếu nguyên tử có thể chứa nhiều năng lượng đến thế thì con người còn mạnh đến nhường nào? Cái ngọn lửa nhỏ bé trong ý thức con người thì sao? Nếu một ngày nào đó cái ngọn lửa bé nhỏ này bùng cháy, nhất định nó sẽ trở thành một nguồn năng lượng và ánh sáng vô tận. Đó chính là điều đã diễn ra ở những bậc thánh nhân như Đức Phật, như Chúa Jesus…
Mọi người ai cũng cực kỳ mạnh bởi chúng ta hết sức siêu phàm.
Mọi người ai cũng cực kỳ mạnh bởi chúng ta đều bắt nguồn từ Thượng đế, từ Cội nguồn của sự tồn tại.
Bạn hãy nhớ điều đó!
Nhưng đầu óc con người thường rất mau quên. Mỗi khi bạn quên, bạn lại trở nên yếu ớt. Và trong trạng thái suy yếu như vậy, bạn bắt đầu tìm đến những cách thức nhân tạo để làm mạnh bản thân. Đó là cách mà hàng triệu triệu người đang làm.
Bạn tìm kiếm điều gì ở thanh danh, quyền thế? Cũng vẫn là sức mạnh, trong khi sức mạnh ấy luôn sẵn có trong bạn.
Bạn tìm kiếm tiền bạc, nhưng thật ra bạn đang tìm kiếm cái gì? Phải chăng bạn đang tìm kiếm sức mạnh?!
Bạn tìm kiếm điều gì ở thanh danh, quyền thế? Cũng vẫn là sức mạnh, trong khi sức mạnh ấy luôn sẵn có trong bạn.
Bạn ơi, bạn tìm sai chỗ rồi!
O-Nami, tức “Sóng Lớn”, là một vật sĩ...
Tất cả chúng ta đều là những con sóng vĩ đại của đại dương. Có thể chúng ta đã quên mất điều đó, nhưng đại dương không bao giờ quên. Có thể chúng ta lãng quên, đến mức không còn khái niệm gì về đại dương nữa nhưng chúng ta vẫn đang sống trong lòng đại dương. Không có sóng, đại dương vẫn tồn tại; nhưng sóng không thể tồn tại mà không có đại dương. Con sóng chẳng là gì cả nếu không thuộc về đại dương, nó là một tiến trình chứ không phải là một thực thể. Con sóng chính là niềm vui lan tỏa của đại dương, cũng như Thượng đế đã tạo ra con người trong niềm vui của Người cho trái đất, cho sự tồn tại. Con sóng là hình tượng đại dương tìm đến Đại dương, chỉ để vui đùa nhưng qua đó có sự truyền giao năng lượng cực kỳ mạnh mẽ.
O-Nami, tức “Sóng Lớn”, là một vật sĩ rất mạnh...
Nhưng sức mạnh này chỉ bùng lên khi con sóng hiểu rằng nó thuộc về đại dương bao la, bất tận. Nếu con sóng quên mất điều đó, lập tức nó trở nên suy yếu. Chứng “quên” ở con người là rất nặng. Trí nhớ của ta rất nhỏ, nhỏ xíu. Chúng ta cứ quên hoài. Cái gì càng hiển nhiên, càng ở sát bên cạnh và lúc nào cũng sẵn có thì lại càng dễ quên.
Chẳng hạn, bạn có nhớ hơi thở của mình không? Bạn chỉ nhớ đến nó khi nào bạn bị cảm hay khó thở, bằng không thì ai mà nhớ đến hơi thở? Tương tự, con người chỉ nhớ đến Thượng đế khi họ gặp rắc rối chứ bình thường mấy ai nhớ tới Người. Song, Thượng đế còn gần hơn hơi thở của bạn, gần hơn cả bạn đối với chính mình nữa.
Con người ta thường có xu hướng hay quên. Có bao giờ bạn để ý thấy hễ bạn không có cái gì thì bạn cứ nhớ đến nó, nhưng khi đã có rồi thì bạn lại coi đó là điều hiển nhiên. Do Thượng đế không thể biến mất nên người ta khó mà nhớ đến Người. Chỉ có một số ít hiếm hoi là luôn tưởng nhớ.
