Trong một bài phát biểu của mình, Friedrich Nietzsche(***) có nói: “Thảm họa lớn nhất sẽ rơi xuống nhân loại vào cái ngày mà tất cả những con người mơ mộng đều biến mất”. Toàn thể sự tiến hóa của nhân loại là nhờ con người đã mơ mộng về nó. Những gì là mộng mơ của ngày hôm qua sẽ trở thành hiện thực trong hôm nay, và những gì hãy còn là mộng mơ hôm nay sẽ trở thành hiện thực vào ngày mai.
(***) Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 – 1900): triết gia người Đức. Ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò là nhà ngữ văn học, từng viết nhiều bài phê bình về tôn giáo, đạo đức, các vấn đề văn hóa đương thời và triết học.
Tất cả thi sĩ, nhạc sĩ và nhà huyền môn đều là những con người mơ mộng. Trong thực tế, tính sáng tạo chính là sản phẩm phụ của sự mơ mộng.
Nhưng những mộng mơ này khác với những mộng mơ mà Sigmund Freud đã phân tích. Do đó, bạn cần phân biệt giữa mộng mơ của thi sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà huyền môn hay vũ công với mộng mơ của một tâm trí bệnh hoạn.
Rất đáng tiếc là Sigmund Freud chưa bao giờ đoái hoài đến những con người mơ mộng vĩ đại đã đặt nền tảng cho sự tiến hóa của nhân loại. Ông ấy chỉ gặp toàn những con người bệnh hoạn về mặt tâm lý, và do bởi cả cuộc đời ông dành cho việc phân tích những giấc mơ của các bệnh nhân tâm thần nên từ “mơ” đã bị kết án. Những kẻ mất trí có mơ đấy, nhưng giấc mơ đó sẽ hủy hoại anh ta. Còn người sáng tạo cũng mơ, nhưng giấc mơ đó sẽ làm cho thế giới thêm giàu đẹp.
Tôi chợt nhớ đến Michelangelo. Một lần ông ấy đi ngang qua một khu chợ bày bán rất nhiều loại đá cẩm thạch. Trông thấy một tảng đá rất đẹp, ông bèn hỏi han về nó. Người chủ bèn đáp: “Nếu muốn, ông có thể lấy miễn phí vì nó nằm đó rất chiếm chỗ. Đã mười hai năm rồi mà chẳng có ai buồn hỏi về nó, tôi cũng không thấy có tiềm năng gì ở tảng đá này”.
Michelangelo bèn lấy tảng đá về và miệt mài làm việc gần một năm trời, cuối cùng tạc nên một bức tượng đẹp chưa từng có. Đó là bức tượng Chúa Jesus sau khi được đưa từ Thập tự giá xuống và đang nằm trong lòng Mẹ Maria. Tôi chỉ được nhìn thấy hình chụp về bức tượng nhưng nó sống động đến đỗi trông như thể Ngài sắp sửa thức dậy bất cứ lúc nào. Michelangelo đã gọt đẽo tảng đá khéo léo, kỳ công đến nỗi bạn có thể cảm nhận được cả sức mạnh của Chúa Jesus lẫn sự mong manh, dễ vỡ của những giọt nước mắt trên gương mặt Đức Mẹ.
Sau khi tạc xong bức tượng, Michelangelo đã mời người chủ tiệm đá đến nhà để chiêm ngưỡng. Không thể tin vào mắt mình, ông thốt lên: “Ông kiếm tảng đá cẩm thạch đẹp tuyệt này ở đâu vậy?”.
Michelangelo bèn đáp: “Ông không nhận ra ư? Đó chính là tảng đá xấu xí đã nằm ở tiệm của ông suốt mười hai năm đấy”. Ông chủ tiệm ngạc nhiên: “Làm sao ông biết tảng đá xấu xí đó lại có thể trở thành bức tượng đẹp như vầy?”.
Michelangelo trả lời: “Tôi không hề nghĩ về chuyện đó. Tôi từng mơ ước sẽ được tạc một bức tượng như vậy. Và khi đi ngang tảng đá, đột nhiên tôi trông thấy Chúa Jesus gọi ‘Ta đang bị mắc kẹt trong tảng đá này. Hãy giải thoát cho Ta, hãy giúp Ta ra khỏi tảng đá này’. Tôi đã trông thấy một bức tượng y hệt như thế này trong tảng đá. Do vậy tôi chỉ làm một phần việc rất nhỏ, đó là loại bỏ những phần không cần thiết của tảng đá. Thế là Chúa Jesus và Mẹ Maria được giải thoát khỏi sự ràng buộc ấy”.
