Có bao giờ bạn nghe chuyện một người làm vườn đã làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp lại được trao giải Nobel chưa? Cũng như có bao giờ bạn nghe người ta trao giải cho một người nông dân quanh năm lo cày ruộng và sản xuất ra lương thực cho chúng ta? Chưa bao giờ, họ sống cả cuộc đời, rồi trở về với đất mà không hề được ai biết đến.
Đó là một sự phân ranh tệ hại. Mọi linh hồn sáng tạo, bất kể anh ta sáng tạo ra cái gì đi nữa, đều nên được kính trọng và tôn vinh để tính sáng tạo cũng được tôn vinh. Nhưng ngay cả các chính trị gia cũng được giải Nobel, trong khi thực chất nhiều người chỉ là những tên tội phạm tinh ranh. Tất cả những cuộc đổ máu từng xảy ra trên thế giới đều do những người này gây ra và họ còn đang chuẩn bị thêm nhiều vũ khí hạt nhân khác cho cuộc tự sát toàn cầu.
Trong xã hội của những con người trung thực, chân thực, tính sáng tạo sẽ được tôn vinh, kính trọng vì người sáng tạo chính là người tham gia vào công việc của Thượng đế.
Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến Abraham Lincoln. Ông xuất thân từ gia đình làm nghề đóng giày và đã trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Thường thì mọi nhà quý tộc đều cực kỳ khó chịu và dễ cáu tiết, bực bội – chính vì thế mà không phải ngẫu nhiên Abraham Lincoln bị ám sát. Họ không chịu nổi ý nghĩ tổng thống của một đất nước lại là con ông thợ giày.
Ngay trong ngày đọc diễn văn nhậm chức trước Thượng viện, lúc ông vừa đứng dậy thì một nhà quý tộc xấu xa đã nhao lên nói: “Ông Lincoln, mặc dù do tình cờ ông đã trở thành tổng thống của đất nước nhưng ông cũng đừng quên rằng trước kia ông đã từng theo cha mình đến nhà tôi để đóng giày cho gia đình tôi. Và có nhiều nghị sĩ đang đi những đôi giày do cha ông đóng, vì thế đừng bao giờ quên nguồn gốc của ông đấy”.
Mọi linh hồn sáng tạo, bất kể anh ta sáng tạo ra cái gì đi nữa, đều nên được kính trọng và tôn vinh để tính sáng tạo cũng được tôn vinh. Nhưng ngay cả các chính trị gia cũng được giải Nobel, trong khi thực chất nhiều người chỉ là những tên tội phạm tinh ranh.
Nhà quý tộc này nghĩ rằng mình đang sỉ nhục tổng thống. Nhưng không ai có thể hạ nhục một người như Abraham Lincoln. Chỉ những kẻ bé mọn mới cảm thấy mình bị lăng mạ, còn những con người vĩ đại luôn vượt thoát khỏi những lời cay nghiệt.
Abraham Lincoln có nói một lời khiến cho mọi người nhớ mãi: “Tôi chân thành cảm ơn ông đã nhắc nhở tôi về cha mình trước khi tôi đọc bài diễn văn nhậm chức trước Thượng viện. Cha tôi thật tốt bụng, ông là một nghệ sĩ sáng tạo – chắc không ai có thể làm ra những đôi giày tuyệt đẹp như ông.
Tiện đây tôi cũng muốn nhắn gửi đến tất cả quý vị rằng, nếu những đôi giày do cha tôi làm có bó chặt chân các vị thì cũng không sao vì tôi đã học được nghệ thuật của ông ấy. Tôi tuy không phải là một thợ giày xuất sắc nhưng ít ra tôi cũng có thể sửa giày cho các vị. Chỉ cần báo cho tôi biết, tôi sẽ đến nhà các vị ngay”.