Con cá trong đại dương quên mất đại dương. Nếu nó bị ném lên bờ, phải giãy giụa phơi mình trên cát nóng thì khi đó nó mới nhớ đại dương. Nhưng chẳng có cách nào để ném bạn khỏi Thượng đế, bởi Người là Đại dương bất tận. Và bạn không giống như con cá, bạn là con sóng. Bạn giống hệt Thượng đế, bản chất của Người và của bạn là như nhau.
...là một vật sĩ rất mạnh và tài nghệ trong làng đô vật. Khi chỉ có một mình, anh ta có thể đánh bại ngay cả thầy của mình...
Nhưng “khi chỉ có một mình...”, vì lúc đó anh ta mới có thể quên đi cái tôi của mình.
Khi tập trung vào bản ngã, bạn sẽ quên mất Thượng đế; còn khi bạn bỏ lơ cái bản ngã kia đi, bạn sẽ nhớ đến Người – bạn không thể nhớ cả hai cùng một lúc. Cũng như khi con sóng nghĩ rằng nó là con sóng, nó sẽ quên nó cũng là đại dương. Còn khi biết mình là đại dương, làm sao nó có thể nhớ mình là con sóng?
Khi chỉ có một mình, anh ta có thể đánh bại ngay cả thầy của mình, nhưng trước đám đông thì đến một tay vật non trẻ nhất cũng có thể hạ được anh.
Khi chỉ có một mình, hẳn lúc đó anh ta đã hoàn toàn quên mất bản ngã nên anh ta cực kỳ mạnh. Nhưng trước đám đông, hẳn anh đã nghĩ đến cái tôi quá nhiều, chính vì vậy mà sức mạnh của anh suy giảm.
Băn khoăn mãi về điều này, anh bèn tìm đến vị thiền sư ở ngôi chùa cạnh biển gần đó để xin lời khuyên.
Vị thiền sư truyền dặn rằng: “Sóng Lớn là tên của con, vậy đêm nay con hãy ở lại chùa để lắng nghe tiếng sóng biển”.
Khi biết được tên của anh ta là O-Nami, tức “Sóng Lớn”, vị thiền sư đã đưa ra phương cách dựa trên cái tên ấy: “Sóng Lớn là tên của con, vậy đêm nay con hãy ở lại chùa để lắng nghe tiếng sóng biển”.
Lắng nghe là một trong những bí quyết giúp chúng ta đi vào ngôi đền của Thượng đế. Lắng nghe nghĩa là quên đi toàn bộ cái tôi, chỉ như vậy thì bạn mới có thể lắng nghe. Khi bạn chăm chú lắng nghe ai đó, bạn sẽ quên mất bản thân mình. Nếu vẫn còn quá chú tâm đến bản thân, bạn không thể lắng nghe thật sự mà chỉ giả vờ nghe mà thôi. Có thể bạn gật gù, có thể thỉnh thoảng bạn ừ hữ góp vài tiếng nhưng bạn không thật sự lắng nghe.
Khi bạn lắng nghe, bạn sẽ trở thành một kênh truyền dẫn, một kênh tiếp nhận. Bạn sẽ trở nên âm tính, nghĩa là đằm tính và điềm đạm hơn. Bạn không thể tìm đến Thượng đế với bộ dạng hùng hổ của một kẻ xâm lăng, chinh phục. Bạn chỉ có thể đến với Người… đúng hơn là Người chỉ đến với bạn khi bạn ở trong trạng thái tiếp nhận, điềm đạm.
Lắng nghe là nghệ thuật trở nên thụ động – khách quan, tách rời. Đức Phật chú trọng vào việc lắng nghe rất nhiều, Mahavir(*) cũng nhấn mạnh việc lắng nghe, Krishnamurti(**) cũng thế. Có bao giờ bạn để ý đến hình dáng của lỗ tai chưa? Tai thật ra chỉ là một đường ống, nó âm tính hơn cả đôi mắt. Tai âm tính, còn mắt thì dương tính. Khi nhìn, bạn ở trong trạng thái chủ động, tấn công; nhưng khi lắng nghe, bạn chỉ đón nhận.
