Trong thực tế, một con người sáng tạo thật sự sẽ không có mấy niềm tin, thậm chí là không có lấy một niềm tin nào. Anh ta chỉ mang theo những trải nghiệm sống mà thôi. Và cái đẹp của trải nghiệm nằm ở chỗ nó luôn luôn mở, lúc nào cũng có thể khám phá. Trong khi đó, niềm tin thì luôn khép chặt và đã hoàn chỉnh. Trải nghiệm không bao giờ là kết thúc, nó vẫn để ngỏ để bạn có thể thêm vào những trải nghiệm mới. Bởi làm sao bạn có thể kết thúc trải nghiệm khi mình vẫn còn đang sống? Trải nghiệm không ngừng dày lên, thay đổi và dịch chuyển. Nó liên tục dịch chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết, và từ cái chưa biết đến cái không thể biết được. Hãy nhớ rằng, cái hay cái đẹp của trải nghiệm là ở chỗ nó vẫn chưa kết thúc. Trong cái dang dở luôn ẩn chứa vẻ đẹp riêng.
Có lần tôi được nghe câu chuyện ngụ ngôn sau:
Một vì vua nọ đến gặp thiền sư để học cách làm vườn. Thiền sư đã chỉ dạy cho nhà vua trong ba năm trời. Kết quả là nhà vua có được một khu vườn rộng lớn, đẹp đẽ với hàng ngàn người làm vườn và ngài đã tự mình trải nghiệm những điều thiền sư dạy trong chính khu vườn này.
Sau ba năm, khu vườn đã trở nên hoàn hảo và nhà vua cho mời vị thiền sư nọ đến ngắm. Bản thân nhà vua cũng hồi hộp không kém, bởi vị thiền sư này rất nghiêm khắc: “Liệu ông ấy có khen nó không? Liệu ông ấy có bảo ‘Ngài đã hiểu ý tôi!’?” – cuộc thăm viếng chẳng khác gì một buổi đánh giá, kiểm tra.
Mọi thứ đều được chăm sóc rất cẩn thận. Khu vườn trông thật đẹp, thật hoàn hảo. Tuy nhiên, ngay từ phút đầu tiên vị thiền sư đã tỏ ra buồn bã. Ông nhìn quanh, đi lại khắp vườn và trông càng lúc càng nghiêm trọng. Nhà vua rất lo lắng. Chưa bao giờ ngài thấy thiền sư có vẻ mặt nghiêm trọng đến thế: “Tại sao trông ông buồn bã vậy? Có gì không phải chăng?”.
Vị thiền sư cứ liên tục lắc đầu và lẩm bẩm: “Không”.
Nhà vua bèn hỏi: “Có chuyện gì thế, thưa thầy? Có gì sai ư? Tại sao thầy không nói cho tôi biết? Trông thầy thật nghiêm trang và buồn bã, lại lắc đầu liên tục. Tại sao thế? Có gì sai chăng? Tôi có thấy gì sai đâu? Thầy đã hướng dẫn tôi cách làm và tôi đã thực hiện đúng như vậy mà”.
Vị thiền sư đáp: “Khu vườn toàn thiện toàn mỹ đến mức trông nó trơ trơ như đã chết. Chính vì thế tôi đã lắc đầu và nói ‘Không’. Những chiếc lá úa đâu rồi? Cả những chiếc lá khô nữa? Tôi không thấy một mẩu lá khô nào!”. Trong vườn không có lấy một chiếc lá khô, mọi lối đi đều sạch trơn và trên cây cũng không có lá khô lẫn lá ngả vàng.
Nhà vua giãi bày: “Tôi đã sai những người làm vườn dọn, nhặt hết mọi thứ để khu vườn trông thật hoàn hảo”.
Vị thiền sư nói: “Chính vì thế mà khu vườn trông thật tẻ nhạt và giả tạo. Những gì Thượng đế tạo ra chẳng bao giờ là hoàn hảo”. Nói rồi vị thiền sư rời đi, tìm đến nơi lá khô được vun thành đống. Ông nhặt lấy vài chiếc lá khô rồi tung chúng theo gió. Gió thổi đám lá chao bay trong không trung và nô đùa cùng chúng. Mấy chiếc lá khô bắt đầu nhảy tung tăng trên những lối mòn trong vườn.