Dẫu bạn vẽ tranh, điêu khắc hay làm giày; dẫu bạn là người làm vườn, nông dân, ngư dân hay thợ mộc, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là bạn có đặt cả tâm hồn mình vào cái đang được sáng tạo hay không. Nếu có, đâu đó trong sản phẩm bạn làm ra sẽ toát lên nét thiêng liêng, thần thánh.
Cả Thượng viện im phăng phắc, các thượng nghị sĩ hiểu rằng họ không thể nào làm nhục con người này. Và ông đã chứng tỏ được sự quan tâm, nể phục của mình đối với tinh thần sáng tạo.
Do vậy, dẫu bạn vẽ tranh, điêu khắc hay làm giày; dẫu bạn là người làm vườn, nông dân, ngư dân hay thợ mộc, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là bạn có đặt cả tâm hồn mình vào cái đang được sáng tạo hay không. Nếu có, đâu đó trong sản phẩm bạn làm ra sẽ toát lên nét thiêng liêng, thần thánh.
Hãy nhớ rằng sáng tạo không hề liên quan gì đến bất kỳ công việc đặc biệt nào. Sáng tạo chỉ liên quan đến ý thức của bạn. Mọi điều bạn làm đều có thể trở nên đầy tính sáng tạo nếu bạn hiểu được ý nghĩa thật sự của sự sáng tạo.
Sáng tạo nghĩa là tận hưởng mọi công việc, một trải nghiệm tuyệt vời chẳng khác gì thiền định, nghĩa là làm mọi việc với tình yêu sâu sắc. Nếu bạn làm với tình yêu đích thực, việc dọn dẹp cũng trở thành một công việc sáng tạo. Còn bằng không thì nó chỉ là một công việc vặt vãnh, một thứ “phải” làm, một gánh nặng. Rồi bạn muốn có một thời điểm khác để sáng tạo. Bạn sẽ làm gì vào lúc ấy? Liệu bạn có thể tìm thấy việc gì khác tốt hơn để làm? Có phải bạn đang nghĩ rằng mình sẽ sáng tạo hơn nếu được vẽ tranh?
Tuy vậy, việc vẽ tranh cũng bình thường như dọn sàn thôi. Một đằng, bạn sẽ ném màu lên tấm vải vẽ; còn đằng kia, bạn lau dọn, chùi rửa. Vậy có gì khác nhau? Nói chuyện với ai đó, chẳng hạn như với một người bạn, thì bạn cảm thấy mình đang hoang phí thời gian. Bạn chỉ muốn viết một quyển sách vĩ đại để cảm thấy mình sáng tạo. Nhưng người bạn ấy đã tới rồi kìa! Tán gẫu một chút cũng hay đấy chứ – hãy sáng tạo đi!
Kinh sách thật ra cũng chỉ là tập hợp những câu chuyện tán gẫu của những người sáng tạo. Tôi đang làm gì đây trong quyển sách này? Cũng chỉ là tán gẫu với bạn mà thôi. Biết đâu một ngày nào đó chúng sẽ trở thành sách Phúc âm, nhưng ban đầu chúng chỉ là những chuyện tầm phào. Nhưng tôi thích cái mình đang làm, tôi cứ tiếp tục cho đến mãi mãi. Có thể một ngày nào đó bạn thấy mệt mỏi khi cứ ngồi nghe như thế này nhưng tôi thì không, bởi với tôi đó là niềm vui. Dẫu mọi người có ra về hết, chẳng còn lại ai, tôi vẫn sẽ tiếp tục nói. Nếu bạn thật sự yêu một điều gì đó, thì đấy chính là sáng tạo.
Nhiều người ngay từ lần đầu tiên gặp tôi đã nói ngay: “Việc gì cũng được, thầy Osho ạ. Việc gì cũng được, kể cả dọn dẹp!”. Chính xác hơn thì họ nói là: “Kể cả dọn dẹp cũng được, miễn sao đó là việc của thầy. Chúng tôi sẽ vui vẻ làm”. Thế rồi chỉ sau vài ngày họ lại tìm đến tôi và bảo: “Dọn dẹp ư… nhưng chúng tôi cần một công việc nào đó cực kỳ sáng tạo!”.