(*) Mahavir là người sáng lập đạo Jain (Kỳ Na giáo), một tôn giáo cùng thời với Phật giáo.
(**) Krishnamurti (1895 – 1986): một tác gia người Ấn đồng thời là nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần.
Đó là lý do vì sao khi nhìn người khác quá lâu, bạn sẽ trở nên khiếm nhã, vô lễ, bất lịch sự. Theo các nhà tâm lý học, ta không nên nhìn ai đó quá ba giây. Nhìn trong vòng ba giây thì còn chấp nhận được, nhưng nếu vượt quá ba giây, tức là bạn không còn nhìn họ với thái độ bình thường nữa mà là đang nhìn chòng chọc, nhìn xoi mói họ. Trong khi đó, lắng nghe lại không hề có giới hạn bởi lỗ tai không thể đi xuyên thấu người khác. Nó luôn nằm yên tại chỗ.
Khi bạn chăm chú lắng nghe ai đó, bạn sẽ quên mất bản thân mình. Nếu vẫn còn quá chú tâm đến bản thân, bạn không thể lắng nghe thật sự mà chỉ giả vờ nghe mà thôi.
Mắt cần được nghỉ ngơi, nhất là vào ban đêm, trong khi tai không cần nghỉ ngơi. Nó hoạt động suốt hai mươi bốn tiếng, năm này qua năm khác. Mắt không thể mở mãi suốt hàng phút, cho nên bạn phải liên tục chớp mắt và nhắm mắt nghỉ ngơi.
Hãy dùng đến đôi tai nhiều hơn.
Hãy lắng nghe và chẳng cần phải làm gì khác.
Hãy lắng nghe mà không cần biết tại sao, cũng như đừng tự hỏi điều gì đang xảy ra.
Hãy lắng nghe và đừng diễn giải.
Hãy tưởng tượng con là những ngọn sóng đó.
Trước hết hãy lắng nghe và hòa nhịp với những con sóng. Khi bản thân cảm thấy hoàn toàn tĩnh lặng và sẵn sàng đón nhận, hãy tưởng tượng mình là những con sóng đó. Nhưng đó là bước thứ hai. Còn trước tiên đừng quá sốt sắng, nhanh nhảu, chỉ đón nhận mà thôi. Và một khi đã đạt đến trạng thái hoàn toàn đón nhận, hãy hòa cùng con sóng, hình dung mình là những con sóng đó.
Vị thiền sư đã chỉ cho O-Nami một phương cách để quên đi cái tôi. Bước đầu tiên là đón nhận, bởi cái tôi không thể tồn tại khi bạn đang trong trạng thái đón nhận mà nó chỉ tồn tại khi có sự đối kháng, vướng chấp. Trong trạng thái cảm thụ đầy tinh tế này, khả năng tưởng tượng của bạn sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ.
Bước đầu tiên là đón nhận, bởi cái tôi không thể tồn tại khi bạn đang trong trạng thái đón nhận mà nó chỉ tồn tại khi có sự đối kháng, vướng chấp. Trong trạng thái cảm thụ đầy tinh tế này, khả năng tưởng tượng của bạn sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ.
Những người tinh nhạy, có khả năng cảm thụ cao là những người rất giàu trí tưởng tượng. Họ nhìn thấy sức sống đang căng tràn trong cỏ cây, uống lấy màu xanh sự sống này và thấm hút nó như một miếng bọt biển. Họ là những nhà thơ, họa sĩ, vũ công, nhạc sĩ... Họ nuốt lấy cả Vũ trụ và để cho những gì thấm nhuần được tuôn trào vào trí tưởng tượng của mình.