Vị thiền sư hớn hở: “Nhìn xem, trông mới sinh động làm sao!”. Khắp nơi xào xạc tiếng lá khô nghe như một bản hòa âm đặc biệt của gió và lá. Khu vườn giờ đây rộn ràng hơn, thay cho vẻ ảm đạm, lặng ngắt như tờ vào lúc đầu.
Tôi thích câu chuyện trên, nhất là khi vị thiền sư nói: “Nó quá hoàn hảo, và đó chính là điểm sai lầm”.
Một người phụ nữ nọ có nói với tôi rằng cô ấy đang viết một cuốn tiểu thuyết và rất phân vân không biết phải làm gì. Câu chuyện đã tới điểm có thể kết thúc rồi nhưng vẫn còn kéo dài được nữa. Tôi bảo cô ấy hãy kết thúc khi nó còn chưa kết thúc: “Nếu nhân vật chính của cô vẫn còn muốn làm điều gì đó, hãy để anh ta tự quyết cho hành trình tiếp theo của mình. Khi đó mọi việc đã nằm ngoài khả năng của cô, cô còn làm gì được nữa! Và thế là quyển sách kết thúc ở đây trong khi câu chuyện vẫn còn đang tiếp diễn”.
Câu chuyện hay là câu chuyện để lại cái kết mở. Trải nghiệm luôn còn bỏ ngỏ, nghĩa là vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó niềm tin thì đã hoàn chỉnh và kết thúc. Do vậy, để trải nghiệm, phẩm chất đầu tiên bạn cần có là sự cởi mở.
Tâm trí là tập hợp những niềm tin mà bạn có. Cởi mở nghĩa là đặt tâm trí sang một bên và sẵn sàng nhìn cuộc đời với cách nhìn mới mẻ. Tâm trí khiến bạn có cái nhìn cũ kỹ và luôn cho bạn ý nghĩ: “Hãy nhìn sự việc qua lăng kính này”. Nhưng khi đó thì sự việc đã bị tô màu. Bạn không còn nhìn vào chính sự việc nữa mà đã áp đặt ý nghĩ của mình vào đó. Hiện thực trở thành một tấm màn để bạn phóng chiếu những ý nghĩ của mình lên.
Tâm trí là tập hợp những niềm tin mà bạn có. Cởi mở nghĩa là đặt tâm trí sang một bên và sẵn sàng nhìn cuộc đời với cách nhìn mới mẻ.
Hãy nhìn sự vật qua vô trí, nghĩa là chẳng thông qua “lăng kính” nào hết. Khi đó, nhận thức của bạn là đúng đắn nhất vì bạn nhìn mọi điều đúng với bản chất của nó. Chỉ có sự thật mới giải phóng bạn, còn những điều khác thì tạo ra ràng buộc.
Trong khoảnh khắc vô trí, chân lý sẽ bắt đầu tuôn tràn vào bạn chẳng khác gì ánh sáng. Bạn càng tận hưởng thứ ánh sáng chân lý đó thì bạn càng thêm can đảm và có thể gạt bỏ tâm trí của mình. Bạn sẽ sớm nhận ra mình không còn bị trói buộc bởi tâm trí. Bạn không cần phải tìm kiếm điều gì cả mà chỉ cần nhìn thôi. Và rồi cái nhìn của bạn sẽ trở nên thuần khiết. Bạn sẽ trở thành một avalokita, nghĩa là người luôn nhìn với đôi mắt thuần khiết. Đó cũng là một tên gọi khác của Đức Phật, Avalokita. Ngài nhìn mà không hề có một ý tưởng nào, chỉ nhìn mà thôi.
Sáng tạo không phải chỉ có ở một vài lĩnh vực chuyên biệt nào đó, chẳng hạn như hội họa, thơ ca, khiêu vũ hay ca hát. Mọi việc chúng ta làm đều có thể mang tính sáng tạo và bạn chính là người đem phẩm chất đó vào trong hoạt động của mình. Bản thân hoạt động không hề mang tính sáng tạo hay phi sáng tạo. Bạn có thể vẽ một cách phi sáng tạo, hát một cách phi sáng tạo. Hoặc bạn có thể lau sàn nhà một cách sáng tạo, nấu nướng một cách sáng tạo. Sáng tạo là phẩm chất bạn mang vào công việc mình đang thực hiện. Sáng tạo là một kiểu thái độ, là cách tiếp cận từ bên trong, là cách nhìn sự việc.
