Tâm trí hiện tại là một thuật ngữ mâu thuẫn ngay trong chính bản thân nó. Bởi tâm trí không bao giờ thuộc về hiện tại, mà lúc nào nó cũng già cỗi. Tâm trí thuộc về quá khứ và chỉ mang theo quá khứ. Tâm trí chứa đựng ký ức nên không thể có tâm trí hiện tại.
Nếu bạn hiện hữu ở đây và bây giờ, vậy thì bạn thuộc về hiện tại. Nhưng khi đó tâm trí bạn đã biến mất! Trong đầu bạn không có lấy một chút suy nghĩ, khát khao nào. Bạn mất hẳn mối dây liên hệ với quá khứ lẫn tương lai.
Tâm trí không bao giờ trinh nguyên, không thể được! Không có tâm trí nào còn trinh nguyên, tươi mới và trẻ trung. Tâm trí lúc nào cũng già cỗi, mục ruỗng và cũ rích.
Tâm trí thuộc về quá khứ và chỉ mang theo quá khứ. Tâm trí chứa đựng ký ức nên không thể có tâm trí hiện tại.
Thế nhưng cụm từ trên vẫn được dùng và dùng với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Và theo cách dùng đó thì cụm từ này lại có ý nghĩa. Đó là khi nói đến sự khác biệt giữa tâm trí của thế kỷ 19 so với tâm trí đương thời, những câu hỏi xưa kia từng được đặt ra thì ngày nay chúng ta không còn hỏi nữa. Những câu hỏi từng rất quan trọng ở thế kỷ 18 giờ đây lại trở thành những câu hỏi ngớ ngẩn. Ví dụ như thời Trung Cổ, một trong những câu hỏi hóc búa nhất là “Bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên đầu kim?”. Ngày nay làm gì còn người ngu nào xem đó là câu hỏi quan trọng kia chứ? Và đề tài này đã được những nhà thần học vĩ đại nhất bàn thảo, cũng như rất nhiều giáo sư vĩ đại viết chuyên luận về nó – mà họ đâu phải là những con người tầm thường. Biết bao cuộc hội đàm đã được tổ chức vì nó. Nhưng ngày nay thì mấy ai thèm quan tâm! Thật là vớ vẩn!
Vào thời Đức Phật, người ta đã từng hỏi: “Ai đã tạo ra thế giới này?”. Câu hỏi đó vẫn được đặt ra suốt nhiều thế kỷ qua nhưng ngày nay rất ít người quan tâm. Phải, tuy vẫn còn những con người “cổ lỗ sĩ” nhưng hiếm có ai hỏi tôi câu hỏi như vậy. Nhưng thời đó, Đức Phật đã phải đương đầu với nó hàng ngày, không ngày nào mà Ngài không nhận được câu hỏi “Ai đã tạo ra thế giới này?”. Đức Phật đã phải lặp đi lặp lại mãi rằng thế giới đã có sẵn từ lâu rồi và chẳng ai tạo ra nó, nhưng không ai thỏa mãn với câu trả lời ấy. Ngày nay thì chẳng còn ai quan tâm đến câu hỏi đó nữa. Rất hiếm người hỏi tôi: “Ai đã tạo ra thế giới này?”. Chính vì vậy mà có thể nói rằng tâm trí luôn thay đổi theo thời gian, giống như thời trang vậy. Và hiểu theo cách đó thì tâm trí hiện tại, hay tâm trí đương thời, là một cụm từ có nghĩa.
Về cơ bản thì mọi tâm trí đều già nua, cũ kỹ. Không thể có tâm trí hiện đại, vì ngay cả tâm trí hiện đại nhất cũng vẫn bị nhuốm màu quá khứ.
Người thực sự sống là người thuộc về hiện tại. Anh ta không sống trong quá khứ mà cũng chẳng sống cho tương lai, anh ta chỉ sống cho giây phút hiện tại. Anh ta sống hết sức tự nhiên, không hề bị gò bó; và sự ngẫu nhiên đó chính là hương thơm của vô trí. Tâm trí thì luôn lặp lại, lúc nào nó cũng chuyển động theo vòng tròn. Tâm trí hoạt động như một cỗ máy… nghĩa là có tính “máy móc”, bạn nuôi dưỡng nó bằng kiến thức và nó cứ nhai đi nhai lại cùng một thứ kiến thức.