Mới vài năm trước thôi, một kẻ điên đã cố tìm cách phá hủy nó; còn giờ thì nó được đặt ở Vatican. Khi được hỏi vì sao lại làm vậy, hắn ta đáp: “Tôi cũng muốn được nổi tiếng. Michelangelo phải làm việc ròng rã một năm trời để trở nên nổi tiếng; còn tôi, tôi chỉ mất có năm phút là đã phá hủy toàn bộ bức tượng. Và tên tôi sẽ xuất hiện trên tít lớn của các tờ báo trên toàn thế giới”.
Cả hai đều tác động đến tảng đá, nhưng một người thì là nhà sáng tạo, còn người kia là một kẻ điên.
Sẽ là một sự cống hiến vĩ đại nếu có một người cũng giống như Sigmund Freud nhưng thay vì phân tích giấc mơ của những người tâm thần, họ sẽ phân tích giấc mơ của những người không chỉ khỏe mạnh về mặt tâm lý mà còn sáng tạo nữa. Khi đó, kết quả phân tích sẽ cho thấy mọi giấc mơ không phải là sự ức chế mà là sản phẩm của một ý thức sáng tạo. Giấc mơ của họ không hề bệnh hoạn, ngược lại chúng còn thật sự lành mạnh. Toàn bộ sự tiến hóa và ý thức của con người đều phụ thuộc vào những mộng mơ như thế này.
Toàn thể sự tồn tại trên thế gian là một sự hợp nhất hữu cơ. Chúng ta, người với người, không chỉ nắm tay nhau mà còn đang nắm tay với cả cây cối. Chúng ta không chỉ cùng hít thở mà cả Vũ trụ này đang hít thở cùng nhau.
Cả Vũ trụ là một bản tổng hòa. Chỉ có con người là đã quên mất ngôn ngữ của sự hòa hợp, và nhiệm vụ của tôi ở đây là nhắc bạn nhớ lại. Chúng ta không tạo ra sự hòa hợp, mà sự hòa hợp ấy chính là thực tế. Chỉ có điều là bạn đã quên. Có thể nó quá hiển nhiên nên bạn quên mất. Hoặc là do bạn sinh ra trong thực tế ấy nên bạn không ý thức về nó.
Một con cá nọ hay suy nghĩ theo kiểu triết học đi hỏi một con cá khác: “Tôi nghe nói rất nhiều về đại dương, anh có biết nó ở đâu không?”. Nó đang sống trong đại dương kia mà! Nó sinh ra ở đại dương, lớn lên trong đại dương và chưa bao giờ rời đại dương. Chưa bao giờ đại dương là một vật thể tách rời khỏi bản thân nó. Một con cá già cũng bảo với nó rằng: “Thì chúng ta đang ở trong đại dương chứ đâu!”.
Thế nhưng con cá triết gia trẻ nọ không thỏa mãn với câu trả lời này: “Bác đùa ấy chứ! Đây là nước mà bác gọi là đại dương. Cháu phải đi hỏi thêm những người thông thái khác quanh đây thôi”.
Và con cá đó chỉ hiểu về đại dương khi nó bị người đánh cá bắt lên bờ. Khi ấy, lần đầu tiên trong đời nó mới hiểu rằng trước nay mình vẫn luôn sống trong đại dương, đại dương chính là cuộc đời của nó. Không có đại dương, nó sẽ không sống nổi.
Nhưng với con người thì khó đấy!
Bạn không thể nào tách rời khỏi sự tồn tại, bởi sự tồn tại là bất tận và cũng chẳng có bến bờ nào để bạn có thể đứng riêng ra mà ngắm sự tồn tại. Cho dù bạn ở đâu, bạn cũng sẽ là một phần của toàn thể sự tồn tại.
Tất cả chúng ta đều cùng thở chung một bầu không khí. Chúng ta là một phần của dàn nhạc giao hưởng. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời – đừng gọi đó là mơ, vì từ mơ đã bị Sigmund Freud gán cho một ý nghĩa hết sức sai lệch; nếu không thì nó đã là một trong những từ đẹp nhất, thi vị nhất.
Chỉ cần tĩnh lặng, hân hoan và hiện hữu. Trong trạng thái tĩnh lặng đó, bạn sẽ cảm thấy mình đang hòa nhập cùng mọi người. Còn khi bạn suy nghĩ, bạn sẽ tách rời khỏi mọi người, bởi vì trong lúc bạn đang nghĩ về điều này thì người khác lại nghĩ về điều nọ. Nhưng nếu cả hai đều tĩnh lặng, bức tường giữa bạn và họ sẽ biến mất.
Hai sự tĩnh lặng không thể nào là hai mà phải trở thành một.
Những giá trị cao quý – như yêu thương, tĩnh lặng, an lạc, hạnh phúc, thành kính… – sẽ cho bạn cảm nhận về sự nhất thể. Tất cả chúng ta đều là những hình thức thể hiện khác nhau của một thực tế, những bài hát khác nhau của một ca sĩ, những vũ điệu khác nhau của một vũ công, những bức tranh khác nhau của một họa sĩ.
