Cả đời chúng ta đã sống với lời dạy rằng chừng nào còn chưa được công nhận thì chúng ta chẳng là gì cả, hoàn toàn không có giá trị; rằng công việc không quan trọng, cái quan trọng là lời khen tặng từ người khác – điều này đã làm đảo lộn mọi thứ. Trong khi đó, chính công việc, niềm vui trong công việc, mới là điều quan trọng. Bạn nên làm việc không vì sự công nhận của người khác mà vì niềm vui được sáng tạo.
Đừng nên nhìn sự việc theo cách cũ, bạn nên làm việc vì bạn yêu thích công việc đó, đừng đòi hỏi mọi người phải thừa nhận những gì mình làm. Nếu được đánh giá cao, hãy từ tốn đón nhận; còn bằng không thì cũng đừng nên băn khoăn, nghĩ ngợi nhiều. Bạn cần cảm thấy thỏa nguyện với chính công việc. Nếu mọi người đều biết được nghệ thuật yêu quý công việc, dẫu đó là việc gì, cũng như tận hưởng niềm vui do công việc mang lại mà không cần bất cứ ai công nhận, chúng ta sẽ có một thế giới tươi đẹp hơn, hân hoan hơn.
Nhưng trong thực tế, bạn đang bị mắc vào cái bẫy đau khổ do thế giới này đặt ra. Những việc bạn đang làm với cả tình yêu thương, hay thực hiện một cách hoàn hảo hóa ra lại không tốt bằng những việc mà thế giới này công nhận, tưởng thưởng và trao cho bạn những huân chương vàng hay giải Nobel. Họ đã tước mất toàn bộ giá trị bản chất của sự sáng tạo và hủy hoại hàng triệu con người, bởi bạn không thể trao giải Nobel cho hàng triệu người được. Chúng ta đã tạo ra ham muốn được công nhận ở mọi người, cho nên không ai có thể làm việc trong thanh thản và tận hưởng những gì mình đang làm. Song, cuộc sống luôn chứa đựng những điều nhỏ bé không hề được tưởng thưởng, được phong tặng danh hiệu hay được cấp bằng danh dự.
Một trong những nhà thơ vĩ đại của thế kỷ 20 là Rabindranath Tagore ở Bengal, Ấn Độ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Bengali, ấy vậy mà chẳng ai nhận ra tài năng của ông. Sau đó, ông dịch quyển sách nhỏ Gitanjali, “Thơ dâng”, sang tiếng Anh. Ông nhận thấy rằng ở sách gốc có một vẻ đẹp mà việc chuyển ngữ không thể nào làm được vì tiếng Bengali và tiếng Anh có cấu trúc lẫn cách diễn đạt khác nhau. Tiếng Bengali rất du dương, ngay cả khi hai người đang cãi nhau thì cuộc đối thoại giữa họ nghe vẫn giống như một cuộc trò chuyện dễ thương. Tiếng Bengali đầy âm điệu, mỗi từ chẳng khác gì một nốt nhạc. Cái hay đó không hề có ở tiếng Anh và cũng không thể mang vào trong tiếng Anh được bởi tiếng Anh có những đặc tính riêng. Tuy vậy ông vẫn cố gắng dịch và bản chuyển ngữ, vốn rất tệ so với bản gốc, đã giúp ông nhận được giải Nobel Văn học. Thế là đột nhiên cả nước Ấn Độ bắt đầu chú ý đến tập sách… trong khi trước đó nó đã tồn tại bằng tiếng Bengali và những ngôn ngữ khác của Ấn Độ suốt nhiều năm trời.
Mọi trường đại học đều muốn phong tặng tiến sĩ văn chương cho ông. Calcutta, nơi ông sinh sống, là trường đại học đầu tiên trao tặng ông bằng danh dự. Nhưng ông đã từ chối: “Các ông đâu có cấp bằng cho tôi, các ông cũng đâu thừa nhận công trình của tôi mà là đang công nhận giải Nobel đấy chứ, bởi quyển sách đó đã tồn tại ở đây bằng thứ ngôn ngữ đẹp hơn rất nhiều nhưng đâu ai thèm để mắt đến”. Ông đã từ chối mọi văn bằng danh dự và nói rằng: “Đó là sự sỉ nhục đối với tôi”.
Jean-Paul Sartre, một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại và là người có những đóng góp to lớn đối với ngành tâm lý học đã từ chối giải thưởng Nobel. Ông nói: “Tôi đã nhận đủ phần thưởng trong quá trình làm việc rồi. Giải Nobel không giúp thêm được gì mà trái lại nó còn kéo tôi xuống. Giải thưởng đó tốt cho những người nghiệp dư đang tìm kiếm sự công nhận; còn tôi, tôi đã quá già, cũng như đã tận hưởng đủ rồi. Tôi yêu mọi điều mình làm, tự thân nó đã là phần thưởng rồi. Tôi không còn muốn nhận bất kỳ phần thưởng nào khác nữa, bởi không gì có thể tốt hơn những cái tôi đã nhận được”. Ông ấy nói đúng. Nhưng thế gian này rất hiếm những con người chân chính như thế, trong khi lại đầy rẫy những người giả trá đang sống trong những cái bẫy.