Người thực sự sống là người thuộc về hiện tại. Anh ta không sống trong quá khứ mà cũng chẳng sống cho tương lai, anh ta chỉ sống cho giây phút hiện tại.
Vô trí là sáng tỏ, thuần khiết và hồn nhiên. Vô trí là cách đích thực để sống, để thấu hiểu và để tồn tại.
Trí tuệ là cái gì đó giả tạo, cái gì đó không thật. Nó chỉ là phiên bản thay thế cho trí thông minh. Thông minh là một hiện tượng hoàn toàn khác, là cái có thực.
Để nuôi dưỡng trí thông minh, ta cần hết sức dũng cảm và thích phiêu lưu. Thông minh đòi hỏi bạn phải không ngừng dấn bước vào những vùng đất chưa biết, những vùng biển chưa hề có tên trên bản đồ. Con người thường hay sợ và cảm thấy không an toàn trước những điều chưa biết. Họ không muốn vượt xa những gì vốn quá quen thuộc, chính vì vậy họ đã tạo ra một phiên bản giả tạo để thay thế cho sự thông minh, đó chính là trí tuệ.
Trí tuệ chỉ là một trò chơi của trí não và không thể nào sáng tạo được.
Bạn có thể đến các trường đại học và xem những công việc sáng tạo đang diễn ra ở đấy. Hàng ngàn chuyên luận đang được viết, cùng rất nhiều bằng cấp đang được cấp cho mọi người. Chẳng ai biết được “số phận” của những luận án đó – chúng cứ tích ứ thành đống như những đống rác trong thư viện. Chẳng ai thèm đọc và chúng cũng chẳng truyền được cảm hứng cho ai. Phải, vẫn có một vài người đọc – là những người sắp sửa viết những bài luận án khác. Những tiến sĩ tương lai tất nhiên sẽ đọc chúng.
Nhưng các trường đại học không tạo ra những Shakespeare, Milton(******), Dostoevsky(*******), Tolstoy, Rabindranath Tagore hay Kahlil Gibran(********). Các trường đại học chỉ tạo ra những đống rác rưởi vô dụng. Hoạt động trí tuệ vẫn đang tiếp diễn ở những nơi này.
(******) John Milton (1608 – 1674): nhà thơ, soạn giả, nhà bình luận văn học người Anh.
(*******) Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821 – 1881): nhà văn nổi tiếng người Nga. Cùng với Lev Tolstoy, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19.
(********) Kahlil Gibran: tiểu thuyết gia, họa sĩ, thi sĩ tâm linh người Li-băng.
Con người thường hay sợ và cảm thấy không an toàn trước những điều chưa biết. Họ không muốn vượt xa những gì vốn quá quen thuộc, chính vì vậy họ đã tạo ra một phiên bản giả tạo để thay thế cho sự thông minh, đó chính là trí tuệ.
Trí tuệ chỉ là một trò chơi của trí não và không thể nào sáng tạo được.
Trong khi đó, chính sự thông minh đã sản sinh ra Picasso, Van Gogh, Mozart, Beethoven… bởi thông minh là một chiều hướng hoàn toàn khác, chẳng liên quan gì đến cái đầu mà chỉ liên quan đến trái tim. Trí tuệ thuộc về cái đầu, trong khi thông minh là trạng thái thức giấc của trái tim. Khi trái tim bạn thức tỉnh, khi trái tim bạn nhảy múa với lòng biết ơn sâu sắc, khi trái tim bạn hòa nhịp cùng sự tồn tại thì từ sự hài hòa đó sẽ sản sinh sự sáng tạo.
Trí tuệ chỉ tạo ra rác rưởi, chỉ có thể sản xuất chứ không hề sáng tạo. Thế thì đâu là sự khác biệt giữa sản xuất và sáng tạo? Sản xuất là một hoạt động mang tính máy móc. Máy tính có thể làm được điều đó, thậm chí còn làm hiệu quả hơn cả con người. Sản xuất là một hoạt động lặp đi lặp lại, cứ dựa trên những gì đã làm mà làm tới làm lui. Trong khi đó sáng tạo nghĩa là thổi một luồng gió mới vào cái đang tồn tại, là tìm cách để đưa cái chưa biết hòa vào cái đã biết, là mở lối để đưa bầu trời đến với trái đất.