Hãy nhớ rằng sự sáng tạo nằm trong chính con người bạn. Với một người sáng tạo, tất cả những gì anh ta làm, cho dù chỉ là đi bộ, thì cũng trải đầy tính sáng tạo. Ngay cả ngồi im không làm gì cũng là một hành động sáng tạo. Đức Phật đã ngồi tĩnh tọa dưới cội bồ đề, ấy vậy mà Ngài lại là người sáng tạo vĩ đại được cả thế giới biết đến.
Không phải tất cả mọi người đều có thể trở thành họa sĩ, thật ra là chẳng có nhu cầu đó. Nếu ai cũng là họa sĩ thì thế giới này sẽ rất xấu xí và khó mà sống được! Cũng như không phải ai cũng có thể trở thành vũ công, và không cần có nhiều vũ công đến vậy. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể sáng tạo.
Sáng tạo là phẩm chất bạn mang vào công việc mình đang thực hiện. Sáng tạo là một kiểu thái độ, là cách tiếp cận từ bên trong, là cách nhìn sự việc.
Bất kể bạn làm gì, chỉ cần bạn thực hiện một cách vui vẻ, đầy yêu thương và không nhằm mục đích kinh tế thì nó sẽ có tính sáng tạo, ngay cả việc nhỏ bé cũng trở nên vĩ đại. Nếu có điều gì đó lớn lên trong bạn, giúp bạn trưởng thành thì nó mang tính tâm linh, mang tính sáng tạo. Càng sáng tạo, bạn sẽ càng tâm linh hơn, thánh thiện hơn. Các tôn giáo bảo rằng Thượng đế là Đấng Sáng tạo. Tôi không biết liệu Người có phải là Đấng Sáng tạo hay không nhưng có một điều mà tôi biết chắc đó là, bạn càng sáng tạo thì ở bạn càng toát ra nét thánh thiện. Và khi sự sáng tạo của bạn lên đến đỉnh điểm, khi cả cuộc đời bạn đều đầy tính sáng tạo, bạn sẽ sống trong Thượng đế. Cho nên chắc chắn Người là Đấng Sáng tạo, vì những con người sáng tạo đều toát ra nét thiêng liêng, thánh thiện.
Hãy yêu những gì bạn làm. Hãy giữ trạng thái thiền, hoặc giữ trải nghiệm nội tâm sâu sắc trong lúc bạn thực hiện công việc, dù đó là việc gì. Rồi bạn sẽ thấy ngay cả việc dọn dẹp cũng có thể trở thành công việc đầy sáng tạo. Làm với tình yêu thương, lòng bạn sẽ cảm thấy thật rộn ràng, hân hoan. Nếu bạn lau sàn với tình yêu như thế, bạn sẽ tạo ra một bức tranh vô hình trên nền nhà. Bạn sẽ tận hưởng khoảnh khắc ấy trong niềm vui sướng, rồi niềm vui này lại giúp bạn trưởng thành từ nội tâm. Bạn trở thành con người khác sau khi thực hiện một hành động sáng tạo.
Sáng tạo nghĩa là yêu những gì bạn làm, là tận hưởng, là đón chào nó! Có thể chẳng ai biết điều đó, bởi ai lại đi ca ngợi người đã lau sàn? Lịch sử chẳng ghi nhận, báo chí cũng chẳng nêu tên hay đăng hình bạn vì những việc làm như thế. Nhưng chẳng sao hết! Giá trị nằm ngay trong chính công việc.
Vì thế nếu bạn đang tìm kiếm danh vọng, đồng thời còn nghĩ rằng mình là người sáng tạo thì bạn đã nhầm rồi. Thực tế là bạn chẳng hề sáng tạo, bạn chỉ là một con người đầy tham vọng. Nếu danh vọng đến thì tốt, còn không có thì cũng tốt, miễn là bạn thích thú với mọi việc mình làm.
Bất kể bạn làm gì, chỉ cần bạn thực hiện một cách vui vẻ, đầy yêu thương và không nhằm mục đích kinh tế thì nó sẽ có tính sáng tạo.