Có một giai thoại như sau:
Lo lắng về đời sống tình dục uể oải của hai vợ chồng, cô vợ trẻ bèn thuyết phục anh chồng đi trị liệu bằng phương pháp thôi miên. Sau vài buổi, ham muốn tình dục của anh chồng lại trỗi dậy nhưng trong lúc quan hệ, thỉnh thoảng anh ta cứ chạy ra khỏi phòng ngủ để vào phòng tắm, rồi trở lại.
Quá ngạc nhiên, một hôm cô vợ bèn đi theo anh vào phòng tắm. Rón rén đi đến cửa, cô thấy anh đứng trước gương, nhìn chằm chặp vào mình và lầm bầm: “Cô ấy không phải là vợ mình... Cô ấy không phải là vợ mình”.
Khi bạn phải lòng một người phụ nữ, bạn tiến tới tìm hiểu, quan hệ xác thân, tận hưởng khoái lạc... nhưng rồi mọi việc đi qua, cô ấy đã là vợ bạn. Mọi thứ dần trở nên cũ kỹ. Bạn đã quá thân quen với gương mặt ấy, thân hình ấy, đường nét ấy. Bạn thấy chán! Vậy là nhà thôi miên đã làm tốt công việc của ông ta! Ông đã đưa ra một đề nghị hết sức đơn giản, đó là trong lúc giao hoan, bạn hãy nghĩ: “Cô ấy không phải là vợ mình... Cô ấy không phải là vợ mình”.
Vì vậy, trong lúc dọn dẹp, bạn hãy nghĩ là mình đang vẽ tranh. “Đây không phải là dọn dẹp. Đây là công việc sáng tạo vĩ đại” và mọi thứ sẽ trở nên như thế! Chỉ cần khéo léo một chút với tâm trí, bạn sẽ có thể làm cho mọi hành động của mình thấm đẫm tính sáng tạo.
Người hiểu biết sẽ không ngừng sáng tạo. Anh ta không hề cố tỏ ra sáng tạo mà ngay trong cái cách anh ta ngồi cũng đậm tính sáng tạo. Mỗi cử động của anh chẳng khác vì một vũ điệu, trông thật đường hoàng.
Mới hôm nọ tôi có đọc được câu chuyện về một vị thiền sư chết với tư thế đứng trong huyệt mộ nhưng vẫn toát lên vẻ oai nghiêm. Ngay cả trước lúc qua đời, ông vẫn thực hiện một hành động sáng tạo. Quá hoàn hảo, không thể nào làm tốt hơn được!
Nấu ăn, dọn dẹp… toàn là những chuyện nhỏ nhặt! Nhưng cuộc sống vốn dĩ được tạo nên từ những điều nhỏ bé như thế. Chỉ có cái tôi mới không ngừng bảo chúng là nhỏ nhặt.
Bạn thường muốn làm điều gì đó lớn lao. Bạn muốn trở thành Shakespeare, Kalidas, Milton... Chính cái tôi đã sinh ra biết bao nhiêu phiền toái. Vì vậy hãy vứt bỏ cái tôi đi, rồi mọi thứ sẽ trở nên sáng tạo.
Tôi có nghe được cuộc đối thoại như sau:
Một bà nội trợ nọ thấy cậu bé bán tạp phẩm lanh lẹ thì rất thích, bà bèn hỏi tên cậu bé là gì. “Shakespeare ạ!”, cậu bé đáp.
− Cái tên này nổi tiếng lắm đấy!
− Hẳn là thế rồi. Cháu đã giao hàng ở khu này gần ba năm rồi.
Tôi thích câu trả lời của cậu bé! Tại sao cứ phải bận tâm đến việc là Shakespeare? Ba năm giao hàng trong khu phố, công việc đó cũng hay ho có khác gì viết một quyển sách, một cuốn tiểu thuyết hay một vở kịch đâu!