Khi có Beethoven, Michelangelo hay Kalidas, bầu trời như mở ra và cơn mưa hoa trút xuống. Ở đây tôi không nói đến Đức Phật, Chúa Jesus, Thần Krishna, Mahavir, hay Tiên tri Mohammed vì những gì họ sáng tạo ra đều tinh tế đến mức bạn không thể nắm bắt được. Cái mà Michelangelo và Van Gogh tạo ra đều có thể nhìn thấy, trong khi cái mà Đức Phật tạo ra lại tuyệt đối vô hình và bạn cần có cách cảm thụ hoàn toàn khác mới có thể hiểu được. Để hiểu được lời dạy phi phàm của Đức Phật, bạn cần phải thông minh, chứ trí tuệ sẽ không giúp ích gì trong việc thấu hiểu.
Chỉ có hai loại người là sáng tạo, đó là nghệ sĩ và nhà huyền môn. Nghệ sĩ sáng tạo trong thế giới thô; còn nhà huyền môn thì sáng tạo trong thế giới tinh. Nghệ sĩ sáng tạo trong thế giới bên ngoài, họ làm ra những bức vẽ, bài thơ, bài hát, âm nhạc, vũ điệu; còn nhà huyền môn sáng tạo trong thế giới nội tâm. Sáng tạo của nghệ sĩ mang tính khách quan, dựa trên sự quan sát; còn sáng tạo của nhà huyền môn mang tính chủ quan, hoàn toàn xuất phát từ suy nghiệm nội tâm. Trước hết hãy hiểu thêm về các nghệ sĩ, để rồi một ngày nào đó, hy vọng bạn cũng sẽ hiểu được nhà huyền môn. Nhà huyền môn là loài hoa cao quý nhất trong khu vườn sáng tạo. Nhưng bạn lại không nhận ra được những điều mà nhà huyền môn đang làm.
Sáng tạo nghĩa là thổi một luồng gió mới vào cái đang tồn tại, là tìm cách để đưa cái chưa biết hòa vào cái đã biết, là mở lối để đưa bầu trời đến với trái đất.
Đức Phật chưa bao giờ vẽ tranh, Ngài chưa từng cầm cọ cũng như chưa từng sáng tác thơ hay hát bài hát nào. Cũng chẳng ai trông thấy Ngài nhảy múa, Ngài chỉ ngồi tĩnh tọa. Ấy vậy mà quanh Ngài vẫn toát ra vẻ đẹp phi phàm, vẻ đẹp thanh tao và bạn cần phải hết sức nhạy cảm, tinh tế mới cảm nhận được điều đó. Bạn phải hết sức cởi mở và không tranh cãi. Bạn không thể chỉ ngồi đó chiêm ngắm Đức Phật mà phải hòa cùng. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy được cái mà Ngài đang sáng tạo. Ngài sáng tạo ra ý thức – một dạng thức biểu đạt thuần khiết nhất, cao quý nhất.
Một bản nhạc hay, một vũ điệu đẹp là nhờ có tính thiêng liêng, thánh thiện trong đó. Trong Đức Phật, trong Mahavir… có sự hiện diện của Thượng đế, Đấng Toàn thể.
Hoạt động trí tuệ có thể giúp bạn trở thành chuyên gia về lĩnh vực nào đó. Nhưng trí tuệ chỉ dò dẫm trong bóng tối. Nó không có mắt bởi chưa được khai ngộ nhờ thiền định, hay trầm tư mặc tưởng. Trí tuệ là một hình thức vay mượn vì nó không có sự sáng suốt riêng.