Nhưng xin bạn đừng gọi đó là mơ, đây chính là thực tại. Thực tại đẹp hơn bất kỳ giấc mơ nào. Thực tại phiêu diêu hơn, rực rỡ hơn, hân hoan hơn và nhiều vũ điệu hơn sức tưởng tượng của bạn. Thế nhưng chúng ta lại quá u mê...
Cái u mê đầu tiên là chúng ta nghĩ rằng mình là những cá nhân riêng rẽ. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng chẳng ai là một hòn đảo cô độc trên thế gian này, tất cả chúng ta đều là một phần của lục địa bao la. Lục địa có thể mênh mông, song không vì thế mà chúng ta tách rời nhau. Sự mênh mông đó chỉ làm cho cuộc sống thêm phong phú và đa dạng – một phần trong chúng ta ở Himalayas, một phần trong chúng ta ở trên các vì sao, một phần trong chúng ta ở trong những bông hoa hồng, một phần trong chúng ta ở trong con chim đang tung cánh và một phần của chúng ta đang ngự trong màu xanh của cây cối. Chúng ta lan tỏa ra khắp nơi. Việc nhìn nhận đây là một thực tế sẽ giúp bạn biến đổi hoàn toàn cách tiếp cận cuộc sống, cũng như mọi hành động và bản thân bạn.
Khi đó, bạn sẽ tràn ngập yêu thương và lòng kính trọng đối với cuộc sống. Lần đầu tiên, bạn sẽ trở nên thuần thành tôn giáo – không thuộc về một tôn giáo đã được định danh nào, mà là thuần thành tôn giáo.
Khi bạn suy nghĩ, bạn sẽ tách rời khỏi mọi người, bởi vì trong lúc bạn đang nghĩ về điều này thì người khác lại nghĩ về điều nọ. Nhưng nếu cả hai đều tĩnh lặng, bức tường giữa bạn và họ sẽ biến mất. Hai sự tĩnh lặng không thể nào là hai mà phải trở thành một.
Religion, thường được dịch thành tôn giáo, là một từ rất hay, rất đẹp. Nghĩa gốc của nó là gắn kết những người đã tách rời nhau do u mê, là làm họ thức tỉnh để họ không còn thấy mình chia rời, tách biệt với nhau nữa. Khi đó, bạn không thể làm tổn thương dù chỉ là một cái cây. Khi đó, lòng trắc ẩn cũng như tình yêu thương của bạn hoàn toàn là tự nhiên, không phải là sự biểu lộ gắng gượng, không hề do được vun trồng hay rèn luyện mà có. Tình yêu do được vun trồng mới nên thì là thứ tình yêu giả tạo.
Nhân danh tôn giáo, rất nhiều tội ác đã diễn ra trong quá khứ. Số người đã chết dưới tay những kẻ nhân danh tôn giáo là nhiều hơn cả. Rõ ràng tất cả những tôn giáo này đều giả tạo, rởm đời.
Tôn giáo đích thực cần phải được sinh ra.
Có lần, nhân dịp H. G. Wells, văn sĩ nổi tiếng người Anh, xuất bản quyển lịch sử thế giới – vốn là một công trình đồ sộ – ông đã được hỏi rằng: “Ông nghĩ gì về sự văn minh?”.
Ông trả lời như sau: “Đó là một ý tưởng hay, tuy nhiên cần có một người làm điều gì đó để biến nó thành hiện thực”.
Vậy là mãi cho đến nay chúng ta vẫn chưa văn minh, chưa có văn hóa, chưa tôn giáo. Nhân danh văn minh, nhân danh văn hóa và nhân danh tôn giáo, chúng ta đã làm những điều hết sức tàn bạo.
Religion, thường được dịch thành tôn giáo, là một từ rất hay, rất đẹp. Nghĩa gốc của nó là gắn kết những người đã tách rời nhau do u mê, là làm họ thức tỉnh để họ không còn thấy mình chia rời, tách biệt với nhau nữa.
Con người đã xa rời khỏi thực tại. Họ cần được đánh thức trở lại để hiểu ra một chân lý vĩnh hằng, rằng tất cả chúng ta đều là một. Đây không phải là giả thuyết mà là trải nghiệm của mọi thiền nhân và không hề có ngoại lệ qua nhiều thời đại. Toàn thể sự tồn tại là một sự hợp nhất hữu cơ.
Do vậy bạn đừng nhầm lẫn cho rằng trải nghiệm đẹp chỉ là giấc mơ. Vì gọi như thế tức là bạn đã chối bỏ thực tế của nó. Giấc mơ cần được biến thành hiện thực, đừng để cho thực tại trôi xa vào ảo mộng.