Tưởng tượng là một năng lực phi thường, có thể đưa bạn đến gần Thượng đế nhất. Người hẳn phải có một trí tưởng tượng phong phú lắm, bởi bạn cứ nhìn vào thế giới mà Người đã tạo ra mà xem! Nào là hoa, là bướm, là cây cối, là sông ngòi, và có cả con người nữa. Ngoài ra còn có biết bao nhiêu vì sao, bao nhiêu thế giới… Người cực kỳ mơ mộng!
Ở phương Đông, những người theo đạo Hindu bảo rằng thế giới chính là sản phẩm tưởng tượng của Thượng đế. Người mơ về nó. Vì vậy chúng ta là một phần trong giấc mơ của Người.
Họ là những nhà thơ, họa sĩ, vũ công, nhạc sĩ... Họ nuốt lấy cả Vũ trụ và để cho những gì thấm nhuần được tuôn trào vào trí tưởng tượng của mình.
Khi vị thiền sư bảo O-Nami: “Hãy tưởng tượng con là những ngọn sóng đó”, ông có ý nói: “Trước hết con hãy đón nhận, cảm thụ, và rồi con sẽ trở nên sáng tạo”. Một khi cái tôi đã được gạt bỏ, bạn sẽ linh hoạt hơn, những gì bạn tưởng tượng đều sẽ biến thành hiện thực.
“Hãy quên mình là một đô vật và trở thành con sóng vĩ đại cuốn phăng mọi thứ trước mặt.”
Đêm hôm ấy O-Nami đồng ý ở lại chùa... cố gắng chỉ nghĩ đến những ngọn sóng...
Dĩ nhiên là vạn sự khởi đầu nan, ban đầu anh đã nghĩ đến nhiều thứ khác. Điều đó âu cũng tự nhiên thôi, nhưng anh đã tập trung lại. Hẳn anh ta đã rất kiên nhẫn. Rồi dần dần anh chỉ nghĩ về những ngọn sóng. Khoảnh khắc ấy đã đến… Nếu kiên trì theo đuổi, bạn sẽ bắt được cái khoảnh khắc mà mình hằng khao khát.
Rồi dần dần anh cũng tập trung được và chỉ nghĩ về những ngọn sóng. Trời càng về khuya, những con sóng càng lớn dần, lớn dần.
Không phải những con sóng thật ngoài đại dương đang lớn dần. Nhưng giờ đây những con sóng trong trí tưởng tượng của anh và những con sóng thật ngoài kia đã là một. Anh không còn phân biệt được đâu là mơ, đâu là hiện thực. Một lần nữa, anh trở lại là một đứa trẻ, bởi chỉ trẻ con mới có khả năng đặc biệt đó.
Buổi sáng thức dậy, trẻ con có thể khóc ngon lành vì không có trên tay món đồ chơi mà nó đã có trong giấc mơ – “Đồ chơi của con đâu?”. Và khi bạn khăng khăng giải thích đó chỉ là mơ, nó sẽ bảo: “Con không biết, đồ chơi của con đâu?”.
Chỉ những người sáng tạo mới biết cách vứt bỏ sự nhàm chán và không biết chán chút nào. Họ luôn rung động, say mê và thường xuyên sống trong trạng thái phiêu lưu.
Đứa trẻ không phân biệt được giữa mộng và thực. Nó không hề biết đến sự khác biệt đó. Nó xem tất cả đều là thực.
Khi bạn mở lòng mình ra để đón nhận, để cảm thụ, bạn sẽ hồn nhiên và giàu tưởng tượng như một đứa trẻ.
Giờ đây, những con sóng ấy:
… càng lớn dần, lớn dần. Chúng cuốn phăng những bông hoa trong bình trước tượng Phật, rồi cả những chiếc bình. Ngay đến tượng Phật bằng đồng cũng bị sóng cuốn đi.
“Trước hết con hãy đón nhận, cảm thụ, và rồi con sẽ trở nên sáng tạo”.Một khi cái tôi đã được gạt bỏ, bạn sẽ linh hoạt hơn, những gì bạn tưởng tượng đều sẽ biến thành hiện thực.