Suốt nhiều tuần lễ, Arthur đã trả lời suôn sẻ tất cả những câu hỏi liên quan đến chủ đề làm tình trong một cuộc thi đố trên truyền hình. Giờ đây anh đã đáp ứng đủ điều kiện để tham gia trả lời câu hỏi lớn với trị giá giải thưởng lên đến một trăm nghìn đô-la. Với câu hỏi này, anh được phép nhờ một chuyên gia trợ giúp. Và dĩ nhiên Arthur đã chọn một chuyên gia người Pháp nổi tiếng thế giới về tình dục học.
Câu hỏi được nêu ra là: “Nếu bạn được làm vua trong năm mươi năm đầu của triều đại Assyria(********), bạn sẽ phải hôn vào ba bộ phận nào của xác ướp cô dâu trong đêm tân hôn?”.
(********) Assyria là vương quốc của người Akkad, bắt đầu tồn tại như một nhà nước từ cuối thế kỷ 25 hoặc đầu thế kỷ 24 cho đến năm 608 (trước Công nguyên) với trung tâm ở thượng nguồn sông Tigris, phía bắc Lưỡng Hà (nay là miền bắc Iraq).
Thật không khó để trả lời hai bộ phận đầu tiên. Arthur đáp nhanh: “Môi và cổ cô ấy”.
Nhưng đến bộ phận thứ ba thì Arthur bị bí. Anh bèn quay sang nhờ vị chuyên gia của mình giúp. Vị này giơ hai tay đầu hàng và nói với giọng thiểu não: “Anh bạn ơi, đừng hỏi tôi. Tôi đã sai hai lần rồi”.
Thế đấy, vị chuyên gia này, một con người đầy kiến thức nhưng lại không có sự hiểu biết thấu suốt. Ông ta chỉ dựa vào kiến thức vay mượn, vào truyền thống và quy ước. Trong đầu ông là cả một cái thư viện di động, một gánh nặng to lớn nhưng lại không có tầm nhìn sâu rộng. Ông ta biết nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu.
Bởi vì cuộc sống thay đổi từng giờ từng phút nên vị chuyên gia kia lúc nào cũng bị bỏ rơi lại phía sau, câu trả lời của ông ta lúc nào cũng không thỏa đáng. Ông ta chỉ phản ứng chứ không thể đáp ứng một cách tương thích. Trong ông lúc nào cũng có sẵn câu kết luận... mẫu. Ông luôn chuẩn bị sẵn câu trả lời, song những câu hỏi mà cuộc sống nêu ra thì bao giờ cũng mới.
Hơn nữa, cuộc sống không phải là một hiện tượng đầy tính lô-gic, vì vậy ông không bao giờ tương thích được với cuộc sống. Và dĩ nhiên cuộc sống không hề lúng túng, chỉ có con người trí tuệ kia lúng túng mà thôi. Lúc nào ông cũng cảm thấy mình như là người ngoài cuộc, đó không phải là vì cuộc sống đã xua đuổi ông mà do ông đã quyết định sống bên lề cuộc đời. Nếu bạn bám víu quá nhiều vào lô-gic, bạn sẽ không thể trở thành một phần của tiến trình cuộc sống.
Cuộc sống không chỉ có lô-gic mà còn hơn thế nữa. Cuộc sống chứa đầy những điều nghịch lý và bí ẩn.
Nếu bạn bám víu quá nhiều vào lô-gíc, bạn sẽ không thể trở thành một phần của tiến trình cuộc sống.
Cuộc sống không chỉ có lô-gíc mà còn hơn thế nữa. Cuộc sống chứa đầy những điều nghịch lý và bí ẩn.
Gannaway và O’Casey dàn xếp một cuộc đọ súng tay đôi. Gannaway khá mập và khi trông thấy đối thủ còm nhom của mình, anh ta đã phản đối:
- Không được! Tôi to gấp đôi anh ta, do đó tôi phải đứng xa gấp đôi khoảng cách.
Nghe thật là lô-gic đúng không? Nhưng làm thế nào bạn làm được điều đó đây?
- Thôi được. – Gannaway liền bảo. – Tôi sẽ chỉnh lại mọi thứ ngay.
Rồi anh lấy từ trong túi ra một mẩu phấn và vẽ hai đường thẳng xuôi theo chiếc áo khoác ngoại cỡ của mình, có chừa một khoảng chính giữa.