Nhưng nếu bạn tin mình không sáng tạo, bạn sẽ trở nên thiếu sáng tạo vì niềm tin không chỉ là niềm tin, nó có thể mở ra nhiều cánh cửa thì cũng có thể đóng lại nhiều cánh cửa. Niềm tin rằng bạn thiếu sáng tạo sẽ trở thành một trở ngại, liên tục phủ nhận mọi khả năng có thể xảy ra. Nó sẽ không để cho nguồn năng lượng bên trong bạn tuôn chảy.
Chúng ta đã được dạy rằng không phải ai cũng sáng tạo và rất hiếm những con người thật sự sáng tạo, bởi trên thế giới số họa sĩ, nhà thơ chỉ chiếm tỉ lệ một phần triệu. Thật ngu xuẩn! Mọi người khi sinh ra ai cũng sáng tạo cả. Hãy cứ nhìn trẻ con mà xem, tất cả các em đều rất sáng tạo. Nhưng dần dà người lớn chúng ta đã làm hỏng tính sáng tạo của trẻ. Chúng ta đã áp đặt những niềm tin sai lệch lên trẻ. Chúng ta làm cho trẻ càng lúc càng quan tâm hơn đến tiền bạc, địa vị, quyền lực và tham vọng.
Khi tham vọng xuất hiện, sự sáng tạo sẽ biến mất bởi người tham vọng không thể nào sáng tạo được, người tham vọng không thể toàn tâm toàn ý cho bất kỳ hoạt động nào. Trong lúc vẽ tranh hay viết tiểu thuyết, anh ta cứ nghĩ xa xôi: “Liệu mình có đoạt giải Nobel không nhỉ?”. Lúc nào anh ta cũng mơ màng về tương lai trong khi người sáng tạo luôn sống trong hiện tại.
Nếu danh vọng đến thì tốt, còn không có thì cũng tốt, miễn là bạn thích thú với mọi việc mình làm.
Chẳng ai sinh ra mà không sáng tạo, nhưng chúng ta đã biến chín mươi chín phần trăm dân số trở thành những người thiếu sáng tạo. Chỉ quy trách nhiệm cho xã hội thì cũng chẳng giúp ích được gì. Bạn cần chịu trách nhiệm cho chính đời mình. Bạn cần buông bỏ những điều kiện sai lệch. Bạn cần buông bỏ những gợi ý sai lầm đã được nhồi nhét vào đầu từ khi còn bé. Hãy buông bỏ tất cả! Hãy thanh lọc bản thân và loại bỏ mọi điều kiện… khi đó bạn sẽ cảm thấy mình đầy sáng tạo.
Sống và sáng tạo là hai từ đồng nghĩa với nhau, bởi bạn không thể sống mà không sáng tạo. Thế nhưng cái điều không thể đó lại xảy ra, cái hiện tượng xấu xí ấy đã xảy ra vì mọi nguồn sáng tạo của bạn đều bị bưng bít, triệt tiêu và toàn bộ năng lượng đã bị dồn vào những hoạt động mà xã hội cho rằng sẽ có lợi.
Toàn bộ thái độ của chúng ta về cuộc đời đều bị tiền bạc chi phối. Cách tiếp cận cuộc sống của chúng ta luôn ngả về quyền lực – song, quyền lực thì chỉ mang tính hủy hoại chứ không hề sáng tạo. Người mải theo đuổi tiền bạc sẽ bị đồng tiền hủy hoại, bởi tiền sẽ bị cướp bóc, lợi dụng; và để có được tiền, bạn phải lấy nó từ tay người khác. Quyền lực cũng đi theo quy luật như vậy. Quyền lực nằm trong tay người này sẽ đồng nghĩa với việc nhiều người khác bị trù dập. Đây đều là những việc làm mang tính hủy hoại.
Niềm tin không chỉ là niềm tin, nó có thể mở ra nhiều cánh cửa thì cũng có thể đóng lại nhiều cánh cửa. Niềm tin rằng bạn thiếu sáng tạo sẽ trở thành một trở ngại, liên tục phủ nhận mọi khả năng có thể xảy ra. Nó sẽ không để cho nguồn năng lượng bên trong bạn tuôn chảy.