Tại sao bạn phải bận tâm đến lời công nhận của người khác? Nó chỉ có ý nghĩa khi bạn không yêu công việc của mình. Bạn căm ghét công việc, bạn không thích nhưng vẫn phải làm vì mọi người sẽ công nhận nó, bạn sẽ được đánh giá cao, được chấp nhận. Thay vì nghĩ đến sự công nhận, hãy chỉ tập trung vào công việc. Bạn có yêu thích việc bạn đang làm không? Nếu không, hãy tìm một công việc khác!
Cha mẹ và thầy cô lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại rằng bạn cần phải được công nhận, thừa nhận. Đó là một chiến lược rất tinh ma hòng kiểm soát người khác.
Hãy nhớ lấy điều cơ bản này: làm bất kỳ điều gì bạn thích. Và đừng bao giờ đòi hỏi sự công nhận từ người khác, vì như vậy chẳng khác nào bạn đi nài xin người khác. Tại sao phải đòi hỏi sự công nhận đó? Tại sao phải khát khao sự chấp nhận đó? Hãy nhìn vào tận sâu trong con người bạn. Có thể bạn không thích những gì mình đang làm, có thể bạn sợ đi sai đường, do vậy mà sự nhìn nhận từ người khác sẽ giúp bạn cảm thấy mình đang đi đúng hướng.
Lời công nhận từ người khác chỉ có ý nghĩa khi bạn không yêu công việc của mình. Bạn căm ghét công việc, bạn không thích nhưng vẫn phải làm vì mọi người sẽ công nhận nó, bạn sẽ được đánh giá cao, được chấp nhận.
Cảm xúc bên trong mới là điều quan trọng, chứ không liên quan gì đến thế giới bên ngoài. Tại sao bạn phải phụ thuộc vào người khác? Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ giải thưởng Nobel nào. Những lời chỉ trích, phê bình tôi nhận được từ khắp nơi trên thế giới, từ mọi tôn giáo còn giá trị hơn gấp nhiều lần! Chấp nhận giải thưởng Nobel đồng nghĩa với việc tôi đã bị lệ thuộc, bởi khi đó tôi không còn tự hào về bản thân mình nữa mà lại tự hào về giải thưởng. Ngay bây giờ, tôi chỉ cảm thấy tự hào về bản thân và không điều gì khác có thể khiến tôi tự hào.
Chính cách nghĩ đó mới giúp bạn trở thành một con người hoàn toàn tự do, tự đứng trên đôi chân mình, uống lấy từ suối nguồn của chính mình. Đó là điều giúp bạn cảm thấy thăng bằng, vững vàng trong cuộc sống. Đó là điểm khởi đầu của quá trình thăng hoa bất tận.
Có những người tuy được tôn vinh, được thừa nhận nhưng thực chất chỉ là rác rưởi không hơn không kém. Đó là những thứ rác rưởi mà xã hội muốn có, do đó xã hội bù đắp cho họ bằng cách trao phần thưởng.
Bất kỳ ai ý thức được về cá nhân mình đều sẽ sống bằng chính tình yêu, bằng chính công việc của mình mà không cần quan tâm đến những gì người khác nghĩ. Công việc bạn làm càng có ý nghĩa lớn lao, bạn càng có ít cơ hội nhận được sự tôn kính từ mọi người. Và nếu đó là công việc của một thiên tài, bạn sẽ không nhận được sự tôn trọng nào cho đến khi nằm xuống. Suốt cuộc đời, bạn sẽ bị chỉ trích, kết tội… để rồi hai hay ba thế kỷ sau, hình tượng của bạn mới được dựng lên và những quyển sách bạn viết mới được đánh giá cao, bởi nhân loại phải mất đến ngần ấy thời gian mới có thể đạt đến sự thông minh của một thiên tài trong quá khứ. Khoảng cách đó là quá lớn.
Bất kỳ ai ý thức được về cá nhân mình đều sẽ sống bằng chính tình yêu, bằng chính công việc của mình mà không cần quan tâm đến những gì người khác nghĩ.
Nếu được những kẻ ngốc xưng tụng, bạn sẽ phải hành xử theo ý muốn và mong đợi của họ. Nếu được những con người bệnh hoạn tung hô, bạn phải trở nên tiều tụy hơn cả chính họ. Nhưng bạn sẽ được gì? Bạn sẽ đánh mất linh hồn mình và không được gì cả.