Cuộc sống luôn chứa đựng những điều nhỏ bé. Và chúng sẽ trở thành vĩ đại nếu bạn làm chúng với tình yêu thương. Khi đó mọi thứ đều trở nên thật lớn lao, đẹp đẽ. Còn bằng không, cái tôi sẽ không ngừng bảo: “Việc này chẳng xứng với anh. Dọn dẹp ư? Chẳng xứng với anh chút nào! Hãy làm việc gì đó lớn lao hơn, hãy trở thành Joan of Arc(**)”. Song, tất cả những thứ đó đều vô nghĩa.
(**) Jeanne d’Arc hay Joan of Arc (1412 – 1431): nữ anh hùng người Pháp trong cuộc chiến giữa Pháp và Anh. Ngày 16 tháng 5 năm 1920, Jeanne d’Arc được chính thức phong Thánh.
Cuộc sống vốn dĩ được tạo nên từ những điều nhỏ bé như thế. Chỉ có cái tôi mới không ngừng bảo chúng là nhỏ nhặt. Bạn thường muốn làm điều gì đó lớn lao. Bạn muốn trở thành Shakespeare, Kalidas, Milton... Chính cái tôi đã sinh ra biết bao nhiêu phiền toái. Vì vậy hãy vứt bỏ cái tôi đi, rồi mọi thứ sẽ trở nên sáng tạo.
Dọn dẹp là một công việc vĩ đại! Đừng chạy theo cái tôi. Bất cứ khi nào nó xuất hiện và thuyết phục bạn theo đuổi những điều vĩ đại, ngay lập tức hãy nhận ra và gạt bỏ nó đi, dần dà bạn sẽ thấy cái tầm thường cũng trở nên thiêng liêng. Không gì là trần tục cả, mọi thứ đều thiêng liêng.
Chừng nào mà mọi thứ còn chưa trở nên thiêng liêng đối với bạn thì cuộc sống của bạn vẫn chưa tâm linh. Con người ta trở nên thánh thiện không phải bởi vì bạn gọi họ là thánh – họ trở thành thánh trong mắt bạn vì bạn nghĩ rằng họ làm những việc lớn lao. Song, thánh nhân cũng là những con người bình thường, nhưng họ thiết tha yêu cuộc sống này. Chẻ củi, gánh nước, nấu ăn… tất cả những gì anh ta chạm vào đều toát lên vẻ đẹp thiêng liêng, thần thánh. Anh ta đâu có làm chuyện gì quá lớn lao, anh ta làm mọi việc bằng cả tấm lòng của mình.
Sự vĩ đại không nằm ở công việc bạn thực hiện mà nằm ở chính ý thức làm việc. Hãy thử đi! Hãy thử chạm vào hòn sỏi bằng tất cả tình yêu của bạn, rồi nó sẽ hóa thành viên kim cương khổng lồ. Hãy mỉm cười, đột nhiên bạn sẽ thấy mình trở thành ông hoàng, bà chúa. Hãy cười lên, hãy vui vẻ…
Thánh nhân cũng là những con người bình thường, nhưng họ thiết tha yêu cuộc sống này. Chẻ củi, gánh nước, nấu ăn… tất cả những gì anh ta chạm vào đều toát lên vẻ đẹp thiêng liêng, thần thánh. Anh ta đâu có làm chuyện gì quá lớn lao, anh ta làm mọi việc bằng cả tấm lòng của mình.
Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống cần được thay đổi bằng chính tình yêu của bạn.
Khi tôi bảo bạn hãy sáng tạo, không có nghĩa là bạn phải trở thành họa sĩ hay thi sĩ vĩ đại. Tôi chỉ muốn nói rằng, hãy làm cho cuộc đời bạn trở thành một bức tranh, một bài thơ; bằng không thì cái tôi sẽ xâm nhập vào mảnh đất của bạn và gây phiền toái.
