Ngày xưa có một nhà điêu khắc vĩ đại. Tài năng nghệ thuật của ông hoàn hảo đến mức khi ông tạc một bức tượng, ta khó mà phân biệt được đâu là người thật và đâu là tượng. Cả hai giống nhau như đúc và hết sức sống động.
Một hôm, nhà chiêm tinh nọ báo rằng ông sắp chết đến nơi. Dĩ nhiên là nhà điêu khắc rất lo sợ và như bao người khác, ông cũng muốn né tránh cái chết. Ông ta nghĩ suốt về điều đó, và rồi đã tìm ra được giải pháp. Ông tạc mười một bức tượng giống hệt mình. Khi Thần Chết đến, ông đứng lẫn vào giữa những bức tượng và nín thở.
Thần Chết phân vân, không tin vào mắt mình. Chuyện này quả là chưa bao giờ xảy ra, thật khác thường! Thượng đế có khi nào tạo ra hai con người giống nhau như đúc đâu, bao giờ Người cũng tạo ra cái duy nhất. Người chưa từng đi theo lối mòn, lại càng không chuộng kiểu sản xuất hàng loạt. Người tuyệt đối chống lại sự rập khuôn và chỉ tạo ra nguyên bản. Thế thì điều gì đã xảy ra? Mười hai con người giống nhau như đúc. Phải đem ai đi bây giờ? Vì chỉ được đem một người đi mà thôi…
Thần Chết không sao quyết định được. Phân vân, bối rối và bực bội, cuối cùng ông bèn quay về hỏi: “Người đã làm gì vậy, thưa Thượng đế? Có đến mười hai con người giống hệt nhau trong khi tôi chỉ được chọn một. Tôi biết phải làm thế nào bây giờ?”.
Thượng đế cười lớn. Người gọi Thần Chết đến gần và thì thầm bí quyết tìm ra cái thực giữa những cái không thực vào tai ông, rồi bảo: “Ngươi hãy đi đi, và khi đến nơi mà nhà điêu khắc kia đang ẩn nấp, hãy nói ra điều đó”.
Thần Chết vẫn hoài nghi: “Nhưng nó có tác dụng thế nào?”.
Thượng đế trấn an: “Đừng lo, cứ đi và làm y như vậy”.
Thần Chết rời đi, lòng vẫn bán tín bán nghi nhưng vì là lệnh của Thượng đế nên ông ta phải làm theo. Ông bước vào gian phòng, nhìn quanh và nói bâng quơ: “Thưa ngài điêu khắc gia, mọi thứ ở đây rất hoàn hảo. Ngài đã làm rất tốt nhưng vẫn còn một điểm thiếu sót”.
Quên mất mình đang ẩn nấp, người đàn ông liền nhảy ra hỏi: “Lỗi gì kia chứ?”.
Thần Chết cười lớn: “Ngươi đã bị bắt! Lỗi đó chính là: ngươi không thể quên được bản ngã của mình. Nào, hãy theo ta”.
Nghệ sĩ thường có cái tôi rất lớn. Nếu thế thì anh ta không phải là nghệ sĩ đích thực. Anh ta chỉ dùng nghệ thuật để làm phương tiện thỏa mãn cái tôi của mình. Nghệ sĩ rất coi trọng cái tôi cá nhân, thường xuyên ba hoa về bản thân và không ngừng tranh cãi, đấu đá lẫn nhau. Ai cũng nghĩ mình là người đầu tiên hoặc là người sau cùng. Nhưng đó không phải là nghệ thuật đích thực.
Người nghệ sĩ thực thụ phải hoàn toàn biến mất. Còn kiểu nghệ sĩ “nửa mùa” thì chỉ được xem là… thợ diễn. Phải, tôi không gọi họ là nghệ sĩ mà chỉ xem họ là những thợ diễn. Tôi cũng không gọi họ là những nhà sáng tạo mà chỉ xem họ là những người xếp đặt. Phải! Sắp xếp câu chữ là một chuyện, còn sáng tác thơ lại là điều hoàn toàn khác. Để soạn một bài thơ, người ta cần hiểu biết về ngôn ngữ và luật thơ. Đó là một trò chơi với ngôn từ. Nếu bạn nắm vững toàn bộ trò chơi, bạn có thể soạn ra một bài thơ. Bài thơ đó dẫu không thi vị cho lắm nhưng vẫn mang dáng dấp thơ ca. Về mặt kỹ thuật nó có thể hoàn hảo nhưng chỉ là một cái xác không hồn.