Một hành động sáng tạo sẽ tôn thêm vẻ đẹp cho thế giới, mang đến cho thế giới thêm điều gì đó mà không bao giờ lấy đi của thế giới. Người sáng tạo cũng thế, anh ta sẽ góp phần làm cho thế giới thêm tươi đẹp – nhờ vào những bản nhạc, những bức tranh. Anh ta khiến cho cả thế giới say sưa theo vũ điệu sống động, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, yêu thương nhau hơn và thiền/chiêm nghiệm nội tâm sâu hơn. Và đến khi ra đi, anh ta sẽ để lại sau lưng mình một thế giới tốt đẹp. Có thể chẳng ai biết đến anh, hoặc chỉ một vài người biết nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là anh đã để lại một thế giới tốt đẹp, toàn vẹn hơn. Tự thân cuộc đời anh đã có ý nghĩa rồi.
Tiền bạc, quyền lực, danh tiếng đều là những thứ thiếu sáng tạo, không những thế mà còn là những thứ mang tính hủy diệt. Hãy lưu ý đến chúng! Tôi không thể hứa hẹn với bạn về những khu vườn đầy hoa hồng, bởi nó có thể khiến bạn gặp rắc rối, có thể đẩy bạn vào một cuộc sống khổ sở. Những gì tôi có thể hứa rằng tận sâu trong lòng, bạn sẽ cảm thấy thật sự viên mãn, tràn ngập niềm vui. Bạn sẽ cảm thấy mình là người giàu có nhất và cuộc đời bạn sẽ tràn đầy phúc lành.
Rất hiếm những con người thật sự sáng tạo, bởi trên thế giới số họa sĩ, nhà thơ chỉ chiếm tỉ lệ một phần triệu. Thật ngu xuẩn! Mọi người khi sinh ra ai cũng sáng tạo cả. Hãy cứ nhìn trẻ con mà xem, tất cả các em đều rất sáng tạo.
Có thể nhìn bề ngoài bạn không hề nổi tiếng, giàu có hay thành đạt, nhưng để thành công trong cái thế giới này, bạn cần đi sâu vào thế giới nội tâm. Bạn sẽ làm gì với cả thế giới này dưới chân nếu đã đánh mất chính mình? Và bạn sẽ làm gì nếu bạn sở hữu cả thế giới nhưng lại không làm chủ được bản thân? Người sáng tạo biết cách làm chủ bản thân mình. Anh ta là một bậc thầy.
Người chỉ biết chạy theo đồng tiền, quyền lực và danh vọng thì chẳng khác gì kẻ xin ăn, vì anh ta không ngừng mong cầu và chẳng đóng góp gì cho thế giới.
Hãy cho đi. Hãy chia sẻ những gì có thể và nhớ rằng ở đây không hề có sự khác biệt giữa việc lớn và việc nhỏ. Cười một cách chân thành đã là một hành động sáng tạo, thậm chí còn là hành động sáng tạo vĩ đại. Ngưỡng mộ, gìn giữ hình ảnh đẹp về ai đó trong tim bạn cũng là một hành động sáng tạo khác. Hãy nhìn bằng đôi mắt tràn đầy yêu thương… chỉ một cái nhìn có thể thay đổi cả thế giới của một con người.
Cười một cách chân thành đã là một hành động sáng tạo, thậm chí còn là hành động sáng tạo vĩ đại. Ngưỡng mộ, gìn giữ hình ảnh đẹp về ai đó trong tim bạn cũng là một hành động sáng tạo khác. Hãy nhìn bằng đôi mắt tràn đầy yêu thương… chỉ một cái nhìn có thể thay đổi cả thế giới của một con người.
Hãy thỏa sức sáng tạo trong cuộc sống và đừng lo lắng về nhiệm vụ. Ai mà chẳng có nhiều việc phải làm. Chỉ cần làm hết lòng và thật là sáng tạo. Khi đó, công việc bạn làm chẳng khác gì một nghi lễ, một lời cầu nguyện, hay một món đồ lễ được đặt trang trọng trên bàn lễ thiêng liêng.
Một lần nữa, hãy buông bỏ mọi niềm tin cho rằng bạn không hề sáng tạo. Tôi hiểu tại sao bạn tin như thế, có thể bạn không đạt huy chương vàng ở trường đại học, có thể bạn không đứng đầu lớp, có thể mọi người không đánh giá cao bức tranh bạn vẽ, có thể khi bạn thổi sáo thì hàng xóm cho gọi cảnh sát… nhưng bạn thân mến, đừng vì những điều đó mà có niềm tin sai lệch về khả năng sáng tạo của mình.