Hãy tìm đến các phạm nhân và hỏi họ xem vì sao họ lại phạm tội ác. Đó là do họ không thể tìm thấy bất kỳ việc lớn lao nào để làm. Họ không thể trở thành tổng thống của một đất nước, chính vì thế họ đã ám sát tổng thống vì việc đó dễ làm hơn. Rồi họ sẽ trở nên nổi tiếng như tổng thống. Họ sẽ được xuất hiện trên trang bìa tất cả các tờ báo.
Khi tôi bảo bạn hãy sáng tạo, không có nghĩa là bạn phải trở thành họa sĩ hay thi sĩ vĩ đại. Tôi chỉ muốn nói rằng, hãy làm cho cuộc đời bạn trở thành một bức tranh, một bài thơ.
Một người nọ đã sát hại bảy người và khi được hỏi tại sao lại làm vậy, vì bảy người kia đều hoàn toàn không can hệ gì đến anh ta, thì anh ta trả lời rằng anh ta muốn trở nên vĩ đại. Trước đó chẳng tờ báo nào chịu đăng bài viết của anh, chẳng ai chịu đăng hình anh trong khi cuộc sống thì ngắn ngủi, do đó anh ta đã giết chết bảy người kia. Họ chẳng hề dính dáng gì đến anh, anh ta cũng chẳng bực tức hay căm ghét gì họ, chỉ đơn giản là vì anh ta muốn trở nên nổi tiếng mà thôi.
Bà Moskowitz đang tự hào khoe với người hàng xóm:
- Bà có biết chuyện gì về Louie, con trai của tôi không?
- Không, cháu làm sao cơ?
- Cháu đến gặp bác sĩ tâm thần, mỗi tuần hai lần.
- Thế có tốt không?
- Tốt chứ! Mỗi giờ cháu phải trả những bốn mươi đô-la cơ đấy! Và tất cả mọi điều cháu nói với bác sĩ đều là về tôi.
Đừng bao giờ dùng cách đó để trở nên nổi tiếng, trở nên vĩ đại. Đừng bao giờ! Cứ trung thực như cuộc sống vốn có là hoàn hảo nhất. Hãy cứ bình thường, cứ trung thực như vốn có là tốt rồi. Tuy nhiên, hãy sống một cách phi thường với sự bình thường ấy. Đó chính là tâm thức niết bàn.
Nếu mục đích lớn lao mà bạn muốn đạt tới là niết bàn thì khi đó bạn sẽ sống trong ác mộng. Nhưng nếu niết bàn nằm trong những điều nhỏ nhoi, trong cách bạn sống – nghĩa là trong cách bạn chuyển đổi những hoạt động nhỏ bé thành hành động thiêng liêng – thì khi đó ngôi nhà của bạn sẽ trở thành ngôi đền và cơ thể bạn sẽ trở thành nơi an ngự của Thượng đế. Đồng thời bất cứ nơi nào bạn nhìn, hay bất cứ vật gì bạn chạm vào đều trở nên đẹp đẽ, thiêng liêng vô cùng. Thế thì niết bàn chính là sự tự do.
Niết bàn nghĩa là sống một cuộc sống bình thường với tất cả sự tỉnh thức, tràn ngập ánh sáng ý thức. Điều này hoàn toàn có thể đạt được. Tôi nói vậy vì tôi đã và đang sống như thế. Tôi nói với thẩm quyền của mình, vì tôi không trích dẫn lời của Đức Phật hay Đức Chúa. Đấy hoàn toàn là những lời từ bản thân tôi.
Tôi đã làm được thì bạn cũng làm được. Chỉ cần bạn đừng chạy đuổi theo cái tôi. Chỉ cần bạn yêu quý cuộc sống, tin vào cuộc sống, rồi cuộc sống sẽ trao cho bạn tất cả những gì bạn cần. Cuộc sống sẽ trở thành một ơn phước, một phúc lành đối với bạn.