Cảnh tượng đó quá đẹp! Thật không dễ cho một Phật tử tưởng tượng ra cảnh bức tượng Phật bị cuốn đi. Nếu quá sùng đạo, sẽ có lúc anh ta phải cắt đứt mạch tưởng tượng của mình. Anh ta sẽ thốt lên: “Đủ rồi! Phật mà bị cuốn đi sao? Mình đang làm gì thế này? Không, mình không làm con sóng nữa!”. Có thể anh, con sóng đang cuộn tràn, sẽ dừng lại ngay dưới chân tượng, cùng lắm là chạm vào chân tượng chứ không dám đi xa hơn. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, một ngày nào đó, ngay cả bàn chân đã từng giúp bạn rất nhiều trên đường đời cũng phải ra đi. Phật cũng phải bị cuốn đi. Cánh cửa có thể sẽ trở thành vật cản nếu bạn cứ bám lấy nó.
… lớn dần, lớn dần… Chúng cuốn phăng những bông hoa trong bình trước tượng Phật, rồi cả những chiếc bình. Ngay đến tượng Phật bằng đồng cũng bị sóng cuốn đi. Đến bình minh thì toàn bộ ngôi chùa đã bị con sóng san bằng…
Sự việc này không xảy ra trong thực tế nhưng lại diễn ra bên trong O-Nami, trong một chiều hoàn toàn khác – chiều của thơ ca, tưởng tượng và mơ mộng. Nhờ lắng nghe tiếng sóng, nhờ biết đón nhận, anh đã mở được cánh cửa cho khả năng tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng của anh đã bùng nở như một đóa sen với nghìn lẻ một cánh.
Đến bình minh thì toàn bộ ngôi chùa đã bị con sóng san bằng, còn O-Nami vẫn ngồi đó với nụ cười an lạc trên môi.
Anh đã giác ngộ! Ngày trước Đức Phật cũng nở nụ cười như thế dưới gốc cây bồ đề. Đột nhiên O-Nami không còn tồn tại nữa, và nụ cười đó cho thấy anh đã trở về nhà. Đó là nụ cười của một người đã đến nơi, nụ cười của một người không còn phải lang thang tìm kiếm. Đó là nụ cười của một người đã tìm thấy cội nguồn, nụ cười của người đã chết và được tái sinh.
O-Nami vẫn ngồi đó với nụ cười an lạc trên môi.
Hôm đó, anh đã tham gia một cuộc thi đô vật và chiến thắng mọi trận đấu. Kể từ ngày ấy, trên khắp nước Nhật, không còn ai đủ sức đánh bại anh nữa.
Giờ đây, đó không còn là năng lượng của anh. Chàng trai ấy không còn là O-Nami, Sóng Lớn, mà đã trở thành đại dương. Làm sao bạn có thể đánh bại đại dương? Bạn chỉ có thể đánh bại được những con sóng mà thôi.
Chừng nào còn mang cái tôi, bạn vẫn còn nếm mùi thất bại, yếu đuối. Hãy gạt bỏ bản ngã, khi đó nguồn sức mạnh vô hạn sẽ bắt đầu tuôn chảy vào bạn. Nhờ gạt bỏ bản ngã, bạn sẽ trở thành dòng sông cuồn cuộn tuôn trào – bạn thật sự được sống.
Mọi sự sống đều thuộc về Toàn thể. Nếu bạn cố tìm cách sống riêng một mình thì thật là ngu xuẩn. Như vậy chẳng khác nào cái lá trên cây tìm cách sống riêng lẻ; không chỉ có thế, nó còn tìm cách chống lại cái cây, chống lại những chiếc lá khác, chống lại bộ rễ và nghĩ rằng tất cả đều là kẻ thù của mình. Chúng ta chỉ là những chiếc lá nhỏ trên Cây đời vĩ đại có tên là Thượng đế, Toàn thể, hay bất cứ tên gọi nào mà bạn thích. Bạn không cần phải chiến đấu. Cách duy nhất để về nhà, về với Cội nguồn là trao gửi.