Mọi người hiểu rất hạn hẹp về tinh thần sáng tạo. Họ cho rằng sáng tạo là phải chơi đàn ghi-ta, thổi sáo hay làm thơ, do vậy mà họ cứ cho ra đời những tác phẩm rác rưởi. Bạn cần nhận ra xem mình làm được những gì và không làm được những gì. Chúng ta không thể nào làm được tất cả mọi thứ! Bạn cần tìm tòi để phát hiện ra định mệnh của mình – một cuộc dò dẫm trong bóng tối vì định mệnh không phải lúc nào cũng rõ như ban ngày. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, điều gì đó sẽ phát triển, sẽ lớn lên.
Giả như khi bạn bước chân vào cõi đời này với tấm bản đồ cuộc đời trong tay và được bảo: “Đây là cuộc đời của anh, anh sẽ trở thành một người chơi ghi-ta!”, thì cuộc đời bạn sẽ chẳng khác gì một cỗ máy. Người ta chỉ có thể tiên liệu trước về một cỗ máy chứ không thể tiên liệu trước về một con người… bởi có đến ngàn lẻ một điều có thể xảy ra. Rất nhiều cánh cửa mở ra, cũng như nhiều chọn lựa thay thế xuất hiện ở mỗi giai đoạn. Bạn phải chọn lựa, phải cảm nhận. Nhưng nếu bạn yêu cuộc đời mình, bạn sẽ tìm đúng cánh cửa.
Còn nếu bạn không yêu cuộc đời mình mà yêu điều gì đó khác, khi đó bạn sẽ gặp rắc rối. Không thể vừa yêu tiền, vừa sáng tạo. Chính tham vọng tiền bạc sẽ hủy hoại khả năng sáng tạo. Nếu muốn danh tiếng, hãy quên tính sáng tạo đi. Bởi danh tiếng sẽ đến rất dễ dàng nếu bạn là một con người tiêu cực, gieo rắc sự tàn phá.
Nếu bạn trở thành một kẻ sát nhân, danh tiếng sẽ đến với bạn rất dễ dàng. Bạn có thể trở thành tổng thống, thủ tướng nhưng tất cả chỉ là những chiếc mặt nạ giả trá. Đằng sau những nụ cười lịch thiệp ấy là những con người hung bạo. Đấy chỉ là nụ cười ngoại giao. Khi mặt nạ rớt xuống, bạn sẽ thấy ẩn sau đó đều là những Thành Cát Tư Hãn, Tamerlane(********), Nadir Shah(********), Napoleon, Alexander hay Hitler.
(********) Tamerlane (1336 – 1405): vị hoàng đế có xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ-Mông Cổ, người đã chinh phạt phần lớn Tây và Trung Á. Ước tính có đến 17 triệu người đã thiệt mạng do các cuộc chinh phục của Tamerlane.
(********) Nadir Shah (1698 – 1747): vị vua Ba Tư tàn bạo, được mệnh danh là Napoleon của Ba Tư, hay Alexander thứ hai. Ông xem Thành Cát Tư Hãn và Tamerlane là thần tượng.
Tôi không nói là danh tiếng sẽ chẳng bao giờ đến với một con người sáng tạo, nhưng trong thực tế, điều đó là vô cùng hiếm, đến rất ngẫu nhiên và cần rất nhiều thời gian. Thường thì khi danh tiếng đến thì con người sáng tạo ấy đã qua đời – sự tôn vinh bao giờ cũng diễn ra muộn mằn sau cái chết.
Lúc sinh thời, Chúa Jesus không hề nổi tiếng. Nếu không có Kinh Thánh thì chắc cũng không có ghi chép nào còn sót lại về Ngài. Những ghi chép này thuộc về bốn vị đệ tử chứ chẳng ai khác nhắc đến Ngài. Ấy vậy mà dần dần mọi người đã nhận ra Ngài.