Cái hồn chỉ xuất hiện khi người nghệ sĩ mất hút trong tác phẩm của mình. Khi người họa sĩ vẽ với tâm thế mình không còn hiện diện nữa, anh ta thậm chí sẽ cảm thấy áy náy khi ký tên dưới tác phẩm vì biết rằng mình không phải là tác giả! Một thế lực ẩn danh nào đó đã làm thay và anh ta chỉ biết mình đã “được” chiếm ngự. Đó là cảm giác mà tất cả những nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đều trải qua: được chiếm ngự bởi một điều gì đó. Nghệ sĩ càng vĩ đại thì cảm nhận này càng rõ.
Những tên tuổi lừng lẫy như Mozart, Beethoven, Kalidas(***), Rabindranath Tagore(****) đều đinh ninh rằng mình chẳng là gì cả ngoài ống tre rỗng và Hiện hữu đã qua họ mà cất tiếng hát. Họ như một cây sáo được thổi vang, nhưng tiếng nhạc đó không phải do họ sáng tác. Kiệt tác ấy tuôn chảy qua họ và tới từ một nguồn nào đó không ai biết. Tất cả những gì họ làm là không cản trở mà để nó tuôn chảy qua mình.
(***) Kalidas: nhà thơ, nhà viết kịch vĩ đại nhất của Ấn Độ.
(****) Tagore (1861 – 1941): triết gia, nhà thơ được trao giải Nobel Văn học năm 1913.
Người sáng tạo thực thụ biết rằng mình không tạo ra cái gì cả. Chính Tạo hóa đã mượn đôi tay, thể xác anh ta để làm. Anh ta trở thành công cụ. Trong nghệ thuật đích thực, bản thân người nghệ sĩ sẽ biến mất, do vậy mà không có chỗ cho cái tôi. Theo đó nghệ thuật trở thành một tôn giáo và người nghệ sĩ trở thành nhà huyền môn.
Bóng dáng người nghệ sĩ càng ít xuất hiện trong tác phẩm của mình thì tác phẩm ấy càng hoàn hảo. Khi người nghệ sĩ hoàn toàn quên mất bản thân, sự sáng tạo sẽ là tuyệt đối. Nếu hình bóng của người nghệ sĩ quá lớn trong tác phẩm, tác phẩm đó sẽ trở nên kinh tởm. Nó chỉ là sản phẩm của cái tôi không hơn không kém.
Cái tôi là một chứng bệnh thần kinh. Cái tôi lúc nào cũng muốn được hoàn hảo. Cái tôi lúc nào cũng cầu toàn. Cái tôi lúc nào cũng muốn phải cao hơn, phải tốt hơn người khác. Tuy vậy, sự hoàn hảo chẳng bao giờ có thể đạt được qua cái tôi, nỗ lực kiểu này luôn dẫn đến thất bại. Sự hoàn hảo chỉ đến khi cái tôi không hiện diện, nhưng khi đó thì con người cũng sẽ chẳng nghĩ đến sự hoàn hảo.
Cái hồn chỉ xuất hiện khi người nghệ sĩ mất hút trong tác phẩm của mình. Một thế lực ẩn danh nào đó đã làm thay và anh ta chỉ biết mình đã “được” chiếm ngự. Đó là cảm giác mà tất cả những nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đều trải qua: được chiếm ngự bởi một điều gì đó. Nghệ sĩ càng vĩ đại thì cảm nhận này càng rõ.
Như vậy, người nghệ sĩ thực thụ sẽ không bao giờ nghĩ đến sự hoàn hảo. Anh ta không hề có khái niệm nào về sự hoàn hảo mà chỉ đơn giản là trao gửi mình, buông bỏ và bất cứ điều gì xảy ra, cứ để chúng xảy ra. Người nghệ sĩ thực thụ chắc chắn sẽ nghĩ đến sự tận hiến chứ không hề nghĩ đến sự hoàn hảo. Anh ta muốn được hoàn toàn chìm đắm trong tác phẩm – chỉ có như vậy thôi. Khi múa, anh ta muốn hòa tan vào vũ điệu. Anh ta không muốn mình tồn tại nữa bởi sự hiện diện của vũ công sẽ phá hỏng nét duyên dáng, uyển chuyển, liền lạc của vũ điệu. Khi vũ công không còn, mọi vật cản cũng biến mất và dòng chảy sẽ tuôn trôi êm đềm.
Người nghệ sĩ đích thực chắc chắn sẽ nghĩ đến việc tận hiến – làm thế nào để tận hiến trọn vẹn – chứ không bao giờ nghĩ đến sự hoàn hảo. Và cái hay là ở chỗ, những ai cống hiến trọn vẹn đương nhiên sẽ trở nên hoàn hảo. Những ai chỉ nghĩ đến sự hoàn hảo sẽ không bao giờ hoàn hảo, cũng như cống hiến hết mình. Ngược lại, càng nghĩ đến sự hoàn hảo thì họ càng quẫn trí. Lúc nào họ cũng có những hình ảnh lý tưởng trong đầu để so sánh, rồi thấy rằng mình còn thua kém!