- Nào, – anh quay sang nói với O’Casey, – bắn đi, và nhớ là phát nào ra ngoài đường phấn đều không tính nhé.
Thật là hoàn hảo về mặt toán học và lô-gic, nhưng cuộc đời đâu có lô-gic đến thế, cũng như cuộc đời có bao giờ đóng khung theo công thức toán đâu. Ấy vậy mà con người vẫn cứ tiếp tục sống bằng trí tuệ một cách hết sức máy móc. Lô-gic cho họ cảm giác như thể họ đã biết, nhưng đó chỉ là một cái “như thể” to tướng và người ta thường có xu hướng quên mất điều đó. Bất luận bạn có làm điều gì dựa trên trí tuệ thì đó cũng chỉ là sự suy luận, bịa đặt chứ không phải là trải nghiệm thật sự.
Một hôm, sau khi đã uống say bét nhè, Cudahy đứng nhìn mọi người diễu hành nhân ngày lễ thánh Patrick. Vô tình, anh vứt mẩu thuốc lá đang cháy dở xuống chiếc nệm cũ bên lề đường.
Vừa lúc đó, những thành viên đầu đã điểm hoa râm của Đội Nữ Y tá oai vệ bước tới. Và tấm nệm cháy âm ỉ bắt đầu tỏa ra một thứ mùi kinh khủng.
Cudahy khịt khịt mũi đôi lần rồi bảo với người cảnh sát đứng gần đó: “Thưa ông, những nữ y tá kia diễu hành quá nhanh!”.
Trí tuệ có thể đạt đến một mức suy luận nào đó nhưng chỉ là hiện tượng vô thức. Bạn hành xử gần như đang ngủ mê, trong khi thông minh nghĩa là thức tỉnh. Chừng nào bạn còn chưa hoàn toàn thức tỉnh thì những quyết định bạn đưa ra đều sẽ vấp phải sai lầm.
Để đưa sự thông minh vào trong hoạt động, bạn không cần thêm thông tin mà chỉ cần thiền định nhiều hơn. Bạn cần tĩnh lặng nhiều hơn và suy nghĩ ít đi. Bạn cần bớt sử dụng cái đầu và thay vào đó hãy dùng đến trái tim nhiều hơn. Bạn cần nhận ra điều kỳ diệu ở quanh mình – điều kỳ diệu từ cuộc sống, từ Thượng đế; điều kỳ diệu ẩn chứa ở màu xanh của cây cối, màu đỏ của những bông hoa; điều kỳ diệu lấp lánh trong ánh mắt người. Điều kỳ diệu đang diễn ra ở khắp nơi! Vạn vật đều thấm đẫm điều kỳ diệu! Tuy nhiên lý trí đã khiến bạn tự nhốt mình từ bên trong, bám vào những kết luận ngu xuẩn mà bạn đã tạo ra do thiếu hiểu biết về bản thân hoặc do người khác truyền dạy.
Để đưa sự thông minh vào trong hoạt động, bạn không cần thêm thông tin mà chỉ cần thiền định nhiều hơn. Bạn cần tĩnh lặng nhiều hơn và suy nghĩ ít đi. Bạn cần bớt sử dụng cái đầu và thay vào đó hãy dùng đến trái tim nhiều hơn.
Trong thông minh chắc chắn đã hàm chứa sự sáng tạo, bởi thông minh sẽ khiến bạn phải cống hiến trọn vẹn bản thân cho hoạt động – chứ không chỉ với cái đầu thôi. Thông minh lan tỏa khắp toàn thể con người bạn. Từng tế bào, từng thớ thịt trong cơ thể bạn đều nhảy múa và hòa nhịp cùng Toàn thể.
Sáng tạo là hòa nhịp tuyệt đối với Toàn thể. Rồi mọi sự sẽ diễn ra theo cách của riêng nó. Trái tim bạn sẽ cất lên tiếng ca vui, bàn tay bạn sẽ biến đổi vạn vật. Khi bạn chạm vào bùn, bùn sẽ hóa thành hoa sen – bạn chẳng khác gì nhà giả kim! Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi sự thông minh trong bạn được đánh thức toàn diện, cũng như trái tim bạn hoàn toàn thức giấc.