Người nào càng vĩ đại thì mọi người càng mất nhiều thời gian hơn để nhận ra điều đó, bởi khi mới được sinh ra, chẳng có tiêu chí nào để đánh giá hay chẳng có tấm bản đồ nào để tìm ra anh. Anh ta phải tự xây dựng hệ giá trị cho chính mình và khi vừa hoàn thành thì cũng là lúc anh ra đi. Phải mất hàng trăm năm để mọi người nhận ra một con người sáng tạo, ấy vậy mà điều đó cũng không chắc chắn. Có rất nhiều người sáng tạo chẳng bao giờ được nhìn nhận. Có thể nói, sự thành công ở người sáng tạo là rất ngẫu nhiên so với tính hủy diệt ở một người phi sáng tạo.
Nếu bạn thật sự muốn sáng tạo, đừng thắc mắc chuyện tiền bạc, thành đạt, danh tiếng, cũng như sự nể trọng. Rồi bạn mới có thể tận hưởng hoạt động của mình và mọi hành động bạn làm đều mang giá trị thực chất. Khi đó, bạn khiêu vũ vì bạn thích khiêu vũ, bạn khiêu vũ vì bạn được chìm đắm trong niềm vui.
Do đó nếu bạn đang tìm kiếm điều gì đó nhân danh sự sáng tạo thì đừng nghĩ đến chuyện sáng tạo. Hãy làm mọi việc một cách có ý thức và cân nhắc. Đừng ẩn náu sau tấm mặt nạ nữa. Nếu bạn thật sự muốn sáng tạo, đừng thắc mắc chuyện tiền bạc, thành đạt, danh tiếng, cũng như sự nể trọng. Rồi bạn mới có thể tận hưởng hoạt động của mình và mọi hành động bạn làm đều mang giá trị thực chất. Khi đó, bạn khiêu vũ vì bạn thích khiêu vũ, bạn khiêu vũ vì bạn được chìm đắm trong niềm vui. Nếu có người khen tặng thì tốt, bạn sẽ biết ơn họ. Còn nếu không ai ngưỡng mộ thì cũng chẳng sao cả. Bạn nhảy múa và thoải mái tận hưởng – tự thân bạn đã cảm thấy đủ đầy, trọn vẹn rồi.
Mọi niềm tin cho rằng bạn không sáng tạo đều nguy hiểm, hãy buông bỏ chúng! Chẳng ai là không sáng tạo, ngay cả một cái cây, một tảng đá. Những ai yêu cây cối và hiểu về cây cối hẳn đã biết mỗi cái cây đều tạo ra một không gian riêng cho mình. Chúng sáng tạo theo cách riêng, không cây nào giống cây nào vì mỗi cây là một cá thể độc nhất. Mỗi tảng đá cũng thế. Cây không chỉ là cây mà chúng còn là con người. Cũng như đá không chỉ là đá mà còn là con người. Hãy ngồi bên cạnh một tảng đá, trìu mến ngắm nó, chạm vào nó bằng tất cả yêu thương và cảm nhận nó một cách yêu thương.
Chuyện kể rằng có vị thiền sư nọ có thể dịch chuyển mọi tảng đá rất to cho dù thân hình ông ta rất mảnh khảnh. Cứ nhìn thân hình ông thì đó là điều gần như không thể bởi ngay cả những người mạnh khỏe hơn ông rất nhiều còn chưa dịch được những tảng đá này, ấy vậy mà ông lại làm được một cách dễ dàng.
Thế là mọi người bèn hỏi bí quyết của ông. “Chẳng có bí quyết hay trò thuật gì cả”, ông đáp. “Tôi yêu tảng đá, do đó nó giúp đỡ tôi. Trước tiên tôi bảo với nó ‘Giờ đây danh tiếng của ta nằm trong tay ngươi và mọi người đến đây để xem điều này. Hãy giúp ta, hãy hợp tác với ta’. Rồi sau đó tôi chỉ việc ôm lấy nó một cách trìu mến… và chờ đợi dấu chỉ. Khi hòn đá cho tôi một dấu chỉ, đó là khi tôi bất chợt rùng mình và toàn bộ xương sống của tôi rung động, nghĩa là tảng đá đã sẵn sàng, tôi bèn dịch chuyển nó. Bạn dịch chuyển trái ý muốn của tảng đá, chính vì thế bạn mất rất nhiều năng lượng. Còn tôi thì di chuyển cùng với tảng đá. Tôi tuôn chảy cùng với tảng đá. Trong thực tế, nói tôi dời tảng đá là sai vì tôi chỉ có mặt ở đó, còn tảng đá tự thân nó di chuyển”.