Bóng dáng người nghệ sĩ càng ít xuất hiện trong tác phẩm của mình thì tác phẩm ấy càng hoàn hảo. Khi người nghệ sĩ hoàn toàn quên mất bản thân, sự sáng tạo sẽ là tuyệt đối.
Nếu bạn có một ý tưởng nào đó, bạn sẽ luôn cảm thấy mình chưa hoàn hảo trừ khi ý tưởng ấy được thực thi. Chẳng hạn như, nếu bạn nghĩ bạn phải trở thành một vũ công như Nijinsky(*****) thì làm sao bạn có thể cống hiến trọn vẹn cho vũ điệu? Lúc nào bạn cũng tìm kiếm, quan sát bản thân, cố gắng cải thiện và sợ phạm sai lầm. Thế là bạn như bị phân đôi, một nửa thì khiêu vũ, còn nửa kia thì luôn đánh giá, chỉ trích và lên án. Bản thân bạn không còn nguyên vẹn nữa, bạn đã bị phân mảnh.
(*****) Vaslav Nijinsky là một trong những nam vũ công ba lê tài năng nhất lịch sử.
Nijinsky hoàn hảo vì anh đã hoàn toàn tận hiến. Anh thường tung mình thể hiện những động tác rất ngoạn mục khiến mọi người không thể tin vào mắt mình, ngay cả những nhà khoa học cũng không hiểu nổi bởi chúng dường như đi ngược lại luật hấp dẫn của Trái đất – một điều không thể nào xảy ra! Và khi tiếp đất trở lại, anh cũng đáp nhẹ như một sợi lông hồng…
Mọi người đã nhiều lần hỏi anh về điều này. Mọi người càng hỏi thì anh càng ý thức về điều đó, thế là khả năng này dần bị mai một, rồi bỗng dưng mất hẳn. Nguyên do là anh đã đánh mất tính tận hiến khi thực hiện vũ điệu. Bản thân anh cũng hiểu được vì sao mình không còn khả năng thực hiện những cú tung mình ngoạn mục nữa. Phút thăng hoa xuất thần ấy chỉ diễn ra khi Nijinsky hoàn toàn hóa thân vào vũ điệu. Trong trạng thái thư giãn hoàn toàn, trong trạng thái buông bỏ trọn vẹn, con người như được sống trong một thế giới khác hẳn, tuân theo những luật lệ khác hẳn.
Có một định luật mà chẳng sớm thì muộn khoa học cũng sẽ khám phá ra. Tôi gọi đó là luật của sự Đê mê. Cũng như ba trăm năm trước mọi người hãy còn chưa biết đến luật Vạn vật Hấp dẫn thì định luật này vẫn tồn tại, bởi một định luật không cần phải được biết đến mới có thể tồn tại trong cuộc sống. Định luật đó lúc nào cũng tồn tại và không liên quan gì đến Newton hay trái táo rơi. Trước lúc Newton ra đời thì táo vẫn rụng đấy thôi! Chẳng phải nhờ Newton phát hiện ra định luật này mà táo mới bắt đầu rụng. Định luật đã có từ trước và Newton chỉ là người phát hiện ra nó.
Bạn bước trên mặt đất nhưng lại có cảm giác chân không chạm đất mà như đang lơ lửng trên không. Đó là những lúc bạn đang vui sướng, đang cầu nguyện, đang thiền định, đang yêu hay hân hoan chào đón một điều gì đó… khi ấy bạn cảm thấy mình nhẹ bổng, thăng hoa và phi trọng lượng.
Tương tự như thế, một định luật khác cũng đã và đang tồn tại, luật của sự Đê mê. Nếu như lực hấp dẫn kéo mọi vật xuống đất thì lực của sự Đê mê sẽ nâng tất cả lên. Trong thiền yoga, người ta gọi đó là sự bay bổng, xuất thần hay thăng hoa. Trong trạng thái ngất ngây trước những điều thiêng liêng, trong trạng thái vô ngã, trao gửi hoàn toàn, định luật này bắt đầu vận hành.
Cái tôi cũng giống như tảng đá trì kéo bạn vậy. Khi cái tôi không còn, bạn sẽ trở nên… phi trọng lượng. Bạn bước trên mặt đất nhưng lại có cảm giác chân không chạm đất mà như đang lơ lửng trên không. Đó là những lúc bạn đang vui sướng, đang cầu nguyện, đang thiền định, đang yêu hay đang hân hoan chào đón một điều gì đó… khi ấy bạn cảm thấy mình nhẹ bổng, thăng hoa và phi trọng lượng.