Rồi lại có một câu chuyện khác như sau:
Một thiền sư vĩ đại nọ vốn là thợ mộc. Mỗi khi ông làm ra một cái bàn hay cái ghế nào thì y như rằng tự thân chúng đều đẹp và có chất lượng tốt không thể tả được.
Nếu như cái cây được đánh giá dựa vào quả của nó thì người ta đánh giá vị thiền sư này dựa vào sự sáng tạo của ông. Một vài cái ghế do ông làm ra đến nay vẫn còn được lưu giữ ở Trung Quốc. Cho dù đã một ngàn năm trôi qua nhưng ở chúng vẫn toát ra một sức hút đặc biệt.
Có người hỏi: “Nhờ đâu ông làm được như vậy?”.
Ông đáp: “Tôi không làm ra chúng. Tôi chỉ đi vào rừng… và hỏi rừng, hỏi cây cối xem cây nào đã sẵn sàng để làm ghế”.
Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn vì chúng ta làm sao biết được ngôn ngữ của cỏ cây. Ấy vậy mà ông ở lại trong rừng suốt ba ngày liền. Ông cứ ngồi dưới gốc cây, hết cây này rồi đến cây khác để trò chuyện với chúng, cứ như là kẻ mất trí vậy!
Ông nói: “Tôi cứ đi vào rừng và bảo rằng mình đang tìm một cái cây muốn trở thành ghế. Tôi hỏi xem những cái cây có sẵn lòng không, không chỉ sẵn lòng mà còn hợp tác với tôi nữa, nghĩa là sẵn sàng đi với tôi. Thỉnh thoảng cũng không có cây nào chịu làm ghế và thế là tôi ra về tay không”.
Lần nọ, vị hoàng đế Trung Hoa bảo ông làm một cái giá sách. Ông bèn đi vào rừng và sau ba ngày thì trả lời: “Đợi đã thưa bệ hạ, chẳng có cái cây nào sẵn sàng để về hoàng cung”.
Ba tháng sau, hoàng đế lại hỏi. Người thợ mộc đáp: “Thần vẫn vào rừng và thuyết phục cây cối đấy chứ. Bệ hạ hãy đợi đã, có cái cây nọ hình như hơi xiêu lòng rồi”.
Cuối cùng, ông cũng thuyết phục được một cái cây. Ông nói: “Cái đẹp đã có sẵn! Một khi đã tự nguyện, cái cây sẽ cần đến sự giúp đỡ của người thợ mộc”.
Nếu bạn đang yêu, bạn sẽ thấy mỗi sự tồn tại đều có “cá tính” riêng. Đừng lôi kéo hay thúc hối gì cả. Cứ lặng lẽ nhìn, trao đổi và nhận sự giúp đỡ của “chúng”. Khi đó chúng ta sẽ bảo toàn được rất nhiều năng lượng.
Ngay cả cây cối cũng sáng tạo, những tảng đá cũng thế. Bạn là con người, là đỉnh cao của sự tồn tại. Bạn đứng trên đỉnh, bạn có ý thức. Đừng bao giờ suy nghĩ với những niềm tin lệch lạc và cũng đừng bao giờ bám lấy quan niệm sai lầm rằng bạn không hề sáng tạo. Có thể bố mẹ, đồng nghiệp… của bạn bảo rằng bạn không sáng tạo, có thể bạn đã tìm kiếm sai đường nhưng ắt hẳn phải có một hướng mà nơi đó sức sáng tạo trong bạn sẽ bừng nở. Hãy tìm kiếm và luôn sẵn sàng, cứ dò dẫm cho đến khi bạn tìm thấy.
Mỗi người chúng ta có mặt trên thế gian này với một định mệnh riêng – có một việc gì đó phải hoàn thành hoặc có thông điệp nào đó phải gửi đi. Bạn không hiện hữu ở đây một cách ngẫu nhiên. Tạo hóa đã có ý định thực hiện điều gì đó thông qua bạn.
Mỗi người chúng ta có mặt trên thế gian này với một định mệnh riêng – có một việc gì đó phải hoàn thành hoặc có thông điệp nào đó phải gửi đi. Bạn không hiện hữu ở đây một cách ngẫu nhiên. Tạo hóa đã có ý định thực hiện điều gì đó thông qua bạn.